27.10.18

Nguồn đầu tư, và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, ở châu Âu đang gia tăng


NGUỒN ĐẦU TƯ, VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC, Ở CHÂU ÂU ĐANG GIA TĂNG
EU, cuối cùng, cũng bắt đầu chú ý
Dưới trần nhà theo kiểu thời Phục hưng của khán phòng Ball Games Hall ở Lâu đài Prague, Zhang Jianmin, vị tân đại sứ của Trung Quốc tại Cộng hòa Séc, đang trích lời của Tập Cận Bình, chủ tịch nước Trung Quốc. Lịch sử luôn mang đến cho mọi người cơ hội để đạt được sự thông thái và sức mạnh để tiến lên phía trước trong một số năm đặc biệt,” theo lời của ông, khi tuyên bố năm 2018 “là một năm như thế”. Đã bốn thập niên qua kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế, 5 năm kể từ khi họ khởi động Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) để cùng hội nhập với các nền kinh tế Á-Âu, và đó là một thời điểm rực rỡ để thúc đẩy sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước sở tại.
Hội nghị – được quảng cáo như là một sự kiện giáo dục cho các nhà đầu tư Trung Quốc – được đồng tổ chức bởi Viện Praha về Con đường tơ lụa mới, một think-tank mô tả “sứ mệnh cơ bản” của viện là “truyền bá nhận thức về các khái niệm về Con đường tơ lụa mới tại Cộng hòa Séc và các nước châu Âu khác”. Viện được điều hành bởi Jan Kohout, cựu bộ trưởng ngoại giao Séc và là cố vấn cho tổng thống Séc, người đã sử dụng sự kiện này để tán dương những tài sản sẵn có để bán ở nước mình. Trong số phần lớn những người dự khán là người Trung Quốc còn có những người Czech có ảnh hưởng, một cựu thủ tướng và một cựu bộ trưởng công nghiệp. Toàn cảnh đã thu hút tinh hoa của sự pha trộn chính trị và thương mại, đánh dấu sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Cộng hòa Séc.
Jan Kohout (1961-)
Và còn ở phần còn lại của châu Âu. Năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên gần 36 tỷ euro (40 tỷ US$), tăng từ 20 tỷ euro năm trước, theo Rhodium Group, một công ty nghiên cứu của Mỹ (xem biểu đồ). Phần lớn hoạt động này được sự hậu thuẫn của nhà nước [Trung Quốc] cho thấy tham vọng của Đảng Cộng sản [Trung Quốc] để châu Âu không giúp Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cho đến năm bùng nổ làn sóng đầu tư này [2016], các nhà lãnh đạo châu Âu – đáng chú ý nhất là ở Đức – đã hoan nghênh một cách rộng rãi sự đầu tư của Trung Quốc mà không quá khắt khe về vấn đề này. Nhưng dòng tiền khổng lồ đã khiến giới lãnh đạo ở Berlin, Brussels và các nơi khác phải lo lắng về sức mạnh và ảnh hưởng mà Trung Quốc đã đạt được trong quá trình này, đặc biệt ở những nước nhỏ hơn trong liên minh châu Âu. Kể từ đó, họ đã thắt chặt sàng lọc nguồn đầu tư của Trung Quốc và đang cố gắng tạo ra một sự đáp trả thống nhất hơn của châu Âu. Tuy nhiên, những nỗ lực đó hầu như không theo kịp tốc độ của dòng tiền đang chảy vào. Đầu tư vào châu Âu giảm xuống còn 30 tỷ euro năm ngoái, phản ánh sự suy giảm toàn cầu trong nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc (FDI). Tuy nhiên, mức tăng tỷ trọng của châu Âu trong FDI của Trung Quốc đã tăng từ một phần năm lên một phần tư.
Cũng như đối với những gì liên quan đến Trung Quốc, rất khó để xác định các chi tiết. Nhưng có một số sự kiện là rõ ràng. Các tác nhân Trung Quốc ở châu Âu thường là các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư được nhà nước hậu thuẫn, mà theo một phân tích của Bloomberg, chiếm 63% các giao dịch theo giá trị trong thập niên đến năm 2018. Các lĩnh vực tập trung đặc biệt là năng lượng, hóa chất và cơ sở hạ tầng. Các hãng kinh doanh của Trung Quốc giờ đây sở hữu phần lớn hoặc toàn bộ Syngenta, một nhà sản xuất thuốc trừ sâu lớn của Thụy Sĩ; cảng Piraeus, cảng lớn nhất của Hy Lạp; và Hinkley Point C, một nhà máy điện hạt nhân của Anh. Các sân bay như Heathrow của London, Frankfurt Hahn và Toulouse đều có cổ phần sở hữu khá lớn của Trung Quốc. Điều tương tự cũng diễn ra đối với tập đoàn PSA Group, nhà sản xuất xe ô-tô Peugeot và Citroën, và Pirelli, một nhà sản xuất lốp xe ô-tô của Italia.
Con đường dẫn đến sự giàu có
Nguồn đầu tư được đánh dấu bởi các xu hướng khu vực. Ở Đông Âu, trọng tâm đầu tư là cơ sở hạ tầng, có thể củng cố sự liên kết giữa lục địa già và các dự án BRI xa hơn ở phương Đông. Ở miền nam châu Âu, Trung Quốc đã tham gia vào làn sóng tư nhân hóa trong và sau cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Tại Bồ Đào Nha, họ đã chộp lấy cổ phần trong các lĩnh vực cảng biển, hãng hàng không, khách sạn và phần lớn công ty Energias de Portugal, nhà khai thác điện chính của nước này. Tại Hy Lạp, Trung Quốc đã cung cấp nguồn vốn đáng kể trong khi diễn ra cuộc khủng hoảng.

Nguồn tiền mặt lớn nhất của Trung Quốc đã chảy vào Tây Âu. Ở Anh, quá trình này đã tăng tốc sau sự giúp sức của George Osborne, khi đó là Bộ trưởng tài chính Anh, làm cho Trung Quốc trở thành “đối tác tốt nhất ở phương Tây” của nước này. Ngay cả nước Pháp, với sự hoài nghi lâu đời đối với đầu tư nước ngoài, cũng đã chứng kiến ​​việc Trung Quốc thâu tóm các vườn nho ở Bordeaux.
Trọng tâm đầu tư của Trung Quốc ở Đức là các công ty công nghệ cao với kiến ​​thức chuyên ngành cần thiết, như là một phần trong chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” của Tập Cận Bình, làm cho Trung Quốc tự chủ hơn về mặt công nghiệp và công nghệ. Chính quyền Đức đã được báo động khi Trung Quốc mua gần 10% cổ phần của Daimler, chủ sở hữu của Mercedes-Benz, vào tháng Hai. Việc các phương tiện truyền thông Trung Quốc mô tả thỏa thuận trên như là một chiến thắng cho ngành công nghiệp trong nước của họ cũng không giúp được gì. Một lo ngại lớn khác là các công ty Trung Quốc đang thâu tóm các công ty quy mô nhỏ, chuyên ngành, Mittelstand, nền đá tảng của sự thành công của ngành công nghiệp Đức, khi mà những người sáng lập ra chúng ngày càng lớn tuổi và thiếu người thừa kế có khả năng điều hành công ty gia đình.
Con đường dẫn đến sự phụ thuộc
Cuối cùng thì Trung Quốc muốn gì? Sẽ là sai lầm khi quy quá nhiều chiến lược lớn cho hành động của họ. Không giống như Nga, họ không quan tâm đến việc thúc đẩy sự sụp đổ của EU. Hoàn toàn ngược lại: họ thấy có lợi cho chính họ từ sự cởi mở và giàu có của châu Âu. Đó là sự thật, Trung Quốc thường tự hỏi liệu châu Âu có thể trở thành là một đối tác trong một thế giới đa cực hay không. Họ đứng nhìn một cách hân hoan khi Pháp và Đức chống lại sự xâm lược do Mỹ dẫn đầu tại Iraq vào năm 2003, làm vỡ vụn sự thống nhất của phương Tây. Họ tìm cách học hỏi từ chủ nghĩa tư bản châu Âu, đặc biệt là mô hình thị trường xã hội của Bắc Âu. Nhưng sự nhiệt tình xem châu Âu như là một đối tác bình đẳng không kéo dài lâu. Ngày nay, giới lãnh đạo Trung Quốc thích giảng dạy các đại sứ và các nhà lãnh đạo châu Âu đến thăm Trung Quốc về những thất bại của phương Tây.
Một số người châu Âu nhìn thấy Trung Quốc đang chơi cờ vua bốn chiều để phân chia và chinh phục lục địa của họ. Nhưng hầu hết các phái viên của châu Âu ở Bắc Kinh đều nghĩ rằng thực tế ít kịch tính hơn thế, mà còn mở ra nhiều cơ hội hơn nữa. Trong chính sách đối ngoại, cũng như trong tất cả mọi thứ, Trung Quốc là bản chất chắt lọc của sự tư lợi. Châu Âu là một phương tiện để đạt được mục đích.
Mục tiêu tối thượng, mà giới lãnh đạo của họ không bao giờ quên, là làm cho Trung Quốc trở thành một siêu cường hiện đại, tiên tiến mà các nước khác không dám phủ nhận. Ý tưởng của họ về châu Âu như là một khu vực giàu có, sáng tạo, có thể giúp họ đạt được mục tiêu đó. Ngược lại, họ bị ám ảnh bởi nước Mỹ, như một nước bá quyền già cỗi, hận thù, có thể ngăn chặn họ đạt được mục đích. Vì vậy, một khi Trung Quốc xem EU là một đối tác tiềm năng và thậm chí là một mô hình trong một số lĩnh vực, thì giờ đây họ tiếp cận châu Âu với ít sự tôn trọng hơn – như một dạng siêu thị các cơ hội để hưởng lợi, có thể giúp họ trỗi dậy, vô hiệu hóa sự chống đối đối với chính sách đối ngoại của họ, và giữ cho phương Tây không thống nhất chống lại họ.
Trong thực tế, những gì quá trình này trông như vậy là điều hiển nhiên ở Cộng hòa Séc. Thử lấy ví dụ, CEFC China Energy, một tập đoàn khổng lồ tư nhân về năng lượng (hiện tại được nhà nước hậu thuẫn), có các mối liên kết với cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc. Năm 2015, CEFC đã đến Praha với một quyển séc mở và tha hồ mua sắm, mua cổ phần ở J&T, một tập đoàn tài chính lớn; Travel Service, hãng hàng không lớn nhất của Séc; Empresa, một tập đoàn truyền thông; thậm chí SK Slavia Prague, đội bóng đá lớn thứ hai của thủ đô Praha – và sân vận động của nó. CEFC đã thuê nhiều người Séc có ảnh hưởng khác nhau: Jaroslav Tvrdik, cựu bộ trưởng quốc phòng, làm phó chủ tịch cho họ về các chiến dịch tại Châu Âu; Stefan Fule, trước đây là ủy viên châu Âu, tham gia hội đồng kiểm soát của họ; Jakub Kulhanek, từng là thứ trưởng tại bộ ngoại giao, tham gia với tư cách là cố vấn.
Milos Zeman (1944-)
Vaclav Havel (1936-2011)
Gần như ngay lập tức, điều này đã tạo được ảnh hưởng của Trung Quốc. Milos Zeman, tổng thống nước Cộng hòa Séc, đã bổ nhiệm Ye Jianming, chủ tịch CEFC, làm cố vấn trong những tháng mà công ty đến Séc. (Ông Ye đã bị bắt hồi đầu năm nay ở Trung Quốc trong những điều kiện mờ ám.) Milos Zeman, một nhân vật tính khí thất thường có vẻ thực sự ngưỡng mộ phong cách mạnh mẽ của Tập Cận Bình, nói với một nhà ngoại giao châu Âu ở Bắc Kinh, rằng ông hy vọng đất nước ông sẽ trở thành “tàu sân bay không thể chìm của quá trình mở rộng đầu tư của Trung Quốc” ở châu Âu. TV Barrandov, một kênh truyền hình thuộc sở hữu của Empresa, hiện đang chiếu một chương trình phỏng vấn hàng tuần với tổng thống, do Jaromir Soukup, giám đốc điều hành của kênh, thực hiện, trong đó ngài tổng thống thường xuyên bộc lộ các quan điểm ủng hộ Trung Quốc.
Và đây là cái giá phải trả về mặt ngoại giao. Một cam kết lâu dài của Czech về vấn đề nhân quyền, bắt nguồn từ cuộc nổi dậy năm 1968 chống lại Liên bang Xô viết và những năm dưới thời Vaclav Havel làm tổng thống trong thập niên 1990, đã khiến họ trở thành tiếng nói chua nhất của châu Âu đối với các vụ lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc. Điều đó đã biến mất. Khi Tập Cận Bình đến thăm Praha vào năm 2016 để nâng cấp quan hệ Trung Quốc-Séc thành “quan hệ đối tác chiến lược”, thì cảnh sát đã thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ Tây Tạng. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, từng được chào đón nồng nhiệt ở Praha, đến thăm Séc cùng năm đó, thì nhiều nhân vật cao cấp, trong đó có thủ tướng, đã lánh xa chuyến đi của Đạt Lai Lạt Ma. Và vào năm mà Hội đồng Châu Âu cố gắng đạt được thỏa thuận về các quy định sàng lọc mới đối với các nguồn đầu tư, thì Cộng hòa Séc là một trong những nước đã giảm nhẹ biện pháp này.
Ảnh hưởng nói chung rõ nét hơn khi càng đi về phía đông và phía nam EU. Năm 2016, Hungary và Hy Lạp đã ngăn cản EU để cùng với Mỹ và Úc ủng hộ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực có lợi cho Philippines trong một tranh chấp với Trung Quốc về biên giới biển ở Biển Đông. Trên thực tế, tuyên bố của EU thậm chí còn không đề cập đến chính phủ Trung Quốc. “Thật đáng xấu hổ”, theo lời thừa nhận của một nhà ngoại giao EU ở Bắc Kinh. Năm ngoái, lần đầu tiên, EU đã không đưa ra tuyên bố tại Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sau khi bị Hy Lạp ngăn chặn vì “những phê phán không mang tính xây dựng đối với Trung Quốc”.
Lực kéo chính
Viktor Orban (1963-)
Những ví dụ trên là điển hình của một đặc điểm quan trọng trong các thỏa thuận của Trung Quốc ở châu Âu: chủ nghĩa song phương. Trung Quốc thích thỏa thuận với từng nước một, khi mà lợi thế về quy mô của họ lớn hơn. Hội nghị thượng đỉnh hàng năm “16+1” với các nước Trung Âu và Đông Âu, thực sự là 16 hội nghị thượng đỉnh một-cộng-một, trong đó mỗi chính phủ thỏa thuận với Trung Quốc theo những điều khoản riêng của mình. Đối với một số nước, việc các nước ở Tây Âu không chú ý tới hoặc thiếu tôn trọng làm cho Trung Quốc có vẻ trở nên hấp dẫn hơn: “Trung Âu gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng trong việc khắc phục những yếu kém về cơ sở hạ tầng”, Viktor Orban, thủ tướng chuyên quyền của Hungary, nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức vào tháng Giêng. “Nếu EU không thể hỗ trợ về mặt tài chính, thì chúng tôi sẽ chuyển sang Trung Quốc.”
Trung Quốc rất khéo sử dụng nghi thức ngoại giao để ra vẻ hào phóng. Họ có cách của họ để giao thiệp với những nước nhỏ hơn, với cùng nghi thức trang trọng và hội họp cấp bộ trưởng, giống như đối với những nước lớn hơn. Mặc dù các cuộc họp có thể mang tính công thức và việc các bộ trưởng Trung Quốc đọc từ một bản thảo, một nhà ngoại giao nói rằng Bắc Kinh hành xử với một vị thế ít làm bẽ mặt hơn, ít nhất về mặt hình thức, so với Washington, nơi mà những nước nhỏ hơn, nếu muốn đảm bảo một cuộc họp thành công, phải nỗ lực hết sức để kết bạn với những nghị sĩ có các quan hệ lâu đời với đất nước mình hoặc có một lợi ích nào đó. Ngay cả các nước nhỏ cũng thích được các nhà lãnh đạo hàng đầu viếng thăm, theo lời của đại sứ Iceland, Gunnar Snorri Gunnarsson. “Họ là một cường quốc toàn cầu thực tế, vì vậy họ biết sự khác biệt giữa các nước lớn và nhỏ. Nhưng trên giấy tờ và trên nguyên tắc, họ nói rằng họ muốn tôn trọng các nước nhỏ hơn,” ông nói. Hơn nữa, ông lưu ý, “từ quan điểm của Trung Quốc, tất cả các nước đều nhỏ.”
Tầm ảnh hưởng [của Trung Quốc] ít hiển nhiên hơn ở các nền kinh tế lớn hơn của châu Âu, nhưng nó có tồn tại. Mikko Huotari, thuộc Viện Nghiên cứu Mercator về Trung Quốc, cho biết tầm ảnh hưởng đó đang tăng rất nhanh đặc biệt ở Italia. Trong khi đó, các công ty và các quỹ đầu tư của Trung Quốc đang vững chắc tiếp cận giới tinh hoa của châu Âu bằng cách thuê những người như David Cameron, cựu thủ tướng Anh (làm cố vấn cho một quỹ đầu tư), Jean-Pierre Raffarin, cựu thủ tướng của Pháp (làm giám đốc một công ty sản xuất), và Philipp Rösler, cựu phó thủ tướng của Đức (làm người đứng đầu một quỹ từ thiện của một tập đoàn lớn của Trung Quốc).
Một trong những điểm yếu lớn nhất của lục địa là sự ngây ngô của họ. Trong một thời gian dài, Mỹ và Úc đã đặc biệt hành xử cứng rắn hơn người châu Âu, những người vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa và sẽ tự do hóa khi hội nhập với phương Tây. Người Đức gọi đó là “Wandel durch Handel” (thay đổi thông qua thương mại), cho đến khi nhận ra rằng Wandel [thay đổi] được đề cập sẽ làm cho Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh và rằng Handel [thương mại] không đảm bảo cho sự hợp tác của Trung Quốc.
Khi thọc vào bụng châu Âu và thấy nó mềm, Trung Quốc đang thử xem họ có thể đẩy thêm bao xa. Gần đây, họ đã cố cấm một đại biểu nghị viện người Anh ủng hộ Đài Loan tham gia một chuyến đi của một ủy ban nghị viện đến Trung Quốc. Họ nhận được một lời xin lỗi từ công ty Daimler vì đã trích dẫn lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên một quảng cáo trên trang mạng Instagram.
Những vụ làm bẽ mặt nửa kín nửa hở như vậy không phải là mối nguy duy nhất của đồng tiền Trung Quốc ở châu Âu. Một mối nguy khác là bản chất chính trị, và vì vậy không đáng tin, của các khoản đầu tư thường không thành công. Một loạt những thất bại gần đây – cùng với sự miễn cưỡng liên tục của Trung Quốc trong việc mở cửa thị trường cho các hoạt động đầu tư của EU – đã khiến các chính phủ châu Âu ngày càng nghi ngờ về toàn bộ nguồn tiền đang chảy vào EU. CEFC gần như sụp đổ khi ông chủ của nó bị bắt giam và chỉ được cứu vãn khi CITIC, một cơ quan đầu tư trực tiếp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, nhảy vào. Việc xây dựng tuyến đường sắt Budapest-Belgrade đã bị trì hoãn (tuyến đường sẽ bỏ qua nhiều thị trấn công nghiệp quan trọng của Hungary). Một đường cao tốc được Trung Quốc tài trợ từ Warsaw đến biên giới nước Đức không bao giờ được hoàn thành. Nguồn tiền được hứa cho những dự án phát triển ở Liverpool không bao giờ được thực hiện.
Điều đáng chú ý là sự hoài nghi này đã lan đến các nền kinh tế có truyền thống thân thiện hơn với Trung Quốc. Thậm chí Anh Quốc, nước sẽ rời khỏi EU và tuyệt vọng với các thỏa thuận về đầu tư và thương mại, rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự khẩn khoản của Trung Quốc so với các nước láng giềng tại lục địa, nhưng họ vẫn thắt chặt các chính sách của họ trong những năm gần đây. Hội nghị thượng đỉnh 16+1 lần gần đây nhất đã chứng kiến ​​việc các nước Trung Âu và Đông Âu, dẫn đầu bởi một nước Ba Lan hết kiên nhẫn vì bị ra lệnh, thách thức Trung Quốc về tính hiệu quả của các nguồn đầu tư tại nước họ.
Đức đã đưa ra và thắt chặt luật pháp quốc gia của họ trong việc sàng lọc các nguồn đầu tư. Cùng với Pháp, họ đã kêu gọi EU thiết lập một khuôn khổ chung để làm điều tương tự ở cấp độ châu Âu.
Chuyển làn
Pháp chế có liên quan sẽ được đưa vào các bộ luật trước các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào năm tới. Mặc dù quyền kiểm soát cuối cùng để sàng lọc [các nguồn đầu tư] thuộc về chính phủ các quốc gia, nhưng mục đích là nhằm truyền bá các thông tin và chuẩn mực trong toàn bộ các nước thành viên. “Đề xuất đã nhận được một mức độ đồng thuận đáng ngạc nhiên”, theo lời của một quan chức châu Âu. “Vài năm trước đây, chúng ta không thể tưởng tượng được về chỉ thị này,” một quan chức khác tiếp lời.
Jean-Claude Juncker (1954-)
Một phần lớn sự thay đổi giữa các nước liên quan đến việc cần phải làm điều gì đó nhiều hơn ở cấp độ châu Âu. Năm 2016, EU đã thông qua một chiến lược mới đối với Trung Quốc, dự tính sự hợp tác lớn hơn giữa các nước thành viên. Họ làm việc chặt chẽ hơn với 16+1 nước để phối hợp các quan điểm. Trong thông điệp Liên bang vào tháng 9, Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, thừa nhận rằng “châu Âu không đúng khi giữ im lặng tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, khi Hội đồng lên án việc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền, bởi vì có một nước thành viên phản đối nó. Tôi đưa ra một ví dụ này – tôi còn có thể đưa ra nhiều ví dụ khác.” Ông đề nghị chuyển từ việc bỏ phiếu nhất trí hoàn toàn sang việc bỏ phiếu theo đa số liên quan đến một số chủ đề về chính sách đối ngoại, trong đó có vấn đề nhân quyền. Xét đến điều đó trong quá khứ, thì các nước thành viên như Cộng hòa Séc và Hy Lạp sẽ gặp khó khăn. Nhưng hướng đi [của Liên minh] rất rõ ràng: Châu Âu đang sáng suốt ra.
Còn nhiều việc phải làm. “Tại sao chúng ta chỉ xem xét các khoản tài trợ của nhà nước từ nội bộ EU mà không phải từ Trung Quốc?” Một quan chức châu Âu đặt câu hỏi. Ông Huotari, nhà tư vấn, ủng hộ việc kiểm tra một cách tốt hơn đối với việc các doanh nghiệp Trung Quốc mua lại các tài sản do nhà nước trợ cấp và đối với các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về kế toán. Đối với Thorsten Benner thuộc Viện chính sách công toàn cầu ở Berlin, một nhà tư vấn khác, vấn đề liên quan đến một điều gì đó cơ bản hơn: “Người châu Âu chúng ta nên có tư tưởng ít phòng thủ hơn. Câu trả lời mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể gởi đến Trung Quốc là hãy cải thiện khả năng cạnh tranh của chính mình và hướng đến suy nghĩ một mô hình của chính mình: đó là sự cởi mở”.
Đây là thách thức của châu Âu. Châu Âu là những nước và thể chế cởi mở nhất trên thế giới. Praha, với lịch sử đứng vững trước sự áp bức của Liên Xô, là một biểu tượng của sự cởi mở đó, nhưng thành phố này cũng ngày càng là một ví dụ điển hình về cách thức Trung Quốc đang lợi dụng sự cởi mở trên để theo đuổi lợi ích quốc gia của họ. Để cạnh tranh, châu Âu phải mở cửa trong khi vẫn kêu gọi, và nếu cần thiết, ngăn chặn các cường quốc bên ngoài lạm dụng các chính sách cởi mở của nó. Trong năm đặc biệt này, sẽ là điều ngu xuẩn nếu châu Âu không chú ý đến những lời tỉnh táo của chủ tịch Trung Quốc, và nắm lấy “cơ hội để đạt được sự sáng suốt và sức mạnh để tiến lên phía trước”.
Bài viết này được đăng trong mục Bản tin nhanh của ấn bản in, dưới tiêu đề “Gaining wisdom, marching forward [Đạt được sự thông thái, tiến lên phía trước]”.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF