18.6.23

Biến đổi xã hội, trọng tâm trong sự nghiệp của Alain Touraine

BIẾN ĐỔI XÃ HỘI, TRỌNG TÂM TRONG SỰ NGHIỆP CỦA ALAIN TOURAINE

Geoffrey Pleyers[*]

Alain Touraine (1925-2023)

Nhà xã hội học Alain Touraine qua đời vào ngày 9 tháng 6. Sinh năm 1925, ông lấy bằng thạc sĩ sử học (agrégé) tại Trường Sư Phạm Cao Cấp/École Normale Supérieure năm 1950. Kể từ năm 1947 và trong hai thập kỷ, ông đã cống hiến những nghiên cứu của mình cho xã hội công nghiệp và phong trào lao động.

Khi đó, lao động là trung tâm của đời sống xã hội và Touraine đặc biệt đánh giá cao điều đó. Tuy nhiên, ông cũng là một trong những người đầu tiên nắm bắt được sự thay đổi sâu sắc mà sự ra đời của xã hội hậu công nghiệp sẽ mang lại từ cuối những năm 1960.

Quá trình chuyển đổi dần sang một xã hội “hậu công nghiệp” không có nghĩa là những xung đột về sự phân phối của cải đã biến mất, cũng như lao động ở nhà máy cho hàng triệu công nhân đã biến mất, mà trong cái xã hội mới nổi, giáo dục, thách thức văn hóa, thông tin và truyền thông đã dần thay thế sản xuất của cải vật chất trong sự định hướng của xã hội và của các xung đột xã hội.

Sự thống trị không chỉ được thực hiện ở nơi làm việc mà còn ở các lĩnh vực khác như giáo dục trong trường học, tiêu dùng đại chúng và thông tin. Sự phản kháng và biến đổi của xã hội do đó cũng diễn ra trong các lĩnh vực này.

Với việc mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục đại học và tiêu thụ của cải vật chất và văn hóa, người dân Đông Âu, sinh viên người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ và sinh viên ở Mexico đã vận động cho dân chủ, dân quyền và công lý.

Khác xa với mô hình phản kháng/chống đối xã hội công nghiệp, các sinh viên năm 1968 đã công bố một cuộc cách mạng sáng tạo và văn hóa chống lại mô hình xã hội, văn hóa và chính trị vẫn chiếm ưu thế.

Tầm quan trọng của “chủ thể cá nhân”

Touraine khi đó đang giảng dạy tại Nanterre, một trường đại học ở trung tâm của cuộc chống đối ở Paris. Ông sẽ bảo vệ sinh viên Daniel Cohn-Bendit của mình. Từ đó, Ông sẽ rút ra một cuốn sách về phong trào Tháng Năm và niềm tin rằng mô hình văn hóa và xã hội của xã hội đã thay đổi.

Vài năm sau, ông sang Chile, để sống và phân tích trải nghiệm về chủ nghĩa xã hội dân chủ của Allende, và sẽ chứng kiến cuộc đảo chính của Pinochet. Ông sẽ vẫn gắn bó sâu sắc với Châu Mỹ Latinh, nơi ông đã cống hiến nhiều cuốn sách và là nơi ông đã đào tạo hàng chục nhà xã hội học.

Michel Wieviorka (1946-)
François Dubet (1946-)

Alain Touraine nghiên cứu về xã hội hậu công nghiệp hiện ra trước mắt ông thông qua các phong trào xã hội sản sinh ra nó, điều hành một chương trình nghiên cứu chuyên sâu cùng với François Dubet và Michel Wieviorka về các phong trào sinh viên, nữ quyền và bảo vệ môi trường, sau đó là về công đoàn Solidarnosc của Ba Lan.

Từ giữa những năm 1980, ông ngày càng coi trọng “chủ thể cá nhân”, mà ông quan niệm là một cá nhân tìm cách trở thành tác giả của cuộc đời mình và một tác nhân đạo đức trong xã hội của mình, đến mức coi chủ thể cá nhân này như là tác nhân lịch sử trung tâm của thế giới đương đại.

Với viễn cảnh này, Touraine, trước nhiều người khác, đã nhận thấy tầm quan trọng của việc khẳng định phẩm giá và sự đòi hỏi được tôn trọng như một yếu tố trung tâm của các phong trào đương đại. Ông coi phong trào Zapatista bản địa ở Mexico là một trong những tác nhân thể hiện rõ nhất những cuộc đấu tranh vì phẩm giá này và sự khẳng định của nó trong các thực tiễn tập thể.

Sự khẳng định phẩm giá này đối mặt với các hệ thống và chế độ áp bức sẽ mở rộng ra tất cả các châu lục với các cuộc cách mạng và cuộc nổi dậy của người (công) dân trong những năm 2010, từ các cuộc cách mạng Ả Rập đến cuộc nổi dậy ở Chile năm 2019 và cuộc nổi dậy của phụ nữ Iran năm 2022.

Nhưng sự khẳng định của chủ thể cá nhân cũng diễn ra ở những không gian ít xuất hiện hơn trong các phương tiện truyền thông, ngay cả trong cuộc sống hàng ngày và những xung đột nội tâm của các cá nhân, trong “sự phản kháng của cá nhân phải đối mặt với nền sản xuất đại chúng, sự tiêu dùng đại chúng và các truyền thông đại chúng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chúng ta không thể chống lại sự xâm lấn này với những nguyên tắc phổ quát mà chỉ có thể chống lại nó với sự phản kháng của trải nghiệm đơn lẻ của chúng ta,” ông viết vào năm 2002.

“Tính hiện đại muộn”

Xã hội đã thay đổi sâu sắc kể từ thời đại công nghiệp trong đó Touraine đã lớn lên và đã nghiên cứu rất nhiều. Hơn cả ở cấp độ vật chất hoặc cấp độ của các luồng thông tin mà học trò của ông là Manuel Castells đã nghiên cứu rất xuất sắc, Touraine đã chỉ ra rằng sự biến đổi này đã diễn ra trước hết ở cấp độ của các “định hướng văn hóa”.

Manuel Castells (1942-)

Như ông đã giải thích vào năm 2005 trong cuốn sách Một hệ hình mới/Un nouveau paradigme (Fayard), “ngày nay thật khó để tin rằng, [như trong trường hợp của xã hội công nghiệp] chỉ cần hòa nhập vào xã hội, các chuẩn mực và luật lệ của xã hội, con người có thể trở thành những cá nhân tự do và có trách nhiệm”.

Trong thế giới của chúng ta, xã hội và cái xã hội không còn là tiêu chí để xác định thiện và ác, mà là chủ thể cá nhân với tư cách là người tạo ra sự tồn tại của chính mình, tác giả của cuộc đời và đạo đức của mình. Tuy nhiên, đối mặt với những chủ thể có đạo đức này, có những “quyền lực toàn quyền” được dựng lên, để sử dụng thuật ngữ của Touraine. Chúng tìm cách kiểm soát các định hướng văn hóa cho đến những điều sâu kín nhất của cá nhân trong một xã hội của các thuật toán và của sự giám sát.

Đồng thời, chúng ta đang chứng kiến ​​​​sự hồi sinh của các phong trào phản động, vốn ẩn sau các công thức cũ của lời kêu gọi bảo vệ trật tự, phản đối việc giải phóng những chủ thể xứng đáng này. Chính xung đột này đã trở thành tâm điểm của những nghiên cứu trong mười lăm năm qua, và định nghĩa “tính hiện đại muộn”.

Alain Touraine đã làm việc không mệt mỏi cho đến khi qua đời, trong căn hộ ở Paris của ông chất đầy sách và các trang ghi chú cho tác phẩm kế tiếp của ông, luôn được thúc đẩy bởi sức mạnh của những ý tưởng và sự khao khát hiểu biết về thế giới này của ông. Ở tuổi 97, suy nghĩ của ông vẫn nhạy bén. Và, như mọi khi, ông đang soạn thảo cuốn sách sắp tới của mình, với ý tưởng khá rõ về những gì ông sẽ viết trong cuốn tiếp theo.

Touraine để lại một thế giới đang đảo lộn. Những phân tích của ông sẽ thiếu vắng để giúp chúng ta hiểu về thế giới này. Nhưng ông để lại cho chúng ta những công cụ phân tích và khái niệm có giá trị, cũng như một tầm nhìn về thế giới và xã hội học ngày nay được các nhà xã hội học từ khắp các châu lục vay mượn.

Ông dạy chúng ta nhìn thế giới và các xã hội không phải là một thực thể cố định, một tập hợp các cấu trúc hay một hệ thống hoàn thiện thống trị các cá nhân, mà như là các cấu hình xã hội và lịch sử được tạo ra và được biến đổi bởi các tác nhân và các phong trào xã hội. Di sản của ông là rất lớn.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Le changement social, au cœur de l’œuvre d’Alain Touraine, Alternatives Economiques, 12.6.2023




Chú thích:

[*] Geoffrey Pleyers là giáo sư tại Đại học Công giáo Louvain và là phó chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Quốc tế.

Print Friendly and PDF