26.3.19

Elinor Ostrom – người phụ nữ đã cứu kinh tế học khỏi thảm hoạ - bà là ai?


ELINOR OSTROM - NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÃ CỨU KINH TẾ HỌC KHỎI THẢM HỌA – BÀ LÀ AI?
Bộ tiểu thuyết ba tập “Chúa tể của những chiếc nhẫn” (Lord of the Rings) của nhà văn J.R.R Tolkien là sự suy ngẫm về cách quyền lực đã khiến con người trở nên mục ruỗng như thế nào. Khi nỗ lực tìm hiểu lý thuyết kinh tế học, tôi thấy mình giống như Frodo trên hành trình đi đến Mordor, nhưng xét trong lịch sử tư tưởng kinh tế học gần đây, người có vai trò giống Frodo nhất chính là Elinor Ostrom.
Khi lần đầu gặp Lin tại một hội thảo năm 2009 – chỉ một vài tháng trước khi bà được trao giải Nobel kinh tế học, tôi đã gợi ý Lin kể cho tôi nghe về câu chuyện cuộc đời bà. Hãy cùng tìm hiểu về bà như một con người bằng da bằng thịt trước khi đến với tầm quan trọng của những công trình nghiên cứu của bà.
Tổ tiên bên ngoại của Lin là người tị nạn theo đạo Tin lành, đã di cư từ châu Âu sang Mỹ từ những năm tháng đầu tiên trong lịch sử dân tộc, còn phía bên nội của bà là người Do thái di cư từ Đông Âu vào đầu những năm 1900. Bà sinh ra tại California vào những năm 1930, thời mà người phụ nữ được mong đợi sẽ trở thành những người vợ ở nhà nội trợ, thư ký hoặc giáo viên. Cả bố và mẹ Lin đều không có trình độ đại học và cũng không nuôi dưỡng cho bà hoài bão đi theo con đường học thuật. May mắn thay, ngôi trường bà theo học đã hỗ trợ cho bà rất nhiều. Từ một cô bé nhút nhát và hơi có tật nói lắp, Lin đã trở nên tự tin nhờ tham gia vào các đội tranh biện và diễn thuyết ở trường. Học phí đại học ở California thời đó không quá đắt đỏ, nhờ đó bà có thể tiếp tục học mà không cần bố mẹ phải hỗ trợ. Sau khi tham gia một khóa học về chính phủ Mỹ, bà rất thích thú và đã quyết định chọn chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles (UCLA). Bà không biết sẽ làm gì với tấm bằng về khoa học chính trị của mình, nhưng chỉ đơn giản là bà thấy yêu thích nó. Bà cũng tham gia nhiều khóa học về kinh tế học, kinh doanh và nhân sự để có thể kiếm sống.
Lin kết hôn với bạn trai từ thời trung học và trả toàn bộ học phí cho chồng tại Trường Luật Harvard sau khi cả hai tốt nghiệp đại học. Công việc đầu tiên của bà ở Boston là tại một công ty điện tử, nhân viên ở đó phải bắt đầu làm việc từ phòng thư để có thể hiểu rõ về toàn bộ công ty. Sau đó bà chuyển sang bộ phận xuất khẩu, ở đây bà được làm việc trong một văn phòng rộng với nhiều phụ nữ khác và có một người đàn ông ngồi ở chiếc bàn trên cao giám sát. Lin cười đôn hậu khi nghĩ về những điều đã trải qua, bà cũng nói rằng việc tìm hiểu cách vận hành của doanh nghiệp từ bên trong là rất có ích.
Sau một năm làm việc tại nhà máy điện tử, Lin mạnh dạn ứng tuyển vị trí trợ lý giám đốc nhân sự tại một công ty sản xuất quy mô lớn. Ban đầu bà không được nhận, nhưng sau đó họ đã đổi ý khi bà sẵn sàng làm việc không lương trong giai đoạn thử việc. Lúc ấy, trong công ty không có ai là người theo đạo Thiên chúa, người Do thái hay người da đen, và cũng không có người phụ nữ nào được nắm giữ các vị trí cao. Ngày đầu tiên Lin đến làm việc, có một nhân viên muốn biết “Lin” là đàn ông hay phụ nữ, cấp trên của bà đã trực tiếp trả lời anh ta trên hệ thống liên lạc của công ty. Khi nghe xong anh ta thốt lên “Chết tiệt!”, Lin cười khi nhớ lại những điều này và nói với một giọng đầy tự hào rằng trong suốt 2 năm làm việc tại đó, bà đã không tuyển bất kỳ đàn ông nào có tư tưởng phản kháng.
Sau khi chồng bà tốt nghiệp Đại học Luật Harvard, họ quay trở lại Los Angeles, ở đó ông bắt đầu làm việc tại một công ty lớn. Lin cũng tìm được việc ở bộ phận nhân sự tại Đại học California (UCLA) và đồng thời tham gia khóa học sau đại học bán thời gian. Ban đầu bà dự định học Thạc sĩ Hành chính Công để nâng cao năng lực phục vụ công việc, nhưng sau đó bà chuyển sang những khóa học mang tính học thuật hơn vì thấy yêu thích. Khi bà nói với chồng mình rằng muốn lấy bằng Tiến sĩ, ông ấy không chấp nhận và không lâu sau đó họ ly hôn. Bà không cảm thấy đau buồn chút nào khi nhắc lại chuyện này, bà còn nói thêm rằng làm vợ của luật sư trong một công ty lớn cũng không sung sướng gì. Bà rùng mình khi nhớ lại những bữa tiệc bà từng phải tham dự, tất cả những người đàn ông ở trong một căn phòng và vợ của họ ở trong một căn phòng khác.
Nghiên cứu Tiến sĩ của Lin là về một chủ đề khá quen thuộc - quản lý nước. Thời đó việc sử dụng nước ở California không hề được kiểm soát. Bất cứ ai cũng có thể tự bỏ tiền ra để đào một cái giếng nhưng nước chảy ra sẽ là của chung. Khi nước bắt đầu cạn kiệt, những người sử dụng mới nhận ra rằng nguồn nước là có hạn và phải làm gì đó để quản lý việc sử dụng nước. Lin đã nghiên cứu một cách thức mà thông qua đó những người liên quan cùng thỏa thuận một bộ quy tắc có thể thực hiện được mà không cần sự can thiệp của chính quyền. Đó là một câu chuyện thành công mà bà gọi là doanh nghiệp công cộng.
Thật bất ngờ, Lin đã tình cờ gặp một cấu trúc ý tưởng khác biệt căn bản so với đế chế của toán học đang thống trị lý thuyết kinh tế học. Đế chế toán học được hình thành trên giả thuyết rằng sự vị kỷ sẽ tự động đưa đến lợi ích của tập thể. Công trình của Lin lại dựa trên một sự thật không thể lay chuyển của cuộc sống: sự vị kỷ thường dẫn đến sự lạm dụng tài nguyên và một số vấn đề khác khiến cuộc sống của mọi người tồi tệ hơn, chứ không hề tốt đẹp lên. Khi mọi người được phép hút bao nhiêu nước ra khỏi lòng đất tùy thích, sẽ không có bàn tay vô hình nào cứu nguy được.
Tuy nhiên, chẳng cần đến sự can thiệp của nhà nước tập quyền để giải quyết vấn đề này. Thay vào đó, những người liên quan đã ngồi lại với nhau và tự thương lượng để đưa ra một thỏa thuận riêng, bao gồm những quy định về việc sử dụng nước và có những biện pháp trừng phạt để cưỡng chế. Phúc lợi tập thể đã đạt được, đại khái là vậy, có cái gì đó đã xuất hiện và tự thiết lập cách thức nó xảy ra - nhưng quá trình thương lượng không sản sinh ra bất kỳ cái gì giống với những giả định của đế chế toán học, thứ mà, như chúng ta thấy, thậm chí còn không thể chứa đựng những khái niệm về quy chuẩn.
Trong khi học Tiến sĩ, Lin đã kết hôn với Vincent Ostrom - một trong những giáo sư của bà và theo ông từ khi ông rời Đại học California đề làm việc cho Đại học Indiana. Đó là thời đầu những năm 1970 và Lin khi ấy đã khoảng 35 tuổi. Không ai muốn tuyển bà vào làm việc cho đến khi bộ môn cần người dạy một khóa học về chính phủ Mỹ vào sáng sớm. Chỉ khi được giao vị trí cố vấn học tập cho sinh viên sau đại học của bộ môn, bà mới trở thành một thành viên cơ hữu của khoa. Khi bắt đầu bước chân vào sự nghiệp nghiên cứu, bà chẳng khác nào một bà mẹ của cả đàn sinh viên sau đại học.
Garrett Hardin (1915-2003)
Khi có được cơ hội đầu, Lin đã cộng tác chặt chẽ với một nhóm sinh viên sau đại học nghiên cứu chủ đề về hàng hóa công cộng. Hàng hóa công cộng là bất cứ thứ gì có thể chia sẻ được, ví dụ đài phát thanh hay lực lượng quốc phòng. Tuy nhiên, chi phí của việc cung cấp hàng hóa công cộng đôi lúc lại không được chia sẻ, ví dụ có những người nghe truyền thanh công cộng mà không đóng góp gì, hay những người hưởng sự an toàn nhờ lực lượng quốc phòng mà không đóng thuế. Sức cám dỗ của việc “xài chùa” khiến cho việc duy trì hàng hóa công cộng trở nên khó khăn, như những điều mà nhà sinh thái học Garrett Hardin quan sát thấy, được đăng trong một bài báo nổi tiếng có tiêu đề “The Tragedy of the Commons” [Tạm dịch:Bi kịch của Nguồn lực chung”] được đăng trên tạp chí Science năm 1968. Khi Lin bắt đầu với công trình này, đó vẫn còn là một chủ đề được ít người nhắc đến trong khoa học chính trị, và có vẻ đến ngày nay nó vẫn lạ lẫm như vậy. Có nhiều học giả thuộc nhiều ngành khác nhau nghiên cứu về những hàng hóa công cộng khác nhau. Nhưng chẳng hề có một lý thuyết hay phương pháp luận thống nhất nào cả. Lin và những sinh viên của bà đã dành cả học kỳ đầu tiên để đọc những cơ sở lý thuyết rải rác [từ nhiều nguồn] và bà mong họ sẽ chọn một hàng hóa công cộng để cùng bắt đầu nghiên cứu vào học kỳ tới. Điều kiện duy nhất của bà là loại hàng hóa công mà sinh viên chọn không được liên quan đến nước, vì bà đã rất mệt mỏi với đề tài này từ khi làm luận án Tiến sĩ. Các sinh viên của bà đã chọn sở cảnh sát, một chủ đề tầm thường nếu so sánh với mục tiêu vĩ đại của lý thuyết kinh tế học tân cổ điển là tạo ra một bộ quy luật về hành vi xã hội.
Vào thời điểm đó, những nhà lập chính sách đang rất ưa chuộng cơ chế tập quyền, họ đề xuất hợp nhất các sở [cảnh sát] để số lượng giảm từ 40.000 xuống còn 400 trên toàn quốc. Tuy nhiên, không một ai từng thực sự nghiên cứu về các tổ chức dịch vụ cảnh sát, và những gợi ý về việc cải cách chỉ dựa trên logic bề mặt. Lin và sinh viên của bà đã nghiên cứu về tổ chức xã hội của các sở cảnh sát, sử dụng các phương pháp chặt chẽ để cho thấy rằng những đơn vị nhỏ hơn thường hòa hợp với những cộng đồng mà họ phụng sự tốt hơn và phản ứng nhanh hơn với những nhu cầu của người dân. Họ cũng cho thấy rằng thước đo tối ưu của các dịch vụ cảnh sát phụ thuộc vào từng dịch vụ riêng biệt; và câu trả lời cho những dịch vụ phân tích pháp y trong phòng thí nghiệm (forensic laboratory) có thể khác với, ví dụ, dịch vụ tuần tra khu dân cư. Tổ chức xã hội tốt nhất của mỗi dịch vụ phải được xác định tùy vào từng trường hợp cụ thể và những người liên quan mật thiết nhất đều có thể là những người ra quyết định tốt nhất.
Công trình về cảnh sát của Lin vẫn tiếp tục thám hiểm vùng tri thức mới mà bà đã khám phá trước đó trong nghiên cứu về quy định sử dụng nước, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phân quyền và sự nổi bật nhưng phải có sự tương tác có cấu trúc chặt chẽ ở cấp độ địa phương. Sự nổi bật vượt trội không đến từ các cá nhân chỉ theo đuổi những sở thích vị kỷ. Đôi khi nó không xảy ra. Lin chưa từng thấy sự tiến hóa được coi như một chủ đề học thuật nhưng bà vẫn đang nghiên cứu về quá trình tiến hóa của văn hóa trên thế giới. Nhiều nhóm đã thảo luận để tìm ra những giải pháp cho vấn đề của họ, một vài giải pháp thì thành công hơn những giải pháp khác, và những cái thành công thì thường lâu bền hơn và được nhân rộng so với những cái thất bại. Quá trình biến đổi và chọn lọc dẫn đến kết quả khá tốt, nếu không phải là hoàn hảo, và có thể được cải thiện nhờ vào việc nghiên cứu và hỗ trợ quá trình này một cách khoa học. Lin là người đi đầu trong nghệ thuật và khoa học quản lý quá trình phát triển văn hóa mà không sử dụng chữ E[1].
Vào những năm 1980, Lin đã nổi tiếng với công trình về hàng hóa công cộng và được Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ (National Research Council) - một nhánh của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (U.S. National Academy of Sciences) mời tham gia ủy ban về nguồn tài nguyên công cộng như tưới tiêu, rừng hay đánh bắt cá. Một lần nữa, bà lại thấy những thông tin về chủ đề này lộn xộn khủng khiếp. Các nguồn tài nguyên khác nhau đã được nghiên cứu bởi những học giả thuộc nhiều ngành trên thế giới, họ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, và không ai vượt qua ranh giới để trao đổi liên ngành [về những nghiên cứu của mình]. Lin bắt đầu nhiệm vụ nặng nề là hệ thống hóa các thông tin này bằng cách xây dựng một khung phân tích các tổ chức xã hội, sao cho có thể áp dụng được trong nhiều tình huống nghiên cứu (case study) khác nhau. Thoạt đầu bà bị choáng ngợp bởi sự đa dạng [của thông tin] mà bà xử lý. Bộ dữ liệu của bà bao gồm 100 tình huống nghiên cứu về các hiệp hội nông dân chỉ trong quốc gia Nepal nhỏ bé, mỗi người nông dân quản lý hệ thống tưới tiêu của mình theo một cách riêng. Tuy nhiên, bà đã chỉ ra rằng sự đa dạng trong các giải pháp càng cho thấy số lượng các nguyên lý thiết kế là nhỏ hơn nhiều [so với số lượng các giải pháp], điều này được thể hiện rõ trong công trình nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn nhất của bà, công trình này đã được công bố năm 1990 với tiêu đề “Governing the Commons: The Evolution of Institutions for Collective ActionIMG_258” [Tạm dịch: “Quản trị Nguồn lực chung: Sự tiến hóa của các thể chế dành cho hành động tập thể”]. Vào thời gian này, Lin đã tự nghiên cứu một chút về sự tiến hóa, nhưng việc sử dụng chữ E trong tiêu đề chủ yếu phản ánh kinh nghiệm dày dặn của bà trong việc nghiên cứu các nhóm người đã thích nghi với những thách thức trong môi trường của chính họ trong thế giới thực như thế nào.
Dưới đây là 8 thành tố giúp các nhóm có thể quản lý công việc hiệu quả (theo cách nói của tôi), tôi thích gọi chúng là công thức thành công của Lin Ostrom. Bà định hình những thành tố này nhằm phục vụ cho việc quản lý nguồn lực công cộng, nhưng chúng vẫn được áp dụng tốt trong bất cứ hoàn cảnh nào đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác.
Công thức thành công của Lin Ostrom: Hãy làm theo công thức này và nhóm của bạn sẽ hoạt động thành công
1) Xác định ranh giới rõ ràng. Các thành viên của nhóm nên biết mình là ai, ý thức được bản sắc riêng của nhóm, và hiểu rõ về những quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên.
2) Cân đối giữa lợi ích và chi phí. Khi một số thành viên phải làm tất cả mọi việc còn những người khác chỉ ngồi hưởng lợi, về lâu dài [nhóm] sẽ không thể bền vững. Mọi người đều phải làm phần việc được phân chia một cách công bằng, những ai làm nhiều hơn so với những gì họ phải làm đều cần được công nhận một cách xứng đáng. Nếu người lãnh đạo có được hưởng đặc quyền, thì phải trên cơ sở họ có những trách nhiệm đặc biệt cần phải gánh vác. Sự bất bình đẳng thiếu công bằng sẽ phá hủy những nỗ lực của cả tập thể.
3) Sắp xếp dựa trên quyết định tập thể. Các thành viên của nhóm phải có khả năng đưa ra những quy tắc của riêng mình và tự quyết định dựa trên sự đồng thuận chung. Mọi người thường ghét bị sai khiến, người ta sẽ làm việc chăm chỉ để hoàn thành những thứ mà bản thân họ muốn, chứ không phải những thứ người khác muốn. Hơn nữa, để có được quyết định đúng đắn nhất thì thường phải có sự hiểu biết về từng trường hợp cụ thể mà không cá nhân nào có đủ sự hiểu biết, do đó mà việc quyết định dựa trên sự đồng thuận trở nên quan trọng gấp đôi.
4) Giám sát. Sự hợp tác phải luôn luôn được đảm bảo. Ngay cả khi phần lớn thành viên của nhóm có ý thức tốt, thì sự cám dỗ của việc làm ít hơn phần việc của mình vẫn luôn hiện hữu và một vài cá nhân có thể sẽ cố gắng trục lợi từ việc này. Nếu sai sót và vi phạm không được phát hiện, thì nhóm dự án sẽ không thể thành công.
5) Hình phạt thích đáng. Lời nhắc nhở khéo léo và thân thiện sẽ là đủ để khiến mọi người vẫn tuân theo, nhưng ngược lại, những biện pháp cứng rắn hơn ví dụ như trừng phạt và khai trừ [đôi khi] cũng cần được áp dụng.
6) Giải quyết mâu thuẫn một cách nhanh chóng và công bằng. Mâu thuẫn chắc chắn sẽ nảy sinh và phải được nhanh chóng giải quyết một cách công bằng cho tất cả các bên. Việc giải quyết mâu thuẫn thường cần đến một phiên phân xử mà ở đó các thành viên có uy tín trong nhóm, là những người được cho là công tâm, sẽ đưa ra quyết định công bằng.
7) Quyền tự trị. Khi một nhóm được đặt trong một xã hội rộng lớn hơn, ví dụ như hiệp hội nông dân ở trong chính quyền tiểu bang, hoặc một nhóm dân cư ở trong một thành phố, nhóm phải được trao đầy đủ quyền lực để tự tạo một tổ chức của riêng mình và tự ra quyết định, như đã chỉ ra ở trong mục từ 1 đến 6.
8) Quản trị đa trung tâm. Trong những xã hội rộng lớn chứa nhiều nhóm, mối quan hệ giữa các nhóm phải bao gồm những nguyên tắc giống như mối quan hệ giữa các cá nhân trong nhóm.
Oliver E. Williamson (1932-)
Steven Levitt (1967-)
Khi lần đầu tiên đọc về những thành tố này tôi đã bị ấn tượng bởi chúng có thể áp dụng rộng rãi vào thực tế. Tôi không thể tìm ra sự liên hệ giữa thuyết tiến hóa và đế chế toán học của kinh tế học chính thống, nhưng có thể dễ dàng liên hệ với công thức thành công của Lin Ostrom.
Phản ứng trước việc Elinor Ostrom được nhận giải thưởng Nobel kinh tế năm 2009 (cùng với Oliver Williamson, người đã nghiên cứu về cách thức các quyết định được đưa ra ở bên ngoài thị trường) đã nói lên rất nhiều điều về lĩnh vực kinh tế học. Steve Levitt - nhà kinh tế học được đánh giá cao đến từ Đại học Chicago và được biết đến rộng rãi qua cuốn sách bán chạy nhất có tên Freakonomics [Tạm dịch: Kinh tế học hài hước] - đã viết trên blog cá nhân trên trang New York Times vào sau ngày công bố [giải Nobel kinh tế] (12 tháng 10 năm 2009) như sau:

“Nếu hôm qua bạn thực hiện cuộc thăm dò ý kiến về các nhà kinh tế học và hỏi Elinor Ostrom là ai, hay bà nghiên cứu về cái gì, tôi e rằng trong năm nhà kinh tế học thì chỉ có một người có thể đưa ra cho bạn câu trả lời. Cá nhân tôi có thể cũng không vượt qua được bài kiểm tra này. Tôi đã phải tìm kiếm bà trên Wikipedia, và thậm chí sau khi đọc phần giới thiệu, tôi cũng không có ký ức gì về việc đã từng nhìn thấy hay nghe nhà kinh tế học nào đó nhắc đến tên bà. Bà được đào tạo để trở thành một nhà khoa học chính trị và cả sự nghiệp của bà cũng gắn với nó - một trong những nhà khoa học chính trị chân chính nhất. Vì vậy việc chưa từng nghe về bà là một điều tồi tệ đối với tôi, và nó cũng cho thấy ranh giới giữa các ngành khoa học xã hội vẫn còn lớn đến thế nào.
Thế nên, câu trả lời ngắn gọn là giới kinh tế học sẽ cay vụ Ostrom được trao giải Nobel Kinh tế hơn cả đảng Cộng hòa cay vụ Obama được trao giải Nobel Hòa bình. Các nhà kinh tế học muốn giải Nobel Kinh tế phải trao cho các nhà kinh tế học (nói cho cùng thì các kinh tế gia cũng là những kẻ tư lợi). Giải thưởng này đã chứng minh một điều chưa có tiền lệ rằng nó đang hướng đến một giải Nobel Khoa học Xã hội, chứ không phải Nobel kinh tế học.
Tôi không có ý nói rằng điều này là xấu, các nhà kinh tế học chắc chắn không phải những nhân tài duy nhất trong khoa học xã hội, chỉ là nó chưa phổ biến đối trong giới kinh tế học.”
George Akerlof (1940-)
Thorstein Veblen (1857-1929)
Nếu nói rằng tất cả các nhà kinh tế học đều như vậy thì không đúng. Như chúng ta thấy, từ thời của Veblen đến Akerlof, có những người giỏi nhất và thông minh nhất đã chống lại đế chế toán học và vẫn bảo vệ một quan niệm thông thường về bản chất của con người. Ước lượng một trong năm của Levitt khá đúng, chúng ta có thể khẳng định khi nghe ngóng những lời bàn tán trong giới kinh tế học sau giải thưởng của Lin. Còn nơi nào để nghe ngóng tốt hơn là trang blog “Economics Job Market Rumors [Tạm dịch: “Lẩu thập cẩm về thị trường việc làm ngành kinh tế học”], đây là trang rất quen thuộc với các nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau Tiến sĩ và những tài năng trẻ trong ngành kinh tế học đang tìm việc làm. Lấy cảm hứng từ tập truyện The Lord of the Rings, tôi sẽ chia những người bình luận thành Phe Orcs [Phe phản đối] và Phe của Nhẫn (Fellowship of the Ring – Phe ủng hộ)
Phe Orcs:
  • NOBEL LÀ THỨ NHẢM NHÍ!!! Những kẻ ngu ngốc này là ai? Chưa từng nghe về chúng.
  • Thứ nhảm nhí này là cái gì thế? Giải năm nay là thứ tệ nhất từ trước đến giờ.
  • Tốt thôi, đến một lúc nào đó họ cũng phải trao nó cho một người phụ nữ. Thế thì tội gì không chọn đại một cái tên nào đấy cho nhanh.
  • Tôi chưa từng nhìn thấy nghiên cứu của họ trên bất kỳ danh sách tài liệu tham khảo nào trong suốt thời gian còn là nghiên cứu sinh.
  • Một giải Nobel ngu ngốc cùng với một thị trường việc làm ngu ngốc trong năm nay. Lĩnh vực của chúng ta đang bị cho ra ngoài rìa.
  • Chưa từng nghe đến cái tên Ostrom trong đời. Không thỏa đáng chút nào.
  • Nàng này có vẻ là một nhà khoa học chính trị. Tôi không nghĩ nàng từng đăng nghiên cứu mới (nghiên cứu chưa từng công bố) của mình trên bất kỳ tạp chí kinh tế lớn nào.
  • Đa ngành?? Những ngành khác đều là rác rưởi? Tại sao lại để họ làm ô uế sự trong sạch của chúng ta?
  • Kinh tế học là nhất. Đừng để khoa học chính trị làm vấy bẩn chúng ta!
  • Đây là vấn đề của Hành động Khẳng định[2] (Affirmative Action): lần trước một người phụ nữ đã cố gắng đi lên mặt trăng, và Kẻ thách thức đã nổ tung sau khi phóng được 73 giây. Còn bây giờ, đây là sự kết thúc của Kinh tế học.
Phe của Nhẫn:
  • Tất cả mọi người cần ĐỌC NHIỀU HƠN. Đang ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu đa ngành được trao giải.
  • Những bình luận trên đã cho thấy kiến thức hạn hẹp của nhiều nhà kinh tế học. Thực tế, bộ môn kinh tế học trong hầu hết các trường đại học thường bị đặt cách biệt trong thế giới rộng lớn hơn của khoa học chính trị. Coi thường một học giả nghiêm túc và sâu sắc như Ostrom thật là một điều đáng xấu hổ.
  • Sẽ ra sao nếu nguồn lực chung thực sự là một lĩnh vực quan trọng trong nghiên cứu, và việc hầu hết chúng ta chưa từng nghe về nó ở trường học là một điều mà các giảng viên dạy lý thuyết kinh tế học cần lưu tâm khi thiết kế bài giảng?
Cần nhớ rằng: Phe Phản đối nhiều gấp 5 lần phe Ủng hộ và sẽ vẫn còn nhiều lên trong thế hệ những nhà kinh tế học tiếp theo nữa. Thật đáng lo ngại.
Steve Levitt đã đúng về ý nghĩa của Giải Nobel được trao cho Lin Ostrom. Nó báo hiệu rằng đã có cái gì đó mục nát trong đế chế toán học và một hệ chuẩn mới cần bắt đầu từ một xuất phát điểm khác. Nhưng hệ chuẩn mới sẽ như thế nào và nền tảng lý thuyết của nó là gì?
Còn nữa…
Ngày 1 tháng 2 năm 2016
Nguyễn Mai Hạ dịch
Nguồn: The Woman Who Saved Economics from Disaster. Who is Elinor Ostrom?, Evonomics.Com, Ngày 1 tháng 2 năm 2016




Chú thích:

[1] Chữ E ở đây là “Evolution”. [Ý muốn nói bà nghiên cứu về tiến hóa, nhưng không bài báo, tác phẩm nào của bà có những từ khóa này]

[2] Hành động khẳng định (Affirmative Action) hay positive discrimination (còn được gọi là employment equity ở Canada, reservation ở Ấn Độ, positive action ở Anh, …) là những chính sách ưu đãi thành viên của những nhóm bị thiệt thòi do bị phân biệt đối xử (giới tính, sắc tộc, v.v.). (ND)

Print Friendly and PDF