29.3.19

Trí tuệ nhân tạo: “Hợp tác với Trung Quốc để duy trì tính cạnh tranh toàn cầu” & Trung Quốc: WeChat sẽ đi đến đâu?

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO: ”HỢP TÁC VỚI TRUNG QUỐC ĐỂ DUY TRÌ TÍNH CẠNH TRANH TOÀN CẦU”
Khách tham quan Trung Quốc đứng trước một phần mềm an ninh đô thị dựa trên trí tuệ nhân tạo tại cuộc Triển lãm quốc tế về an ninh công cộng lần thứ 14 tại Bắc Kinh vào ngày 24 tháng 10 năm 2018. (Nguồn: Mosaic)
Biến nước Pháp thành một “Quốc gia khởi nghiệp” thực sự, một khẩu hiệu mà Emmanuel Macron đã cố lặp đi lặp lại kể từ chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Ngày nay, việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) nằm ở trung tâm của chiến lược này. Trong chuyến công du chính thức ba ngày tại Trung Quốc vào tháng 1 năm 2018, tổng thống Pháp đã dành không dưới nửa ngày để viếng thăm các công ty công nghệ cao ở Bắc Kinh, đặc biệt với việc tổ chức một diễn đàn lớn Pháp-Trung Quốc về AI. Một chiến dịch truyền thông nhằm quảng bá khả năng chuyên môn của Pháp trong lĩnh vực này. Nhưng nước Pháp có thể mang lại điều gì cho một nước Trung Quốc đã rất tiến bộ trong lĩnh vực này? Ngược lại, các công ty khởi nghiệp của Pháp và châu Âu có thể hy vọng điều gì về một sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc? Đối với Ludovic Bodin, một doanh nhân có trụ sở tại Bắc Kinh và đại sứ của cộng đồng French Tech [công nghệ Pháp] tại Trung Quốc, cơ hội là có thậttừ nay đó là việc thúc đẩy hoạt động xúc tiến AI ở châu Âu và sự hợp tác với quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc.
cuỘc phỎng vẤn
Có trụ sở hoạt động tại Trung Quốc từ 15 năm nay, Ludovic Bodin là người mà ngày nay người ta gọi là “doanh nhân hàng loạt công ty”. Ông đã thành lập các công ty của mình trong lĩnh vực Internet và trò chơi video. Trong số các công ty đó, ông là người đồng sáng lập CMUNE, chuyên sản xuất các trò chơi trên điện thoại di động, máy tính bảng và điện thoại thông minh. Ngày nay, ông đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, thông qua quỹ Kalibrio Capital mà ông là một trong những nhà quản lý quỹ. Ông đang tiến hành thành lập một quỹ đầu tư mới, Euro China AI Fund, chuyên về trí tuệ nhân tạo và nhiều ứng dụng của nó trong lĩnh vực y tế, thiết bị di động hoặc môi trường. Ông cũng là chủ tịch ủy ban đầu tư quốc tế của trung tâm Hub France IA, ra đời vào mùa xuân năm 2017 từ một chương trình của chính phủ Pháp dành cho trí tuệ nhân tạo. Vì thế, Ludovic Bodin là một nhân vật chủ chốt của cộng đồng French Tech, mà ông là đại sứ tại Trung Quốc và là chủ tịch của chi nhánh Bắc Kinh.
Doanh nhân người Pháp Ludovic Bodin. (Ảnh: Ludovic Bodin)
Liệu nước Pháp ngày nay có thể khẳng định một vị trí đặc biệt trong sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo hay không?
Ludovic Bodin: Để xác định tiềm năng của một nước về AI, có một chỉ số gọi là AIPI [Artificial Intelligence Potential Index] hay Chỉ số tiềm năng trí tuệ nhân tạo. Chỉ số dựa trên 4 tiêu chí chính: năng lực nghiên cứu, số lượng và chất lượng những nhân tài được đào tạo trong lĩnh vực, sự tiếp cận dữ liệu và môi trường đầu tư. Về mặt nghiên cứu, Pháp có vị trí cực kỳ tốt khi đứng thứ ba trên bục thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Về mặt nhân tài, Pháp cũng rất mạnh. Điều này ít được công chúng biết đến, nhưng người Pháp luôn là có mặt rất đông trong số những nhân vật hàng đầu trên thế giới về AI. Giám đốc phụ trách AI của Facebook là một người Pháp, ở Twitter cũng vậy, tương tự ở AirBnB, Spotify, Netflix, Apple, Intel, Nvidia... và danh sách vẫn còn dài nữa! Có được tình trạng này là kết quả từ năng lực của đất nước trong việc đào tạo từ lâu rồi những kỹ sư và những nhà toán học cấp cao. Đây cũng là lý do vì sao một nhà nghiên cứu được công nhận trên thế giới như Cédric Villani ngày nay đang thực hiện chương trình phát triển AI của Pháp. Vì vậy, thật đúng khi nói rằng nước Pháp có một vị trí rất tốt trong lĩnh vực này và có thể hy vọng tự đặt mình vào vị trí “những nhà lãnh đạo hàng đầu” ở trình độ thế giới.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận có những thiếu sót quan trọng trong việc tiếp cận dữ liệu và đầu tư, điều này giải thích phần nào sự chênh lệch giữa khía cạnh nghiên cứu và việc ứng dụng hoặc việc chuyển tiếp sang những giải pháp có tính khả thi về mặt kinh tế. Việc tiếp cận dữ liệu mang tính cốt yếu đối với sự phát triển AI. Các thuật toán cần được “giáo dục” với một lượng dữ liệu tối đa để xác định những mô hình có thể khai thác được. Về lâu dài, một quốc gia được tiếp cận thật nhiều dữ liệu với những nhà nghiên cứu “trung bình” sẽ có được nhiều kết quả hơn so với một quốc gia vượt trội về nghiên cứu nhưng khó tiếp cận dữ liệu hơn với số lượng lớn. Pháp là một quốc gia nhỏ so với Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ và vì thế không thể hy vọng tích lũy được nhiều dữ liệu. Ngoài ra, việc tiếp cận những dữ liệu này còn phức tạp, thường là do thiếu những gã khổng lồ Pháp về công nghệ và việc các tập đoàn lớn mang tính truyền thống hơn thiếu những hoạt động làm quen với AI. Ví dụ, có thể cần có nhiều sự hợp tác hơn ở cấp độ hoạt động ngân hàng giữa các định chế lớn để chia sẻ những dữ liệu cần thiết cho sự phát triển hệ thống AI để chống lại nạn gian lận. Đó không phải là trường hợp của ngày hôm nay. Thế mà, chúng ta biết rằng AI rất hiệu quả và vượt xa con người về những hoạt động kiểu này. Việc chia sẻ dữ liệu trong nhiều lĩnh vực dọc khác nhau, chẳng hạn như y tế hoặc giao thông, cũng có thể đẩy nhanh việc ứng dụng và tác động của AI ở Pháp, và thậm chí tốt hơn nữa ở châu Âu. Cuối cùng về mặt đầu tư, nước Pháp cũng bị tụt hậu mặc cho sự hỗ trợ ngày càng tăng của chính phủ đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này thông qua Ngân hàng Đầu tư Công cộng (BPI). Vẫn còn thiếu một sự cam kết cần thiết của khu vực tư nhân, như điều đang diễn ra ở Mỹ hoặc Trung Quốc. Trên thực tế, cần phải xác định một chiến lược của châu Âu để nâng tầm các hoạt động cung cấp tài chính công và tư.
Điều gì cho phép Trung Quốc phát triển nhanh như hiện nay?
Nếu xem lại 4 tiêu chí của chỉ số AIPI, chúng ta thấy rằng Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều trong việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển về AI. Họ đã phát động một chiến dịch quảng bá lớn để đào tạo và tuyển dụng nhân tài. Về vấn đề này, chúng ta có thể nghĩ đến tất cả những nhà nghiên cứu cấp cao có nguồn gốc Trung Quốc được đào tạo tại trường MIT của Mỹ, những người này quay trở về Trung Quốc để làm việc cho những gã khổng lồ địa phương như Baidu hay Tencent. Về số lượng và mức độ tiếp cận dữ liệu, Trung Quốc có lợi thế về mặt cấu trúc với một dân số lớn và về sự hiện diện của những nền tảng kỹ thuật số rất lớn như WeChat hoặc Alipay, tập trung và thường chia sẻ khối lượng dữ liệu khổng lồ. Về mặt văn hóa cũng vậy, ở Trung Quốc có một khuynh hướng nhất định chấp nhận và sử dụng AI. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường là những kỹ sư hoặc những nhà khoa học, và họ là những người trọng công nghệ nhiều hơn so với những người đồng nhiệm của họ ở phương Tây. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng rất nhanh trong việc tận dụng các ứng dụng của AI. Ví dụ, họ chấp nhận khá dễ các phương thức thanh toán có bảo đảm bằng việc nhận dạng khuôn mặt bởi vì họ thấy điều đó thuận tiện. Đó không phải là trường hợp ở châu Âu, trước hết chúng ta nghĩ đến một cỗ máy sẽ có khả năng thường xuyên nhận diện bạn và những rủi ro chệch hướng từ điều đó. Không muốn hạ thấp tầm quan trọng của các vấn đề đạo đức do AI đặt ra, nhưng điều thấy rõ là chúng ta không có bất kỳ lợi ích nào khi chỉ tập trung duy nhất vào điều đó. Chúng ta cần phải thúc đẩy những lợi ích có thể của AI cho một xã hội, cho nền kinh tế và cho dân chúng.
Cuối cùng, ở Trung Quốc các khoản đầu tư trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, một phần được hỗ trợ bởi các quỹ công gắn với các thành phố hoặc tỉnh, đơn giản là có quy mô rất lớn. Tất cả các tác nhân tại địa phương đều hiểu được lợi ích của AI đối với nền kinh tế của họ và tầm quan trọng của việc thu hút nhân tài và những hoạt động đổi mới tốt nhất. Ngày nay, ví dụ người ta ước tính cứ với 100 US$ đầu tư vào AI trên toàn thế giới, thì có 50 US$ là ở Trung Quốc. Đến năm 2030, lĩnh vực này sẽ chiếm tới 25% mức tăng trưởng GDP của địa phương! Tất cả điều này làm cho Trung Quốc, từ nay, là nước rất mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng AI và phát triển rất nhanh các ứng dụng cụ thể. Việc xúc tiến trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng của nó và những thành công ban đầu làm tăng tốc sự sáng tạo của địa phương và sự khao khát của các nhà đầu tư, những người thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực AI. Đây chính là động lực cơ bản hiện đang thiếu ở châu Âu.
Điểm cuối cùng rất quan trọng để hiểu được sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI là phạm vi nhu cầu cho đất nước. Trong lĩnh vực y tế chẳng hạn, Trung Quốc có số lượng bác sĩ bình quân trên đầu người ít hơn gấp hai lần so với Pháp. Trong bối cảnh này, sự xuất hiện của y học từ xa, dựa trên AI, là những thách thức quan trọng nhất đối với Bắc Kinh và vì vậy mọi thứ đang diễn ra nhanh hơn. Nhìn chung, việc phát triển AI ở Trung Quốc chủ yếu nhắm vào thị trường địa phương. Trong lúc này, chưa có nhiều hoạt động xuất khẩu, thì các mô hình và ứng dụng đang nổi lên ở Trung Quốc sẽ làm lợi cho rất nhiều quốc gia khác.
Trong những điều kiện này, chúng ta mong đợi điều gì từ mối quan hệ đối tác Pháp-Trung và châu Âu-Trung Quốc về AI?
Giờ đây, tôi rất quan tâm đến trung tâm French Tech Hub tại Trung Quốc, với tư cách là chủ tịch của trung tâm tại Bắc Kinh, và vì vậy với việc thiết lập những hoạt động hợp tác về AI. Tôi là chủ tịch ủy ban đầu tư quốc tế cho trung tâm AI của Pháp và tôi cũng đang tiến hành thành lập một quỹ đầu tư của châu Âu dành riêng cho việc ứng dụng AI để thúc đẩy sự phát triển các công ty ra quốc tế, đặc biệt là sang Trung Quốc. Với tư cách đó, tôi đã đi đến rất nhiều nước trong Liên minh châu Âu [EU] để xúc tiến các quan hệ đối tác giữa Pháp và các nước láng giềng ở EU, và cả xúc tiến tầm quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Điều ghi nhận ngày nay là phải nâng cuộc đối thoại lên tầm châu Âu và triển khai một chiến lược toàn cầu, trong đó có một sự hợp tác thành công với Bắc Kinh.
Các công ty khởi nghiệp của Pháp và châu Âu có lợi khi tiếp cận thị trường Trung Quốc và thiết lập quan hệ đối tác để, ví dụ, tận dụng khối lượng dữ liệu khổng lồ của địa phương. Họ có thể cung cấp cho Trung Quốc các giải pháp sáng tạo đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Để làm được điều này, châu Âu phải có khả năng nhận diện và tạo điều kiện cho các nhà vô địch xuất hiện trong tương lai và hỗ trợ họ đạt được quy mô tới hạn cần thiết trên phạm vi quốc tế. Chính trong nhãn quan này mà chúng tôi vừa thành lập “trung tâm ứng dụng AI của châu Âu”, bao gồm các nước Pháp, Na Uy, Đức, Phần Lan và Đan Mạch. Trung Quốc dự đoán AI sẽ cho phép nước này tăng trưởng 25% trong một thập kỷ. Ngày nay, chỉ có những nhà lãnh đạo “lạc quan về công nghệ” mới có khả năng dự tính được một sự làm giàu nhanh chóng đến vậy, nhưng châu Âu cũng có khả năng đó. Giờ đây, chúng ta phải đồng thuận về một cách nhìn chung về sự phát triển và cùng nhau huy động các hệ sinh thái địa phương, những nơi làm ra trí tuệ nhân tạo ở các trung tâm [công nghệ] châu Âu như Paris, Munich, Helsinki, Oslo và Copenhagen.
Cuộc phỏng vấn do Nicolas Sridi thực hiện
Giới thiệu tác giả
Nicolas Sridi

Đồng sáng lập Asia Focus Production, nhà báo thường trú tại Bắc Kinh của tạp chí Khoa học và Tương lai kể từ năm 2007, Nicolas đã cộng tác với nhiều tờ báo viết và trang web tiếng Pháp, đặc biệt là nhóm Test (01Net), lemonde.fr, ... Ông đồng thời là đồng biên tập tác phẩm tập thể “Le temps de la Chine [Thời đại của Trung Quốc]” với nhà xuất bản Félix Torres (2013) hợp tác với CCIFC. Nicolas cũng là nhà quay phim và ghi âm, và cộng tác ở nhiều vị trí khác nhau với nhiều kênh truyền hình như Arte, ARD, France2, RCN, ... cũng như về những bộ phim liên quan đến hoạt động của các công ty và các định chế.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

* * *
TRUNG QUỐC: WECHAT SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU?
WeChat, ứng dụng nhắn tin đa dịch vụ của Trung Quốc, quảng cáo cho phần mềm nhận dạng khuôn mặt. (Nguồn: China Channel)
Được khởi đầu tại Trung Quốc vào tháng 1 năm 2011, WeChat đã trở thành một trong những ứng dụng di động mạnh nhất trên thế giới. Ngày nay, nó có gần một tỷ người dùng, chủ yếu là người Trung Quốc. Từ dịch vụ tin nhắn và tin thoại đơn giản, WeChat đã chuyển sang một ứng dụng đa dịch vụ, ngự trị vững chắc trong đời sống hàng ngày, ví dụ như việc loại bỏ gần như hoàn toàn việc sử dụng tiền mặt bằng hệ thống thanh toán di động WePay. Làm thế nào để hiểu được sự phát triển nhanh như tia chớp này? Tương lai của WeChat là gì? Trang Asialyst đã đặt các câu hỏi trên cho Matthew Brennan, chuyên gia tư vấn về ứng dụng hàng đầu của tập đoàn Tencent.
CUỘC PHỎNG VẤN
Là diễn giả và nhà văn, trong vài năm, Matthew Brennan đã trở thành “Chuyên gia có uy tín của WeChat”. Ông là người đồng sáng lập China Channel, một trang web dịch vụ “đào tạo WeChat” cho các doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ tổ chức các sự kiện, giáo dục và thông tin về ứng dụng của Tencent. Việc nói rằng ông là một trong số ít “người mê WeChat” trong thế giới Anglo-Saxon từ nay là một uyển ngữ. Ông theo dõi từng hoạt động ra mắt các tính năng mới, phân tích và giám sát từng diễn tiến phát triển nhỏ nhất. Ông thở bằng WeChat.
Sinh ra ở London, Brennan sống ở Trung Quốc trong mười ba năm qua. Nhưng không giống như nhiều người nước ngoài khác, ông dành phần lớn thời gian sống ngoài những thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Vào những ngày đầu ở Trung Quốc, ông sống ở Ordos ở vùng Nội Mông, một “thị trấn ma” nổi tiếng nơi mà người nông dân địa phương đang giàu lên nhờ nghề than. Ngày nay, ông thường xuyên đăng bài trên các chuyên mục diễn đàn trong giới báo chí quốc tế, từ đài BBC đến báo The Economist, qua trang Web TechinAsia hoặc tạp chí Harvard Political Review.
Nhà tư vấn và diễn giả người Anh Matthew Brennan. (Nguồn: China Speakers Bureau)
Làm thế nào để giải thích sự thành công rất nhanh của WeChat tại Trung Quốc kể từ khi ra mắt?
Matthew Brennan: Tôi sẽ nói rằng WeChat đã xuất hiện “đúng lúc và đúng chỗ” vào năm 2011. Vào thời đó, số lượng người dùng thiết bị di động ở Trung Quốc đã rất quan trọng, thị trường Trung Quốc đã đủ chín muồi để tiếp nhận những tính năng mới, những thứ làm nên sự thành công của ứng dụng. Được thiết kế để xây dựng một mạng lưới xã hội và truyền thông, trước hết, đó là chức năng tin nhắn audio [truyền âm] tức thời của WeChat, thứ đã quyến rũ người dùng. Việc trao đổi tin nhắn audio không mất tiền, khi bạn có một kết nối Internet, là công cụ đầu tiên để sử dụng ứng dụng và còn là một sự háo hức về khía cạnh “Walkie Talkie [bộ đàm]”. Nó nhanh chóng trở nên rất “ngầu và hợp thời” ở Trung Quốc.
Bên cạnh các tin nhắn audio, chúng ta còn tìm thấy khả năng liên lạc với những người dùng khác của mạng ở gần đó, và như thế có thể gặp gỡ nhau. Tính năng này đã cực kỳ thành công khi ra mắt WeChat, đó là một cái gì đó hoàn toàn mới đã thu hút được công chúng. Với các tính năng hấp dẫn của mình, WeChat đã tập hợp được 100 triệu người dùng trong đúng 433 ngày, và đã đạt được một khối lượng quan trọng đủ để đảm bảo một vị trí dẫn đầu. Kể từ đó, ngay cả khi bạn đã sử dụng những ứng dụng của các mạng xã hội cạnh tranh như Weibo, thì bạn cũng sẽ tham gia WeChat bởi vì một số bạn bè, gia đình, khách hàng của bạn cũng đang sử dụng WeChat.
Ngày nay, chúng ta nói nhiều đến các tính năng thanh toán với WeChat, đến khả năng biến nó thành một thẻ căn cước ảo. Ứng dụng ngày càng trở thành một bên liên quan của đời sống hàng ngày. Liệu chúng ta có thể đi đến đâu theo hướng này? Các giới hạn là gì?
Ở Trung Quốc, chúng ta đang chứng kiến ​​một tiến trình số hóa xã hội cực kỳ nhanh, và không liên quan gì đến những gì có thể quan sát được ở châu Âu hay nói rộng hơn ở phương Tây. Sự thành công của một hệ thống thanh toán tin học an toàn như WePay xuất phát chủ yếu từ thực tế là trước đây không có bất cứ điều gì thiết thực và thiết dụng như thế. Ở châu Âu, bạn có thể dễ dàng sử dụng thẻ tín dụng của mình để thanh toán ở hầu hết mọi nơi, bạn không cần những cọc tiền nhỏ cho các giao dịch mua sắm hàng ngày của mình. Ở Trung Quốc, WePay đơn giản hóa đời sống của bạn một cách rất trực tiếp, và người dùng không ngần ngại liên kết tài khoản ngân hàng của mình với các ứng dụng di động. Người Trung Quốc đã làm điều đó từ lâu rồi với một đối thủ cạnh tranh duy nhất và thực sự của WeChat về mặt người dùng, đó là Alibaba và đế chế thương mại điện tử của nó.
Vì thế, đối với WeChat, giai đoạn kế tiếp là triển khai một khối lượng tối đa các tương tác với đời sống “thực” để kích thích việc sử dụng các dịch vụ của họ. Mở khóa một chiếc xe đạp sử dụng chung và trả tiền thuê xe, thanh toán chỗ đậu xe theo phương thức không tiếp xúc, quét tròng mắt để mở cửa căn hộ của mình hoặc quét khuôn mặt để xác nhận danh tính và đặt phòng khách sạn, tất cả điều này sẽ diễn ra rất nhanh ở Trung Quốc. Ưu điểm của WeChat là cung cấp một ứng dụng “tất-cả-trong-một”: một khi được kết nối với nền tảng, bạn có thể truy cập vào một loạt các dịch vụ mà không cần mật khẩu hoặc đăng nhập để nhập vào. Mọi thứ đều rất thuận tiện và dễ dàng cho người dùng. Và đối với người dùng chuyên nghiệp, từ nay, nền tảng này là một công cụ không thể thiếu để gần gũi hơn với khách hàng, để giải đáp các câu hỏi của khách hàng hoặc thậm chí để làm tiếp thị và đưa ra những lời mời xúc tiến bán hàng có mục tiêu.
Tuy nhiên, liệu có bất kỳ rủi ro nào về mặt kiểm soát đối với một ứng dụng đang can thiệp nhiều vào đời sống xã hội và hàng ngày của người dùng không?
Điều đó hoàn toàn chính xác, có những rủi ro cố hữu đối với việc số hóa các xã hội, ở Trung Quốc cũng như ở các nơi khác. Bằng cách này hay cách khác, cần phải cung cấp các thông tin trực tuyến nếu muốn có thể sử dụng được một số dịch vụ nào đó. Ở Trung Quốc, tôi nghĩ người dùng xem những lợi ích của việc sử dụng WeChat lớn hơn những nguy cơ của quyền bá chủ đối với các dữ liệu cá nhân. Phải nói rằng Tencent, tập đoàn đứng sau WeChat, không hề có logic giống như một gã khổng lồ của Internet như Facebook chẳng hạn. Việc “khai thác dữ liệu”, bán lại dữ liệu vì mục đích thương mại hoặc tiếp thị, vốn nằm ở trung tâm các hoạt động của công ty Mỹ, hoàn toàn không phải là mô hình hoạt động đối với Tencent. Trong chính kiến ​​trúc của ứng dụng, các tin nhắn và các dữ liệu được lưu trữ trên điện thoại di động của người dùng, chứ không phải trên các máy chủ của tập đoàn. Ngoại trừ tài khoản của những tập đoàn chính thức và tài khoản của những công ty công, tất cả dữ liệu vẫn thuộc quyền riêng tư [của người dùng] và Tencent cung cấp rất ít phản hồi về người dùng, ngay cả đối với những doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ thương mại trực tuyến trên WeChat. Mục tiêu của tập đoàn là biến WeChat thành một dạng “điều khiển từ xa tất-cả-trong-một” trong đời sống xã hội và vật chất của bạn, và kiếm tiền dựa trên những dịch vụ được cung cấp nhiều hơn là việc thu thập thông tin để bán lại.
Ngoài Trung Quốc, chiến lược quốc tế của WeChat là gì? Liệu chúng ta có đang tiến tới một sự mở rộng toàn cầu của ứng dụng hay không?
WeChat có tham vọng mở rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc và đã có một số thành công ở châu Á và ở những nước có một lượng dân số quan trọng người gốc Hoa. Tencent cung cấp rất ít thông tin về lượng người dùng ở quốc tế, nhưng chúng ta biết ví dụ có 20 triệu người dùng ở Malaysia, nơi mà các dịch vụ thanh toán WePay đang được triển khai rất nhanh. Rõ ràng, khu vực quốc tế hóa đầu tiên của WeChat là Đông Nam Á, nơi có một cộng đồng người Hoa rất quan trọng. Ở những khu vực đông dân cư nhưng vẫn còn được trang bị kém trên toàn cầu như Châu Phi, Nam Mỹ hay thậm chí Ấn Độ, WeChat cũng có thể thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần bằng cách cung cấp những dịch vụ mới.
Đối với các dịch vụ của WePay, tiến trình quốc tế hóa diễn ra qua sự phát triển ngành du lịch Trung Quốc, từ nay là điều rất quan trọng. Các tác nhân trong ngành du lịch từ khắp nơi trên thế giới, các khách sạn, các cửa hàng bách hóa, đang triển khai khả năng sử dụng WeChat để giao dịch thanh toán trực tiếp. Ở đây cũng vậy, đó là vấn đề một khối lượng lớn khách hàng mong muốn sử dụng dịch vụ này, thứ sẽ phổ cập việc dùng WeChat. Ngược lại, vào thời điểm hiện tại, có rất ít cơ hội để WeChat xâm nhập trực tiếp vào [thị trường] Châu Âu hoặc Hoa Kỳ, nơi mà sự cạnh tranh đã tồn tại, nơi mà nhu cầu thường được bảo vệ bởi các tác nhân khác, và nơi mà các vấn đề bảo mật và quyền riêng tư hiện diện nhiều hơn.
Cuộc phỏng vấn do Nicolas Sridi thực hiện
Giới thiệu tác giả
Nicolas Sridi

Đồng sáng lập Asia Focus Production, nhà báo thường trú tại Bắc Kinh của tạp chí Khoa học và Tương lai kể từ năm 2007, Nicolas đã cộng tác với nhiều tờ báo viết và trang web tiếng Pháp, đặc biệt là nhóm Test (01Net), lemonde. fr, … Ông đồng thời là đồng biên tập tác phẩm tập thể “Le temps de la Chine [Thời đại của Trung Quốc]” với nhà xuất bản Félix Torres (2013) hợp tác với CCIFC. Nicolas cũng là nhà quay phim và ghi âm, và cộng tác ở nhiều vị trí khác nhau với nhiều kênh truyền hình như Arte, ARD, France2, RCN, … cũng như về những bộ phim liên quan đến hoạt động của các công ty và các định chế.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Chine: jusqu'où ira WeChat?, Asialyst, 24/01/2018.
Print Friendly and PDF