“TÀI CHÍNH XANH”: LIỆU CÓ NÊN TIN VÀO NHỮNG CAM KẾT MỚI CỦA CÁC NGÂN HÀNG LỚN TẠI COP26 HAY KHÔNG?
Mark Carney, đồng chủ tịch của liên minh Gfanz, phát biểu tại hội nghị COP26 khi trình bày sáng kiến quy tụ hơn 450 ngân hàng trên khắp thế giới. Daniel Leal-Olivas / AFP |
Ngày 3 tháng 11, tại hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, COP26, hơn 450 ngân hàng trên thế giới đã cam kết đối với một sáng kiến mới nhằm phi carbon hóa các đầu tư của họ. Dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch Ngân hàng Anh Quốc Mark Carney, các ngân hàng và các định chế tài chính khác thuộc Liên minh Tài chính Glasgow vì mức phát thải ròng bằng 0 (Gfanz - Glasgow Financial Alliance for Net Zero) đã cam kết, từ nay, sẽ báo cáo hàng năm về lượng phát thải khí carbon gắn với những dự án mà họ cho vay.
Họ cũng đặt ra mục tiêu tài trợ hàng nghìn tỷ US$ cho các dự án xanh, đồng thời cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050. Trong số các bên ký kết chính đối với sáng kiến nói trên, được công bố vào tháng 4, người ta thấy có các ngân hàng Citi, Morgan Stanley và Bank of America.
Mặc dù rất đáng khích lệ khi thấy các ngân hàng lớn nhất thế giới cam kết cung cấp các khoản vay lâu bền, nhưng thật khó để không e ngại [về tính thực tiễn]. Đây chắc chắn không phải là cơ hội đầu tiên mà các ngân hàng đã cam kết phi carbon hóa các khoản cho vay của họ, và cho đến nay, kết quả đạt được cũng không mấy ấn tượng.
Năm 2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã phát động một cách rầm rộ các nguyên tắc hoạt động ngân hàng có trách nhiệm (PRB) với những mục tiêu tương tự đứng vị trí hàng đầu. Những ngân hàng, vốn tán thành các nguyên tắc này, đã đồng ý “làm việc với khách hàng để khuyến khích các hoạt động cho vay lâu bền” và “liên kết chiến lược kinh doanh của ngân hàng” với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG) và Thỏa thuận Paris về khí hậu.
Cho đến nay, vẫn còn khá nhiều ngân hàng lớn nhất thế giới đã không ký các nguyên tắc PRB, mặc dù đó là chuẩn mực trong việc cam kết phi carbon hóa các khoản cho vay. Đồng thời, các bên ký kết chính còn lâu mới đáp ứng các yêu cầu của PRB - chứ chưa nói đến các yêu cầu của liên minh Gfanz.
Xanh hóa nền tài chính
Các ngân hàng có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu thông qua hai kênh: các khoản cho vay và các khoản đầu tư. Về mặt đầu tư, có vẻ như chúng ta đã chứng kiến một điểm đảo chiều vào năm 2020 khi BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã tuyên bố sẽ tập trung đầu tư vào những cổ phiếu hướng theo tính lâu bền.
Tuy nhiên, hoạt động cho vay mới chỉ ở giai đoạn sơ khai của quá trình chuyển đổi xanh. Thế nhưng, khi được xem như là phần lớn nguồn vốn tài trợ của các doanh nghiệp, thì lĩnh vực này có vẻ như có tính chất quyết định đối với quá trình phi carbon hóa của ngành.
Hơn 200 ngân hàng quốc tế đã ký kết các Nguyên tắc hoạt động ngân hàng có trách nhiệm trong hai năm qua, nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng lớn nhất chưa tham gia ký kết. Trong số mười ngân hàng hàng đầu (theo vốn hóa thị trường), chỉ có các ngân hàng Citi, Ngân hàng Thương mại Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là các bên ký kết. Sáu ngân hàng khác - JPMorgan Chase, Bank of America, China Construction Bank, Wells Fargo, Morgan Stanley và China Merchants Bank - không có tên trong danh sách.
Tuy nhiên, việc ký kết các nguyên tắc PRB vẫn là một cam kết hạn chế. Các bên ký kết có bốn năm để tuân thủ các nguyên tắc, nhưng sáng kiến này mang tính tự nguyện và không ràng buộc. Như vậy, các ngân hàng sẽ không bị phạt, thậm chí không bị đưa vào danh sách đen, nếu không tôn trọng các nguyên tắc đó.
Để có một ý tưởng về hiện trạng, trong khuôn khổ các nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi đã xem xét các thực tiễn cho vay của ba ngân hàng ký kết lớn là Citi, ICBC và MUFG của Nhật Bản, từ năm 2016 đến năm 2019. Khoảng thời gian này bao gồm giai đoạn đi trực tiếp từ Thỏa thuận Paris đến năm ký kết các nguyên tắc PRB. Thế nên, trong giai đoạn này, người ta có thể mong đợi các ngân hàng sẽ giảm các khoản cho vay đối với các ngành thâm dụng carbon.
Các ngân hàng tiếp tục cung cấp nhiều khoản vay trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Lucasz Z |
Chúng tôi đặc biệt tập trung vào các khoản cho vay của ngân hàng đối với các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch, bởi vì luôn có sẵn dữ liệu và đây cũng là đỉnh của kim tự tháp khi nói đến lượng phát thải khí carbon. Chúng tôi cũng so sánh với ba ngân hàng lớn khác không ký kết các nguyên tắc PRB: Wells Fargo, JPMorgan Chase và HSBC.
Nghiên cứu cho thấy Wells Fargo và JPMorgan là những ngân hàng cấp vốn vay chính cho các công ty [khai thác nhiên liệu hóa thạch] trong giai đoạn nói trên (mặc dù Wells Fargo đã rơi xuống vị trí thứ ba vào năm 2020). Cả hai ngân hàng nói trên đều không ký các nguyên tắc PRB, tuy từ nay họ cũng là thành viên của liên minh Gfanz. Tuy thế, cả hai ngân hàng đều tuyên bố, trong báo cáo thường niên, rằng họ cam kết tôn trọng Thỏa thuận Paris về khí hậu. Hai ngân hàng đã giảm tổng giá trị các khoản cho vay đối với nhiên liệu hóa thạch mỗi năm từ năm 2018 đến năm 2020, lần lượt là 57% và 23%.
Citi là ngân hàng cho vay lớn thứ ba đối với các công ty trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch từ năm 2016 đến năm 2019, mặc dù quy chế là bên ký kết các nguyên tắc PRB (và liên minh Gfanz), và vượt lên đứng vị trí thứ hai vào năm 2020.
Đối với các ngân hàng MUFG và ICBC, họ cũng là các bên ký kết các nguyên tắc PRB, nhưng đã gia tăng các khoản cho vay đối với nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn này. MUFG cũng là một thành viên của liên minh Gfanz, nhưng cả ICBC hay bất kỳ ngân hàng Trung Quốc nào khác đều không tham gia vào sáng kiến mới này. Cũng cần lưu ý là HSBC không phải là một ngân hàng cho vay lớn đối với các dự án gắn với nhiên liệu hóa thạch, mặc dù họ không phải là một bên ký kết các nguyên tắc PRB (nhưng là thành viên tham gia liên minh Gfanz).
Tài trợ cho năng lượng hóa thạch của sáu ngân hàng lớn từ năm 2016 đến năm 2019
Ngân hàng |
Giá trị tài sản năm 2015 (ĐVT: tỷ US$) |
Giá trị tài sản năm 2019 (ĐVT: tỷ US$) |
Giá trị tài sản bình quân hàng năm, 2015-2019 |
Tài trợ cho năng lượng hóa thạch (FFF, ĐVT: tỷ US$) |
Xếp hạng FFF |
Tỷ lệ FFF / Trung bình hàng năm (ĐVT:%) |
Citi |
1.731,21 |
1.951,16 |
1.841,19 |
187,67 |
3,00 |
10,20 |
Wells Fargo |
1.787,63 |
1.927,56 |
1.857,60 |
197,91 |
2,00 |
10,70 |
JPMC |
2.351,70 |
2.697,38 |
2.524,54 |
268,59 |
1,00 |
10,60 |
HSBC |
2.409,66 |
2.715,15 |
2.562,41 |
86,53 |
12,00 |
3,40 |
MUFG |
2.458,74 |
2.892,97 |
2.675,86 |
118,81 |
6,00 |
4,40 |
ICBC |
3.420,57 |
4.324,27 |
3.872,42 |
68,94 |
18,00 |
1,80 |
Từ đó có thể kết luận rằng các nguyên tắc PRB cho đến nay có lẽ đã không dẫn đến bất kỳ sự khác biệt thực sự nào trong hoạt động cho vay trong lĩnh vực này, và có lý do để lo ngại liên minh Gfanz cũng sẽ đi theo hướng đó.
Những tiến triển khiêm tốn
Khi các bên ký kết các nguyên tắc PRB cho vay tiền, họ buộc phải tiến hành việc đánh giá sự tác động môi trường của các dự án và đo lường mức phát thải khí nhà kính có liên quan. Tuy nhiên, công việc này vượt khỏi chuyên môn truyền thống của các ngân hàng và ảnh hưởng đáng kể đến chi phí hoạt động của họ.
Các bên ký kết cũng buộc phải đảm bảo các khoản vay được cấp cho các dự án trung hòa carbon. Điều này có nghĩa là bên vay phải cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu [mức phát thải] trong suốt vòng đời của dự án. Mỗi bên ký kết có nghĩa vụ đảm bảo các biện pháp giảm thiểu [mức phát thải] này được thực hiện nghiêm túc, bằng cách giám sát dự án trong suốt thời gian triển khai nó.
Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự tiến triển vẫn ở mức khiêm tốn trong những năm gần đây. Vì thế, để thay đổi tình trạng này, vấn đề có lẽ là việc chuyển sang một hệ thống mà các nguyên tắc PRB sẽ mang tính bắt buộc và ràng buộc.
Vì sao sao sự tăng trưởng của “nền tài chính xanh” không có hiệu ứng gì đến lượng tăng phát thải khí CO₂?
Pourquoi l’essor de la « finance verte » n’a-t-il aucun effet sur la hausse des émissions de CO₂ ? https://t.co/BmIQI7rEmJ pic.twitter.com/UYVpya1BZm
— Sud Ouest (@sudouest) November 2, 2021
Điều đáng tiếc là có vẻ như liên minh Gfanz không diễn biến theo hướng nói trên. Mặc dù các yêu cầu về báo cáo thường niên liên quan đến vấn đề phát thải khí carbon là một bước tiến, nhưng không có điều gì mang tính bắt buộc trong sáng kiến. Sáng kiến cũng bị chỉ trích trong những tuần trước khi diễn ra hội nghị COP26, do các thành viên đã từ chối chấm dứt các khoản vay đối với các dự án có liên quan đến nhiên liệu hóa thạch trong năm nay. Thay vào đó, họ đặt ra mục tiêu giảm một nửa lượng phát thải khí carbon trong vòng một thập kỷ.
Người ta có thể cho rằng sẽ là điều không khôn ngoan nếu đột ngột cấm cho vay đối với các dự án không phải là dự án xanh, với lý do cần tránh đánh mạnh hơn vào những ngân hàng vốn có truyền thống tham gia nhiều nhất vào các lĩnh vực hoạt động thâm dụng carbon. Thay vào đó, danh mục cho vay nên được coi như một danh mục các dự án đa dạng, với một quỹ đạo tổng thể được xác định theo hướng xanh nhiều hơn, để đổi lấy các nghĩa vụ đối với các bên ký kết.
Các ngân hàng được đề cập ở trên đã được mời trả lời các kết quả nghiên cứu của chúng tôi, được trình bày trong bài báo này. MUFG đã gửi cho chúng tôi bản tuyên bố về tính trung hòa carbon và khung chính sách xã hội và môi trường của họ. Còn lại, các ngân hàng JP Morgan, Wells Fargo, Citi và ICBC đều từ chối bình luận.
Paul David Richard Griffiths |
Tác giả
Paul David Richard Griffiths, Giáo sư về Tài chính; Giám đốc Học thuật của Chương trình Cao học về Ngân hàng, Tài chính & Fintech, EM Normandie - UGEI
Tuyên bố công khai
Paul David Richard Griffiths không làm việc, không tư vấn, không sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài báo này, và tuyên bố không có bất cứ quan hệ nào khác ngoài công việc mang tính học thuật.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Finance verte”: faut-il croire au nouvel engagement des grandes banques à la COP26?, The Conversation, ngày 9 tháng 11 năm 2021.