20.3.18

Dữ liệu lớn đang giúp các bang Mỹ đánh bật người nghèo ra khỏi hệ thống phúc lợi như thế nào


DỮ LIỆU LỚN ĐANG GIÚP CÁC TIỂU BANG HOA KÌ ĐÁNH BẬT NGƯỜI NGHÈO RA KHỎI HỆ THỐNG PHÚC LỢI NHƯ THẾ NÀO

Sean Illing
Shutterstock
Những hệ thống này khiến những giá trị của chúng ta hiển hiện ra theo một cách thức kêu gọi chúng ta đến với sự tính toán về mặt đạo đức.”
Virginia Eubanks
Công nghệ đang được sử dụng để cố tác động đến và trừng phạt người nghèo ở Hoa Kì, theo nội dung cuốn sách mới của tác giả Virginia Eubanks, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học SUNY Albany [New York, Hoa Kì].
Đây là một ví dụ: Năm 2014, thống đốc tiểu bang Maine [Hoa Kì], ông Paul LePage đã công bố dữ liệu cho công chúng biết chi tiết hơn 3.000 giao dịch từ người nhận phúc lợi có sử dụng thẻ EBT trong tiểu bang. (Thẻ EBT giống như thẻ ghi nợ do tiểu bang phát hành, và có thể được sử dụng để phân phối các khoản trợ cấp như tem phiếu thực phẩm.)
Paul LePage (1948-)
LePage đã tạo ra một danh sách những lần khoản tiền này được dùng trong hộp đêm khỏa thân (strip club), tiệm rượu hoặc quán bar, và ông đã đưa nó vào chương trình nghị sự chính trị của mình bàn về hạn chế tiếp cận đến các khoản trợ cấp của tiểu bang. Danh sách của LePage chỉ tương ứng với một phần cực nhỏ trong tổng số các những khoản tiền rút ra bằng thẻ EBT, nhưng nó đã củng cố một cách có hiệu quả những khuôn mẫu tiêu cực và những câu chuyện kể về những người sống dựa vào phúc lợi xã hội và tại sao lại như thế.
Gần đây, tôi đã trao đổi với Eubanks về cuốn sách mới của bà và về việc tại sao bà lại tin rằng các công nghệ tự động đang được sử dụng để dàn xếp gấp gáp hệ thống phúc lợi chống lại những người cần nó nhất.
Bản gỡ băng cuộc trò chuyện của chúng tôi đã được biên tập một chút như sau.


Sean Illing
Luận điểm chính trong cuốn sách của bà là gì?
Virginia Eubanks
Đó là sự xung đột giữa các lực lượng chính trị và những sự đổi mới kĩ thuật, chúng đang tàn phá các gia đình thuộc tầng lớp lao động và nghèo ở Hoa Kì.
Các lực lượng chính trị mà tôi đang nói đến ở đây là sự phản ứng dữ dội chống lại những chiến thắng cho sự công bằng về mặt chủng tộc và việc người nhập cư đang làm người giơ đầu chịu báng. Về khía cạnh kĩ thuật, chúng ta đã có sự bùng nổ của những công nghệ ẩn bên dưới những tiêu đề của việc ra quyết định dựa trên thuật toán hoặc việc mô hình hóa mang tính dự báo. Những công nghệ này ngày càng quyết định người nào được hưởng dịch vụ công, người nào bị từ chối các dịch vụ công, và quyết định cách chúng ta giám sát và khống chế những người bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất.
Sean Illing
Điều này tạo cảm giác quá trừu tượng khi bà trình bày vấn đề như thế. Thật khó để kết nối những sự đổi mới công nghệ này với những gì đang xảy ra trong thực tế.
Virginia Eubanks
Quả thật nghe quá trừu tượng, và khó mà nhìn thấy những kết nối — nhưng chúng vẫn ở đó. Trong cuốn sách này, tôi cố gắng kể những câu chuyện về các hệ thống trên khắp nước Hoa Kì và liên kết chúng với các kết quả cụ thể trong cuộc sống của người dân. Tôi nói về một hệ thống tự động đạt chuẩn được xây dựng tại tiểu bang Indiana [Hoa Kì] vào năm 2006 vốn được cho là để tự động hóa các quy trình xem xét các điều kiện cần thoả mãn để người dân có quyền hưởng các dịch vụ phúc lợi, nhưng thay vào đó lại đặt những người nghèo dưới sự giám sát kĩ lưỡng khổng lồ. Tôi nói về một quyển sổ đăng kí điện tử dành cho những người vô gia cư ở Los Angeles với những hệ quả tương tự khủng khiếp. Vân vân và vân vân.
Điều khác biệt trong cuốn sách này là nó được kể từ quan điểm của những người vốn là mục tiêu của các hệ thống này. Tôi đã nói chuyện với các nhà thiết kế cũng như với các nhà quản trị, với những người xây dựng hệ thống, nhưng tôi cũng nghĩ rằng việc lắng nghe tiếng nói của những người chịu ảnh hưởng trực tiếp là thật sự quan trọng. Chúng ta thường không nghe những tiếng nói này trong những câu chuyện về công nghệ và thay đổi chính trị.
Sean Illing
Vậy xin bà cho biết cách thức các công nghệ dựa trên dữ liệu đã thay đổi cách quản lí các dịch vụ công.
Virginia Eubanks
Tôi không thực sự thấy các hệ thống đã thay đổi cách chúng ta nghĩ về các dịch vụ công hoặc việc cung cấp dịch vụ công nhiều bằng việc tôi thấy chúng tăng cường cách mà chúng ta đã cung cấp dịch vụ đó. Chúng thực sự là một công cụ chẩn đoán tuyệt vời khi chúng ta có vấn đề về công bằng xã hội mà chúng ta không giải quyết trực tiếp.
Sean Illing
Nghe thú vị đấy. Hãy cho tôi một ví dụ đi.
Virginia Eubanks
Hệ thống Indiana 2006 được xây dựng dựa trên hai giả định.
Một là hầu hết những người ở trong hệ thống được cung cấp dịch vụ công không cần phải có mặt ở đó, và nếu họ nhận được sự trợ lực nhỏ bé, họ sẽ không tích lũy được các nguồn lực mà họ được thụ hưởng theo luật pháp. Giả định thứ hai là mọi việc mà các nhân viên công tác xã hội làm là tiến hành thủ tục giấy tờ và thông đồng với những người đang yêu cầu các nguồn lực để lừa gạt hệ thống này.
Về cơ bản, nó được xây dựng dựa trên giả định rằng hệ thống phúc lợi đầy rẫy gian lận và hầu hết mọi người tập hợp các nguồn lực mà không cần đến chúng. Giả định này đã trở thành một số quy tắc rất dễ bị phá vỡ, là một phần của hệ thống công nghệ, giống như một quy tắc nói rằng, về cơ bản, nếu bạn có bất kì lỗi nào trong hồ sơ của mình (có thể gặp phải ở bất kì chỗ nào trong 35 đến 120 trang giấy) thì bạn đã thất bại trong việc chứng minh mình đủ điều kiện và có thể bị từ chối.
"TÔI NGHĨ GIẢI PHÁP THỰC SỰ ĐỐI VỚI CHÚNG TA Ở TẦM QUỐC GIA LÀ DÀNH CẢ TÂM HỒN HƯỚNG VỀ ĐÓI NGHÈO. ĐẾN KHI LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ, CHÚNG TA SẼ TIẾP TỤC TẠO RA NHỮNG HỆ THỐNG CUNG CẤP THÔNG TIN MÔ TẢ VÀ TRỪNG PHẠT NHỮNG GIA ĐÌNH LAO ĐỘNG VÀ NGHÈO."
Sean Illing
Nói cách khác, các chính trị gia đang đưa ra một phán xét về giá trị rằng hệ thống phúc lợi tự thân chúng là một mánh khóe kiếm tiền, và hầu hết người sống dựa vào nó là những kẻ gian lận.
Virginia Eubanks
Đúng. Và họ đang thiết kế các công nghệ để tạo ra các kết quả mà họ muốn: ngày càng có ít người nhận được các nguồn lực mà những người cần đến.
Sean Illing
Bà tập hợp rất nhiều câu chuyện cá nhân trong cuốn sách. Bà có thể kể ra một câu chuyện ở đây để cho mọi người nhận thức được những gì mà bà ngụ ý không?
Virginia Eubanks
Một câu chuyện là về một người đàn ông tên là Gary, đã sống trên những con đường ở khu vực Skid Row, Los Angeles, lúc này lúc khác trong 10 năm. Ông đang cố gắng tìm chỗ ở thông qua một hệ thống được gọi là Hệ thống Phối hợp Ghi danh.
Hệ thống Phối hợp Ghi danh được mong đợi để kết nối những người vô gia cư dễ bị tổn thương nhất với chỗ ở có sẵn phù hợp nhất. Có một cuộc khảo sát dài đến khó tin và cực kì khắc nghiệt được gọi là VI-SPDAT, nhằm lập cho mọi người một điểm số về tính dễ bị tổn thương nhằm xem xét người này liệu có sắp chết, sắp bị gửi vào viện [dành cho người không thể sống tự lập] hay sắp phải nhập viện. Mục tiêu đề ra là ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương có được chỗ ở đang sẵn có, điều này có ý nghĩa rất lớn.
Đây là vấn đề: các câu hỏi trong cuộc khảo sát là những câu hỏi có thể yêu cầu những người vô gia cư thừa nhận các hoạt động bất hợp pháp. Trong thực tế, bạn càng thừa nhận điều này, bạn càng đạt được điểm số cao trong cuộc khảo sát này, và hệ thống sẽ hiển thị là bạn càng dễ bị tổn thương hơn. Vấn đề là, thông tin này sau đó được chia sẻ với hơn 168 tổ chức khác nhau, bao gồm cả Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD), nơi có thể truy cập dữ liệu này mà không cần phải có sự bảo đảm hoặc giám sát.
Vì vậy, Gary rất dễ bị tổn thương — ông đã hơn 60 tuổi, có vấn đề về sức khỏe, đã từng vào tù ra khám cũng như quen thuộc với hệ thống tư pháp hình sự. Nhưng thay vì được tiếp cận với chỗ ở, vốn là lí do duy nhất để ông tham gia vào hệ thống [Phối hợp Ghi danh] này, ông bị bắt giữ vì một điều mà ông khăng khăng là không làm, và một phần là vì tên của ông bị đánh dấu trong cơ sở dữ liệu này như một tên nghi phạm.
Khi ra tù, ông mất mọi nguồn lực của mình. Ông mất mối quan hệ với những người mà ông quen biết trên đường phố, ông bị mất cái lều và tất cả giấy tờ của mình. Nhưng hệ thống thật ra sẽ nhìn nhận ông là người chịu tổn thương ít hơn, bởi vì nó xem nhà tù là chỗ ở — nó sẽ nhìn nhận ông như thể đang có chỗ ở trong 6 tháng qua. Ông trở thành người có tính ưu tiên thấp hơn.
Sean Illing
Vì vậy, các hệ thống này đang hoạt động hiệu quả hơn trong việc không cho người dân sự giúp đỡ mà họ cần và đồng thời chúng đem họ đặt dưới sự giám sát ngày càng kĩ lưỡng hơn?
Virginia Eubanks
Chính xác. Có thanh gươm hai lưỡi này trong việc tích hợp hệ thống. Trong một tầng lớp, rất khó để tìm đường đến với hệ thống dịch vụ công. Bạn phải điền một triệu hồ sơ. Nếu bạn muốn sự trợ giúp về sưởi ấm nhà cửa, tem phiếu thực phẩm, hỗ trợ tiền mặt, bạn phải điền vào từng hồ sơ riêng cho mỗi loại này.
Việc tích hợp các hệ thống này có thể là một điều rất tích cực đối với người dân nếu nó được thiết lập để cung cấp cho họ những nguồn lực mà họ cần để đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, nhưng đó không phải là những gì mà chúng ta có. Hệ thống của chúng ta đã được thiết lập để lưu truyền sự phán xét về mặt đạo đức đối với người dân bởi vì nó hoạt động dựa trên giả định rằng người nghèo thì nghèo vì một số thất bại cá nhân của họ.
Nó cũng để tạo ra một mạng lưới thông tin giữa các cơ quan quản lí mà khiến cho mọi thứ khó khăn hơn để người dân nhận được sự trợ giúp mà họ cần, nhưng nó cũng thực hiện rất tốt việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dân để tạo ra những rào cản mới cho họ.
Sean Illing
Và các nhóm bên lề xã hội càng bị phơi bày với hệ thống giám sát này chính vì họ cần tiếp cận các lợi ích và các chương trình liên quan đến nó?
Virginia Eubanks
Và bởi vì họ sống trong cái mà tôi nghĩ về nó như là những môi trường hạn chế quyền của người dân. Các loại hình giám sát diễn ra ở trong các khu phố của tầng lớp lao động nghèo, hoặc trong các cộng đồng người da màu, hoặc trong các cộng đồng người nhập cư — những quá trình giám sát kia diễn ra khắc nghiệt hơn nhiều ở những khu vực này. Họ bị mô tả quá mức trong tất cả các cơ sở dữ liệu này bởi vì họ tiếp cận các nguồn lực công, nhưng cũng bởi vì cộng đồng của họ bị kiểm soát quá mức.
Sau đó, vì có dữ liệu này, chúng ta tạo ra các công cụ mới chỉ tập trung vào các đối tượng trên và tái thiết lập chu trình phản hồi này, đó là những gì mà các tổ chức thuộc Liên minh chống các hoạt động theo dõi của Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) gọi là vòng lặp phản hồi của sự bất công.
"CUỐI CÙNG, NHỮNG HỆ THỐNG NÀY KHIẾN NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA CHÚNG TA HIỂN HIỆN RA THEO MỘT CÁCH THỨC KÊU GỌI CHÚNG TA ĐẾN VỚI SỰ TÍNH TOÁN VỀ MẶT ĐẠO ĐỨC."
Sean Illing
Có phải về cơ bản người nghèo đang được sử dụng như những chú chuột bạch nhằm chuẩn bị cho việc sử dụng các công nghệ này rộng rãi hơn?
Virginia Eubanks
Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn đúng. Trong phần đầu của cuốn sách, tôi viết về một dự án trước đó mà tôi đã làm tập trung chủ yếu vào các gia đình đang sống dựa vào sự trợ giúp công ở quê nhà của tôi, thành phố Troy, New York [Hoa Kì]. Một khoảnh khắc thực sự làm tôi thức tỉnh chính là lúc tôi đang ngồi với một người mẹ trẻ và chúng tôi đang nói về công nghệ và về việc sử dụng thẻ ghi nợ EBT trợ cấp công cộng của cô ấy. Tôi đã nói với cô ấy rằng tôi đã nghe mọi người nói rằng họ thích thẻ EBT vì chúng tiện lợi và hiệu quả hơn.
Cô nói, “Chắc chắn rồi, thật tuyệt khi không phải mang theo tem phiếu thực phẩm đi lòng vòng, nhưng thẻ cũng rất tọc mạch vì nhân viên công tác xã hội của tôi dùng nó để theo dõi nơi tôi mua thức ăn và tiêu tiền.”
Sau đó cô nói với tôi rằng: “Các bạn, những người thuộc tầng lớp trung lưu nên coi chừng đi, bởi vì các bạn sẽ là đối tượng được đặt dưới sự quan sát chuyên sâu tiếp theo”. Đó là vào năm 2000. Tôi đã nghĩ rằng có lí do chính đáng để dự kiến những công cụ mà chúng ta đang nói đến này sẽ được sử dụng rộng rãi nhiều hơn trong tương lai.
Sean Illing
Liệu chúng ta có đang tham gia vào một loại hình chuyên chế mềm dẻo, mang tính kĩ thuật số mà quá mơ hồ hay xa xôi để khiến cho đa số chúng ta lưu ý?
Đó là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ rằng những công cụ này cho phép chúng ta có một khoảnh khắc để suy nghĩ sâu sắc về những gì chúng ta cho phép các cơ quan chính phủ làm nhân danh chúng ta. Những công cụ này là các chỉ báo đáng kinh ngạc về những gì mà chúng ta đã nghĩ, cả về các cộng đồng và gia đình tầng lớp lao động nghèo, lẫn về chính phủ.
Cuối cùng, những hệ thống này khiến những giá trị của chúng ta hiển hiện ra theo một cách thức kêu gọi chúng ta đến với sự tính toán về mặt đạo đức. Rất nhiều độc giả muốn tôi đưa ra một kế hoạch 10 điểm để tạo ra những công nghệ tốt hơn cho các dịch vụ công, nhưng tôi đã chống lại điều này bởi vì tôi nghĩ giải pháp thực sự đối với chúng ta ở tầm quốc gia là dành cả tâm hồn hướng về đói nghèo. Cho đến khi làm được điều đó, chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra những hệ thống cung cấp thông tin mô tả và trừng phạt những gia đình lao động và nghèo.
Sean Illing
Giới thiệu tác giả
Sean Illing là một kí giả của Vox. Trước khi xuất bản trên mạng Internet, ông dạy chính trị và triết học tại một trường đại học. Trước đó, ông là nhân viên y tế của Không lực Hoa Kì.
Twitter: @seanilling
Email: sean.illing@vox.com


Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Print Friendly and PDF