TẠI SAO CÁC BỨC TƯỢNG MÀ (HẦU NHƯ) KHÔNG CÒN AI QUAN TÂM NỮA LẠI BỊ THÁO DỠ?
Sarah Gensburger[1]
Bức tượng của J. Marion Sims, một bác sĩ phẫu thuật thường được coi là cha đẻ của ngành phụ khoa hiện đại, bi hạ bệ ở Central Park, New York, vào ngày 17 tháng 4 năm 2018. Nhiều tiến bộ y tế của Sims xuất phát từ các thí nghiệm được tiến hành mà không cần gây mê trên những nữ nô lệ da đen. Hình ảnh Spencer Platt / Getty Bắc Mỹ / Hình ảnh Getty qua AFP
Kể từ sự tháo dỡ bức tượng của Edward Colston ở Bristol vào ngày 7 tháng 6, sự hiện diện của những bức tượng trong không gian công cộng đã trở thành một vấn đề truyền thông.
Trong cuộc tranh luận này, cho đến nay. ít nhất là ở Pháp, những nhà khoa học đã lên tiếng chủ yếu là các nhà sử học. Tuy nhiên, xã hội học chính trị về ký ức có khả năng mang lại một cái nhìn tương đối khác về hiện tượng thời sự này. Nó không quan tâm quá nhiều đến những gì cần phải tưởng niệm, hoặc về cách để thực hiện những điều này, mà đến những hiệu ứng xã hội của những lời nhắc nhở công khai về quá khứ trong xã hội đương đại. Nói cách khác, nó thôi thúc ta tự hỏi: tại sao các bức tượng mà (gần như) không ai quan tâm nữa lại bị tháo dỡ?
Sự tháo gỡ như là sự (giải) tưởng niệm Việc loại bỏ, kể cả một cách mãnh liệt, các bức tượng, đi trước rất nhiều các sự kiện gần đây và không chỉ giới hạn ở việc nhắc lại một vài quá khứ nhất định thay vì các quá khứ khác. Chẳng hạn, đó từng là sự kiến trọng đại của sự kết thúc của Liên Xô. Gần với ta hơn và về vấn đề ký ức về chế độ nô lệ, vào năm 1991, tại Fort-de-France, các nhà hoạt động đã chặt đầu bức tượng của Hoàng hậu Josephine để phản đối việc Napoleon I, mà vợ là con gái của một điền chủ trên đảo, đã tái lập chế độ nô lệ vào năm 1802.
Các đồng nghiệp nói tiếng Anh của chúng tôi đã tạo ra thuật ngữ sự giải tưởng niệm (décommération) để nói về hiện tượng, vốn đã có từ lâu, tháo dỡ các tượng hay một cách rộng hơn, là rút khỏi không gian công cộng những gì nhắc nhở lại quá khứ. Thật vậy, thuật ngữ này thực sự phù hợp hơn ở chỗ nó cho phép chúng ta tư duy về việc tháo gỡ đúng như nó là: các hình thức - hẳn là bạo lực, hẳn là không được các đại diện chính trị chính đáng hóa, nhưng dù sao cũng là hình thức - tưởng niệm. Những ngày vừa rồi, một số nhà bình luận rất phẫn nộ về việc người ta có thể nhìn lại quá khứ bằng con mắt của hiện tại và đã tố cáo một lỗi lầm về sự lỗi thời. Tuy nhiên, đó chính là định nghĩa của sự tưởng niệm công cộng, nhìn lại quá khứ với con mắt của hiện tại.
Another slave trader drader down. This engagement with British history is so healthy. Let us hope it keeps spreading. https://t.co/pnoFn0s8pI— Dominic Bryan (@Domsball) June 9, 2020
Một lễ tưởng niệm được tạo ra, sửa đổi và nhất là được các cá nhân đã trải nghiệm nó chiếm lĩnh trước hết dựa trên hiện tại chứ không phải là trên quá khứ mà nó đề cập. Như vậy, việc một xã hội biến đổi một lễ tưởng niệm được định chế hóa - dù nó được thể hiện trong một bức tượng, một đạo luật, một đài tưởng niệm, một tấm bảng hoặc một cái gì khác - không có gì là mới hoặc độc đáo.
Tuy nhiên, thực tiễn này đã tăng tốc kể từ đầu thế kỷ 21. Và trong động thái này, nó không chỉ còn liên quan đến các cuộc biểu tình công dân và các cuộc vận động xã hội gắn liền với lịch sử của chế độ nô lệ hay chủ nghĩa thực dân. Lấy ví dụ về nước Pháp, khi Nhà Nước chỉ thiết lập bốn ngày kỷ niệm mới trong gần năm mươi năm từ 1954 đến 2000, kể từ ngày đó và như vậy chỉ trong vòng hai mươi năm, Nhà Nước đã tạo ra không dưới mười hai lễ tưởng niệm, mỗi lần tái xác định quá khứ dưới ánh sáng của hiện tại. Chẳng hạn, luật n° 2000-644 ngày 10 tháng 7 năm 2000 đã thiết lập hàng năm, vào ngày 16 tháng 7, “một ngày toàn quốc tưởng nhớ các nạn nhân của tội ác phân biệt chủng tộc và chống Do Thái của Nhà nước Pháp và tôn kính các “Người Công Minh”[2] của Pháp”. Để thực hiện điều này, Nhà Nước đã đổi tên một lễ đã có, theo nghị định số 93-150 ngày 3 tháng 2 năm 1993, nhưng mang một danh hiệu khác, đó là “Ngày toàn quốc tưởng nhớ các cuộc đàn áp phân biệt chủng tộc và chống Do Thái được thực hiện dưới sự chỉ đạo của cái được gọi là “Chính phủ của Nước Pháp” (1940-1944)”.
Sự không biết và sự thờ ơ của những người qua đường và những người dân cư trong khu vực
Thực tế là bình thường hầu hết những ngày này, các bức tượng, các tấm bia tưởng niệm và các tượng đài khác và các lễ tưởng nhớ quá khứ trong không gian công cộng hầu như không được chú ý. Phần lớn các công dân thậm chí không để ý đến sự hiện diện của chúng. Bất cứ ai cũng có thể tiến hành một thí nghiệm đơn giản và yêu cầu hàng xóm của họ nêu lên những bức tượng có trong khu phố. Hầu hết trong số họ sẽ giữ im lặng. Thậm chí, khi sự tồn tại của bức tượng được biết đến, rất hiếm khi những người qua đường bình thường, như người cư dân, biết câu chuyện về nhân vật hoặc ý nghĩa của dòng chữ được khắc. Cho đến những ngày vừa rồi, ai trong những người, trong khi đi ngang quai d'Orsay (bộ Ngoại Giao) trước mặt Palais Bourbon (trụ sở Quốc Hội), đã đặc biệt chú ý đến bức tượng của Colbert, đã giữ ký ức về nó, biết nó thể hiện nhân vật nào và cuối cùng, hành động nào (hơn là một số hành động khác) đã biến con người này thành là một “người đàn ông vĩ đại”?
Nhận xét này có giá trị ngay cả khi quá khứ được gợi lên trong không gian công cộng đề cập đến một thời kỳ gần đây. Vào tháng 1 năm 2016, Place de la République (Quảng trường Cộng Hoà), một “cây sồi tưởng niệm” mang một tấm bia kỷ niệm dưới chân đã được Thị trưởng Paris và Tổng thống khánh thành để vinh danh các nạn nhân của vụ tấn công năm 2015 ở vùng Paris. Kể từ đó, việc quan sát địa điểm và thực hiện các cuộc phỏng vấn, trong khuôn khổ của một cuộc khảo sát xã hội học dài hạn, đã cho thấy rằng rất hiếm khi một người qua đường bình thường (tất nhiên là khác nếu là họ người thân của nạn nhân), cư dân cũng như người cư trú ở vùng Ile-de-France, người nước ngoài cũng như là người ở tỉnh, biết sự tồn tại đơn giản của cây, đó là chưa nói về ý nghĩa chính xác của nó.
“Cầy sồi tưởng niệm”, Quảng trường Cộng Hòa …. của Sarah Gensburger
… và tấm biển tưởng niệm
Tuy nhiên, một thực tế đặc biệt thú vị, sự thờ ơ này nói chung vẫn tồn tại ngay cả sau khi các bức tượng bị gỡ bỏ.
Năm 2017, thị trưởng New York đã thành lập một ủy ban tư vấn để thực hiện sự kiểm tra các di tích và dấu ấn lịch sử hiện diện trong thành phố (Ủy ban Cố vấn cho thị trưởng về Nghệ thuật Thành phố, Di tích và Dấu ấn/ Mayoral Advisory Commission on City Art, Monuments, and Markers). Các trường hợp được kiểm tra đi từ Thống chế Pétain đến Christopher Columbus. Trong số đó có Đài tưởng niệm Bác sĩ J. Marion Sims. Nằm ở trung tâm của công viên Central Park, công trình này bao gồm một bệ đỡ bề thế được trang trí với bức tượng của J. Marion Sims, một nhà từ thiện bác sĩ phụ khoa đã có nhiều cống hiến cho sự tiến bộ của sức khỏe phụ nữ. Tuy nhiên, ông ấy đã thực hiện các thí nghiệm của mình trên phụ nữ nô lệ da đen, mà không đếm xỉa gì đến quyền tự do và cả tính mạng của họ. Một trong những khuyến nghị của ủy ban cuối cùng là giữ cái bệ của tượng đài về Sims, nhưng thêm một lời giải thích, trong khi đặt làm một tượng đài thay thế mới dựa trên câu chuyện về quá khứ mà xã hội New York đương đại muốn làm nổi bật - trong trường hợp này, đó là ký ức về những trải nghiệm của những phụ nữ nô lệ này. Người ta đã quyết định rằng bức tượng của bác sĩ phụ khoa nên được chuyển đến một nghĩa trang gần cái mộ của Sims để chiếm giữ, theo một cách nào đó, cái chỗ đúng đắn của nó. Vào mùa xuân năm 2019, chỉ còn một bệ trống được giữ lại tại chỗ.
Cái bệ của tượng của Sims sau khi tượng đã bị dời đi. Spencer Platt/AFP
Với các sinh viên của tôi từ Viện Nghiên cứu Pháp (Institute for French Studies) tại Đại học New York, đã làm việc lúc đó cùng với tôi về sự so sánh tiến trình giải tưởng niệm hóa ở Paris và New York, chúng tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn người qua đường và người sử dụng phần này của công viên cũng như các đường phố liền kề. Công việc điều tra này cho thấy rằng chỉ những người đã, bằng cách này hay cách khác, tham gia vào việc vận động nhằm tháo gỡ tượng đài của Sims mới ý thức về sự biến mất của nó. Những người khác, tức là tuyệt đại đa số áp đảo và trong số họ, một số người Mỹ gốc Phi, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ ghi nhận sự biến đi của “một bức tượng”, nhưng thường là không nhận thấy gì cả... ngoại trừ việc cái bệ trống cuối cùng cung cấp một sân chơi mới cho trẻ em tham quan phần này của công viên.
Tác động thực sự của các chính sách về ký ức là gì?
Trên quan điểm xã hội học, câu hỏi không chỉ là có nên giữ bức tượng này hay bức tượng khác hay không, mà nghiên cứu xem những di tích của quá khứ trong không gian công cộng phục vụ cho điều gì. Các nghiên cứu hiện tại còn quá hiếm, được thực hiện ở Pháp cũng như ở những nơi khác, thúc giục chúng ta phải rất cẩn thận về tác động của các bức tượng, tượng đài, biển, triển lãm và các vectơ tưởng niệm khác.
Ngược lại với một sai lầm hiển nhiên, việc truyền lại ký ức không phải lúc nào cũng, và thậm chí rất hiếm khi, biến đổi các hình tượng và khuôn mẫu của những người mà nó hướng đến. Cho dù, trong trường hợp của các quốc gia dân chủ, người ta giao cho các điểm hỗ trợ cho câu chuyện kể về quá khứ sứ mệnh xã hội chống phân biệt chủng tộc, chống chủ nghĩa bài Do Thái và các phân biệt đối xử đương thời hoặc, ngược lại, trong trường hợp của các phong trào cực hữu, sứ mệnh liên kết các phong trào chính trị, song các nghiên cứu mà chúng tôi có chỉ ra rằng những điểm hỗ trợ này cuối cùng chỉ nói với những người đã được thuyết phục rồi - với nguy cơ phản tác dụng, thậm chí, củng cố niềm tin của những người mà các điểm hỗ trợ này có mục tiêu là làm biến đổi các hình tượng và khuôn mẫu.
Tuy nhiên, và vượt xa vấn đề thời sự về số phận được dành cho các bức tượng, một số người bênh vực những nhóm bị phân biệt đối xử vì màu da, xu hướng tính dục, giới tính, nơi cư trú hoặc tôn giáo của họ dường như coi việc nhấn mạnh đến ký ức của những người trong nhóm, anh hùng hay nạn nhân, trong không gian công cộng như là một phương tiện hành động ưu tiên. Do đó, từ nhiều tháng nay, các bức tường của Paris đã được phủ bằng các tờ giấy biểu thị các bản biển ảo, được thiết kế như là biểu tượng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng vẫn bị giam hãm trong chính khuôn khổ của các chính sách công cộng về ký ức, về quá khứ cũng như hiện tại, mà nó có ý định chống lại.
Các bản được hiển thị trong không gian công cộng ở Paris, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020. Sarah Gensburger
Như vậy, trái ngược với những gì được ngụ ý bởi hầu hết các bình luận chính trị và đặc biệt là bài phát biểu của Tổng thống vào ngày 14 tháng 6, những yêu sách kiểu này, mà hình thức cực đoan là sự tháo dỡ các bức tượng, không phải là dấu hiệu của “chủ nghĩa ly khai” nhưng thực sự là bằng chứng cho thấy những người chuyển đạt chúng chia sẻ với đối thủ của họ việc sử dụng ký ức như một ngôn ngữ chung của chính trị.
Với đồng nghiệp của tôi, Sandrine Lefranc, chúng tôi đã chỉ ra rằng hiệu quả chính của các chính sách về ký ức đương đại không phải là biến đổi các biểu hiện của quá khứ hoặc hướng dẫn hành vi trong tương lai. Tác dụng chính của chúng là tạo ra một không gian chính trị chung, cho dù nó mang tính mâu thuẫn, với sự tham gia của càng nhiều diễn viên xã hội dựa vào và tham gia vào không gian này.
Các nước phương Tây, cũng như các tổ chức quốc tế, trong những năm gần đây, đã không ngừng liên kết ký ức và quyền công dân, sự truyền lại các quá khứ bạo lực và sự chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các yêu sách nhằm chống lại sự phân biệt chủng tộc được thể hiện thông qua các yêu cầu về tưởng niệm trong đó các bức tượng hoặc các bản biển về đường phố chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ khác. Tình trạng này không phải là ly khai. Trên quan điểm của khoa học chính trị, trái lại, nó là dấu hiệu của sự tham gia hoàn toàn của các tác nhân được huy động như trên trong trường chính trị Pháp như là chính Nhà nước đã cấu trúc trường này bằng các chính sách công của mình, ở Pháp cũng như ở hầu hết các nước Châu Âu và Bắc Mỹ, theo các phương thức hẳn là khác nhau mỗi lần. Công nhận thực tế này là điều kiện tiên quyết để thiết lập một cuộc tranh luận chính trị và công cộng mang tính xây dựng về những vấn đề này.
Sự cần thiết phải triển khai những thay đổi mang tính hệ thống
Do đó, thật vô hiệu khi tìm cách mang lại những thay đổi mang tính hệ thống bằng cách nhấn mạnh hoặc hạ bệ các nhân vật - cả hai đều là những mặt của cùng một mề đay.
Thay đổi xã hội không phải là thay đổi các cá nhân để biến họ thành “những người tốt” thay chỗ cho “những nhân vật xấu xí”. Thay đổi xã hội là phải thay đổi các mối quan hệ ràng buộc các cá nhân này với nhau. Nghiên cứu tác động của các chính sách về ký ức đã chỉ ra rằng việc chuyển đổi các hình tượng của các cá nhân rõ ràng là không đủ để thay đổi hành vi của họ. Tương tự như vậy, giản lược các tình huống thống trị trong quá khứ hoặc giải phóng trong tương lai về tính gương mẫu của một số ít người, là không hiểu các cơ chế vốn là nguồn gốc của chính các sự thống trị, phân biệt đối xử và bất bình đẳng này.
Thật vậy, ba trong số sáu nhân viên cảnh sát chịu trách nhiệm về cái chết của chàng trai người Mỹ gốc Phi Freddie Gray, cái chết từng gây ra bạo loạn ở Baltimore năm 2015, là người da đen. Những người vốn hành động lúc đó với tư cách là cảnh sát, và do đó hành động trong một nghề nghiệp ở Mỹ bị các vấn đề chủng tộc cấu trúc, đã hành động theo kiểu phân biệt chủng tộc mặc dù chính họ trong cuộc sống đời thường đã mang vết sẹo do màu da khiến họ trở thành nạn nhân tiềm tàng.
Officer Caesar R. Goodson Jr. (Black) Received Most Serious Charge In Gray Case http://t.co/i5pGLEuu4j #PJNET #TCOT pic.twitter.com/bKtQ7SMh5g
— Leah 🇺🇸🇺🇸🇺🇸🇺🇸🇺🇸🇺🇸 (@LeahR77) May 2, 2015
Sáu sĩ quan cảnh sát bị buộc tội trong vụ thảm sát ở Baltimore
Cũng như vậy, xã hội học đã cho thấy rằng việc tạo ra một chế độ nghỉ bắt buộc lâu dài cho người cha hoặc việc thực thi các quy tắc ràng buộc liên quan đến giờ làm việc, và đặc biệt là việc cấm các cuộc họp cuối ngày, có nhiều khả năng thay đổi tình trạng của phụ nữ hơn là việc nhấn mạnh đến các nữ anh hùng hay các chương trình đấu tranh chống lại các định kiến khuôn mẫu.
Cuối cùng, lịch sử của Shoah[3] đã chỉ ra rằng có những người chống Do Thái đã giúp người Do Thái sống sót, trong khi những người khác, vốn không chia sẻ những định kiến chủng tộc như vậy, đã có thể tham gia hoặc tạo điều kiện khiến người Do Thái bị bắt giữ. Trước hết, chính những tình huống xã hội trong đó chúng ta sống hàng ngày định hình các hành động và phạm vi của những khả năng của chúng ta, chứ không phải một ví dụ của quá khứ và những giá trị mà nó chuyển tải, và là các điều mà chúng ta sẽ tự đồng nhất vào khi hành động. Xã hội không được tạo thành từ những cá thể cô lập mà ta có thể khuyến khích sự phát triển cá nhân hoặc định hướng cho các hành vi bằng những “cú hích” hay những mệnh lệnh về ký ức. Một xã hội trước hết là một tổng thể phụ thuộc lẫn nhau, có thứ bậc và có cấu trúc: một hệ thống.
Sarah Gensburger (1976-) |
Chắc hẳn, và đó là một điều thật may mắn, là các ủy ban của công dân và chuyên gia sẽ được thiết lập trong những tháng tới để cùng nhau bàn về vị trí và hình thức mà “ký ức” sẽ có trong không gian công cộng, đặc biệt là liên quan đến quá khứ thuộc địa và nô lệ và cả đến vị trí của phụ nữ. Giống như trường hợp ở New York, chúng chắc chắn sẽ đưa ra các khuyến nghị kích thích. Tuy nhiên, biện hộ cho sự chấm dứt sự phân biệt đối xử và một sự bình đẳng chính trị hoàn toàn, về mặt xã hội và kinh tế, không chỉ giới hạn ở các cuộc thảo luận xung quanh sự hiện thân mang tính cá nhân của quá khứ và, khi tập trung vào vấn đề tháo dỡ, cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông lại đẩy lùi vào một vị trí thứ yếu các hậu quả cấu trúc, ví dụ như kinh tế, không chỉ về chế độ nô lệ mà còn về việc bãi bỏ nó. Sự đền bù chỉ có thể là tượng trưng. Thách thức hôm nay là sự biến đổi có hệ thống của hiện tại.
Dịch giả: Phạm Như Hồ
Nguồn: “Pourquoi déboulonne-t-on des statues qui n’intéressent (presque) personne?“, The Conversation, 30.6.2020.
----
Những bài cùng chủ đề trên The Conversation
Edward Colston statue toppled: how Bristol came to see the slave trader as a hero and philanthropist
----
Bài có liên quan:
Chú thích:
[1] Nhà nghiên cứu khoa học xã hội về chính trị, Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia, Đại Học Nanterre, Đại Học Paris Nanterre, Đại Học Paris Lumières.↩
[2] Người công minh (le Juste) là danh hiệu Do Thái dùng để tôn vinh những người đã cứu người Do Thái trong Thế Chiến thứ II khi mà chính sách Shoah của Đức Quốc Xã muốn tiến hành diệt chủng dân tộc Do Thái. (ND)↩
[3] Shoah là chính sách diệt chủng dân tộc Do Thái mà Đức Quốc Xã và Hitler đã triễn khai trong Thế Chiến thứ II: 5 đến 6 triệu người Do Thái đã bị giết, tức là khoảng 40% cộng đồng Do Thái trên thế giới. (ND)↩