7.3.19

Con người “vụ lợi”, một ảo tưởng của nhà kinh tế học?

CON NGƯỜI “VỤ LỢI”, MỘT ẢO TƯỞNG CỦA NHÀ KINH TẾ HỌC?
Emmanuel Petit 
Các nhà lý thuyết kinh tế học chính trị từ lâu đều cho rằng hành vi kinh tế bắt nguồn từ những động cơ thuần túy ích kỷ, do đó bảo đảm cho sự cứng rắn tự do được khởi động vào những năm 1970. Nhưng trong 30 năm qua, giáo điều này ngày càng bị tranh cãi, một số nhà kinh tế học thậm chí còn lấy chủ nghĩa vị tha làm một trong những quy luật mới của thị trường.
Mùa đông 1954: giữa cơn lạnh khủng khiếp, cha xứ Pierre kêu gọi giúp đỡ người vô gia cư. Hoạt động [từ thiện] này là một thành công. (Keystone/Hulton Archives-Getty images)
Trong suốt thế kỷ XX, nhân vật con người kinh tế [Homo economicus] là một công cụ khái niệm trung tâm mà từ đó các nhà kinh tế học đã xây dựng các mô hình và các khuyến nghị của họ về chính sách kinh tế. Tuy nhiên, ý tưởng về một con người được trang bị một lý tính đặc biệt, một ý chí tự do đáng chú ý và một khả năng tự chủ rất đáng thèm muốn vẫn bị chỉ trích rất sớm, trước hết bởi nhà kinh tế học người Áo Carl Menger (1840-1921) và trường phái lịch sử Đức vào cuối thế kỷ XIX, sau đó bởi nhà kinh tế học người Mỹ Thorstein Veblen (1857-1929) và [trường phái] xã hội học Pháp (đặc biệt là Marcel Mauss).
Daniel Kahneman (1934-)
Herbert A. Simon (1916-2001)
Từ những năm 1950, nó dần dần bị nhiều công trình tâm lý học đặt lại vấn đề một cách triệt để. Các nhà tâm lý học Herbert Simon và Daniel Kahneman, cả hai đều được trao giải Nobel kinh tế (1978 và 2002), đã đóng góp, ví dụ, vào việc đưa những “khiếm khuyết” của tính duy lý vào lý thuyết kinh tế. Từ nay, chúng ta biết rằng con người kinh tế hoạt động chủ yếu từ những lối tắt tinh thần, được gọi là các “thuật phát hiện”. Ví dụ, thuật phát hiện cảm xúc hàm ý một sự đánh giá thấp các rủi ro của một hoạt động mà chúng ta cho là hấp dẫn, chẳng hạn như lái xe ô tô thể thao, và ngược lại, một sự đánh giá quá cao những rủi ro liên quan đến những gì mà chúng ta không thích, chẳng hạn như sự chủng ngừa. Chúng ta cũng biết rằng cá nhân chỉ chọn lọc một phần thông tin mà họ có sẵn, rằng họ thường chịu ảnh hưởng của môi trường của họ cũng như ảnh hưởng của những người ra quyết định khác, rằng họ cũng lo ngại về quyết định đã đưa ra nếu phải thay đổi chiến lược, điều này có thể khiến họ đưa ra nhiều lựa chọn mang tính bảo thủ hơn. Cuối cùng, họ còn phải đối mặt với một khó khăn thực sự những đối chọn trước mặt họ là rất nhiều, tương tự như khi chúng ta đối mặt với hàng chục bàn chải đánh răng khác nhau trên kệ của một siêu thị.
Một định đề cơ bản khác mà trong một thời gian dài hơn các nhà kinh tế học đã thoát khỏi: nó liên quan đến động lực trung tâm hướng dẫn những lựa chọn của tác nhân kinh tế. Tác nhân này được cho là không ngừng tìm kiếm lợi ích của mình. Nói chung, con người mang tính “vụ lợitheo nghĩa, khi đưa ra quyết định, họ tối đa hóa “lợi ích” của mình, có nghĩa là tối đa hóa sự hài lòng của mình, mà ở đó chỉ xem xét đến các phần được về tiền tệ hoặc vật chất của mình. Nói cách khác, cá nhân có tính ích kỷ; họ không quan tâm đến người khác và không tích hợp, trong tính toán của mình, những mối quan tâm nào khác ngoài mối quan tâm vật chất của bản thân mình.
Từ sự ích kỷ đến sự vị tha “không trong sáng”
Francis Y. Edgeworth (1845-1926)
Thomas Sargent (1943-)
Nguồn gốc của quan niệm vụ lợi của phân tích kinh tế nằm ở người sáng lập kinh tế học chính trị, nhà kinh tế học và triết học người Scotland Adam Smith (1723-1790). Trong cuốn Của cải của các dân tộc (1776), Smith nói nhiều đến sự “yêu thương bản thânhơn là sự ích kỷ. Nhưng ông mô tả một cách rõ ràng, trong bối cảnh thị trường, cách thức mà mối quan tâm về lợi ích cá nhân, được nhiều cá nhân cạnh tranh chia sẻ, đã dẫn đến, theo ông, một sự vận hành hài hòa của thị trường – nhờ cái mà Smith gọi là “bàn tay vô hình”, điều mà tất cả những người ủng hộ chủ nghĩa tự do dựa vào. Trong suốt thế kỷ XIX, ở các tác giả cổ điển, động cơ ích kỷ đã trở thành động cơ trung tâm, nếu không muốn nói là độc nhất. Ngoài ra, nó đã được nhanh chóng liên kết với tính duy lýcon người duy lý, theo nhà kinh tế học người Ireland Francis Edgeworth (1845-1926), là người “được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân”. Và nếu thị trường tự điều tiết bằng trò chơi lợi ích ích kỷ của mỗi người, thì, một cách logic, sẽ dẫn đến việc chính sách kinh tế phải có tính can thiệp ở mức tối thiểu có thể. Ý tưởng này đã được các nhà kinh tế học trọng tiền hậu thuẫn mạnh mẽ trong suốt những năm 1960 và 1970, dưới sự bảo hộ của nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman, cũng như của các nhà kinh tế học tân cổ điển, chẳng hạn như các nhà kinh tế học người Mỹ Robert Lucas, Thomas Sargent hoặc Neil Wallace. Chẳng mấy chốc, dưới sự thúc đẩy của Margaret Thatcher ở Vương quốc Anh và Ronald Reagan ở Hoa Kỳ, sự pha trộn này của tính duy lý của các tác nhân, chủ nghĩa cá nhân và niềm tin vào tính hiệu quả của thị trường sẽ biện minh cho việc bãi bỏ các quy định tài chính và sự tự do hóa mạnh mẽ các thị trường sản phẩm và dịch vụ.
Gary Becker (1930-2014)

Tuy nhiên, một hướng lý thuyết mới cuối cùng cũng được xem xét trong cũng những năm 1970, với các công trình sáng tạo của nhà kinh tế học người Mỹ Gary Becker và quan niệm về một con người vừa mang tính duy lý vừa mang tính vị tha”. Đối với các nhà kinh tế học, có lòng vị tha có nghĩa là tích hợp, trong hàm lợi ích – tức là, xin nhắc lại, trong sự hài lòng – lợi nhuận, thu nhập, hoặc thậm chí trên quy mô rộng hơn, lợi ích của người khác, bằng cách gán cho các agumen đó những quyền số dương. Từ đó, như Becker đã chỉ ra trong Định lý đứa trẻ hư hỏng”, một đứa bé tinh nghịch bị thúc đẩy bởi những ý đồ xấu đối với anh/chị/em nó có thể dẫn đến, một cách duy lý, việc “chăm sóc anh/chị/em nó” nếu những món quà mà nó trông đợi từ cha mẹ phụ thuộc vào sự thoải mái của anh/chị/em nó. Tương tự, một người qua đường sẽ thích bố thí một vài đồng lẻ cho một người ăn xin để tránh cảm giác tội lỗi có thể đè nặng lên sự hài lòng (về tâm lý hoặc về đạo đức) của mình. Do đó, động cơ vị tha, đối với Becker, thường có tính “đáng nghi ngờ”, việc tìm kiếm lợi ích cá nhân luôn nằm sẵn ở hậu trường và động cơ ích kỷ luôn sẵn sàng quay trở lại ngay khi lợi ích sống còn của cá nhân bị đe dọa. Tóm lại, các nhà kinh tế học không tin vào giả thuyết của nhà tâm lý học người Mỹ Daniel Batson, giả thuyết về sự tồn tại của một chủ nghĩa vị tha đồng cảm phi vụ lợi ở con người. Chủ nghĩa vị tha của tác nhân được cho là “không trong sáng”, được gán cho một “sở thích ban cho” mơ hồ, để dẫn lại lời của nhà kinh tế học đương đại người Mỹ James Andreoni. Hành vi biếu tặng, được cho là mang lại niềm vui ở người cho, được tích hợp như trên vào hàm lợi ích của tác nhân.
Adam Smith (1723-1790), cha đẻ của chủ nghĩa tự do kinh tế, đồng thời là tác giả cuốn The Theory of Moral Sentiments, một lí thuyết bị lãng quên rộng rãi.
Có nhiều động cơ
Khó khăn, đối với các nhà kinh tế học của mô thức thống trị, quan trọng hóa động lực vị tha này là điều gây ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng người truyền cảm hứng đầu tiên cho họ, Adam Smith, cũng là người, với tư cách là nhà triết học, đã viết khá rõ trong cuốn The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về những tình cảm đạo đức] (1759), về khả năng nhân từ, và các cơ chế “thông cảmmà ngày nay chúng ta gọi là đồng cảmmà qua đó khả năng nhân từ có thể trở nên khả thi. Có giả định con người là ích kỷ đến bao nhiêu đi nữa, thì vẫn có một số nguyên tắc rõ ràng trong bản chất con người khiến họ quan tâm đến số phận của người khác và trở thành điều cần thiết để cảm thấy hạnh phúc, mặc dù con người không nhận được gì khác ngoài niềm vui thấy người khác hạnh phúc”, là lời khẳng định của Smith ngay từ đầu bài tiểu luận triết học này. Từ lâu chúng ta đã nghĩ có một “sự lạc điệu” giữa hai tác phẩm lớn của nhà tư tưởng người Scotland, giữa cuốn The Theory of Moral Sentiments và cuốn Wealth of Nations – điều mà chúng ta gọi là “vấn đề Adam Smith”. Thế nhưng công trình của ông có tính cố kết chặt chẽ: sự thực là ông đã nhận diện được một sự đa nguyên về các động cơ của hành vi, đi từ sự “quan tâm đến bản thânđến sự “quan tâm đến người khác”. Sự ưu tiên dành cho động cơ ích kỷ bởi những người kế thừa ông, cả về mặt lý thuyết lẫn về mặt thực hành của những người ra quyết định kinh tế, vì thế được giải thích bởi một sự “lãng quên” của các nhà kinh tế học, và/hoặc bởi việc bảo vệ lợi ích của các nhà công nghiệp – những người đã nắm lấy cuốn Wealth of Nations ngay khi nó được xuất bản để biện minh cho tự do thương mại.
Vì thế có thể sản sinh ra một con đường mới rất khác từ các tác phẩm của Adam Smith. Nhưng phải đợi đến cuối thế kỷ XX, để sự tồn tại của việc quan tâm đến người khác cuối cùng mới được làm rõ, nhờ công trình của các nhà kinh tế học thực nghiệm và hành vi. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm hoặc trong môi trường tự nhiên, các mô hình hóa toán học đã chỉ ra sự đa dạng to lớn của động cơ con người, những thứ đặc trưng hóa các tác nhân trong bối cảnh kinh tế. Trong số các động cơ này, chúng ta thấy có khả năng hợp tác, sự tin tưởng, và cả sự ác cảm đối với sự bất công, sự có qua có lại, lòng nhân từ, lòng biết ơn và, tất nhiên, sự vị tha.
Khả năng vị tha của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào khoảng cách giữa chúng ta với người khác và vào bối cảnh trao đổi. Trong khuôn khổ vô danh của thị trường, nơi cạnh tranh chiếm ưu thế, lòng vị tha ít có khả năng xuất hiện.
“Trò chơi nhà độc tài”
David Hume (1711-1776)
Để đánh giá thiên hướng biếu tặng, có nghĩa là mức độ vị tha, các nhà kinh tế học[1] đã nghĩ ra, trong những năm 1990, một thí nghiệm được gọi là “trò chơi nhà độc tài”. Hãy thử tưởng tượng người ta yêu cầu bạn phân phối một khoản tiền 10 euro cho bản thân bạn và một người chơi khác không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận quyết định của bạn. Bạn sẽ cho họ bao nhiêuKhông gì cả, theo đáp án của lý thuyết kinh tế giả định bạn là người ích kỷ. Tuy nhiên, trong nhiều thí nghiệm như thế, có rất nhiều trường hợp là người tham gia chứng tỏ rằng mình là người hào phóng (bằng cách cho 2, 3 hoặc 4 euro) hoặc thậm chí cho thấy một sở thích về sự công bằng (bằng cách cho 5 euro). Điều thú vị hơn nữa là có nhiều bản sao của trò chơi, được thực hiện trong những năm qua, chỉ ra rằng lòng vị tha của cá nhân phụ thuộc vào thể thức của cuộc thí nghiệm. Ví dụ: nếu người thụ hưởng số tiền hoàn toàn ẩn danh, thì các “nhà độc tài” sẽ hành xử chủ yếu theo cách ích kỷ. Ngược lại, nếu người thụ hưởng được “nhận diện” (nếu biết được tên họ, sở thích của người ấy, hoặc biết được đó là một tổ chức từ thiện), những người mà chúng ta có thể liên lạc được, hoặc giả người khác quan sát thấy được sự lựa chọn của nhà độc tài, v.v... thì số tiền biếu tặng sẽ lớn hơn mức trung bình. Như các nhà triết học của Thời đại khai sáng Scotland – David Hume, và cả Adam Smith – đã thấy trước, lòng nhân từ, khả năng vị tha của chúng ta, phụ thuộc rất lớn vào khoảng cách giữa chúng ta với người khác và do đó vào bối cảnh chung của sự trao đổi. Trong một khuôn khổ mang tính gia đình hoặc thân thiện, trong một quan hệ gần gũi, thì chúng ta dễ quan sát thấy lòng vị tha hơn. Trong khuôn khổ ẩn danh tiêu biểu của thị trường, trong phạm vi tồn tại sự cạnh tranh hoặc sự kình địch, hoặc khi “người khác” có khoảng cách xa, thì lòng vị tha có khả năng xuất hiện và chế ngự các hành vi. Điều này cho chúng ta biết rằng động cơ (ích kỷ và vị tha) của cá nhân là kết quả của các chuẩn mực hành vi, và thay đổi tùy theo môi trường. Trường hợp của một “mẹ Teresahoặc một “cha xứ Pierre” là điều khá hiếm hoi, một “gã khổng lồ ích kỷ” (The Selfish Giant) giống như trong chuyện tưởng tượng của Oscar Wilde. Mỗi cá nhân đồng thời là người có khả năng vị tha và năng khiếu để bảo tồn lợi ích riêng của mình, ít nhiều được thể hiện tuỳ theo bản chất các quyết định và các chuẩn mực phổ biến trong môi trường của họ.
Emmanuel Petit
Như đã được minh họa ngày nay, nhiều khía cạnh của nền kinh tế xã hội và đoàn kết, của nền kinh tế tuần hoàn, của các mạng xã hội, hay là sức mạnh của sự hợp tác giữa các đội nhóm trong nội bộ các doanh nghiệp hoặc các cơ quan chính quyền, sự ích kỷ còn lâu mới ngự trị hoàn toàn trong một bối cảnh trao đổi sản phẩm và dịch vụ. Sự vị tha, do nó thúc đẩy sự hợp tác giữa các cá nhân hoặc giữa các định chế, kích hoạt sự tham gia của mọi người trong việc xây dựng các sản phẩm công cộng (bảo tồn môi trường, hệ thống y tế, dân chủ đại diện, thuế khoá...). Sự hiện diện của lòng vị tha trong xã hội chúng ta, được các nhà sinh vật học, các nhà thần kinh học, các nhà nhân chủng học, các nhà tâm lý học, các nhà triết học mô tả rộng rãi là một dấu hiệu cho thấy con người “vụ lợi”, từ lâu được các nhà kinh tế học đòi hỏi, có thể đã lỗi thời trong thế kỷ XXI.


EMMANUEL PETIT là giáo sư và nhà nghiên cứu về kinh tế học, là thành viên của Nhóm nghiên cứu về kinh tế học lý thuyết và ứng dụng (Trung tâm nghiên cứu CNRS, thuộc Đại học Bordeaux). Ông nghiên cứu về lý thuyết cảm xúc và lòng vị tha trong kinh tế học. Ông đã đặc biệt xuất bản các tác phẩm “l'Économie du care [Kinh tế học chăm sóc]” (PUF, 2013) và “Économie des émotions [Kinh tế học cảm xúc]” (La Découverte, 2015).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Chú thích:

[1] Đó là bốn nhà kinh tế học thực nghiệm người Anglo-Saxon, Robert Forsythe, Joel Horowitz, Nathan Savin và Martin Sefton.

Print Friendly and PDF