12.3.18

Khi kinh tế học hành vi bắt tay với các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên: Ví dụ từ chính sách công của Canada

KHI KINH TẾ HỌC HÀNH VI BẮT TAY VỚI CÁC THỬ NGHIỆM ĐỐI CHỨNG NGẪU NHIÊN: VÍ DỤ TỪ CHÍNH SÁCH CÔNG CỦA CANADA

Robert French, Philip Oreopoulos
Kinh tế học hành vi đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chính sách công trên toàn thế giới, và đối với Canada, nó cũng không ngoại lệ. Bài viết này phác thảo các bước mà Canada đang tiến hành để kết hợp những nhận thức sâu sắc từ nghiên cứu vào các chính sách của mình. Nó cũng làm nổi bật sự nhấn mạnh rằng nhiều cơ quan ở Canada đang tiến hành kiểm nghiệm những can thiệp hành vi trong tương lai của họ thông qua các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (randomised control trial).
Trong thập kỉ qua, việc ứng dụng kinh tế học hành vi vào chính sách công trên toàn thế giới ngày càng tăng. Chống lại các thiên lệch nhận thức (cognitive bias) và thiên lệch cảm nhận (perceptual bias) đã biết trong quá trình ra quyết định của chúng ta, việc ứng dụng kinh tế học hành vi vào chính sách công đang diễn ra ở các môi trường khác nhau, từ việc khuyến khích quá trình nộp thuế đúng hạn và trung thực, đến việc thúc đẩy quá trình bảo tồn năng lượng tại nhà (theo Beworks, 2014).[1] Chính sách công thường xuất phát từ các phòng thí nghiệm tập trung hoặc các trung tâm đổi mới được thành lập đặc biệt trong các cơ quan chính phủ để thử nghiệm nghiêm ngặt và phổ biến những phát hiện từ việc nghiên cứu.
Ví dụ nổi tiếng nhất về các trung tâm tập trung này là nhóm Behavioural Insights Team [Nhóm Hiểu thấu Hành vi – ND] (BIT) của Vương quốc Anh. Được thành lập vào năm 2010 sau khi cuốn sách của Richard Thaler và Cass Sunstein, Nudge [Cú hích], nằm trong danh mục sách đọc mùa hè của Đảng Bảo thủ Anh, nhóm BIT đã tư vấn cho chính phủ Anh về việc kết hợp các phát hiện từ kinh tế học hành vi (và khoa học hành vi nói chung) vào các chính sách của họ (theo Thaler, 2015). Nhóm BIT đã thành công đáng kể trong việc tăng cường tính hiệu quả cho chính sách công ở Vương quốc Anh, có lẽ được thể hiện rõ nhất qua nhu cầu về dịch vụ tư vấn từ các trung tâm này của các chính phủ trên khắp thế giới.[2] Nhiều quốc gia khác cũng đã đi theo con đường tương tự như Vương quốc Anh; vào năm 2014, Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội [Vương quốc Anh] đã ước tính rằng có ít nhất 51 quốc gia đưa ra một số loại sáng kiến do chính phủ khởi sướng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi khoa học hành vi (theo Whitehead và cộng sự, 2014).
Mặc dù ban đầu đã bắt nhịp chậm chạp với xu thế này, nhưng Canada đang chứng kiến vai trò của ​​kinh tế học hành vi ngày càng quan trọng trong việc xây dựng chính sách (theo French và Oreopoulos, sắp xuất bản). Việc các cơ quan chính phủ Canada thúc đẩy sự ứng dụng kinh tế học hành vi vào chính sách công hiện nay đã được triển khai ở cả cấp liên bang và cấp bang, về nhiều vấn đề chính sách. Một đặc điểm đáng chú ý của các cơ quan này là họ nhấn mạnh vào việc kiểm nghiệm nghiêm ngặt những can thiệp hành vi trong tương lai của họ thông qua các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. Mặc dù nó không phải là đặc điểm riêng ở các cơ quan chính phủ Canada, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng đặc điểm này là đáng chú ý. Nhiều sự can thiệp hành vi của quốc gia đã xảy ra trong khuôn khổ chính sách hiện tại, trong đó những điều chỉnh nhỏ đối với hiện trạng (status quo) – chịu ảnh hưởng của kinh tế học hành vi – đã có một tác động đáng kể đến các kết quả chính sách. Việc sử dụng những thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nhằm xác định cách tốt nhất để điều chỉnh chính sách hiện tại đã là yếu tố quyết định cho sự thành công của những can thiệp này từ lúc sử dụng nó cho đến nay.[3]
Một trong những can thiệp hành vi rõ ràng đầu tiên của Canada về hiệu ứng này liên quan đến việc tăng tỉ lệ đăng kí hiến tạng ở bang Ontario. Mặc dù đã có nhiều bài viết bàn về quyền năng của các lựa chọn mặc định ảnh hưởng đến tỉ lệ đăng kí hiến tạng (ví dụ như trong Li và cộng sự 2013, Johnson và Goldstein 2003), nhưng việc thay đổi chính sách mặc định không-tham gia hiện tại của Ontario thành một trong những sự đồng ý được cho là ngầm định vẫn không mấy hấp dẫn công chúng.[4][5] Thay vào đó, bang này đã tìm cách thúc đẩy việc đăng kí hiến tạng thông qua một can thiệp hành vi được thực thi trong khuôn khổ chính sách mặc định không-tham gia của nó. Sự can thiệp được thiết kế với sự hỗ trợ của nhóm Behavioural Insights Unit [Đơn vị Hiểu thấu Hành vi – ND] (BIU) mới được thành lập gần đây một cơ quan chính quyền được thành lập để thiết kế và thử nghiệm những can thiệp hành vi trong bang Ontario.
Hiện tại, khi đến làm thẻ y tế, bằng lái xe, hoặc thẻ căn cước công dân (photo card) tại trung tâm-dịch vụ bang, người đại diện của trung tâm dịch vụ khách hàng hỏi người dân Ontario rằng liệu họ có muốn đăng kí làm người hiến tạng không và gửi mẫu đăng kí. Sự can thiệp của nhóm BIU nhằm làm tăng tỉ lệ đăng kí bằng cách tăng sự chú ý và tính đơn giản của quá trình đăng kí thông qua việc thay đổi nội dung của mẫu đăng kí cũng như thời gian mà các nhà hiến tạng tiềm năng nhận được mẫu trong những lần đến trung tâm dịch vụ của bang này. Sự can thiệp này cũng bao gồm những thay đổi trong các cú hích trên các mẫu đăng kí[6]. Thử nghiệm đơn giản này được chính quyền Ontario công nhận là một thành công đáng ghi nhận, tỉ lệ đăng kí hiến tạng đã tăng lên 143% trong suốt cuộc thử nghiệm (theo Treasury Board Secretariat, 2016).
Điều quan trọng là sự can thiệp của nhóm BIU đã cố mô phỏng một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên bằng việc so sánh hiệu quả của các giai đoạn xử lí khác nhau với cả giai đoạn kiểm soát trước và sau can thiệp. Cách tiếp cận này nhằm kiểm nghiệm tính hiệu quả của sự can thiệp được nhóm này theo đuổi không chỉ để đánh giá tác động của sự can thiệp đối với tình trạng hiện tại, mà còn để xác định phương pháp xử lí nào dựa trên kết quả từ kinh tế học hành vi là hiệu quả nhất trong việc tăng tỉ lệ đăng kí. Những điểm khác nhau phân biệt giữa các tỉ lệ đăng kí trong các giai đoạn xử lí khác nhau có thể xác nhận ý định này và có thể có những hệ luận quan trọng mà cho thấy việc xử lí thành công nhất hiện nay đang được thực hiện chính thức ở Ontario.
Sự can thiệp liên quan đến việc tăng tỉ lệ hiến tạng lớn nhất là yêu cầu các nhà hiến tạng tiềm năng xem xét việc bản thân họ hoặc một người thân yêu của họ cần hiến tạng, việc này làm nổi bật ý nghĩa về tính xác đáng đối với cá nhân người được hỏi.
Việc nhóm BIU thử mô phỏng một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên đồng thời kiểm định sự can thiệp dựa trên hành vi trong khuôn khổ chính sách hiện tại chính là điển hình cho nhiều sáng kiến ​​khác gần đây trong chính sách công của Canada. Một ví dụ đặc biệt thú vị liên quan đến Cơ quan Thuế vụ Canada (CRA), việc kiểm nghiệm tác động của việc chuyển mục chữ kí – nơi mà người kí xác nhận bằng cách viết rằng họ đã cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác – lên đầu mẫu đơn khai thuế thu nhập cá nhân. Sự can thiệp này – dựa trên các nghiên cứu trước đây cho thấy người dân đã trung thực hơn sau khi được nhắc nhở về tính trung thực (ví dụ như trong Shu và cộng sự, 2012) – đã được tiến hành ở hai thành phố của Canada, trong đó tờ khai thuế có chứa mục chữ kí đã được phát cho một số công dân Canada. Cơ quan Thuế vụ Canada hiện đang so sánh số lượng thu nhập được báo cáo (đặc biệt ở những khu vực nhạy cảm vốn dễ có hiện tượng tính không trung thực) giữa các nhóm xử lí và kiểm soát, và những khác biệt được chờ đợi giữa hai nhóm có thể triển khai sự can thiệp này rộng rãi hơn trong tương lai. Ví dụ này đặc biệt thú vị vì nó là một ví dụ hoàn hảo về cách kết hợp những nhận thức sâu sắc từ kinh tế học hành vi với việc kiểm nghiệm nghiêm ngặt xem những nhận thức sâu sắc như vậy có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi sâu sắc thông qua chính sách công. Ngay cả sự khác biệt bên trong thu nhập được báo cáo trong cả hai nhóm có thể thu được khoản tiết kiệm đáng kể cho chính phủ nếu sự can thiệp không tốn kém này được triển khai trên toàn quốc.
Những can thiệp khác được thử nghiệm ở Canada bao gồm việc kiểm nghiệm tính hiệu quả của sự thúc đẩy việc sử dụng chương trình tìm việc do chính phủ tài trợ (theo Parent & Audet, 2016); việc thử nghiệm các chương trình hỗ trợ nộp đơn vào đại học/cao đẳng cho các học sinh trung học phổ thông (Oreopoulos và Ford, 2016); và việc thử nghiệm tính hiệu quả cho việc phỏng vấn tạo động lực trong việc hỗ trợ các cá nhân thất nghiệp tham gia vào lực lượng lao động (theo Ford và cộng sự, 2014). Đáng chú ý, hầu như những can thiệp này đang được triển khai và thử nghiệm trong khuôn khổ chính sách hiện tại. Để bổ sung cho chính sách công truyền thống, chúng tôi tin rằng cách tiếp cận này mang đến nhiều hứa hẹn.
Kết hợp kinh tế học hành vi vào các sáng kiến trong ​​chính sách công không phải là thuốc chữa bách bệnh để giải quyết tất cả các mối quan tâm chính trị quan trọng nhất hiện nay; nhưng những thông tin chi tiết về cách thức mà các chính sách này được quy định về vấn đề, cũng như việc thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau đối với sự tiếp nhận và truyền thông chương trình có thể làm lộ ra những tác động đáng kể từ việc đơn giản hóa và việc gửi tin nhắn thân thiện. Cuối cùng Canada cũng đã có những tiến bộ trong vấn đề này.
Ghi chú của các tác giả: Các quan điểm được trình bày ở đây chính là quan điểm và ý kiến ​​của riêng các tác giả, và chúng không phản ánh hay đại diện cho quan điểm của công ty tư vấn toàn cầu Charles River Associates [Hoa Kì] hoặc của bất kì tổ chức nào là thành viên của nó.
Tài liệu tham khảo
BEworks (2014), Analyzing and Nudging Energy Conservation and Demand Shifting Through Time of Use Compliance, prepared for the Ontario Energy Board.
Ford, R, J Dixon, S-W Hui and I Kwakye (2014), Motivational Interviewing Pilot Project: Project Final Report, Social Research and Demonstration Corporation.
French, R and P Oreopoulos (forthcoming), “Applying Behavioural Economics to Public Policy in Canada”, Canadian Journal of Economics.
Johnson, E J and D Goldstein (2003), “Do Defaults Save Lives?”, Science 302(5649), 1338-1339.
Li, D., Z Hawley and K Schnier (2013), “Increasing organ donation via changes in the default choice or allocation rule”, Journal of Health Economics 32(6), 1117-1129.
Oreopoulos, P and R Ford (2016), “Keeping College Applications Open: A Field Experiment to Help All High School Seniors Through the College Application Process” NBER Working Paper No. 22320.
Parent, A and M Audet (2016), “Job Match Nudge Trials: Job Postings”, Behavioural Economics and Service Innovation Research Unit, Strategic Policy Branch in partnership with Employment and Social Development Canada.
Shu, L L, N Mazar, F Gino, D Ariely and M H Bazerman (2012), “Signing at the beginning makes ethics salient and decreases dishonest self-reports in comparison to signing at the end”, Proceedings of the National Academy of Sciences 109(38), 15197-15200.
Thaler, R (2015), Misbehaving: The Making of Behavioral Economics, New York: W. W. Norton & Company Ltd.
Whitehead, M, R Jones, R Howell, R Lilley and J Pykett (2014), Nudging all Over the World: Assessing the Global Impact of the Behavioural Science on Public Policy, Economic & Social Research Council.
Giới thiệu tác giả
Robert French
Philip Oreopoulos
Robert French
Chuyên gia tư vấn, bộ phận Thực tiễn Cạnh tranh và Chống độc quyền, công ty tư vấn toàn cầu Charles River Associates [Hoa Kì].
Giáo sư Kinh tế học và Chính sách Công, Đại học Toronto [Canada].


Nguyễn Việt Anh, Trần Thị Thùy Trang dịch



Chú thích
[1] Xem thêm http://www.behaviouralinsights.co.uk/category/tax/.
[2] Nhóm BIT của Vương quốc Anh có các văn phòng quốc tế tại New York [Hoa Kì] và Sydney [Úc], và đã hợp tác và tư vấn cho các chính phủ liên bang và chính quyền tỉnh / bang khác nhau; xem, chẳng hạn như, http://www.behaviouralinsights.co.uk/who-we-work-with/http://www.behaviouralinsights.co.uk/behavioural-insights-team-australia/
[3] Một đặc điểm quan trọng của các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (RCT) này là chúng thường hoạt động trong bối cảnh chính xác của chính sách mà họ đang tìm kiếm để chọn lọc, giảm bớt những lo ngại xung quanh tính ngoại hiệu lực (external validity).
[4] Chính sách mặc định không-tham gia đòi hỏi các cá nhân ra quyết định một cách tích cực để ghi danh làm người hiến tạng, trong khi các chính sách về sự đồng ý tiền giả định cho phép giả định có sự chấp thuận và yêu cầu các cá nhân chủ động quyết định chống lại việc trở thành người hiến tạng.
[5] Trong bang Ontario, mặc dù quyền sẵn sàng đăng kí là hiển nhiên, nhưng công dân cho biết họ xem việc hiến tạng là một lựa chọn mang tính cá nhân và ưu tiên lựa chọn mặc định hiện tại (xem https://www.giftoflife.on.ca/img/Opt-In-vs-Opt-Out-Infographic-Dec2015.png).
[6] Nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng và marketing cho thấy những thay đổi nhỏ trong việc thiết kế và việc gửi tin nhắn có thể có tác động to lớn đến các quá trình ra quyết định của cá nhân. Treasury Board Secretariat [Ban Thư kí Ủy ban Tài chính] (2016) ghi nhận sự thành công của những can thiệp dựa trên hành vi tương tự, họ đã kiểm nghiệm những thay đổi trong nội dung thư từ / tin nhắn ở Vương quốc Anh để giảm thiểu sự gian lận và sai sót từ công dân của mình.

Print Friendly and PDF