15.10.18

Một giải Nobel cho sự vượt qua rao cản do các nhà kinh tế dựng lên


MỘT GIẢI NOBEL CHO SỰ VƯỢT QUA RÀO CẢN DO CÁC NHÀ KINH TẾ DỰNG LÊN
Giải thưởng Kinh tế học [để tưởng nhớ] Nobel năm nay đã được trao cho Bill Nordhaus và Paul Romer cho việc “tích hợp biến đổi khí hậu và đổi mới vào tăng trưởng kinh tế”. Đó là một cách để lần theo sợi chỉ kết nối hai nhà kinh tế này lại với nhau và tôi hoan nghênh Ủy ban Nobel đã tìm ra nó. Song, Nordhaus và Romer thực sự được gắn kết bằng một lí do khác và nó liên quan đến cách họ tạo ra sự thuyết phục cho các ý tưởng của mình — không phải với công chúng hay thậm chí với các chính khách mà chính là với các nhà kinh tế.
Trở lại những năm 1980, các chính sách khí hậu và chính sách khoa học/đổi mới đều phải đối mặt với những rào cản đáng kể ngăn cản sự tiến bộ. Trong mỗi chính sách, những nhân tố chính giúp các chính sách này trụ vững đều là những nhà kinh tế — họ được đào tạo bài bản về các công cụ kinh tế học và có ảnh hưởng rất lớn trong các chính phủ với khả năng lập luận của mình. Trong trường hợp của chính sách khí hậu, khi giới khoa học thúc đẩy hành động, thì dấu hỏi lớn nhất là chi phí kinh tế của việc giảm thiểu khí nhà kính sẽ là bao nhiêu. Còn trong trường hợp của chính sách đổi mới, khi đã biết chi phí, thì vấn đề lớn lại là lợi suất sẽ ra sao. Do đó, với mỗi loại chính sách, các nhà kinh tế, những người đã thành công trong việc thúc đẩy các phân tích lợi ích-chi phí trong chính phủ, đã có thể chỉ ra — chính xác phần nào — rằng mỗi trường hợp đều có phương trình bị khuyết một vế. Cá nhân tôi cho rằng sự không chắc chắn không nhất thiết là một rào cản cho hành động nhưng khi giải quyết các vấn đề trong vận động chính sách, sự không chắc chắn lại là một vũ khí mà các nhóm lợi ích đặc biệt có thể sử dụng nhằm tạo ra sự ì ạch [inaction: sự không hành động — ND] và khi ấy, các nhà kinh tế, có lẽ là vô tình, trở thành những người nắm giữ thứ vũ khí đó.
Hãy cùng tôi bắt đầu với Bill Nordhaus. Nếu ta chọn giảm thiểu ô nhiễm khí nhà kính, điều này sẽ tác động đến mọi cách thức hoạt động trong nền kinh tế. Từ năng lượng, sản xuất lương thực cho đến các mạng lưới giao thông, những tác động sẽ rất sâu rộng. Chúng sẽ tác động đến các khu vực khác nhau theo những cách thức khác nhau. Nói cách khác, các tác động kinh tế thực sự phức tạp và khó mà nghĩ hết được. Thêm vào đó, có một khả năng là các chi phí sẽ vượt quá mức cho phép.
Những gì Nordhaus đã làm là gắn biến đổi khí hậu và chính sách khí hậu vào các mô hình cân bằng chung về tăng trưởng kinh tế. Sau đó, ông đã tìm ra cách để lượng hoá các chi phí mà lúc bấy giờ mọi người chỉ biết phỏng đoán. Khi được tính ra, các chi phí này là đáng kể nhưng không hề ở mức tận thế như các nhóm có liên quan phản đối chính sách khí hậu tuyên bố. Ngay cả khi không có sự biến đổi công nghệ nào, vẫn luôn tồn tại những cách thức để nền kinh tế có thể thích nghi với chính sách khí hậu và, trong quá trình này, tự giới hạn các chi phí mà nhiều người lo lắng. Điều này đã loại các khẳng định kinh tế ra khỏi những cuộc tranh luận và tôi đoán là điều này cũng đã đẩy các lập luận của các bên liên quan từ “hợp lý” tới “khước từ sự thật”, qua đó, phơi bày những lợi ích trần trụi của họ. Mặc dù tiến bộ vẫn còn xa với những gì chúng ta trông chờ, nhưng đã có sự tiến bộ và nó có thể được quy là do công trình quan trọng này.
Bây giờ ta chuyển sang Paul Romer. Tôi đã biết Paul 30 năm nay, từ khi tôi học chương trình trên đại học. Khi còn là sinh viên, tôi đã hứng thú đặc biệt với tăng trưởng kinh tế và cảm thấy mọi người đã bỏ rơi khái niệm này và may mắn là mình được thực hiện luận án tiến sĩ của mình ngay sau khi công trình của Paul được xuất bản. Nó tiếp tục thu hút sự chú ý của tôi và dẫn tôi đến việc nghiên cứu các lĩnh vực đổi mới và tinh thần kinh doanh mà tôi vẫn luôn theo đuổi kể từ đó. Thậm chí từng có một thời gian, tôi xem xét lời đề nghị tham gia tổ chức start-up về giáo dục của Paul, nhưng đó lại là một chuyện khác.
Trevor Swan (1918-1989)
Robert Solow (1924-)
Đóng góp của Romer là phát minh ra thứ đã được gọi là lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Những lý thuyết thực sự đầu tiên về tăng trưởng kinh tế — bắt đầu với Robert Solow và Trevor Swan — thẩm tra việc đầu tư có thể tạo ra tăng trưởng như thế nào và nhận thấy rằng nó không thể giải thích tăng trưởng mà chúng ta đã thấy trong hai thế kỉ qua. Thành tố vắng mặt chính là biến đổi công nghệ mà người ta chưa có lí thuyết nào về nó. Người ta biết rằng khoa học và đổi mới đều không phải là không tốn kém, và do đó, các hoạt động như vậy có khả năng bị các yếu tố như thị trường, cạnh tranh và giá cả định hướng, như mọi hoạt động kinh tế khác. Nhưng người ta cũng biết rằng các hoạt động này đặc biệt ở chỗ chúng tạo ra các ngoại ứng tích cực mặc dù một số lợi suất có thể được kết hợp vào [các hoạt động trên] thông qua hình thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều người đã biết đây là thành phần còn thiếu trong [tính toán] tăng trưởng, như được David Warsh dẫn chứng trong công trình xuất sắc của ông về [một giai đoạn của] lịch sử tư duy kinh tế [Tri thức và Của cải của các Quốc gia: Một Câu chuyện của Khám phá Kinh tế] (Romer cũng đóng góp vào công trình này). Là một sinh viên ở Úc, tôi thậm chí đã nhận ra mảnh ghép này và, không biết các công trình của Romer và của những tác giả khác, tôi đã viết luận án về nó, từ đó khởi nguồn cho bài báo được xuất bản đầu tiên của mình.
David Warsh (1944-)

Tôi không phải là người duy nhất. Philippe Aghion, Peter Howitt, Gene Grossman và Elhanan Helpman tất cả các tác giả này đều nhìn thấy điều này và có những đóng góp riêng cho lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Tuy nhiên, những mô hình này vẫn còn một hương vị đặc trưng của kinh tế học vi mô trong nhiều khía cạnh, có nghĩa là chúng chủ yếu có thể giúp ta hiểu rõ rằng bằng cách nào mà cạnh tranh (và các giới hạn tiềm tàng của nó bao gồm các bằng sáng chế) tác động đến đổi mới trong bối cảnh tăng trưởng. Điều này vô cùng quan trọng song nó không liên quan mật thiết đến câu đố tăng trưởng mà Romer đang giải quyết.
Romer đã dành thời gian để tạo ra sự tiến bộ [trong nghiên cứu]. Luận án tiến sĩ của ông đã dẫn đến một số tiến bộ kỹ thuật cho thấy một con đường tăng trưởng cân bằng là hoàn toàn có thể — phù hợp với những gì chúng ta vẫn biết về tăng trưởng kinh tế — và các tiến bộ này cũng có vai trò trong hiệu suất tăng dần. Nhưng để chứng minh một cách đúng đắn thì ta phải vứt bỏ giả định tiêu chuẩn về cạnh tranh hoàn hảo. Do đó, vào năm 1990, Romer xuất bản bài báo nổi tiếng nhất của mình (a) đặt nền móng cho tăng trưởng theo mô hình cạnh tranh độc quyền (như lý thuyết thương mại và địa lý kinh tế đã làm trước đó) và (b) chia nền kinh tế thành một khu vực thực tế và một khu vực ý tưởng (một điều mà chưa ai từng làm). Khi làm như vậy, mô hình của Romer đã có thể làm rõ và nhận diện các yếu tố quyết định chính của lợi suất của đổi mới.
Đầu tiên là lợi suất của đổi mới bị giới hạn bởi sự cạnh tranh. Ngay cả với những bằng sáng chế hoàn hảo, tri ​​thức tự nó sẽ thúc đẩy sự gia nhập và tranh giành lợi nhuận và các nguồn lực khan hiếm vốn giới hạn lợi suất của những đổi mới trong quá khứ và, như một hệ quả, của những đổi mới trong tương lai. Thứ hai là bằng việc phân bổ các nguồn lực — đặc biệt là vốn nhân lực về khoa học và kỹ nghệ — vào việc tạo ra các ý tưởng, những hạn chế đó có thể được giảm nhẹ, và tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ tăng tốc. Nói cách khác, nhiệm vụ trước hết và trung tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là trực tiếp thúc đẩy khoa học. Vâng, trước đây, khoa học từng được xem là một sản phẩm công. Nhưng giờ đây, không nghi ngờ gì nữa khoa học đã được xem là một động cơ của tăng trưởng kinh tế. Những điều thúc đẩy sáng tạo và, quan trọng hơn, sự truyền bá việc nghiên cứu khoa học thì không chỉ giống như nghệ thuật — để tiêu thụ — mà thay vào đó là một nền kinh tế và thực sự là một tác lực cho sự thịnh vượng kinh tế trên toàn cầu. Chắc chắn, việc xác định lợi suất chính xác cho bất kỳ dự án cụ thể nào cũng sẽ trở nên khó khăn. Nhưng ý tưởng cho rằng đây là điều khó rất quan trọng để có một hệ thống thúc đẩy khoa học và đổi mới nay đã có một nền tảng vững chắc.
Joshua Gans (1968-)
Với tư cách là một người đã gắn bó mật thiết với chính sách kinh tế về môi trường và đổi mới ở Úc, tôi khó mà xem nhẹ tầm quan trọng của công trình của Nordhaus và Romer. Chúng xuất hiện trong mọi cuộc thảo luận về chính sách đơn lẻ và làm nghiêng cán cân sang hướng hành động khi đối mặt với những rào cản và trở ngại đáng kể. Khi làm như vậy, mỗi trường hợp lại cho thấy bằng cách nào mà việc tính đến các tác lực kinh tế cẩn thận có thể dẫn đến sự tiến bộ, giảm thiểu sự không chắc chắn và chứng minh tính đúng đắn của chúng. Đó là những gì đã gắn kết hai nhà kinh tế này lại với nhau và tôi rất vui mừng khi thấy Ủy ban Nobel công nhận sự đóng góp lâu dài và bền vững này đối với tri ​​thức và diễn ngôn của chúng ta.
Về tác giả
Joshua Gans là Giáo sư về Quản lý Chiến lược và giữ vị trí Chủ tịch của Trung tâm Đổi mới Kỹ thuật và Tinh thần Kinh doanh Jeffrey S. Skoll tại Trường Quản lý Rotman, Đại học Toronto.
Đoàn Trọng Sang, Nguyễn Việt Anh dịch
Print Friendly and PDF