13.3.19

“Đối với Darwin, sự đoàn kết xác định nền văn minh”


“ĐỐI VỚI DARWIN, SỰ ĐOÀN KẾT XÁC ĐỊNH NỀN VĂN MINH”
Phỏng vấn Patrick Tort
Cuộc phỏng vấn do Charles Giol thực hiện
Tác giả tác phẩm On the Origins of Species [Nguồn gốc các loài], được chụp vào năm 1881 tại nhà của ông ở Kent.
Liệu Darwin, nhà lý thuyết về sự chọn lọc tự nhiên, có xem luận đề về cuộc đấu tranh vì sự sống ở con người là chính đáng hay không? Trái với những gì mà “thuyết chọn lọc xã hội kiểu Darwin” cố gán cho ông, trong thực tế, nhà tự nhiên học vĩ đại đã nhấn mạnh rằng trong thế giới động vật con người là một ngoại lệ: trong nền văn minh, bằng một sự đảo ngược đơn lẻ, sự “thông cảm” và hợp tác đã trở thành một nhân tố của sự tiến bộ.
Cuốn sách của ông “l’Effet Darwin [Hiệu ứng Darwin]”, được xuất bản cách đây mười năm, đã đưa ra một cáo trạng đanh thép chống lại thuyết chọn lọc xã hội kiểu Darwin. Theo ông, vì sao học thuyết này, một học thuyết dựa trên lý thuyết tiến hóa để khuyến khích cuộc đấu tranh vì sự sống giữa con người với nhau, lại là một sự phản bội tư tưởng của Darwin?

Herbert Spencer (1820-1903)
Trước tiên xin nhắc lại rằng đòng tư tưởng xã hội học được gọi là “thuyết chọn lọc xã hội kiểu Darwin” – thành ngữ có từ năm 1880 – được hình thành một cách độc lập với Darwin. Người sáng lập ra thành ngữ đó, kỹ sư và nhà triết học người Anh Herbert Spencer (1820-1903), đã làm biến dạng và rút gọn khái niệm sự chọn lọc tự nhiên, thuật ngữ mà ông đã phát hiện vào năm 1858 khi lý thuyết do Darwin phát triển cùng với nhà tự nhiên học Alfred Russel Wallace được trình bày cho một cử tọa học thuật ở London.

Năm sau, Darwin xuất bản “On the Origin of Species [Nguồn gốc các loài]”, tác phẩm nền tảng của thuyết tiến hóa, trong đó ông đề xuất giải thích sự biến đổi các loài bằng cơ chế chọn lọc tự nhiên của những biến thể hữu cơ thuận lợi trong một môi trường tự nhiên đóng vai trò của một cái sàng. Xin nhắc lại rằng những nguyên lý vĩ đại của luận đề của ông: tất cả các sinh vật, Darwin gợi ý, đều tạo ra một cách tự nhiên, tùy thuộc vào các điều kiện xung quanh, những biến thể có thể là thuận lợi, trung tính hoặc bất lợi cho chúng. Chỉ những biến thể mang lại lợi ích lớn nhất cho các sinh vật mới được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho phép chúng tiếp cận theo cách tối ưu các nguồn lực sẵn có trong một môi trường mà các giới hạn gây ra một sự cạnh tranh thường trực giữa những cá thể với nhau và giữa những loài với nhau. Trong cùng một động thái, những sinh vật bất lợi sẽ bị loại khỏi cuộc đấu tranh tổng thể vì sự sinh tồn và loại khỏi cuộc cạnh tranh với những đối thủ cạnh tranh thích nghi tốt hơn với các điều kiện của cuộc đấu tranh này. Vì vậy, sự lựa chọn, ở cấp độ này, là điều không thể tách biệt khỏi sự loại bỏ.
Tuy nhiên, trong tác phẩm On the Origin of Species [Nguồn gốc các loài], con người hầu như rất ít được đề cập; lý thuyết lựa chọn tự nhiên của Darwin, vì thế, dựa hoàn toàn trên nghiên cứu các loài động vật và thực vật. Điều này không ngăn Spencer nhìn thấy ở đó một dạng thức phổ quát mang đến một cơ sở khoa học cho những lựa chọn siêu tự do của ông về các vấn đề chính trị và xã hội.
David Hume (1711-1776)

Được cổ vũ bởi những người ủng hộ một chủ nghĩa bảo căn tự do nhất định đi kèm vào lúc đó, ở Anh, với sự phát triển của chủ nghĩa công nghiệp thời Victoria, ông khẳng định rằng sự cải thiện của các xã hội loài người phải tuân theo quy luật tự nhiên về sự sinh tồn của những ai có điều kiện nhất và về sự loại bỏ tương ứng những người có khả năng thích nghi kém nhất. Khi phát triển các luận đề này vào những năm 1860 và 1870, Spencer đã đi trước Darwin, người chỉ mở rộng lý thuyết của mình sang trường hợp của con người vào năm 1871, trong tác phẩm The Descent of Man [Dòng dõi con người]. Thế mà, chúng ta đọc được những gì trong cuốn sách phần lớn không được đánh giá đúng này, tuy đó là, sau tác phẩm On the Origin of species [Nguồn gốc các loài], một cực khác của tư tưởng Darwin? Ta đọc thấy là những gì đặc trưng cho loài người, trên phương diện trở thành con người, là sự xuất hiện của đạo đức và văn minh, xuất phát từ sự chọn lọc các bản năng xã hội và từ sự củng cố các năng lực duy lý. Trên cơ sở sự mở rộng vô tận của cảm xúc “thông cảm” – khái niệm mà Darwin vay mượn từ triết lý khai sáng của Scotland, từ triết lý của David Hume và của Adam Smith – quá trình văn minh làm sản sinh sự phát triển các hành vi hợp tác và nhiều hình thái cống hiến cho người khác. Có thể hiểu rằng trong thâm tâm Darwin đã không tán thành các lý thuyết của Spencer và của những đối thủ ông, những người cho là ông nói, về chủ đề con người, điều ngược lại với những gì ông nghĩ, và với những gì ông đã viết ra trên giấy trắng mực đen.
Đối với Darwin, con người là một ngoại lệ trong thế giới động vật, loài duy nhất có khả năng “thông cảm”, có sự nhân từ?
Khá lâu trước khi phát triển các nghiên cứu về động vật linh trưởng giúp làm sáng tỏ hiểu biết của chúng ta về chủ đề này, Darwin đã nhấn mạnh đến sự tồn tại bên trong các nhóm này những động vật, về mặt phát sinh loài gần với loài người, các yếu tố báo trước các hành vi hợp tác của chúng ta. Ông đã dành rất nhiều thời gian, ví dụ, cho rất nhiều hình thái tương trợ, đặc biệt có tính phòng thủ, ở loài khỉ, những động vật thậm chí có khả năng có được những sáng kiến quả cảm, ông viết, để cứu một đứa trẻ đang gặp nguy, thậm chí, bị giam cầm, để bênh vực một người giám hộ yêu dấukhông bị một con khỉ khác tấn công.
Nhưng đối với Darwin, loài người thể hiện trong mối quan hệ với môi trường những đặc điểm nổi bật. Cùng với đối thủ Alfred Russel Wallace, ông chia sẻ ý tưởng cho rằng con người, trong quá trình tiến hóa, nổi bật trong giới động vật bằng một sự đảo ngược độc nhất các phương thức hành xử thích nghi. Các động vật khác, bất luận những điều chỉnh thi thoảng hoặc thường xuyên liên quan đến môi trường sống của chúng, vẫn phục tùng chặt chẽ những biến động của môi trường sống, và do đó buộc phải thích nghi, về mặt sinh lý, với những áp lực chọn lọc của môi trường sống. Con người, trái lại, do khả năng hiếm có của não bộ, của năng khiếu kỹ thuật và của khả năng tổ chức tập thể, đã tự giải phóng trên diện rộng khỏi các ràng buộc này, bằng cách biến đổi môi trường sống của mình thành chất xúc tác của sự sinh tồn. Điều này có nghĩa là, nói một cách sơ lược, con người điều chỉnh môi trường sống theo nhu cầu của mình nhiều hơn là thích nghi với nó, một sự đảo ngược dẫn đến một sự giảm mạnh sự loại bỏ do sự chọn lọc tự nhiên gây ra. Đồng thời, sự chọn lọc các bản năng xã hội đã tạo điều kiện cho sự mở rộng các xúc động thông cảm” ở con người, sự gia tăng các hành vi đoàn kết và hợp tác, sự kéo dài thời gian chăm sóc dành cho con cái, sự phức tạp hóa và điều tiết các hoạt động xã hội. Ra đời từ sự chọn lọc này, nền văn minh đã mở rộng việc thực hành tính duy lý thông qua sự tương trợ trong cộng đồng và nền giáo dục đạo đức bắt buộc cho chính sự hoàn thiện nó. Mức độ đoàn kết nội bộ của một nhóm người trở thành, trong cách nhìn này, thước đo đạo đức về mức độ văn minh.
Như vậy, sự chọn lọc tự nhiên không có bất cứ vai trò gì trong sự phát triển thần kỳ các khả năng nhận thức và kỹ thuật của con người kể từ khi con người xuất hiện?
Không biến mất hoàn toàn, sự chọn lọc tự nhiên dù sao đi nữa, theo Darwin, chỉ tác động không đáng kể trong quá trình cải thiện của loài người, cái mà ông gọi là trạng thái văn minh. Chính là quá trình đó mà tôi đã mô tả bằng khái niệm “hiệu ứng ngược đảo của sự tiến hóa”: mặc dù là kết quả của sự chọn lọc tự nhiên, các bản năng xã hội ở trung tâm cuộc đấu tranh vĩnh cửu cho sự tồn tại, nền văn minh chỉ có thể được định nghĩa như là sự đảo chiều liên tục của cơ chế chọn lọc, thứ mà, trên phương diện tiến hóa, đã xảy ra trước và đã tạo ra nó. Hiện tượng nghịch lý này có thể tóm tắt thông qua giản đồ này: sự chọn lọc tự nhiên, qua con đường bản năng xã hội, đã chọn lựa nền văn minh, mà các đặc điểm và xu hướng tiến hóa chống lại sự chọn lọc tự nhiên.
Nói một cách khác, ở đâu mà sự chọn lọc tự nhiên loại bỏ, thì nền văn minh bảo vệ, và Darwin đưa ra nhiều ví dụ trong tác phẩm The Descent of Man [Dòng dõi con người]: cứu trợ người bị thiếu thốn, chăm sóc người bệnh tật, giúp đỡ và hỗ trợ người tàn tật, những nỗ lực được triển khai trong mọi lĩnh vực để “kiềm hãm hành trình loại trừ”. Bởi vì, ông viết, “chúng ta không thể cản trở sự thông cảm, ngay cả dưới áp lực của một lý trí khắt khe, mà không mang lại một sự tổn thương xuống cấp cho phần cao quý nhất của bản chất của chúng ta.”
Chúng ta có thể hiểu rằng vào cuối thế kỷ XIX, vào lúc xuất hiện các lý thuyết ưu sinh, vào lúc mà một số nhà khoa học tin rằng có thể chứng minh sự bất bình đẳng giữa các tộcngười, con người Darwin thứ hai này đã không thực sự được lắng nghe...
Trong tác phẩm The Descent of Man [Dòng dõi con người], Darwin dẫn các lập luận của những người tiên phong về tư tưởng ưu sinh, trong đó có người anh em họ ông là Galton, những người nhấn mạnh đến sự bất lợi sinh học gắn với sự sinh sản của những sinh vật mong manh. Nhưng ông không tán thành các lập luận đó. Đối với ông, việc bảo toàn kẻ yếu – và điều này xảy ra, trái với ý thức hệ được Spencer chủ xướng, bằng một cuộc đấu tranh có tổ chức chống lại sự khốn khổ của xã hội – tạo nên một sự tiến bộ về mặt đạo đức có lợi cho tập thể. Một tập thể thống nhất bởi những cảm xúc thông cảm mạnh mẽ sẽ chiếm ưu thế trước một tập thể có sự ràng buộc lỏng lẻo hơn. Và Darwin tin rằng sự thành công của lòng vị tha sẽ được phổ biến rộng rãi thêm khi mà nền văn minh càng phát triển. Đó là những gì mà ông khẳng định trong chương IV của tác phẩm The Descent of Man [Dòng dõi con người], trong đó tôi muốn trích dẫn đoạn chính yếu sau:
Khi con người tiến bộ với nền văn minh, và khi các bộ lạc nhỏ tập hợp lại thành những cộng đồng rộng lớn hơn, nguyên nhân đơn giản nhất mà mỗi cá thể có thể nhìn thấy là họ cần phải mở rộng các bản năng xã hội và sự thiện cảm của mình cho tất cả các thành viên của cùng một quốc gia, ngay cả khi những người đó không biết gì về mình. Một khi đạt đến điểm này, thì chỉ còn có một rào chắn giả tạo để ngăn chặn sự thiện cảm lan tỏa đến những người khác của tất cả các quốc gia và của tất cả các dân tộc. [...] Sự thiện cảm khi xảy đến vượt ngoài phạm vi con người, có nghĩa là tình cảm nhân loại đối với các loài động vật cấp thấp, có vẻ như là một trong những tiếp thu gần đây nhất về mặt đạo đức. [...] Phẩm hạnh này, một trong những phẩm hạnh cao quý nhất của con người, có vẻ như phát sinh một cách tình cờ từ cái mà sự thiện cảm của chúng ta trở nên tinh tế hơn và lan tỏa trên phạm vi rộng hơn, cho đến khi được mở rộng đến mọi sinh vật nhạy cảm.”
Từ đó rút ra một bài học lớn về sinh thái con người: trước tiên đó là thông qua sự thừa nhận của con người mà chúng ta đạt được, từng bước một, sự tôn trọng của con người.
Patrick Tort (1952-)

Patrick Tort là nhà ngôn ngữ học, nhà triết học và nhà sử học các khoa học. Là chuyên gia về Darwin, ông đã góp phần tái khám phá tư tưởng nhân học của Darwin. Là người sáng lập Viện Quốc tế Charles Darwin, giám đốc một bản dịch tiếng Pháp toàn tập các tác phẩm của nhà tự nhiên học tại NXB Champion, ông cũng đã cống hiến nhiều tiểu luận về vấn đề tiến hóa, trong đó có cuốn “L’Effet Darwin. Sélection naturelle et naissance de la civilisation [Hiệu ứng Darwin. Sự chọn lọc tự nhiên và sự ra đời của nền văn minh]” (Seuil, 2008) và cuốn “Théorie du sacrifice. Sélection sexuelle et naissance de la morale [Lý thuyết hy sinh. Sự chọn lọc tình dục và sự ra đời của đạo đức]” (Belin, 2017).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Pour Darwin, la solidarité définit la civilisation”, Le pouvoir de bienveillance, Số đặc biệt L’OBS n099, juillet 2018.
Print Friendly and PDF