24.8.20

Liệu châu Âu có thể tự giải phóng khỏi Trung Quốc được không?

LIỆU CHÂU ÂU CÓ THỂ TỰ GIẢI PHÓNG KHỎI TRUNG QUỐC ĐƯỢC KHÔNG?

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 6/9/2019 (Nguồn: FT)
Vào ngày 1 tháng 7, Đức sẽ đảm nhận chức chủ tịch Liên minh châu Âu trong sáu tháng. Bị kẹt giữa những căng thẳng Trung-Mỹ, bà Angela Merkel sẽ phải tìm ra một không gian để khẳng định các yêu sách của châu Âu đối với Trung Quốc: quan hệ thương mại có đi có lại và chấm dứt thông tin sai lệch về đại dịch. Nhà nghiên cứu Federico Brembati đã làm rõ các thách thức nói trên. Alex Payette đã dịch diễn đàn của ông cho Asialyst.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc, vốn sẽ được tổ chức tại Leipzig, đã chính thức bị hoãn lại. Dự kiến ​​ban đầu là s din ra vào mùa xuân này, tháng 3 hoc tháng 4, nhưng cuc hp đã bị hoãn lại đến ngày 14 tháng 9 vì lý do đại dịch. Đây sẽ là cơ hội lý tưởng để Brussels và Bắc Kinh tăng cường các mối quan hệ khi Berlin đảm nhận chức chủ tịch Liên minh châu Âu trong sáu tháng kể từ ngày 1 tháng 6, và có nhiều khả năng để ký kết Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư (CAI, Comprehensive Agreement on Investment) được mong đợi từ lâu.
Có hai lý do đã thúc đẩy Brussels phải hoãn cuộc họp một lần nữa: một mặt, các quan chức châu Âu và Trung Quốc đều nhất trí rằng mức độ rủi ro từ đại dịch vẫn còn quá cao và mặt khác, tâm lý “chống Trung Quốc” đang ngày càng được cảm nhận nhiều hơn trong số các nhà lãnh đạo châu Âu. Tuần này, Brussels thậm chí còn công khai cáo buộc nước Cộng hòa Nhân dân [Trung Quốc], trong hơn sáu tháng qua, đã tiến hành một chiến dịch “đầu độc thông tin [infodémie]” hay chiến dịch thông tin sai lệch trên quy mô lớn nhằm gây hại cho Liên minh châu Âu. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, Liên minh châu Âu đang suy nghĩ về một đề xuất với Liên hợp quốc nhằm đưa Trung Quốc ra trước tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc vì luật an ninh công cộng “mới” ở Hồng Kông.
Bất chấp việc Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Đức - đối tác hàng đầu của Đức vào năm 2018 với kim ngạch mậu dịch gần 200 tỷ euro - mối quan hệ song phương giữa Berlin và Bắc Kinh đã xấu đi kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid-19[1]. Ngày nay, nước Đức bị kẹt giữa tình thế trên đe dưới búa: nước này vừa phải bảo vệ các lợi ích thương mại quốc gia của mình thông qua quan hệ hợp tác với Trung Quốc, và vừa phải tự bảo vệ mình trước sự khó lường trong chính sách của Mỹ. Nhìn từ tình hình ở Washington - một tổng thống Mỹ có lập trường tấn công vào mọi chuyển động -, thì Berlin, giống như phần còn lại của Liên minh Châu Âu, sẽ không cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh, cũng như sẽ không phục tùng Mỹ để gây áp lực lên Trung Quốc. Thay vào đó, về lâu dài, châu Âu có thể cố gắng tự giải phóng mình khỏi Trung Quốc.
Công luận và diễn ngôn chính thức
Theo Bộ Ngoại giao Đức, “Đức muốn Trung Quốc tiếp tục đạt được những tiến bộ về kinh tế, phát triển các cấu trúc cũng như một hệ thống an sinh xã hội dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tăng cường sự tham gia chính trị và kinh tế, và giải quyết những vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số một cách ôn hòa. Tuy nhiên, phần lớn dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc. Nói một cách cụ thể hơn, một cuộc thăm dò trực tuyến gần đây cho thấy 77% những người được hỏi tin rằng Trung Quốc ít ra cũng phải “chịu trách nhiệm phần nào về con virus, được cho là bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán.Nhật báo Bild của Đức, ví dụ, đã chỉ trích, một cách nặng nề, nỗ lực của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng đến nhận thức chung về đại dịch.
Trên thực tế, chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong những tuần gần đây. Ví dụ, các đại sứ quán Trung Quốc, Ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc và phương Tây, tất cả đều trở thành các kênh thông tin mà thông qua đó ngoại giao “chiến lang” đã lên tiếng trong thời gian qua. Ngoài ra, tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung mới đây cũng cho rằng sự quý trọng của Berlin đối với Bắc Kinh đã giảm xuống, điều này có thể đồng nghĩa với việc hội nghị Leipzig sẽ bị hoãn lại vô thời hạn.
Chính phủ Đức đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn liên quan đến Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Berlin mong muốn Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ. Đức đã tránh đề cập công khai vấn đề đại dịch. Tạp chí Der Spiegel tiết lộ một bản ghi nhớ nội bộ của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Annegret Kramp-Karrenbauer, theo đó những yêu sách của Mỹ, trên thực tế, là một “nỗ lực có tính toán” nhằm hướng sự quan tâm của công luận đến những vấn đề khác hơn là những lỗ hổng của Washington. Ngược lại, giới chính trị gia đối lập của Đức, như Margarete Bause (đảng Alliance 90/Les Verts), đã có thái độ thẳng thắn hơn, lên án các biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện và sự phản ứng miễn cưỡng của chính phủ Đức. Kể từ đó, đã có rất nhiều cuộc thảo luận mở được tiến hành ở Quốc hội Đức [Bundestag] liên quan đến chủ đề này.
Tất cả các cuộc đàm phán đều không dẫn đến đâu hết?
Vào tháng 5 năm 2013, Ủy ban Châu Âu đã công bố một bản đánh giá tác động đến các mối quan hệ đầu tư giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc, kèm theo một khuyến nghị cho Hội đồng Châu Âu ra quyết định cho phép mở các cuộc đàm phán về thỏa thuận CAI. Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra vào tháng 1 năm 2014. Đến cuối năm 2020, sau khoảng 7 năm đàm phán miệt mài, cuối cùng, Trung Quốc và EU đã sẵn sàng ký kết thỏa thuận[2].
Tóm lại, thỏa thuận sẽ cải thiện những điều kiện để các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường [Trung Quốc], ngoài các cam kết hiện tại của Trung Quốc trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới. Thỏa thuận này sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư EU vào thị trường Trung Quốc, loại bỏ những hạn chế mang tính định lượng, những trần giới hạn tham gia hoặc những yêu cầu liên doanh. Tuy nhiên, những người hiểu rõ hơn về vấn đề này cho rằng giữa hai bên đã nảy sinh một rạn nứt mới, khó có thể “hàn gắn” trong ngắn hạn. Điều này phát sinh chủ yếu từ việc đại dịch đã ngăn cản các cuộc đàm phán trực tiếp, do đó dẫn đến một sự rạn nứt trong mối quan hệ tin cậy giữa châu Âu và Trung Quốc.
Brussels đã nói rõ: họ hy vọng Bắc Kinh sẽ đáp ứng một loạt yêu sách để có thể tiến lên. Điều quan trọng nhất là sự có đi có lại trong việc tiếp cận thị trường, hàm ý tạo ra một tình huống công bằng hơn cho các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc và một sự minh bạch hơn về các khoản trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các doanh nghiệp nhà nước của họ. Trên thực tế, dạng yêu sách này cho thấy một sự thay đổi của những người ra quyết định và giới kinh doanh ở châu Âu trong nhận thức về Trung Quốc: vốn từng theo truyền thống “lạc quan”, họ ngày càng coi Trung Quốc, trong những năm gần đây, như là một đối thủ cạnh tranh bất chính.
Zhang Ming (1957-)
Giới chức trách Trung Quốc sau đó cũng đưa ra các yêu sách của họ. Vào tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã lưu ý rằng hiệp định đầu tư là một vấn đề quan trọng đối với Bắc Kinh, nhưng nhấn mạnh rằng EU cũng phải sẵn sàng chấp nhận một số điều kiện do Trung Quốc đặt ra. Vương Nghị đã yêu cầu Liên minh châu Âu phải khách quan và đưa ra những quyết định độc lập và có đầy đủ thông tin về mạng 5G, ám chỉ quyết định của nhiều chính phủ châu Âu không cho phép Huawei phát triển mạng 5G của Trung Quốc do những lo ngại về quyền riêng tư mà chính phủ Mỹ đã chỉ ra. Zhang Ming, đặc phái viên của Bắc Kinh tại EU, đã nói thêm rằng Trung Quốc cũng cảnh giác đối với những nỗ lực của các chính phủ châu Âu và khối EU nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Âu hoặc mua lại các doanh nghiệp của Lục địa già.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, những biện pháp như vậy chỉ đơn giản là đạo đức giả: châu Âu, những người cho rằng Trung Quốc phải từ bỏ các hoạt động bảo hộ, cũng chính xác đang làm điều tương tự. Kể từ năm 2016, EU đã quyết định hạn chế việc các nhà đầu tư ngoài châu Âu mua lại các công ty chiến lược của châu Âu. Trên thực tế, điều này thể hiện một hàng rào phi thuế quan, được che đậy chống lại một số hoạt động đầu tư của Trung Quốc.
Bước ngoặt
Đức hiện đang đánh giá lại các mối quan hệ với Trung Quốc. Berlin lo ngại sâu sắc về việc thiếu đi sự có đi có lại, sự lạm phát các khoản nợ và ảnh hưởng chính trị dọc theo sáng kiến các “Con đường tơ lụa mới, việc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chưa kể đến tương lai của Hồng Kông sau Luật An ninh Quốc gia. Theo chiều hướng này, thách thức của bà Angela Merkel trong năm 2020 sẽ là việc xác định một không gian giao tiếp cho EU trong một bối cảnh quốc tế được cấu trúc, trên diện rộng, bởi các mối quan hệ căng thẳng Trung-Mỹ. Đó là một không gian mà ở đó Châu Âu có thể thể hiện những cân nhắc của mình.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là: ngay từ đầu, chiến lược của Đức là làm “Trung Quốc thay đổi thông qua thương mại[3]. Tuy nhiên, nó đã chứng tỏ không thỏa đáng trong nhiều trường hợp. Năm 2016, chính phủ Đức đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi công ty Midea của Trung Quốc đề nghị mua lại 35% cổ phần của tập đoàn Kuka, một nhà chế tạo robot của Đức, với giá 4,6 tỷ euro. Tiếp theo đó, vào năm 2017, Đức đã cùng với Pháp và Ý đã tiến hành thảo luận về việc triển khai một cơ chế sàng lọc các khoản đầu tư trong toàn khối EU.
Giới tinh hoa chính trị của Đức cần có lập trường về sự can thiệp của Trung Quốc trong việc thông tin sai lệch và các vấn đề liên quan khác. Giới lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng, trên thực tế, Đức không có khả năng dẫn dắt châu Âu có một lập trường kiên quyết hơn đối với Trung Quốc. Dù sao, một điều chắc chắn nổi lên từ sự rối rắm chính trị này là: lần đầu tiên, giới lãnh đạo các doanh nghiệp Đức đã bắt đầu các cuộc thảo luận mở về những rủi ro khi kinh doanh với Trung Quốc hoặc với các đối tác Trung Quốc, và đang suy nghĩ về các lựa chọn khác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Cuộc khủng hoảng có nhiều khả năng thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách của Đức nhận ra sự cần thiết của một sự đoàn kết lớn hơn trong lòng khối EU để đối phó với sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn.
Tác giả: Federico Brembati
Sau một thời gian ngắn tham gia các công việc công và vận động hành lang, Federico Brembati gia nhập tập đoàn Cercius vào năm 2019 với tư cách là Giám đốc khu vực Tây Âu. Federico có hai bằng Thạc sĩ về Các vấn đề Quốc tế của Đại học Bắc Kinh và của Trường Kinh tế London. Ông chuyên về các chủ đề đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu và châu Mỹ Latinh. Từng là khách mời nghiên cứu của trường El Colegio de Mexico, vào năm 2017, ông được mời trình bày các công trình của mình về sáng kiến ​​Vành đai và con đường (BRI) ti H vin Italia.
Người dịch: Alex Payette
Alex Payette
Alex Payette (Phd) là đồng sáng lập và CEO của Tập đoàn Cercius, một công ty tư vấn về tình báo chiến lược và địa chính trị. Ông là cựu nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Nhân văn Canada (SSHRC). Ông có bằng tiến sĩ chính trị học so sánh của Đại học Ottawa (2015). Các nghiên cứu của ông tập trung vào các chiến lược xây dựng sự vững chắc của Nhà nước-Đảng Trung Quốc. Cụ thể hơn, những công trình mới nhất của ông tập trung vào sự tiến hóa của các quá trình thể chế, cũng như vào sự tuyển chọn và đào tạo giới tinh hoa ở Trung Quốc thời đương đại. Các công trình này đã được đăng trên tạp chí Khoa học Chính trị Canada (2013), tạp chí Nghiên cứu Quốc tế về Trung Quốc (2015/2016), tạp chí Đông Á thời Đương đại (2016), Đông Á: Báo cáo quốc tế hàng quý (2017), Các vấn đề và Nghiên cứu (2011) cũng như Thế giới Trung Quốc/Châu Á mới (2013/2015). Ông cũng đã đăng một bản chú thích nghiên cứu về ai là những ứng cử viên tiềm năng” cho Bộ Chính trị Trung Quốc vào năm 2017, bài dành cho IRIS [Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược] - mục Asia Focus #3.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: L'Europe peut-elle s'émanciper de la Chine?, Asialyst, ngày 13/06/2020.




Chú thích:

[1] Cũng như trường hợp của các nước khác thuộc Liên minh Châu Âu.

[2] Tất nhiên, mặc cho những chi tiết về một sự đổi giọng cứng rắn từ phía EU trong những ngày gần đây.

[3] Một ý tưởng hoàn toàn không có gì mới kết hợp với các tài liệu về dân chủ hóa theo kiểu Levitsky và Way. Xem: “Linkage versus Leverage. Rethinking the International Dimension of Regime Change [Liên kết so với đòn bẩy. Ngẫm lại về chiều kích quốc tế của sự thay đổi chế độ]”, trong Comparative Politics [Chính trị học so sánh], 38 (4), 2006, tr. 379-400.

Print Friendly and PDF