22.1.18

Erving Goffman - Người khám phá cái siêu nhỏ

CÁI CHẾT CỦA NHÀ XÃ HỘI HỌC ERVING GOFFMAN. NGƯỜI KHÁM PHÁ CÁI SIÊU NHỎ
Pierre Bourdieu
Erving Goffman (1922-1982)

Nhà xã hội học Canada Erving Goffman đã qua đời ngày 19 tháng 11 năm 1982 tại Philadelphie vào tuổi 60. Pierre Bourdieu, giáo sư tại Học Vin Pháp Quốc, người đã giới thiệu sự nghiệp của Goffman ở Pháp qua việc xuất bản các tác phẩm của Goffman ở nhà xuất bản Editions de Minuit, giúp cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự nghiệp của Goffman.    
Sự nghiệp của Goffman là sản phẩm hoàn hảo nhất của một cách độc đáo và hiếm có nhất để làm xã hội học: đó là cách nhìn thực tại xã hội từ một khoảng cách rất gần và rất lâu, cách mặc áo trắng của người thầy thuốc để xâm nhập vào bệnh viện tâm thần và tự xây dựng một chỗ đứng ngay tại nơi xảy ra vô số những sự tương tác cực nhỏ mà sự điều hợp tạo nên đời sống xã hội.
Goffman là người đã giúp xã hội học khám phá cái siêu nhỏ: cái mà chính các lý thuyết gia không có đối tượng và các nhà quan sát không có khái niệm không thể thấy được và do đó cũng không được biết đến vì nó có v quá rõ ràng, cũng như mọi thứ được xem như là hiển nhiên. Một thí dụ thôi, sự mô tả mà Goffman đã đưa ra về chu kỳ của điếu thuốc mà ta có thể nhận thấy được trong một vài khu của các bệnh viện tâm thần.
“Một thuộc hạ tới đứng trước đại ca của mình khi người này châm một điếu thuốc (….) và hắn chờ cho đến khi điếu thuốc bị cháy đến mức hắn có thể thừa hưởng được. Đôi khi chính hắn cũng muốn đóng vai đại ca đối với một bệnh nhân khác khi mà hắn chuyển cho người này điếu thuốc mà hắn đã hút gần hết. Người thứ ba hưởng được điếu thuốc này phải sử dụng một cây kim hay một (thủ thuật) cách nào đó để giữ điếu thuốc mà không bị cháy tay. Khi điếu thuốc này bị quăng xuống đất, nó vẫn có thể được sử dụng (…) quá nhỏ để có thể hút được nó vẫn đủ lớn để cung cấp thuốc lá.”    
Sự tò mò giống như của một nhà nghiên cứu về côn trùng tất yếu sẽ làm cho thành phần tinh hoa - lãnh đạo (establishment) bối rối và thậm chí bị sốc vì họ có thói quen nhìn xã hội từ xa và từ cao. Người mà những kẻ gìn giữ thuyết giáo điều thực chứng xếp vào thành phần không bình thường (lunatic fringe) của xã hội học, tức là những thành phần kỳ quặc có tham vọng lấy sự dễ dãi của sự suy tư triết học hay của sự mô tả văn chương để thay thế cho sự nghiêm túc và chính xác của khoa học, đã trở thành một quy chiếu cơ bản không chỉ cho các nhà xã hội học, mà cả cho các nhà tâm lý học, tâm lý xã hội học và xã hội học ngôn ngữ (tôi nghĩ đến tác phẩm cuối cùng của ông, Forms of Talk được xuất bản năm 1981 tại Philadelphie).
E. C. Hughes (1897-1983)
G. H. Mead (1863-1931)
Nếu Goffman, nhà quan sát đam mê của thực tại biết nhìn một cách tinh vi như vậy là vì ông biết ông muốn tìm cái gì. Là học trò của Everett C. Hughes, một bậc thầy của xã hội học Mỹ, ông còn được nuôi dưỡng bởi các thành quả của trường phái Chicago – và đặc biệt sự đóng góp của G. H. Mead và C. H. Cooley mà ông vẫn thường nhắc đến trong những nghiên cứu của mình – và của tất cả những gì mà cái trung tâm của sự chuyên nghiệp khoa học này đã tích lũy và đồng hóa, từ những công trình của những nhà nghiên cứu thuộc trường phái của Durkheim đến cả xã hội học hình thức của Simmel. Chính với hành trang này, cộng thêm với lý thuyết trò chơi, Goffman đã tiếp cận những sự vật trước đây bị loại bỏ ra ngoài phạm vi của tầm nhìn khoa học.       
C. H. Cooley (1864-1929)
Qua những dấu hiệu tinh tế và ít bền vững nhất của các tương tác xã hội, ông đã nắm bắt được cái lôgíc của sự lao động để biểu hiện; tức là toàn bộ những chiến lược mà những tác nhân xã hội sử dụng để cố gắng xây dựng cái bản sắc (identity) của mình, để tạo nặn hình tượng xã hội của mình, hay nói một cách khác để tự sản xuất chính mình: thông qua một cố gắng ít nhiều bền vững để dàn cảnh, các tác nhân xã hội cũng là những diễn viên diễn xuất cho người khác, nhằm đến việc tự đề cao mình, tạo nên “ấn tượng tốt đẹp nhất” về mình, hay nói một cách đơn giản là để tự biểu hiện và đề cao giá trị của bản thân. 
Quan niệm này về thế giới xã hội có thể bị đánh giá như là bi quan, thậm chí bất chấp đạo lý (cynique), nhưng đó lại là quan niệm của một con người nhiệt tình và thân thiện, khiêm tốn và ân cần. Có lẽ sự nhạy cảm của ông đối với sự kịch tính của đời sống xã hội là do chính bản thân ông rất ít nhẫn nại với các hình thức bình thường của nghi thức hàn lâm và sự khoa trương trí thức.
Phạm Như Hồ dịch
----


[Erving Goffman sinh ngày 11 tháng 6 năm 1922 ở Manville (Canada). Là sinh viên ở Toronto, rồi ở Chicago, nơi ông có được bằng tiến sĩ, năm 1958 ông gia nhập Đại học California ở Berkeley và được phong chức giáo sư vào năm 1962. Từ năm 1968, cùng với Bemjamin Franklin, ông là giáo sư Nhân học và Xã hội học ở đại học Pennsylvanie. Vợ của ông, bà Gillian Sankoff là giáo sư về Ngôn ngữ học xã hội ở đại học Pennsylvanie.
Đa số những tác phẩm của ông đều đã được dịch ra tiếng Pháp và được xuất bản trong Tủ sách “Lý lẽ thông thường” do Pierre Bourdieu làm giám đốc ở Nhà Xuất Bản Editions de Minuit: Bệnh viện tâm thần – Nghiên cứu về tình trạng xã hội của người bệnh nhân tâm thần, 1968; Sự dàn cảnh về cái tôi trong đời sống hàng ngày: I. Thể hiện cái tôi  II. Quan hệ nơi công cộng, 1973; Những nghi thức tương tác, 1974Vết sẹo/Sự kỳ thị  – Cách sử dụng những tật nguyền về mặt xã hội, 1976]
Print Friendly and PDF