26.8.20

5 nhà kinh tế định nghĩa lại ... mọi thứ. Ồ vâng, và họ là phụ nữ

5 NHÀ KINH TẾ ĐỊNH NGHĨA LẠI… MỌI THỨ. Ồ VÂNG, VÀ HỌ LÀ PHỤ NỮ
Tôi viết về việc tạo ra các quốc gia, công ty và các cặp vợ chồng cân bằng về giới.
Ảnh từ trên xuống và từ bên trái sang phải: Mariana Mazzucato, Carlota Perez, Kate Raworth, Stephanie Kelton, Esther Duflo.
Có rất ít nhà kinh tế trở thành những tên tuổi quen thuộc đối với công chúng. Vào thế kỷ trước, đó là các nhà kinh tế học John Maynard Keynes hay Milton Friedman. Ngày nay, Thomas Piketty đã trở thành hậu duệ có tên tuổi của các nhà kinh tế học. Tuy nhiên, hãy lắng nghe những lời bàn tán, và đó là năm nhà kinh tế học nữ đáng được chúng ta chú ý. Họ đang cách mạng hóa lĩnh vực của mình bằng cách đặt câu hỏi về ý nghĩa của mọi thứ, từ ‘giá trị’ và ‘nợ’ đến ‘tăng trưởng’ và ‘GDP.’ Esther Duflo, Stephanie Kelton, Mariana Mazzucato, Carlota Perez và Kate Raworth đều thống nhất với nhau ở một điều: sự ngạc nhiên của họ về cách thức ngành kinh tế học đã được xác định và tranh luận từ trước đến nay. Ta có thể thấy rõ sự hoài nghi này của họ một cách cụ thể.
Rebecca Henderson (1960-)

Điều này khiến tôi nhớ đến nhiều phụ nữ mà tôi từng thấy đã lên nắm quyền trong thập kỷ qua. Giống như Rebecca Henderson, một giáo sư về Quản lý và Chiến lược tại Trường Kinh doanh Harvard và là tác giả của tác phẩm “Reimagining Capitalism in a World on Fire (“Chủ nghĩa tư bản tưởng tượng mới trong một thế giới náo nhiệt”). Bà nói: “Thật kỳ lạ khi cuối cùng cũng lọt được vào vòng trong, và khám phá thế giới đang vận hành kỳ lạ như thế nào”. Khi cuối cùng phụ nữ cũng đạt đến đỉnh cao của nhiều ngành nghề, họ thường khám phá ra một thế giới có nhiều cóc ếch sần sùi hơn là những hoàng tử đẹp trai. Giống như Dorothy trong The Wizard of Oz, khi họ nhìn thoáng qua sau bức màn, họ nhận ra rằng cỗ máy quyền lực có thể mờ nhạt hơn thực chất. Là những người mới tham gia trò chơi, họ thường có thể nhận thấy điều này rõ ràng hơn những người chơi lâu năm. Henderson coi phim hoạt hình của Tom Toro là thần chú của cô ấy. Một nhóm khố rách áo ôm ngồi quanh đống lửa với hậu cảnh là tàn tích của nền văn minh. “Đúng vậy, hành tinh này đã bị phá hủy”, một người đàn ông mặc bộ com-lê xộc xệch nói, “nhưng trong một khoảnh khắc đẹp đẽ, chúng tôi đã tạo ra rất nhiều giá trị cho các cổ đông.”
Bạn cũng có cảm giác tương tự khi lắng nghe các nhà kinh tế nữ tự nhảy vào lĩnh vực kinh tế, một lĩnh vực vẫn còn thống trị bởi nam giới. Một kiểu câu hỏi tập thể ‘bạn đang nói đùa với tôi, phải không?’ Năm nhà kinh tế nữ này đang tiết lộ bí mật - và mời mọi người lật lại các ưu tiên. Ngày càng có nhiều người đang lắng nghe - ngay cả Đức Giáo hoàng cũng đang lắng nghe (xem bên dưới).
Tất cả đều đặt thành vấn đề các khái niệm mà từ lâu vẫn được coi là bất khả xâm phạm. Đây là bốn thông điệp họ chia sẻ:
Vượt qua nó - Thách thức tư duy chính thống
Mariana Mazzucato (1968-)
Được mô tả là “một trong những nhà kinh tế học có tư duy tiến bộ nhất trong thời đại chúng ta”[*], Mariana Mazzucato là người tiên phong trong những người truyền lửa. Là giáo sư tại trường University College London và là người sáng lập/Giám đốc của Viện Đổi mới và Mục đích Công của UCL, bà đặt ra những câu hỏi cơ bản về cách định nghĩa “giá trị”, ai là người đã quyết định ý nghĩa của “giá trị” là gì và ai có thể đo lường “giá trị”. Bài nói chuyện TED của bà có tựa đề đầy khiêu khích “Giá trị kinh tế là gì? Và ai tạo ra nó? “ đã thách thức mọi người. Bà hỏi: “Nếu một số người là người tạo ra giá trị, điều đó làm nên điều gì đối với những người khác? Những kẻ lười biếng cả ngày nằm ườn? Những kẻ khai thác giá trị? Những kẻ hủy diệt giá trị?” Bà mong muốn làm cho ngành kinh tế học phục vụ người dân một cách rõ ràng, thay vì giải thích sự nô lệ của họ.
Stephanie Kelton thực hiện theo cách tiếp cận của chúng tôi đối với nợ và giễu nhại các phép ẩn dụ đơn giản hóa quá đáng như so sánh thu nhập và chi tiêu quốc gia với “ngân sách gia đình” trong nỗ lực chứng minh nợ nần nguy hiểm như thế nào.
Stephanie Kelton (1969-)

Trong cuốn sách “The Deficit Myth (“Huyền thoại về sự thâm hụt tài chính”) sắp ra mắt (Tháng 6 năm 2020), bà lập luận rằng những món nợ của quốc gia và gia đình hoàn toàn không giống nhau; có hộ gia đình nào có thể in thêm tiền, hoặc đặt ra mức lãi suất không? Nợ nên được đổi tên thành một khoản đầu tư chiến lược vào tương lai. Thâm hụt tài chính có thể được sử dụng theo những cách tốt hoặc xấu nhưng bản thân nó là một công cụ chính sách trung lập và mạnh mẽ. Bà viết: “Họ có thể tài trợ cho các cuộc chiến tranh phi nghĩa làm mất ổn định thế giới và thiệt hại hàng triệu sinh mạng, hoặc có thể sử dụng chúng để duy trì sự sống và xây dựng một nền kinh tế công bằng hơn, phù hợp với nhiều người chứ không chỉ một số ít.” Giống như tất cả các nhà kinh tế học được mô tả ở đây, bà nêu lên khía cạnh tinh thần và ý nghĩa nằm sau tiền bạc.
Tăng trưởng xanh - Định hình lại mức tăng trưởng ngoài GDP
Kate Raworth (1970-)

Kate Raworth là Cộng tác viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Thay đổi Môi trường của Đại học Oxford, bà cũng là tác giả của tác phẩm “Doughnut Economics (“Mô hình kinh tế dạng bánh doughnut”). Bà thách thức nỗi ám ảnh của chúng ta về tăng trưởng và các biện pháp lỗi thời của nó. Khái niệm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã được tạo ra vào những năm 1930 và đang được áp dụng trong thế kỷ 21 cho một nền kinh tế lớn gấp mười lần. Phạm vi giới hạn của GDP (ví dụ: bỏ qua giá trị của lao động không được trả công như nội trợ và nuôi dạy con cái hoặc không phân biệt giữa doanh thu từ vũ khí hoặc nước) đã khiến chúng ta bị “nghiện tăng trưởng về mặt tài chính, chính trị và xã hội” mà không tích hợp các chi phí của sự tăng trưởng này đối với con người và trái đất của chúng ta. Bà đang thúc đẩy sử dụng các bản đồ trực quan và phép ẩn dụ mới để nêu rõ là tăng trưởng bền vững không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai. Điều này có nghĩa là phải dịch chuyển từ đường tăng trưởng tuyến tính đi lên của ‘sự tiến bộ’ đã ăn sâu vào trong tất cả chúng ta, sang một mô hình “tái tạo và phân phối” được thiết kế để thu hút mọi người và có hình dạng giống như ... một chiếc bánh rán doughnut (thức ăn và trẻ sơ sinh là hình ảnh nổi bật trong các phép ẩn dụ của những phụ nữ này).
Mô hình kinh tế học bánh rán (doughnut)
Carlota Perez (1939-)
Carlota Perez không muốn chặn đứng hoặc làm chậm tốc độ tăng trưởng, mà bà muốn phi vật chất hóa sự tăng trưởng. Bà nói: “Cảm giác tội lỗi và sợ hãi thì chẳng thể làm lan tỏa được màu xanh lá cây, chúng ta cần phải có khát vọng và lòng mong muốn. Bà thúc đẩy một định nghĩa lại về ‘cuộc sống tốt đẹp’ và nhu cầu “tăng trưởng xanh thông minh” được nuôi dưỡng bởi lòng mong muốn về một lối sống mới, hấp dẫn và đầy khát vọng. Cuộc sống sẽ được xây dựng dựa trên một nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế này nhân rộng các dịch vụ và các tài sản vô hình cung cấp sự tăng trưởng bất tận và ít gây hại cho môi trường). Bà nêu bật lên mỗi cuộc cách mạng công nghệ đều tạo ra lối sống mới. Bà nói rằng chúng ta có thể thấy nó đang nổi lên, như đã từng nổi lên trong quá khứ, ở những người có học thức, người giàu và người trẻ: có nhiều dịch vụ hơn, chứ không phải là có nhiều đồ vật hơn, việc làm năng động và sáng tạo, tập trung vào sức khỏe và chăm sóc, chuyển đổi sang năng lượng mặt trời, sử dụng Internet mạnh mẽ, ưu tiên cho sự tùy chỉnh cá nhân hóa, chứ không phải là tuân theo chuẩn mực, thuê mướn chứ không sở hữu và tái chế chứ không thải bỏ thêm rác. Khi những lối sống mới này trở nên phổ biến, lan tỏa, lối sống mới sẽ mang đến những cơ hội to lớn cho sự sáng tạo và tạo thêm việc làm mới để phục vụ con người.
Có được chính phủ tốt - Vai trò chiến lược của Nhà nước
Tất cả những nhà kinh tế này đều muốn nhà nước đóng một vai trò chính. Phụ nữ hiểu một cách trực quan rằng ở bất kỳ hệ thống nào, có một mức độ phụ thuộc của kẻ yếu thế hơn vào các quy tắc của trò chơi cho phép họ được nhập cuộc. Perez nói: “Nhà nước định hình bối cảnh để tạo ra một trò chơi có tổng dương mà mọi bên đều có lợi” cho cả công chúng và doanh nghiệp. Bạn cần một nhà nước hoạt động tích cực để “nghiêng sân chơi theo hướng có lợi cho xã hội”. Perez vạch ra năm cuộc cách mạng công nghệ, bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp. Bà gợi ý là chúng ta đã đi được nửa chặng đường thứ năm, thời đại của Công nghệ & Thông tin. Nghiên cứu các vòng lặp đi lặp lại của mỗi cuộc cách mạng cho phép chúng ta nhìn thấy cơ hội của thời điểm đặc biệt của chúng ta hiện nay. Đó là thời điểm để định hình tương lai trong nhiều thế kỷ tới. Nhưng bà cân bằng giữa sự bền vững kinh tế với nhu cầu cần sự bền vững xã hội, bà cảnh báo rằng có thứ này mà không có thứ kia thì ta sẽ gặp rắc rối.
Mariana Mazzucato thách thức các chính phủ tham vọng hơn, quyết tâm hơn. Các chính phủ có được sự tự tin và sự tín nhiệm của công chúng bằng cách ghi nhớ và truyền đạt những gì họ có trách nhiệm phải làm. Bà nghĩ rằng đó là nhằm đảm bảo công ích. Điều này đòi hỏi tầm nhìn và chiến lược, đó là hai thành phần mà bà nói rằng ta thường quá thiếu. Đặc biệt là thời hậu COVID, mục đích chính phủ cần phải là động lực xác định ‘định hướng’ của các trọng tâm ưu tiên, đầu tư và quan hệ đối tác công/tư. Các chính phủ nên sử dụng quyền lực của mình - cả về đầu tư và mua sắm - để định hướng các nỗ lực hướng tới những thách thức lớn ở phía trước của chúng ta, chứ không chỉ phục hồi trước mắt trong ngắn hạn. Họ nên đưa ra các điều kiện về khoản cứu trợ tài chính khổng lồ mà họ đang thực hiện. Bà nêu lên sự tương phản trong trí tưởng tượng và tác động giữa các gói cứu trợ hàng không ở Áo và Anh. Các hãng hàng không Áo đang nhận viện trợ của chính phủ với điều kiện họ phải đáp ứng các mục tiêu phát thải đã thỏa thuận. Vương quốc Anh đang hỗ trợ các hãng hàng không mà không có bất kỳ điều kiện nào, một cơ hội lớn bị bỏ lỡ để hướng tới các mục tiêu lớn hơn, rộng hơn là xây dựng một nền kinh tế xanh hơn và tốt hơn thoát khỏi khủng hoảng.
Hãy thực tế đi - Vượt ra ngoài công thức và tham gia vào thực địa
Tất cả các nhà kinh tế này cũng tranh luận về việc thoát ra khỏi các lý thuyết và xuống sát thực địa. Họ bác bỏ ý tưởng về những tính toán lý thuyết ngớ ngẩn được thực hiện trong giới hạn của một tháp ngà đại học và thách thức các nhà kinh tế thử nghiệm và kiểm tra các công thức của họ trong thế giới thực.
Abhijit Banerjee (1961-)
Esther Duflo (1972-)
Esther Duflo, Giáo sư Kinh tế Phát triển và Xoá đói Giảm nghèo tại MIT, là người đề xướng chính về việc đưa những gì là thực hành đã được chấp nhận trong y học vào lĩnh vực kinh tế: thử nghiệm thực địa với các nhóm đối chứng ngẫu nhiên. Bà cực lực phản đối việc đổ hàng tỷ đô-la vào viện trợ mà không có bất kỳ sự hiểu biết hoặc đo lường thực tế nào về những thành quả thu về. Bà nhẹ nhàng cáo buộc chúng ta rằng nay là thế kỷ 21 rồi mà vẫn không có cách tiếp cận tốt hơn đối với các vấn đề như tiêm chủng, giáo dục hoặc sốt rét so với bất kỳ bác sĩ nào của thời Trung cổ, ném tiền và giải pháp vào những thứ mà chẳng hề biết gì đến tác động của chúng. Bà và chồng, Abhijit Banerjee, đã đi tiên phong trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên ở hàng trăm địa điểm ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, giành giải Nobel Kinh tế năm 2019 nhờ những hiểu biết sâu sắc. Ví dụ, họ thử nghiệm làm thế nào để mọi người sử dụng màn (mùng) chống bệnh sốt rét. Ngủ trong màn là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả cao nhưng để mọi người tiếp thu và sử dụng màn là một điều khó khăn. Duflo đã thiết lập các thí nghiệm để trả lời câu hỏi hóc búa: Nếu mọi người phải trả tiền mua màn, liệu họ có quý những chiếc màn hơn không? Nếu họ được nhận miễn phí, thì họ sẽ sử dụng màn không? Nếu họ được nhận màn miễn phí một lần, sau này họ có tự mua màn nữa không? Hóa ra, dựa trên những so sánh này, cách tốt nhất là ban đầu nên tặng màn cho họ, “mọi người sẽ không có thói quen ỷ lại vào việc được phân phát màn, nhưng họ sẽ có thói quen ngủ trong màn”, họ sẽ tự mua màn - và sử dụng màn - khi họ hiểu hiệu quả của màn. Do đó, bà kết luận, chúng ta có thể nhắm vào mục tiêu chính sách và tiền bạc hướng tới tác động.

Mazzucato cũng hợp tác với một số chính phủ trên thế giới, bao gồm Đan Mạch, Anh, Áo, Nam Phi và thậm chí cả Vatican, nơi bà vừa đăng ký các cuộc gọi hàng tuần góp phần vào chính sách hậu Covid. “Tôi tin rằng [tầm nhìn của bà] có thể giúp suy nghĩ về tương lai,” Đức Giáo hoàng Phanxicô nói sau khi đọc cuốn sách của bà, “The Value of Everything: Making and Taking in the Global Economy (Giá trị của mọi thứ: Tạo ra và tiếp nhận nền kinh tế toàn cầu)”. Không ai có thể buộc tội bà bị mắc kẹt trong tháp ngà đại học. Giống như Duflo, bà dấn thân tạo ra những câu trả lời mới cho những vấn đề dường như khó giải quyết.
Bà cảnh báo rằng chúng ta không muốn trở lại bình thường sau Covid-19. Bình thường là những gì đã đưa chúng ta đến đây. Thay vào đó, bà mời các chính phủ sử dụng cuộc khủng hoảng để đưa ‘định hướng’ hướng tới lợi ích công bình đẳng hơn vào các chiến lược phục hồi và đầu tư của chính phủ. Cách tiếp cận của bà là xác định các ‘sứ mệnh’ đầy tham vọng có thể tập trung tâm trí và tập hợp các liên minh rộng rãi của các bên liên quan để tạo ra các giải pháp hỗ trợ họ. Sứ mệnh ban đầu của NASA lên mặt trăng là một mô hình tiền thân hiển nhiên. Tại sao, bất cứ ai nghe bà nói đều ra về với suy nghĩ rằng, chúng ta đã quên mục đích trong việc chi tiêu công của chúng ta chăng? Và tại sao, khi rất nhiều đổi mới thương mại và lợi nhuận đã tăng lên từ chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản của chính phủ, thì phần lớn hơn trong thành quả của thành công lại không quay trở lại để thúc đẩy điều tốt đẹp hơn?
Từ lâu, kinh tế học vẫn là một lĩnh vực mà nam giới tham quyền cố vị, và nam giới tiếp tục thống trị tư tưởng chính thống. Tuy nhiên, theo thời gian, những ý tưởng từng bị coi là vô giá trị ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Quá trình chuyển từ một sự kỳ lạ sang một sự chấp nhận được rồi sang một chính sách thường được đẩy nhanh bởi khủng hoảng. Nổi lên từ cuộc khủng hoảng này, năm nhà kinh tế học thông minh đang đề ra một loạt các ý tưởng sáng tạo mới về một hướng đi xanh hơn, lành mạnh hơn và toàn diện hơn. Ồ, và tình cờ họ đều là phụ nữ.
Tác giả Avivah Wittenberg-Cox, ngày 31/05/2020
Vài dòng về tác giả:
Avivah Wittenberg-Cox
Tôi là Giám đốc điều hành của “20-first”, một công ty tư vấn về cân bằng giới toàn cầu. Tôi làm việc với các nhóm “C-suite” để đạt được cân bằng giới thực sự bằng cách định hình lại vấn đề: về lãnh đạo, văn hóa và hệ thống.
Tôi là người hướng dẫn tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận không hợp chuẩn về mặt chính trị giúp các nhà lãnh đạo xác định các cơ hội kinh doanh chiến lược của sự cân bằng (và rủi ro của việc không cân bằng). Tôi đã viết một số cuốn sách, bao gồm “Bảy bước để dẫn đầu doanh nghiệp cân bằng giới” và “Tại sao phụ nữ lại làm kinh doanh: Hiểu được sự xuất hiện của cuộc cách mạng kinh tế tiếp theo của chúng ta.” Tôi nói về lãnh đạo, tiếp thị ‘song ngữ giới tính’ và quản lý tài năng, và các vấn đề nghề nghiệp trên toàn cầu, viết bài cho FORBES và Harvard Business Review. Tôi tin rằng cân bằng giới mang lại cho các công ty, quốc gia và các cặp vợ chồng những lợi ích to lớn - và vẫn chưa được khai thác.
Người dịch: Lê Thị Hạnh




Chú thích:

[*] Có thể tham khảo Kỷ nguyên tân tự do đang hồi cáo chung. Tiếp theo là gì? (BT).

Print Friendly and PDF