27.12.19

Sự đa dạng sinh học là bảo hiểm nhân thọ của chúng ta + Để bảo tồn sự đa dạng sinh học, liệu có nên cứu sống tất cả các loài có nguy cơ tuyệt chủng hay không?


“SỰ ĐA DẠNG SINH HỌC LÀ BẢO HIỂM NHÂN THỌ CỦA CHÚNG TA”
Gilles Kleitz
Giám đốc Cục quản lý sự chuyển tiếp sinh thái tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tại Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)
BÀI PHỎNG VẤN
Tình trạng xuống cấp của đa dạng sinh học vẫn tiếp tục và các nỗ lực để bảo tồn nó không ở tầm mức của những thách thức. Đối với Gilles Kleitz, việc đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững [ODD – Objectif de développement durable, hay SDG – Sustainable Development Goal] có tương quan với việc bảo tồn sự đa dạng sinh học.
 © naturexpose.com / Olivier Dangles & François Nowicki.
Đối với Giám đốc Cục quản lý sự chuyển tiếp sinh thái tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của AFD, thì vấn đề cấp bách đối với tất cả các tác nhân về phát triển là phải hiểu được và giải thích được lý do vì sao sự đa dạng sinh học là điều kiện tồn tại của chúng ta. Sau đó chuyển sang những giải pháp đã được chứng minh là có hiệu quả.
Vì sao việc đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững, về thực chất, phụ thuộc vào việc bảo tồn sự đa dạng sinh học?
Không có một mục tiêu phát triển bền vững nào không phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học. Các vấn đề y tế, thực phẩm, nền kinh tế, sự điều tiết của môi trường, của các đại dương... tất cả những thứ đó là sự sống. Nếu sự sống đó sụp đổ, thì mọi thứ sẽ sụp đổ. Sự đa dạng sinh học là bảo hiểm nhân thọ của chúng ta. Đó là nền tảng của sự sống và phát triển của toàn bộ nhân loại và đặc biệt là của những người nghèo nhất, sống phụ thuộc trực tiếp vào rừng, đồng cỏ, đất nông nghiệp, v.v.. Sự tồn tại của họ gắn trực tiếp với thiên nhiên.
Trong những năm gần đây, việc bảo vệ nền tảng sống này là một vấn đề then chốt đối với sự phát triển. Chúng ta đã thiết lập những mục tiêu cho sự đa dạng sinh học nhưng chỉ đạt được một phần...
Từ lâu, sự đa dạng sinh học đã là một mục tiêu của sự bảo tồn, nhưng không được coi là nền tảng cho sự tồn tại của chúng ta và điều kiện cho phúc lợi của chúng ta. Tuy nhiên, có một nhu cầu cấp bách thực sự, theo như xác nhận trong báo cáo mới nhất của Quỹ Nghiên cứu về Sự đa dạng sinh học (IPBES – Intergovernmental Science‑Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services, Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái). Công trình này, được tiến hành bởi hơn 150 nhóm các nhà khoa học, đã giúp lập bản đồ và định lượng sự sụp đổ của hơn 60% sự đa dạng sinh học và của hơn 70% các quần thể động vật có xương sống. Công trình này khẳng định rằng ở mức độ xuống cấp này, việc bảo vệ sự đa dạng sinh học là một chủ đề thực sự của sự phát triển chứ không phải là một chủ đề của vấn đề di sản. Chúng ta đang đứng ở trung tâm của những câu hỏi thiết yếu, ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại và tương lai của mình, cũng giống như vấn đề khí hậu, một thách thức liên quan trực tiếp đến vấn đề đa dạng sinh học.
Như vậy, bảo tồn hệ sinh thái có nghĩa là hành động lên toàn bộ các mục tiêu phát triển bền vững?
Hoàn toàn đúng như vậy, và việc thay đổi cách tiếp cận này phải nhanh chóng diễn ra. Ba mươi năm trước, chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ mươi người ở Pháp xem xét các liên kết này khi đo lường tình trạng xuống cấp của hệ sinh thái. Từ đó, đã có rất nhiều tác nhân nắm bắt chủ đề về sự đa dạng sinh học, từ tài chính “xanh”, các ngành nghề, kinh tế học hoặc cả chính sách về các vùng lãnh thổ, để hiểu rõ hơn về sự đa dạng sinh học. Tuy nhiên, chúng ta còn lâu mới hiểu được tình hình như đã được chứng minh qua tình trạng xói mòn rõ nét của các hệ sinh thái và nguồn vốn thiên nhiên của chúng ta. Giống như vấn đề khí hậu, chúng ta không thể kéo xuống được các đường cong của tình trạng xuống cấp.
Liệu sự hội tụ mới của nghị trình đa dạng sinh học với nghị trình các mục tiêu phát triển bền vững khác có thể làm đảo ngược xu hướng không? Nếu có, thì điều đó có ý nghĩa gì đối với các tác nhân của sự phát triển?
Sự hội tụ của nghị trình đa dạng sinh học với nghị trình của từng mục tiêu phát triển bền vững là vấn đề mang tính quyết định. Điều này có nghĩa là đối với từng dự án, chúng ta sẽ phải tìm ra những giải pháp có một tác động ba chiều: về mặt xã hội, môi trường và kinh tế. Trước hết là tác động về mặt xã hội, có nghĩa là mang tính bao quát và công bằng, với các dự án công ăn việc làm đàng hoàng cho mọi người và tăng cường mối liên kết xã hội. Tác động về môi trường cũng vậy, bằng cách lựa chọn những tác dụng phi carbon và thân thiện với nguồn vốn thiên nhiên. Cuối cùng, các dự án cần phải khả thi về mặt hiệu quả kinh tế, và đủ sức trả thù lao cho những người tham gia bằng cách cung cấp cho họ một bảo hiểm vật chất được phân bổ tốt và trên phạm vi các vùng lãnh thổ. Chúng ta phải lập luận như vậy đối với toàn bộ các mục tiêu phát triển bền vững. Về vấn đề lương thực thực phẩm chẳng hạn, sự hội tụ của các nghị trình đến năm 2030 sẽ đòi hỏi phải tìm ra giải pháp đáp ứng ba mục tiêu cơ bản nói trên, đối với từng dự án. Chúng ta cũng tiến hành theo cùng một cách đó đối với các vấn đề đổi mới và công nghiệp. Mô hình hiện tại của chúng ta, dựa trên chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, chưa tính đến, một cách tương xứng, các mục tiêu về xã hội và môi trường. Không thể tiếp tục như vậy nữa. Cần phải hướng tới một cách thức quản trị doanh nghiệp bao quát hơn, để các doanh nghiệp tích hợp các lợi ích xã hội và hiệu quả môi trường vào trung tâm các chiến lược của họ. Ngoài hiệu quả kinh tế, kết quả hoạt động của một doanh nghiệp phải được đánh giá trên các kết quả về sự công bằng, về phúc lợi, quan hệ xã hội và việc làm, và sự đóng góp tích cực cho hành tinh. Chúng ta vẫn còn ở rất xa đối với vấn đề nói trên.
Ông giải thích điều đó như thế nào?
Kinh tế học được suy nghĩ, trước hết, là để đền đáp nguồn vốn chứ không phải để ưu đãi xã hội hay môi trường. Các cơ quan công quyền đã ban hành một số quy định điều tiết. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, với các quy tắc xã hội và môi trường yếu kém và được thực thi kém, quá trình toàn cầu hóa thường dẫn đến thảm họa. Điều này đã được nhìn thấy ở Bangladesh với người lao động trong lĩnh vực dệt may, những lao động khổ sai thực sự của toàn cầu hóa, và ở Trung Phi với vấn đề tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khuôn khổ và tư tưởng của mô hình kinh tế, để tạo ra lợi nhuận và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp, chưa tích hợp đầy đủ các mục tiêu khác về bất cứ hoạt động nào của con người, đặc biệt là về mối liên kết xã hội và việc gìn giữ lãnh thổ và hành tinh mà chúng ta đang sống. Các mục tiêu phát triển bền vững là một khuôn khổ thiết yếu cho sự tiến bộ, nhưng chúng ta cần phải tiến hành nhanh hơn.
Làm thế nào để huy động rộng rãi hơn cộng đồng quốc tế, bên ngoài nhóm các nhà tài trợ?
Để huy động nhiều hơn, chúng ta cần phải giải thích các mối quan hệ phụ thuộc giữa sự sống và sự tồn tại của chúng ta. Ngày nay, nhân loại không thể hoạt động nếu không có một đại dương an toàn, nếu không có các vùng đất nông nghiệp màu mỡ, nếu không có nguồn nước sạch, và nếu không có những khu rừng phong phú và hữu ích. Chúng ta cần phải ưu tiên cho việc thuyết minh và giáo dục, và trang bị để thực hiện những cải cách sâu sắc, đối mặt với những lợi ích đã giành được được bảo vệ khá tốt. Vả lại, tất cả những điều này gắn chặt với cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà không giải quyết cuộc khủng hoảng sự sống. Hơn nữa, chúng ta phải đưa ra các giải pháp – về kinh tế, xã hội, lãnh thổ – và chỉ ra cách thức để thay đổi. Do đó, các cơ quan quản lý sự phát triển và các cơ quan công quyền có một trách nhiệm đặc biệt trong việc phát minh và thử nghiệm các giải pháp, cùng với các đối tác địa phương. Họ phải làm việc với tất cả sự phong phú của khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các thể chế công đổi mới, cùng tham gia vào quá trình chuyển tiếp nhanh chóng và không thể tránh khỏi. Hiện tại, mọi thứ đang hoạt động chưa đúng tầm cỡ. Chúng, có lẽ, chỉ tượng trưng cho một vài phần trăm của những gì nên được thực hiện. Hàng năm, đã có 20 nghìn tỷ US$ được đầu tư vào nền kinh tế toàn cầu, phần lớn bởi khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chỉ có 5% số tiền nói trên hướng vào những dự án được gọi là “xanh”, những dự án đề cập đến vấn đề khí hậu hoặc môi trường. Và với khối lượng ít ỏi này, thì chỉ một thiểu số dự án được coi là thực sự có hiệu quả.
Những ý kiến ​​được trình bày trong blog này là của các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm chính thức của định chế của họ cũng như của cơ quan AFD.
Giới thiệu tác giả
Gilles Kleitz
Gilles Kleitz (PhD) đã làm việc trong 30 năm qua về các mối liên kết giữa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học và sự phát triển bền vững. Ông đã tiến hành các dự án và chính sách về sự đa dạng sinh học ở rất nhiều nước ngoài và ở Pháp, cho chính quyền, cho các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Ông đã từng là cố vấn cho nhiều bộ trưởng ở Pháp trong lĩnh vực môi trường, cũng như trong lĩnh vực viện trợ phát triển. Ông đã tham gia rất nhiều cuộc đàm phán quốc tế. Ông đã từng là giám đốc công viên quốc gia ở Guiana thuộc Pháp. Ông là kỹ sư về cầu cống, nguồn nước và rừng, tiến sĩ về khoa học chính trị, được tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Ông hiện là giám đốc Cục quản lý sự chuyển đổi sinh thái và tự nhiên (Nông nghiệp, Nguồn nước, Sự đa dạng sinh học, Rừng, Đại dương) tại Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “La biodiversité est notre assurance vie, Ideas4, ngày 19/9/2019.

 * * *

ĐỂ BẢO TỒN SỰ ĐA DẠNG SINH HỌC, LIỆU CÓ NÊN CỨU SỐNG TẤT CẢ CÁC LOÀI CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG HAY KHÔNG?


Báo cáo của tổ chức IPBES [Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services, Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái], một kiểu “IPCC [Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu] đánh giá về hệ đa dạng sinh học”, lần đầu tiên có một báo cáo thuộc loại này, đưa ra cảnh báo về một sự tuyệt chủng đại trà, với một triệu loài bị đe dọa [tuyệt chủng]. Nếu có giải pháp, thì liệu có nên cố cứu sống tất cả các loài đó hay không?
TIN MÔI TRƯỜNG – Đây là một tín hiệu báo động khủng. Trong một báo cáo quốc tế, lần đầu tiên có một báo cáo thuộc loại này của tổ chức IPBES, kiểu “IPCC đánh giá về sự đa dạng sinh học”, 150 nhà nghiên cứu đưa ra cảnh báo về một sự tuyệt chủng “chưa từng có tiền lệ” đối với một số loài và tiến trình [tuyệt chủng] này đang tăng tốc.
Có một triệu loài bị đe dọa tuyệt chủng, trên tám triệu loài đang sinh sống trên Trái đất, theo những ước tính được công bố trong bản báo cáo dày hơn 1500 trang nói trên, được một nhóm các nhà khoa học quốc tế thực hiện. Và mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn từ nay đến năm 2050 trong tất cả các kịch bản được xem xét, “ngoại trừ những kịch bản đề xuất một sự thay đổi mang tính biến hóa”, theo khẳng định của IPBES.  
Một sự thay đổi toàn diện như vậy trong xã hội đòi hỏi một sự tiến hóa của “các hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu”, nhằm thoát khỏi “mô thức hiện tại quá bị giới hạn của sự tăng trưởng kinh tế”.
Một sự thay đổi to lớn như thế nhắc nhở mạnh đến sự thay đổi cần thiết chống lại tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu. Nhưng ngay cả khi nhân loại vượt qua thách thức nói trên, thì những điều chỉnh cần thiết để khôi phục các hệ sinh thái chắc chắn sẽ không kịp thời để cứu sống tất cả các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Điều cần biết là liệu có nên thực sự cố gắng cứu sống tất cả các loại đó hay không. Một câu hỏi có vẻ lạ lẫm, nhưng lại dấy lên một cuộc tranh luận thực sự trong cộng đồng khoa học.
Tuyệt chủng, một hiện tượng tự nhiên?
Trường hợp [tuyệt chủng] của loài tê giác trắng phương bắc là một vấn đề thú vị liên quan đến câu chuyện này. Loài này đã bị tàn sát trong khoảng hai mươi năm, đáng chú ý là nạn săn bắn trái phép, và vào tháng 3 năm 2018, con [tê giác trắng] đực cuối cùng đã chết. Các nhà khoa học, trước đó, đã lên một kế hoạch hơi điên rồ để cố gắng cứu sống loài này. Kế hoạch thụ tinh trong ống nghiệm. Đối với một số nhà sinh vật học, đây là một ý tưởng tồi, quá tốn kém, hoặc có thể làm nảy sinh ý tưởng cho rằng công nghệ có thể giải quyết được mọi chuyện.  
Tương tự như vậy, có một số nhà nghiên cứu hy vọng có thể cứu sống hoặc gần như làm hồi sinh các loài, nhờ vào các biện pháp điều chỉnh ADN (ví dụ, cho ra đời một con voi-ma mút lai). Một lần nữa, đó là một dự án bị chỉ trích mạnh mẽ.
Alexander Pyron
Được thôi. Nhưng ngoài các trường hợp hơi cực đoan nói trên, có phải là tất cả các nhà khoa học đều đồng ý cứu sống tất cả các loài có khả năng sinh sống, đúng không? Thế thì điều này càng phức tạp hơn. Tháng 11 năm 2017, trên tờ Washington Post, nhà sinh vật học Alexander Pyron đã đặt thẳng vấn đề khi đăng trên một diễn đàn một bài có tiêu đề “Chúng ta không cần phải cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng, sự tuyệt chủng là một phần của quá trình tiến hóa”.
Lý do duy nhất để bảo tồn hệ đa dạng sinh học là chính con người chúng ta, để tạo ra một tương lai ổn định cho con người”, ông nói. Sự tuyệt chủng đã diễn ra trước [sự thống trị của loài người] và còn diễn ra sau sự thống trị của loài người. Sự tuần hoàn là điều không có gì để nói cả.
Nhưng còn việc cho rằng chính con người chứ không phải thiên nhiên đã tàn sát một số loài, thì sao? “Nhưng chúng ta là một phần của hệ sinh quyển giống như tất cả các sinh vật khác, và hành động của chúng ta cũng tuân theo ý chí, hậu quả của chúng cũng là điều tự nhiên”, ông nói.
Pyron thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng, nói cho cùng thì tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu không có gì quá thảm hại, Trái đất đã từng trải qua những nhiệt độ còn cao hơn nhiều.
Những lời bình khắc nghiệt
Chủ đề mang tính khiêu khích và tập trung vào sự cường điệu nói trên đã khiến cho Alexander Pyron nhận về nhiều lời bình chán chường và chỉ trích mạnh mẽ từ các đồng nghiệp của ông. Một bức thư ngỏ có chữ ký của hơn 3.900 người, trong đó có 3.400 nhà khoa học, thậm chí đã được đăng trên tờ Washington Post, trong một động thái phản ứng.
Carl Safina (1955-)
Bức thư nhắc lại rằng nếu sự tuyệt chủng các loài là một phần tiến hóa của sự sống, thì sự tuyệt chủng mà con người đã tiến hành, sự tuyệt chủng đứng hàng thứ sáu, dường như còn tiến nhanh hơn hàng ngàn lần so với các vụ tuyệt chủng trước đó. Carl Safina, nhà nghiên cứu về sinh thái học và là tác giả của nhiều tác phẩm, về phần mình, nói rõ rằng phải cần đến hàng ngàn năm, trong trường hợp tốt nhất, để các loài khác trụ được.
Trên hết, “các loài mới không đột nhiên ‘xuất hiện’, chúng không phải thực sự là những loài mới. Chúng là sự tiến hóa của các loài hiện hữu, được thúc đẩy bởi sự thay đổi gen của chúng”, ông giải thích. Những con khủng long đã biến mất, đó là điều chắc chắn, nhưng hậu duệ của chúng không ai khác chính là những con chim. Để cho các di sản di truyền học khá lâu đời đó lụi tàn quá nhanh như vậy là một lỗi đạo đức, theo Carl Safina.
Khi nghe nói về sự hủy diệt của một loài, tôi cảm thấy giống như lúc tất cả các tác phẩm của một nhà văn vĩ đại bị biến mất. — Theoreore Roosevelt
Vài ngày sau khi luận đàm của mình được đăng lên, nhà sinh vật học đã lên tiếng xin lỗi, nói rằng ông không phải là người viết tiêu đề có tính khiêu khích của bài báo. Về nội dung bài báo, ông giảm nhẹ những khẳng định của mình trước đây khi giải thích rằng việc bảo tồn các loài để tạo lập một hệ đa dạng sinh học và một “thế giới ổn định cho chính chúng ta và cho các thế hệ tương lai” rõ ràng là một điều cần thiết.
Các loài có đáng tồn tại không?
Chris D Thomas (1959-)
Câu chuyện chấm dứt? Không hẳn vậy. Nếu tham luận của Pyron được viết một cách quá ngắn gọn, thì cách đặt vấn đề nói chung của ông không phải là điều vô nghĩa. Đứng trước nhiều thách thức về khí hậu và sinh thái mà thế giới chúng ta đang lao vào, thì liệu chúng ta có thể đối mặt trực diện với tất cả mọi thứ hay không? Và nếu câu trả lời là không, thì chúng ta nên tập trung nỗ lực vào việc gì?
Một số nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi theo những cách khá giống nhau. Ví dụ, Chris Thomas, nhà sinh thái học và nhà sinh học tiến hóa, trên tờ New York Times, đã tự hỏi liệu một loài chim bị biến mất trên một hòn đảo có là một vấn đề hay không. Bởi sự biến mất của chúng diễn ra sau khi có các loài chim khác đến, thông qua con đường thương mại và du lịch, từ các chân trời khác, những loài chim có khả năng kháng bệnh cao hơn (với bệnh sốt rét, trong ví dụ được trích dẫn) so với các loài chim địa phương.
Nói tóm lại, liệu việc tìm kiếm sự đa dạng tối đa các loài, một lượng tối đa của nhiều loài khác nhau có quan trọng đến thế hay không? “Ngay cả khi chúng ta mất 10% tổng số các loài trong thế kỷ tới, thì liệu hệ sinh học, sinh thái có dừng lại hay không? Không. Trên thực tế, hầu hết mọi người thậm chí còn không biết đến sự mất mát đó nữa”, Chris nói.
Peter Kareiva (1951-)
Peter Kareiva, một nhà nghiên cứu tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA), có một lý thuyết khá giống. Đó không phải là một người tầm thường: ông là giám đốc của “The Nature Conservancy [Tổ chức bảo tồn thiên nhiên]”, một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường của Mỹ với nguồn tài trợ hơn 500 triệu US$. Ông là một trong 30 nhà sinh học bảo tồn được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới.  
Khi được hỏi về nghiên cứu có ảnh hưởng lớn nhất đến ông, ông đã viện dẫn nghiên cứu của một đồng nghiệp, người đã tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi một loài biến mất. “Ông đã tách biệt trường hợp cây dẻ châu Mỹ, loài cây từng phủ 40 đến 50% vùng đông bắc châu Mỹ, và tác động không thể đo lường được khi loài cây này biến mất”.
Tôi muốn ngăn chặn sự tuyệt chủng các loài. Nhưng tôi cho rằng điều cần thiết là phải có mối sự quan tâm hợp lý đối với hệ đa dạng sinh học nay đã biến thành việc đơn thuần đếm số lượng các loài. Thử quay trở lại sinh thái học, có nghĩa là tìm hiểu cách thức vận hành của các hệ thống, những động lực nào đang kiểm soát chúng, vai trò của các loài nói riêng hơn là số lượng các loài, hệ sinh thái bù đắp cho việc biến mất các loài đến mức nào…”, Peter Kareiva giải thích.
Đằng sau đó, có một khái niệm đang được tranh luận giữa các nhà nghiên cứu bảo tồn các loài: các “dịch vụ hệ sinh thái”. Nói một cách đơn giản, ý tưởng là tự hỏi những đặc tính nào làm cho một hệ sinh thái trở nên hữu ích và cần thiết cho loài người.
Có những liên hệ trực tiếp, giống như những gì chúng ta đang ăn, không khí chúng ta đang hít thở, nhưng các nhà khoa học không dừng lại ở đó. Chúng ta cũng cần phải tìm hiểu tác động của nhiều loài khác nhau đến môi trường của chúng. Bởi vì điều đó thường ảnh hưởng, một cách gián tiếp, đến con người.
Trong một bài được đăng vào năm 2011, ví dụ, Peter Kareiva đã nêu bật một số loài có ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái của chúng. Loài động vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, loài động vật ăn cỏ lớn…. Chúng ta cũng có thể kể đến những con ong, cần thiết cho sự sinh sản các loài thực vật và, do đó, cần thiết cho nông nghiệp của con người. Tất nhiên, tất cả các loài đều ít nhiều bị đe dọa tuyệt chủng, và đó chính là vấn đề, theo nhà sinh học.
Các loài có nguy cơ tuyệt chủng đã trở thành những loài “sống phụ thuộc vào các khu bảo tồn”
Đằng sau tất cả vấn đề nói trên là ý tưởng về mức độ khẩn cấp và quy mô của vấn đề, sẽ có thể là điều khôn ngoan nếu chúng ta biết được, trước khi hành động, cần tập trung nỗ lực vào những gì, về mặt khoa học, con người và tài chính. Đặc biệt là khi biết rằng có một số loài được cứu sống khỏi sự tuyệt chủng nhưng sẽ chẳng bao giờ tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của chúng ta.
Một nghiên cứu vào năm 2010 ước tính có 84% các loài có nguy cơ tuyệt chủng được cứu sống khỏi sự tuyệt chủng ở Hoa Kỳ từ 30 năm qua là những loài “sống phụ thuộc vào các khu bảo tồn”. Điều này có nghĩa là chúng không thể tồn tại mà không có sự giúp đỡ thường trực của con người về môi trường sống của chúng. Vậy thì, như đề xuất của một số nhà nghiên cứu, liệu có nên lựa chọn những loài nào cần được cứu sống hay không?
Vấn đề là rất khó để dự đoán tác động đến môi trường khi có một loài bị biến mất, theo ghi nhận của những người chống đối lý thuyết nói trên. Bất kỳ sự lựa chọn nào để cho một loài chết đi là điều không thể cứu vãn. 200 năm trước đây, liệu có ai có thể nói được nấm mốc vô dụng này sẽ cho ra đời thuốc penicillin và sẽ cứu sống được rất nhiều người hay không?
Chúng ta có thể lựa chọn những loài có sự khác biệt di truyền lớn nhất, như gợi ý của một số người. Ngoại trừ đằng sau vấn đề về tính thực tế và “thực dụng”, nhắm đến việc đảm bảo sự tồn tại của loài người và của các hệ sinh thái hiện tại nói chung, thì còn có một vấn đề khác mang tính đạo đức, ít được sờ thấy hơn. Một điều có thể được tóm tắt với câu nói của Carl Safina, người đã phản đối ý tưởng lựa chọn này:
Tất nhiên, những điều mà chúng ta “phụ thuộc” làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên khả thi. Nhưng những điều mà chúng ta không cần cũng làm cho cuộc sống trở nên đáng sống. — Carl Safina
Nguy cơ chính trị hóa cuộc tranh luận
Ngoài ra còn có một vấn đề khác, như nhà nghiên cứu đã chỉ ra trong bài viết của mình, hoặc bài báo của tờ New York Times. Kể từ khi Donald Trump đắc cử, các nhà phê phán sự bảo tồn hệ đa dạng sinh học, như đã được thực hiện cho đến nay, đã thắng thế.
Đã có nhiều dự án được đề xuất lên Quốc hội Hoa Kỳ để sửa đổi luật, kể từ năm 1973, bắt buộc các tiểu bang phải bảo vệ những loài có nguy cơ tuyệt chủng. Như tờ nhật báo của Mỹ đã đưa tin, nếu có một số nhà sinh học thừa nhận việc luật nên được sửa đổi, thì có một số đề xuất của các dân biểu thuộc đảng cộng hòa vẫn còn tư lự.
Ví dụ, hai trong số các đề xuất đó cho phép các đoàn thể địa phương có quyền phủ quyết việc lựa chọn các loài được phân loại là bị đe dọa [tuyệt chủng]. Điều này, theo lời tố giác của các tổ chức phi chính phủ, đủ để các doanh nghiệp địa phương, những chủ thể đôi khi không muốn thấy hoạt động của mình bị đóng khung, có khả năng gây ảnh hưởng đến quyết định [của chính quyền].
Grégory Rozières
Hơn nữa, IPBES thừa nhận rằng sự thay đổi cần thiết để cứu vãn hệ đa dạng sinh học, “có thể khơi dậy sự phản đối từ những người có lợi ích gắn liền với hiện trạng”, trong khi vẫn hy vọng rằng sự phản đối này sẽ “được khắc phục vì lợi ích của tất cả các bên”. Sẽ là một sự xấu hổ cho các chính trị gia bảo thủ khi tận dụng một cuộc tranh luận cần thiết giữa các nhà khoa học để cố gắng tiêu diệt tất cả các cơ hội cứu vãn hệ đa dạng sinh học của trái đất. Hoặc ít nhất là một phần.
Grégory Rozières Trưởng chuyên mục C'est Demain, Science, Le Bon Choix [Ngày mai, Khoa học, Sự lựa chọn đúng đắn]
Grégory là một nhà báo làm việc cho HuffPost từ năm 2012, ở Paris. Ông phụ trách các chuyên mục C'est Demain, Science et Le Bon Choix. Ông đặc biệt theo dõi những chủ đề liên quan đến môi trường, không gian, trí tuệ nhân tạo, di truyền và, nói chung, những (cuộc cách mạng) phát triển khoa học và công nghệ, cũng như tác động của chúng đối với xã hội.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF