31.3.19

Thuế đúc tiền


THUẾ ĐÚC TIỀN
Seigniorage
® Giải Nobel: FRIEDMAN, 1976 MUNDELL, 1999
Lúc khởi đầu, thuế đúc tiền chỉ thuế thu bằng hiện vật trên kim loại (bạc hay vàng) lúc được đúc để đổi thành đồng tiền. Độc quyền đúc tiền thường được giao cho một lãnh chuá (seigneur) nên thuế có tên gọi là thuế đúc tiền.
Ngày nay, thuế đúc tiền có thể được định nghĩa như giá trị thực tế của đồng tiền do Nhà nước tạo ra và sở hữu. Một nghĩa rộng hơn đưa thêm vào định nghĩa trên những thu hoạch của Nhà nước tiếp theo việc những khoản nợ danh nghĩa của Nhà nước (tiền pháp định, nợ công cộng, ) bị mất giá. Những nguồn lực này hợp thành thuế lạm phát. Theo một nghĩa khác, nhưng ít được sử dụng, thuế đúc tiền cũng là toàn bộ những mất mát về nguồn lực mà các tác nhân phải gánh chịu do buộc phải nắm giữ tiền pháp định (xem Dupuy, 1993). Trong số những mất mát này đặc biệt có những khoản tiền lãi mất đi trên những số tiền mặt được nắm giữ và đã có thể được đầu tư vào trái phiếu có lãi. Những thành tố khác nhau của thuế đúc tiền có những giá trị khác nhau tuỳ theo nước và theo thời kì. Từ 1979 đến 1986, thuế đúc tiền theo nghĩa hẹp bằng 6% những sắc thuế ở Italia, 1,3% ở Pháp và 0,8% ở Đức. Thuế này lên đến 10% của GDP ở Đức trong thời kì siêu lạm phát sau thế chiến thứ nhất (xem Barro & Grili, 1994, trang 167-168). Trong những nước phát triển, thuế lạm phát là quan trọng hơn thuế đúc tiền theo nghĩa hẹp (quy mô của nợ công cộng là lớn hơn quy mô của cơ sở tiền tệ).
Thuế đúc tiền là một đối tượng ưu tiên của phân tích tiền tệ. Phân tích tiền tệ đã xác lập sự tồn tại của một đường Laffer của thuế đúc tiền (được hiểu hoặc theo nghĩa hẹp, hoặc theo nghĩa thuế lạm phát) tuỳ theo tỉ suất tăng trưởng của cung tiền. Thật vậy, thuế đúc tiền trước tiên là một hàm tăng rồi giảm của tỉ suất tăng trưởng của cung tiền tệ: do đó có một số tiền thuế đúc tiền cực đại. Có thể có được một số tiền thuế đúc tiền nhất định (ví dụ theo nghĩa hẹp) bằng hai cách, hoặc bằng một tỉ suất tăng trưởng yếu hoặc bằng một tỉ suất tăng trưởng cao. Trong trường hợp đầu, lượng tiền tệ tạo ra là thấp nhưng có một giá trị đơn vị quan trọng; trong trường hợp sau, lượng tiền tệ tạo ra là cao nhưng lại có một giá trị đơn vị thấp hơn. Bailey (1956) chứng minh là nên nằm trên phần tăng của đường Laffer để tối thiểu hoá những méo mó do việc nắm giữ tiền gây ra.
Robert Barro (1944-)
Gregory Mankiw (1958-)
Nghiên cứu thuế đúc tiền tối ưu, nghĩa là thuế đúc tiền tối đa hoá một hàm phúc lợi xã hội, là đối tượng của nhiều công trình của phân tích tiền tệ. Trong một thế giới mà Nhà nước có một dàn đầy đủ thuế khoá (đặc biệt là những thuế đồng đều) thì thuế đúc tiền là bằng không, thậm chí là âm. Nhà nước đơn giản chỉ đảm bảo lợi tức của những đầu tư khác nhau và của việc nắm giữ tiền mặt là bằng nhau. Do tỉ suất lợi tức của đồng tiền là tỉ suất giảm phát nên sự bằng nhau của những lợi tức dẫn đến việc chọn một lãi suất danh nghĩa bằng không. Một trào lưu gần đây do Mankiw (1987) khởi xướng nghiên cứu giả thiết theo đó thuế đúc tiền được các Nhà nước quan niệm một cách tối ưu cũng như thuế khoá mà thuế đúc tiền là một thành phần đặc biệt. Số sắc thuế sẵn có trong tay Nhà nước được giả định là giới hạn. Trào lưu này mở rộng phân tích đánh thuế tối ưu động do Barro (1979) đề xuất sang phân tích tiền tệ. Như thế những nguyên tắc đánh thuế tối ưu theo kiểu Ramsey được phát triển. Ta phải cầu viện đến thuế lạm phát khi có những cú sốc chi tiêu công cộng không được dự kiến.
Những nghiên cứu thực nghiệm đã xác thực một phần những phân tích lí thuyết (xem Dupuy, 1993) trong một ứng dụng vào trường hợp của Liên hiệp châu Âu. Thật vậy, ta nhận thấy rằng thuế đúc tiền thường được chọn như phương thức tài trợ chi tiêu công cộng khi việc thu thuế là tốn kém và có sự tránh thuế. Hơn nữa, thuế đúc tiền cũng là một cách đánh thuế những giao dịch phi pháp. Hơn nữa, khi hệ thống chính trị của một nước càng bất ổn thì hệ thống thuế khoá của nó càng không có hiệu quả và nước này càng sử dụng thuế đúc tiền. Nhưng những giải thích này là đáng phản bác nếu ta đứng trên quan điểm của những nhà phân tích các chính sách lạm phát tuỳ nghi (xem Calvo, 1978). Quả thế, chính sách thuế đúc tiền tối ưu là tiền hậu bất nhất và do đó không đáng tin. Các nhà nước cầu viện đến thuế đúc tiền một cách tuỳ nghi và trong thực tế không thể thực thi chính sách thuế đúc tiền tối ưu. Khi tính đến tính duy lí của những dự kiến lạm phát thì kết quả là có những hiệu ứng tiêu cực đến nền kinh tế (lạm phát quan trọng, thậm chí siêu lạm phát) và một thuế đúc tiền rất thấp. Để tránh những tình thế cực đoan này, phải giới hạn việc dùng thuế đúc tiền, điều này dẫn đến việc trao việc thực hiện chính sách tiền tệ cho một ngân hàng trung ương độc lập.
BAILEY M., The welfare cost of inflationary finance, Journal of Political Economy, p. 93-110. BARRO R., On the determination of the public debt, Journal of Political Economy, 1979, p. 940-971. BARRO R., & GRILLI V., European Macroeconomics, Macmillan, 1994.  CALVO G., On the time consistency of optimal monetary policy in a monetary economy, Econometrica, 1978, n0 6, p. 1411-1428. DUPUY M., Essai de vérification de la théorie du seigneuriage optimal pour les pays de la CEE, Revue déconomie politique, 1993, n0 1, p. 107-130. MANKIW G., The optimum collection of seigniorage: theory and evidence, Journal of Monetary Economics, 1987, p. 327-341.
Bertrand Crettez
Giáo sư đại học Franche-Comté (BesanVon)
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001.
Print Friendly and PDF