11.6.23

Triển vọng và hiểm họa của AI tạo sinh

TRIỂN VỌNG VÀ HIỂM HỌA CỦA AI TẠO SINH


Mặc dù các công cụ như ChatGPT có thể thay thế hàng triệu người lao động, nhưng chúng cũng có thể đem lại mức tăng năng suất cần thiết để nâng cao thu nhập và mức sống. Tuy nhiên, để đảm bảo rằng công nghệ mạnh mẽ này mang lại những lợi ích được san sẻ rộng rãi, chúng ta phải lưu ý đến các bài học từ làn sóng đổi mới kỹ thuật số vừa qua.

CAMBRIDGE – Kể từ khi OpenAI phát hành chatbot ChatGPT vào năm ngoái, ngày càng có nhiều nhà phân tích dự đoán rằng trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ thay thế hàng triệu người lao động và gây ra biến động kinh tế trên diện rộng. Nhưng chính xác AI sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu như thế nào?

Các ước lượng gần đây cung cấp một chỉ dấu cho sự gián đoạn thị trường lao động sắp xảy đến. Ví dụ, các nhà kinh tế học ở Goldman Sachs dự đoán rằng có tới 300 triệu việc làm toàn thời gian có thể được tự động hóa nhờ những đột phá mới nhất về trí tuệ nhân tạo và hai phần ba người lao động ở châu Âu và Hoa Kỳ có thể bị tác động bởi tự động hóa dựa trên AI. Một bài nghiên cứu sơ bộ của các nhà nghiên cứu tại OpenAI nhận thấy khoảng 80% lực lượng lao động Hoa Kỳ có thể đối mặt với việc ít nhất một số nhiệm vụ của họ sẽ được tự động hóa khi các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT ra mắt. Và một số công ty luật và nhà tiếp thị đã bắt đầu sử dụng các công cụ AI tạo sinh.

Nhưng chưa thể nói liệu các AI mới này sẽ cải thiện năng suất của nhân viên hiện tại nhờ làm thay họ các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, hay đơn giản là khiến người lao động trở nên thừa thãi về mặt công nghệ. Chắc chắn, nhiều nhân viên văn phòng sẽ rất vui nếu các công cụ AI có thể đảm nhận những nhiệm vụ buồn tẻ như ghi biên bản họp, trả lời các câu hỏi theo thủ tục hoặc nộp đơn yêu cầu thanh toán chi phí. Nhưng nhiều người tin rằng – như Daron Acemoglu và Simon Johnson gần đây đã lập luận – cuộc chạy đua công cụ vũ trang AI hiện nay hướng tới việc giảm chi phí bằng cách thay thế công nhân bằng thuật toán, thay vì khai thác sức mạnh của những công nghệ này để tăng cường sức lao động của con người.

Dù còn một khả năng khác là hầu hết các công ty sẽ chậm chân trong việc áp dụng công nghệ mạnh mẽ này vì thiếu kỹ năng và năng lực chuyên môn. Điều này cũng chẳng mấy yên tâm. Mặc dù các công nghệ mới thường làm gián đoạn sinh kế và các ngành công nghiệp, chúng cũng có thể đem lại mức tăng năng suất cần thiết để nâng cao thu nhập và mức sống. Sau gần hai thập kỷ với tốc độ tăng trưởng năng suất cực kỳ chậm ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, AI tạo sinh đã xuất hiện đúng lúc chúng ta đang cần. Nhưng để đảm bảo AI mang lại những lợi ích được san sẻ rộng rãi, chúng ta phải lưu ý đến các bài học từ làn sóng đổi mới kỹ thuật số trước đây.

Trong 20 năm qua, những đổi mới như điện thoại thông minh và công nghệ truyền thông như mạng không dây 4G và 5G đã biến đổi đời sống thường nhật, dẫn đến sự ra đời của các nhóm ngành và mô hình kinh doanh mới. Tính đến năm 2021, trung bình mỗi người Mỹ online khoảng 8 giờ mỗi ngày, nhiều gấp đôi so với con số này năm 2011. Điện toán đám mây và ngành thương mại điện tử đã tăng trưởng nhanh chóng, phản ánh một thị trường lao động mà trong đó các kỹ năng kỹ thuật số càng ngày càng trở thành một điều kiện tiên quyết để tìm được công việc lương cao. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ công nghệ, sự tăng trưởng năng suất vẫn đầy ảm đạm kể từ giữa những năm 2000.

Đâu là lời giải thích cho câu đố kinh tế này? Dù đơn giản nguyên nhân có thể là do các công nghệ kỹ thuật số không hiệu quả lắm, nhưng việc chúng được áp dụng rộng rãi cho thấy điều ngược lại. Một lời giải thích hợp lý hơn là cần có thời gian để tìm ra cách tốt nhất để sử dụng các công nghệ mới. Do đó, chỉ một số ít công ty ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có thể sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tăng năng suất và tiến lên phía trước.

Trong cuốn sách The New Goliaths (tạm dịch: Những gã Goliath mới) năm 2022, James Bessen, Đại học Boston, tìm hiểu lý do tại sao các công ty gặp khó khăn trong việc thích ứng với công nghệ kỹ thuật số. Ông lập luận rằng sự phức tạp của phần mềm tiên tiến mang lại lợi thế cho các công ty lớn nhất và tinh vi nhất về công nghệ, bởi vì chỉ họ mới có tài nguyên và chuyên môn cần thiết để áp dụng các công cụ đó và hưởng lợi từ chúng.

Với sức mạnh tính toán khổng lồ (và tốn kém) cần thiết để sử dụng và duy trì các công cụ AI tạo sinh như thế, có vẻ như chuyện công nghệ mới này sẽ đi theo con đường tương tự là điều không thể tránh khỏi. Nếu một vài công ty thống lĩnh sử dụng các thuật toán học sâu như GPT-4 của OpenAI để xây dựng các dịch vụ và sản phẩm mới, thì họ có thể nâng cao sức mạnh thị trường của mình và dựng lên các rào cản gia nhập không thể vượt qua.

Nhưng tiềm năng thực sự của những công nghệ mới này vượt xa khả năng giúp một số công ty trở nên hiệu quả hơn hay phát triển sản phẩm mới. Để tăng năng suất trên diện rộng và tạo ra giá trị thực, các mô hình AI tạo sinh phải thay đổi cách chúng ta sản xuất mọi thứ. Xét cho cùng, sự bùng nổ năng suất bền vững nhất trong 200 năm qua là kết quả của việc các công nghệ mới tái định hình và kết nối lại các hệ thống kinh tế của chúng ta.

Ví dụ, hãy xem xét việc tung ra các bộ phận có thể thay thế lẫn nhau trong thế kỷ 19 đã cách mạng hóa ngành sản xuất như thế nào, hoặc dây chuyền lắp ráp của Henry Ford đã mở rộng phân công lao động bên trong nhà máy ra sao vào đầu thế kỷ 20. Trong những năm 1980, cuộc cách mạng sản xuất "đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết" đã làm giảm nhu cầu tích trữ lượng hàng tồn kho lớn và việc toàn cầu hóa chuỗi cung ứng trong những năm 2000 đã cho phép mức độ chuyên môn hóa cao hơn. Những đổi mới về quy trình này, được thực hiện nhờ sự xuất hiện của các công nghệ truyền thông và năng lượng mới, đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách thay đổi không chỉ những gì các công ty sản xuất mà cả cách thức họ sản xuất.

Trước khi tính hữu dụng lâu dài của trí tuệ nhân tạo AI có thể trở nên rõ ràng, cơn phát cuồng – và hoảng loạn – phải lắng xuống. Dù còn thiếu sót gì đi nữa, sự ra đời của AI rõ ràng thể hiện một bước nhảy vọt công nghệ đáng kinh ngạc. Để đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta với tư cách là người lao động, người tiêu dùng và doanh nhân, chúng ta phải cung cấp cho tất cả các doanh nghiệp khả năng tiếp cận các công cụ mang tính cách mạng này, thay vì trao chìa khóa của sự chuyển đổi kinh tế vĩ đại tiếp theo vào tay một số doanh nghiệp có vị thế lớn và hy vọng họ sẽ không cho số còn lại ra rìa.

Tác giả

Diane Coyle (1961-)
Diane Coyle, Giáo sư Chính sách công tại Đại học Cambridge, là tác giả gần đây nhất của cuốn sách Cogs and Monsters: What Economics Is, and What It Should Be (Nhà xuất bản Đại học Princeton, 2021).

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: The Promise and Peril of Generative AI, Project Syndicate, Apr 10, 2023.



Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF