19.5.20

Khủng hoảng khí hậu được công chúng nhìn nhận như “vấn đề quan trọng nhất” qua cuộc thăm dò

KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU ĐƯỢC CÔNG CHÚNG NHÌN NHẬN NHƯ “VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG NHẤT” QUA CUỘC THĂM DÒ

Cuộc thăm dò ý kiến của người dân đến từ 8 quốc gia cho thấy khủng hoảng khí hậu được nhìn nhận với mức độ ưu tiên cao hơn cả vấn đề di cư và khủng bố.
Theo cuộc thăm dò ý kiến ở 8 quốc gia, phần lớn người dân đều công nhận khủng hoảng khí hậu như một “tình trạng khẩn cấp” và cho rằng những nhà chính trị đang thất bại trong việc giải quyết vấn đề này, cũng như việc họ đang ủng hộ lợi ích của “các ông lớn ngành dầu khí” trên phúc lợi của người dân.
Cuộc khảo sát (diễn ra trước cuộc biểu tình về khí hậu được dự kiến là lớn nhất thế giới vào thứ Sáu ngày 20/9/2019) cho thấy biến đổi khí hậu được nhìn nhận như vấn đề quan trọng nhất mà thế giới đang gặp phải, hơn cả di dân, khủng bố và kinh tế toàn cầu ở 7/8 nước được khảo sát. Tại Mỹ, biến đổi khí hậu được xếp thứ 3 sau khủng bố và dịch vụ y tế vừa khả năng chi trả.
Nick Lowles
Nick Lowles, thành viên nhóm chống phân biệt chủng tộc ở Anh có tên Hope not Hate - là nhóm được ủy thác thực hiện khảo sát, nói về những phát hiện thông qua khảo sát như: Công chúng đã “đi trước” các nhà chính trị trong việc nhận ra quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu. “Người dân hiểu quy mô của vấn đề khí hậu và mong muốn chính phủ có những động thái mạnh mẽ, quyết đoán trước tình trạng khẩn thiết này.”
Nick Lowles cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ có tác động to lớn đến vấn đề phân biệt chủng tộc, chia rẽ và xung đột trong vài năm tới, trừ khi khủng hoảng được giải quyết ngay từ bây giờ.
“Là một tổ chức với sứ mệnh gắn kết cộng đồng và không thừa nhận chính trị chia rẽ, chúng tôi tin rằng những người đứng đầu chính phủ phải có động thái kịp thời đối với biến đổi khí hậu để từ đó sức ép môi trường không trở thành nguyên nhân cho sự thù dịch, giận dữ và tranh chấp trong xã hội.”
Cuộc thăm dò khảo sát hơn 1000 người dân ở Anh, Canada, Đức, Ý, Brazil, Pháp, Ba Lan và Mỹ.
Kết quả cho thấy ít nhất ¾ công chúng nghĩ rằng thế giới đang đối diện với “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, và biến đổi khí hậu có nguy cơ trở nên “cực kỳ nguy hiểm”.
Đại đa số người dân tham gia khảo sát ở mỗi quốc gia - 74% người Anh - cho rằng đã thấy ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu qua những hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt và lũ lụt, và trong số đó mô tả những hiện tượng này như mối đe dọa trực tiếp đến người dân ở đất nước của họ.
Cuộc thăm dò cho thấy hồi chuông cảnh báo đã lan rộng về việc khủng hoảng khí hậu trong chớp mắt sẽ không còn trong tầm kiểm soát, với 64% người tham gia khảo sát ở Anh đồng ý với nhận định “không còn nhiều thời gian để cứu lấy hành tinh” - tương tự với 70% ở Đức, 74% ở Brazil và 57% ở Mỹ.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy rất ít người tin tưởng chính phủ đang làm đủ vai trò - chỉ 23% ở Anh, 20% ở Đức, 23% ở Brazil và 26% ở Mỹ đồng ý rằng Chính phủ của họ đang có những bước đi thích đáng.
Antonio Guterres (1949-)
Kết quả cuộc thăm dò sẽ đặt một gánh nặng lên vai những người đứng đầu thế giới đang chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hành động Khí hậu vào tuần tới (23/9/2019) tại New York. Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres, đã kêu gọi những người đứng đầu chính phủ mang đến hội nghị những kế hoạch hành động - thay vì lời nói - để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu trước thời hạn năm 2020 cho các nước đề xuất mục tiêu quốc gia theo Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận được ký năm 2015 bắt buộc các chính phủ giữ mức nhiệt độ không tăng quá 2 và cố giữ ở mức 1,5.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy phần lớn người dân kêu gọi những biện pháp cơ bản để giảm lượng khí thải như xây dựng nhiều tua-bin gió và tấm năng lượng mặt trời, cung cấp thêm nhiều điểm sạc cho xe hơi điện và đầu tư tạo thêm việc làm cho ngành công nghiệp sạch.
Người dân cũng mong muốn chính phủ mạnh tay đối với những đối tượng gây ô nhiễm nghiêm trọng và buộc họ phải bồi thường thiệt hại mà họ đã gây ra, mặc dù công chúng không tin việc này sẽ xảy ra, với ít nhất trong số họ nhận định rằng các nhà chính trị đã đặt lợi ích của các ông lớn ngành dầu khí lên trên lợi ích của cộng đồng địa phương.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy người dân ủng hộ những biện pháp cứng rắn hơn để giảm lượng khí thải, bao gồm tạm dừng khai thác than, chấm dứt khoan dầu khí, và tăng thuế đối với những người sử dụng dịch vụ hàng không thường xuyên.
Laurence Tubiana (1951-)
Kết quả cuộc thăm dò được công bố chỉ một ngày trước khi hàng triệu người dự kiến sẽ xuống đường để đình công cho khí hậu toàn cầu. Bãi công và biểu tình được dự kiến diễn ra tại những thành phố trên tất cả châu lục, ngoại trừ Nam Cực, và người trưởng thành, các doanh nghiệp, và công đoàn được thúc giục tham gia.
Laurence Tubiana, CEO của Tổ chức Khí hậu Châu Âu cho rằng kết quả của cuộc thăm dò đã thể hiện rõ sự ủng hộ ngày càng lớn cho hành động triệt để ngay lập tức.
“Cuộc thăm dò một lần nữa cho thấy số người đình công cho hành động khí hậu ngày càng tăng đang phát đi thông điệp: Chúng tôi thật sự lo lắng, chúng tôi biết rằng chúng ta hoàn toàn làm được nhiều hơn như vậy, hỡi những nhà lãnh đạo, chúng tôi cần quý vị hành động và đoàn kết ủng hộ khoa học.”
Lê Thị Hoàng Nhung dịch
Nguồn:Climate crisis seen as most important issue by public, poll shows”, The Guardian, 18 September 2019.
Print Friendly and PDF