17.3.19

Bitcoin, tiền kĩ thuật số và blockchain: ảo ảnh hay phép lạ? (2)


BITCOIN, TIỀN KỸ THUẬT SỐ VÀ BLOCKCHAIN: ẢO ẢNH HAY PHÉP LẠ? (2)
Matthieu Montalban, đại học Bordeaux
Chúng ta đã thấy trong bài trước rằng dự án cơ bản liên quan đến Bitcoin, mà giá trị đã đạt đến đỉnh điểm của tầng bình lưu trong những tuần gần đây trước khi trải qua một sự hiệu chỉnh, sau lần tấn công mạng của một nền tảng trao đổi, một phần bị chỉ trích về mặt tính ổn định kinh tế vĩ mô cũng như về mặt chi phí môi trường nếu đồng tiền này được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng công nghệ cơ bản, blockchain [công nghệ chuỗi khối], có những thuộc tính thú vị mà những tiềm năng của nó đáng được khám phá.

Những tiềm năng của blockchain

Để nhắc lại, blockchain có thể được xem như là một sổ ghi minh bạch, có tính phân phối [theo một kiểu nào đó], được tự động hóa và an toàn, ghi lại toàn bộ các giao dịch (hoặc hành động) đã diễn ra trong quá khứ, theo đó mỗi người tham gia có quyền truy cập vào bản sao của sổ ghi. Mỗi khối giao dịch sẽ được xác thực và “được công chứng” vĩnh viễn. Chúng ta đã thấy blockchain có thể làm cho các đồng tiền kỹ thuật số hoạt động, trong đó Bitcoin chỉ là một trường hợp mang tính biểu tượng trong số nhiều trường hợp khác. Mỗi đồng tiền kỹ thuật số có thể hoạt động theo những quy tắc hoạt động khác nhau, tùy vào thuật toán nằm sau blockchain.
Ví dụ, Ngân hàng Trung ương của Vương quốc Anh đang xem xét khả năng tạo ra một loại tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Ý tưởng sẽ là áp dụng những nguyên tắc phát hành khác với những nguyên tắc của đồng Bitcoin, nhưng vẫn sử dụng blockchain[1], có nghĩa là một sổ ghi có tính phân phối sẽ thay thế các tài khoản ngân hàng truyền thống. Chúng ta có thể phát minh ra nhiều quy tắc phát hành khác nhau, từ các hoạt động tái cấp vốn truyền thống của ngành ngân hàng hoặc mua các trái phiếu kho bạc cho đến việc thanh toán trực tiếp cũng như phân phối cổ tức trực tiếp cho công dân. Trong trường hợp mua trái phiếu kho bạc, các nhà kinh tế của Ngân hàng Trung ương của Vương quốc Anh (thông qua mô hình của họ mà chúng ta sẽ không đi vào chi tiết hoặc phê bình ở đây), cho rằng mức độ tăng trưởng GDP trong dài hạn có thể tăng lên 3% nhờ vào việc giảm lãi suất thực tế và giảm một số chi phí giao dịch và biến dạng nghĩa vụ nộp thuế[2]. Về phần mình, Estonia đang nghĩ đến việc tung ra đồng tiền kỹ thuật số (EstCoin) riêng của họ thông qua hệ thống ICO [Initial Coin Offering], có nghĩa là gọi góp vốn bằng cách phát hành lần đầu các token (thẻ jeton)[3]! Bất luận việc nghĩ như thế nào về đánh giá này của Ngân hàng Trung ương Anh hoặc dự án của Estonia, điều này cho thấy các ngân hàng trung ương nghiêm túc không chỉ với ý tưởng về một loại tiền kỹ thuật số mà còn với ý tưởng về kỹ thuật blockchain.
Kỹ thuật này cung cấp, về nguyên tắc, những khả năng ứng dụng rất rộng. Chúng ta có thể áp dụng rất tốt các quy tắc thể chế khác so với các quy tắc đối với tiền kỹ thuật số (có nghĩa là quy tắc dựa trên việc duy trì giá trị trong trao đổi). Từ đó, có thể nghĩ đến ý tưởng áp dụng kỹ thuật blockchain cho các hoạt động khác, nơi thường có nhu cầu sử dụng sổ ghi hoặc thực hiện những giao dịch hoặc chuyển giao các quyền hoặc tài sản, và ở nơi mà các nhà trung gian hoặc chính quyền hiện diện ở đó để đảm bảo hoạt động trơn tru của quy trình. Bằng cách thêm vào một ngôn ngữ lập trình cho blockchain, thì có khả năng tạo ra nhiều ứng dụng khác. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Ethereum, một loại tiền kỹ thuật số đối chọn của Bitcoin, cho phép xây dựng trên nền tảng của nó nhiều ứng dụng, về mặt tiền tệ hoặc phi tiền tệ, thông qua cái gọi là hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh không phải là hợp đồng theo nghĩa pháp lý của thuật ngữ, đó đơn thuần là các chương trình tự chủ, mà một khi đã khởi động, cho phép thực hiện, một cách tự động và trong những điều kiện được xác định trước, bất kỳ quy tắc nào của trò chơi xã hội, trong đó điển hình là các hợp đồng “cổ điển”. Như vậy, nó cho phép thực hiện và kiểm tra một cách tự động các điều khoản của hợp đồng hoặc thực thi các biện pháp trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ các điều khoản của hợp đồng và cả bất kỳ quy tắc xã hội nào khác. Điều này có thể làm giảm các chi phí giao dịch, rủi ro đạo đức, chi phí kiểm toán, chi phí phân định, v.v..
Người ta thậm chí có thể nghĩ đến việc tạo ra một địa bạ hoặc một hệ thống công chứng kỹ thuật số, nơi mà tất cả các giao dịch sẽ được phân cấp và kiểm soát bởi thuật toán, dọn đường cho khả năng không sử dụng các công chứng viên (ít nhất là trong phần đăng ký các chứng thư) – điều mà các nước Estonia và Ghana[4] đang thử nghiệm. Ví dụ, người ta cũng có thể nghĩ đến việc quản lý tự động quá trình thực hiện đối với một số hợp đồng bảo hiểm mà không có sự can thiệp của con người, đặc biệt là việc giải phóng các khâu báo cáo (điền biểu mẫu, khiếu nại, v.v.). Ví dụ, đối với một hợp đồng bảo hiểm giải quyết sự chậm trễ của một chuyến bay, thì với một blockchain, người [khiếu nại] có nhiều khả năng được tự động bồi thường cho sự chậm trễ đó mà không cần phải làm đơn yêu cầu – giới hạn là các hãng hàng không chỉ muốn bồi thường cho khách hàng nào có làm đơn yêu cầu. Blockchain cũng cho phép cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Tương tự như vậy, người ta cũng có thể nghĩ đến việc bỏ qua nhiều nhà trung gian tài chính: thị trường tài chính không gì khác là một nền tảng tập trung vào các giao dịch trao đổi. Với blockchain, về mặt kỹ thuật, chúng ta có khả năng tạo ra các nền tảng phi tập trung cho việc giao dịch an toàn các chứng khoán giữa các hộ gia đình với doanh nghiệp mà không phải qua cấp trung gian Phố Wall và tất cả “ngành công nghiệp tài chính”. Các ngân hàng và “ngành công nghiệp tài chính” biết điều này, đó là lý do tại sao họ đầu tư vào công nghệ này để duy trì vị thế thống trị của họ. Tất nhiên vẫn sẽ là chủ nghĩa tư bản và điều này sẽ không giải quyết được bất cứ bệnh lý nào của phương thức sản xuất này. Hiện tại, nếu blockchain, ở vị thế một kĩ thuật hiện nay là an toàn, thì điều tương tự không đúng với các nền tảng trực tuyến này, đã có hai trong số các nền tảng đã bị tấn công mạng[5].
Quản lý các nguồn lực chung
Một số người nghĩ đến việc ứng dụng blockchain vào việc quản lý các nguồn lực chung. Kỹ thuật này có thể giúp giải quyết các vấn đề truyền thống về mức độ phối hợp và tín nhiệm (ví dụ như vấn đề người ăn không) theo cách phi tập trung hơn là cách quản lý phân cấp truyền thống, trong khi vẫn tạo ra các hệ thống khuyến khích phi thị trường. Đối với vấn đề các nguồn lực chung, đó là quy mô của cộng đồng không thể được mở rộng ra nhiều mà không làm mất lòng tin và làm tăng nguy cơ của chủ nghĩa cơ hội và chi phí giao dịch. Blockchain chỉ có thể giải quyết một phần những vấn đề này mà thôi[6]. Cũng sẽ có thể có khả năng tổ chức một nền kinh tế chia sẻ và hợp tác, có nghĩa là một nền kinh tế của việc chia sẻ sử dụng sản phẩm và nguồn lực chung. Đây sẽ là cơ hội để loại bỏ các nền tảng theo kiểu Uber hay Airbnb, do có thể kết nối người dùng và nhà cung cấp dịch vụ bằng cách xác định các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, mà không phải thông qua các nền tảng bóc lột người lái xe. Chúng ta cũng có thể chia sẻ sản phẩm bằng cách xác định các quyền cho người sử dụng những sản phẩm đó (chúng sẽ trở thành đối tượng được kết nối) và làm cho các quyền này được thực thi[7].
Người ta cũng nghĩ đến việc sử dụng blockchain để quản lý hồ sơ kỹ thuật số về y tế của bệnh nhân và toàn bộ quá trình chăm sóc đối với bệnh nhân (toa thuốc, khám bệnh, bệnh lý, trả tiền khám bệnh/viện phí, v.v...), những thứ có thể được “công chứng”[8] trong cơ sở dữ liệu không thể xâm phạm này[9] và tiết kiệm khá nhiều các chi phí hành chính. Dữ liệu của bệnh nhân sẽ được bảo vệ an toàn và họ có thể chọn chỉ mở tập tin y tế của mình cho các chuyên gia y tế mà mình muốn. Hơn thế nữa, blockchain cho phép tích lũy các dữ liệu y tế ẩn danh để làm cho dịch tễ học ít phụ thuộc hơn vào ngành công nghiệp dược phẩm. Bằng cách thiết lập các hồ sơ bất khả xâm phạm và minh bạch, người ta có nhiều khả năng tránh được việc ngành công nghiệp dược phẩm thao túng dữ liệu trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng và dễ dàng kết nối các doanh nghiệp, chính quyền, công ty bảo hiểm, v.v...
Những tiềm năng quan trọng nhất đều gắn với cái gọi là Tổ chức tự trị phi tập trung [DAO – Decentralized autonomous organizations], còn được gọi là Tổ chức hợp tác phân tán [Distributed collaborative organizations] hoặc thậm chí còn đơn giản hơn là hợp tác phi tập trung [decentralized cooperation]. DAO là một tổ chức cho phép tự phối hợp theo cách phi tập trung vào một mục tiêu chung mà không cần có một cơ quan trung ương bằng cách sử dụng blockchain để cấp quyền, quản lý và đảm bảo các quyền cho các thành viên và thực thi các quy tắc[10]. DAO được quản lý thông qua các hợp đồng thông minh (DAO giống như một mắt xích của các hợp đồng thông minh). DAO không thể bị đóng cửa hoặc dừng hoạt động, nó không thể bị kiểm soát bởi bất cứ ai, và nó hoạt động minh bạch và có thể kiểm tra được. DAO là một phương tiện để tạo ra nguồn lực chung trên cơ sở phi tập trung giữa những tác nhân đồng đẳng, những người không biết nhau, nhờ tính minh bạch và (nhìn bên ngoài) tính không thể tin nhau (có nghĩa là không cần người bảo lãnh, hoặc “bên thứ ba đáng tin”) của blockchain. Có thể gọi DAO đầu tiên (The DAO) là một tổ chức huy động vốn từ cộng đồng (crowd funding): mỗi thành viên của DAO sở hữu các tokens cho phép họ có quyền biểu quyết, và cộng đồng sẽ phải lựa chọn để phân bổ nguồn vốn cho những dự án nào có vẻ như thú vị nhất đối với cộng đồng. DAO về cơ bản là một kiểu doanh nghiệp mà các quy tắc hoạt động được triển khai bởi mã tin học của các hợp đồng thông minh, mà các thành viên là cổ đông (các tokens không khác gì là những cổ phiếu trong thực tế, vì chúng được dùng để cấp vốn, trả thù lao, cấp quyền biểu quyết và có thể chuyển nhượng được, việc mà một quyết định của tòa án liên bang Hoa Kỳ có vẻ thừa nhận), và hoạt động mà không cần có các nhà quản lý điều hành. Một DAO có thể đặt cơ sở trên nguyên tắc của một nền kinh tế hợp tác hơn là của một nền kinh tế tư bản, tất cả ở đây đều phụ thuộc vào mã.
Nói chung, blockchain có thể được sử dụng để biến đổi các thể chế dân chủ, bằng cách tạo điều kiện cho việc tổ chức quyền bầu cử (có nghĩa là thể chế dân chủ trực tiếp). Nói cách khác, blockchain có thể được xem như là một hệ thống cho phép tạo ra và vận hành các thể chế hợp tác và dân chủ theo cách phi tập trung hóa.
Vượt lên trên huyền thoại về sự vắng mặt của “bên thứ ba đáng tin” và sự tự động hóa của xã hội
Rất nhiều thành viên của cộng đồng blockchain đã không ngần ngại gọi đây là cuộc cách mạng. Nhưng đừng quên rằng các diễn ngôn có tính tiên tri thường thông báo những cuộc cách mạng không bao giờ xảy ra.
Trong thực tế, có một số tiềm năng của blockchain có thể không bao giờ được khai thác. Việc phổ biến một công nghệ phụ thuộc vào các phí tổn tương đối (trong đó có các phí tổn về sinh thái vì có vấn đề điều tiết), so với các phí tổn khác, những thói quen của các tác nhân kinh tế (có những công việc học nghề, những kỹ năng được phát triển trên nền tảng những công nghệ đã có từ trước), những hiệu ứng mạng, những công nghệ bổ sung (khả năng tương thích của một công nghệ với một công nghệ khác tương ứng), những quan hệ quyền lực và vận động hành lang. Thử lấy một ví dụ, trong trường hợp chăm sóc y tế điện tử và bảo vệ dữ liệu, cần đảm bảo sao cho blockchain cung cấp một giá trị gia tăng thực sự so với hệ thống [chăm sóc y tế] hiện hành ở Pháp. Nói chung, hiệu ứng lên sự tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong trường hợp phổ cập việc sử dụng rộng rãi blockchain là gì?[11]
Liệu Blockchain có phải là một cuộc cách mạng không? Cộng đồng blockchain, và đặc biệt là cộng đồng Ethereum, hoạt động trên cơ sở một huyền thoại: đó là huyền thoại tạo ra một hệ thống “trustless”, không có bên thứ ba đáng tin. Mặc dù blockchain cố vận hành mà không cần đến một số bên thứ ba đáng tin, thì nó cũng không thể loại bỏ chúng. Thực vậy, để thông tin được tích hợp vào blockchain và sau đó để hợp đồng thông minh được “kích hoạt”, thì vẫn cần một ai đó nhập thông tin này vào. Ví dụ, giả sử một hợp đồng bảo hiểm khí hậu dưới hình thức một hợp đồng thông minh được soạn thảo giữa tác nhân A và tác nhân B, quy định rằng khi bên A (một nông dân chẳng hạn) bị một cơn băng giá khiến anh ta mất một phần mùa màng của mình, thì bên B đồng ý đền bù một phần mất mát đó. Để hợp đồng này có thể được áp dụng trong blockchain, thì vẫn cần nhập vào các thông tin về thời tiết xấu hoặc cơn băng giá trong chuỗi của bloc, điều này giả định có sự can thiệp của một tác nhân bên ngoài blockchain để làm công việc đó. Cộng đồng Ethereum gọi tác nhân này, người nhập thông tin cần thiết để xác minh và triển khai hợp đồng thông minh, là “oracle [thánh nhân]”. Oracle này là một hoặc nhiều người, các tổ chức hoặc một thuật toán khi cần thiết (ví dụ, một thuật toán sẽ tự động tìm kiếm thông tin trên Internet, khi thông tin này có tồn tại, chẳng hạn như giá giao dịch chứng khoán). Vấn đề đặt ra là niềm tin vào oracle (khi nói đến một con người hay một tổ chức) và những cách khuyến khích nó hành động vì lợi ích chung. Đồng thời còn đặt ra vấn đề trọng tài phân xử trong trường hợp có tranh chấp – điều này quy chiếu về những giới hạn của khả năng tự động hóa xã hội.
Blockchain, giống như cộng đồng đã tạo lập ra nó, chủ yếu dựa trên câu thần chú “mã là luật”, có nghĩa là chính thuật toán, ngôn ngữ máy tính và kiến ​​trúc các nền tảng kỹ thuật số là những thứ làm luật. Ý tưởng này là điều huyễn hoặc, trong chừng mực mà mạng và blockchain không đứng ngoài luật. Tuy việc đưa các quy tắc pháp luật vào mã tin học là điều có thể, thì một số quy tắc pháp luật có thể hạn chế khả năng ứng dụng công nghệ này. Ví dụ, trong trường hợp chăm sóc y tế điện tử, đã có một cuộc tranh luận về khả năng tương thích của quyền quên lãng[12] với tính bất biến của thông tin trong blockchain. Nếu áp dụng triệt để huyễn tưởng “mã là luật”, thì tính bất biến của mã trong blockchain có nguy cơ gây ra vấn đề.
Máy tính áp dụng một cách “ngu ngốc” (một cách tự động) những gì mà mã phần mềm yêu cầu. Khác với ngôn ngữ thông thường, đầy rẫy ẩn dụ, mã tin học không có chỗ cho việc diễn giải. Vì vậy, nếu các quy tắc được các thành viên của một blockchain đưa vào mà không dự đoán được tất cả các trường hợp cụ thể, thì mã có nguy cơ không thể tính đến các trường hợp cụ thể đó và không thể chỉnh sửa một cách hậu nghiệm. Đây là những gì đã xảy ra với The DAO và đã gây ra sự thất bại của nó: một tin tặc đã lợi dụng một lỗ hổng trong mã để đánh cắp một phần vốn tích lũy[13]. Điều này, tất nhiên, đã dẫn đến một phản ứng từ cộng đồng Ethereum. Liệu có cần phải viết lại khối giao dịch được đề cập, khôi phục lại tình trạng của The DAO trước giao dịch “trái phép” này hay không, và như thế thực hiện một “sự rẽ đôi” (hard fork), hoặc liệu chỉ cần kiểm duyệt các biến động về nguồn vốn xuất phát từ tài khoản của tin tặc bằng cách kiểm duyệt các giao dịch mà tin tặc đã thực hiện (soft fork)? Vấn đề với giải pháp hard fork là cần có sự đồng thuận của cộng đồng. Nhưng trong khi đa số [các thành viên của cộng đồng] ủng hộ lựa chọn này, thì có một số thành viên khác lại cho rằng tin tặc chỉ áp dụng mã (“mã là luật”) để lợi dụng lỗ hổng của mã, do đó hành động của tin tặc không trái phép và không cần thiết phải hủy giao dịch[14]. Vì thế, blockchain Ethereum bị chia thành hai phe (Ethereum và Ethereum classic), giữa những người có một kiến giải “duy pháp lý” về mã (những người chống lại hard fork) và những người bảo vệ “tinh thần của mã” (những người ủng hộ hard fork). Sự cố này chỉ ra rằng “mã là luật” phần nào đó là điều không tưởng, và rằng mọi cộng đồng phải có quyền viết lại và diễn giải lại luật của chính mình, nếu không muốn tiêu tan.
Một vấn đề khác: chỉ duy nhất những người viết mã mới hiểu được mã che giấu những gì. Chính họ là những người tạo ra các blockchain. Người ngoại đạo không có hiểu gì nhiều (kể cả tác giả của những dòng này). Vì vậy, những người viết mã có trong tay một công cụ, cho đến thời điểm này, ít được các công dân bình thường tiếp cận, mà việc sử dụng trên quy mô lớn không phải là không đặt ra những rủi ro về dân chủ. Ai có khả năng hiểu được mã của một hợp đồng thông minh? Những rủi ro của việc loại trừ những ai “không đủ năng lực” ra khỏi thế giới kỹ thuật số là rất lớn, từ đó xuất hiện nguy cơ của một hệ thống dựa trên mã tin học một cách thuần túy. Ngôn ngữ của pháp luật, mặc dù phức tạp, được viết bằng ngôn ngữ bình thường và vì vậy tương đối dễ hiểu đối với mọi công dân. Còn lâu mới loại bỏ được “bên thứ ba đáng tin”, điều không tưởng “mã là luật” chỉ đơn giản có thể thay đổi các bên thứ ba đáng tin: từ luật sư đến người viết mã... Và dù sao đi nữa, người ta vẫn luôn cần đến một bên thứ ba đáng tin. Ví dụ, blockchain thay vì loại bỏ công chứng viên, có thể khiến bên thứ ba tăng thêm vai trò tham mưu và tìm đến một người viết mã để soạn thảo một số hợp đồng thông minh, được coi là mang tính tuân thủ pháp luật. Trong trường hợp này, những tiến hóa khả dĩ vẫn còn khá khó đoán.
Nỗi ám ảnh về việc loại bỏ bên thứ ba đáng tin để lộ sự thiếu niềm tin giữa các thành viên của cộng đồng này với nhau và với các cộng đồng khác, tức là một hình thức hoang tưởng đáng kinh ngạc về mặt xã hội. Người ta tìm thấy ở đây sự ngờ vực (có thể hiểu được một phần) đối với các định chế hàng dọc vốn là một hằng số trong văn hóa của các tin tặc[15]. Theo một cách nào đó, blockchain có thể được xem như là một phương tiện được cộng đồng những người viết mã này phát minh để giải quyết vấn đề về niềm tin giữa bản thân họ với những người khác và với bất kỳ hình thức quyền uy nào. Đây sẽ là công nghệ cụ thể hóa huyền thoại về sự loại bỏ nhân tố con người khỏi mọi chức năng kiểm soát, bằng việc phát minh ra một mã có thể tránh được mọi sự ủy thác quyền lực.
Matthieu Montalban
Những hiệu ứng của công nghệ blockchain phụ thuộc chủ yếu vào những gì mà nó sẽ được ứng dụng và cách thức mà các tác nhân sẽ chiếm hữu nó: một kỹ thuật có thể mang lại điều tốt nhất (trong trường hợp này, là làm giảm các chi phí giao dịch, tạo điều kiện cho một số hình thức tổ chức hoặc hình thức dân chủ) hoặc điều tồi tệ nhất (tác động đến năng lượng và những nguy cơ của sự tự động hóa xã hội). Có vẻ như chúng ta không thể thoát khỏi blockchain, khó khăn ở đây sẽ là việc con người chiếm hữu nó một cách hợp lý. Nếu như blockchain hứa hẹn rất nhiều, thì cũng có nhiều khả năng là không phải tất cả các hứa hẹn đó sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, dù gì di nữa điều quan trọng là không được mất sự quan tâm và nên tạo điều kiện để hiểu biết về blockchain.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Bitcoin, crypto-monnaies et blockchain: mirage ou miracle? (2)”, blog Les économistes attérés, 03/01/2018




Chú thích:

[1] https://www.bankofengland.co.uk/research/digital-currencies

[2] https://www.bankofengland.co.uk/-/media/boe/files/working-paper/2016/the-macroeconomics-of-central-bank-issued-digital-currencies.pdf?la=en&hash=341B602838707E5D6FC26884588C912A721B1DC1

[3] Ngân hàng Trung ương châu Âu, một cách chính đáng, đã tỏ ra lo ngại.

[4] http://www.journaldunet.com/economie/finance/1176465-estonie-blockchain/; https://www.franceinter.fr/emissions/le-zoom-de-la-redaction/le-zoom-de-la-redaction-27-juin-2016; https://www.info-afrique.com/cadastre-ghana-blockchain/

[5] http://www.lefigaro.fr/secteur/high-tech/2017/12/20/32001-20171220ARTFIG00116-le-cours-du-bitcoin-tangue-apres-le-piratage-d-une-plateforme-d-echange.php; http://bfmbusiness.bfmtv.com/hightech/une-plateforme-de-bitcoins-se-fait-pirater-pres-de-80-millions-de-dollars-1322265.html

[6] Pazaitis A., De Filippi P. et Kostakis (2017) “Blockchain and value systems in the sharing economy: The illustrative case of Backfeed”, Technological Forecasting & Social Change, http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0040162517307084

[7] Đây là dự án của công ty Slock.it ví dụ

[8] https://blogs.dxc.technology/2017/01/03/blockchain-et-sante-de-nouveaux-usages-vertueux-envisageables-a-moyen-terme/; https://mbamci.com/blockchain-et-sante/; http://healthcaredatainstitute.com/wp-content/uploads/2015/02/livre-blanc-hdi-2017-web.pdf; http://www.theconnectedmag.fr/blockchain-nouveau-modele-securite-donnees-de-sante/

[9] Xin lưu ý rằng chính sổ ghi là thứ bất khả xâm phạm. Nhưng một nền tảng trao đổi bitcoin hoặc ví/tài khoản của bạn có thể bị hack. Đó là những gì đã xảy ra trong các vụ hack gần đây của NiceHash. Để hiểu thêm, xem: http://www.businessinsider.fr/us/nicehash-bitcoin-wallet-hacked-contents-stolen-in-security-breach-2017-12/; https://www.hacker9.com/how-to-hack-bitcoin-system-wallet-password.html

[10] https://blockchainfrance.net/2016/05/12/qu-est-ce-qu-une-dao/

[11] Xin nhắc lại, như đã thấy trong bài viết trước, rằng chỉ tính riêng một mình blockchain Bitcoin đã là một hố thẳm nuốt năng lượng không thể đương nổi, bởi vì mức tiêu thụ hàng năm của nó chiếm từ 10 đến 30 mTWh mỗi năm, lớn hơn mức tiêu thụ của 159 nước trên thế giới. Xem: https://www.sciencesetavenir.fr/high-tech/la-crypto-monnaie-bictoin-consomme-plus-d-electricite-que-159-etats-dans-le-monde_118729; https://bitcoin.fr/la-depense-electrique-des-crypto-monnaies/

[12] https://linc.cnil.fr/fr/blockchain-et-rgpd-une-union-impossible-0; https://blockchainpartner.fr/blockchain-gdpr-malentendu/

[13] Đây không phải là chính ngay mã Ethereum, mà là những chương trình (các hợp đồng thông minh) đã được triển khai từ Ethereum, mà, để nhắc lại, mã này đã tích hợp một ngôn ngữ lập trình hoàn chỉnh Turing-complet.

[14] https://blockchainfrance.net/2016/07/20/la-fin-de-lideal-trustless/#comments

[15] Flichy P. (2017), Les nouvelles frontières du travail à l’ère du numérique, Seuil, Paris.

Print Friendly and PDF