7.11.21

Từ việc chấm dứt sử dụng than đá đến sự công bằng khí hậu

TỪ VIỆC CHẤM DỨT SỬ DỤNG THAN ĐÁ ĐẾN SỰ CÔNG BẰNG KHÍ HẬU

Amélie Canonne[1]Nicolas Haeringer[2]

Chỉ vài tuần trước COP26, Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Một quyết định thúc đẩy, được mong đợi nhiều hơn từ Hoa Kỳ hoặc Liên minh Châu Âu. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự chú ý nên tập trung vào Trung Quốc. Một cách khác để kiểm soát trước sự sản xuất năng lượng cần phải được xem xét, đi ngược lại với cách tiếp cận độc đoán của Bắc Kinh: sự kiểm soát công dân, nhằm tạo ra một quá trình chuyển đổi năng lượng “từ dưới lên” công bằng và dân chủ hơn.

Hai tuần qua rõ ràng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong địa chính trị khí hậu. Thật vậy, trong bài phát biểu (từ xa) trước Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ ngừng “xây dựng” các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.

Thông báo đã được phổ biến rộng rãi. Nhưng nó vẫn chưa được hiểu và bình luận tương xứng với cái tầm của những hệ lụy của nó. Chúng ta có thể tin rằng nếu Emmanuel Macron hoặc Joe Biden đưa ra một cam kết tương tự, mức độ mà các phương tiện truyền thông sẽ phổ biến nó sẽ rất khác. Và đây chắc chắn là một trong những chìa khóa để hiểu các thông báo của ngày 21 tháng 9: phạm vi của chúng không giới hạn ở vấn đề duy nhất là khí hậu. Hệ quả là rất nhiều, cả trên quan điểm của các chiến lược của phong trào vì công bằng khí hậu.

Hiệu ứng domino

Tập Cận Bình (1953-)

Như vậy, trong bài phát biểu của mình, Tập Cận Bình cam kết dừng mọi đầu tư của Trung Quốc vào các dự án than ở nước ngoài. Ở đây cần phải làm rõ một số điều: thông báo chỉ liên quan đến các dự án nhà máy nhiệt điện than, chứ không liên quan đến chính hoạt động khai thác than. Cụ thể, 44 dự án nhà máy điện, với hơn 50 tỷ đầu tư của Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, đây là một trong những thông báo quan trọng nhất kể từ khi khởi động chiến dịch thoái vốn đầu tư khỏi lãnh vực các nhiên liệu hóa thạch. Cho đến nay, hơn 14 nghìn tỷ USD đã được thoái vốn khỏi than, khí đốt và dầu mỏ. Nhưng đây là tổng tài sản, mà chỉ một phần thôi được đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Ví dụ, trong năm 2015, quỹ tài sản quốc gia của Na Uy đã thông báo rằng họ sẽ thoái vốn khỏi than, khỏi một số loại hydrocacbon không thông thường (cũng như khỏi xi măng và các mỏ vàng) - đây là một trong những khối đầu tư chứng khoán lớn nhất trên thế giới. Khối lượng tài sản thoái vốn vào thời điểm đó lên đến 850 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu – tức là mức thoái vốn lớn nhất cho đến lúc đó. Tuy nhiên, mặc dù ta không biết cơ cấu chính xác của các khoản đầu tư của loại quỹ này, nhưng không chắc rằng tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch đạt đến 50 tỷ USD. Do đó, thông báo của Trung Quốc, về mặt giá trị tuyệt đối, đúng là có tính lịch sử. Và tầm quan trọng của nó thậm chí còn lớn hơn nữa.

Tiếp theo đó, Ngân hàng Trung Quốc đã tuyên bố rút khỏi vô thời hạn mọi dự án than trong tương lai - bao gồm cả các hoạt động khai thác mỏ. Do đó, tuyên bố của Tập Cận Bình gây được tiếng vang lớn hơn nữa: đó là việc Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia. Bởi vì, trong chừng mực phần lớn hoạt động khai thác do Trung Quốc hỗ trợ bên ngoài biên giới của nước này có chức năng cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Ngân hàng Trung Quốc cho thấy rõ ràng là Trung Quốc có ý định giảm tiêu thụ than trong những năm tới.

Tập Cận Bình đã tuyên bố hồi đầu năm rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Do đó, xu hướng này đang tăng nhanh: mức tiêu thụ than có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 – với mục tiêu “trung tính” carbon vào năm 2060. Tiếp theo đó, đến lượt Malaysia cũng thông báo rằng họ muốn thoát khỏi than đá.

Ý tưởng đúng không từ trên trời rơi xuống

Thông báo của Trung Quốc không phải xuất hiện từ khoảng trống. Tất nhiên chúng được ghi nhận trong một xu hướng lớn: kỷ nguyên than đang ở phía sau chúng ta, vấn đề không còn là bàn cãi về sự cần thiết phải đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, mà là tổ chức sao cho việc tháo d chúng càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, cho đến nay, các dự án than vẫn tiếp tục nhân rộng: xu hướng là một chuyện, sự phụ thuộc vào lộ trình (trong trường hợp này: hệ quả về mặt cấu trúc của một hỗn hợp năng lượng cụ thể) là chuyện khác. Nếu Trung Quốc đang tăng tốc thoát khỏi than đá, bắt đầu với các dự án nằm bên ngoài biên giới của họ, thì đó cũng là do các phong trào phản kháng ngày càng tăng đối với các cơ sở hạ tầng than. Ở Kenya, Ghana, Bangladesh, Philippines: ở khắp mọi nơi, các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các nhà máy nhiệt điện than mới được động viên ồ ạt để ngăn chặn sự tàn phá sự sống. Đây thực sự là một thắng lợi cho các cuộc vận động chống lại chủ nghĩa khai thác.

Và lượng khí thải của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là cho đến năm 2025. Từ đây đến đó, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than mới, với năng lực sản xuất (và lượng khí thải với hiệu ứng nhà kính) tương đương với mức sản xuất điện từ than trong Liên minh Châu Âu.

Do đó, một trong những thách thức rõ ràng là việc rút ngắn chuyển động theo thời gian, đồng thời mở rộng nó trong không gian, điều này đòi hỏi không tự thỏa mãn với việc từ bỏ các dự án, mà là thành công trong việc đóng cửa các cơ sở hạ tầng đang hoạt động, trước ngày đóng cửa theo lịch trình của chúng - và đảm bảo rằng sự chú ý không còn tập trung vào riêng Trung Quốc: còn nhiều việc phải làm, kể cả ở châu Âu.

Do đó, các giới hạn đối với các thông báo ngày 21 tháng 9 là rất nhiều, và chúng không đủ để đưa chúng ta trở lại con đường của sự nóng lên của trái đất được duy trì ở mức gần nhất với 1,5 °C.

Vô trách nhiệm chung, nhưng khác biệt?

Rất nhiều người đã chờ đợi các quyết định thúc đẩy đến từ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và thậm chí là Vương quốc Anh, quốc gia chủ trì COP26 năm nay.

Hẳn là Joe Biden đã hứa sẽ tăng mức đóng góp của Hoa Kỳ cho quỹ xanh, nhưng chính quyền của ông ta đã hành động một cách không nhất quán: chính quyền Hoa Kỳ đã cho phép khoan dầu ở Vịnh Mexico, viện cớ rằng “báo cáo [của IPCC/Nhóm chuyên gia về biến đổi khí hậu] không trình bày đủ bằng chứngđể hủy bỏ các dự án này. Trump đã biến mất, nhưng sự hoài nghi về khí hậu vẫn chưa rời khỏi Nhà Trắng.

Những căng thẳng gần đây giữa một bên là Pháp (và Liên Minh Châu Âu) với Úc và Mỹ, trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, là biểu hiện mới nhất của những thay đổi sâu sắc - và, ít nhất là từ hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, các hội nghị thế giới về khí hậu là những đấu trường mà cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ diễn ra. Điều đang xảy ra phần nào là sự mất đi ảnh hưởng của Liên minh châu Âu, vốn chưa bao giờ thành công trong việc tự xác định như là một kiểu mẫu thực sự trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu (một sự lựa chọn đáng lẽ là rất quan trọng, kể cả vì những lý do hoàn toàn mang tính công cụ, như một cách để bù đắp cho sự mất mát thể lực địa chính trị của mình).

Các thông báo của Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng: Bắc Kinh đang rút khỏi các dự án than đang được nghiên cứu, đặc biệt ở châu Á và châu Phi, nhưng rõ ràng sẽ không từ bỏ việc hỗ trợ các nước châu Phi và châu Á phát triển năng lực sản xuất điện của họ.

Tất nhiên, Trung Quốc không sẵn sàng giảm hoặc thậm chí điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của mình. Tiêu thụ điện của nước này tiếp tục tăng, và Trung Quốc không những đưa các nhà máy nhiệt điện than mới vào hoạt động mà còn phát triển các công nghệ hạt nhân nội sinh, cũng như quan tâm đến khí đốt của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc đang bắt đầu một bước ngoặt lớn, hướng tới một nền ngoại giao khí hậu tích cực, dựa trên một chiến lược triển khai các năng lượng tái tạo đã được chuẩn bị từ ít nhất mười năm nay.

Qua đó, Bắc Kinh cho thấy rằng họ hoàn toàn có ý định gánh vác trách nhiệm của mình đối với sự nóng lên toàn cầu, và còn đi ngược lại tất cả các chính phủ đã tìm cách biến họ thành vật tế thần cho sự không hành động của chúng, bằng cách quên thừa nhận rằng các chính phủ này đã nhập khẩu một lượng lớn lượng khí thải này vào thị trường nội địa của họ.

Sự khác biệt ở đây là rõ ràng, gần như tàn nhẫn, với sự trì hoãn của Hoa Kỳ (nước đứng hàng đầu trong việc thải khí trên phương diện lịch sử), Đức (thứ 4), Vương quốc Anh (thứ 5), Nhật Bản (thứ 6), Pháp (thứ 8), Canada (thứ 9) và Ba Lan (thứ 10), những nước đều bị xem như là những đứa học trò xấu, ở những mức độ khác nhau. Nga (thứ 3) và Ấn Độ (thứ 7) cũng đang bị tụt lại phía sau. Chẳng hạn, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cho phép các công ty dầu khí tiếp tục khai thác mỏ trên các vùng đất liên bang và mang lại một sự hỗ trợ vững chắc cho nền kinh tế than. Vương quốc Anh tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than trong bối cảnh giá khí đốt tăng. Pháp đã không đưa ra được một kịch bản đồng thuận để đóng cửa nhà máy nhiệt điện than Cordemais và tiếp tục hỗ trợ Total trong chính sách khai thác tối đa, đồng thời vẫn bám vào năng lượng hạt nhân, bất chấp tình trạng lãng phí tài chính mà nó thể hiện.

Liên minh châu Âu coi khí đốt là năng lượng carbon thấp, một năng lượng chuyển tiếp và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng có nhiều vấn đề: chúng không cho phép các quốc gia thành viên ở Trung và Đông Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga và chúng còn là những phát thải “bị chặn” (một cơ sở hạ tầng được đưa vào sử dụng ngày nay được cho là hoạt động trong ít nhất 40 năm, tức là sẽ có nhiều năm phát thải thêm). Nga là một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn, trong khi Mỹ đã mở rộng cánh cửa cho việc khai thác các mỏ khí đốt không thông thường.

Việc Trung Quốc rút khỏi than tất nhiên đặt ra câu hỏi về năng lượng thay thế, khi mà Trung Quốc không có ý định giảm sản xuất điện hoặc thoát khỏi chủ nghĩa khai thác, cũng như Trung Quốc cũng sẽ không hỗ trợ các quốc gia đối tác của mình hướng tới sự điều độ: thông qua trò chơi của các bình thông nhau, Trung Quốc có thể tăng cường đầu tư vào năng lượng hạt nhân và định vị mình như một nhà cung cấp khí đốt chính để bù đắp cho sự thoát khỏi dần năng lượng than.

Chính sách khí hậu theo kiểu leviathan hay chính sách khí hậu theo kiểu Mao?

Trong cuốn sách kích thích của họ (không được dịch sang tiếng Pháp) Climate Leviathan: a Political Theory of Our Planetary Future (Chính sách khí hậu Léviathan[i]: Lý thuyết chính trị về tương lai hành tinh của chúng ta), được Verso xuất bản vào năm 2018, Geoff Mann và Joel Wainwright đã phân biệt bốn loại chế độ chính trị, tương ứng với bấy nhiêu đối sách với sự nóng lên toàn cầu: “Chính sách khí hậu Léviathan”, một dạng siêu nhà nước, không thể tách rời khỏi chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, với sự cai trị thế giới dựa trên quyền lực trên toàn hành tinh, vốn sẽ trỗi dậy từ tiến trình thể chế của Liên hợp quốc; “Chính sách khí hậu Mao”, một dạng đối sách toàn cầu, nhưng không tư bản, đối với mối đe dọa khí hậu, dựa trên “sự khủng bố chính đáng”; “Chính sách khí hậu Béhémoth[ii]”, một sự sắp xếp toàn cầu dựa trên cách tiếp cận tư bản chủ nghĩa và sô-vanh phủ nhận thực tế của sự nóng lên toàn cầu, mà Bolsonaro hay Modi là những đại diện hiện tại; “khí hậu X”, thuật ngữ được các tác giả dùng để chỉ định những gì có thể được tạo ra từ các phong trào đấu tranh cho sự công bằng khí hậu.

Geoff Mann
Joel Wainwright

Vị trí của Trung Quốc là không chắc chắn: Mann và Wainwright tin rằng “Leviathan khí hậu” không thể trỗi lên mà không bao gồm các Nhà nước mà hiện nay vẫn tương đối bị loại bỏ khỏi các không gian và đấu trường cai trị toàn cầu - trong trường hợp này chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, “khí hậu Mao” cũng không thể xuất hiện mà không có Trung Quốc. Mann và Wainwright tin rằng sự ủng hộ kiên quyết của Trung Quốc đối với các chính sách công nghiệp dựa trên sự gia tăng phát thải khí nhà kính khiến sự xuất hiện của “Khí hậu Mao” là không chắc chắn.

Có lẽ các con bài đang được chia lại. Việc Trung Quốc có thể dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu ở đây hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ: các điều kiện sẽ có đủ cho sự trỗi dậy của một giải pháp được tổ chức xung quanh các Nhà nước mạnh mẽ, độc tài - một hình thức “khủng bố chính đáng” như là cách ứng phó duy nhất có khả năng kiềm chế sự rối loạn khí hậu thông qua năng lực vượt trội (so với các chế độ dân chủ) để huy động các nguồn lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi.

Sự thiếu ý chí và tham vọng chuyển đổi được các chính thể đại diện của Châu Âu và Bắc Mỹ thể hiện chỉ nuôi dưỡng ý tưởng rằng nền dân chủ không phù hợp với những gì cần thiết cho sự chuyển đổi sâu sắc của hệ thống năng lượng. Khi không ngừng đẩy lùi sự biến đổi, các quốc gia tạo điều kiện cho sự xuất hiện của cách tiếp cận độc đoán này như là phương sách cuối cùng: những lựa chọn này càng ít được dự đoán thì chúng sẽ càng đau đớn, không được ưa chuộng và phải được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp. Chúng ta chờ đợi càng lâu, chi phí xã hội sẽ càng cao - bẫy người lao động trong ngành (và các công đoàn của họ) giữa nhu cầu bảo vệ việc làm và ý chí đóng góp tích cực để sáng tạo một mô hình mới.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu nói chung, và Pháp nói riêng, đang ở trong thế bế tắc dân chủ và xã hội. Khi chọn giá carbon là yếu tố trọng tâm, nếu không phải là duy nhất, của các chính sách chuyển đổi năng lượng - mà không có bất kỳ chính sách tái phân phối thực sự nào; trừ phi đầu tư ồ ạt vào quá trình chuyển đổi nói trên, các chính sách này sẽ nuôi dưỡng sự đối lập (nhưng rất là giả tạo) giữa sự khẩn cấp xã hội và sự khẩn cấp khí hậu. Tuy nhiên, câu hỏi về khả năng tiếp cận năng lượng là trọng tâm, và cả các cuộc vận động bùng nổ gần đây nhất: phong trào “áo vàng”, cũng như các cuộc vận động ở Chile và Lebanon vào năm 2019 là những hành động đáp lại các chính sách đặt giá của quá trình chuyển đổi (hoặc, chính xác hơn là cái giá của việc không có bất kỳ sự chuyển đổi thực sự nào) lên vai các tầng lớp lao động và tầng lớp trung lưu.

Tại Pháp, các khẩu hiệu vào những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm của Emmanuel Macron (Làm cho hành tinh trở nên vĩ đại trở lại) và các quá trình được cho là đổi mới như Công ước về Khí hậu của Công dân (CCC) đã thành công. Thật ra, việc Emmanuel Macron từ bỏ mọi chính sách khí hậu đầy tham vọng không chỉ mang tính chiến thuật và mang tính chu kỳ: trừ khi có sự thay đổi triệt để trong cách tiếp cận chính trị, Pháp sẽ vĩnh viễn từ bỏ việc lập biểu đồ quá trình chuyển đổi dân chủ và xã hội, chiếu cố cho những người giàu nhất (và những người gây ô nhiễm nhất).

Hướng tới công bằng khí hậu?

Câu hỏi này không phải là thứ yếu. Bắc Kinh là hiện thân của cách tiếp cận từ trên xuống, được chỉ đạo bởi một Nhà nước mạnh (được biết là coi nhẹ việc tôn trọng quyền con người, đặc biệt là đối với người Duy Ngô Nhĩ). Không có cách tiếp cận độc đoán, từ trên xuống nào đối với quá trình chuyển đổi có thể ‘thay đổi hệ thống’ như các nhà hoạt động cho sự công bằng khí hậu đã đòi hỏi kể từ COP15 ở Copenhagen. Logic và tầm nhìn của Tập Cận Bình, Elon Musk hay các nhà lãnh đạo của Google đều giống nhau - điểm khác biệt duy nhất là vai trò của Nhà nước và sự thừa nhận quyền của các “thiểu số”. Đối với phần còn lại, tương lai được đề xuất chắc chắn là một tương lai carbon thấp (mặc dù nó dựa rất nhiều vào cái thủ thuật về tính “trung lập”), nhưng được tổ chức xung quanh các công nghệ vốn là phi dân chủ. Thị trường hay chủ nghĩa chuyên quyền: chúng ta bị kẹt giữa hai tầm nhìn về tương lai đều cũng không có tính giải phóng.

Emmanuel Macron (1977-)
Joe Biden (1942-)

Ở đây có vẻ nghịch lý khi lấy làm tiếc rằng các chế độ đại nghị không có khả năng triển khai một quá trình chuyển đổi thực sự: Pháp của Emmanuel Macron hoặc Hoa Kỳ của Joe Biden không tương ứng với mô hình chuyển đổi từ bên dưới. Do đó, sự chuyển hướng của Emmanuel Macron, người đã từng cam kết tiếp nhận “không cần lọc” các đề xuất của Công ước về khí hậu của công dân, làm rõ một số điểm.

Vì thế, việc Tập Cận Bình, chỉ trong một thông báo và một diễn văn, đã chế nhạo tính lỗi thời của các chính sách khí hậu của châu Âu và Hoa Kỳ, làm sáng tỏ sự bất cẩn của các nhà lãnh đạo phương Tây và sự vô trách nhiệm hoàn toàn của họ.

Có nguy cơ cộng đồng quốc tế sử dụng những thông báo này để trì hoãn các quyết định đầy tham vọng, và một phần đáng kể của COP26 sẽ bị lãng phí khi hoan nghênh việc thực hiện “lời tiên tri tự hoàn thành” của Thỏa thuận Paris. Chúng ta cần nhắc lại, các thông báo của ngày 21 tháng 9 chỉ là một bước, là rất thiếu sót. Hoàn toàn không có vấn đề khoanh tay không làm gì nữa.

Bước tiếp theo rõ ràng nhất là đẩy nhanh việc thoát khỏi than đá, theo hai cách: bằng cách gây áp lực lên các tổ chức tài chính tư nhân (đặc biệt là ở Nhật Bản và Hoa Kỳ) vẫn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này và bằng cách đẩy nhanh tốc độ đóng cửa: không chỉ là vấn đề từ bỏ các dự án mới, mà là đóng cửa trước thời hạn các cơ sở hạ tầng hiện có. Thật vậy, thách thức là sự hóa già được sự lão hoá được kế hoạch hóa của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch - nói cách khác, sự suy tàn của nó, cho đến khi nó biến mất hoàn toàn.

Châu Âu là một trong những chiến tuyến rõ ràng: 166 nhà máy nhiệt điện than vẫn đang hoạt động ở EU. Và hệ thống cấp nhãn cho các khoản đầu tư cho các dự án năng lượng châu Âu (phần nào) được quyết định trong năm nay chỉ áp dụng cho các khoản đầu tư trong tương lai. Liên Minh Châu Âu chỉ dựa vào hệ thống trao đổi các quota về phát thải, vốn đã yếu kém một cách thảm hại, để làm cho các nhà khai thác và các chính phủ nản chí trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.

Một nguy cơ đáng lo ngại khác là chứng kiến ​​sự gia tăng của các dự án khí đốt, ít nhất là trong trường hợp của Pháp và Trung Quốc, sẽ làm cho áp lực thuận lợi cho năng lượng hạt nhân tăng lên. Nói chung, năng lượng tái tạo (đặc biệt là “các dự án lớn”) không nên được thêm vào các năng lượng hiện có mà phải thay thế chúng, cùng lúc với sự khởi đầu của sự sụt giảm tổng thể trong sản xuất năng lượng.

Chỉ có một lựa chọn khả thi ở đây - và nó không tương thích với những gì Trung Quốc đang đề xuất: xây dựng một hệ thống năng lượng phi tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự sản xuất quy mô nhỏ (quận, huyện, thành phố, nhóm dân cư, khu công nghiệp hoặc khu phức hợp của các tòa nhà công cộng), v.v.), được chia sẻ và phân phối lại theo nhu cầu và năng lực của địa phương, đồng thời duy trì cấu trúc quy hoạch và cân bằng. Do đó, điều quan trọng là phải nhấn mạnh đến vấn đề kiểm soát của công dân / nhân dân đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và sự cần thiết của quá trình chuyển đổi từ dưới lên. Lúc đó, thách thức là giành lại quyền kiểm soát các lựa chọn công nghệ, để chúng ta quyết định về những đổi mới mà ngân sách công phải hỗ trợ, về nhiên liệu chúng ta dự định có trong tương lai, về cơ sở hạ tầng mà chúng ta không muốn từ bỏ, v.v.. Chúng ta có thực sự cần nhà máy này, chiếc xe này và cơ sở hạ tầng giao thông đi kèm với nó không? Cần làm gì để chúng ta không còn cần đến nhà máy điện này, khu năng lượng mặt trời khổng lồ này?

Sau đó, vấn đề là như sau: liệu chúng ta có thể tác động đến vấn đề sản xuất một cách tiên nghiệm, hay nói cách khác là trước khi đưa ra các lựa chọn, chứ không phải là một cách hậu nghiệm, như cách tiếp cận thị trường đề xuất?[3] Ở đây cũng vậy, chúng ta có thể thấy tại sao cách tiếp cận của Trung Quốc không phải là giải pháp thay thế duy nhất. Trên thực tế, việc kiểm soát trước có thể được thực hiện theo hai cách: bằng một quyền lực mạnh, phản dân chủ (nhưng quan tâm đến việc duy trì ít nhất các điều kiện sống của các thế hệ tương lai, vì nhiều lý do, chính trị, văn hóa, chiến lược...), hoặc từ bên dưới, thông qua sự kiểm soát của công dân.

Có vẻ như tác động ngoại giao và địa chiến lược của những gì đang diễn ra với tuyên bố của Trung Quốc là chuyện của các phong trào cũng như các bộ ngoại giao và các dịch vụ “tình báo” kinh tế: vấn đề ngoại giao và chính sách đối ngoại càng liên quan đến chúng ta khi mà các công cụ sẽ cho phép chúng ta tiếp cận và thành công trong quá trình chuyển đổi mà không cần nhượng bộ bất cứ điều gì cho Trung Quốc (hoặc cho các quốc gia chuyên chế khác vốn có thể tự định vị như những tác nhân hàng đầu trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu) vẫn cần được sáng tạo hoàn toàn.

Đối với các cường quốc phương Tây, “không nhượng bộ” nói chung có nghĩa là một cuộc chạy đua vũ trang (bằng chứng là trường hợp các tàu ngầm Úc gần đây) và các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại có thể xảy ra mà chúng ta biết quá rõ rằng chúng ảnh hưởng trước hết đến những người dễ bị tổn thương nhất và không bao giờ làm cho giới tinh hoa chính trị, kinh tế và quân sự bị suy yếu.

Cuối cùng, một tháng trước COP26, trình tự mở ra trong những tuần gần đây cho thấy tầm quan trọng của các cuộc đàm phán sắp tới... khi mà “sự phân biệt về vắc xin” khiến cho sự tham gia đông đảo của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là các quốc gia từ phương Nam trở nên rất khó khăn.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:De la fin du charbon à la justice climatique, AOC, 3.10.2011.




Chú thích:

[1] Luật gia

[2] Nhà hoạt động, phụ trách vận động của tổ chức 350.ORG

[3] Trên vấn đề này, xem kết luận của ATTAC, Vincent Gay và Nicolas Haeringer (chủ biên), Pour la justice climatique. Stratégies en mouvement, ATTAC/Les liens qui liberent, xuất bản 6.10.2021.



[i] Léviathan là một quái vật trong truyền thuyết Do Thái và Kinh Thánh có khả năng hủy hoại mọi thứ. Thomas Hobbes (1588-1679) triết gia Anh trong tác phẩm cùng tên đã sử dụng hình tượng này để chỉ Nhà nước, một định chế có khả năng chế ngự hoàn toàn con người một khi mà con người từ bỏ các quyền lợi thiên nhiên của mình khi mang lại cho họ một cuộc sng an bình. (ND)

[ii] Béhémoth cũng là một quái vật trong truyền thuyết Do Thái và Kinh Thánh. (ND)

Print Friendly and PDF