2.3.18

Thời gian



THỜI GIAN

Time
® Giải Nobel: ALLAIS, 1988 BECKER, 1992 FRISCH, 1969 HAYEK, 1974 HICKS, 1972 MODIGLIANI, 1985 SEN, 1998 SOLOW, 1987 TOBIN, 1981
Trong phân tích kinh tế, việc xử lí thời gian là rất khác nhau; thời gian đã được hình dung như một thời lượng, hay như một thời điểm, như một sản phẩm và tất nhiên như một quá trình rời rạc hay liên tục mà đặc điểm thiết yếu có lẽ là tính không thể đảo ngược.
Thời gian như “thời lượng”
Ở cương vị này, thời gian được hình dung như một thời kì, một khoảng cách, hoặc đó là một thước đo thực nghiệm, hoặc đó là một thước đo có tính hành động.
Clément Juglar (1819-1905)
J. Schumpeter (1883-1950)
Thước đo thực nghiệm. Ví dụ, việc nghiên cứu độ dài của những chu kì kinh tế kể từ C. Juglar (1860) được làm rõ; đây là khoảng thời gian, trong một chuỗi kinh tế vĩ mô (về sản xuất, việc làm, giá cả, hoạt động) trải dài từ cực đại này (đỉnh điểm hay khủng hoảng) đến một cực đại khác, hay từ một cực tiểu này (suy thoái) đến một cực tiểu khác. Những công trình của Juglar làm rõ một chu kì trung bình hay chu kì Juglar từ tám đến mười năm, những công trình của Kondratief, được Schumpeter lấy lại, làm rõ những chu kì dài khoảng nửa thế kỉ. Những công trình gần đây hơn, theo hướng của những công trình của các tác giả Mĩ, đối với những biến động của hoạt động kinh tế làm rõ những thời lượng biến đổi.
Thước đo có tính hoạt động của thời gian. Trong quan niệm này, thời kì được chọn là xác đáng cho phân tích là một khoảng thời gian đủ (hay cần thiết) để cho phép (hay tránh) sự xuất hiện (hay không xuất hiện) hiện tượng này hay hiện tưng khác; theo nghĩa này, sự phân kì là có tính hoạt động vì nó được chọn tuỳ theo mục tiêu nhắm đến và không qui về bất kì thời lượng thực nghiệm nào cả.
Alfred Marshall (1842-1924)
Một ví dụ rất nổi tiếng được Marshall cung cấp với sự phân biệt ông đưa vào giữa ba thời kì: thời kì thị trường trong đó giá trị của những cung là hoàn toàn cố định, thời kì ngắn hạn trong đó những lượng cung có thể được gia tăng, nhưng năng lực sản xuất là cố định và cuối cùng là thời kì dài hạn trong đó năng lực sản xuất là cố định nhưng giá trị những nguồn lực tiềm tàng sẵn có cho ngành là cố định. Người ta cũng có thể nghĩ đến việc thêm vào một loại thời kì thứ tư, thời kì rất dài hạn, trong đó những kĩ thuật sản xuất cũng như năng lực sản xuất có thể được thay đổi.
Đây là một thời gian có tính hoạt động: những thời kì là dài hay ngắn tuỳ theo sự thích nghi một phần hay hoàn toàn của người sản xuất và người tiêu dùng với những biến thiên của những điều kiện bên ngoài chứ không theo vòng quay của kim đồng hồ. Những thời kì cụ thể mà quan niệm này dẫn chúng ta đến là không được định nghĩa và phải được xác định cho mỗi ngành. Tất nhiên, cái ngắn hạn thường qui về một thời kì ngắn hơn là cái dài hạn, nhưng đây không phải là một điều cần thiết và không phải bao giờ cũng là như thế cả. Ví dụ, ta có thể hình dung là thời gian cần thiết để tăng sản xuất với những cơ sở hiện tại là dài hơn thời gian cần thiết để triển khai những cơ sở mới Phân tích của Marshall, vì qui về một quan niệm có tính hoạt động của thời gian, không loại trừ những điều lạ lùng như thế.
Những quan niệm khác về thời gian thuộc về cùng loại trên: ngày của Robertson, một thời kì quá ngắn để thu nhập có được có thể được phân phối; tuần của Hicks, một thời kì trong đó ta có thể không tính đến những biến thiên của giá cả. Theo một nghĩa nhất định, trạng thái dừng của các nhà cổ điển cũng qui về quan niệm này vì đó là thời gian mà kết thúc là sự ngừng lại của tiến trình Đối với Böhm-Bawerk, đặc điểm cơ bản của một nền kinh tế sử dụng tư bản là sự tồn tại của một khoảng cách thời gian, được gọi là thời kì sản xuất (hay thời kì đầu tư) giữa việc sử dụng những đầu vào sơ cấp và sự xuất hiện của những sản phẩm tiêu dùng bắt nguồn từ quá trình sản xuất. Khái niệm này đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận ác liệt giữa các nhà kinh tế, trong số đó có J. B. Clark, I. Fisher, J. Schumpeter, Wicksell, Hayek, Kaldor
Thời gian như thời điểm
Về mặt này, người ta có thể phân biệt giữa thời tương lai và thời gian đã qua, giữa, một mặt, dự báo và hiện tại hoá và, mặt khác, kí ức.
Thời tương lai, dự báo và hiện tại hoá. Thời điểm giao hàng là một trong những đặc điểm của một sản phẩm và qua đó là của khả năng đáp ứng một nhu cầu của sản phẩm đó. Điều thường được chấp nhận là mọi tác nhân có một sự ưa thích hiện tại hay, cũng giống như thế, là đối với mọi tác nhân có một sự mất giá trị của tương lai. Thường người ta giả định là có hôm nay một lượng nhất định của một sản phẩm nhất định kéo theo một gia tăng của lợi ích cao hơn việc có cùng số lượng sản phẩm đó vào ngày mai”; nếu đạo lí cuộc sống thể hiện điều này bằng cách ngôn của La Fontaine: một chắc hôm nay còn hơn là hai chắc ngày mai, những cơ sở của sự ưa thích liên thời gian không được biết rõ, không chắc chắn và rất được bàn luận kể từ những công trình của Böhm-Bawerk, Fisher,
John Rawls (1921-2002)
Amartya Sen (1933-)
Một trào lưu quan trọng của những nhà kinh tế (Pigou, Ramsey, Harrod, Sen, Tobin, ) và những triết gia (Rawls, Nagel, Elster) khẳng định là tính duy lí (hoàn hảo) loại trừ mọi sự ưa thích hiện tại; ví dụ, đối với F. Ramsey (1928), thực hiện việc hiện tại hoá là không thể bảo vệ được về mặt đạo đức và đơn giản sinh ra từ sự yếu kém của tưởng tượng của chúng ta; đối với Harrod (1948), sự ưa thích hiện tại chỉ là một thành ngữ lịch sự cho sự tham lam và sự thống trị của những đam mê trên lí tính.
Thế mà nhiều lí do đã được nêu ra: sự bão hoà tương đối của nhu cầu, sự thay đổi của những sở thích hay nhu cầu, những ràng buộc thanh khoản, tương lai không chắc chắn, tính không nhất quán trong thời gian. Tuy nhiên dường như không có bất kì lí do nào trong số vừa nêu biện minh được cho việc đưa vào sự ưa thích một cách duy lí hiện tại; chỉ trường hợp, thường được nêu, của sự bất trắc có thể biện minh cho một ưa thích hiện tại liên quan đến tuổi thọ: Tôi muốn nhận được hôm nay vì có rủi ro là không còn có mặt ngày mai nữa”; sự bất trắc về tuổi thọ có một hiệu ứng, về mặt hình thức, trên những sở thích của tác nhân giống với hiệu ứng của một tỉ suất mất giá trị của tương lai. Cũng nhân đó, người ta nhận thấy là tỉ suất hiện tại hoá cũng dẫn đến định nghĩa của lòng vị tha liên thế hệ: một tỉ suất hiện tại hoá thấp với chân trời vô tận có nghĩa là ta quan tâm đến số phận của những người kế thừa.
Những lựa chọn liên thời gian dựa trên giả thiết ưa thích thời gian làm cho việc cầu viện đến kĩ thuật hiện tại hoá là cần thiết, kĩ thuật này giữ một vai trò thiết yếu trong những chương trình đầu tư cũng như trong lựa chọn của người tiêu dùng-tiết kiệm; người ta chứng minh rằng lựa chon tối ưu là sao cho tỉ suất hiện tại hoá bằng với lãi suất.
Franco Modigliani (1918-2003)
Maurice Allais (1911-2010)
Thời gian đã trôi qua, kí ức và sự hình thành những nhu cầu. Thời gian đã trôi qua điều kiện hoá rất lớn hành vi của các tác nhân. J. Duesenberry và F. Modigliani giả định có tính không thể đảo ngược trong thời gian của những quyết định tiêu dùng; người ta cũng nói đến hiệu ứng bánh cốc hay hiệu ứng thanh răng; tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập của thời kì, nhưng cũng cả vào thu nhập cao nhất đã từng có trong quá khứ. Giả thiết này tỏ ra quá cứng nhắc và người ta chuyển cách công thức hoá do Brown (1952) đề xuất: tiêu dùng có sự can dự của quá khứ, nhưng không phải một cách không liên tục thông qua mức thu nhập cao nhất từng đạt được, mà theo một cách liên tục bằng tiêu dùng của thời kì trước đó.
Trong vấn đề ra những quyết định đầu tư, Koyck đã tính đến quá khứ một cách triệt để; kho tư bản được mong muốn phụ thuộc vào trung bình gia quyền của sản xuất trong những năm trước đó, quyền số gán cho mỗi năm giảm dần; những công trình sau này đã cho phép tinh vi hoá phân tích bằng cách đặt những giả thiết khác về sự phân phối của những hệ số trễ.
Mặt khác, M. Allais đặt một giả thiết về cách xử lí quá khứ thông qua một tỉ suất quên đối xứng với cách xử lí tương lai (tỉ suất hiện tại hoá).
Thời gian như một sản phẩm
Thời gian cũng hiện ra như một sản phẩm đặc biệt, như một agumen của hàm lợi ích hay của hàm sản xuất.
Trong hàm lợi ích, thời gian như nhàn rỗi. Lợi ích của một hộ gia đình, một tác nhân, có thể được đánh giá từ những lượng sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng (bánh mì, thịt, phim) và cả từ lượng nhàn rỗi mà cá nhân này có được. Như thế thời gian được đưa vào trực tiếp như một agumen của hàm tiêu dùng: ràng buộc mà các tác nhân gặp phải không chỉ là ràng buộc của ngân sách bản thân mà cả ràng buộc về thời gian tác nhân này có được; do mọi người đều phải chết và một ngày chỉ có 24 giờ nên mọi tác nhân phải có những chọn lựa (và vấp phải những ràng buộc) trong việc sử dụng thời gian của mình giữa thời gian lao động và (để nói đơn giản) thời gian nhàn rỗi. Bởi thế, thời gian nhàn rỗi có một giá và giá này đơn giản là tỉ suất lương vì thêm một giờ nhàn rỗi là bớt đi một giờ lao động; do đó việc có thêm một giờ nhàn rỗi có một giá phải trả, đó là việc từ bỏ thù lao của một giờ lao động.
Trong hàm sản xuất, thời gian như nhân tố thứ ba. Trong cách trình bày đơn giản nhất, sản xuất Y là một hàm của hai đầu vào, lao động L và tư bản K, do đó có cách viết rất tổng quát Y = F(K, L). Cách công thức hoá này tỏ ra là không đủ để phân tích ở cấp độ kinh tế vĩ mô những nhân tố của tăng trưởng. Để tính đến mức tổng sản phẩm Y, nó tỏ ra không đủ khi chỉ nối liền mức tổng sản phẩm vào mức tổng tư bản và tổng việc làm; như thế, người ta còn để hiện lên, bên cạnh hai đầu vào truyền thống này, một nhân tố thứ ba xuất hiện trong thời gian cùng với sự trôi qua của thời gian; do đó có cách viết Y = F(K, L, t); ở đây thời gian chỉ là một cách đưa vào gián tiếp một yếu tố khác hơn là sự gia tăng số lượng của vốn và việc làm. Định nghĩa mơ hồ này đã là bước đầu tiên trong việc hiểu biết những quá trình và phương thức tăng trưởng kinh tế.
Thời gian như một quá trình: một quá trình rời rạc hay liên tục?
Những ràng buộc sinh ra từ công cụ toán học khiến cho ta chỉ có thể, một cách tiên nghiệm, viết những phương trình sai phân hay những phương trình vi phân. Trong trường hợp đầu, ta chọn cách xử lí theo thời gian rời rạc, còn trong trường hợp sau ta chọn cách xử lí theo thời gian liên tục. Nếu, quả là trong nhiều trường hợp, việc viện đến công thức này hoặc công thức khác chỉ đơn giản qui về sự tiện lợi trong cách viết thì sự tương đương là không đầy đủ; cách trình bày theo thời gian rời rạc là thích hợp hơn cho việc xử lí những biến động và cách trình bày theo thời gian rời rạc là thông dụng hơn trong việc xử lí những vấn đề dài hạn; hơn nữa, trong một số trường hợp, biểu trưng của quá trình ta thu được phụ thuộc vào cách xử lí thời gian (rời rạc hay liên tục). Cần ghi nhận là trong những năm 1930, ta thấy có những thăm dò sử dụng đồng thời cả hai kiểu xử lí (xem R. Frisch và M. Kalecki).
Đối chọn rời rạc/liên tục xuất hiện trở lại dưới một ánh sáng mới nhân việc nghiên cứu động thái hỗn độn. Đó là một sự ngạc nhiên đối với bạn đọc không được báo trước khi khám phá cách R. Day xử lí mô hình Solow. Trong lúc mô hình tạo lập này được viết theo thời gian liên tục thì R. Day viết lại mô hình này theo thời gian rời rạc trước khi chứng minh là trong những điều kiện nào ta có thể làm hiện lên một động thái kiểu hỗn độn trong kiểu mô hình này.
Henri Poincaré (1854-1912)
Thật vậy, ngược lại những gì ta có thể tưởng, không có sự tương đương giữa hai kiểu phân tích này. Quả thế, không thể sinh ra một động thái hỗn độn nếu ta không có ít nhất một hệ ba phương trình vi phân. Đó là bài toán nổi tiếng được gọi là bài toán ba thiên thể do Poincaré làm rõ vào cuối thế kỉ XIX; tính đơn giản đẹp đẽ của cơ học truyền thống biến mất một khi ta gặp nhiều hơn là hai thiên thể. Nếu những hiện tượng hấp dẫn chỉ liên quan đến hai hành tinh, trái đất và mặt trời, thì ta có thể dự báo hoàn toàn những quĩ đạo, và điều này cho đến vô tận; như thế ta ở trong một thế giới của quyết định luận thuần tuý và của dự báo hoàn hảo; tương lai đã hàm chứa trong quá khứ. Trái lại, một khi có những lực hấp dẫn giữa nhiều hơn là hai hành tinh (trái đất, mặt trời và cả sao Hoả, sao Thổ hay… mặt trăng ) thì những định luật của cơ học truyền thống không còn nghiệm đúng nữa và ta có thể thấy xuất hiện những động thái kiểu hỗn độn.
Bởi thế hoàn toàn loại trừ khả năng có được một động thái kiểu hỗn độn nếu vẫn giữ khuôn khổ phân tích truyền thống của mô hình Solow (một phương trình vi phân duy nhất: k' = sf(k) - nk); khả năng này xuất hiện khi ta viết mô hình dưới dạng một phương trình sai phân duy nhất; như thế, từ những giả thiết thông dụng, việc hình thức hoá mô hình Solow, được R. Day viết lại là: kt + 1 = sf(kt)/(1 + n).
Tất nhiên, việc đơn giản chuyển sang một phương trình sai phân là không đủ; đây là điều kiện cần chứ không đủ và ta biết là hình thức hoá đơn giản nhất và thường được chọn là đưa vào, bằng cách tính đến những hiện tượng tắc nghẽn hay những hiện tượng ô nhiễm, một hàm kiểu hàm logistic (nhưng cũng có thể sử dụng những hình thức hoá toán học khác: hàm lều, hàm cubic, ).
Thời gian và tính không thể đảo ngược
Thời gian là một quá trình có định hướng; có một mũi tên thời gian và không thể quay ngược trở lui. Tính đến đặc điểm trung tâm này trong việc nghiên cứu những hệ thống động đòi hỏi những xử lí toán học tinh vi. Vấn đề tính không thể đảo ngược của thời gian được tiếp cận từ sự phân biệt những hệ thống tiêu tán với những hệ thống bảo toàn”.
Những tên gọi này bắt nguồn trực tiếp từ những hệ thống của các nhà vật lí mà nhiều nhà kinh tế lúc khởi đầu đã lấy cảm hứng từ đó. Trong một hệ thống kiểu bảo toàn vốn là đối tượng quan tâm trung tâm của cơ học cổ điển không có ma sát lẫn xung động bên ngoài, không có mất mát lẫn bổ sung năng lượng, ví dụ chuẩn của hệ thống này là con lắc không có ma sát.
Trong một hệ thống kiểu này (con lắc), khi ta hình dung tiến hoá từ một điểm bất kì thì hệ thống động sẽ quay về điểm ban đầu sau khi đi hết quĩ đạo nó đang nằm trên đó và sau đấy tiếp tục cùng một chuyển động. Nếu một nhà quan sát biết những qui luật nằm đằng sau, nghĩa là hệ phương trình vi phân và những giá trị ban đầu của những biến trạng thái tại một thời điểm bất kì, thì người này có thể (ít ra là trên nguyên tắc) tính được tiến hoá trong thời gian. Cho dù không biết được một cách chính xác điểm ban đầu thì quĩ đạo tính toán vẫn gần với quĩ đạo ban đầu. Cũng quan trọng không kém có lẽ là việc, trong trường hợp một hệ thống bảo toàn, ta có thể biết lịch sử của một điểm nhất định trong không gian pha: do hệ thống nằm trên một quĩ đạo đóng đến vô tận nên nó đã nằm trên đấy từ buổi khởi đầu của thời gian. Có thể tính quá khứ bằng cách đổi ngược chiều hướng thời gian. Thay vì tính thời gian từ t = 0 đến t = oo để hình dung tương lai thì chỉ cần để thời gian trải dài trong quá khứ từ t = 0 đến t = - oo. Đặc tính này của những hệ thống bảo toàn giải thích quan điểm nổi tiếng của Laplace về tính có thể tiên đoán được; trong thực tế, nhiều hiện tượng của cơ học thiên thể có thể được mô tả với một độ chính xác tốt bằng những hệ thống động kiểu bảo toàn; điều này đã khuyến khích việc du nhập những hệ thống kinh tế động bảo toàn trong nhiều lĩnh vực khác nhau: ví dụ, mô hình kiểu Lotka-Volterra từ đó Goodwin (1967) đã có thể chỉ ra sự tồn tại của những chu kì tự duy trì kiểu trung tâm; những mô hình không có những đặc tính này là thuộc kiểu tiêu tán: chính kiểu hệ thống này tạo nên phần chủ yếu của những hệ thống kinh tế động.
Bây giờ, ngược lại ta hãy hình dung một hệ thống tiêu tán được đặc trưng bằng một ma sát dương; một hệ thống kiểu này bao giờ cũng có những nhân hút, dù cho đó là những điểm cố định, những chu kì giới hạn hay những nhân hút kì dị (nếu hệ thống là không ổn định thì ta cho là nó bị vô cực thu hút). Trong trường hợp những hệ thống kinh tế tiêu tán, bao giờ cũng có thể dự báo tiến hoá của hệ thống trong tương lai, nhưng có thể là không thể biết được hệ thống xuất phát từ đâu trong quá khứ; như thế ta hiểu được vì sao, trong trường hợp của giếng, người ta nói đến hệ thống kinh tế bất định; bất kì vị thế ban đầu nào cũng dẫn đến nhân hút. Vấn đề cũng được đặt ra một cách tương tự với trường hợp chu kì giới hạn.
Như thế tính không thể đảo ngược quả thật là gắn liền với việc tính đến những hệ thống tiêu tán. Những hệ thống này, nếu đưa vào việc không thể tái tạo lại hay dự báo quá khứ thì lại để ngõ khả năng dự báo tương lai.
Tuy nhiên, ngay từ 1903, Poincaré đã đặt vấn đề những khó khăn của dự báo: [] điều có thể xảy ra là những khác biệt nhỏ trong những điều kiện ban đầu sinh ra những khác biệt rất lớn trong những hiện tượng cuối cùng; một sai lầm nhỏ trên những điều kiện ban đầu sẽ tạo ra một sai lầm lớn trên những điều kiện cuối cùng. Những chủ đề này đã được lấy lại và phát triển từ những phân tích bằng khái niệm động thái hỗn độn. Dường như dự báo là không thể được hay dù sao cũng là khó trong trường hợp những hệ thống hỗn độn.
Những hệ thống hỗn độn vì chúng đưa vào tính nhạy cảm với những điều kiện ban đầu có thể cho phép, theo một cách nhất định, hoà giải thời gian của nhà kinh tế với thời gian của nhà sử học; lịch sử là quan trọng, vì một cú sốc (chiếc mũi của Cléopâtre”…) có thể có những hệ quả lâu dài (cho dù cần phải phân biệt không ổn định địa phương và không ổn định toàn cục trong nhân hút kì dị). Nhưng tính xác đáng của những cách tiếp cận kiểu này còn xa mới được thừa nhận là đúng.
ABRAHAM-FROIS G & GOERGEN A., Le traitement mathématique du temps dans la théorie économique contemporaine, MODEM, Paris X-Nanterre 96-8, et Colloque Le temps dans la pensée économique, Glendon College, Toronto, York University, juin 1996. BARRE R., La période dans lanalyse économique, une approche à létude du temps, Paris, 1950. GOODWIN R. M., A growth cycle in FEINSTEIN C. H., Capitalism and Economic Growth, Cambridge, Cambridge University Press, 1967. ROSENSTEIN-RODAN P., The role of time in economic theory, Economica, 1934, 1.
Gilbert ABRAHAM-FROIS
Giáo sư Đại học Nanterre, Paris 10
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Chu kì kinh tế; Dự báo; Gia tốc; Hệ thống động trong kinh tế học; Hỗn độn; Marshall; Quá trình ngẫu nhiên; Sản phẩm và dịch vụ; Nhân tố sản xuất.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.
Print Friendly and PDF