8.1.18

Hồ sơ Paradise, về cơ bản, vấn đề với các thiên đường thuế là gì?

“HỒ SƠ PARADISE”: VỀ CƠ BẢN, VẤN ĐỀ VỚI CÁC THIÊN ĐƯỜNG THUẾ LÀ GÌ?

Cuộc tranh luận về các thiên đường thuế không chỉ giới hạn  sự cạnh tranh đơn thuần giữa những quốc gia đánh thuế nhiều và những quốc gia đánh thuế ít.
LE MONDE | 09. 11. 2017
Các thiên đường thuế, đã kết thúc rồi!” Tám năm sau khi thông báo vang dội của Nicolas Sarkozy, “Hồ sơ Paradise”, một lần nữa, vừa mang lại bằng chứng cho thấy Tổng thống Pháp đã nói hơi quá sớm. Bởi vì nếu đã thực hiện được những tiến bộ mang tính quyết định trong những năm gần đây, theo nhịp độ của nhiều vụ bê bối tài chính khác nhau, thì vấn đề vẫn còn nguyên vẹn.
Nhưng cuối cùng, vấn đề là gì và chúng ta đang nói đến vấn đề gì? Quả thực, câu hỏi về các thiên đường thuế liên quan đến hai cách đặt vấn đề: thuế và tính thiếu minh bạch về mặt tài chính.

1. Thuế

Để cho các định chế và các cơ quan dịch vụ công của mình vận hành được, tất cả các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu các cá nhân và doanh nghiệp có trụ sở đặt tại nước họ phải đóng góp thuế. Bằng cách đánh thuế các tài sản thừa kế, các khoản thu nhập hoặc di sản, thuế cũng giữ vai trò phân phối lại xã hội, để hạn chế sự gia tăng của bất bình đẳng.
Ngay cả khi mọi người không đóng thuế một cách vui vẻ, thì các xã hội của chúng ta chỉ có thể hoạt động bằng cách chấp nhận hợp đồng có qua có lại giữa nhà nước và công dân mà người ta gọi là “khế ước xã hội”.
Tất nhiên, có một số người từ chối hợp đồng này. Nhiều nước trên thế giới đề xuất một chính sách thuế có lợi để thu hút họ: vì thế có một số người Pháp quyết định định cư ở Thụy Sĩ để trở thành những cư dân đóng thuế ở đó và một số công ty lớn di dời một số hoạt động kinh doanh của mình sang Ireland hoặc Luxembourg, nơi có thuế suất thấp hơn. Nói chung, tất cả các kỹ thuật này đều hợp pháp: một người, khi không hài lòng với khế ước xã hội do quốc gia mình đề xuất, có quyền thay đổi, với điều kiện là có một nước khác sẵn sàng chấp nhận mình. Người ta gọi bằng “sự tối ưu hóa thuế” cách thực hành một cách hợp pháp trò chơi cạnh tranh này về thuế.
Vấn đề là có một số người muốn chơi ở cả hai n: đó là trường hợp của những cá nhân muốn hưởng các dịch vụ công và hệ thống xã hội của Pháp mà không phải trả thuế ở Pháp; hay những công ty như Apple hoặc Google muốn phát triển các hoạt động kinh doanh tại Pháp nhưng không gánh chịu cùng một nghĩa vụ thuế như các công ty  Pháp. Chính trên điểm này mà chúng ta bắt đầu đến gần ranh giới về tính hợp pháp và gặp phải vấn đề thứ hai do các thiên đường thuế đặt ra.

2. Tính thiếu minh bạch về mặt tài chính

Một kẻ trốn thuế quyết định cất giấu hết tiền bạc của mình trong một tài khoản ở Thụy Sĩ để tránh trả thuế ở Pháp hay một cầu thủ bóng đá đầu tư một phần tiền lương của mình vào Bahamas để không phải khai phần này, đều có một mối quan tâm chung: làm sao để các cơ quan thuế của Pháp không bao giờ biết được điều đó. Trong trường hợp ngược lại, họ có thể bị cơ quan thuế buộc phải hợp thức hóa các khoản thuế còn thiếu và chịu thêm tiền phạt.
Gabriel Zucman (1986-)
Chính vì lý do này mà họ đầu tư tiền của họ vào các trung tâm “hải ngoại”, những nơi “ngoài lãnh thổ” được thiết kế để tạo thuận lợi cho việc chuyển khoản của cải. Các trung tâm này có ba lợi thế: ngoài một chế độ thuế rất  lợi cho họ và những quy định mềm dẻo hơn, chúng đặc biệt còn là những nơi rất kín đáo. Chúng thường cho phép các chủ tài khoản công ty và các chủ tài khoản ngân hàng che giấu danh tính của mình – một điều giúp cho những người này trốn thoát cơ quan thuế. Theo các ước tính của nhà kinh tế Gabriel Zucman, tác giả của cuốn La richesse cachée des nations [Của cải che giấu của các quốc gia] (NXB Seuil, 2017), thì có 0,01% những người giàu nhất thế giới thành công trong việc né tránh 30tiền thuế mà đáng lí họ phải trả.
Vấn đề cũng tương tự đối với các doanh nghiệp: các tập đoàn đa quốc gia lớn ẩn náu đằng sau bức màn bí mật của các thiên đường thuế, nơi cung cấp cho họ những chế độ ưu đãi về thuế. Nhờ tính thiếu minh bạch và thiếu sự hợp tác quốc tế của các nước tiếp nhận này, họ có thể chuyển tất cả các khoản lợi nhuận mà họ kiếm được trên thế giới để bị đánh thuế ít hơn – đôi khi sử dụng các mánh khóe để tạo ra những giao dịch giả tạo để chuyển tiền qua biên giới. Gabriel Zucman ước tính có 40lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia tìm bãi đáp ở các thiên đường thuế. Và đó là do thiếu sự hợp tác của các quốc gia mà thu nhập từ thuế vốn bị thất thu nặng phải vất vả lấp đầy các lỗ hổng pháp lý, những thứ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trốn thuế.
Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch của các trung tâm hải ngoại đặt ra một vấn đề khác: với những quy định điều tiết ít khắt khe và các biện pháp kiểm soát kém hiệu quả, đó là nơi ẩn náu của tiền bẩn. Đây là lý do tại sao các khoản tiền liên quan đến tham nhũng, đến tội phạm có tổ chức và đến chủ nghĩa khủng bố được các quốc gia ít quan tâm đến vấn đề này cho phép lưu hành gần như một cách có hệ thống.

Nhưng tại sao các thiên đường thuế vẫn còn tồn tại?

Không nên đánh giá thấp những tiến bộ đã đạt được trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ cuộc chiến chống trốn thuế đã trở thành một trong những ưu tiên của cộng đồng quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và khi mà những vụ “rò rỉ” thông tin và những tiết lộ của các phương tiện truyền thông đại chúng đã được nhân lên gấp bội.
Ngày càng có nhiều quốc gia, trong đó những thiên đường thuế độc hại nhất, đồng ý loại bỏ, ngay cả khi không mấy nhiệt tìnhnhững cách làm tạo thuận lợi cho sự thiếu minh bạch. Kể từ năm 2017-2018, hầu hết các nước, ví dụ, đều cam kết đặt dấu chấm hết cho sự bảo mật của hoạt động ngân hàng và hợp tác để tạo thuận lợi cho việc nhận diện những kẻ trốn thuế có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Các quy tắc mới cũng bắt đầu được triển khai để nghiêm cấm những biện pháp tối ưu hóa thuế tích cực nhất của các tập đoàn đa quốc gia.
Sẽ là điều mạo hiểm nếu hò reo chiến thắng quá sớm: như Gabriel Zucman đã nhắc trong cuốn sách của ông, lịch sử đã cho thấy là các thiên đường thuế và các chủ ngân hàng không phải lúc nào cũng sẵn sàng với những cam kết về tính minh bạch mà họ đưa ra. Bởi vì đó là sinh kế của họ mà họ bị yêu cầu phải đình chỉ.
Ngoài ra, ngay cả khi một số nước cải thiện được cách làm của họ dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, thì khả năng lớn là nguy cơ các nước khác ít bị kiểm soát hơn sẽ đảm nhận tiếp vai trò của họVả lại, người ta cũng thấy qua nhiều vụ “rò rỉ” thông tin khác nhau rằng những kẻ trốn thuế không ngần ngại chọn một địa bàn pháp lý ít minh bạch hơn nữa một khi mà thiên đường thuế đầu tiên của họ có dấu hiệu suy yếu...
Đối với các tập đoàn đa quốc gia, họ thường đi trước một bước so với các nhà nước, nhờ có sự tư vấn của các công ty luật chuyên về tối ưu hóa thuế. Khi mà khe hở mà họ đang sử dụng trong một nước bị lấp đi, thì thường họ đã tìm ra được một giải pháp thay thế để tiếp tục đóng thuế ít hơn.
Những người gièm pha các thiên đường thuế thường nuối tiếc rằng tất cả các chính sách cải cách về chống trốn thuế này, được các nhà nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các phương tiện truyền thông đại chúng và các nhà chức trách nhận diện từ nhiều năm qua, đã không được triển khai một cách nhanh hơn. Sự trì trệ này, dĩ nhiên, được nuôi dưỡng bởi sự phản kháng của chính các thiên đường thuế vốn, về căn bản đã đặt mô hình kinh tế của họ trên cơ sở của sự hạ giá trị của thuế khoá và quy định điều tiết.
Nhưng làm thế nào để các hố đen nhỏ này trong nền kinh tế toàn cầu, vốn chỉ là các chú lùn chính trị, đã thành công trong việc áp đặt luật lệ của họ cho các nước công nghiệp hóa lớn hiện đang tìm cách vô hiệu hóa chúng? Chính đây là nghịch lý cơ bản của cuộc chiến toàn cầu chống lại các thiên đường thuế: ngành tài chính hải ngoại đã trở nên quá quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu đến mức một số nước ngại không thể không cần đến nó. Điều đó có thể giải thích sự miễn cưỡng của Hoa Kỳ lên tiếng chống lại Bermuda hoặc Quần đảo Cayman, hoặc của Vương quốc Anh trong việc chấm dứt các chế độ thuế cực kỳ thuận lợi đối với các quần đảo phụ thuộc của họ, như Jersey, Quần đảo Man hay Quần đảo Virgin.
Maxime Vaudano

Giới thiệu tác giả

Maxime Vaudano là nhà báo tại Monde.fr
Là người đam mê về dữ liệu, về việc kiểm tra các lời hứa của François Hollande và về các công nghệ mới.




Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
THUẬT NGỮ
Dưới đây là một số thuật ngữ được Le Monde giải thích để giúp bạn đọc dễ theo dõi loạt bài trong Hồ sơ Paradise:
Công ty offshore: theo nghĩa đen, “offshore” có nghĩa là “ở bên ngoài lãnh thổ (quốc gia)”. Công ty offshore được đăng ký tại một quốc gia, không phải để hoạt động [kinh doanh], mà là để phục vụ như một hòm thư – thường để tận hưởng các ưu đãi về thuế hoặc về các quy định của thiên đường thuế được chọn.
Holding: thường là một công ty không có hoạt động kinh tế thật sự. Chức năng duy nhất của nó là tham gia vào vốn của những công ty khác và tiến hành những giao dịch tài chính. Công ty holding cho phép tập hợp toàn thể chi nhánh của một tập đoàn. Có nhiều người lập công ty holding ở Luxembourg để quản lí công việc kinh doanh vì thuế ở đây rất thấp.
Thiên đường thuế: quốc gia hay lãnh địa có một số thuế suất cực thấp, thậm chí là không đánh thuế và dung dưỡng một sự không minh bạch nhất định về những ai sở hữu các tài khoản và công ty. Định nghĩa thiên đường thuế thay đổi theo từng thời kì và tổ chức xác định các thiên đường thuế.
Tối ưu hoá thuế (optimisation fiscale): sử dụng những phương tiện hợp pháp để làm giảm tiền thuế phải đóng, thậm chí để thoát nghĩa vụ thuế. Điều này đòi hỏi phải nắm vững luật pháp và những kẻ hở của hệ thống này. Tối ưu hoá thuế được các cá nhân cũng như các doanh nghiệp, thường là các công ty đa quốc gia, vận dụng. Chẳng hạn, Uỷ ban châu Âu đã ghi nhận là các công ty đa quốc gia trung bình đóng thuế khoảng 10% tiền lời thu được ở châu Âu trong lúc con số này cho những công ty khác là 23%.
Tránh thuế (évasion fiscale): chiến lược né tránh thuế bằng cách đầu tư một phần hay toàn bộ tài sản trong những nước có chế độ thuế nhẹ nhàng, mà không cần phải định cư tại đó. Chiến lược này có thể là việc tối ưu hoá thuế (hợp pháp) hoặc là trốn/gian lận thuế (bất hợp pháp).
Trốn/gian lận thuế (fraude fiscale): sử dụng những phương tiện bất hợp pháp để làm giảm số thuế phải đóng, thậm chí để hoàn toàn khỏi đóng. Việc dịch chuyển vốn sang những địa bàn pháp lí ở nước ngoài mà không báo cho cơ quan thuế là một hình thức trốn thuế.



Print Friendly and PDF