1.5.20

10 điều bí ẩn của virus Corona

10 ĐIỀU BÍ ẨN CỦA CORONAVIRUS
Các nhà khoa học vẫn còn vấp phải 10 câu hỏi chưa được giải đáp về virus corona.
Ngày 17/4/2020
Từ khi xuất hiện, virus corona nguyên nhân của Covid-19 trở thành đối tượng của một làn sóng nghiên cứu khoa học dồn dập. Chỉ trong chưa đầy bốn tháng đã có trên 50.000 bài báo đăng trên các tạp chí y học. Chúng ta còn nhớ là vào tháng 12 năm 2019 chúng ta còn chưa biết đến tên của cái sẽ trở thành mối lo của mọi cư dân trên hành tinh của chúng ta. Rất nhiều đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và bác sĩ ở tất cả các nước đều rất căng thẳng chú tâm vào chủ đề này: để xác định trình tự bộ gen của virus, để tìm ra vắc-xin, phương thuốc trị liệu, để hiểu động thái, sự lây lan của virus, những tổn hại về thể chất mà nó gây ra cho bệnh nhân, v.v..
Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đều dựa vào các nhà khoa học nhằm triển khai các biện pháp bảo vệ, ra lệnh cách ly hay ngưng cách ly. Tuy nhiên có cảm tưởng vẫn có một sự lúng túng. Bởi vì vẫn còn dai dẳng những điều mơ hồ và các nhà khoa học vẫn còn vấp phải những câu hỏi cơ bản mà con virus corona quỷ quái này đặt ra cho chúng ta.
1. Virus từ đâu đến?
Đây là câu đố đầu tiên. Nó không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà sử học là những người muốn ghi lại nguồn gốc của điều đã làm đảo lộn thế giới trong vòng vài tuần của đầu năm 2020. Các nhà dịch tễ học quan tâm nhiều nhất vì họ muốn biết để tránh không cho điều đó tái diễn. Người ta biết virus được sinh ra ở Trung Quốc, rằng bộ gen của nó giống một cách kỳ lạ bộ gen của virus thường có thói quen lây nhiễm các quần thể dơi. Với những người thích chơi đảo chữ thì ta để ý thấy rằng chữ Pháp chỉ con dơi là “chauve-souris” có thể được đảo lại thành “souche –à-virus” nghĩa là gốc của virus.[*] Virus corona rất thích loài có vú hiền lành này và xâm chiếm chúng một cách vô hại vì dần theo sự tiến hóa những con vật này đã tạo ra hệ miễn dịch phù hợp.
Câu hỏi lớn là làm sao virus có thể nhảy từ loài này qua một loài khác, từ dơi qua người? Người ta nghi rằng có một vật chủ trung gian. Ngay từ lúc đầu người ta nghi rằng con tê tê là vật chủ trung gian lý tưởng. Nhưng giả thuyết này đang bị bãi bỏ. Ngày nay, ta không chắc về một điều gì cả. Ta không biết là virus đã đột biến để nhảy từ dơi qua người hay không, nó có dùng một vectơ khác không. Bao nhiêu là câu hỏi phải giải đáp nếu ta muốn tránh những đại dịch mới gây ra do những hành động xâm chiếm thiên nhiên hoang dã ngày càng lớn của chúng ta.
2. Virus đã truyền đi như thế nào?
Đó là câu hỏi của thế kỷ. Vào lúc đang viết những dòng này, và trái với những gì người ta có thể tin từ những biện pháp cách ly, những cử chỉ ngăn cản virus được thực hiện trên thế giới, ta không biết gì nhiều về dịch bệnh. Con số chính thức là ít nhất có trên hai triệu người bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Họ đã nhiễm bệnh như thế nào? Các nhà chuyên môn cho rằng loại virus gây tổn thương đường hô hấp này lây lan qua ho, nhảy mũi, qua vô số các hạt nước bọt nhỏ do người bị nhiễm bắn ra. Mọi người đều biết là những giọt nước bọt bắn ra làm lây lan virus. Nhưng ta không biết nhiều sự lây truyền khi virus bám vào bề mặt các vật khác. Bề mặt các vật có thể bị nhiễm. Nhiều nghiên cứu đã đo lường xem virus sống bao lâu trên giấy bìa các tông, đồ nhựa và kim loại. Trong thực tế, không có gì là chắc chắn cả, nhất là thời gian virus có khả năng gây hại trên bề mặt của vật.
Chúng ta cũng tự hỏi lây lan qua không khí có đóng vai trò nổi bật không. Đó là những đám hạt nước bọt nhỏ li ti không thấy được do người nhiễm virus corona bắn ra trong không khí. Các nhà khoa học Phần Lan đã xác định rằng những đám nước bọt này có thể lơ lửng trong không khí trong nhiều phút. Đó là một môi trường lây nhiễm cao, đặc biệt là những nơi bị cách ly đông người và thiếu thoáng khí.
Hiểu rõ cách virus lây lan là điều cơ bản để có thể định ra các khuyến cáo và cách hành xử thật sự có hiệu quả. Hiện nay, câu hỏi này vẫn còn treo lơ lửng.
3. Tỷ lệ tử vong thật do virus corona là bao nhiêu?
Nghe có vẻ khó tin, nhưng còn lâu ta mới biết tỷ lệ tử vong chính xác do virus corona. Ngày 28 tháng ba vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới xác định tỷ lệ gây chết người là 4,6%. Con số này được tính bằng cách chia số tử vong cho số người được xác định dương tính với virus corona. Nhưng trong thực tế ta không biết gì cả. Vì nếu muốn biết tỷ lệ đúng thì phải biết chính xác số người bị nhiễm virus, cả người bệnh lẫn người bị nhiễm không có triệu chứng. Còn chưa kể đến số người không khai báo, vốn là trường hợp của nhiều nước đang phát triển.
Dữ kiện duy nhất đúng là số người chết. Như vậy tương đối dễ so sánh với số liệu của những thời kỳ trước. Nước Ý vừa phân tích và thấy rằng số chết trong thời kỳ bị dịch cao gấp hai lần số chết của cùng kỳ năm trước.
Ngày 10 tháng tư 2020, Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) vừa mới công bố các dữ kiện, theo đó từ ngày 1 đến ngày 30 năm 2020, ở Pháp có 57.441 người chết. Số này cao hơn số cùng kỳ năm 2019 (52.011) nhưng thấp hơn số cùng kỳ năm 2018 (58.641) là năm cúm mùa đặc biệt kéo dài. Những số liệu này tương ứng với tầm nhìn tổng quát về tình hình của Pháp. Nếu phân tích kỹ hơn những vùng bị nhiễm nặng như vùng Grand Est và Ile-de-France thì thấy tỷ lệ tử vong tháng 3/2020 cao hơn tỷ lệ tử vong tháng 3/2018, lần lượt là hơn 17% và 22%.
Để có những số liệu chính xác cho phép tính toán mức độ nguy hiểm của virus và so sánh với các bệnh khác, có lẽ phải đợi đến khi hết dịch.
4. Tại sao Covid-19 vừa vô hại lại vừa rất nghiêm trọng?
Các bác sĩ tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 đã vô cùng ngạc nhiên. Thật vậy, họ nhận thấy có những trường hợp cực kỳ nặng đồng thời lại có những trường hợp vô hại, với những triệu chứng hơi nặng hơn bệnh cảm mùa một ít. Trong một số trường hợp bệnh nhân nhiễm virus nhưng không hề có một triệu chứng nào. Ngược lại, chúng ta đã thấy những hình ảnh hãi hùng của các bệnh nhân được đưa đi trên băng ca, phải thở máy và đang chết dần dưới cơn bão nhiễm trùng diễn ra chớp nhoáng.
Từ đầu nạn dịch, thống kê đã cho thấy những trường hợp rất nặng có thể dẫn đến tử vong thường liên quan đến người già hoặc người có bệnh lý nền. Nhưng dần dần có những người trẻ hơn cũng chết. Hoặc một số khác, dường như đã phục hồi bỗng nhiên trở nặng bởi “cơn bão cytokine” (còn gọi là hội chứng giải phóng cytokine), nghĩa là viêm cấp tính do phản ứng thái quá của hệ miễn dịch của bệnh nhân. Khi đó các phân tử liên quan đến kiểm soát miễn dịch sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc: tụt huyết áp, phù nề bộ máy hô hấp, biến chứng về thận, có thể dẫn đến tử vong.
Tại sao virus lại gây ra tử vong một cách dữ dội nơi người trẻ có vẻ có sức khỏe tốt mà không tác hại đến những người khác? Chúng ta không biết. Đó là một bí ẩn đối với các bác sĩ tuy họ có đề ra một giả thuyết: không phải virus gây chết người mà do hệ miễn dịch của bệnh nhân phản ứng chống lại bệnh nhân vì đã hoạt động thái quá. Giả thuyết này vẫn chưa trả lời được câu hỏi trên.
5. Nên dùng thuốc gì?
Đó là thảm kịch lớn của bệnh dịch này. Các bác sĩ không biết nên kê đơn thuốc gì. Do đó họ tạm chấp nhận chữa trị triệu chứng - điển hình là dùng paracetamol - để xoa dịu cơn đau của bệnh nhân, nhưng họ không biết làm thế nào để chữa trị Covid-19. Thế nhưng các phòng thí nghiệm đang chiến đấu quyết liệt để tạo ra một loại thuốc sớm nhất. Nhiều ứng viên (thuốc) tham gia cuộc đua này, và có cả vài thứ thuốc như  hydroxychloroquine chỉ trong vài ngày đã nổi tiếng khắp thế giới, điều chưa từng thấy đối với một dược phẩm. Vấn đề là các thuốc này chưa bao giờ chứng minh được hiệu quả của chúng đối với virus corona cũng như không có tác dụng phụ không mong muốn. Để chứng minh, cần tiến hành các thử nghiệm lâm sàng theo đúng chính quy trình chính xác và đã được chuẩn hóa. Việc này đòi hỏi thời gian, nhưng có người như giáo sư Raoult, người từ nay trở nên nổi tiếng lại muốn tăng nhanh nhịp độ và kê đơn thuốc của mình càng nhanh càng tốt.
Didier Raoult (1952-)
Nhưng các lãnh đạo ngành y tế cũng như toàn thể cộng đồng y học kiên quyết duy trì một phương pháp tiến hành “khoa học”. Điều này gây ra những cuộc thảo luận không dứt, diễn đàn, kiến nghị, tranh luận giữa hai phe chống đối nhau trên mạng xã hội. Trong lúc chờ đợi, các bác sĩ không biết nên theo ông “thánh” nào và bệnh nhân thì chiến đấu giành giật sự sống.
Vấn đề thuốc vượt xa hơn lãnh vực y học. Bởi vì khi một thứ thuốc đã chứng minh hiệu quả của nó mà không có sẵn và được ra thị trường, thì lãnh đạo chính trị buộc phải bám lấy các biện pháp cách ly hay ngưng cách ly một cách không chắc chắn và không đồng đều giữa các nước, đưa đến thảm họa cho hoạt động kinh tế nói chung và cho sức khỏe tâm thần của những người phải chịu đựng sự do dự của chính quyền.
6. Thời gian miễn nhiễm là bao lâu?
Đây là một trong những thách đố lớn nhất của virus corona. Khi một người bị nhiễm bệnh, cho dù không có triệu chứng, thì họ có được miễn nhiễm không, và nếu có thì trong bao lâu? Trả lời cho câu hỏi này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các biện pháp về sức khỏe cộng đồng hiện nay. Về vấn đề này, các nhà khoa học không hề có một câu trả lời dứt khoát. Tất nhiên, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành, đặc biệt chú ý quan sát các nạn dịch trước đây là SARS và MERS cũng là các virus corona. Nhưng kết quả không đủ để áp dụng cho Covid-19 vì câu trả lời về miễn dịch có thể rất khác nhau giữa các virus.
Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu loài khỉ Macaca mang mầm bện virus và quan sát thấy chúng sản xuất ra những kháng thể giúp kháng cự lại một sự lây nhiễm mới. Các kết quả này thừa nhận sự miễn nhiễm đạt được nhưng không trả lời các câu hỏi chính: thời hạn miễn nhiễm là bao lâu? Thời hạn này có khác nhau giữa các cá nhân? Có bị lây nhiễm trở lại không?
Vì dịch Covid-19 mới xảy ra rất gần đây và đang tiếp diễn nên các bác sĩ chưa có đủ độ lùi để trả lời các câu hỏi nêu trên. Về vấn đề lây nhiễm lại, chính phủ Pháp muốn tự trấn an đã khẳng định trên trang mạng của mình là không có trường hợp tái nhiễm nào. Nhưng Hàn Quốc lại quan sát được nhiều trường hợp dương tính trở lại nơi người đã dương tính trước đây và đã được cách ly. Một số nhà dịch tễ học nghĩ rằng virus có thể nằm im trong tế bào rồi hoạt động trở lại như nhiễm trùng đường hô hấp vào một vài dịp nào đó.
Đó chỉ là những giả thuyết, và bí ẩn lớn nhất nằm chính trong tính chất của virus corona. Loại sinh vật này cùng tiến hóa với hệ miễn dịch của người từ hàng nghìn năm nay; chúng thích nghi với vật chủ để tiến tới thao túng các hệ miễn dịch. Virus corona hiện nay có làm như vậy không? Chúng ta không biết gì cả. Cách duy nhất tránh thách đố này là có một vắc-xin hiệu quả. Nhưng vắc-xin không được dự kiến trong nhiều tháng tới.
7. Virus corona đóng vai trò gì đối với trẻ em?
Nếu có một điều chắc chắn thì đó là: đại bộ phận trẻ em nếu nhiễm Covid-19 sẽ nhẹ hơn các nhóm dân cư khác rất nhiều. Tỷ lệ nhiễm bệnh và nhất là tỷ lệ tử vong rất rõ: phần lớn trẻ em không bị bệnh vì Covid-19. Cho đến ngày 15 tháng tư, trẻ em dưới 15 tuổi ở Pháp chỉ chiếm 1% trong số bệnh nhân được nhận vào hồi sức và không có trẻ em nào dưới 15 tuổi tử vong vì COVID. Nhưng đặc điểm này có thể che dấu một tỷ lệ nhiễm bệnh quan trọng hơn nhiều. Nhiều nghiên cứu gợi ý rằng trẻ em cũng bị nhiễm tương đương như người lớn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học rất nghi ngờ về vai trò của trẻ em trong lây lan dịch bệnh. Người ta nghi rằng trẻ em là nguồn lây bệnh lành mạnh, nghĩa là chúng mang virus nhưng không phát triển thành bệnh. Và như vậy một vài nhà khoa học cho rằng trẻ em là nguồn siêu phát tán virus trong khi một số khác lại cho rằng trẻ em không làm lây lan bệnh như người lớn.
Các nhà khoa học hoàn toàn không chắc về mức độ lây lan virus corona do trẻ em cũng như sự lây nhiễm tiềm tàng bởi những người không có triệu chứng. Câu trả lời cho vấn đề này luôn kèm theo điều kiện là phải rất thận trọng.
Mặc dù vậy, do thận trọng, nhà trẻ và trường học đã đóng cửa ngay khi có những biện pháp cách ly. Pháp sẽ mở cửa lại ngay khi hết cách ly vào ngày 11 tháng năm tới đây. Quyết định này khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng và gây tranh luận trong cộng đồng khoa học vì không có gì xác định rõ ràng mức độ lây nhiễm của trẻ em cũng như nguy cơ lây nhiễm giữa trẻ em hay với người lớn.
8. Virus corona đã đột biến?
Toàn thế giới mong chờ sẽ có vắc-xin vào đầu năm 2021. Nhưng từ đây đến đó nếu virus đã đột biến thì vắc-xin cũng thành vô dụng. Như vậy, sự đột biến của virus corona là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, các nhà khoa học không biết gì nhiều về vấn đề này. Đột biến là một quá trình tự nhiên và ngẫu nhiên; virus corona cũng như virus cúm mùa đột biến rất nhiều. Đó là lý do ta phải chủng ngừa cúm hàng năm vì virus đã biến đổi.
Chúng ta không biết các phương thức đột biến cụ thể của virus corona hiện nay và cần thăm dò chúng dựa trên các nền tảng kĩ thuật số giám sát riêng như Nextstrain. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, các nhà di truyền học cảm nhận rằng virus corona biến đổi rất chậm. Tỷ suất đột biến của nó là 25 lần/năm, nghĩa là hai lần thấp hơn virus gây ra cúm mùa.
Ngay từ bây giờ chúng ta biết rằng hiện nay có hai dạng virus corona đang lưu thông: gốc L thường gặp nhất vì nó chiếm đến 70% trường hợp và dạng S ít hung dữ hơn. Virus đột biến là điều không tránh khỏi, nhưng chậm. Điều mà ta không biết là nó sẽ đột biến thành một dạng hung dữ hơn hay hiền hơn. Chỉ có tương lai mới cho ta biết điều đó.
9. Virus có gây hại cho não?
Virus corona gây nên nhiễm trùng phổi, có khi rất nặng thậm chí gây tử vong. Nhưng nó không chỉ tấn công đường hô hấp. Thật vậy, ngay từ tháng hai 2020, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện những tổn thương của hệ thần kinh trung ương. Những triệu chứng thường gặp nhất mà họ quan sát được là những cơn đau cơ, nhức đầu, chóng mặt hay rối loạn - có xu hướng biểu hiện trong mọi trường hợp nhiễm virus, đặc biệt là ở người già. Một vài bệnh nhân còn có những triệu chứng thần kinh rõ ràng hơn, đáng chú ý là các tai biến mạch máu não, các cơn co thắt kéo dài và mất khứu giác.
Nhưng vào đầu tháng tư, các nhà khoa học Nhật Bản công bố trường hợp một bệnh nhân mà người ta không tìm thấy dấu vết của virus trong máu và trong phổi. Ngược lại, khi phân tích dịch não tủy thì họ phát hiện có virus. Nó đã đâm xuyên qua hàng rào máu não để tấn công các nơ-ron.
May thay đây là những trường hợp riêng lẻ bên lề nhưng các bác sĩ vẫn đối diện với điều chưa biết. Họ không thể tiến hành hàng loạt xét nghiệm dịch não tủy và không biết virus đã xâm nhập vào não như thế nào. Mặc cho kết quả tàn khốc Covid-19 gây ra cho người, có rất ít cuộc khám nghiệm tử thi và đặt các nhà khoa học trước một thách đố quan trọng: có chăng sự xâm lấn của virus vào não bộ.
10. Sức nóng của mùa hè sẽ ngăn chặn virus?
Mọi người đã có thể quan sát thấy các virus gây nhiễm trùng đường hô hấp hoạt động theo mùa. Ta mắc bệnh cúm vào mùa đông chứ không phải vào giữa tháng tám. Điều có vẻ như hiển nhiên ở Pháp nhưng lại có phần khác nếu ta quan sát nó ở ngoài phạm vi nước Pháp. Thật vậy, các nhà dịch tễ học nêu rõ là những virus đường hô hấp lưu thông suốt năm ở các vùng nhiệt đới.
Từ đó, điều bí ẩn về những gì có thể xảy ra với virus corona hiện tại lại dày thêm. Không có gì cho thấy nó sẽ dừng lại khi những ngày đẹp trời đầu tiên xuất hiện. Cũng không có gì nói ngược lại.
Điều mà các nhà nghiên cứu virus e ngại là tính chất mới phát ra của virus corona. Vì virus này là mới nên dân cư cũng mới tinh, không hề có một chút miễn dịch nào đối với nó. Trong trường hợp này, ta đã không chứng minh và cũng không thể chứng minh được ảnh hưởng của nhiệt độ bên ngoài.
Chúng ta không biết gì cả, và điều duy nhất có thể làm là tránh nhiễm virus và làm lây lan nó. Chỉ với những biện pháp y tế thì virus mới có thể bị ngăn chặn. Hiện tại, chờ mùa hè đến để nó biến mất là một mong ước hão huyền.
Thời gian gần đây, do các cơn khủng hoảng về khí hậu, tài chánh, đời sống, những hiểm nguy của thế giới đã dạy ta, để chúng ta quen dần, rằng chúng ta đã bước vào thời kỳ bấp bênh. Sự thay đổi tiệm tiến của cách nhìn về thế giới và những hiểm nguy của nó đã dẫn dắt từng cá nhân cũng như từng quốc gia dành ưu tiên cho phản ứng hơn là cho hành động. Đó là lý do khiến một số người mất kiên nhẫn trước tình trạng không có biện pháp triệt để nhằm chống lại tình trạng khí hậu nóng lên. Dường như chúng ta chờ đến khi thảm họa tấn công trực diện chúng ta thì cuối cùng chúng ta mới phản ứng.
Khủng hoảng do virus corona còn hé lộ một khía cạnh phụ của thời đại bấp bênh này. Nó đưa ra ánh sáng những giới hạn của tri thức của chúng ta, sức mạnh tàn khốc của tự nhiên và cần thời gian dài để làm khoa học. Cần chấp nhận rằng chúng ta không biết; trong khi tất cả làm ta tưởng rằng chúng ta là những kẻ siêu phàm ngồi trên ngai của thần thánh.
Chúng ta có thể lên sao hỏa nhưng chúng ta hầu như không biết gì về một con virus cỏn con. Đại dịch này nhắc chúng ta biết những giới hạn của mình và kéo chúng ta về đúng vị trí. Chúng ta không biết. Cần chờ đợi. Rồi sẽ đến. Đấy bấy nhiêu mệnh lệnh mà chúng ta phải chịu đựng một cách khó khăn vì chúng ta quen có câu trả lời cho tất cả chỉ bằng một cái nhấp chuột theo thời gian thật. Virus corona cũng nhắc chúng ta rằng có tồn tại một thế giới thật. Và sự bấp bênh, điều chưa biết, điều bất ngờ là một phần của thế giới ấy. Khi chúng ta không biết gì hết, khi chúng ta không biết chắc phải làm gì, khi chúng ta thiếu kiến thức, thì điểm tựa duy nhất là các giá trị của chúng ta. Phải chấp nhận điều này với sự khiêm tốn và biến nó thành sức mạnh. Duy nhất chỉ có các giá trị sẽ biết dẫn dắt chúng ta trong thế giới đầy bất trắc.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn:Les 10 énigmes du coronavirus”, Up-Magazine, 17.4.2020.




Chú thích:

[*] Jacques Perry-Salkow là tác giả của đảo chữ này, ông là tác giả của Anagrammes à quatre mains, Actes Sud 2018.

Print Friendly and PDF