3.10.18

Kinh tế học vi mô có gì đáng giữ lại


KINH TẾ HỌC VI MÔ CÓ GÌ ĐÁNG GIỮ LẠI?[1]

Emmanuelle Bénicourt[2] và Bernard Guerrien[3]
Tóm tắt: Bài này liệt kê tất cả những gì trong kinh tế học vi mô vấp phải lí lẽ thông thường hay dẫn đến phạm phải lỗi logic – dù cho đó là trong các mô hình cân bằng bộ phận lẫn cân bằng chung, ở thế cạnh tranh hoàn hảo hay không. Ở cội nguồn của những sai lầm này là cách trình bày không thích hợp hình thức tổ chức nằm sau các mô hình này và việc thiếu làm rõ những tin tưởng được gán cho các tác nhân.
Kinh tế học vi mô thường được hiểu như việc nghiên cứu những lựa chọn của các tác nhân kinh tế, hộ gia đình và doanh nghiệp, và việc các thị trường phối hợp các tác nhân này. Bài này hoàn toàn không bác bỏ kinh tế học vi mô bằng cách phủ nhận, như các nhà “phi chính thống” thường làm, giả thiết homo economicus – theo đó duy chỉ việc yêu bản thân mới được tính đến trong việc phân tích các hành vi. Rõ ràng giả thiết này là không “thực tế”: không ai phủ nhận rằng động cơ của con người bằng xương bằng thịt là phức tạp và đa dạng. Nhưng cũng rõ ràng không kém là động cơ thuần tuý “kinh tế” – việc tìm kiếm hoan lạc cá nhân hay với chi phí thấp – giữ một vai trò đủ quan trọng trong các hành vi con người để ta đặc biệt chú ý đến nó, như điều kinh tế học đã làm.
Do đó có thể phê phán chính đối với kinh tế học vi mô – đến độ phải tự hỏi là bộ môn này có ích gì chăng – không nhắm vào những giả thiết liên quan đến động cơ của các cá thể mà nhắm vào cách kinh tế học vi mô hình dung các quan hệ thị trường. Ta sẽ bắt đầu bằng mô hình mà kinh tế học vi mô tự hào nhất, mô hình cân bằng chung, rồi sẽ đề cập đến cấp độ khiêm tốn hơn của cân bằng bộ phận, được xem là “cụ thể” và “có tính ứng dụng”.[4]
1.  Cân bằng chung
David Kreps (1950-)

Cách tiếp cận cân bằng chung là cách tiếp cận quý phái nhất (cách duy nhất có giá trị đối với những nhà thuần khiết) vì nó xuất phát từ các cá thể tìm cách cải thiện phúc lợi của mình bằng cách tiến hành các cuộc trao đổi có lợi cho đôi bên. Như vậy, trong cuốn Leçons de théorie microéconomique (A Course in Microeconomics Theory – ND) David Kreps “tưởng tượng” những người tiêu dùng “đi dạo trong một quảng trường đủ rộng” với những thực phẩm đủ loại trong xách tay. Khi hai người trong số họ tình cờ gặp nhau,
“họ xem xét những gì mà mỗi người có thể đề nghị để xem là họ có thể tiến hành những trao đổi có lợi cho đôi bên không. Chính xác hơn, có thể tưởng tượng rằng, ở mỗi cuộc gặp gỡ như vậy, một đồng tiền được tung lên để chỉ định người được quyền đề nghị trao đổi, người kia chỉ có thể chấp nhận hoặc từ chối. Cũng có thể áp đặt một quy tắc theo đó không ai được quyền ăn thực phẩm mình mang theo khi còn ở trong quảng trường, khiến cho mỗi người vẫn đó chừng nào chưa thoả mãn với những gì mình có” (trang 196)
Kreps còn “tưởng tượng” những biến thể của mô hình trên. Ở mỗi lần, từ “thị trường” chỉ một cái “chợ”, với một số quy tắc cụ thể nhất định – như việc ném đồng tiền để chỉ định người đề xuất một giá hay việc cấm rời khỏi hiện trường khi còn có những cuộc trao đổi có lợi cho các bên. Sau khi hình dung những hình thức tổ chức khác nhau các cuộc trao đổi, Kreps thừa nhận rằng
“việc tìm kiếm những mô hình thực tế [mô hình cạnh tranh hoàn hảo] liên quan đến các thị trường chỉ mới ở một giai đoạn tương đối chưa tiến triển mấy”
Năm mươi năm sau Arrow-Debreu và một trăm năm sau Walras...
Rõ ràng là đối với Kreps mô hình cạnh tranh hoàn hảo ở rất xa với những mô hình thực tế mà ông hằng mong ước. Thật ra, vấn đề với mô hình này không phải là tính “thiếu thực tế” của nó nhưng ở sự thiếu vắng hoàn toàn tính xác đáng trong chừng mực mà nó lén lút giả định sự tồn tại của một thực thể
1.   đề xuất với các tác nhân giá cả cho tất cả các sản phẩm hiện nay và trong tương lai
2.   ghi nhận các cung và cầu của các tác nhân
3.   cộng và đối chiếu các cung và cầu này. Nếu cung và cầu không bằng nhau thì thực thể này thay đổi các giá thể theo “quy luật cung cầu” cho tới lúc tìm ra các giá trị làm cân bằng chúng.
Các sách giáo khoa hoàn toàn không nói gì đến các điều trên[5] và chỉ bằng lòng với việc viện đến một vị cứu tinh được gọi là “thị trường” “làm nổi lên” các giá cân bằng.
Tuy nhiên chúng ta sống trong một thế giới mà con người trao đổi với nhau, chứ không phải với “thị trường”. Ít ra có một số người đề xuất giá cả. Đó là những điều hiển nhiên đối với bất kì ai nhưng mà mô hình cạnh tranh hoàn hảo lại không cần biết đến.
Mô hình này có thể có ích cho ai – tựa như nhà làm kế hoạch hoá – muốn sử dụng giá cả như là những tín hiệu gởi cho các hộ gia đình và doanh nghiệp – miễn là họ chấp nhận luật chơi và có hành vi của “người nhận giá” – với mục tiêu là phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Nhưng như thế thì ta ở rất xa những nền kinh tế thị trường mà kinh tế học vi mô có tham vọng nghiên cứu.
2.  Cân bằng bộ phận và các đường cung và cầu
Các sách giáo khoa thường thích xử lí vấn đề cân bằng (cạnh tranh hoàn hảo) bằng cân bằng bộ phận, một cách tiếp cận vừa dễ hiểu vừa cho phép cung cấp những “ví dụ cụ thể”. Vì thế các sách này dành nhiều trang để chỉ ra cách xây dựng một đường cầu tưởng tượng của một sản phẩm cho một cá thể (chấp) “nhận giá” – điều có vẻ hợp lí cho một người tiêu dùng, nhưng không hợp lí cho một người sản xuất. Sau đó, sự chú ý được dành cho cách cộng các đường cá thể để có được đường của “thị trường”, mà không bao giờ nói rõ ai làm phép tính cộng. Hậu quả của việc tập trung vào một phép tính toán học, phép cộng, là để trong bóng tối cách “thị trường” vận hành.
Để góp thêm phần lộn xộn, các sách giáo khoa có thói quen ghi giá cả trên trục tung và số lượng trên trục hoành, vừa kí hiệu bằng d(p) s(p) cầu (demand) và cung (supply) – và như thế phá vỡ một quy ước phổ cập là khi ta viết f(x) thì x chỉ biến trên trục hoành. Thế mà một trong những giả thiết thiết yếu của mô hình là giá cả là cho trước – các tác nhân là những người “nhận giá” – điều đáng lí phải khuyến khích ghi giá cả trên trục hoành. Khi ghi số lượng trên trục hoành là đã gợi ý, một cách sai lầm, là chính số lượng (dưới dạng cung và cầu) “xác định” giá cả. Như vậy, vấn đề ai đề xuất giá bị che giấu.
Joseph Stiglitz (1943-)

Một khi các đường cung và cầu của “thị trường” đã được vẽ, sự chú ý tất nhiên tập trung vào điểm giao nhau của chúng, tức điểm “cân bằng cạnh tranh”. Như thế ý tưởng hiện lên trong đầu một cách tự phát – hay do biểu đồ gợi ý – là, sau một thời gian nhất định, giá cả và số lượng của cung và cầu hội tụ về những giá trị do điểm này cho được. Các sách giáo khoa tìm cách củng cố ý tưởng này bằng cách nói đến một quá trình đặt cơ sở trên “quy luật cung cầu”. Cho dù phải mâu thuẫn với chính mình, như khi đọc hai cuốn sách giáo khoa, trong vô số cuốn khác, đều do hai tác giả uy tín chấp bút – một cuốn tác giả còn là chủ nhân của một “giải Nobel kinh tế” nữa.
Trong cuốn Principes d’économie moderne (Principles of Microeconomics – ND), Joseph Stiglitz giải thích rằng khi giá của một hàng hoá cao hơn giá cân bằng của nó thì các nhà sản xuất
bắt đầu giảm giá để hi vọng hốt khách hàng của các nhà cạnh tranh với mình” (chúng tôi nhấn mạnh).
Gregory Mankiw (1958-)

Tương tự, trong cuốn Principes de l’économie (Principles of Economics), Gregory Mankiw viết:
“Giả sử giá cao hơn giá trị cân bằng của nó... Những người bán sẽ cố gắng gia tăng đầu ra của mình bằng cách giảm giá của sản phẩm. Như vậy giá sẽ giảm cho đến khi đạt đến thế cân bằng” (chúng tôi nhấn mạnh).  
Cả Stiglitz lẫn Mankiw dường như quên rằng họ xây dựng các đường cung và cầu (và xác định giao điểm của chúng) bằng cách giả định rằng tất cả tác nhân đều là những người nhận giá, ở thế cân bằng cũng như ở ngoài điểm này. Khi giải thích rằng một số tác nhân sẽ “giảm giá” nếu đó không phải là giá cân bằng, họ mâu thuẫn với bản thân và khiến toàn bộ thiết kế của họ bị đặt thành vấn đề do các đường cung và cầu “cho trước” của họ không còn thích đáng. Chính xác hơn, các đường này “nhúc nhích” vì những người bán và mua trực tiếp ở những giá thoả thuận và khác với giá cân bằng “rút ra khỏi thị trường” sau khi hoàn thành giao dịch (ở những giá khác với giá cân bằng được tìm kiếm)[6]. Do đó giao điểm của cung và cầu cũng dịch chuyển: cân bằng phụ thuộc vào lộ trình dẫn đến nó (path dependent). Quá trình có thể diễn ra cho đến khi không còn ứng viên để trao đổi có lợi cho các bên, nhưng khi đó thì giá đạt được tất nhiên sẽ khác với giá cân bằng “ban đầu”, cái giá được cho ở giao điểm của đường cung và đường cầu của những tác nhân được giả định là những người nhận giá. Bởi thế phân tích không còn ích lợi vì cân bằng đạt được có thể nằm (gần như) bất cứ ở đâu và nhất là hầu hết các giao dịch đã được thực hiện “dọc đường”, mỗi lần ở những giá khác nhau. Ta ở rất xa “qui luật giá độc nhất” được cho là đặc trưng cho các thị trường cạnh tranh.
Joseph Bertrand (1822-1900)
Léon Walras (1834-1910)
Có thể tự hỏi làm sao những bộ óc xuất sắc như Stiglitz và Mankiw lại có thể phạm một lỗi logic như thế[7]. Lỗi này đã được nhà toán học Joseph Bertrand phát hiện – từ hơn một thế kỉ trước! – trong bài điểm và phê phán cuốn Éléments d’économie pure của Léon Walras. Walras đành chấp nhận phê phán này – khó mà làm khác hơn được – tuy không phủ nhận những phân tích của mình. Do đó ông đưa thêm vào mô hình của mình một giả thiết theo đó các tác nhân không được phép tiến hành các trao đổi khi chưa đạt đến các giá cân bằng. Giả thiết mà những sách giáo khoa tránh nhắc đến – đó là giả định rằng các tác giả của các sách này hiểu được vấn đề nằm ở đâu, điều mà ta có thể nghi ngờ[8]. Thừa nhận có vấn đề là thừa nhận rằng biểu đồ “cung-cầu” tượng trưng cho một thị trường tưởng tượng, không liên quan gì đến những thị trường có thật – và giới thiệu một cách nhìn sai lầm. Nhưng làm sao hình dung một sách giáo khoa hay một giáo trình kinh tế vi mô mà không có một biểu đồ như thế?   
3.  Kinh tế học thực nghiệm nói gì?
Tất nhiên là kinh tế học thực nghiệm đã quan tâm đến vấn đề các “thị trường cạnh tranh”, trong một khuôn khổ rất thô sơ, của cân bằng bộ phận. Ngay cả như thế, cách tiếp cận bằng “quy luật cung cầu” đã không dẫn đến kết quả được chờ đợi – giá của cân bằng lí thuyết. Kì lạ là sẽ đạt đến giá này tốt hơn nếu các cuộc trao đổi được tổ chức theo phương pháp “đấu giá kép liên tục” (continuous price auction), khi các bên tham gia đề xuất giá dựa trên những quan sát của họ trong suốt diễn tiến của quá trình. Vì sao cách thức phức tạp, và rất đặc biệt này, lại dẫn đến một kết quả tốt hơn việc áp dụng đơn giản “quy luật cung cầu”? Không ai biết, như nhận xét của Vernon Smith, chuyên gia lớn về vấn đề này, trong bài thuyết trình Nobel của ông:
“chúng ta hoàn toàn không biết gì – chẳng hơn gì những chủ thể gọi là “ngây thơ” của thí nghiệm – về cách mà bộ não chúng ta giải quyết dễ dàng vấn đề cân bằng khi tương tác với những bộ não khác trong quá trình đấu giá kép liên tục. Chúng ta không có một mô hình có thể tính đến kết quả thực nghiệm quan trọng này” (chú thích 29 cũng như các chú thích 14, 28 và 45).
“Kết quả thực nghiệm quan trọng” này đã có từ hơn 40 năm nhưng các sách giáo khoa – và không chỉ có chúng – tiếp tục giả định rằng các tác nhân là những người nhận giá, một giả thiết mà theo Vernon Smith, là một “thảm hoạ” (a non-starter):
“Về mặt lí thuyết, ẩn dụ về những người nhận giá là một thảm hoạ: ai đề xuất giá cả khi tất cả các tác nhận đều nhận chúng? Nếu đó là người xướng giá walrasian thì tại sao quá trình [dò dẫm của Walras] lại tỏ ra không hiệu quả đến thế? (trang 516).
Vernon L. Smith (1927-)
Không hiệu quả, theo Vernon Smith, là những kiểm định các quá trình như trên cho thấy là giá cả không hội tụ về điểm hội tụ của các đường cung và đường cầu. Như thế phải chăng đành chấp nhận, như Vernon Smith, đã làm trong bài thuyết trình Nobel, là có:
“một trí tuệ xã hội (social mind) giải quyết những vấn đề tổ chức phức tạp mà không có sự can thiệp của bất kì hình thức nhận thức có ý thức nào” (trang 553),
và phải tin vào “trí tuệ xã hội” bí mật này mà không tìm cách tìm hiểu[9]? Với hệ quả logic là vứt vào sọt rác các sách giáo khoa kinh tế học vi mô – các sách này vốn muốn tìm hiểu mà vẫn giả định một hình thức tổ chức không phù hợp?
4.  Cạnh tranh không hoàn hảo và cân bằng
Mas-Colell (1944-)

Có người khẳng định rằng kinh tế học vi mô không chỉ có trường hợp của cạnh tranh hoàn hảo mà còn có những mô hình trong đó các tác nhân không phải là những người nhận giá. Đúng thật như vậy, nhưng như thế thì không có gì bảo đảm sự tồn tại của ít nhất một cân bằng (chung). Vì thế, ngay cả những tác phẩm trình độ cao như Theory of General Economic Equilibrium (1985) của Mas-Colell hay Microeconomic Theory của Mas-Colell, Whinston và Green không bao giờ đề cập đến sự tồn tại của cân bằng ngoài trường hợp của cạnh tranh hoàn hảo. Trong những năm 1970, một số tác giả đã thử làm điều này nhưng họ đã thất bại: chỉ riêng việc, đối với một doanh nghiệp, không xem giá cả là cho trước và do đó buộc phải dự kiến cầu hướng về mình đặt ra nhiều vấn đề không gỡ nổi – ít ra nếu giữ quan điểm cân bằng.
Các sách giáo khoa, dành cho trình độ cao hay không, xử lí vấn đề cạnh tranh không hoàn hảo – ví dụ, mô hình độc quyền và mô hình độc quyền hai người – bằng cách giả định rằng hàm cầu là “cho trước”. Các sách ngay tức thì chọn quan điểm cân bằng bộ phận và tập trung chú ý vào cân bằng với hàm ý rằng đó là tiên đoán của mô hình về lựa chọn của các tác nhân. Thế mà, nếu loại trừ trường hợp đặc biệt của độc quyền[10], thì hoàn toàn không phải như vậy. Chẳng hạn, mô hình độc quyền hai người của Cournot, một trong những ví dụ được các sách giáo khoa ưa chuộng, dành một chỗ thiết yếu cho hàm phản ứng của hai doanh nghiệp – mỗi doanh nghiệp có những phỏng đoán về cách mà doanh nghiệp có thể phản ứng với những hành động của mình. Các hàm này thường được biểu diễn trên cùng một biểu đồ bằng hai đường. Giống như trong trường hợp của cân bằng chung, sự chú ý một cách tự nhiên tập trung vào giao điểm của hai đường này và cho được cân bằng của mô hình. Tuy nhiên không thể xem cân bằng này là sự phỏng đoán những gì các doanh nghiệp sẽ làm vì, khác với người lập mô hình, các doanh nghiệp chỉ biết có hàm phản ứng của mình không thôi. Do mỗi doanh nghiệp chỉ biết cung của mình mà không biết cung của đối thủ nên chỉ là một sự ngẫu nhiên lớn khi các cung này bằng với các cung ở thế cân bằng. Do đó tiên đoán của mô hình là không có cơ may nào để đạt đến cân bằng[11]!
Nhằm toan thoát khỏi kết luận khó chịu trên, một kết luận tước đi mọi ích lợi của mô hình, các sách giáo khoa đôi lúc nói đến một quá trình phản ứng liên tiếp của hai doanh nghiệp của mô hình. Một quá trình mà, nếu một số điều kiện được thoả mãn, sẽ hội tụ về thế cân bằng: doanh nghiệp A bắt đầu đề nghị một cung và doanh nghiệp B phản ứng lại, gây nên một cung mới của A và cứ thế mà tiếp tục cho đến khi đạt tới cân bằng. Làm như thế dường như các tác giả sách không thấy rằng quá trình này làm cho cân bằng “chuyển động” mà quá trình được xem là sẽ dẫn tới – ít ra nếu giả định rằng các tác nhân là duy lí. Thật vậy các hàm phản ứng được xác lập bằng cách giả định rằng mỗi doanh nghiệp nghĩ là đối thủ của mình sẽ không thay đổi cung của anh/chị ta khi bản thân thay đổi cung của mình (doanh nghiệp có những “phỏng đoán theo kiểu Cournot”). Thế mà cả hai doanh nghiệp đều thấy là điều ngược lại xảy ra ở mỗi bước của quá trình tìm kiếm cân bằng. Nếu họ là duy lí thì họ sẽ thay đổi những phỏng đoán của mình, điều này làm dịch chuyển các đường phản ứng, và do đó làm dịch chuyển giao điểm, tức điểm cân bằng. Cũng giống như trong trường hợp của cạnh tranh hoàn hảo cân bằng phụ thuộc vào quá trình mà nó là điểm kết thúc (path dependent)[12].
Chính bản chất của cân bằng đặt ra những vấn đề ấn tượng hơn nữa trong trường hợp của mô hình Bertrand, trong đó giá cân bằng được cho bởi chi phí cận biên c – được giả định là bất biến. Như vậy một doanh nghiệp duy lí phải đề nghị một giá cao hơn c, vì nếu giá này thấp hơn giá của đối thủ thì lợi nhuận của doanh nghiệp là dương ngặt – nếu cao hơn thì lợi nhuận bằng không, như lợi nhuận ở thế cân bằng. Do đó mỗi doanh nghiệp phải đề nghị một giá cao hơn c, với hi vọng là có lợi nhuận cao hơn lợi nhuận ở thế cân bằng. Do đó tiên đoán của mô hình là không có doanh nghiệp nào sẽ đề nghị cung cân bằng – điều tước đi mọi ích lợi của mô hình. Như David Kreps ghi nhận:
“Trong đại đa số những ứng dụng vào kinh tế học của lí thuyết trò chơi không hợp tác, kiểu phân tích vận dụng là phân tích cân bằng. Trong rất nhiều phân tích này, nhà lí thuyết tìm được một cân bằng Nash (đôi lúc nhiều hơn một) rồi phán rằng đó là “lời giải” của mô hình. Tôi nhấn mạnh rằng cách làm này là cực kì tuỳ tiện (sloppy), để nói một cách nhẹ nhàng”[13] (trang 405).
Tại sao phải nói đến “lời giải” về những cân bằng không phải là những tiên đoán của lí thuyết? Gán ý nghĩa nào cho những “kết quả” thu được bằng phương pháp so sánh tĩnh – so sánh những cân bằng sau khi thay đổi một tham số của mô hình – trong khi chúng nhắm vào những trạng thái không có cơ may nào được thực hiện ngay cả khi tất cả các giả thiết của mô hình được thoả mãn?
5.  Về lập luận ở cận biên
Lập luận cận biên giữ một vị trí thiết yếu trong kinh tế học vi mô – ít ra là trong các sách giáo khoa. Lập luận này không đặt nhiều vấn đề trong trường hợp của người tiêu dùng, trong chừng mực là nó thuộc về sự chủ quan của tác nhân này – một cách tiên nghiệm, tỉ suất thay thế cận biên (MRS) đặc trưng cho nó có thể có bất kì trị số nào mà gây sốc cho lí lẽ thông thường.
Tình hình là rất khác khi liên quan đến sản xuất, vốn chịu những ràng buộc khách quan, không thể né tránh. Như vậy, những gia vị của một sản phẩm – những đầu vào (input) của nó – không thể thay thế cho nhau được mà không làm biến đổi bản chất chính ngay sản phẩm trong khi những tổ hợp khác nhau của trái táo và trái lê có thể cho người tiêu dùng cùng một sự thoả mãn. Tuy nhiên các sách giáo khoa tìm cách làm người ta tin rằng là có thể có sự thay thế lẫn nhau giữa các đầu vào – hay giữa các “nhân tố” – như có sự thay thế này giữa các sản phẩm tiêu dùng. Do điều này là không thể, các sách này sáng chế những cái gọi là “ví dụ cụ thể” rất phi lí: những chiếc áo được sản xuất bằng lao động và “vải” (Hirshleifer và Glaser) hay bằng lao động và “máy may” (Pyndyck và Rubenfeld)[14], mứt dâu được làm từ lao động và vạc (Schotter), thùng xe có được từ lao động và những “dây chuyền sản xuất” khác nhau (Stiglitz), “ống dẫn dầu” với đường kính khác nhau (Picard, Kirman và Lapied), “bánh mì” từ lao động và “lò” (Mankiw). Một số sách còn không cần tỏ ra là “thực tế”. Một số sáng chế những sản phẩm tưởng tượng: những “vật lạ” (snacks) được sản xuất từ “lao động” và “máy móc” (Begg, Fisher, Dornbusch); một chất gọi là “pfillip” có được bằng cách kết hợp một hoá chất “kapitose” và một thực vật “la-ghim” (Kreps). Về phần Hal Varian, ông tỏ ra thận trọng hơn: ông nêu những ví dụ “cụ thể” trong trường hợp không có sự thay thế lẫn nhau (một cái xẻng, một người lao động) hoặc khi không có sự thay thế “hoàn hảo” (một văn bản viết bằng mực đen hay mực đỏ), nhưng không đưa những ví dụ cho trường hợp có tính thay thế – mà chỉ viết một hàm Cobb-Douglas f(x1,x2) = x1a x2b, nhưng cũng không làm rõ x1 x2 tượng trưng cho những gì.
Các sách giáo khoa thường lẫn lộn sự thay thế liên thời gian – ít nhiều dài ngắn – với sự thay thế tại một thời điểm nhất định. Không ai nghi ngờ rằng máy móc thay thế được cho con người nhưng điều này sẽ mất một khoảng thời gian – khấu hao máy hiện có, thời gian lắp đặt và điều chỉnh, chi phí để “thải hồi” nhân công mà máy thay thế. Trái lại, sự thay thế hầu như không diễn ra trong chiều ngược lại (con người thay thế máy móc), trái với những gì mà các đường đẳng lượng và công thức tỉ suất thay thế cận biên (tỉ số của các đạo hàm riêng) trong sách giáo khoa hàm ý.
Vì sao các sách giáo khoa bằng mọi giá tìm cách che đậy sự thật hiển nhiên rằng những yếu tố cấu thành một sản phẩm – những đầu vào của sản phẩm – là có tính bổ sung chứ không có tính thay thế? Và điều này cũng đúng cho lao động và máy móc[15] – một bên là con người và một bên là công cụ, máy kéo, xe tải, máy xúc, dây chuyền sản xuất...? Có nhiều lí do cho hiện tượng này. Có lẽ lí do quan trọng nhất là tính bổ sung có hệ quả là năng suất cận biên bằng không: không thể gia tăng sản xuất bằng cách gia tăng một đầu vào duy nhất hay ít ra nếu tất cả các đầu vào khác đều đã được sử dụng một cách hiệu quả, như lí thuyết giả định. Làm việc nhiều hơn mà không có thêm nguyên vật liệu (ví dụ, vải) không cho phép sản xuất nhiều hơn. Điều tương tự cũng xảy ra nếu có vải nhiều hơn nhưng lao động vẫn bấy nhiêu. Thêm một người trên một máy kéo được thiết kế chỉ cho một người, hay trong một dây chuyền sản xuất (đầy đủ) là vô dụng – khi máy và dây chuyền đã được s dụng “tối đa”, có hiệu quả, như hàm sản xuất (và các đường đẳng lượng) giả định.
Tính bổ sung những đầu vào của một sản phẩm có một hệ quả khác: chi phí cận biên của sản phẩm là một hằng số. Ví dụ, nếu việc sản xuất một đơn vị một sản phẩm đòi hỏi một lượng đầu vào a1 (chẳng hạn, gỗ) và một lượng đầu vào a2 (chẳng hạn, vải) thì chi phí đơn vị c của sản phẩm này sẽ là a1p1 + a2p2, với p1 p2 theo thứ tự là giá của gỗ và vải. Chi phí sản xuất q sản phẩm sẽ là cq.
Đó là những gì mà lí lẽ thông thường chỉ dẫn về việc sản xuất – vốn không lơ lững trong thế giới của những “thị hiếu” và “lợi ích”. Để tính đến điều này, phải thay đổi sâu sắc nội dung của các sách giáo khoa, bắt đầu bằng cách từ bỏ lí thuyết lựa chọn của người sản xuất trong cạnh tranh hoàn hảo, một lí thuyết làm ngang bằng năng suất cận biên của người này với giá của các đầu vào – do theo bản chất các năng suất cận biên đều bằng không, như ta vừa thấy. Ngoài ra cũng phải loại bỏ trường hợp được các sách giáo khoa ưu tiên khi các đường tượng trưng cho chi phí trung bình CM(q) có hình chữ U. Khi không có các chi phí cố định, các đường này thu về đường “nằm ngang” mà phương trình là CM(q) = c. Khi có các chi phí cố định, kí hiệu là CF, đường này có dạng một nhánh hyperbol mà phương trình là
từ vô cực giảm tiệm tiến đến c. Trong trường hợp đầu (không có chi phí cố định), nếu giá p là cho trước – điều kiện đầu tiên của cạnh tranh hoàn hảo – thì chỉ có cân bằng nếu chi phí đơn vị c bằng với p, điều không có lí do để xảy ra. Trong trường hợp thứ hai (có chi phí cố định), có khả năng xảy ra hơn, hàm cung “cạnh tranh” không được xác định. Thật vậy, ngay cả khi giá “cho trước” (một cách mầu nhiệm) bằng với chi phí đơn vị thì doanh nghiệp không thể khấu hao các chi phí cố định. Nếu giá này cao hơn chi phí đơn vị thì cung (“cạnh tranh”) của doanh nghiệp là vô tận. Thật vậy, do lợi nhuận của doanh nghiệp được cho bởi hiệu:
pq (doanh thu) = (CF + cq) (chi tiêu)
do đó vì (pc)q  CF
nên lợi nhuận tăng bất tận với q (vì pc > 0). Nếu p nhỏ hơn c, cung của doanh nghiệp sẽ bằng không. Tất cả các trường hợp đều đưa vào ngõ cụt.
Cách duy nhất để thoát ra là từ bỏ giả thiết theo đó các tác nhân là những người “nhận giá”. Điều có vẻ hoàn toàn hợp lí, nhưng buộc phải đi vào thế giới rối bời của “cạnh tranh không hoàn hảo” đã đề cập ở trên.
Lí lẽ thông thường và logic muốn rằng lí thuyết người tiêu dùng bắt đầu bằng việc xem xét những điều kiện sản xuất như chúng thực là – với những đầu vào bổ sung cho nhau và, cho một số đầu vào là không thể chia nhỏ và “cố định” – để sau đó tính đến việc hiển nhiên là cung của bất kì doanh nghiệp nào, lớn hay nhỏ, đều phụ thuộc vào những đầu ra được kì vọng. Tuy nhiên ta khó thấy các sách giáo khoa đi theo hướng này khi mà sự chủ quan giữ một vai trò quan trọng (các doanh nghiệp ước lượng cầu), khi mà sự tồn tại của cân bằng là không bảo đảm, và nhất là sẽ không còn thông điệp chuẩn tắc về tính “hiệu quả” của các thị trường. Bấy nhiêu đủ để gây lo lắng cho sinh viên – và cả giảng viên – ngay từ khi bắt đầu học. Từ đó có sự thu mình về thế giới làm yên lòng của cạnh tranh hoàn hảo, cho dù thế giới này hoàn toàn không dính dáng gì đến thế giới hiện chúng ta đang sống.
6. Kinh tế học vi mô nào?
Nên giữ lại gì của kinh tế học vi mô, cái kinh tế học của các sách giáo khoa được xây dựng chung quanh mô hình của Arrow-Debreu? Không gì cả, hoặc gần như thế. Điều báo hiệu là các nhà quản lí, vốn đáng lí ra là những người đầu tiên “sử dụng” kinh tế học này, hoàn toàn không biết đến nó[16]. Rõ ràng là họ không cần đến một cách nhìn sản xuất được cho bởi một hàm toán học với những đầu vào – hay “nhân tố” – thay thế cho nhau và trong đó các chi phí cố định hầu như không có bất kì vai trò nào, cách nhìn về những doanh nghiệp “nhận giá”, “quy luật giá duy nhất”, quan niệm cực kì tập trung về các thị trường của kinh tế học này. Tất cả những điều này có thể làm hài lòng những giáo viên thiếu khát mô hình hoá toán học nhưng không có ích lợi trong thực tiễn. Một cách nghịch lí, chính trong kinh tế học vĩ mô mà những khái niệm kinh tế vi mô trong các sách giáo khoa có mặt nhiều nhất. Những biến của kinh tế học vĩ mô là những đại lượng tổng gộp, được đo bằng giá trị, và điều này tước đi mọi tính xác đáng và là cội nguồn của sự nhầm lẫn và có thể dẫn đến những hoang tưởng – như các mô hình có “tác nhân tiêu biểu” khi đề cập đến “thị trường” và cân bằng chung trong một thế giới chỉ có một trung tâm duy nhất ra quyết định.
Bernard Guerrien (1943-)
Từ bỏ kinh tế học của các sách giáo khoa – hoàn toàn có thể “kể” bằng lời văn lí thuyết tân cổ điển trong một giáo trình về lịch sử tư tưởng kinh tế – không có nghĩa không quan tâm nữa đến kinh tế học ở cấp độ “vi mô”, cấp độ của những cá nhân và doanh nghiệp. Ngược lại là khác. Các hộ gia đình và doanh nghiệp tồn tại – họ chính là những tác nhân thiết yếu của nền kinh tế. Nhưng phải xuất phát từ họ, như họ vốn thế, chứ không từ những gì ta muốn họ là để cho phép xử lí họ bằng toán học, như cách làm của kinh tế học trong các sách giáo khoa. Ví dụ, những chi phí cố định – những yếu tố cấu thành các doanh nghiệp – phải là một yếu tố thiết yếu trong việc phân tích hành vi doanh nghiệp, cho dù có quy chúng về một cách ngắn gọn. Tương tự như vậy đối với tính bất biến của chi phí cận biên[17]. Việc tính đến những sự kiện hiển nhiên, không thể bác bỏ này ngăn cản đi đến những kết luận có tính trấn an của các sách giáo khoa, nhưng đó là cái giá phải trả nếu muốn hiểu được thế giới của doanh nghiệp và sản xuất. Có thể phát biểu một nhận xét tương tự về hành vi của các hộ gia đình, mà sự hiểu biết phải thông qua việc sử dụng nhiều nghiên cứu do các nhà xã hội học và tâm lí học tiến hành – ngay cả khi chỉ xét đến khía cạnh thuần tuý “kinh tế” của hành vi này. Đó là điều mà từ lâu các nhà quản lí đã làm, những người làm việc trên thực địa, mặc dù động cơ của họ không giống động cơ của các nhà kinh tế vốn quan tâm trước tiên đến lợi ích tập thể.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn:Y-a-t-il quelque chose à garder dans la micro économie?”, trang bernardguerrien.com
----
Thư mục
Arrow, K. J., and F. H. Hahn. 1971. General competitive analysis. San Francisco: Holden-Day
Begg, D., S. Fischer, and R. Dornbusch. 2005. Economics. New York: McGraw Hill.
Hirshleifer, J., A. Glazer, and D. Hirschleifer. [1992] 2005. Price theory and applications. New York: Cambridge University Press.
Kreps, D. M. 1990. A course in microeconomic theory. Priceton, NJ: Princeton University Press.
Mankiw, G. 2006. Principles of macroeconomics. Mason, OH: Thomson South-Western.
Mas-colell, A. 1985. Theory of general economic equilibrium. New York: Cambridge university Press.
Mas-colell, A., M. D. Whinston, and J. R. Green. 1995. Microeconomic theory. New York: Oxford University Press.
Mill. J. S. [1874] 2007. Essay on some unsettled questions of political economy. New York: Cosimo Classics.
Schotter, A. 1981. The economic theory of social institutions. New York: Cambridge University Press.
Stiglitz, J. E. 1995. Principles of microeconomics. New York: Norton.
varian, H. 2004. The economics of information technology: An introduction. New York: Cambridge University Press.




Chú thích:

[1] Đây là bản dịch tiếng Pháp, được chỉnh sửa và cập nhật nhiều (tháng giêng năm 2016), của bài “Is Anything Worth Keeping in Microeconomics” đăng năm 2008 trong số 40(3) của tạp chí Review of Radical Political Economics.

[2] Emmanuelle Bénicourt là phó giáo sư đại học Valenciennes và Hainaut Cambressis. Trong luận án tiến sĩ về kinh tế học phát triển, bà triển khai phê phán lí thuyết năng lực của Amartya Sen trong mối liên quan với những vấn đề phát triển và nghèo khó (“Amartya Sen’s Place in UNDP and World Bank Analysis of Poverty and Development”, EHESS, Paris, 2005). Ba cũng tra vấn tính xác đáng của kinh tế học chính thống và cách mà cách tiếp cận này được giảng dạy (ví dụ, xem “Five Pieces of Advice for Students Studying Microeconomics” trong Edward Fullbrook (ed.) A Guide to What’s Wrong in Economics, England: Anthem Press, 84-94; và Bénicourt và Guerrien, La théorie néoclassique, Paris: La Découverte, 2008 (ND).

[3] Bernard Guerrien có hai bằng tiến sĩ, một về toán học và một về lí thuyết kinh tế (cân bằng chung). Ông viết nhiều sách về toán học cho các nhà kinh tế, lí thuyết trò chơi, lí thuyết kinh tế vi mô và Từ điển phân tích kinh tế (NXB Tri thức, Hà Nội, 2007). Ông là thành viên của SAMOS (Statistique appliquée et modélisation stochastique) thuộc đại học Paris I (Panthéon-Sorbonne) (ND).

[4] Xem một trình bày kinh tế học vi mô không có những ví dụ giả tạo và những lời giải thích tối nghĩa trong giáo trình trực tuyến Kinh tế học vi mô của Bernard Guerrien và Véronique Parel.

[5] Ngoại trừ cuốn của Kreps và một vài tác giả khác, vốn hướng đến những ai đã được khai tâm quan tâm đến những phát triển toán học hơn là những lời “tán phét” về hình thức tổ chức các cuộc trao đổi.

[6] Do các lượng cung và cầu giảm với số người tham gia giao dịch nên cả hai đường dịch chuyển “xuống dưới” (nếu số lượng được ghi trên trục tung) và giá giảm hay tăng – tất cả phụ thuộc vào dạng của những trao đổi suốt quá trình.

[7] Hal Varian, tác giả cuốn sách giáo khoa nghiêm túc nhất cho “đại chúng” cũng rơi vào chiếc bẫy này.

[8] Cuốn sách giáo khoa cho trình độ (rất) “cao” của Mas-Colell, Whingston và Green, Microeconomic Theory, công nhận là có một “nghịch lí” khi giả định là những tác nhân nhận giá lại thay đổi giá cả (trang 315). Nhưng họ lại lảng tránh vấn đề.

[9] Vernon Smith là một nhà tự do cực đoan ủng hộ những luận điểm mù mờ của Hayek về một “trật tự tự phát” mà hiểu biết chúng ta không với tới được nhưng phải phục tùng – không rõ vì sao.

[10] Nhà độc quyền một mình quyết định mọi chuyện – đó là nhà cung cấp duy nhất và biết được cầu (của những tác nhân nhận giá) hướng đến mình. Tất nhiên, trong cân bằng chung, mọi việc là khác khi sự tồn tại của những sản phẩm thay thế được cho sản phẩm mà nhà độc quyền sản xuất thay đổi hoàn toàn vấn đề - đến độ không xử lí nổi.

[11] Trong mục “Cournot competition” của Wikipedia, biểu đồ vẽ hai đường phản ứng có kèm theo bình luận sau: “mô hình tiên đoán là các doanh nghiệp chọn các cung được cho bởi cân bằng Nash [giao điểm của hai đường này]” (chúng tôi nhấn mạnh). Triệu chứng của sự lẫn lộn đang ngự trị trong kinh tế học vi mô...

[12] Trong cạnh tranh hoàn hảo, các tác nhân “nhận giá” tưởng rằng họ có thể mua hoặc bán tất cả những gì mình muốn ở những giá cho trước và nhận thấy là điều này không xảy ra ở ngoài thế cân bằng – khiến cho họ thay đổi niềm tin của mình và thay đổi các cung và cầu và do đó làm thay đổi cân bằng.

[13] Trong một chú thích ở chân trang, Kreps thừa nhận là ông cũng làm theo cách tuỳ tiện này. Cũng phải vậy thôi ...

[14] Bản dịch tiếng Việt là Kinh tế học vi mô, NXB Kinh tế UEH và Pearson Education South Asia Ltd, 2015

[15] Điều rất thường xảy ra là “tư bản” được dùng nhiều hơn là “máy móc” nhằm gây sự lộn xộn để lảng tránh vấn đề - đôi lúc lại còn thêm sự phân biệt không rõ ràng giữa ngắn hạn và dài hạn.

[16] Trong số cả nghìn tài liệu tham khảo của Encyclopedie de gestion (Từ điển bách khoa về quản lí) của Ives Simon và cộng sự, không có tài liệu nào về kinh tế học vi mô cả (không có mục hàm sản xuất hay chi phí).

[17] Trong cuốn Asking about Prices, Alan Blinder và các đồng sự nhận thấy, sau khi điều tra một số rất lớn doanh nghiệp, là đối với họ “các chi phí cố định quan trọng hơn là giả định của lí thuyết”, 88% cho rằng chi phí cận biên của mình là bất biến hoặc giảm dần (trang 101). Trong bài điểm cuốn sách này, Lee và Downward nhắc lại rằng nhiều tác giả trước đó từng có cùng nhận định, một điều hiển nhiên cho bất kì ai có lí lẽ thông thường.

Print Friendly and PDF