7.8.20

Cách mạng khoa học trong thời đại khai sáng

CÁCH MẠNG KHOA HỌC TRONG THỜI ĐẠI KHAI SÁNG
Tác giả: Tôn Thất Thông
Khai sáng là thời đại trong đó các triết gia khám phá những khoa học mới, và tất cả để phục vụ cho con người làm chủ thiên nhiên và môi trường sống chung quanh. Dùng thuật ngữ của David Hume, khai sáng là thời đại của “những khoa học đạo đức” mới mẻ: Xã hội học, tâm lý học, kinh tế chính trị học và giáo dục hiện đại.[1]
Sử gia Peter Gay, Giáo sư đại học Yale.
Đúng như Peter Gay nhận xét, chúng ta thử quan sát thời gian 200 năm từ 1543, lúc Nicolaus Copernicus công bố vũ trụ quan nhật tâm, cho đến thập niên 1760 khi khoa học đã phát triển cao và các phát minh kỹ thuật bắt đầu xuất hiện làm thay đổi sâu sắc nền sản xuất công nghiệp trong thế kỷ tiếp theo. Thời gian đó xứng đáng để được gọi là thời đại cách mạng khoa học tự nhiên ở châu Âu. Nhưng theo nghĩa thông thường, cách mạng là một biến cố bộc phát làm thay đổi xã hội trong một thời gian ngắn, vậy làm sao gọi là cách mạng khi nó kéo dài hai trăm năm? Để xác minh lại thực chất của vấn đề, chúng ta tạm dùng những khái niệm của Thomas Kuhn: “Trong một cuộc biến đổi hệ hình, thế giới cũng thay đổi. Với sự hướng dẫn của một hệ hình mới, khoa học gia sử dụng những công cụ mới và nhìn vào những không gian mới. Nhưng quan trọng hơn nữa là, trong cuộc cách mạng đó, khoa học gia nhìn thấy những điều khác mới lạ hơn[2]”.
Vậy thì, chúng ta thấy gì trong hai trăm năm đó? Chẳng hạn, William Harvey (1578-1657) làm cuộc cách mạng ngành cơ thể học (Anatomy) bằng những khám phá về sự tuần hoàn của máu năm 1628. Hoặc René Descartes (1596-1650) phát minh hình học giải tích năm 1637, được xem như cuộc cách mạng của môn hình học. Hoặc Antony van Leeuwenhoek (1632-1723) dùng kính hiển vi đặc biệt do mình sáng chế để khám phá vi khuẩn năm 1675, từ đó ngành vi trùng học được khai sinh. Hoặc Isaac Newton (1643-1727) khám phá các định luật chuyển động của vật chất năm 1687, khai sinh ngành cơ học hiện đại. Và quả thật trong thế kỷ 17 và 18, chúng ta đếm không hết những “cuộc cách mạng” tương tự như thế trong nhiều nhánh của ngành khoa học tự nhiên.
So sánh với quá khứ, các học giả khai sáng châu Âu đã phát minh một số lượng công trình mang tính chất biến đổi hệ hình nhiều hơn tất cả các phát minh của toàn thế giới trong 2.000 năm trước đó cộng lại. Nhìn về tương lai, thật khó để đếm có bao nhiêu phát minh khoa học xuất phát từ thời đại khai sáng đã mở đường cho các ứng dụng hữu ích trong xã hội cho đến thế kỷ 21. Chỉ cần nêu lên vài phát minh tiêu biểu: đại số, hình học giải tích, đạo hàm, tích phân, lý thuyết nhị phân (binary logic), máy tính, cơ học thiên thể, hóa tổng hợp, hóa phân tích, cấu trúc vũ trụ, nhiệt động học, kỹ thuật điện, máy hơi nước, rất nhiều phát minh trong lĩnh vực y khoa, và cũng đừng quên: lý thuyết kinh tế thị trường mà nhờ đó, phần lớn nhân loại chúng ta đang hưởng phồn vinh cho đến hôm nay.
Như vậy, trong thời đại khai sáng, có rất nhiều cuộc cách mạng trong các ngành khoa học riêng lẻ. Cho nên hai thế kỷ đó cũng có thể xem là thời đại của các cuộc cách mạng khoa học. Hoặc nói chính xác hơn là “những giai đoạn cách mạng trong thời đại tiến hóa của xã hội châu Âu”[3], vì các cuộc cách mạng khoa học không xảy ra đều đặn trong suốt hai thế kỷ khai sáng, mà có lúc xảy ra đồn dập, cũng có lúc chậm hơn, cũng có những thập niên yên ắng không có gì đặc biệt xảy ra. Tuy thế, khoa học gia vẫn rất tò mò và âm thầm làm việc, những tiến bộ về phương pháp và sự tác động của khoa học lên ý thức con người bình thường trong xã hội vẫn không ngừng xảy ra.
Nhưng quan trọng hơn cả những công trình thấy được trong các ngành khoa học là, thế kỷ 17 ghi nhận những cuộc cách mạng về phương pháp nghiên cứu khoa học, cách mạng về lề lối tư duy của khoa học gia. Lấy một thí dụ: khi nói đến Antoine Laurent de Lavoisier người Pháp, chúng ta thường nhắc đến di sản quan trọng mà ông để lại cho hậu thế, ấy là 23 nguyên tố hóa học được ông khám phá đầu tiên, đặt nền tảng cho ngành hóa học hiện đại. Nhưng điều quan trọng hơn các nguyên tố đó là con đường mà Lavoisier đi đến kết quả, ấy là phương pháp phân tích và tổng hợp được sử dụng để thí nghiệm, nhờ thế mà sau này ngành hóa phân tích và hóa tổng hợp (analytic and synthetic chemistry) được xây dựng. Trong ý nghĩa của sự tiến hóa, chúng ta có thể gọi đó là những cuộc cách mạng tư tưởng trong khoa học.
Gottfried Leibniz (1646-1716)
Thomas Kuhn (1922-1996)
Tạm gát qua vấn đề thuật ngữ, chúng ta trở lại xem điều gì đã làm cho khoa học trở thành cột xương sống của mọi tiến bộ trong thời đại khai sáng? Rất nhiều! Nhưng điều quan trọng nhất là, khoa học trong thời đại khai sáng đã làm đảo lộn nhiều công trình trước đây. Quả thật, đó là một sự biến đổi hệ hình (Paradigm shift) theo tinh thần của Thomas Kuhn, một cuộc lột xác của nền khoa học tự nhiên. Hơn thế nữa, nếu khoa học trước thế kỷ 16 chủ yếu là tìm cách cắt nghĩa các hiện tượng thiên nhiên, thì nền khoa học trong thời đại khai sáng không dừng lại ở đó mà còn tìm cách cải tạo thiên nhiên và biến những phát hiện khoa học thành phương tiện có ích để phục vụ đời sống. Cho nên, khoa học và triết học đi liền nhau như bóng với hình. Nhiều nhà khoa học của thời đại cũng đồng thời là những nhà tư tưởng được trọng vọng trong lịch sử. René Descartes, Gottfried W. Leibniz là vài thí dụ điển hình. Cuối thế kỷ 18, các ngành kỹ thuật bắt đầu xuất hiện, và tiếp đến là những ngành khoa học mới mẻ như nhân văn, xã hội học bắt đầu định hình để sau đó phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 19.
Từ góc nhìn lịch sử khoa học, thế kỷ 17 được định hình bằng những khám phá mới mẻ, mà kết quả của chúng đã tạo nền móng cho các ngành khoa học hiện đại. Toán và cơ học là hai lĩnh vực vượt trội chi phối mọi tiến bộ vốn dĩ sẽ xuất hiện rất bất ngờ trong thời gian sau đó[4]. Đặc biệt, toán học có mặt trong khắp mọi ngành và trở thành công cụ không thể thiếu để diễn giải các hiện tượng thiên nhiên trong khi nghiên cứu các ngành khoa học khác, đặc biệt về cơ học và thiên văn học. Nhưng không riêng toán và cơ học, mà nhiều ngành khoa học khác đều được xây dựng và hiện đại hóa từ thế kỷ 17: ngành vật lý với những những nhà nghiên cứu tiên phong của Hà Lan; ngành hóa học với Robert Boyle của Anh và Lavoisier của Pháp; ngành cơ thể học với những phát hiện mới mẻ từ Bắc Âu đã đổi mới ngành y khoa v.v..
Paul Hazard (1878-1944)
Nhưng trước khi đi sâu khảo sát cuộc cách mạng khoa học tự nhiên trong thời đại khai sáng, thiết tưởng cũng là điều cần thiết để trở lại xem xét bối cảnh lịch sử của sự phát triển khoa học trong thời gian trước đó, để từ đó soi sáng thêm một câu hỏi: làm thế nào mà khoa học tự nhiên có thể lột xác sau hàng ngàn năm ngủ yên? Viện sĩ hàn lâm Paul Hazard quả quyết: Trên góc nhìn về cấu trúc và cách vận hành của vũ trụ, học giả thời cổ đại đã nhầm lẫn, và nhân loại cũng đã lầm đường vì đi theo phán đoán của họ. Kể từ thế kỷ 14/15, trong thời đại cực thịnh của trào lưu phục hưng, lý tính và óc quan sát đã phát hiện sự sai lầm trong tư duy của học giả thuộc nhiều thiên niên kỷ trước. Cho nên, khoa học tự nhiên thời hiện đại đã lên tiếng, và người ta cũng gởi gắm cho nó sự tin tưởng một cách ý thức: đất và trời đều đã chuyển hóa[5]. Để chứng minh sự lầm đường của nhân loại, con người đã cần một thời gian dài gần hai ngàn năm. Và để ngành khoa học tự nhiên chiếm được lòng tin của đông đảo học giả, lại thêm gần hai trăm năm nữa trôi qua.
Nhân vật tiên phong
Điểm mốc quan trọng có thể xem như xuất hiện ở tiền bán thế kỷ 16, bắt đầu bằng một học giả người Ba Lan, Nicolaus Copernicus (1473-1543). Ông sinh tại Thorn trong một gia đình người Đức giàu có, thụ hưởng một quá trình đào tạo đa dạng về văn chương, triết học, khoa học tự nhiên, toán và thiên văn học tại đại học Krakow, sau đó ông theo khoa thiên văn học, luật học tại đại học Bologna, trước khi học y khoa và trình luận án tiến sĩ về Luật Kitô tại Padua năm 1503, lúc vừa đến tuổi 30. Sau đó, Copernicus trở về Ba Lan làm quan chức giáo hội địa phận Heilsberg và đến 1510 được phong chức cai quản Vương cung Thánh đường ở Frauenburg. Kể từ đây, với chức vụ cao nhưng nhàn rỗi, Copernicus dành nhiều thì giờ hơn cho nỗi đam mê từ nhỏ: nghiên cứu vũ trụ, một công việc xuất phát từ quan tâm cá nhân, chứ không ăn nhập gì đến nhiệm vụ của Giáo hội Kitô.
Sau nhiều thập niên quan sát, tính toán, thử nghiệm, trao đổi với bạn cùng ngành, cuối cùng Copernicus đi đến kết luận[6]:
1) Mặt trời nằm ở trung tâm của vũ trụ và đứng yên không chuyển động.
2) Các ngôi sao cố định, có độ lớn gấp bội quả đất, cũng đứng yên không chuyển động. Chúng nằm rải rác trong một không gian hình cầu chung quanh mặt trời.
3) Quả đất, cũng giống như bao hành tinh khác, chuyển động trên quĩ đạo hình tròn quay quanh mặt trời[7].
4) Quả đất tự quay chung quanh trục của nó với tốc độ 24 giờ mỗi vòng, tức là thời gian của một ngày.
5) Mặt trăng chuyển động trên quĩ đạo hình tròn chung quanh quả đất.
Kết luận của Copernicus không chỉ là một khám phá mới mẻ, cũng không chỉ là một cuộc cách mạng lớn lao trong ngành thiên văn. Nhiều hơn thế, nó vượt lên trên tất cả các kích thước có sẵn của thời cận đại sơ kỳ. Từ thời cổ đại, ai cũng tin rằng, quả đất là trung tâm của vũ trụ. Giờ đây, Copernicus ném nó vào một quĩ đạo xa tắp, và thay vào trung tâm là một hành tinh khác trước nay không ai nghĩ đến: mặt trời. Với lý thuyết nhật tâm (heliocentric) này, Copernicus làm đảo lộn những luận chứng của nền văn minh cổ đại vốn có giá trị bất biến từ gần hai ngàn năm trước, phủ nhận những tinh thần được ghi chép trong Thánh Kinh và các mặc khải thần thánh, phản bác lại nền tảng lý luận của thần học Kitô, mặc dù cho đến lúc chết, Copernicus vẫn là một tín đồ Kitô sùng đạo. Vì mặt trời ở giữa, các ngôi sao quay quanh nó chứ không quay quanh trái đất, cho nên quả đất không chiếm giữ vai trò trung tâm điểm như thường được rao giảng, mà nó chỉ là một thực thể nào đó như bao hành tinh khác. Và con người - một sản phẩm của Đấng Sáng Tạo - cũng không còn là cái rốn của vũ trụ.
Mô hình C. Ptolemy, thế kỷ 2 sau CN.
Tác giả: Pearson Scott Foresman.
Nguồn: Wikipedia, Vùng công cộng
Mô hình N. Copernicus, thế kỷ 16.
Tác giả: Scewing.
Nguồn: Wikipedia, Vùng công cộng
ấy là một quả bom tấn đối với giới nghiên cứu khoa học, n 
Đấy là một quả bom tấn đối với giới nghiên cứu khoa học, như Thomas Kuhn nhận xét: “Các nhà thiên văn học sau Copernicus có cảm nhận mình đang sống trong một thế giới khác[8]”. Cộng đồng học giả bỗng nhiên có cảm giác như bị ném vào một vũ trụ hoàn toàn khác.
Đối với thần học, tác động của nó còn mạnh hơn một cơn địa chấn, làm cho mọi giới trong hàng giáo phẩm bối rối. Thật thế, Giáo hoàng Clemens VII[9] mời Copernicus về La Mã thuyết giảng về các khám phá mới, nhưng cuối cùng Giáo hoàng không thừa nhận học thuyết của Copernicus, khi nghe ông diễn giải rằng mặt trời, chứ không phải quả đất là trung tâm của vũ trụ. Vị Giáo hoàng kế nhiệm Paul III cũng thế. Ngay cả sau khi Copernicus mất và học thuyết của ông đã được giới khoa học đông đảo thừa nhận, nhà thần học Tin lành Martin Luther vẫn phản bác với trích dẫn lời nguyền của đấng sáng tạo Joshua theo diễn giải Thánh Kinh. Người bạn đồng môn của Martin Luther, mục sư Philipp Melanchthon xem lý thuyết của Copernicus là tà giáo, “chứa đựng những tư tưởng mới lạ, tội lỗi và vô thần”. Tác phẩm kinh điển “Về sự chuyển động vòng của các hành tinh[10] của Copernicus bị giáo hội Công Giáo cấm phổ biến kể từ 1616, và mãi 200 năm sau, lệnh cấm mới được thu hồi vào năm 1822[11].
Nhìn lại lịch sử tư tưởng châu Âu trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thời đại trung cổ và thời cận đại sơ kỳ, chúng ta cũng có thể suy diễn được ý nghĩa của cuộc cách mạng Copernicus, và nó tác động thế nào lên sự phát triển tư tưởng của học giả châu Âu. Sự thay đổi lớn lao về tư tưởng đã giải phóng trí tuệ con người để họ dũng cảm tiến vào những lĩnh vực mới mẻ, bất chấp những nghiên cứu của họ có đi ngược với quan niệm của vương triều và giáo hội hay không.
Trước hết, học giả đi vào khảo sát ngành khoa học tự nhiên để kiến tạo nền tảng lý thuyết, sau đó đến khoa học kỹ thuật để cung cấp phương tiện phục vụ sản xuất. Điều đó tất yếu tác động đến kinh tế chính trị học, vốn dĩ là nền tảng lý thuyết để kiến tạo khung hoạt động hữu hiệu trong tình trạng nền sản xuất bắt đầu bùng nổ, đấy là chưa kể sự thành hình lần đầu tiên các ngành khoa học xã hội trong những thế kỷ tiếp theo để đón đầu xử lý các vấn nạn do cuộc cách mạng công nghiệp sinh ra. Nicolaus Copernicus cống hiến những gì cho học giả trong các thế kỷ tiếp theo?
Thứ nhất, Copernicus phủ định vũ trụ quan địa tâm (geocentric) đã tồn tại gần hai ngàn năm không những ở châu Âu, mà cả ở Trung Hoa và trong thế giới Ả Rập. Theo lý thuyết cổ đại đó, quả đất và gắn liền với nó là con người đứng yên ở trung tâm trong lúc tất cả các hành tinh khác, kể cả mặt trời đều quay chung quanh trục của trái đất. Vũ trụ quan địa tâm đã được Aristotle kết luận và ghi chép rất chi tiết vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên. Năm trăm năm sau, trong thế kỷ thứ hai sau CN, Claudius Ptolemy sưu tập dữ liệu, hệ thống hóa và ghi chép lại trong tác phẩm kinh điển Luận giải về toán học mới[12] gồm 13 tập. Với hào quang của hai vị học giả vĩ đại Aristotle và Ptolemy, vũ trụ quan địa tâm chi phối toàn bộ giới học thuật cho đến thế kỷ 15 không ai dám phản bác, và có lẽ phải đợi đến giữa thế kỷ 17, vũ trụ quan đó mới hoàn toàn bị đẩy lùi ra khỏi thế giới học thuật.
Chính vì thế, vũ trụ quan nhật tâm (heliocentric) của Copernicus đã tạo cảm hứng cho các học giả đương thời tự xây dựng cho mình một nhân sinh quan mới, một cách hành xử mới, thoát ra khỏi khuôn khổ tù túng của sự thuần phục vô điều kiện đối với các thế lực thần quyền và với cả những học giả tiếng tăm từng được thánh hóa suốt gần hai ngàn năm trước. Đặc biệt trong thời đại phục hưng với tinh thần làm sống lại văn minh cổ đại, phán đoán của Copernicus mang tính cách ngược dòng, nhưng lại rất cần thiết cho con người mới với tư duy mới: văn minh cổ đại không phải lúc nào cũng hay và đúng, mà điều cần thiết cho khoa học gia là phải quan sát, phân tích các hiện tượng thiên nhiên để cắt nghĩa thế giới và tìm chân lý. Đó chính là tính chất cốt lõi đã giải phóng trí tuệ của con người khai sáng sau này, một sự khác nhau rõ rệt giữa họ và con người phục hưng.
Thứ hai, dù Copernicus là một tín đồ sùng đạo, nhưng lý thuyết của ông đã hạ bệ nhiều giá trị căn bản của thần học Kitô, đặt ra nhiều nghi vấn đối với Thánh Kinh và các diễn giải của giáo hội. Thuyết địa tâm của Aristotle và Ptolemy thoạt nhìn thì rất phù hợp với quan sát thường nhật, đồng thời không mâu thuẫn với Thánh Kinh. Vì thế, nó được giáo hội Kitô tiếp thu, bảo vệ và quảng bá qua các lý giải thần học. Trong vũ trụ quan đó, quả đất chiếm vị trí trung tâm, nơi đây, vị trí của con người đã được Thượng Đế sắp đặt. Bên ngoài quả đất là trời với tầng cao nhất là thiên đường, là thế giới của Thượng Đế, thần thánh và những người lúc còn sống đạt các tiêu chuẩn được qui định bởi giáo lý thần học.
Với sự xuất hiện của học thuyết Copernicus, thế giới quan nói trên hoàn toàn bị đảo lộn, người ta bắt đầu nghi ngờ Thánh Kinh, nghi ngờ các lý giải của giáo hội và có người còn nghi ngờ cả sự hiện hữu của Thượng Đế[13]. Đặc biệt, khi tinh thần khai sáng đã trở nên phổ biến trong giới học thuật ở cuối thế kỷ 17, việc thu thập và xử lý tri thức, cũng như việc quan sát thử nghiệm để tìm chân lý bắt đầu đi vào bước ngoặc mới, một phương hướng mới hoàn toàn độc lập.
Thứ ba, niềm tin vào giáo hội và cả tôn giáo suy giảm. Sự vươn lên của trào lưu nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng là sự khởi đầu đi xuống của giáo hội. Các học giả nghi ngờ kiến thức và vai trò đại diện Thượng Đế của các vị giáo hoàng, họ cũng nghi ngờ tính chính danh của giáo hội trong vai trò phục vụ cộng đồng và qung bá phúc âm. Ngay cả những lời tiên tri trong Thánh Kinh cũng không còn giá trị tuyệt đối như trước. Tinh thần phê phán, phương pháp tư duy và lòng dũng cảm của Nicolaus Copernicus đã mở ra một chân trời mới cho nền khoa học hiện đại. Khám phá của Nicolaus Copernicus về vũ trụ với việc phản bác lý thuyết địa tâm của Aristotle và Ptolemy có giá trị cao hơn một cuộc cách mạng về khoa học tự nhiên.
Niềm tin vào giáo hội và Thánh kinh càng suy giảm nặng nề hơn, khi giáo hội đã hành xử hẹp hòi, tàn bạo và thiếu đạo đức đối với các học giả ca tụng và quảng bá lý thuyết nhật tâm của Copernicus. Giordano Bruno bị tòa án dị giáo thiêu sống năm 1600 vì ông kiên định với vũ trụ quan đi ngược với các giá trị cốt lõi của thần học Công giáo; tác phẩm “Về chuyển động vòng của các hành tinh” của Nicolaus Copernicus bị cấm phổ biến (từ năm 1622); Galileo Galilei, người hết lòng bênh vực lý thuyết Copernicus, bị án tử hình, sau giảm xuống còn quản thúc chung thân (1633). Đến mức độ đó, niềm tin của học giả vào Giáo hội đã hoàn toàn sụp đổ. Nhưng có lẽ nhờ sự ly khai về mặt tinh thần đối với Giáo hội mà tư tưởng của học giả trở nên tự do hơn, tinh thần sáng tạo được nâng cao đã mở đường cho những phát minh khoa học phong phú trong thế kỷ 17 và 18.
Nicolaus Copernicus thuyết giảng trước Giáo Hoàng.
Nguồn: WelcomeImages.org, bản quyền CC-BY-SA-4.0.
Với công trình nghiên cứu thiên văn học để lại cho hậu thế, và dù có chủ ý hay không, Copernicus đánh dấu đỉnh cao của quá trình tách rời tri thức ra khỏi niềm tin. Quá trình phát triển này vốn đã được khởi đầu từ thời đại phục hưng, nhưng lúc ấy chủ yếu chỉ ở trong lĩnh vực tư tưởng, văn chương, nghệ thuật và triết học. Với tác phẩm “Về sự chuyển động vòng của các hành tinh” và thuyết nhật tâm ngày càng được nhiều học giả đương thời hưởng ứng, phong cách mới trong nghiên cứu khoa học ngày càng được ưa chuộng và sử dụng khắp nơi: tri thức mới được thu thập và xử lý bằng quan sát, thử nghiệm, đo đạc, suy luận chứ những phán quyết trong Thánh Kinh và các mặc khải thần thánh đều là những chuyện thiếu căn cứ. Khoa học tự nhiên đã đi vào một khúc quanh mới vượt ra khỏi tầm tay của thần học.
Về mặt phương pháp luận, sau hàng ngàn năm “phát triển, khoa học vốn chỉ dựa vào tư duy và suy luận, phương pháp nghiên cứu mới dựa vào quan sát và thử nghiệm được Nicolaus Copernicus đưa lên mặt tiền của các công trình khoa học. Mặc dù gặp sự chống đối và phá hoại của giáo hội, phương pháp này được giới học giả đương thời xác minh là đúng đắn. Lý thuyết của Copernicus ngày càng được chứng minh chính xác hơn sau khi thuyết nhật tâm được Galileo Galilei kiểm chứng bằng thực nghiệm và sau đó Isaac Newton tính toán độ chính xác bằng các định luật vật lý và toán học.
Thế mà cuộc giằng co cũng kéo dài hơn một trăm năm! Đến khoảng giữa thế kỷ 17, quá trình tách rời tri thức ra khỏi niềm tin tôn giáo mới được xem như như hoàn tất, mặc dù giáo hội vẫn còn cố gắng kéo lùi một xu hướng không thể nào đảo ngược. Lúc ấy, sự thống trị của thần học lên khoa học tự nhiên đã được chấm dứt trên nhiều lĩnh vực. Thần học, trong một số trường hợp, vẫn có thể làm cản trở một phần hoặc xuyên tạc các kết quả nghiên cứu khoa học, nhưng hoàn toàn không thể ngăn chặn quá trình tiến hóa. Tôn giáo đã âm thầm rút về các lĩnh vực đạo đức và siêu hình. Cuộc cách mạng khoa học rốt cục đã thực sự xảy ra trong thế giới vật chất này[14].
Thực ra, cho đến thế kỷ 15, 16 và 17 xã hội vẫn còn tồn tại dấu ấn của những cố gắng để vượt qua lối suy nghĩ khuôn thước theo chủ nghĩa kinh viện. Và dù sao, điều đó cũng đã tạo những bước đi đầu tiên dẫn đến nền khoa học hiện đại sau này. Đến giữa thế kỷ 17, nền khoa học châu Âu vừa trong giai đoạn chập chững đi đến trưởng thành đã chứng kiến những thắng lợi to lớn đầu tiên của phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên đặt nền tảng trên sự quan sát và thử nghiệm[15].
Nhờ những thắng lợi đó trong thế kỷ thứ 17 mà khoa học gia đương thời ngày càng nhận thức rõ hơn những thiếu sót và sai lầm trong nền khoa học cổ đại. Ngay cả triết lý tự nhiên vốn dĩ có xuất xứ từ trước Công Nguyên, giờ đây cũng mang nội dung mới phù hợp với những phát hiện mới về con người trong xã hội hiện đại. Nền khoa học thế kỷ 17 tự gán cho mình tính chính danh trong khoa học nhờ phương pháp “quan sát - thử nghiệm” để đạt độ chính xác cần thiết, chứ không chỉ là phán đoán dựa vào tư duy tiên nghiệm như nhiều nhà khoa học cổ đại thường làm.
Với phương pháp đó, người ta thấy ngay sự ích lợi của các đo đạc chính xác trong vật lý và cơ học để đưa vào các ứng dụng thực tế hàng ngày. Chẳng hạn trong ngành thiên văn học: các tuyến đường viễn dương trên biển được tổ chức ngắn hơn, khoảng cách đến các ngôi sao trên trời được đo chính xác, từ đó tàu bè trên biển được định vị tốt hơn[16]. Cũng nhờ những kết quả chính xác trong đo đạc trên không trung, kết hợp với phương pháp toán học, Newton sau này đã diễn tả trung thực cấu trúc của vũ trụ, được đánh giá như là thành quả rất quan trọng của nền khoa học hiện đại.
(Còn phần 2: Những bước đi tiếp tục)
Tôn Thất Thông
Cùng tác giả:
1.   Brinton, Crane; Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization - 1715 to the present (Lịch sử văn minh - 1715 đến hôm nay). ISBN 0-13-389593-9.
2.   Gay, Peter: The enlightenment: An Interpretation. The science of freedom (Dẫn luận về khai sáng - Khoa học của tự do). ISBN 0-393-00875-4.
3.   Guizot, François: The History of Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu - William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.
4.   Hazard, Paul (1): Die Krise des Europäischen Geistes 1680-1715 (Khủng hoảng lương tâm châu Âu 1680-1715). NXB Hoffmann und Campe Hamburg 1939 (Harriet Wegener dịch từ tiếng Pháp: La Crise de la Conscience Européenne 1680-1715).
5.    Hazard, Paul (2): European Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book 1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle: de Montesquieu à Lessing).
6.   Kuhn, Thomas S.: Die Struktur wissenschaftlicher Revolution (Cấu trúc của cách mạng khoa học). ISBN 3-518-07625-6 (Kurt Simon dịch từ tiếng Anh: The structure of scientific revolution)
7.   Pleticha, Heinrich chủ biên và nhiều tác giả: Aufklärung und Revolution - Europa in 17. und 18. Jahrhundert (Khai sáng và Cách mạng - Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18). ISBN 3-577-15008-4 (Bertelsmanns Weltgeschichte - Band 8).
8.    Porter, Roy: Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch sử ngắn về Khai sáng - Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The enlightenment). ISBN 3-8031-2192-2.
9.    Schmid, Marion chủ biên và nhiều tác giả: Humanismus, Renaissance und Reformation - Forscher und Philosophen (Nhân bản, Phục hưng, Cải cách - Các nhà nghiên cứu và triết gia). ISBN 3-596-17023-0.
10.         Schneiders, Werner chủ biên và nhiều tác giả: Lexikon der Aufklärung (Từ điển tường giải về khai sáng). ISBN 3-406-39920-7.
11.         Störig, Hans Joachim: Weltgeschichte der Wissenschaft (Lịch sử khoa học thế giới). ISBN 3-89350-519-9.
12.         Wendel, Günter chủ biên và nhiều tác giả: Naturwissenschaftliche Revolution im 17. Jahrhundert (Cách mạng khoa học tự nhiên trong thế kỷ 17). ISBN 3-326-00386-2.




Chú thích:

[1] Xem P. Gay trang 8. Thuật ngữ của David Hume: “The moral sciences”. Ngày hôm nay, chúng ta có thể gọi là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

[2] Xem T. Kuhn trang 151.

[3] Xem Hans Wußing trong G. Wendel, trang 26-27.

[4] Xem Martin Guntau trong G. Wendel trang 11.

[5] Xem P. Hazard (1) trang 355.

[6] Xem H. J. Störig trang 251.

[7] Sau này, Johannes Kepler đo đạc và chứng minh bằng toán học rằng, quĩ đạo chuyển động của các hành tinh chung quanh mặt trời không phải hình tròn mà là hình bầu dục.

[8] Xem T. Kuhn trang 158.

[9] Giáo hoàng Clement VII thuộc xu hướng tiến bộ, ủng hộ trào lưu phục hưng và chính ông đã mời Copernicus trình bày khám phá mới về chuyển động của các hành tinh.

[10] De revolutionibus orbium coelestium (Tiếng Đức: Über die Kreisbewegungen der Himmelskörper).

[11] Xem Pascual Jordan trong M. Schmid, trang 93-103.

[12] Mathematices syntaxeos biblia XIII (bản tiếng La-tinh). Đây là tác phẩm kinh điển của ngành thiên văn học và toán học được sử dụng rộng rãi cho đến thế kỷ 16, và nó còn được tiếp tục trích dẫn cho đến thế kỷ 17.

[13] Dù không có chủ ý, Copernicus cũng đã bắt đầu quá trình đặt nghi vấn về Thượng Đế, để rồi 300 năm sau, Nietzsche đã thốt lên một cách cực đoan: Thượng đế đã chết! , với ý định xóa bỏ nền móng tinh thần của xã hội phương Tây.

[14] Xem Martin Guntau trong G. Wendel, trang 12.

[15] Xem Franz-Josef Teufel trong H. Pleticha, trang 181.

[16] Theo giả thuyết từ xưa, người ta đo khoảng cách đến ba hay nhiều ngôi sao, từ đó tính toán được vị trí hiện tại trên quả đất.

Print Friendly and PDF