1.8.20

Không phải định luật nào cũng biểu hiện nguyên nhân một cách hiển nhiên

Định luật và nguyên nhân (A. Virieux-Reymond, 1966)

KHÔNG PHẢI ĐỊNH LUẬT NÀO CŨNG BIỂU HIỆN NGUYÊN NHÂN MỘT CÁCH HIỂN NHIÊN (1966)

Tác giả: Antoinette Virieux Reymond
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

[Auguste] Comte và các nhà thực chứng đã ngăn cấm việc truy tìm nguyên nhân[1]; theo các vị, khoa học chỉ cần khám phá ra những quy luật xác định. Thế nhưng khoa học vẫn bước qua ngăn cấm này, và tìm cách phát hiện, không chỉ loại liên hệ không thay đổi giữa các vật thể (định luật) mà cả những nguyên nhân nữa. Chúng tôi mạn phép nhắc lại ở đây những suy nghĩ của ông Cuvillier[2]: Tôi muốn giải thích vì sao một thanh sắt lại dãn ra khi ta hâm nóng nó chẳng hạn. Nếu nhà vật lý chỉ trả lời tôi bằng định luật về sự dãn nở tuyến tính

l = Io (I + l t)

thì tôi hoàn toàn có quyền nghĩ tới câu nói đùa của Molière*: Đấy, vì vậy mà con gái của ngài bị câm đấy!”[3] Định luật chỉ giải thích cho tôi tại sao thanh sắt đã dài hơn từng ấy milimét, nhưng không hề giải thích cho tôi vì sao nó dài ra. Lời giải thích thật sự sẽ là lời chỉ ra cho tôi rằng sự tăng nhiệt độ đã thay đổi cấu trúc phân tử của thanh sắt như thế nào. Và đấy là một giải thích thuộc trình tự nguyên nhân tìm thấy trong các lý thuyết về cấu trúc của vật chất.

Antoinette Virieux Reymond,
Triết Lý Khoa Học
(LÉpistémologie),
Paris: PUF, 1966, tr. 68-69





Chú thích:

[1] Xem trên trang mục này: Auguste Comte, Sự Phù Phiếm Của Việc Truy Tìm Nguyên Nhân

[2] Có lẽ là Armand Cuvillier (1887-1973), giáo sư triết học và nhà báo Pháp.

[3] Câu kết luận, sau một cuộc chẩn bệnh của nhân vật y sĩ trong hài kịch Médecin malgré lui = Y sĩ bất đắc dĩ của Molière (1666): vừa dài dòng, vừa thiếu sức thuyết phục, và chẳng ai hiểu.

Print Friendly and PDF