28.8.20

“Ngày nay, nhiều người trong số họ vẫn giữ một cảm giác không chính đáng”: trong khủng hoảng y tế, các chuyên gia nữ có tỉ lệ đại diện thấp

“NGÀY NAY, NHIỀU NGƯỜI TRONG SỐ HỌ VẪN CÒN GIỮ MỘT CẢM GIÁC KHÔNG CHÍNH ĐÁNG”: TRONG KHỦNG HOẢNG Y TẾ CÁC CHUYÊN GIA NỮ CÓ TỶ LỆ ĐẠI DIỆN THẤP.

Anne Chemin
ĐIỀU TRA | 80% các “chuyên gia” được giới truyền thông phỏng vấn về Covid-19 và những hậu quả của nó là nam giới. Sự thiếu vắng cân bằng giới này là sản phẩm của một lịch sử lâu dài: trong nhiều thế kỷ, nữ giới đã bị loại ra khỏi thế giới tri thức và cả không gian công cộng.
Họ đã biến mất khỏi cuộc thảo luận công cộng mà không báo trước, như đi rón rén trên đầu ngón chân - đến nỗi phải cần đến bộ máy thống kê của Viện nghe nhìn quốc gia Pháp (- INA - l’Institut national de l’audiovisuel) và Hội đồng nghe nhìn tối cao Pháp (- CSA - Conseil supérieur de l’audiovisuel) để đo lường qui mô của thất bại thảm hại này. Trong khủng hoảng Covid-19, các “chuyên gia” nữ vắng bóng, hoặc gần như thế, trên các sân khấu truyền hình và các cuộc thảo luận qua đài phát thanh. “Tiếng nói có uy tín vẫn là độc quyền của nam giới, kể cả trong lĩnh vực y tế nơi đa số là nữ”, các nhà nghiên cứu David Doukhan, Cécile Méadel và Marlène Coulomb-Gully đã xác nhận như vậy ngày 23 tháng sáu trên tạp chí truyền thông của INA (Revue des médias de l’INA) sau khi phân tích báo chí của các đài TF1, France 2, France 3, Cnews và BFM-TV từ tháng ba đến tháng tư 2020.
Nhận xét của CSA cũng không kém phần nghiêm khắc. Khủng hoảng y tế đã làm “trầm trọng thêm” một sự bất thường mà chính quyền chống lại từ nhiều năm nay: tỷ lệ nữ giới thấp hơn nam giới trong lĩnh vực truyền thông nghe nhìn (41% nữ, 59% nam), thường bị giới hạn trong những bộ phận truyền thống của nữ giới - lời chứng về đời sống hàng ngày (55% nữ, 45% nam). Trong khủng hoảng y tế, nữ giới được mời trình bày kinh nghiệm bản thân của “người mẹ trong cách ly” hoặc nạn nhân của bạo lực, nhưng hiếm khi nữ giới được khoác lên chiếc áo đáng kính trọng của chuyên gia.
Lời chứng của “các bà mẹ trong cách ly”
Khó khăn để đạt đến địa vị của người “có tri thức” không mới - năm 2019, nữ giới chỉ chiếm 38% trong số những chuyên gia được mời lên truyền hình và phát thanh -, nhưng tỷ lệ này còn có xu hướng giảm nhiều trong đại dịch. Trong số 3000 chuyên gia được phỏng vấn trên các đài TF1, France 2, M6, France 5, BFM, LCI, France Inter và RTL, chỉ 20% là phụ nữ. Sự vắng bóng này lại càng khó hiểu khi nữ giới chiếm đa số trong lĩnh vực y tế: nữ bác sĩ được giới truyền thông mời chỉ chiếm 27% so với tổng số bác sĩ được mời, trong lúc đó theo INSEE (Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp), nữ chiếm 52% số bác sĩ trong bệnh viện và 46% số bác sĩ tổng quát và bác sĩ chuyên khoa.
Marlène Schiappa (1982-)
Simone de Beauvoir (1908-1986)
Sự mất cân bằng này được xem là đáng lo ngại đến nỗi nguyên quốc vụ khanh phụ trách bình đẳng Marlène Schiappa đã gửi cho nữ dân biểu Céline Calvez (thuộc đảng Cộng Hòa tiến bước) một phúc trình về “vị trí của nữ giới trong truyền thông trong thời kỳ khủng hoảng”. Trong thư trình bày của mình, Marlène Schiappa trích dẫn từ tác phẩm Giới nữ (Le deuxième sexe) một lời cảnh báo mà ngay từ năm 1949, Simone de Beauvoir đã gửi đến những phụ nữ khi họ tưởng rằng cuộc chiến đấu sẽ chấm dứt một ngày nào đó: Đừng quên rằng chỉ cần một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế hay tín ngưỡng là các quyền của phụ nữ sẽ bị đặt lại vấn đề. Sẽ không bao giờ đạt được các quyền này. Các chị phải cảnh giác suốt đời.
Anita Bhatia
Marlène Coulomb-Gully (1958-)
Simone de Beauvoir đã nhìn đúng, Marlène Schiappa nhận định như vậy trong một bài viết do Tổ chức Jean-Jaurès công bố ngày 27 tháng 4. Bà ấy nhận xét: “Chỉ mới có vài ngày thôi mà các cuộc tranh đấu do nhiều thế hệ tiến hành, được ghi vào chương trình nghị sự công cộng của tất cả các nước phương Tây có nguy cơ suy sụp, khắp nơi trên thế giới, dù không muốn, các báo và tạp chí đều đề nghị “các trang nhất” hay các hồ sơ “men only” (chỉ có đàn ông)”. Trong khủng hoảng, ta đã thấy ai trên các sân khấu truyền hình?, Anita Bhatia còn nói mạnh hơn trên trang web của Liên Hiệp Quốc ngày 26 tháng 3Một làn sóng thủy triều đàn ông.” Bà là phó giám đốc của Tổ chức Liên Hiệp Quốc vì Bình đẳng Giới (l’Entité des Nations unies pour l’égalité des sexes).
Trong một nước mà nữ giới được tiếp cận tri thức thì sự phân chia vai trò này có phần nghịch lý. “Nam giới chiếm độc quyền tiếng nói của chuyên gia, trong lúc đó thì nữ sinh đỗ tú tài nhiều hơn nam sinh, và nữ sinh viên tốt nghiệp đại học cũng nhiều hơn nam sinh viên”, theo Marlène Coulomb-Gully, nữ giáo sư Đại học Toulouse II – Jean Jaurès. Nhưng đó là sự thắng thế trong một thời gian ngắn: một khi hoàn tất việc học, nữ giới khó đạt được các vị trí tốt trong hệ thống cấp bậc để có thể giúp họ có tiếng nói trong giới nghiên cứu và giảng dạy.
Tấm trần kính
Những con số tự nó đã nói lên: theo Bộ Đại học và nghiên cứu, phụ nữ chiếm 45% số giảng sư đại học (maîtres de conférences), cao hơn tỷ lệ phụ nữ trong số giáo sư đại học nhiều (26%). Ngoài ra có rất ít nữ đứng đầu các đại học hay cơ quan nghiên cứu”, bà bộ trưởng Bộ Đại học Frédérique Vidal đã xác nhận như vậy vào ngày 8 tháng 3. Lĩnh vực y tế cũng không thoát khỏi tấm trần kính này: năm 2017 và 2018, nữ giới chỉ chiếm 28% tổng số người được đề bạt vào vị trí bác sĩ/dược sĩ/nha sĩ bệnh viện công, và 38% các vị trí giảng sư đại học kiêm bác sĩ/dược sĩ/nha sĩ bệnh viện công.

George Sand (1804-1876)
Chênh lệch này là hậu quả của một lịch sử lâu dài: trong nhiều thế kỷ, nữ giới bị loại trừ khỏi thế giới của tri thức. Trong Thư gửi Marcie (Lettres à Marcie) năm 1837, George Sand viết: Họ (phụ nữ - ND) nhận một nền giáo dục tệ hại. Đó là một tội ác lớn của nam giới đối với nữ giới. Họ đã hoàn tất chế độ nô lệ và sự ngu muội của phụ nữ, mà ngày nay họ nói là thể chế thần thánh và pháp chế vĩnh cửu.” Một thế kỷ sau, Virginia Wolf đã gợi ra trong tác phẩm Ba đồng ghi nê (Three guineas - 1938 -) sự nhục nhã của nữ giới vì mãi cho đến năm 1919, họ không thể tham gia vào “dòng người dài của những người đàn ông có học thức” như cha và anh của họ.
Vào đại học vào đầu thế kỷ XX

Michelle Perrot (1928-)
Nhà sử học nữ Michelle Perrot, trong tác phẩm Vị trí của nữ giới. Một cuộc chinh phục khó khăn không gian công cộng (La place des femmes. Une difficile conquête de l’espace public, Nhà xuất bản Textuel, 176 trang) đã nhấn mạnh rằng tại Pháp, chính quyền đã bỏ rơi giáo dục cho nữ từ lâu. Bà phân tích: Nước Pháp bị nước Anh, Đức và các nước Bắc Âu qua mặt. Đạo Tin Lành ưu ái việc học của nữ giới hơn Công giáo nhiều, vốn không tin vào trí tưởng tượng của nữ giới.” Năm 1861, Julie Daubié sau một cuộc đấu tranh dữ dội, đã đạt được quyền thi tú tài ở tuổi 37, nhưng phải chờ đến luật Jules Ferry năm 1881 thì nhà trường mới dạy cùng chương trình cho nữ sinh và nam sinh.
Nữ giới được vào đại học còn trễ hơn nhiều. “Thời đại của nữ sinh viên bắt đầu một cách rụt rè trước năm 1914, lúc đó người ta đếm được vài trăm nữ sinh viên ở châu Âu, họ đông hơn nhiều giữa hai trận thế chiến, lúc đó bóng dáng thiếu nữ xuất hiện khắp nơi trong các tấm ảnh chụp chung nhóm - Michelle Perrot tiếp tục. Mỗi giai đoạn là một bước nhảy qua các trở ngại: đối với tiếng la tinh, tinh hoa của nhân loại, nữ giới được xem là không xứng đáng để học; đối với ngành luật, một vũ khí đầy nam tính ưu việt nhất; đối với toán học, nổi tiếng là quá trừu tượng đối với trí não của nữ giới; đối với mỹ thuật thì việc nghiên cứu khỏa thân bị cho là bất lịch sự đối với các cô gái trẻ.”
Christine Bard (1965-)

Sự loại trừ lâu dài nữ giới khỏi nhiều ngành của tri thức đã để lại dấu vết. Christine Bard, nữ giáo sư lịch sử hiện đại tại đại học Angers nhấn mạnh: Nữ giới đã có mặt ở các đại học từ hơn một thế kỷ nay, nhưng nếu so với chiều dài của lịch sử thì đó là một sự kiện mới gần đây – hơn nữa xu hướng nữ hóa mạnh mẽ ở đại học chỉ bắt đầu từ sau năm 1968. Mặc dù đại học cung cấp nền tảng trí tuệ, ngày nay nhiều phụ nữ vẫn còn giữ cảm giác không chính đáng, ngay cả khi họ tham gia vào lĩnh vực họ có năng lực. Họ có một cảm giác mơ hồ là không tuân theo các “quy luật của giới”.
Trong tác phẩm Những người phụ nữ làm nên lịch sử. Họ làm gì cho tư tưởng? (Les Faiseuses d’histoire. Que font les femmes à la pensée? - Nhà xuất bản La Découverte, 2011), các nữ triết gia Vinciane Despret và Isabelle Stengers tìm hiểu sự khó chịu của những phụ nữ đã tham gia vào “dòng người nam giới có học thức” vào cuối thế kỷ XX. Nhà toán học và triết học (nữ) Laurence Bouquiaux ở đại học Liège (Bỉ) xác nhận rằng trong giới đại học bà thường lấy thái độ ngoan ngoãn của những phụ nữ đã chiếm lấy nơi không “dành cho họ” - “làm như họ không cảm thấy được cho phép tranh cãi, hoặc là tranh cãi một cách nhẹ nhàng, dưới hình thức câu hỏi hay gợi ý mà ngay khi nêu lên họ đã ngụ ý rằng họ sẵn sàng từ bỏ những ý đó”.
Xin được thứ lỗi vì sự thông minh của mình
Laurence Bouquiaux gợi lại hình ảnh những “nữ sinh ngoan” cảm thấy được dung thứ với điều kiện là “vô hại”. “Người ta để cho nam giới lên tiếng (trong các buổi họp, hội thảo và có thể là ngay cả trong các sách) bởi vì rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi chỉ tha thứ cho sự thông minh của chúng tôi nếu chúng tôi đừng tỏ ra xuất sắc. Khiêm tốn là một đức hạnh cốt lõi (tất nhiên là đối với nữ giới). Nữ giới thực hiện, làm những công việc lặt vặt, áp dụng một cách ngoan ngoãn điều đã học, nhưng không sáng tạo, hay là chỉ sáng tạo bên lề về những vấn đề không có tầm cỡ mà nam giới không thèm để tâm đến dù chỉ một giờ làm việc.”
Thêm vào cảm giác không thoải mái bắt nguồn từ cảm tưởng “không đúng chỗ” trên diễn đàn trí tuệ đôi khi là sự khó khăn khi lao vào các cuộc tranh luận “chung chung”. Nhà sử học Christine Bard đã nhận xét: “Nhiều phụ nữ là chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng khi họ làm việc về những chủ đề đặc biệt có “tính giới” như gia đình, tình dục hay giáo dục, họ bị mắc bẫy trong những lĩnh vực, than ôi, được xem là “đặc thù” hay bên lề. Thế mà trong truyền thống của Pháp, người trí thức được xác định bởi chính sự phát triển của kiến thức tổng quát. Nam giới sẵn sàng phô trương một dạng kiến thức về mọi lĩnh vực khoa học tạo điều kiện cho họ phát biểu về những vấn đề không nhất thiết là chuyên môn của họ.”
Một cuộc khủng hoảng y tế gây hoang mang
Theo Marlène Coulomb-Gully, khó khăn này còn tăng thêm vì khủng hoảng toàn cầu do virus corona mang đặc điểm chưa từng xảy ra và gây hoang mang. Bà nhấn mạnh: “Khi nữ giới không còn cái phao là các số liệu và các nghiên cứu của họ thì họ ngại phát biểu. Những điều bất định về khoa học, chính trị, kinh tế hay xã hội khiến họ có cảm giác là phát biểu của họ không đứng vững. Trong khủng hoảng Covid-19, họ đã gặp khó khăn khi phải trả lời những câu hỏi tổng quát về “thế giới hậu Covid-19”. Đó không phải là vấn đề thuộc về bản chất mà là di sản của lịch sử: tính chung chung là dấu ấn của ngôn từ của nam giới.”
J. J. Rousseau (1712-1778)
Nếu nữ giới, mặc dù có bằng cấp và năng lực, ngại can thiệp với tư cách là chuyên gia, cũng bởi vì trong nhiều thế kỷ họ bị cấm tham dự vào không gian công cộng. “Một người phụ nữ ở nơi công cộng luôn luôn bị đặt sai chỗ”, nhà triết học và toán học Pythagore (580-495 trước công nguyên) đã khẳng định như vậy. “Bất kỳ người phụ nữ nào xuất hiện trước công chúng đều tự làm ô danh mình”, đó là lời tuyên tuyên bố vang vọng lại hai ngàn năm sau của Jean-Jacques Rousseau. Tiếng Pháp ngày nay vẫn còn in đậm dấu vết của sự phân chia vai trò này: một người đàn ông “của công chúng” (homme public) hành động với sự cao quý và phẩm giá cho lợi ích chung, một phụ nữ “của công chúng” (femme publique) thuộc về mọi người, trong một bầu không khí đáng xấu hổ và tủi nhục.
Năm 1789, nữ giới không có quyền bầu cử và không có tiếng nói
Với nhà sử học nữ Michelle Perrot, Cách mạng Pháp đã củng cố thêm quan niệm truyền thống về hai giới khi từ chối mở cửa không gian công cộng cho phụ nữ. Năm 1789, đại biểu quốc hội Sieyès (ông là một linh mục - ND) xếp phụ nữ vào loại các công dân “thụ động”: như trẻ em và người nước ngoài, họ không thể “tham gia tích cực vào việc thành lập chính quyền” - ít nhất là trong tình trạng hiện tại, ông nói rõ thêm. Theo linh mục Sieyès, nữ giới phải tránh tích cực gây ảnh hưởng lên những việc công cộng”.
Không có quyền bầu cử, phụ nữ thời kỳ cách mạng cũng không có quyền phát biểu. Michelle Perrot đã viết: “Nghệ thuật hùng biện, được Cách mạng đưa lên đỉnh cao, là sự trả đũa của phẩm chất rắn rỏi và hùng biện nam tính đối với sự ủy mị nữ tính của các cuộc bàn luận xa-lông quý phái. Phương thức phát biểu trước công chúng của phe Jacobins hay của nền Cộng hòa đang chiến thắng lấy cảm hứng từ diễn đàn La Mã hay những bài diễn thuyết của Cicéron. Để phục vụ thuật hùng biện nam tính, cần có một giọng khỏe, những điệu bộ khoa trương, cả một nghệ thuật biên kịch bị từ chối đối với nữ giới, họ bị cấm đăng đàn diễn thuyết, bất kể đó là diễn đàn, pháp đình, Quốc hội, câu lạc bộ hay các đảng phái.
Những người vợ và chủ nhà vào thế kỷ XIX
Thế kỷ XIX đã đưa sự phân chia theo giới tính lên cực điểm: nam giới chế ngự không gian công cộng, nữ giới bị giới hạn trong không gian riêng tư. Bị thu hẹp vào vai trò người vợ, người mẹ, người chủ nhà, họ học không nói lớn, không bàn chuyện chính trị, không mạo hiểm đi một mình trên đường phố. Trong các đấu trường chính trị cũng như ở các tòa án, xã hội buộc họ phải im lặng: năm 1897, Jeanne Chauvin đã trưng ra các bằng cấp cần thiết để tham gia đoàn luật sư vẫn bị từ chối quyn biện hộ trước tòa án. Phải chờ đến năm 1900 mới có luật để bà ấy được hành nghề luật sư.
Adelheid Popp (1869-1939)

Vào đầu thế kỷ XX, nữ giới tấn công vào vấn đề bầu cử - nhưng là một cuộc chiến đấu gay go. Năm 1909, trong Tuổi trẻ của một nữ công nhân (Jeunesse d’une ouvrière), nhà nữ quyền Adelheid Popp (1869-1939) kể lại như thế này về những khó khăn của bà khi muốn phát biểu trong Đảng xã hội Áo. “Tôi đã không dám thốt ra một lời nào, thậm chí không có can đảm vỗ tay tán thành”. Nhờ không ngừng luyện tập đọc diễn văn một mình ở nhà, cuối cùng bà đã vượt qua nỗi sợ, nhưng sự thoải mái của bà lại gieo hoài nghi về căn tính giới của bà. “Những người thợ dệt nói chắc chắn bà là một người đàn ông giả trang thành đàn bà: “Vì chỉ có đàn ông mới biết nói được như vậy”, Michelle Perrot thuật lại.
Như vậy, ngày nay sao lại còn ngạc nhiên khi việc nữ giới phát biểu trước công chúng vẫn là điều không bình thường? Khi việc này tiếp tục vấp phải những trở ngại, những ngăn cản, những ngập ngừng và miễn cưỡng? “Văn hóa im lặng áp đặt cho phụ nữ chưa hoàn toàn biến mất, Marlène Coulomb-Gully giải thích. Khi phụ nữ phát biểu trong các cuộc thảo luận họ phải nói to trong khi giọng nói của họ thường bị chế giễu, họ phải thu hút sự chú ý trong khi thái độ này bị cấm trong thời gian dài, và phải có niềm tin rằng những lời nói của mình là đúng và quan trọng trong khi lời nói của họ thường bị làm mất uy tín và bị cho là chuyện tầm phào”.”
Vượt qua những điều bất lợi này không dễ dàng chút nào, như hai nhà chính trị học nữ Delphine Dulong và Frédérique Matonti xác nhận dựa trên quan sát trong vòng một năm các cuộc thảo luận của vùng Ile de France. Được công bố vào năm 2007, công trình này giúp ước lượng được qui mô của sự mất cân bằng trong tham gia phát biểu: các dân biểu nữ phát biểu gần hai lần thấp hơn đồng nghiệp nam giới. Ngoài ra, nam giới cắt lời những người khác nhiều hơn và giành phát biểu nhiều hơn trước khi được mời phát biểu, hai nhà nghiên cứu nhấn mạnh như vậy trong một bài báo đăng trên tạp chí Sociétés & Représentations (n° 24, Publications de la Sorbonne) - Xã hội và Biểu tượng, số 24, ấn phẩm của La Sorbonne -.
Phụ nữ bị che khuất, dấu hiệu của sự phân biệt giới tính có hệ thống
Delphine Dulong
Frédérique Matonti (1958-)v
Sự bất đối xứng cũng là một vấn đề văn phong: ngôn từ trịnh trọng và hống hách của nam giới nổi hơn hẳn sự thận trọng dè dặt của nữ giới. Frédérique Matonti và Delphine Dulong xác nhận: “Họ từ bỏ ý định phát biểu dễ dàng hơn nam giới nhiều sau khi họ đã yêu cầu được phát biểu với lý do là có một nam giới trước đó đã nói điều mà họ muốn nói. Ngoài ra, họ “thú nhận” dễ dàng hơn nhiều những hoài nghi, không có ý kiến, thậm chí sự thiếu năng lực của mình.” Người ta thường không nhận biết những tương phản này: hai bà kết luận rằng khi vấn đề giới đi vào hoạt động thì thường là theo cách “không thấy được”.
Đối với nhà sử học Christine Bard, tình trạng không thấy phụ nữ là một dấu hiệu của sự phân biệt giới tính “có tính hệ thống” còn chi phối xã hội chúng ta, mặc dù những tiến bộ to lớn đã được thực hiện trong những thập kỷ vừa qua. “Nếu chúng ta cần số liệu để phân tích những mất cân bằng nam-nữ chính là vì sự mất đối xứng giữa hai giới có vẻ tầm thường, thậm chí bình thường. Sự phân biệt giới tính có tính hệ thống vượt ra khỏi nhận thức và thiện chí của chúng ta. Nó xâm nhập vào nam giới cũng như nữ giới. Hiện tượng giáo dục và văn hóa này vốn giải thích sự yếu ớt của nữ giới và lòng tin thái quá của nam giới là khó biến đổi: quá trình xã hội hóa theo giới nữ hay theo giới nam bắt đầu từ mẫu giáo.”

Marie Duru-Bellat (1950-)
Sự dè dặt của nữ giới quả thực không phụ thuộc vào một bản chất” bí ẩn nào được truyền từ mẹ sang con gái từ muôn đời: như nhiều công trình nghiên cứu về giới đã chỉ ra, sự dè dặt đó cắm rễ rất sâu trong thực tiễn giáo dục. “Điều mà ta gọi là bản chất của nữ giới là một điều gì đó vô cùng giả tạo, kết quả của một sự trấn áp bị áp đặt bởi một vài khía cạnh và của sự kích thích đi ngược lại trật tự tự nhiên bởi các khía cạnh khác”, nhà triết học người Anh John Stuart đã viết như vậy vào năm 1869. Marie Duru-Bellat, tác giả của tác phẩm Sự chuyên chế của giới (La Tyrannie du genre) (Presses de Sciences Po, 2017) xác nhận: “Cảnh sát của giới” (được hiểu là toàn bộ các công cụ kiểm soát theo hướng phân biệt giới tính - ND) ngày nay vẫn còn rập khuôn cả thể chất và tinh thần.
“Tuổi thơ của các thủ lĩnh”
Đối với nhà xã hội học nữ Marie Duru-Bellat, “một chi tiết vô cùng nhỏ của sự thống trị” sẽ gặm nhấm dần dần lòng tin của các cô gái. “Từ những năm đầu tiên ở trường học, kỳ vọng của các thầy cô đối với hai giới rất khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy họ khuyến khích các em gái ngoan, bình tĩnh, chăm chỉ, nghiêm túc, lễ phép và thận trọng - đưa đến nguy cơ phát triển một “sự lệ thuộc do giáo dục mà có”, theo cách nói của các nhà tâm lý học Mỹ. Ngược lại các giáo viên tăng cường sự tự tin của nam sinh bằng cách khuyến khích chúng thử thách nguy hiểm và vượt qua những khó khăn – đó là “tuổi thơ của thủ lĩnh” theo cách nói của các nhà xã hội học Christian Baudelot Roger Establet.
Trong các giờ học, việc tham gia phát biểu của nữ sinh và nam sinh cũng bị chi phối bởi những mất cân bằng mà giảng viên vẫn không ý thức. Marie Duru-Bellat tiếp tục: “Trong những năm 1970-1980, các giáo viên dành hai phần ba thời gian của họ cho nam sinh và những phát biểu của nam sinh cũng chiếm hai phần ba tổng số phát biểu của học sinh. Ngày nay, khoảng cách đã được thu hẹp nhưng giáo viên vẫn coi trọng tiếng nói của nam sinh hơn: họ hỏi nam sinh nhiều hơn và dành thời gian nhiều hơn để chờ đợi những câu trả lời của chúng. Cả giáo viên lẫn học sinh thường không nhận thấy những tiến trình kín đáo, không chính thức và bị biến thành tầm thường này.

Gaël Pasquier
Trong một công trình công bố vào tháng 3, nhà xã hội học Gaël Pasquier, tác giả của quyển sách Xây dựng bình đẳng giới và bình đẳng tình dục (Construire l’égalité des sexes et des sexualités - Presses universitaires de Rennes, 2019), xác nhận rằng các giáo viên có cố gắng cân bằng các phát biểu bằng cách luân phiên hỏi nam sinh và nữ sinh, hay theo thứ tự bàn học, đã vấp phải sự không thấu hiểu của lớp: bình đẳng gây nên sự phản đối phẫn nộ của nam sinh và sự ngạc nhiên lo lắng của nữ sinh. Bởi vì những chiến lược này làm xáo trộn các vai trò “truyền thống”, ông nhấn mạnh là chúng tạo điều kiện cho trẻ em tự phóng chiếu một cách khác trong đời sống hiện nay và mai sau của chúng”.
Chất vấn về mô hình thảo luận công cộng
Có phải các cô gái chỉ cần bắt chước giống hệt hành vi của các chàng trai? Một khi trưởng thành, họ phô bày sự tự tin vững chắc như nam giới? Trên diễn đàn trí tuệ, họ tỏ ra có sức chinh phục và quả quyết như những nam giới đồng nhiệm? Nhà sử học Christine Bard nêu ra mối hoài nghi về những điều nói trên. Tính thận trọng khiến phụ nữ giữ khoảng cách với thảo luận công cộng, nhưng có một động tác do dự trước khi phát biểu là một phẩm chất trí thức, bà nhấn mạnh và mỉm cười. Nam giới có thể đôi lúc phỏng theo thái độ cẩn trọng này vì nó dựa trên một hình thức khôn ngoan.”
Sự dè dặt này không làm cho phụ nữ im lặng mà dẫn dắt họ đi theo các con đường tắt.
Juliette Rennes
Những tham luận của phong trào nữ quyền nhắm đến logic hòa nhập - đó là sự tham gia của nữ giới vào các thể chế vốn thuộc về nam giới trong lịch sử - nhưng chúng cũng mang một chiều kích phê phán: chất vấn về gương mặt trí thức nổi bật và kiểu mẫu tham luận trước công chúng như một cuộc đua tranh về hùng biện, Juliette Rennes, nhà xã hội học tại Trường Cao học khoa học xã hội Paris nhấn mạnh. Từ thế kỷ XIX sự phát triển của chủ nghĩa nữ quyền kéo theo những phát biểu có tính tập thể hơn và rộng rãi hơn trong thảo luận công cộng - tôi nghĩ tới báo chí nữ quyền những năm 1900 cùng những chương trình podcast ngày nay (việc ghi âm kỹ thuật số một chương trình phát thanh hoặc chương trình tương tự như vậy, phát trên Internet để tải xuống máy nghe nhạc cá nhân - trích Wikipedia - ND).
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Print Friendly and PDF