3.5.20

Những mối quan hệ nguy hiểm giữa Tổ chức Y tế Thế giới và Trung Quốc đã ghi dấu lên cuộc khủng hoảng virus Corona


NHỮNG MỐI QUAN HỆ NGUY HIỂM GIỮA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI VÀ TRUNG QUỐC ĐÃ GHI DẤU LÊN CUỘC KHỦNG HOẢNG VIRUS CORONA

Paul Benkimoun, Frédéric Lemaître[1] và Marie Bourreau[2]
PHÓNG SỰ | Covid-19, sự bùng nổ địa chính trị. Trong một loạt điều tra, báo “Le Monde” nêu trở lại những rạn nứt trong các cơ cấu đa phương do cuộc khủng hoảng y tế gây ra. Hôm nay, Tổ chức Y tế Thế giới bị cáo buộc là đứng về phía Trung Quốc.
Gauden Galea
Cao Phú (1961-)
Ngày 31 tháng 12 năm 2019, văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - sẽ dùng chữ viết tắt này trong bài - ND) tại Bắc Kinh, nằm trong một khu ngoại giao, hoạt động chậm lại, cũng như các tổ chức quốc tế khác. Tổng giám đốc của văn phòng, bác sĩ Gauden Galea, người Malta (Man-ta), chuyên về các bệnh không lây nhiễm, đã trở về châu Âu. Tuy nhiên, chiều tối hôm trước, bác sĩ Cao Phú (高福), giám đốc trung tâm kiểm soát và phòng bệnh của Trung Quốc, đã phát hiện qua internet là ở Vũ Hán có một vài bác sĩ ở bệnh viện lo ngại về sự xuất hiện của một virus rất giống SARS, virus đã gieo kinh hoàng cho châu Á vào năm 2003.
Bác sĩ Cao Phú cũng đã thấy một ghi chú của ủy ban y tế của thành phố này (Vũ Hán) thuộc tỉnh Hồ Bắc xác nhận hiện tượng này. Ngay sáng ngày 31, ông đã gửi đến Vũ Hán một toán chuyên viên. Ngay trong ngày, Trung Quốc thông báo cho WHO về sự xuất hiện của một số trường hợp viêm phổi không điển hình. WHO chưa biết rõ, nhưng tổ chức này đã sẵn sàng đương đầu với khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ khi WHO được thành lập vào năm 1948. Một cuộc khủng hoảng cả về y tế, kinh tế và địa chính trị mà những thách thức vượt quá khuôn khổ của cơ quan này của Liên Hiệp Quốc, quy tụ 194 quốc gia.
La Nhất Quân
Tuy nhiên, có thực là Trung Quốc là nước đầu tiên đã báo động cho WHO? Thực sự là không có gì chắc chắn cả. Bởi vì tối ngày 30 tháng 12, một bác sĩ khác đã báo động về tình hình của Vũ Hán: bác sĩ La Nhất Quân (羅一鈞), phó giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật của Đài Loan. Sáng ngày 31, bác sĩ này đã dậy sớm và thông tin cho các bộ phận trực thuộc vào lúc 5 giờ sáng. Ngay giữa ngày hôm đó, Đài Loan yêu cầu Trung Quốc giải thích và thông báo cho WHO.
Ngay từ ngày 31 tháng 12, chính quyền Đài Loan quyết định đo nhiệt độ của hành khách đến từ Vũ Hán
Tổ chức quốc tế WHO có được Đài Loan thông báo về khủng hoảng? Sự việc WHO khăng khăng từ chối cho biết giờ nhận được hai thư điện tử - một của Trung Quốc, một của Đài Loan - giúp phỏng đoán là Đài Loan có thông báo. Dưới áp lực của Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc chứ không phải là một quốc gia, hòn đảo này với 23 triệu dân đã không được phép tham dự các đại hội của WHO từ năm 2016, kể cả với tư cách quan sát viên. Chính quyền Đài Loan không ngừng tố cáo sự khai trừ này. Theo họ, người Đài Loan đã không tiếp cận được những thông tin quan trọng về sức khỏe. Nhưng vào ngày 31 tháng 12 này, chính Đài Loan đã hướng về WHO qua một bức thư điện tử với lời lẽ rõ ràng: “Các nguồn tin cho biết có ít nhất bảy trường hợp viêm phổi không điển hình ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã được thông báo ra. Giới thẩm quyền về y tế đã trả lời trên các phương tiện truyền thông là những trường hợp này có lẽ không liên quan đến SARS. Tuy nhiên, các mẫu đang được xét nghiệm và những người bệnh đã được cách ly để điều trị. Chúng tôi đánh giá cao nếu quý vị có thể báo cho chúng tôi những thông tin thích đáng. Xin cám ơn trước sự quan tâm của quý vị đến vấn đề này.”
Trần Thời Trung (1953-)
Theo WHO, đang bị phê phán là quá gần gũi với Bắc Kinh, bức thư này không chứng minh được gì cả. Trái lại, đối với bộ trưởng Y tế và an sinh Đài Loan Trần Thời Trung (陳時中), việc chuyển qua cách ly bệnh nhân đã chứng tỏ rằng ngay từ ngày 31 tháng 12, Đài Loan đã gợi ý là virus lây từ người sang người. Bác sĩ Trần Thời Trung giải thích tiếp theo: “Bất kỳ một chuyên gia sức khỏe cộng đồng hay một bác sĩ chuyên nghiệp nào đều biết những trường hợp nào cần cách ly bệnh nhân để điều trị”. Thực vậy, ngay từ ngày 31 tháng 12, chính quyền Đài Loan quyết định đo nhiệt độ các hành khách đến từ Vũ Hán. Nhờ rất sớm có hệ thống tầm soát bệnh nhân và cách ly triệt để nên Đài Loan dù rất gần Trung Quốc về mặt địa lý có số tử vong do virus corona đặc biệt thấp: 6 người, một thành công mà WHO giấu kín trong suốt cuộc khủng hoảng.
Đã mất rất nhiều thời gian
Ai Fen
Vào tối cuối cùng trước năm mới 2020 chúng ta còn phải chờ một thời gian nữa. Lãnh đạo Trung Quốc muốn trấn an. Tất cả đều trong vòng kiểm soát. Tin vào tuyên bố của Trung Quốc, WHO dường như cũng bình thản. Ngày 14 tháng 1/2020, WHO tán thành những kết luận của cuộc điều tra sơ bộ của Trung Quốc, theo đó không có chứng cứ rõ ràng về sự lây nhiễm từ người sang người. Theo cuộc điều tra này, có thể có nhưng rất “hạn chế” và “chủ yếu chỉ lây nhiễm giữa các thành viên trong cùng một gia đình”. Không có ai hoảng loạn trước thông tin là ngay từ ngày 1 tháng 1, một trong những người loan tin báo động, bác sĩ Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, đã buộc thành viên của ê-kíp mình mang găng tay và khẩu trang - trái với ý kiến của cấp trên -.
Vả lại, phải đợi đến ngày 20 tháng 1 thì các chuyên gia của WHO mới có một cuộc “viếng thăm ngắn” tại nơi có dịch, theo cách nói của chính tổ chức này. Cuộc viếng thăm này diễn ra 48 giờ sau khi một buổi tiệc khổng lồ (với 40.000 người tham dự) đã được tổ chức tại thành phố 11 triệu dân này để vinh danh Đảng Cộng sản Trung Quốc, và 24 giờ sau cuộc viếng thăm của Trung Nam Sơn (钟南山), chuyên gia Trung Quốc nổi tiếng trên toàn thế giới. Chính ông, ngay ngày 20 tháng 1 này, thông tin cho Trung Quốc và thế giới là virus lây nhiễm từ người sang người. Vậy là ta đã mất ba tuần có tính quyết định tính từ ngày 31 tháng 12.
Trung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu thế giới về các bệnh hô hấp, viếng thăm một bệnh viện ở Vũ Hán, ngày 19 tháng 1. Theo China Daily CDIC/ REUTERS
Cuối cùng thì hai ngày sau, WHO tổ chức một cuộc họp báo về dịch bệnh. Khoảng 50 phóng viên kiên nhẫn chờ đợi ở tầng 7 trụ sở của WHO tại Genève, chưa kể các phóng viên theo dõi trực tuyến. Nhưng thời gian trôi qua và không có ai xuất hiện. Ủy ban khẩn cấp chịu trách nhiệm tư vấn cho tổng giám đốc của WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, một nhà vi sinh vật học người Ethiopia, thường được gọi là “tiến sĩ Tedros”, đã rất khó khăn để đồng ý với nhau về thời khắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Không khí trong phòng khá thoải mái. Không ai nghi ngờ gì về thảm kịch đang diễn ra một cách bí mật. Trung Quốc chỉ mới có 17 ca tử vong và 509 trường hợp bị nhiễm. Mối đe dọa dường như được ngăn chặn. Bánh pizza được đưa ra mời các phóng viên. Đột nhiên, trong khi ủy ban khẩn cấp gồm 15 thành viên và sáu cố vấn, đang đóng cửa trong phòng họp tình huống khẩn cấp (situation room) của WHO, thì điện thoại di động của các phóng viên có thuê bao ứng dụng của Thời báo New York rung lên: Trung Quốc vừa thông báo phong tỏa Vũ Hán ngay trong đêm. Ủy ban khẩn cấp ra khỏi buổi họp lúc gần 21 giờ. Bị bất ngờ bởi thông báo này, ủy ban hẹn trong vòng 24 tiếng để quyết định. Chán nản, ngày hôm sau, WHO lại trễ nải trong việc ra quyết định. Có phải WHO tin rằng dịch bệnh sẽ được khống chế? Còn “quá sớm” để tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, theo ý kiến của “tiến sĩ Tedros”, tuy nhiên ông nêu thêm: “Quý vị đừng lầm, có tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc. Nhưng chưa phải là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Điều đó có thể xảy ra.
Nhịp độ do Bắc Kinh quyết định
Các nguồn tin ngoại giao đã xác nhận với Le Monde là vào ngày 22 và 23 tháng 1, “tiến sĩ Tedros” đã mời, vì ông có quyền đó, đại sứ của bốn nước có liên quan nhất đến dịch bệnh vào thời điểm đó - gồm Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản - tham gia ủy ban khẩn cấp với tư cách quan sát viên. Cũng theo những nguồn tin này, ngay lập tức đại diện Trung Quốc đã làm áp lực đối với nhóm, khẳng định rằng “tuyệt đối không có vấn đề tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”. Trong hoàn cảnh này, không có gì đáng ngạc nhiên khi những cuộc thảo luận tiếp theo đầy sóng gió.
Ngày 30 tháng 1, tại Vũ Hán. Một ê kíp bác sĩ chăm sóc một ông già chết ngoài đường, cạnh một bệnh viện.
Vài ngày sau “tiến sĩ Tedros” bay đến Bắc Kinh. Người đàn ông 55 tuổi này, đã từng là bộ trưởng Bộ Y tế của Ethiopia (2005 - 2012) rồi bộ trưởng Bộ Ngoại giao (2012 - 2016) đã nhiều lần đến thủ đô của Trung Quốc. Ông đã dành cho Trung Quốc - nước đã tích cực ủng hộ hồ sơ ứng viên của ông vào vị trí đứng đầu WHO - một trong những chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, ngày 1 tháng 7 năm 2017. Quả thực, ngay giữa tháng 8 năm 2017, ông là diễn giả chính tại một hội nghị cấp cao về hợp tác y tế “Một vành đai, một con đường: hướng đến con đường tơ lụa về y tế”, một dự án của chủ tịch Tập Cận Bình mà “tiến sĩ Tedros” tán thành và đánh giá là “hoàn toàn có tầm nhìn”. Vào năm sau, cũng tại Bắc Kinh, ông đã đánh giá  hệ thống y tế Trung Quốc xứng đáng là một “mô hình kiểu mẫu”.
Khi các hãng hàng không phương Tây hủy các kết nối với Trung Quốc và nhiều nước đóng cửa biên giới trên bộ hoặc trên không, WHO phê phán các quyết định này
Ngày 28 tháng 1, trong khi dịch lan tràn ở Vũ Hán, Tedros được chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc với sự tôn vinh dành cho một nguyên thủ quốc gia. Một tấm hình - rất tai hại cho ông - cho thấy ông gập gối nhẹ trước khi bắt tay thật chặt chủ nhân của nơi này. “Tiến sĩ Tedros” khen Trung Quốc đã thiết lập “một tiêu chuẩn mới trong kiếm soát dịch bệnh”. “Tốc độ của Trung Quốc, qui mô của Trung Quốc, tính hiệu quả của Trung Quốc… Đó là những thuận lợi của hệ thống Trung Quốc” Ông đã tuyên bố như vậy và đẩy sự khúm núm của mình đến độ ca ngợi “sự minh bạch” của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, ngay trong lúc ông có mặt ở Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận rằng vào đầu tháng họ đã truy vấn và kết tội sai các bác sĩ đầu tiên đã báo động cần đề phòng virus lây từ người sang người.
Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 28 tháng 1.
Về đến Genève, “tiến sĩ Tedros” triệu tập ủy ban khẩn cấp. Ngày 30 tháng 1, theo ý kiến của ủy ban khẩn cấp, ông tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời nêu rõ rằng đây hoàn toàn không phải là một “hành động mất lòng tin đối với Trung Quốc”. Ông nói: “Trái lại, WHO tiếp tục tin tưởng vào năng lực kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc”. Rõ ràng là WHO đã thuận theo nhịp độ do Bắc Kinh đưa ra. Như vậy, vào cuối tháng 1, khi các hãng hàng không phương Tây tuần tự hủy bỏ các kết nối với Trung Quốc, và nhiều nước khác nhau, đáng chú ý là nước Ý, Mỹ và Nga, đóng cửa biên giới trên đất liền và trên không đối với Trung Quốc, WHO đã phê phán các quyết định này. WHO tuyệt đối tán thành lệnh phong tỏa Hồ Bắc của Bắc Kinh, và cho rằng Bắc Kinh đã giúp “thế giới tranh thủ được thời gian”, nhưng nhận định rằng hạn chế lưu thông người và hàng hóa với Trung Quốc là vô ích. Đây đúng là điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn nghe, họ thấy không có mối mâu thuẫn nào. Phải chăng tình hình nằm “trong vòng kiểm soát” là nhờ vào hiệu lực của họ?
Đã quen với những phê phán về hành động của mình
Lý Văn Lượng (1986-2020)
Tuy nhiên, tin tức từ Bắc Kinh và từ Vũ Hán không làm yên lòng. Hẳn nhiên, các bệnh viện đã được xây dựng trong một thời gian nhanh kỷ lục và hơn 40.000 nhân viên y tế đã đến tăng cường cho Vũ Hán, nhưng ngay từ đầu tuyên truyền dành rất ít chỗ cho sự minh bạch. Sự xúc động mạnh mẽ trong dân chúng do cái chết - chính thức được thông báo ngày 7 tháng 2 - của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người sớm báo động về nạn dịch, chứng tỏ dân chúng không bị lừa. Nhưng WHO không hề chú ý, cũng như không quan tâm đến sự “biến mất” của hai “phóng viên-công dân” được biết đến do đã cho biết tình trạng thực sự của các bệnh viện ở Vũ Hán, hoặc không bận tâm về sự im lặng Trung Quốc áp đặt cho các nước muốn lo cho công dân của họ hồi hương. WHO không điều tra mà chỉ truyền đạt lại thông tin mà thôi.
François Godement (1949-)
Như chuyên gia về châu Á François Godement đã viết trên trang cá nhân của ông ở Viện Montaigne: “Điều này đưa đến một câu hỏi: khi những nạn dịch quan trọng, như trường hợp của SARS, cúm gia cầm và virus corona có trung tâm là Trung Quốc, đâu là tính đáng tin thực sự của WHO? Trong trường hợp hiện tại, WHO đã hành xử như một tổ chức liên chính phủ theo nghĩa hẹp, không tra vấn các nguồn tin chính thức mà họ dựa vào. Như vậy WHO thất bại trong sứ mệnh thông tin của mình. Tệ hơn nữa, một số chính phủ và tổ chức hoặc tin vào cơ sở vững chắc của những khẳng định này, hoặc dựa vào sự dè dặt này để hoãn lại việc thông qua những biện pháp khó khăn.”
WHO đặt tên cho bệnh dịch này là “Covid-19”, một thuật ngữ “không liên hệ với một địa điểm, một con thú, một nhóm người đặc biệt nào”
Ở trụ sở của tổ chức WHO vốn đã quen với những phê phán về quản lý dịch bệnh của mình - được cho là quá lỏng lẻo hoặc báo động thái quá tùy trường hợp -, thì trái lại họ cam đoan là đã đáp trả rất nhanh chóng. Tuy nhiên, tốc độ lây lan dịch bệnh trong những ngày đầu tháng 2 đã đặt WHO vào ghế bị cáo. Lo lắng khôi phục lại hình ảnh bị suy giảm của mình, đặc biệt là trong dịch Ebola vào năm 2014 - 2015, WHO đề nghị tổ chức họp báo hàng ngày. Những lời khen ngợi được đối tác Trung Quốc lặp đi lặp lại nhiều lần đều làm các phóng viên kinh ngạc. “Cảm nhận sâu sắc của chúng tôi là người Trung Quốc đã làm tốt công việc”, một phát ngôn viên của WHO khẳng định như vậy, bàn tay đặt lên trái tim.
Quả thực là trong lãnh vực truyền thông, Trung Quốc rất chuyên nghiệp. Vậy nên ngày 11 tháng 2 WHO chính thức đặt tên cho bệnh là “Covid-19”, một thuật ngữ mà theo “tiến sĩ Tedros” “không liên hệ với một địa điểm, một con thú, một nhóm người đặc biệt nào”. Ông hành động theo niềm tin? Theo chiến lược? Không ai biết được. Dù sao thì WHO cũng hằn học khi phải dùng tên “SARS-CoV-2” được Ủy ban quốc tế về phân loại virus, một tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm đặt tên cho virus corona mới. Trung Quốc lấy làm khó chịu vì tên gọi này vì nó nhắc nhở quá nhiều ký ức về SARS. Một nhà ngoại giao tại Genève tự hỏi: “Nếu WHO lánh xa Trung Quốc ngay trong những tuần đầu của khủng hoảng, liệu người ta có trách không?”.
Một đoàn công tác bù nhìn
Vào giữa tháng 2, cuối cùng WHO đã thành công trong việc đạt được một trong những mục tiêu của mình: gửi đến Trung Quốc một đoàn công tác quốc tế gồm các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Nhưng là một thao tác hạn chế: hiển nhiên là không hề có chuyện đi thanh tra một cường quốc thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc… Như vậy đây là một đoàn công tác hỗn hợp (gồm 13 chuyên gia phương Tây và 12 chuyên gia Trung Quốc) đã đến tại chỗ từ 17 đến 24 tháng 2.
WHO phải nuốt trôi một điều sỉ nhục khác: không dự kiến đoàn đến Hồ Bắc
Bruce Aylward
Vì không được quay phim đoàn đến Trung Quốc, người ta chỉ thông báo sau. Tiện thể, WHO phải nuốt trôi một điều sỉ nhục khác: không dự kiến đoàn đến Hồ Bắc! Báo chí Trung Quốc giải thích: “Tỉnh đang trong giai đoạn chiến đấu quyết liệt chống dịch và không thể dành thời gian và huy động nhân lực để tiếp các chuyên gia”. Chỉ vào phút chót Trung Quốc mới chấp nhận cho ba chuyên gia phương Tây đến Vũ Hán trong vài giờ, ít nhất là ở vùng ven thành phố và không thể điều tra một tí gì. Điều này không ngăn cản trưởng phái đoàn, bác sĩ người Canada Bruce Aylward, đã nhận định như sau khi trở về Genève: “thế giới cần những bài học của Trung Quốc”. Ông còn tâm sự - tỏ vẻ rất tin tưởng - rằng nếu ông bị bệnh, ông muốn được chăm sóc ở đó” (Vũ Hán - ND).
Vào cuối tháng ba, nhà dịch tễ học lại gây sóng gió, khi một kênh truyền hình Hồng Kông chất vấn về sự ứng phó của Đài Loan với Covid-19, ông làm như không nghe câu hỏi trước khi từ chối trả lời và cắt ngang cuộc đối thoại. Vài ngày sau, đích thân “tiến sĩ Tedros” cáo buộc Đài Loan đã lao vào những cuộc tấn công có tính chất kỳ thị chủng tộc đối với ông. Người cựu bộ trưởng Ethiopia này không hề đưa ra một chứng cứ nào cho khẳng định của mình. Theo điều tra của chính quyền Đài Loan, hình như những cuộc tấn công này xuất phát từ những kẻ chơi khăm của Trung Quốc mạo danh công dân Đài Loan. Bấy nhiêu yếu tố tiếp thêm sức cho lý thuyết một tổ chức WHO chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh. Phó thủ tướng Nhật Taro Aso, đang bực bội vì phải dời lịch Thế Vận hội mùa hè, đã gợi ý nên chăng đổi tên cho WHO thành “Tổ chức y tế Trung Quốc”?
WHO tâm điểm của những trò chơi gây ảnh hưởng
Valérie Niquet
Cuối cùng, phải chờ đến ngày 11 tháng 3 WHO mới tuyên bố tình trạng đại dịch toàn cầu. Ngày hôm trước, Tập Cận Bình đã đến Vũ Hán với tư thế kẻ chiến thắng, nghĩa là “chiến tranh nhân dân” Trung Quốc đã đánh thắng virus corona, theo tuyên truyền đó là chiến thắng của “hệ thống chính trị”. Kể từ nay, Trung Quốc sẵn sàng cứu thế giới. Việc quản lý khủng hoảng SARS năm 2003 và sự im lặng tội lỗi trong ba tháng càng làm cho WHO mất uy tín bao nhiêu thì Covid-19 càng đặt tổ chức này vào trung tâm của trò chơi ngoại giao bấy nhiêu.” Sau khủng hoảng SARS mức độ nghiêm trọng của những tố cáo của WHO đã làm cho chính quyền Trung Quốc rất lo lắng, từ đó Trung Quốc đã toan tính, như ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hạn chế tầm ảnh hưởng của các phê phán bằng cách tăng cường khả năng gây ảnh hưởng của mình”, nhà nghiên cứu Valérie Niquet phân tích như vậy trong một bài viết ngắn của Trung tâm nghiên cứu chiến lược nhằm giải thích tầm quan trọng của WHO trong mắt chính quyền Bắc Kinh.
WHO là khuôn khổ đa phương hợp pháp duy nhất để phối hợp một chính sách y tế toàn cầu
German Velasquez
Lý Chung Úc (1945-2006)
Những trò gây ảnh hưởng chính trị trong tổ chức WHO không phải mới bắt đầu với trận dịch hiện nay. “Trung Quốc đã làm chậm việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào tháng 2, nhưng điều đó không tệ hơn những gì đã xảy ra trong tổ chức WHO từ 15 năm nay”, đó là nhận định của German Velasquez, cựu quan chức của WHO, hiện nay là cố vấn đặc biệt về y tế ở South Centre, một tổ chức liên chính phủ của các nước đang phát triển. “Tôi còn nhớ chủ nghĩa can thiệp của Mỹ đã luôn luôn có ảnh hưởng rất mạnh đối với WHO. Mỹ đã không ngần ngại cho nghiền nát những tập tài liệu về tiếp cận thuốc men ngay trước khi phát hành, đã ngăn cản bất kỳ lập trường nào của WHO về việc quản lý khủng hoảng do bão Katrina, và đã hủy bỏ được vào phút cuối một diễn văn mà nội dung không làm họ hài lòng mà lẽ ra bác sĩ Lý Chung Úc (Lee Jong-Wook), tổng giám đốc WHO từ 2003 đến 2006, phải phát biểu”.
Một nhà ngoại giao biện hộ: “Nếu có phê phán chính sách mà ‘tiến sĩ Tedros’ đang theo, thì phải cứu người chiến sĩ là WHO. Tổ chức này đã đưa ra hàng chục khuyến cáo để chống lại Covid-19 và đã áp dụng một chính sách truyền thông năng động. Đặc biệt, WHO là khuôn khổ đa phương hợp pháp duy nhất để phối hợp một chính sách y tế toàn cầu. Còn cần cung cấp thêm cho WHO các phương tiện pháp lý để thực hiện. Các quốc gia thành viên đã sẵn sàng cho việc này không?”
Quyết định mới đây của Donald Trump ngưng đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO đã gây ra nhiều phản ứng trên trường quốc tế. Các hội đoàn y tế Mỹ, xã luận các tạp chí khoa học, tweet của Bill và Melinda Gates, đều dồn về ủng hộ WHO. Ngày 20 tháng 4, Mỹ đã ngầm phá hoại một nghị quyết của các bộ trưởng y tế các nước G20 về tăng cường nhiệm vụ của WHO nhằm phối hợp việc ứng phó với đại dịch Covid-19.
Suerie Moon
Nếu khủng hoảng virus corona làm bộc lộ những trục trặc trong sự vận hành của cơ cấu này (WHO) với bên trong là ảnh hưởng của Trung Quốc, thì không nên để Trung Quốc trở thành tác nhân đẩy nhanh hơn những trục trặc này. “Sự rút lui của Mỹ là một sai lầm sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ thống” đó là lời cảnh báo của Suerie Moon, đồng giám đốc Trung tâm sức khỏe toàn cầu tại Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển. Đại hội đồng y tế thế giới với việc xác định những phương hướng mà tổng giám đốc phải theo được dự kiến từ ngày 17 đến 21 tháng 5 - qua hội nghị trực tuyến -, theo đó mỗi quốc gia đều có trọng lượng như nhau, sẽ bắt mạch tổ chức này (WHO), một tổ chức bị mọi người chê bai nhưng được cho là không thể thay thế.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
----




Chú thích:

[1] Phóng viên, Bắc Kinh

[2] Phóng viên, Genève

Print Friendly and PDF