20.11.21

Trò chuyện với Christophe Gaudin: “Lần đầu tiên, các nền dân chủ phương Tây phải đối mặt với một mô hình chuyên chế quản lý cuộc khủng hoảng tốt hơn họ”

TRÒ CHUYỆN VỚI CHRISTOPHE GAUDIN: “LẦN ĐẦU TIÊN, CÁC NỀN DÂN CHỦ PHƯƠNG TÂY PHẢI ĐỐI MẶT VỚI MỘT MÔ HÌNH CHUYÊN CHẾ QUẢN LÝ CUỘC KHỦNG HOẢNG TỐT HƠN HỌ”

Christophe Gaudin[1]Marie-Christine Lipani[2]

Sự chi phối của quyền lực Trung Quốc đã cho phép nước này đối mặt với đại dịch, xúc tiến một mô hình đối lập với các giá trị phương Tây. Hector Retamal / AFP

Phát biểu tại Hội nghị Báo chí năm 2021 ở Bordeaux, Christophe Gaudin, nhà xã hội học và hiện là phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Kookmin ở Seoul, phân tích mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào thời điểm mà các quân bài đang bị cuộc khủng hoảng y tế xáo trộn lại.

Giữa hăm dọa quân sự, trừng phạt kinh tế và tuyên bố ngoại giao long trọng, tình hình quan hệ Trung - Mỹ hiện này như thế nào?

Christophe Gaudin
Marie-Christine Lipani

Christophe Gaudin: Ý tưởng về sự xấu đi trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, câu hỏi không được đặt ra ở cấp độ ngoại giao. Sau cuộc bầu cử của Joe Biden, trong một vài tuần, nhiều nhà bình luận cho rằng ông sẽ quay lại cách tiếp cận đa phương hơn. Nhưng sự việc này đã không diễn ra. Hoa Kỳ đang tự khép mình trong khối nói tiếng Anh, trong một liên minh chống lại Trung Quốc. Có nhiều sự liên tục hơn là sự khác biệt với chính sách bảo hộ của Donald Trump.

Đọc thêm: Ngoại giao: Nước Mỹ của Joe Biden thể hiện cái gì?

Những gì cần phải được quan sát là những gì diễn ra trong dài hạn. Lần đầu tiên, các nền dân chủ phương Tây phải đối mặt với một mô hình chuyên chế quản lý cuộc khủng hoảng tốt hơn họ. Quyền lực của Trung Quốc đã đạt đến một mức độ kiểm soát mà không ai ngờ đến và họ tự hào về điều này trong sự tuyên truyền của họ. Đồng thời, các xã hội phương Tây, trước hết là Hoa Kỳ, đang bị sự chia rẽ ngày càng mạnh mẽ hơn đầu độc. Do đó, chúng ta phải đối mặt với một quyền lực không ngừng lớn mạnh nhưng trở nên độc tài hơn bao giờ hết đối mặt với một khối phương Tây, trong đó Hoa Kỳ là trung tâm, đang trong tiến trình suy tàn.

Tất cả những yếu tố này sau đó được thể hiện qua các căng thẳng ngoại giao. Sự sôi động ngoại giao của Mỹ đã kết thúc trong thất bại. Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động quân sự bằng cách xâm lược Iraq và Afghanistan. Họ đã dùng đến các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại nhiều quốc gia, khiến cho những quốc gia này nghèo đi nhưng lại củng cố các quyền lực đang trị vì. Về mặt thương mại, họ đã hội nhập Trung Quốc vào WTO vào năm 2001, trước khi chọn chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Donald Trump. Rốt cuộc, hai quyết định này lại là một thất bại mới cho cường quốc Mỹ. Do đó, sự căng thẳng ngoại giao này là kết quả của một cuộc khủng hoảng sâu sắc đã kéo dài vài thập kỷ.

Ông có nghĩ rằng việc sử dụng thuật ngữ “chiến tranh lạnh” là phù hợp?

C. G.: Chúng ta cần hiểu thuật ngữ chiến tranh lạnh một cách tinh tế hơn. Cho đến sự sụp đổ của Liên Xô, chúng ta có hai thế giới riêng biệt. Ngày nay trên thực tế có một sự đoàn kết kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc. Trung Quốc thậm chí còn cho Hoa Kỳ vay tiền. Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, và cần tăng trưởng mạnh mẽ. Trước hết, bởi vì sự tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp; do đó nó rất nhạy cảm với sự gia tăng năng suất. Sau nữa, vì Trung Quốc là một quốc gia chỉ chấp nhận một đứa con thôi. Sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng là sự đảm bảo cho hòa bình xã hội mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hứa với các bậc cha mẹ.

Trung Quốc không thể nghĩ đến sự sụp đổ của Hoa Kỳ. Ngược lại, Hoa Kỳ vẫn có thể tồn tại mà không cần đến Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc là chủ nợ chính của Mỹ, nhưng nước này không bị trói tay trói chân. Nếu một ngày nào đó, Trung Quốc từ chối sự trao đổi tài chính này, Hoa Kỳ sẽ có thể tìm đến các quốc gia khác vì không ai chịu để đồng đô la sụp đổ.

Trung Quốc có phải là nước mang ý chí cứu thế không? Quyền lực độc tài của Trung Quốc có thể trở thành điểm yếu của nó không?

C. G.: Chiều kích cứu thế không có nơi Trung Quốc. Trong chữ tượng hình, Trung Quốc là “quốc gia ở trung tâm. Nó là trung tâm của thế giới và các quốc gia khác tương đối không quan trọng.

Trung Quốc, giống như Nhật Bản, là một quốc gia khép kín, nơi có rất ít người nước ngoài, nơi việc dạy ngoại ngữ không mấy quan trọng. Mối quan hệ của Trung Quốc với các nước khác trên hết là thực dụng. Đặc biệt, nó cần đất để bù đắp cho sự thiếu hụt nguyên liệu thô trên lãnh thổ của nó. Nó mua ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Phi. Nó lan rộng ảnh hưởng kinh tế của mình trên khắp thế giới. Trong mọi trường hợp, nó không muốn phổ biến ngôn ngữ của mình cho người dân địa phương. Các công ty Trung Quốc ở nước ngoài thậm chí còn lo sợ việc nhân viên của họ sẽ cặp đôi với phụ nữ nước tiếp nhận họ. Đây là một tầm nhìn hoàn toàn theo chủ nghĩa thực dân, theo nghĩa đó là việc lấy các tài nguyên từ các nước bên ngoài, mà không cần đền bù. Ý chí này được phản ánh trong các dự án Con đường Tơ lụa mới. Việc thiếu đường truyền gần như là một điều bất lợi đối với quyền lực của Trung Quốc.

Mặc dù ý thức hệ chính trị của hai quốc gia này khác nhau, có thể có những yếu tố tương đồng nào không?

C. G.: Chủ nghĩa tư bản ở đâu cũng giống nhau. Không nên phóng đại tính đặc thù của mô hình Trung Quốc. Nó cũng đáp ứng cuộc chạy đua để tăng trưởng. Có sự cạnh tranh thực sự. Hai quốc gia cũng giống nhau vì trong hai hệ thống này, có một sự nhằng nhịt không thể tưởng được giữa giới tinh hoa và quyền lực chính trị. Sự khác biệt về cơ bản phụ thuộc vào sự tồn tại hay không của một xã hội dân sự. Ở Trung Quốc, mô hình chính quyền đã thành công trong việc làm cho mọi sự đối lập phải im tiếng. Để so sánh, trong quá khứ, công dân Liên Xô đến phương Tây đã đọc rất nhiều sách bị chế độ cấm. Sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài có thể tiếp cận rất nhiều tài liệu về đất nước của họ, kể cả bằng tiếng Trung Quốc, nhưng thậm chí họ không nghĩ đến việc tham khảo chúng. Trung Quốc đã đạt được mức độ kiểm soát ý thức hệ chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

Nguy cơ chuyển sang một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là gì?

C. G.: Sự mất cân bằng quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là rất lớn. Nga ở trong ý tưởng về một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng Trung Quốc không gây chiến để phát triển thương mại trên thế giới: họ mua đất và rào lại. Trung Quốc tự cô lập mình với thế giới bên ngoài trong khi mua những mảnh đất của các nước khác trên khắp hành tinh. Các điểm xích mích hiện tại là Đài Loan và Hồng Kông.

Chế độ sợ các phong trào dân chủ ở châu Á. Nó đang trong một chiến lược bóp nghẹt chậm rãi dẫn đến việc chiếm các lãnh thổ của nó. Khi Vương quốc Anh tạo điều kiện cho người Hồng Kông có thị thực dễ dàng hơn, thì Vương quốc Anh đã tiếp thu được những người có kỹ năng và được đào tạo. Còn Trung Quốc thì đang đẩy lùi những người kêu gọi dân chủ hơn. Đây là một thỏa thuận ngầm tiện lợi cho cả hai bên tham gia. Khi Trung Quốc cảm thấy đủ mạnh trong lĩnh vực quân sự, họ sẽ chiếm Đài Loan. Câu hỏi được đặt ra lúc đó: Hoa Kỳ sẽ trả đũa không? Khó dự đoán, đặc biệt là trong thời đại truyền thông xã hội, phản ứng xảy ra ngay tức thì và ngày càng khó đoán.

Hải quân Đài Loan tập trận mô phỏng một cuộc tấn công vào hòn đảo vào ngày 13 tháng 4 năm 2018, ở phía đông nước này. Sam Yeh / AFP

Vị trí của châu Âu trong cuộc đối mặt này giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là gì?

C. G.: Không có cái gọi là một châu Âu chính trị hay một châu Âu đoàn kết. Các nước ở phía Đông, phía Tây và phía Nam có một đường lối kinh tế và ý thức hệ khác nhau. Từ đó, có hai giải pháp. Hoặc Châu Âu được cấu thành như một cường quốc và do đó có thể có ch đứng trong bộ ba Châu Âu / Hoa Kỳ / Trung Quốc. Hoặc mỗi quốc gia sẽ tự tạo ra không gian để hành động và tự tách rời.

Khuôn mẫu để noi theo là Hàn Quốc. Bằng cách khẳng định các đặc trưng văn hóa như ngôn ngữ của mình, Hàn Quốc tỏa sáng ở châu Á và phần còn lại của thế giới. Do đó, tiếng Hàn là ngôn ngữ được nghiên cứu nhiều thứ ba ở châu Á, sau tiếng Anh và tiếng Trung, không liên quan đến số lượng người nói tiếng Hàn. Pháp, trong những năm 1980-1990, đã tạo chỗ đứng cho mình bằng cách xuất khẩu công nghệ hạt nhân, và cả Tàu hỏa tốc độ nhanh/TGV. Nhưng Pháp cũng có thể phát triển các lĩnh vực đi học bằng tiếng Pháp chứ không phải bằng tiếng Anh và do đó tạo được chỗ đứng cho mình ở châu Á. Chúng ta đang bế tắc ở điểm này. Hoặc Châu Âu vẫn là một khối chia rẽ hoặc Pháp tách ra khỏi khối, mà không thể cạnh tranh về phương diện quyền lực với Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.

Liệu Hàn Quốc có thể đóng vai trò là người đối thoại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi họ có vị trí địa lý gần Trung Quốc và hệ thống dân chủ đã được phương Tây xác nhận?

C. G.: Người Hàn Quốc muốn có nhiều không gian để hành động hơn, nhưng họ bị mắc kẹt giữa hai con quái vật. Hàn Quốc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đặc biệt là kể từ khi hiệp định thương mại tự do được ký với Trung Quốc dưới thời chính phủ bảo thủ trước đây. Hàn Quốc cũng cung cấp một phần lớn dây chuyền lắp ráp của mình cho Trung Quốc để có thể tiếp tục cạnh tranh trên phương diện quốc tế. Điều này khiến Hàn Quốc dễ bị tổn thương.

Chúng ta đã thấy tình hình này với đại dịch. Hàn Quốc đã không thể đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Do đó, đây là quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề. Mối quan hệ với phương Tây là về văn hóa và học thuật. Hàn Quốc đang phát triển quyền lực mềm, Trung Quốc thì không. Nhiều sinh viên Hàn Quốc đi du học Mỹ. Hiện tại, Hàn Quốc đang chơi trên cả hai bảng và đang cố gắng đa dạng hóa các hoạt động của mình ở Đông Nam Á để thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc, nhưng điều này sẽ cần thời gian.

__________

Cuộc phỏng vấn do Shan Cousineau và Marthe Gallais, sinh viên thạc sĩ chuyên nghiệp về báo chí tại Học viện Báo chí Bordeaux Aquitaine (IJBA) thực hiện.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Entretien avec Christophe Gaudin: “Pour la première fois les démocraties occidentales font face à un modèle autoritaire qui gère une crise mieux qu’elles”, The Conversation, 25.10.2021.




Chú thích:

[1] Giám đốc về kiến thức tại Eranos-Séoul, Phó giáo sư về khoa học chính trị, Kookmin University

[2] Phó giáo sư về khoa học thông tin và truyền thông, có tư cách hướng dẫn nghiên cứu ở Viện Báo chí Bordeaux Aquitaine (IJBA), Đại học Bordeaux Montaigne

Print Friendly and PDF