24.6.23

Vì sao các ý tưởng về “giới hạn hành tinh” phải ủng hộ công lý môi trường

VÌ SAO CÁC Ý TƯỞNG VỀ “GIỚI HẠN HÀNH TINH” PHẢI ỦNG HỘ CÔNG LÝ MÔI TRƯỜNG

Bài xã luận trên tạp chí Nature

Ranh giới về hệ thống trái đất xác định một không gian hoạt động an toàn cho nhân loại. Việc tính đến những người dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh đưa ra một cảnh báo ảm đạm về những việc còn phải làm.

Thời tiết khắc nghiệt, như đã xảy ra ở Bangladesh, đang có tác động không cân xứng lên các cộng đồng dễ bị tổn thương. Bản quyền ảnh: Tanbir Miraj/AFP/Getty

Hành tinh chúng ta có bao nhiêu ranh giới sinh vật lý? Đâu là giới hạn, ví dụ của lượng khí thải carbon dioxide, axit hóa đại dương, hóa chất và ô nhiễm không khí, mà khi vượt quá giới hạn đó thì sẽ trở nên không an toàn cho Trái đất và cư dân?

Trở lại năm 2009, một nhóm các nhà nghiên cứu do nhà khoa học môi trường Johan Rockström dẫn đầu đã phải vật lộn với những câu hỏi nói trên trong một bài báo được đăng trên tạp chí Nature (J. Rockström et alNature 461, 472–475; 2009). Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, những hoạt động làm thay đổi hành tinh con người có thể được tập hợp thành 9 nhóm. Họ đã tính đến những ngưỡng giới hạn đối với hầu hết các vấn đề nói trên, mà khi vượt qua các ngưỡng giới hạn đó, thì có thể gây nguy hiểm cho hành tinh và con người. Các nhà khoa học đã kết luận rằng nhân loại đã vượt qua ba trong số chín “giới hạn hành tinh” này, và sẽ vượt qua sáu giới hạn còn lại trừ khi có hành động khắc phục hậu quả.

Bài báo đó, có tựa là “A safe operating space for humanity [Không gian hoạt động an toàn cho nhân loại]”, đã có ảnh hưởng phi thường trong một thời gian tương đối ngắn. Nhiều thành phố trên khắp thế giới đang thử nghiệm cách thức áp dụng những phát hiện này, và các nhà nghiên cứu (bao gồm nhiều người trong nhóm nghiên cứu ban đầu năm 2009) đã tiếp tục tinh chỉnh các giới hạn hành tinh để đáp lại sự phản hồi và yêu cầu về dữ liệu mới.

Một lỗ hổng trong khái niệm ban đầu là thiếu sự công lý và công bằng về môi trường cần phải tính đến thực tế là mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền tuyệt đối đối với nước sinh hoạt, thực phẩm, năng lượng và chăm sóc sức khỏe, bên cạnh quyền tiếp cận một môi trường trong lành.

Tuần này, Rockström, cùng với nhà khoa học về tính bền vững [khả năng duy trì sự đa dạng giống loài và sinh sản theo thời gian - ND], Steven Lade, và một nhóm các nhà nghiên cứu, đã sửa đổi khái niệm ban đầu của họ, khi kết hợp công lý bên cạnh các giới hạn vật lý sinh học. Kết quả thu được, dựa trên một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 trên tạp chí Nature Sustainability (J. Gupta et al. Nature Sustain. https://doi.org/grwfbk; 2023), cho thấy bảy trong số tám ngưỡng giới hạn đã bị vượt qua (xem bài “Planetary boundaries reboot [Phiên bản mới của các giới hạn hành tinh]”): tám ngưỡng đó là khí hậu, khu vực hệ sinh thái tự nhiên, tính toàn vẹn chức năng của hệ sinh thái, nước trên mặt biển, nước ngầm, nitơ, phốt pho và sol khí.

Phiên bản mới của hành tinh. Khái niệm “giới hạn hành tinh” đã được cập nhật khi tính đến thực tế là tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, đều có quyền tuyệt đối đối với nước sinh hoạt, thực phẩm, năng lượng và chăm sóc sức khỏe, bên cạnh quyền tiếp cận một môi trường trong lành. Đường màu đỏ cho biết giới hạn của những gì “an toàn” đối với hành tinh. Không gian xanh tượng trưng cho ngưỡng vừa an toàn cho hành tinh và vừa bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên thế giới (“an toàn và công bằng”). Biểu tượng hình Trái đất cho thấy những ngưỡng, bảy trong số tám ngưỡng cho một thế giới an toàn và công bằng, đã bị vượt qua như thế nào. Nguồn: J. Rockström et al.

Cảnh báo ảm đạm

Những phát hiện này thậm chí còn là một cảnh báo ảm đạm hơn so với những gì đã được báo cáo vào năm 2009. Có thể cho rằng, sự thay đổi nổi bật nhất kể từ năm 2009 là việc các tác giả ủng hộ hiện tượng thời tiết nóng lên toàn cầu nên được giới hạn ở mức 1°C cao hơn mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Mức này thấp hơn mục tiêu 1,5°C đã được thống nhất tại hội nghị khí hậu Paris 2015. Đây cũng là một hạn chế chặt chẽ hơn so với khuyến nghị trong nghiên cứu năm 2009 là duy trì lượng khí thải carbon ở mức 350 phần triệu theo thể tích (mức trong thời kỳ tiền công nghiệp là 280 phần triệu theo thể tích).

Các tác giả lý giải rằng việc duy trì mức 1,5°C có thể giúp những người giàu có hơn trên thế giới tự bảo vệ, nhưng sẽ gây ra tác hại đáng kể cho những người dễ bị tổn thương nhất. Các nhà nghiên cứu ước tính sẽ có khoảng 200 triệu người phải đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ chưa từng thấy, và 500 triệu người sẽ phải đối mặt với mực nước biển dâng cao trong thời gian dài.

Kate Raworth (1970-)

Khi đưa ý tưởng công lý vào nghiên cứu của họ, Rockström và các đồng nghiệp đã xây lên một cơ sở các công trình gần đây. Không lâu sau khi bài báo năm 2009 được đăng, công lý và bình đẳng đã được đưa vào các cuộc thảo luận dẫn đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc, được công bố vào năm 2015. Công lý môi trường cũng là nhân tố cốt lõi của một ý tưởng đổi mới được gọi là kinh tế học bánh rán. Năm 2012, nhà kinh tế học Kate Raworth, khi đó đang làm việc cho tổ chức viện trợ Oxfam, và các đồng nghiệp đã phỏng lại những phát hiện của nghiên cứu năm 2009 để đưa vào cái mà Raworth gọi là “không gian an toàn và công bằng”. Không gian này được biểu thị bằng một khu vực được bao quanh bởi một vòng tròn kép, “chiếc bánh rán”, có ranh giới không thể vượt qua. Một ngưỡng như thế sẽ được đo lường bằng cách sử dụng những chỉ báo và phương pháp luận làm cơ sở cho các mục tiêu SDG.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy cách thức các thành viên của nhóm nghiên cứu năm 2009, làm việc cùng với một thế hệ mới các nhà khoa học và một nhóm nghiên cứu mang tính đa quốc gia lớn hơn, đã vượt qua thách thức của sự tam giác hóa công trình nghiên cứu ban đầu của họ với kinh tế học bánh rán và các mục tiêu SDG. Điều này không hề dễ dàng, và công trình nghiên cứu mới chỉ là bước khởi đầu. Trong một bài báo đi kèm trên tạp chí News & Views, Stephen Humphreys, nhà nghiên cứu luật và công bằng xã hội tại Trường Kinh tế London, đã thừa nhận những khó khăn trong việc thiết lập các giá trị số học khi tích hợp với các ý tưởng từ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Độc giả có thể xem cách thức hoạt động của quy trình này: bên cạnh bài báo, chúng tôi đã đăng toàn bộ cuộc thảo luận giữa các tác giả với người đánh giá (J. Rockström et al. Nature https://doi.org/10.1038/s41586-023-06083-8; 2023). Cuộc thảo luận nhấn mạnh đến việc đâu là những điều đã đồng ý và không đồng ý, và ở đâu cần bổ sung thêm dữ liệu và sàng lọc thêm.

Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách thức hoạt động của khoa học khi có nhiều nhóm khác nhau nghiên cứu và hoàn thiện công trình của nhau. Nhưng cũng có một khía cạnh đáng lo ngại đối với những phát hiện mới. Nếu bảy trong số tám ngưỡng giới hạn đã bị vượt qua, điều đó có ý nghĩa gì đối với những nỗ lực còn yếu ớt của chúng ta để chuyển sang một con đường bền vững hơn?

Các nhà nghiên cứu có nhiều quan điểm khác nhau về cách thức giải quyết câu hỏi này — từ những người ủng hộ cách làm việc trong hệ thống kinh tế hiện tại (được gọi là tăng trưởng xanh) cho đến những người tranh luận rằng bản thân hệ thống kinh tế hiện tại là một nhân tố (thậm chí là nhân tố quyết định) dẫn đến tình trạng hiện tại và đòi hỏi một sự biến đổi (được gọi là hậu tăng trưởng hoặc giảm tăng trưởng). Vài tháng trước, chúng tôi đã kêu gọi các nhà khoa học đại diện cho nhiều cách tiếp cận khác nhau này cần phải tạo ra nhiều kênh liên lạc hơn giữa họ với nhau.

Bài báo mà chúng tôi xuất bản trình bày một cơ hội như thế. Nếu những phát hiện đó là bất cứ điều gì đáng để cân nhắc, thì đừng bỏ lở thời gian để hành động.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Why ideas of “planetary boundaries” must uphold environmental justice, Nature, ngày 31 tháng 5 năm 2023

Print Friendly and PDF