23.11.21

Phương thuốc cho sự bất trắc

Những sự thật và dối trá nhân danh khoa học
Tạp chí “Manière de voir” #179 • Tháng 10 – 11 2021

PHƯƠNG THUỐC CHO SỰ BẤT TRẮC

Philippe Descamps

Michael Waraksa ///// “The Star-Crossed Astronomer” (L’astronome maudit), 2017

Cho đến cuối mùa hè năm 2021, đại dịch Covid-19 đã làm cho 4,5 triệu người chết trên thế giới[*]. Mặc dù có những cuộc phong tỏa ít nhiều nghiêm ngặt và đã tiêm gần sáu tỷ liều vắc xin, một làn sóng dịch mới đang làm u ám chân trời. Sự nghi ngờ của dân chúng nảy sinh do những chính sách y tế bất nhất không còn miễn trừ các chuyên gia, những sai lầm của họ thường được cung cấp cho mục tin thời sự. Hiếm khi sự bất trắc về y tế nặng nề đến thế, không khí trí thức lộn xộn đến thế.

Hơn bao giờ hết, những thời gian khủng hoảng thôi thúc sự khước từ lẽ thông thường, chọn thử thách các sự kiện, thử nghiệm, kiểm chứng qua quan sát. Nhưng những mong chờ đối với khoa học vượt khỏi những nền tảng và giới hạn của nó khi ta đòi hỏi những điều hoàn toàn chắc chắn, những dự báo chính xác hay khi đánh giá quá cao tầm nhìn của những “vĩ nhân”, thậm chí là những “người khoác lác”. “Tách rời lý trí khỏi những cảm nhận” như René Descartes đã từng kêu gọi đòi hỏi không chỉ khước từ một cách giải thích duy nhất, mà còn là hiểu sự gia tăng tốc độ của tri thức. Giống như Vũ trụ, tri thức bành trướng ra với một nhịp độ ngày càng gia tăng. Chúng ta càng học thì những câu trả lời lại càng gợi ra những câu hỏi mới còn rộng hơn nữa.

Hơn bao giờ hết, những thời gian khủng hoảng thôi thúc sự khước từ lẽ thông thường, chọn thử thách các sự kiện, thử nghiệm, kiểm chứng

Trong một thế giới mà phần lớn dân chúng tán thành ý tưởng về sự hiện diện của siêu nhiên, khoa học không có tham vọng đem lại một “sự thật”, những kết quả vĩnh viễn. Giá trị của một lý thuyết nằm ở chỗ nó có thể bị bác bỏ, ít nhất là một phần, bởi những khám phá mới có cơ sở. Chẳng hạn như lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein đã bổ sung cho hệ hình vạn vật hấp dẫn của Newton. Cơ học lượng tử đã cho phép hiểu tính chất của các nguyên tử mà khoa học vật lý cổ điển đã không tìm ra được.

Ra đời từ những cuộc tranh luận, sự đối chiếu các giả thuyết, sự táo bạo của cách đặt vấn đề, khoa học khác hẳn dư luận và các định kiến thường đóng vai trò tư tưởng. Khoa học vẫn là một từ trống rỗng không có một cách tiến hành có phương pháp, không tìm kiếm chứng cứ một cách có hệ thống và không có sự xem xét của các đồng sự. Trong rất nhiều lĩnh vực, các thông số liên quan đan xen chằng chịt với nhau đến độ không thể chứng minh tuyệt đối được. Từ đó nảy sinh tầm quan trọng của sự vận hành theo đồng thuận và của tập hợp các suy đoán. Tri thức càng rộng mở thì con người càng phải học để sống với những xác suất. Chẳng hạn, tập thể các chuyên gia về khí hậu đều cho rằng “hầu như chắc” là phần trên các đại dương đã nóng lên từ những năm 1970 và “cực kỳ có khả năng” là ảnh hưởng của con người là động lực chính của hiện tượng này. Điều đó có nghĩa là khoảng tin cậy là từ 99 đến 100% cho khẳng định thứ nhất và từ 95 đến 100% cho khẳng định thứ hai. Chờ đợi một điều hoàn toàn chắc chắn để hành động sẽ là chấp nhận tính tất yếu của tai họa.

Tính chất quyết liệt của kiểu lập luận này đưa đến việc bỏ qua nhiều thứ đang thịnh hành như “điều cảm nhận”, “kinh nghiệm cá nhân”, làm lợi cho toàn bộ các thí nghiệm hay quan sát. Khước từ những trực giác cũng giả định một cố gắng trừu tượng hóa và đòi hỏi một phương pháp sư phạm đích thực. Như vậy, xác suất điều khiển khái niệm “lợi ích-rủi ro”, là khái niệm quan trọng nhất trong y học để đánh giá một sự điều trị. Không bao giờ là hoàn toàn không có rủi ro, chẳng hạn như rủi ro khi cấp một vắc xin phải vô cùng nhỏ hơn rủi ro mắc bệnh hay làm bệnh lây lan.

Là phương thuốc cho sự bất trắc, khoa học cũng góp phần làm gia tăng bất trắc do một vài trong số những ứng dụng công nghệ của nó. Không một ai sợ hãi một cuộc chiến tranh hạt nhân trước khi có những khám phá về nguyên tử, những kết hợp di truyền bất thường trước khi có những khám phá về nhiễm sắc thể, tảo biển xanh trước khi có “cách mạng xanh”. Nhiều “giải pháp công nghệ” đã đem đến cùng với chúng những hiệu ứng không mong muốn. Những cách sử dụng sai khoa học không được làm ta quên rằng nhờ những tri thức mới, tử vong trẻ em đã giảm từ 280%o trước cách mạng Pháp xuống còn 37%o ngày nay, hay tuổi thọ trung bình lúc sinh (kỳ vọng sống) của người Pháp đã tăng từ 30 tuổi lên 85 tuổi. Để chống lại SARS-C0V-2, các vắc xin đã có thể được bào chế hoàn thiện chỉ trong vòng chưa đầy một năm!

Những nỗi sợ do các huyết thanh thuộc loại mới này nêu ra những vấn đề. Cũng như sự lầm lẫn thông thường giữa điều liên quan đến sự thoải mái và các phương pháp điều trị, đó là sự hâm mộ các cách điều trị Covid-19 vốn không chứng minh được lợi ích của chúng, hay nhiều phương pháp “y học” thay thế. Một cảm giác mất quyền? Một phản ứng đối với sự kiêu ngạo của một tầng lớp tinh hoa liên kết với tri thức? Một khía cạnh riêng tư của sự thu mình lại nảy sinh bởi bốn mươi năm của chủ nghĩa tân tự do? Thay vì lên án những lệch lạc này, có lẽ sẽ ích lợi hơn nếu ta tìm cách hiểu nguồn gốc và các dấu hiệu. Sự đáp trả tồi tệ nhất có lẽ là lý lẽ quyền hành vẫn thường bị lạm dụng bởi một bộ máy tập trung quyền lực theo hình tháp bị dồn vào thế phải dùng những biện pháp cưỡng chế để che giấu sự lơ là của mình.

Bởi vì, sự phủ nhận khoa học đến từ cấp cao nhất có những hậu quả gây thiệt hại hơn nhiều. Về điểm này, tình hình nước Pháp cũng không hơn gì Braxin. Sự lan truyền virus qua đường không khí vẫn bị xem nhẹ, làm lợi cho những khuyến nghị lỗi thời. Ta còn nhớ là tổng thống nước Cộng hòa Pháp phủ nhận lợi ích của việc tất cả mọi người đều mang khẩu trang vào giữa tháng tư năm 2020, trước khi việc mang khẩu trang trở thành bắt buộc… Trầm trọng hơn là những trì hoãn của ông trước lần phong tỏa thứ hai, mặc định là không thể tránh khỏi vào mùa thu năm 2020. Tuy không nói ra, chiến lược chính trị hàm ý buông lỏng sự lây lan cho đến giới hạn chịu đựng được trong các bệnh viện. Chính sách này không dự báo điều gì tốt lành cả trong lĩnh vực khí hậu.

Mỗi đợt phong tỏa vừa đánh dấu một thất bại, một cơ hội bị bỏ lỡ, vừa là sự thâm hụt về y tế công cộng, vốn là một khoa học về sự phòng ngừa. Những kiểm soát y tế quyết liệt ở biên giới, sự theo dõi chặt chẽ những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên và các biện pháp cục bộ nghiêm ngặt đã giúp tránh được sự cách ly tất cả dân cư, những hậu quả về mặt tâm lý, kinh tế và xã hội, với một số tử vong rất thấp tại nhiều nước khác nhau như Đài Loan, Phần Lan, Việt Nam, Iceland hay New Zealand. Và đây không chỉ là một vấn đề địa lý, khi đại dịch vẫn bùng lên ở những vùng đảo thuộc Pháp.

Niềm tin chỉ có thể trở lại bằng sự thủ đắc lớn hơn phương pháp khoa học, cũng đồng thời giải phóng y học và chuyên môn môi trường khỏi các cuộc xung đột lợi ích, hay giải phóng khỏi những định hướng nghiên cứu chạy theo một cách điên cuồng những đổi mới vô ích. Có lẽ các công dân, nam cũng như nữ, cần một la bàn hơn là một GPS (hệ thống định vị toàn cầu). Tất nhiên, hệ thống định vị qua vệ tinh siêu tinh vi này cho phép họ thường xuyên biết được vị trí của họ. Nhưng một niềm tin mù quáng vào công nghệ sẽ làm mất phương hướng.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Remède à l’incertitude”, Manière de voir, tháng 10-11 2021.

----

Chú thích của người dịch:

Philippe Descamps (1973-)

Vài nét về tác giả (Theo Wikipedia)

Philippe Descamps, sinh ngày 16 tháng 5 năm 1973 tại Champigny-sur-Marne (Pháp), là tiến sĩ triết học. Lĩnh vực chuyên môn của ông là đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, luật học và triết học đạo đức. Là biên tập viên của tạp chí Manière de voir, thuộc báo Monde diplomatique, ông đã điều phối số 167 – tháng 10-11 năm 2019, với nhan đề ““La bombe humaine: la pression démographique sur la planète” - Quả bom dân số: áp lực dân số trên hành tinh – và số 179 – tháng 10-11 năm 2021 với nhan đề "Vérités et mensonges au nom de la science" – Những sự thật và dối trá nhân danh khoa học -.”




Chú thích:

[*] Theo phân tích của Center for Systems Science and Engineering, Đại học Johns Hopkins (Mỹ)

Print Friendly and PDF