7.6.23

Toàn cầu hoá các chuỗi giá trị: phỏng vấn Ariel Reshef và Gianluca Santoni

TOÁN CẦU HOÁ CÁC CHUỖI GIÁ TRỊ: PHỎNG VẤN ARIELL RESHEF VÀ GIANLUCA SANTONI

Anne Châteauneuf-Malclès

Phân tích sự phân đoạn quốc tế của sản xuất trong các chuỗi giá trị toàn cầu là điều cần thiết ngày nay để hiểu được sự toàn cầu hóa. Nếu hiện tượng này không phải là mới, thì sự tăng cường của nó kể từ những năm 1990 đã góp phần vào sự phát triển, tái cấu hình của thương mại quốc tế, và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của các nền kinh tế quốc gia. Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, các nhà kinh tế Ariell Reshef[*] và Gianluca Santoni[**] xem xét diễn tiến chính của các quan hệ thương mại quốc tế, các động lực và tác động kinh tế của chúng. Họ cũng nêu bật những thách thức mới do tiến trình toàn cầu hóa các chuỗi giá trị tạo ra, mà bằng chứng là sự thử nghiệm gần đây trong cuộc khủng hoảng y tế.

Để có bản trình bày chi tiết về ấn bản Kinh tế Thế giới năm 2021, bạn có thể đọc bài của Isabelle Bensidoun và Jézabel Couppey-Soubeyran trên blog CEPII (Que nous réserve l'économie mondiale en 2021?/Nền kinh tế thế giới năm 2021 sẽ dành cho chúng ta những điều gì?, 02/09/2020) và xem hội nghị trực tuyến trình bày tác phẩm được tổ chức vào tháng 9 năm 2020.

“Kỷ nguyên của các chuỗi giá trị toàn cầu có thể chưa kết thúc, nhưng cuộc khủng hoảng này đã đưa nó sang một giai đoạn mới.” (S. Jean, A. Reshef, G. Santoni, trong Kinh tế thế giới 2021/ L'économie mondiale 2021, NXB La Découverte, 2020).

Bạn có thể nhắc lại cho chúng tôi ý nghĩa của ý niệm “chuỗi giá trị toàn cầu” không?

Gianluca Santoni
Ariell Reshef

Để hiểu khái niệm này, cần bắt đầu với khái niệm tổng quát hơn về “chuỗi giá trị”. Đó là cách các công đoạn sản xuất khác nhau tạo thêm giá trị cho thành phẩm cuối cùng hoặc ngược lại, cách mà tổng giá trị của một sản phẩm được quy cho từng công đoạn. Các chuỗi giá trị toàn cầu có nghĩa là các công đoạn sản xuất, từ việc thiết kế sản phẩm đến phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng, được thực hiện ở các quốc gia khác nhau. Cách tổ chức này được thúc đẩy bởi các công ty của các nền kinh tế tiên tiến được sự cạnh tranh toàn cầu khuyến khích để nhằm tới sự tối ưu hóa quy trình sản xuất của họ bằng cách chuyển sản xuất ra nước ngoài (externalisation/outsourcing) và dịch chuyển ra nước ngoài vài hoạt động sản xuất nhất định (offshoring). Hiện tượng phân đoạn và phân tán về mặt địa lý các hoạt động này chắc chắn không phải là mới, nhưng, theo một số thước đo đáng tin cậy, nó đã trở nên quan trọng kể từ năm 1990, vừa về mặt tỉ trọng trong nền sản xuất và thương mại thế giới, và vừa về mặt số lượng các quốc gia tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị này.

Các chuỗi giá trị toàn cầu là biểu hiện của sự phân đoạn quốc tế của nền sản xuất. Cụm từ “chuỗi giá trị toàn cầu”, được các nhà kinh tế học sử dụng, nhấn mạnh thực tế rằng sự phân đoạn này là nguồn gốc của lợi ích kinh tế, ở mỗi công đoạn sản xuất tiếp nối nhau. Do đó, nó có hàm ý tích cực hơn các thuật ngữ phân tách hoặc phân công quốc tế các quy trình sản xuất.

Từ sản xuất đinh ghim đến chuỗi giá trị toàn cầu: logic phân công lao động mở rộng ra quy mô quốc tế

“Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đề cập đến việc chia sẻ sản xuất quốc tế, một hiện tượng trong đó sản xuất được chia thành các hoạt động và nhiệm vụ được thực hiện ở các quốc gia khác nhau. Chúng có thể được coi là sự mở rộng trên quy mô lớn của phân công lao động có từ thời Adam Smith. Trong ví dụ nổi tiếng của Smith, việc sản xuất một chiếc đinh ghim trong nhà máy được chia thành một số hoạt động riêng biệt, mỗi hoạt động được thực hiện bởi một công nhân chuyên trách nhiệm vụ đó [để đạt hiệu quả sản xuất cao hơn]. Trong các chuỗi giá trị toàn cầu, các hoạt động được trải rộng khắp các biên giới quốc gia (chứ không phải ở một nơi) và các sản phẩm phức tạp hơn nhiều so với một chiếc đinh ghim.”

Nguồn: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, Chuỗi giá trị toàn cầu là gì và tại sao chúng lại quan trọng? (What are global value chains and why do they matter?) UNIDO, tháng 8 năm 2019.

Xem thêm trang web của OECD: Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Chúng ta phải nói thêm rằng tầm quan trọng của các chuỗi giá trị toàn cầu trong thương mại thế giới đã gây ra sự phát triển của các phương pháp đánh giá mới các dòng thương mại quốc tế, phản ánh tốt hơn giá trị cụ thể do mỗi quốc gia tạo ra khi hội nhập vào chuỗi sản xuất quốc tế. Đây là những thước đo “thương mại bằng giá trị gia tăng”, được bổ sung vào số liệu thống kê truyền thống về thương mại song phương về mặt thu nhập gộp.

Hình 1: Tổ chức sản xuất xe đạp trêm toàn thế giới

Hình ảnh: Tổ chức sản xuất xe đạp trên toàn thế giới, nơi bắt nguồn các bộ phận khác nhau của xe đạp

Nguồn: World Bank (2020).

Các công ty tổ chức sản xuất của họ trong các chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào?

Để tổ chức sản xuất trên quy mô quốc tế, các công ty có thể sử dụng hai chiến lược: sáp nhập một công ty con ở nước ngoài vào chuỗi giá trị (đầu tư trực tiếp ra nước ngoài) hoặc giao một công đoạn sản xuất, chẳng hạn như sản xuất một bộ phận hoặc lắp ráp các bộ phận cho một nhà cung cấp nước ngoài độc lập (sự thầu lại quốc tế). Đối với một đầu vào được tiêu chuẩn hóa, việc dựa vào các nhà cung cấp nước ngoài có lẽ rẻ hơn, trong khi đối với các sản phẩm trung gian đặc biệt đòi hỏi một sự chuyển giao công nghệ đặc thù, việc thành lập (và kiểm soát) một công ty con ở nước ngoài có thể an toàn hơn.

Những chỉ báo nào cho phép chúng ta hiểu được sự toàn cầu hóa các chuỗi giá trị?

Thương mại về mặt giá trị gia tăng là chỉ báo phổ biến nhất về cường độ của các chuỗi giá trị toàn cầu (Ngân hàng Thế giới, 2020, chương 1). Nó có tính đến hai hình thức tham gia của một quốc gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu: ở thượng nguồn, khi các đầu vào nước ngoài được đưa vào các hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia (hậu sáp nhập/backward integration), ở hạ nguồn khi giá trị gia tăng của một quốc gia (để sản xuất một bộ phận chẳng hạn) được nước ngoài sáp nhập sau đó vào các sản phẩm mà họ xuất khẩu (tiền sáp nhập/forward integration). Biểu đồ dưới đây, được xây dựng từ Cơ sở dữ liệu Eora về chuỗi cung ứng toàn cầu, vạch lại diễn biến của tỷ trọng tổng thương mại đã vượt qua ít nhất hai biên giới. Nó cho thấy rằng khoảng một nửa thương mại thế giới ngày nay gắn liền với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Hình 2: Diễn biến của các chuỗi giá trị toàn cầu trong các giao dịch quốc tế (%) 1970-2015

Biểu dồ: Tỷ trọng GVC trong thương mại thế giới (%), 1970-2015

Nguồn: Banque mondiale (2020), Rapport sur le développement dans le monde 2020: Le commerce au service du développement à l'ère de la mondialisation des chaînes de valeur. Abrégé en français. Washington, DC: World Bank.

Để vạch rõ tầm quan trọng của các chuỗi giá trị toàn cầu trong thương mại quốc tế, chúng ta có thể quan sát chính xác hơn tỷ trọng giá trị của các hàng xuất khẩu có nguồn gốc từ nước ngoài, tức là hàm lượng của các hàng nhập khẩu trong các hàng xuất khẩu trên thế giới. Tỷ trọng này cũng có thể được đánh giá đối với một quốc gia cụ thể, để ước tính mức độ hội nhập (ở thượng nguồn) của quốc gia đó vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Chẳng hạn, hàm lượng của các hàng sản xuất ở nước ngoài trong các hàng xuất khẩu chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp cho tất cả các lĩnh vực. Pháp tương đối nằm ở phía hạ lưu trong các chuỗi giá trị toàn cầu, vì các liên kết thượng nguồn của nó chặt chẽ hơn các liên kết hạ nguồn - được đo bằng hàm lượng của các hàng nội địa trong các hàng xuất khẩu nước ngoài.

Những xu hướng chính trong sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu, từ những năm 1990 đến cuộc khủng hoảng y tế năm 2020 là gì?

Thương mại quốc tế gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng đáng kể từ năm 1990 đến năm 2007, như có thể thấy trong Hình 2 ở trên. Trong giai đoạn này, tỷ trọng tổng kim ngạch thương mại quốc tế đi qua ít nhất hai biên giới tăng từ 40% lên hơn 50% và tỷ trọng các hàng hóa nước ngoài trong các hàng hóa xuất khẩu trên thế giới tăng từ 23 lên 30%. Sự gia tăng cường độ của các chuỗi giá trị toàn cầu được hỗ trợ bởi một số nhân tố: tiến trình tự do hóa thương mại và tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai của các công ty đa quốc gia thông qua các đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và sự gia công quốc tế; sự giảm chi phí vận chuyển và điều phối từ xa nhờ các tiến bộ công nghệ; sự mở rộng thị trường ở cấp độ thế giới với sự mở cửa của Trung Quốc và sự chuyển tiếp của các nước thuộc khối Liên Xô cũ.

Trên nhiều phương diện, sự gia tăng tầm quan trọng của các chuỗi giá trị toàn cầu chỉ là sự tiếp nối của tiến trình toàn cầu hóa cũ, nhưng với những điểm đặc thù: các chuỗi giá trị từ lâu đã mang tính quốc tế, ở một mức độ nhất định[1], nhưng xu hướng là sự chuyên môn hóa ở các công đoạn ngày càng tinh vi hơn của sự sản xuất trên toàn bộ chuỗi giá trị. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự đào sâu này đã dừng lại và, theo một số ước tính, thậm chí đã đảo ngược một chút kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, điều này cho thấy tầm quan trọng của các khía cạnh tài chính trong việc đào sâu các chuỗi giá trị toàn cầu. Việc Trung Quốc tái tập trung vào thị trường nội địa và chiến lược xem xét ngược lại các quy trình sản xuất vốn đã làm giảm trọng lượng của thương mại lắp ráp do các công ty nước ngoài thực hiện trong thương mại quốc tế, cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng của các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.[2]

Những ảnh hưởng của sự phân đoạn quốc tế các chuỗi sản xuất này trên cấu trúc thương mại thế giới là gì? Tỷ trọng thương mại hàng hóa trung gian, thương mại nội bộ và thương mại nội ngành có tăng không?

Điều đáng ngạc nhiên là trong khi nền tổng thương mại thế giới tăng trưởng, tỷ trọng các đầu vào trung gian (hàng bán thành phẩm, các bộ phận và linh kiện) trong thương mại thế giới khá ổn định, ở mức khoảng 50%, kể từ những năm 1990. Trong sự đào sâu các chuỗi giá trị toàn cầu, từ nay cũng tỷ trọng đó của các sản phẩm đầu vào trung gian đóng góp vào các chuỗi giá trị xuyên qua nhiều biên giới hơn bao giờ hết, điều này đòi hỏi sự cần thiết phải có sự tái thiết kế các nguồn và điểm đến của các dòng chảy này. Vì hiện tượng này gắn liền với sự gia tăng hiệu quả, nên việc tăng cường các chuỗi giá trị toàn cầu có thể đã góp phần vào sự gia tăng chung của thương mại thế giới. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những hiện tượng này nối tiếp nhau theo thời gian, bao gồm cả quy trình phẳng quan sát được sau năm 2007 (Hình 2).

Sau nữa, sự gia tăng các chuỗi giá trị toàn cầu là kết quả của các quyết định của các công ty, trong đó có nhiều công ty đa quốc gia. Thương mại quốc tế trong “nội bộ công ty” liên kết chặt chẽ với các chuỗi giá trị. Một số chỉ báo nhất định do OECD đưa ra thực sự làm nổi bật sức nặng ngày càng tăng của các công ty đa quốc gia trong sản xuất và thương mại (và có lẽ cả sự tập trung thị trường). UNCTAD ước tính rằng các giao dịch trong nội bộ công ty đã đóng góp vào một phần ba kim ngạch xuất khẩu của thế giới trong năm 2015[3]. Nhưng đây không phải là kênh duy nhất, vì phần lớn sự gia tăng các chuỗi giá trị toàn cầu gắn liền với các hợp đồng với các bên không liên kết. Do đó, ngược lại với Samsung có nhiều công ty con trên khắp thế giới, Apple và Nike chủ yếu làm việc với các nhà cung cấp thầu phụ ở nước ngoài (Lakatos và Ohnsorge, 2017).

Cuối cùng, cần nhớ rằng cái gọi là thương mại “nội ngành” hay “trong cùng một công nghiệp”, bùng nổ trong những năm 1980-1990[4], bao gồm các hình thức trao đổi khác nhau: trao đổi theo chiều ngang các sản phẩm tương tự được phân biệt (thương mại các thể loại đa dạng); trao đổi các sản phẩm tương tự nhưng có phạm vi hoặc chất lượng khác nhau; và kinh doanh các sản phẩm tương tự ở các giai đoạn sản xuất khác nhau do sự chuyên môn hóa sản xuất theo chiều dọc trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi một phần của sự phát triển của thương mại nội ngành thực sự là kết quả của sự tăng trưởng dòng vốn FDI và việc triển khai các chuỗi giá trị quốc tế, thì các sự trao đổi gắn với các chuỗi các giá trị toàn cầu không hẳn là sự thương mại nội bộ. Tất cả phụ thuộc vào hệ thống phân loại các ngành và các đặc điểm của ngành. Một số định nghĩa về các ngành rất rộng, rộng đến mức nhiều nhà cung cấp ở thượng nguồn được xếp vào cùng ngành với các nhà sản xuất thành phẩm cuối cùng. Đây là trường hợp, ví dụ, với các nhà cung cấp động cơ, buji và lốp xe được tập hợp trong ngành công nghiệp ô tô cùng với các loại xe hơi. Nhưng các chuỗi giá trị toàn cầu cũng có thể tạo ra thương mại liên ngành. Trong trường hợp sản xuất ô tô, kim loại, thủy tinh, xăng dầu, nhựa, cao su là các ngành khác nhau sản xuất đầu vào cho các nhà cung cấp, vì vậy chúng là một phần của chuỗi giá trị. Điều này cũng áp dụng cho các ngành công nghiệp khác như điện tử hoặc tư liệu sản xuất.

Sự phân đoạn của các quy trình sản xuất và sự đưa các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu cũng có những tác động quan trọng đến nền kinh tế quốc gia. Bạn có thể cho biết lại những hiệu ứng này không?

Vì các chuỗi giá trị toàn cầu là một hiện tượng xuất hiện ở cấp độ doanh nghiệp, nên mức tăng năng suất lớn hơn được quan sát ở cấp độ tổng gộp được quy cho việc các công ty trở nên hiệu quả hơn (Antràs, 2020; Ngân hàng Thế giới, 2020).

Các công ty trong nước đang trở nên phụ thuộc lẫn nhau với các công ty nước ngoài vốn chia sẽ bí quyết và công nghệ của họ với những công ty mua và nhà cung cấp hàng hóa của họ.

Do tiến trình chuyên môn hóa sâu sắc, việc xuất khẩu không còn đòi hỏi phải làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất hàng hóa; các công ty được tích hợp vào các chuỗi giá trị toàn cầu có thể được chuyên môn hóa chỉ trong một số công đoạn trong quá trình sản xuất.

Những lợi ích ở cấp độ doanh nghiệp này được chuyển lên cấp độ kinh tế vĩ mô thông qua hai kênh chính (Ngân hàng Thế giới, 2020, chương 3):

Thứ nhất, các chuỗi giá trị toàn cầu cho phép các quốc gia hưởng lợi từ hiệu quả của sự phân công lao động quốc tế tinh tế hơn nhiều (chuỗi lợi thế so sánh) (Amiti và Konings, 2007; De Loecker và cộng sự, 2016; Goldberg và cộng sự, 2010).

Thứ hai, sự tăng trưởng và tăng năng suất bắt nguồn từ việc tiếp cận tốt hơn với nhiều loại đầu vào trung gian tốt hơn hoặc ít tốn kém hơn cho các công ty trong nước, cho dù các công ty này có xuất khẩu hay không. Khi đó, sự tăng trưởng xuất khẩu có thể được kỳ vọng sẽ làm tăng thu nhập trong nước và mức sử dụng lao động, ngay cả khi các hàng xuất khẩu có hàm lượng đầu vào nội địa thấp hơn. Antràs, Fort và Tintelnot (2017) cho thấy các công ty Mỹ bắt đầu nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi nước này gia nhập WTO cũng đã tăng nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp nội địa ở Hoa Kỳ.

Sự phát triển của sự phân đoạn quốc tế các quy trình sản xuất còn có những tác động kinh tế vĩ mô lớn khác đối với các quốc gia hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu: sự suy giảm mang tính cấu trúc về mức độ lạm phát vốn phần nào là do giá các đầu vào được nhập khẩu giảm và do áp lực cạnh tranh trên các nhà cung ứng hàng hóa trung gian địa phương; sự mất hiệu quả của công cụ tỷ giá hối đoái (phá giá) trong việc khôi phục cán cân đối ngoại khi lượng các đầu vào được nhập khẩu vẫn cao.

Các chuỗi giá trị toàn cầu có thể mang lại những gì cho các nước đang phát triển?

Vì hai lý do quan trọng mà chúng tôi vừa mới đề cập, các công ty ở các nước đang phát triển tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu có xu hướng có năng suất cao hơn và sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thường được gắn với tăng trưởng trung bình của thu nhập cao hơn so với tăng trưởng trung bình do nền thương mại tiêu chuẩn tạo ra.[5]

Ngoài ra, chiến lược phát triển công nghiệp thông qua sự hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu có ưu điểm là dễ tiếp cận hơn, vì nó không đòi hỏi phải làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất. Tuy nhiên, chiến lược này đòi hỏi sự tự do hóa thương mại bằng cách giảm thuế quan. Ngày nay, việc bảo hộ các ngành công nghiệp nội địa theo kiểu Hàn Quốc trong những năm 1960 và sau đó không còn được coi là một chiến lược phát triển có hiệu quả (nếu thực sự nó đã mang lại kết quả này[6]), chính vì thế giới đang trở nên tích hợp hơn nhiều. Vì các quốc gia khác được tiếp cận với các đầu vào và các kiến ​​thức rẻ và tốt hơn, nên việc bảo vệ các ngành công nghiệp của mình chỉ mang lại những lợi ích rất hạn chế nếu ta không cho phép sự cạnh tranh của các hàng nhập khẩu đối với các nhà cung ứng các đầu vào.

Trường hợp của Việt Nam đặc biệt tiêu biểu cho chiến lược tăng tốc phát triển bằng cách tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu: nhờ chính sách mở cửa thương mại (gia nhập WTO năm 2007, đàm phán các hiệp định thương mại tự do) và sự chào đón đầu tư trực tiếp nước ngoài bị thu hút bởi nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, quốc gia này hiện có lợi thế so sánh trong lĩnh vực viễn thông, gã khổng lồ Samsung đã chuyển sang nước này một phần lớn các hoạt động lắp ráp điện thoại thông minh[7].

Tuy nhiên, các chuỗi giá trị toàn cầu cũng tạo ra một số thách thức. Thứ nhất, lợi ích của việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu được phân bổ không đồng đều trong và giữa các quốc gia. Thứ hai, ở một số quốc gia và lĩnh vực, các công ty có thể thấy mình bị “mắc kẹt” trong những phân đoạn không cho phép sáng tạo, đổi mới, cải tiến và đa dạng hóa sản xuất của họ.

Sự can thiệp chính trị là quan trọng để đối đầu với các thách thức, giảm thiểu chi phí và chia sẻ lợi ích của sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù các chuỗi giá trị đã có thể thúc đẩy sự tăng trưởng có lợi cho người nghèo trong 30 năm qua, với mức giảm nghèo cao nhất được ghi nhận ở các quốc gia đã trở thành một bộ phận của các chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng chỉ những nỗ lực bổ sung mới có thể đưa 2 tỷ người còn lại thoát nghèo mà không vượt quá các giới hạn sinh thái.

Việc triển khai trên quy mô lớn các chuỗi giá trị toàn cầu từ cuối những năm 1990 có mang lại cho khái niệm lợi thế so sánh của Ricardo một tính thích đáng không?

Quả thật việc lựa chọn địa điểm cho các phân đoạn khác nhau trong chuỗi giá trị của các công ty thực sự dựa trên logic của sự phân công lao động và sự khai thác sự khác biệt về lợi thế so sánh giữa các quốc gia hoặc vùng. Nhưng những lợi thế so sánh này không chỉ giới hạn ở lợi ích của việc sử dụng hoặc sẵn có các nhân tố sản xuất (chi phí lao động thấp, lao động có kỹ năng, năng lực công nghệ, v.v.). Các công ty tối ưu hóa sự phân bố theo địa lý của họ dựa trên những lợi ích mong đợi. Chất lượng cơ sở hạ tầng, thuế doanh nghiệp hoặc khả năng tiếp cận thị trường đang phát triển là những nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm. Sự ổn định chính trị cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sức hấp dẫn của một nơi sản xuất, bởi vì sự không chắc chắn làm giảm lợi ích mong đợi. Tất cả các nhân tố này cùng góp phần xác định một địa điểm “tối ưu” cho một phân đoạn cụ thể, dựa trên các nguyên tắc về lợi thế so sánh.

Việc quốc tế hóa các chuỗi giá trị làm tăng sự hội nhập của các nền kinh tế quốc gia và do đó sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Khủng hoảng y tế và các biện pháp phong tỏa mà các Quốc gia thực hiện đã giúp ta nhận thức về sự phụ thuộc của sản xuất quốc gia vào nước ngoài và tính dễ bị tổn thương của các chuỗi giá trị trong trường hợp xảy ra khủng hoảng cục bộ, tại một quốc gia hoặc một trong các vùng tham gia vào chuỗi giá trị. Pháp phụ thuộc đến mức độ nào vào các chuỗi giá trị toàn cầu? Các chính quyền có nên kiểm soát sự phụ thuộc này không?

Về sự phụ thuộc của Pháp vào nước ngoài thông qua các chuỗi giá trị, chúng tôi đã tìm cách đánh giá nó trong một nghiên cứu gần đây (Reshef và Santoni, 2020), thông qua các giao dịch sản phẩm trung gian của nước này. Các ước tính của chúng tôi cho thấy Pháp đang ở vị trí trung gian, về mặt phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài (cung cấp các đầu vào) và vào nhu cầu nước ngoài (xuất khẩu hàng hóa trung gian được sản xuất tại Pháp). Do đó, sự phụ thuộc vào quốc tế của Pháp thấp hơn so với Đức, nơi mà lĩnh vực chế biến, vốn cởi mở hơn và phụ thuộc nhiều hơn, có tầm quan trọng lớn hơn trong nền kinh tế. Mặt khác, sự phụ thuộc của Pháp mạnh hơn sự phụ thuộc của Hoa Kỳ, vì nền kinh tế Hoa Kỳ rộng lớn với một khu vực dịch vụ rất quan trọng. Các sự phụ thuộc lẫn nhau liên quan đến sự hội nhập của Pháp vào các chuỗi giá trị toàn cầu trước hết là đến từ châu Âu, nhưng chúng đang gia tăng nhanh chóng hơn đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc. Mặc dù nằm sâu trong các chuỗi giá trị quốc tế, nền kinh tế Đức đã không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế nhiều hơn các đối tác châu Âu. Ngược lại, sự sụt giảm GDP của nước này ít quan trọng hơn là ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh[8].

Sản xuất hàng không ở Pháp trong thời kỳ khủng hoảng y tế: một minh họa về sự phụ thuộc của sản xuất vào nguồn cung nước ngoài

“Việc lắp ráp máy bay Airbus A380 ở Toulouse cung cấp một ví dụ đầu tiên về sự phụ thuộc lẫn nhau, ở cấp độ sản xuất hàng hóa cuối cùng. Để bám sát các thành phần chính, việc ngừng sản xuất sau thời gian bị giam cầm ở Đức đã làm gián đoạn việc cung cấp thân máy bay phía trước và phía sau; những người ở Anh đã giảm nguồn cung cấp cánh; những người ở Tây Ban Nha có nguồn cung cấp hạn chế một phần đuôi. Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến sản xuất ở Pháp: khi các sản phẩm trung gian này không đến, việc sản xuất ở Saint-Nazaire (mũi) và Nantes (hộp cánh trung tâm) không thể diễn ra, giống như quá trình lắp ráp “hạ nguồn” của tài sản cuối cùng – chiếc A380 – ở Toulouse, ngay cả khi các quan chức địa phương quyết định tiếp tục hoạt động bình thường. Hơn nữa, bản thân việc xây dựng các thành phần lớn này tại các địa điểm tương ứng đòi hỏi các sản phẩm trung gian từ các quốc gia khác, trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ khác nhau. Do đó, sản xuất ở Toulouse bị ảnh hưởng bởi việc giảm nguồn cung ở nhiều quốc gia.”

Nguồn: Reshef A., Santoni G. (2020), Chuỗi giá trị toàn cầu và sự phụ thuộc của sản xuất Pháp (Chaînes de valeur mondiales et dépendances de la production française.) La Lettre du CEPII, 409, tháng Sáu.

Vai trò của các cơ quan công quyền có thể là gì? Các chuỗi giá trị toàn cầu phản ánh hành vi tối ưu hóa của các công ty riêng lẻ, được thúc đẩy bởi sự khác biệt về chi phí giữa các địa điểm, đồng thời tính đến những rủi ro có thể dự kiến. Một đại dịch gây ra sự gián đoạn nguồn cung lớn và có sự phối hợp (không chỉ quốc tế) trên quy mô như chúng ta đã biết đã không được các công ty tính đến, một phần vì nó (ít nhất được coi là như vậy) là một sự kiện rất hiếm khi xảy ra. Sự can thiệp của chính sách có thể được biện minh rõ ràng nếu những gián đoạn này dẫn đến các hệ quả và ngoại ứng không được các doanh nghiệp riêng lẻ tính đến.

Ví dụ, nếu sự phân bổ sản xuất khẩu trang cho Trung Quốc trong thời gian bình thường là hợp lý về mặt kinh tế, thì việc có những dự trữ trong nước và một năng lực sản xuất hạn chế có thể được tăng lên khi cần thiết (thật vậy, trong lĩnh vực này, chính phủ Pháp đã mắc một số sai lầm) là đúng đắn. Nguyên tắc này áp dụng cho một số nguồn cung cấp y tế khác, nhưng không nên quá rộng. Vì khẩu trang không chỉ bảo vệ người đeo nó mà còn bảo vệ những người khác có thể ở gần nó, nên một ngoại ứng rõ ràng có thể được thiết lập và do đó, cần có sự can thiệp của chính phủ ở một mức độ nào đó. Nếu không có ngoại ứng này, các lập luận ủng hộ sự can thiệp của chính phủ sẽ yếu hơn. Và ngay cả trong ví dụ này, diễn biến của các sự kiện cho thấy rằng một khi tình hình ở Trung Quốc ổn định, Trung Quốc đã cung cấp khẩu trang trên khắp thế giới một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với bất kỳ nhà cung cấp nội địa nào khác. Logic này được mở rộng sang các lĩnh vực khác, nơi có các yếu tố bên ngoài rõ ràng, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ và thông tin (mạng).

Các chuỗi giá trị toàn cầu tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn giữa các nền kinh tế, khiến các nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc ảnh hưởng đến các nước đối tác. Mặc dù chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi nhất định, nhưng cuộc khủng hoảng y tế đã dẫn đến việc xem xét lại tỷ lệ chi phí - lợi ích của tổ chức sản xuất quốc tế này và kiểm soát nhiều hơn sự phụ thuộc của nền kinh tế của chúng ta đối với một số sản phẩm chiến lược hoặc sản phẩm có ngoại ứng mạnh.

Chính phủ Pháp đã công bố vào cuối mùa hè một kế hoạch phục hồi bao gồm một tỷ euro viện trợ cho các công ty để di dời các hoạt động công nghiệp. Chúng ta có thể mong đợi gì từ biện pháp này? Liệu các biện pháp khác, chẳng hạn như thuế carbon ở biên giới EU, lại không hiệu quả hơn trong việc hạn chế việc tái định cư?

Việc trợ cấp cho sự tái định vị có thể tốt hơn cho đất nước nếu các đối tác của họ áp dụng các biện pháp như vậy. Tuy nhiên, xét về tổng thể, nó lại nằm dưới mức tối ưu, tức là, trên quy mô toàn cầu, sẽ tốt hơn nếu tất cả các quốc gia từ chối trợ cấp cho việc hồi hương. Các công ty, hiện đã nhận thức rõ hơn nhiều về rủi ro, sẽ tự tổ chức lại theo nhu cầu địa phương và các nguyên tắc tiếp cận thị trường, ngay cả khi không có trợ cấp. Những câu hỏi sau đây phải được đặt ra: quyết định này đã được lấy như thế nào và quá trình ra quyết định và những cân nhắc đã thúc đẩy nó là gì? Ai đã vận động cho nó? Và ai có lợi nhất từ ​​quyết định này?

Về các yếu tố để di dời ra ngoài EU, sự yếu kém của các quy định, cho dù là quy định về môi trường, xã hội hay thuế quan, chắc chắn đóng một vai trò trong sự hội nhập ngoại ra ngoài cộng đồng EU, bằng cách làm cho sản xuất nước ngoài ít tốn kém hơn. Nhưng thành tố chính của chi phí về cơ bản là lượng lao động dồi dào hơn ở các quốc gia nơi các công ty đa quốc gia xâm nhập vào.

Thuế carbon tại biên giới EU hoạt động giống như thuế quan, ngoại trừ tác động sẽ lớn hơn đối với các sản phẩm phát thải cao hơn. Nó sẽ làm cho những sản phẩm này trở nên đắt hơn, điều này cuối cùng sẽ làm giá cả gia tăng đối với người tiêu dùng châu Âu. Ngoài ra, trong chừng mực mà một phần thuế carbon có thể được thu từ các đầu vào trung gian, nó sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong nước, dẫn đến công ăn việc làm giảm. Dữ liệu hiện có không cho thấy lợi ích đáng kể trên thị trường lao động từ các chính sách như các biện pháp thuế quan. Thuế carbon phải được nhìn nhận từ quan điểm của môi trường và sự nóng lên toàn cầu, những vấn đề quan trọng hàng đầu, và phải tính đến sự phối hợp toàn cầu và các chính sách bổ sung: chúng không phải là chính sách cạnh tranh, mà là những điều kiện của tính nhất quán trong việc triển khai các chính sách đầy tham vọng để đánh thuế sự phát thải khí carbon.

Cuộc phỏng vấn do Anne Châteauneuf-Malclès thực hiện cho SES-ENS.

Thư mục tham khảo

Amiti M., Konings J. (2007), Trade Liberalization, Intermediate Inputs, and Productivity: Evidence from Indonesia. American Economic Review, vol. 97, 5, p. 1611-38.

Antràs P. (2020), Conceptual Aspects of Global Value Chains. World Bank Economic Review. À paraître.

Antras P., Fort T. C., Tintelnot F. (2017), The Margins of Global Sourcing: Theory and Evidence from U.S. Firms. American Economic Review, vol. 107, 9, p. 2514-64.

De Loecker J., Goldberg P. K., Khandelwal A. K., Pavcnik N. (2016), Prices, Markups, and Trade Reform. Econometrica, vol. 84, 2, p. 445-510.

Goldberg P. K., Khandelwal A. K., Pavcnik N., Topalova P. (2010), Imported Intermediate Inputs and Domestic Product Growth: Evidence from India. Quarterly Journal of Economics, vol. 125, 4, p. 1727-67.

Lakatos C., Ohnsorge F. (2017), Arm's-Length Trade. A Source of Post-Crisis Trade Weakness. Policy Research Working Paper, 8144, Washington, DC: World Bank.

Organisation des Nations Unies pour le développement industriel, What are global value chains and why do they matter? UNIDO-IAP, août 2019.

Reshef A., Santoni G. (2020), Chaînes de valeur mondiales et dépendances de la production française. Lettre du CEPII, 409, juin.

World Bank (2020), World Development Report 2020: Trading for Development in the Age of Global Value Chains/Banque mondiale, Rapport sur le développement dans le monde 2020: Le commerce au service du développement à l'ère de la mondialisation des chaînes de valeur. Washington, DC: World Bank. doi:10.1596/978-1-4648-1457-0. Rapport téléchargeable en ligne. Abrégé en français.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “La mondialisation des chaines de valeur: entretien avec Ariel Reshef et Gianluca Santoni, Ressources en sciences économiques et sociales (ENS Lyon), 7.11.2020.




Chú thích:

[1] Không hoàn toàn đúng khi khẳng định rằng chúng ta đã đi từ sự chuyên môn hóa chủ yếu ở thành phẩm, đặc trưng của tiến trình toàn cầu hóa cũ, sang sự chuyên môn hóa các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị, kèm theo một nền mậu dịch mạnh mẽ về các đầu vào trung gian. Vào thời của Ricardo, vải dệt ở Anh sử dụng bông nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Vải Anh sau đó được xuất khẩu đi khắp thế giới để được chế biến thành quần áo, một số loại còn được bán ở các nước khác.

[2] Xem Jean S., Lemoine F. Ralentissement du commerce mondial: vers une nouvelle ère de la mondialisation? trong L’économie Mondiale 2016, La Découverte, Coll. Repères.

[3] UNCTAD (2016), World Investment 2016. Investor Nationality: Policy Challenges. United Nations, Geneva. Để có thêm chi tiết về hoạt động của các công ty đa quốc gia khắp thế giới, xin tham khảo cở sở dữ liệu AMNE - Hoạt động của các công ty đa quốc gia) của OCDE.

Chúng ta không có số liệu thống kê về thương mại nội bộ toàn cầu. Tuy nhiên, có dữ liệu cho Hoa Kỳ. Trong năm 2010, 30% doanh số bán hàng của các công ty con nước ngoài của các công ty đa quốc gia của Mỹ được dành cho các công ty liên kết với cùng một công ty mẹ (6% cho các công ty con ở cùng nước sở tại, 8% cho các công ty con đặt tại Hoa Kỳ, 16% cho các công ty con ở nước ngoài ở các nước thứ ba). Do đó, thương mại giữa các công ty của các công ty con này chiếm 70% doanh thu của chúng (nguồn: OMC, Thống kê Thương mại Quốc tế, 2013).

[4] Thí dụ, xem Commerce intra versus interbranches. Regain de similitudes? của Saint Vaulry, Unal D. (2018) trong Bensidoun I. et Couppey-Soubeyran J. (chủ biên), Carnets graphiques. L'économie mondiale dévoile ses courbes, CEPII, 2018, p. 66-67.

[5] “Người ta ước tính rằng sự tham gia này tăng 1% sẽ làm cho thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 1%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 0,2% do thương mại truyền thống gây ra.” (Ngân hàng Thế giới, WDR 2020, tóm tắt bằng tiếng Pháp). Xem: Ngân hàng Thế giới (2020), chương 3.

[6] Jong-Wha Lee (1996) nghi ngờ nghiêm trọng về hiệu quả của việc bảo hộ các ngành công nghiệp, trợ cấp và chính sách thuế của Hàn Quốc trong thời kỳ này. Tham khảo: Jong-Wha Lee (1996), Government interventions and productivity growth/Các can thiệp của chính phủ và tăng trưởng năng suất. Journal of Economic Growth. Tạp chí Tăng trưởng Kinh tế, tập 1, 3, tr. 391-414.

[7] Xem bài của Michel Fouquin trên blog của CEPII (11.3.2015): Vietnam: le choix de l'internationalisation/Sự lựa chọn con đường quốc tế hóa.

[8] Insee, Note de conjoncture du 8 septembre 2020: Les effets de la crise sanitaire dans les régions européennes ont été plus hétérogènes durant la reprise qu'au cours du confinement/Ghi chép về thời vận ngày 8 tháng 9 năm 2020/Các hiệu ứng của cuộc khủng hoảng y tế đối với các vùng ở Châu Âu là đa dạng trong thời kỳ phục hồi hơn là trong thời kỳ phong tỏa.



[*] Ariell Reshef là giám đốc nghiên cứu CNRS tại Trung Tâm Kinh Tế Học của Sorbonne (Paris 1 Pantheon-Sorbonne), phó giáo sư tại Trường Kinh tế Paris và cố vấn khoa học tại CEPII (Centre d’études prospectives et d'informations internationales).

[**] Gianluca Santoni là nhà kinh tế học tại CEPII. Santoni và Reshef đã viết, cùng với Sébastien Jean, Chương II “Les chaines de valeur à l’épreuve de la crise sanitaire/Chuỗi giá trị toàn cầu được đưa vào thử thách của cuộc khủng hoảng y tế” trong ấn phẩm hàng năm của CEPII, L’économie mondiale 2021/Kinh tế thế giới 2021 (La Découverte, coll. Repères, tháng 9 năm 2020).

Print Friendly and PDF