17.5.20

Cứu mạng sống con người hay tăng trưởng kinh tế, các quốc gia đang đối diện với thế tiến thoái lưỡng nan

CỨU MẠNG SỐNG CON NGƯỜI HAY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ, CÁC QUỐC GIA ĐANG ĐỐI DIỆN VỚI THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN
Thierry Weil
Các chỉ số kinh tế hiện nay có thực sự thúc đẩy chúng ta đi đến những quyết định tốt hơn? Andreas Solaro / AFP
Ý tưởng gán một cách tiên thiên một giá trị tiền tệ cho sự sống của một con người là không chấp nhận được. “Một mạng sống không là gì cả nhưng không có gì bằng một mạng sống”, André Malraux đã đúc kết như vậy. Tuy nhiên, một quốc gia phải thường xuyên chọn lựa để bảo vệ công dân của mình: nên làm điều gì hơn, trang bị cho các bệnh viện, khuyến khích tiêm chủng, tổ chức các phong trào vận động chống hút thuốc lá, hạn chế tốc độ xe trên đường, đấu tranh chống lại nạn bị gạt ra ngoài lề, nghèo đói và neo đơn?
André Malraux (1901-1976)
Nhận thức của chúng ta thường bị thiên lệch: chúng ta dễ phản ứng với một tai nạn máy bay làm 300 người chết hơn là con số thống kê của cơ quan phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ. Một tai nạn thang máy khủng khiếp sẽ dẫn tới việc yêu cầu chủ nhân các căn hộ thực hiện những tiêu chuẩn quy phạm tốn kém hơn rất nhiều so với hoạt động phòng ngừa tai nạn trong nhà.
Trên lý thuyết, những đánh giá về kinh tế sẽ giúp tối đa hóa việc đạt được sự an sinh của tập thể (trong đó có việc giảm những nguy cơ cho sức khỏe) với một mức chi phí nhất định, được giới hạn bởi sự đồng thuận về thuế của công dân, mà sự đồng thuận này thay đổi tùy theo hoàn cảnh.
Một mạng người đáng giá bao nhiêu?
Vào thời bình, các cơ quan quản lý nhà nước so sánh nhiều kịch bản khác nhau về chi phí nhằm tối đa hóa an sinh của tập thể. Tất nhiên, các công dân không đồng ý với nhau, cả về những gì đáng được bảo hiểm (chi phí cho phòng ngừa và sự cẩn trọng) lẫn về mức độ đóng góp và tương trợ theo mong muốn.
Mỗi người phải quyết định phần của thu nhập mà họ dành cho việc tự trang trải đối với mỗi nguy cơ (và như vậy là có quyền tự do không đóng bảo hiểm)? Bảo hiểm phải là dưới hình thức hỗ tương, những người sung sướng hôm nay tham gia đóng góp cho những người bị nạn hôm nay? Con kiến phải bảo đảm cho con ve? Người thận trọng phải chăm sóc người liều mạng?
Nếu ở Pháp người ta không thích nhắc tới giá trị của một mạng người trong các cuộc thảo luận công khai, thì người Anh, điển hình cho chủ nghĩa thực dụng, đánh giá sự xác đáng của các quy trình y tế tốn kém bằng cách ước lượng lợi ích của chúng thông qua chỉ báo QALY (quality-adjusted life year), tức số năm sống điều chỉnh theo chất lượng, hoặc chỉ báo DALY (disability-adjusted life year), tức số năm sống điều chỉnh theo bệnh tật. Số năm sống thêm nhờ có các quy trình y tế tốn kém trên được điều chỉnh theo một hệ số về chất lượng, có tính đến việc là một năm “mạnh khỏe”, không bị trở ngại, bị hạn chế hoặc đau đớn nhiều, một năm đem lại sự dễ chịu cho người hưởng lợi.
QALY có thể được so sánh với một chỉ báo khác được WHO dùng là DALY (disability-adjusted life year), kì vọng sống được điều chỉnh bởi bệnh tật. WikimediaCC BY
QALY có giá trị gì? Ta có thể hỏi mỗi người một năm sống thêm trong tình trạng mạnh khỏe đáng giá bao nhiêu đối với họ, hoặc có thể hỏi, với tư cách là người đóng thuế, họ sẵn sàng đóng bao nhiêu tiền cho một bệnh nhân vô danh (có khi là chính họ) được sống thêm một năm nữa.
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã ước lượng sự đồng ý của các cá nhân trả tiền cho một năm sống mạnh khỏe, ví dụ như bằng cách đề nghị một người tưởng tượng rằng họ mắc phải một bệnh hiểm nghèo có thể chết và có một thứ thuốc giúp họ kéo dài sự sống thêm một năm nữa trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo.
Tại các nước giàu, trung bình các câu trả lời dao động giữa 24.000 euro và 60.000 euro tùy theo nước.
Cũng không xa lắm với giá trị tham chiếu về DALY trong các nước có lãnh đạo ngành y tế sử dụng khái niệm này: từ 20.000 đến 30.000 bảng Anh ở Anh Quốc, 47.000 euro ở Thụy Điển, 80.000 euro ở Hà Lan…
Túi tiền hay mạng sống?
Cách tiếp cận này phản ánh sự tính toán nhỏ mọn của những người ích kỷ sẵn sàng hy sinh các mạng sống để cứu lấy ví tiền của mình? Hiện thực phức tạp hơn nhiều. Ta biết rằng kì vọng sống cao hơn đối với những người được hưởng những điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng và cư trú tốt hơn, một hệ thống giáo dục và y tế hoàn hảo, giải trí….
Điều đó đúng trong mỗi nước (với những mức độ tái phân phối rất khác nhau) và giữa các nước (nước Đức phồn thịnh có số giường chăm sóc tích cực gấp đôi các nước láng giềng). Hy sinh thu nhập của một nước cũng là giảm kì vọng sống của dân cư.
Đối với nhà kinh tế học, trong một “thị trường hoàn hảo” ở đó mọi công dân đều cùng có quyền sống, giá trị của Qaly là sao cho sự thoả mãn từ việc tăng thêm cho bệnh nhân một năm sống mạnh khỏe tương đương với sự thoả mãn của việc tăng thêm kì vọng sống sẽ đạt được với chừng ấy tiền của được phân phối cho toàn dân. Như vậy, người ta sẽ chăm sóc một cá nhân chừng nào chi phí thực hiện việc đó không làm giảm … hơn nửa giây sống mạnh khỏe của những người Pháp khác (có 32 triệu giây trong một năm và 66 triệu người Pháp).
Cái giá của sự không hành động
Theo số liệu nêu ra trong báo cáo của Neil Ferguson thuộc Imperial College, nếu không có những biện pháp bắt buộc cách ly những người bị nhiễm hoặc nghi bị nhiễm thì dịch Covid-19 sẽ làm cho 500.000 người chết ở Anh Quốc (2,2 triệu ở Mỹ).
Căn cứ vào sự phân bổ thống kê số người chết (phần lớn là người lớn tuổi và có các bệnh lý khác), nếu ta cho rằng mỗi nạn nhân lẽ ra đã có thêm trung bình bốn năm sống khỏe mạnh, thì chi phí cho đại dịch trong một nước như Pháp hay Anh Quốc sẽ là 500.000 x 4 x (từ 30.000 đến 60.000) = từ 60 đến 120 tỷ euro. Tác động trực tiếp lên năng lực sản xuất của cả nước sẽ rất hạn chế vì phần lớn người chết không còn ở trong tuổi hoạt động nữa.
Dù là không chính xác, ước lượng chi phí cho các biện pháp cách ly tối thiểu là 10% của tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2020 (tính cho một kịch bản tốt về ngưng cách ly và chấm dứt khủng hoảng), nghĩa là khỏang 220 tỷ euro ở Pháp hay ở Anh Quốc.
Thật vậy, Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia INSEE ước lượng tổng sản phẩm nội địa giảm 6% trong quý 1 và mỗi tháng cách ly thêm sẽ tiêu tốn thêm 3% GDP (vậy sẽ có xu hướng giảm 15% GDP trong quý 1, khá lắm thì được bù lại vào quý 2 nhờ kinh tế tăng trưởng trở lại).
Người ta hy vọng cách ly sẽ giảm đáng kể số nạn nhân ở những nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe đài thọ luôn chi phí cho bệnh nhân, nhưng dù sao vẫn có thêm bệnh nhân.
Ở Pháp, ngành ăn uống thuộc loại bị tổn thất nặng nề nhất bởi virus corona vì các biện pháp cách ly. Valery Hache/AFP
Với những tiêu chí kinh tế được sử dụng rộng rãi trong thời bình, ta hiểu tại sao một vài nước, đáng chú ý là Hà Lan (mặc dù gán cho mạng sống một giá trị đặc biệt cao) hay Mỹ (một nước mà những người giàu có nhất gán cho sự tồn tại của họ một giá trị đặc biệt cao) lại nghĩ rằng phương thuốc cách ly còn tệ hơn là không có biện pháp đặc biệt gì để đối phó với đại dịch. Vấn đề này còn được đặt ra một cách gay gắt hơn ở các nước nghèo, họ không thể cung cấp phương tiện sinh sống cho những người bị mất thu nhập vì cách ly.
“Chúng ta đang trong thời chiến”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo rằng chúng ta đang “trong thời chiến”. Khi có chiến tranh thì khung của hạch toán kinh tế bị phá sản. Những người thận trọng đã tránh những nguy cơ và đóng bảo hiểm cho mọi tai nạn có thể bảo hiểm được bỗng nhiên sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho một lý tưởng cao cả (tự do, dân chủ, sự sống còn của những gì làm họ gắn bó với đất nước). Tiêu chí QALY để tối đa hóa sự an sinh của tập thể bị quên lãng. Phải chiến thắng kẻ thù bằng mọi giá. Các cơ chế quản lý và các nhà kinh tế đều đi theo.
Theo  Emmanuel Macron, chúng ta đang “trong thời chiến” chống lại virus. Damien Meyer/AFP
Nếu một quốc gia phản ứng như vậy thì ở một nước láng giềng liệu về mặt chính trị có thể giải thích rằng họ muốn duy trì sự thịnh vượng về kinh tế và những lợi ích đi kèm theo, bao gồm cả trạng thái tâm lý và sức khỏe tốt hơn của một dân cư giàu có hơn?
Sự thờ ơ của lãnh đạo quốc gia trước đau khổ của các nạn nhân có phải là đang chuẩn bị cho mọi hình thức của chủ nghĩa dân túy? Có còn không những Winston Churchill có khả năng khuấy động quốc gia và làm cho dân chúng chấp nhận máu, mồ hôi, nước mắt và cái chết của nhiều người nhân danh một lợi ích cao cả hơn?
Hay là những thách thức đã thay đổi và những người chấp nhận chịu khổ vì sự tồn vong của dân chủ và tự do cảm thấy ít hăng hái hơn để cứu vãn tăng trưởng kinh tế và những “lợi ích” kèm theo?
Hay là một tình cảm tương trợ sẽ làm cho mỗi người chấp nhận mất hai tuần kì vọng sống - nếu những con số nêu trên không hoàn toàn vô nghĩa -, trong khi nếu không có cố gắng của tập thể thì hai triệu DALY bị mất đi chỉ giảm -trung bình- 6 ngày sống của mỗi người dân Pháp?
Tuy nhiên, đã từng xảy ra trong lịch sử là người ta mua lấy sự bình an bằng cách hy sinh các thành viên của một dân tộc hay các tín đồ của một tôn giáo nào đó, bằng cách nhượng một, hai tỉnh để đổi lấy hòa bình, hay cứu sự thịnh vượng kinh tế bằng cách buộc một ngành nghề nào đó rơi vào thất nghiệp. Lúc đó đa số “không trực tiếp liên quan” chấp nhận hy sinh một thiểu số được xác định rõ ràng, như ngày xưa người dân Egée dùng người làm vật hiến tế cho quái vật phàm ăn Minautore (theo thần thoại Hy Lạp, Minautore là quái vật có mình người đầu bò mộng - ND).
Nhưng ngày nay, hy sinh 1% dân số để bảo tồn tiện nghi kinh tế của những người khác dường như là không chấp nhận được. Có lẽ vì ai cũng có thể bị nhiễm bệnh, dù tất cả không có cùng xác suất nhiễm như nhau. Nếu không phải bạn, thì có thể là mẹ bạn hoặc ông của bạn. Vậy thì ngay cả khi bảo hiểm có vẻ rất tốn kém, người ta sẵn sàng trả (các cuộc thăm dò ý kiến cho biết là đa số người Pháp cho rằng cách ly là xác đáng).
Lịch sử sẽ cho biết những nước nào đã lấy quyết định phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của dân tộc. Thụy Điển và Hà Lan trông chờ vào ý thức công dân của từng cá nhân hơn là sự cưỡng chế.
Thụy Điển đã chọn chiến lược miễn nhiễm tập thể. Hình chụp ngày 4 tháng 4 khi các nước châu Âu khác đã cách ly. Jonathan Nackstrand/AFP
Những chế độ độc đoán hơn hy sinh tự do cá nhân để cứu nguy cho tập thể và cho sự ổn định chính trị. Các nước châu Âu khác dường như chọn lập trường trung gian, thay đổi tùy theo những nhận thức mới xuất hiện và bối cảnh của chúng.
Và nguyên tắc cẩn trọng?
Sẽ là ảo tưởng nếu hình dung rằng dịch bệnh đã có thể được ngăn chặn ở biên giới của nước chúng ta, một số người nhắc lại rằng chi phí để khống chế dịch bệnh sẽ thấp hơn nhiều nếu ta biết tiêu vài chục triệu euro (dự trữ khẩu trang, duy trì khả năng sản xuất nhanh các thiết bị xét nghiệm, máy trợ thở và các thiết bị bảo vệ bằng cách dùng các công cụ sản xuất hiện hữu) để chuẩn bị đối phó với một cuộc khủng hoảng mà khả năng xảy ra đã được miêu tả và hậu quả đã được phân tích, nhưng xác suất còn bấp bênh và viễn cảnh xảy đến vẫn còn bí ẩn.
Các nhà kinh tế học không biết đưa vào nguyên tắc cẩn trọng. Trước đây, Thanh tra nhà nước đã cho là đáng kết tội, theo những tiêu chí của thanh tra, một bà bộ trưởng y tế đã kịp thời đặt mua để có sẵn thuốc chủng ngừa nhằm chống lại một dịch bệnh được báo là có thể xảy ra nhưng cuối cùng nó đã không xảy ra.
Những nhà kinh tế học giáo điều không đưa vào mô hình của họ những kịch bản có vẻ đúng nhưng không định lượng được (những chọn lựa thực chỉ có giá trị khi ta biết ước lượng xác suất thực thi của chúng). Họ thường gán giá trị bằng không (0) cho những gì họ không ước lượng được. Hơn nữa, họ tin tưởng vào thị trường để mỗi đơn vị y tế hoặc bệnh viện quyết định những đánh đổi tối ưu giữa chi tiêu phòng ngừa nguy cơ (dự trữ khẩu trang…) và những chi tiêu khẩn cấp khác.
Hãy cứu lấy hành tinh, đừng nghe lời các nhà kinh tế học!
Antonin Pottier

Đây là lúc cần đọc lại quyển sách Các nhà kinh tế học đã làm nóng hành tinh như thế nào. Antonin Pottier, nghiên cứu viên ở Trung tâm nghiên cứu môi trường và phát triển quốc tế CIRED (Centre International de recherche sur l’Environnement et le Développement) vào năm 2016 đã giải thích những lập luận và công cụ của các nhà kinh tế học chủ đạo đã khuyến khích không hành động đối với tình trạng biến đổi khí hậu như thế nào.
Tốt lắm thì chỉ có những hành động do các nhân vật nổi tiếng đề nghị như nhà kinh tế học người Mỹ William Nordhaus, được giải thưởng kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển vinh danh Alfred Nobel năm 2018, những hành động này có lẽ không đủ và quá chậm để có thể bảo vệ chúng ta chống lại những rối loạn của khí hậu.
Chi phí cho các kịch bản đặt mục tiêu cao chống lại tình trạng nóng lên của khí hậu chỉ chiếm vài phần trăm của GDP để tránh một tai họa mà chỉ những diễn biến chính xác là không chắc chắn thôi. Hậu quả của sự không hành động còn tệ hại hơn hậu quả của con virus vốn có vẻ không thể giết chết trên 1% nhận loại.
Rối loạn khí hậu cần được chống lại với niềm tin như với các đại dịch mà có khi do rối loạn khí hậu hỗ trợ. Các nhà kinh tế học truyền thống chỉ tính đến những hậu quả mà họ định lượng được và có thể ước lượng xác suất xảy ra.
Tuy nhiên, một đất nước biến mất do bị chìm xuống biển hay bị sa mạc hóa không chỉ là sự mất mát giản đơn vốn tự nhiên, sự gia tăng tần suất xuất hiện của dịch bệnh không thể chỉ được đánh giá căn cứ vào GDP bị mất đi (hoặc được tăng thêm vì hoạt động của hệ thống y tế là một hợp phần).
Thierry Weil
Được thông tin bởi các nhà khoa học chuyên về khí hậu - chứ không phải do các mô hình khiếm khuyết của các nhà kinh tế học - chúng ta hãy đề ra nhưng mục tiêu ở mức cao về giảm khí thải nhà kính, cần thiết để tránh các thảm họa. Sau đó các nhà kinh tế học sẽ giúp chúng ta tìm ra những lộ trình hữu hiệu để đạt những mục tiêu này. Chúng ta hãy biết sống trong thời chiến khi còn có thời gian.
Tác giả
Giáo sư, Trương lai của công nghiệp và lao động (Chaire Futurs de l'industrie et du travail (CERNA, I3, CNRS)), Thành viên của Viện Hàn lâm Công nghệ, Trường Mỏ Paris Tech (Académie des technologies, Mines ParisTech)
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
----
Bài có liên quan:
Print Friendly and PDF