19.10.18

Ở Hàn Quốc, người nghỉ hưu đối mặt một mình với cảnh nghèo khó

Ở HÀN QUỐC, NGƯỜI NGHỈ HƯU ĐỐI MẶT MỘT MÌNH VỚI CẢNH NGHÈO KHÓ
  46% người cao tuổi sống dưới mức nghèo ở Hàn Quốc. (Nguồn: Financial Times)
Với một phim truyện dài, nhiều phim tài liệu truyền hình, các ấn phẩm học thuật và rất nhiều bài báo: câu chuyện về “Bacchus Ladies [quý bà Bacchus]” tiếp tục làm sững sờ đất nước Hàn Quốc. Số phận của những phụ nữ cao tuổi này – hầu hết đều trong độ tuổi từ 60 đến 80 – làm nghề mại dâm ở trung tâm Seoul, đơn thuần chỉ để kiếm ăn, đã vạch trần một hiện tượng rộng lớn hơn: hoàn cảnh nghèo khó của người cao tuổi. Đó là gần một nửa những người trên 66 tuổi sống dưới ngưỡng nghèo trong nước, một con số chưa từng có ở các nền kinh tế tiên tiến. Cuộc điều tra về một hiện tượng phức tạp, như thường thấy ở Hàn Quốc, làm lộ ra những khó khăn của một xã hội đã chuyển biến một cách nhanh chóng.
BỐI CẢNH
46% người cao tuổi sống dưới ngưỡng nghèo ở Hàn Quốc. Rõ ràng, gần một nửa những người cao tuổi của Hàn Quốc sống với số tiền tương đương 9.000 euro một năm, hoặc thậm chí còn ít hơn nữa. Thực vậy, các số liệu thống kê ấn định “mức” nghèo là mức dưới một nửa thu nhập trung vị hàng năm của mỗi hộ gia đình, mức thu nhập vào khoản 18.500 euro vào năm vừa qua. Tự thân ngưỡng này là khá thấp trong số các nền kinh tế phát triển – ở Pháp thu nhập trung vị hàng năm cho mỗi hộ gia đình là 26.700 euro. Và vấn đề nghèo khó ở người cao tuổi có nhiều khả năng còn tồi tệ hơn.
Bởi vì, một cách nghịch lý, người Hàn Quốc sống ngày càng lâu hơn: từ nay đến năm 2030, Hàn Quốc có thể trở thành nơi đầu tiên trên thế giới có kì vọng sống vượt quá 90 tuổi. Cộng thêm một tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, được thể hiện bằng một lượng sinh đẻ luôn ở mức thấp hơn bao giờ hết. Ví dụ, năm 2017 là một năm đại họa [annus horribilis] với chỉ có 358.000 ca sinh đẻ, một mức giảm khủng khiếp 12% (hoặc gần 50.000 trẻ) so với năm trước đó. Kết quả là dân số ròng dự kiến ​​sẽ bắt đầu giảm nhanh ở Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ người trên 65 tuổi đang không ngừng tăng lên. Từ mức 13% trên tổng số của ngày hôm nay, tỉ lệ này sẽ vượt quá... 40% vào năm 2060! Vì thế, hệ thống hưu trí bị đe doạ trực tiếp, và có nguy cơ lớn là sự bất bình đẳng giữa những người cao tuổi nhất sẽ gia tăng theo tỷ lệ thuận.
CÁCH XOAY XỞ, ĐẾN CÙNG
Vào cuối tuần, các thùng giấy các-tông đã qua sử dụng đầy rẫy các con phố, xung quanh Gyeongri-dan, một khu phố ở Seoul rất được các cặp vợ chồng trẻ người Hàn Quốc mến chuộng. Các hộp bánh pizza trống rỗng và các thùng phế liệu lúc bấy giờ thu hút một đối tượng công chúng khác, cao tuổi hơn nhiều. Gập mình trên một chiếc xe đẩy khiêm tốn được xếp các phế liệu một cách cẩn thận, bà Shin (bà không muốn nói họ của mình) nhún vai. “Tôi đã già nhưng tôi không có lựa chọn. Nếu tôi không thu gom thùng giấy các-tông, thì làm thế nào để kiếm ăn?
Bà Shin còn lâu mới là một trường hợp ngoại lệ ở Hàn Quốc. Giống như bà, có khối người cao tuổi đi lang thang mỗi ngày trên đường phố của các thành phố lớn để tìm kiếm những vật liệu có thể tái chế được và những vật dụng có thể sử dụng lại. Số lượng phế liệu được thu gom biến động tùy theo phương tiện của mỗi người – một chiếc xe đẩy kéo tay đôi khi bị thay thế bằng những chiếc xe ba gác máy – nhưng, với 100 won (khoảng 0,75 euro) cho mỗi kilô phế liệu gom được, thì giá thu mua lại rất thấp một cách tuyệt vọng. Để có đủ một bữa ăn, bà Shin sẽ phải thu gom 50kg phế liệu.
NHIỀU NGUYÊN NHÂN
Gây sốc trong một nền kinh tế phát triển, nạn nghèo khó này được giải thích bởi một sự kết hợp của nhiều nhân tố khác nhau. Trước hết về mặt lịch sử: giai đoạn hậu chiến khi mà thế hệ những người 65 tuổi trở lên đã lớn lên, đã hoàn toàn được dành cho công cuộc tái thiết đất nước. Thành quả lao động được tái đầu tư một cách trực tiếp, với ưu tiên tuyệt đối cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, chỉ đến năm 1988, Hàn Quốc mới thiết lập một hệ thống hưu trí công, nhưng việc đóng góp [cho quỹ hưu trí] chỉ trở nên bắt buộc vào... năm 1999. Trước thời điểm này, những người kiếm được quá ít tiền để gửi tiền tiết kiệm, cũng như nhiều người khác thích dành tiền tiết kiệm cho việc giáo dục con cái của mình, thì giờ đây không được hưởng chính sách bảo hiểm.
Kế đến là các nhân tố xã hội: tốc độ đô thị hóa nhanh như chớp đã gióng lên hồi chuông báo tử của cấu trúc gia đình truyền thống ở Hàn Quốc. Nếu như vào thế kỷ trước, nhiều thế hệ trong cùng một gia đình sống dưới một mái nhà, đặc biệt ở nông thôn, thì ngày nay chuẩn mực là chỉ dành hầu như cho gia đình hạt nhân. Từ nay, ngày càng có nhiều người cao tuổi sống cô đơn một mình: có một trên năm người sống trong hoàn cảnh này ở Seoul. Nhưng con số nay nhảy vọt đối với những người cao tuổi sống trong hoàn cảnh hiểm nghèo, gần một nửa số người này sống cô đơn một mình.
CHỈ MỚI BẮT ĐẦU CÓ CHÍNH SÁCH CÔNG
Moon Jae-in (1953-)
Thế nhưng các chính sách công đối với họ chỉ mới có gần đây. Tất nhiên là có một chính sách bảo hiểm y tế phổ quát được Nhà nước bảo đảm – một chính sách bảo hiểm hiệu quả, một cách nghịch lý, được cho là đã góp phần kéo dài tuổi thọ ở Hàn Quốc. Chính sách này chỉ mới quy định tiền trợ cấp tối thiểu khi tuổi già vào năm 2008, một sự chậm trễ có thể được giải thích bởi niềm tin mà chính quyền từ lâu đã đặt vào trọng lượng của các truyền thống. Thấm nhuần thuyết Nho giáo, các giá trị Hàn Quốc giảng dạy sự tôn kính sâu sắc đối với tổ tiên và người cao tuổi. Giả định về nghĩa vụ liên thế hệ này đã có thể làm cho người ta tin rằng vấn đề thuộc về lĩnh vực riêng tư và làm trì hoãn nhận thức của công chúng. Vả lại, tiền trợ cấp cơ bản này không áp dụng đối với những người cao tuổi có “người có nghĩa vụ hỗ trợ”, ví dụ như con cái chẳng hạn.
Nếu vấn đề nói trên vẫn chưa là một ưu tiên, thì từ nay chủ đề nghèo khó của người cao tuổi đã được chính phủ công nhận. Trong chiến dịch tranh cử thành công của mình vào năm 2017, tổng thống Moon Jae-in đã đặc biệt hứa hẹn nhiều biện pháp đối với người cao tuổi, trong đó có việc định giá lại tiền trợ cấp tối thiểu khi tuổi già. Hiện tại, với số tiền 200.000 won (cao hơn 150 euro một chút), tiền trợ cấp cơ bản này có thể tăng lên mức 300.000 won (230 euro) trước khi kết thúc nhiệm kỳ [tổng thống của Moon Jae-in], một số tiền vẫn còn rất thấp so với mức chi tiêu của cuộc sống. Không có gì làm động lòng bà Shin. “Tôi không biết ngày mai mình sẽ ăn gì, vậy thì chờ tiền trợ cấp để làm gì?, nói thoáng trong khi xếp các chồng thùng các-tông.
Hadrien Diez
Giới thiệu tác giả
Là nhà văn, nhà báo, nhà tổ chức độc lập các cuộc triển lãm, Hadrien Diez cố gắng giải mã những thách thức được mất của châu Á đương đại bằng nhiều phương tiện sáng tạo khác nhau. Ông chia sẻ thời gian của mình giữa Hàn Quốc, nơi ông đang sống và Nam Á, nơi ông đang cộng tác với nhiều tác nhân văn hóa khác nhau.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF