23.6.23

Những ồn ào của các chuyên gia truyền thông đã gây nhiều tai hại

NHỮNG ỒN ÀO CỦA CÁC CHUYÊN GIA TRUYỀN THÔNG ĐÃ GÂY NHIỀU TAI HẠI

Tác giả: Clément Boulle

Giám đốc điều hành của Polytechnique Insights

Mathias Girel

Triết gia, giảng sư tại ENS-PSL kiêm giám đốc Centre d’archives en philosophie, histoire et édition des sciences (CAPHES) - Trung tâm lưu trữ về triết học, sử học và xuất bản khoa học

Tóm tắt

·         Sự nghi ngại hiện nay đối với khoa học có thể được khơi dậy bởi những biểu hiện khác nhau làm ta lo lắng.

·         Do đó, vai trò của các khuyến nghị khoa học trong việc thiết lập những biện pháp chống lại coronavirus làm gay gắt thêm những phê phán cáo buộc tính chính trị của khoa học.

·         Mặt khác, ta nhận thấy có một sự lẫn lộn trong truyền thông, theo đó các chuyên gia “trong khoa học” nêu ra ý kiến của họ về những vấn đề không nhất thiết thuôc về lĩnh vực chuyên môn của họ. Đối với Mathias Girel (ENS-PSL), điều đó làm mất uy tín của cộng đồng khoa học và làm suy giảm hình ảnh của nó.

Ta không còn đếm được nữa số lượng các chương trình phát thanh/truyền hình, các hội thảo hay bài báo nói về một sự gia tăng giả định của sự nghi ngại đối với khoa học. Việc này gợi cho ông điều gì?

Đây đúng là một chủ đề thường gặp. Các cuộc điều tra dư luận lại làm xuất hiện một thực tế tương phản hơn: khi câu hỏi mang tính chung chung (“Bạn có tin cậy các nhà nghiên cứu của các tổ chức công cộng để nói lên sự thật về các chủ đề nghiên cứu của họ?”), hai phần ba những người được thăm dò đã khẳng định là có; viễn cảnh có thể là u tối hơn nhiu, đặc biệt là đối với những chủ đề về y tế[*]. Dù sao, một cách chung, sự nghi ngại đối với khoa học là thấp hơn sự nghi ngại đối với các nhân vật chính trị. Thế nhưng tôi không nghĩ rằng có một sự nghi ngại đối với khoa học “nói chung”, và nên xem xét lỹ lưỡng từng hồ sơ.

Xin ông giải thích cho chúng tôi điều ấy!

Tôi thấy có hai vấn đề liên quan đến chủ đề nghi ngại: vấn đề thứ nhất, đó là một khái niệm không rõ ràng. Đôi lúc ta phân biệt sự nghi ngờ (méfiance) vốn là một thái độ lan toả mọi hướng, với sự nghi ngại (défiance), vốn là một thái độ được tạo nên bởi các lý lẽ, có thể đúng hay sai, và trong trường hợp này thì cần khảo sát chính các lý lẽ. Nhưng có những khái niệm tương cận nhờ các hiệu ứng của chúng, với những mối liên quan khác nhau: ví dụ tôi nghĩ đến sự do dự, đã được nghiên cứu nhiều trong trường hợp các thuốc chủng ngừa, nó không hoàn toàn giống sự nghi ngờ hay sự nghi ngại. Tôi cũng nghĩ đến sự lẫn lộn, có thể nó có cùng những hiệu ứng như sự nghi ngại xét về phương diện giảm sút niềm tin, nhưng nó được thể hiện bằng sự thiếu vắng các điểm mốc đáng tin cậy, hoặc là sự khó khăn trong phân biệt giữa những thực tại bề ngoài có vẻ gần nhau.

“Đôi lúc ta phân biệt sự nghi ngờ (méfiance) vốn là một thái độ lan toả mọi hướng, với sự nghi ngại (défiance), vốn là một thái độ được tạo nên bởi các lý lẽ.”

Trong trường hợp sau cùng này, những ý kiến trái chiều giữa kiến thức chuyên môn cao của các tổ chức và các chuyên gia “truyền thông” chẳng hạn, đã tạo ra một sự lẫn lộn nhất định, vả lại trong một nghĩa rộng hơn nhiều, ngay trong lòng khái niệm “đại dịch tin giả” (infomédie), được khơi lại bởi Tổ chức Y tế thế giới vào tháng hai năm 2020. Vấn đề thứ hai là xem xét khách quan sự nghi ngại này, nếu nó hiện hữu. Việc quá nhanh chóng xem nó như đã được tán thành có thể có một hiệu ứng đối với cuộc thảo luận dân chủ: liệu có ích gì khi tìm cách thuyết phục về căn cứ vững chắc của một biện pháp nếu ta cho là đại bộ phận dân chúng đã giữ nguyên tắc chống lại nó?

Vào mùa thu, ta đã nói nhiều về một sự nghi ngại quan trọng, và tương đối mới, của dân Pháp đối với các vắc xin, vào lúc chưa có sẵn sàng một vắc xin nào, điều này làm cho mọi tuyên bố đều trở nên trừu tượng. Trái lại, khởi đầu của chiến dịch đã để xuất hiện một mong muốn có được vắc xin càng sớm càng tốt – sự do dự đối với AstraZeneca là một trường hợp riêng lẻ. Trong trường hợp này, tiêu chí hành vi – những người liên quan sẽ hành động như thế nào? – dường như quan trọng hơn các tuyên bố.

Một số nhà nghiên cứu nói đến các hiện tượng cộng đồng. Nói cách khác, các nhà khoa học thuộc về một tầng lớp tinh hoa sẽ không còn được các tầng lớp bình dân thừa nhận, họ tự xem mình xa lạ với nhóm tinh hoa này và do đó nghi ngại đối với nhóm này. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Phải xác định rõ ở đây ta hiểu “tinh hoa” là gì? Hoạt động hàng ngày của nhiều nhà nghiên cứu khác khá xa với khung cảnh sống của tầng lớp tinh hoa kinh tế, điều đó đã rõ; ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, họ cũng khá cách xa trung tâm của bộ máy ra quyết định, ta không thể nói rằng các nhà nghiên cứu và các kỹ sư có tỷ lệ đại diện quá cao trong số các dân biểu và nghị sĩ. Đối với tôi, đúng hơn vấn đề có vẻ là vấn đề của hình ảnh mà người ta có về khoa học, và nó tương ứng với ít nhất ba thực tại. Trước tiên là người ta biết gì về nghiên cứu, về những điều kiện của nó, về nghề nghiên cứu. Điều này có phần khơi dậy mối quan tâm: một vài hội nghị, những sự kiện thuôc loại “Ngày hội khoa học”, hay còn là những video phổ biến khoa học được thực hiện tốt tập hợp được rộng rãi công chúng.

Tiếp đến là sự giám định tri thức chuyên môn, cá nhân hay tập thể, trong một tổ chức, một hội đồng, một cơ quan, thường bị hiểu sai: trong khi một cách chung đó là một trình tự phải tuân thủ theo những quy tắc chặt chẽ, nó có thể dẫn đến các ý kiến tinh tế, đôi khi còn bao gồm các ý kiến đa chiều, thì nó lại quyện vào hình ảnh các “chuyên gia” của các kênh thông tin phát liên tục, hay một cách tổng quát hơn, quyện vào hình ảnh truyền thông của những người, vì họ có năng lực về một lĩnh vực nhất định, cảm thấy được phép cho ý kiến về các lĩnh vực hay các vấn đề khác. Hình ảnh của những chuyên gia “khoa học” này đã gây nhiều tai hại, như ta đã thấy nhiều nhà dịch tễ học ngẫu hứng trong những tháng vừa qua…

Cuối cùng, có thứ khoa học được huy động để minh chứng cho một quyết định chính trị (“chúng ta đi theo khoa học”, “khoa học đã giải quyết”), điều này đôi lúc giáng xuống khoa học những phê phán mà thực chất là được nêu lên chống lại một chính sách. Loại quan điểm này dường như thuộc về cái mà ngày trước ta gọi là “mô hình tuyến tính” - đại khái là một khi khoa học đã giải quyết, thì duy nhất một chính sách và chỉ một mà thôi được hình thành từ đó – nó không tương ứng với thực tế các sự việc: ngay cả về những chủ đề đã hoàn toàn ổn định về phương diện kiến thức khoa học – dù là trong lĩnh vực năng lượng, môi trường hay đặc biệt là y tế –, thường có nhiều phương án và người ra quyết định không thể ẩn núp sau các nhà nghiên cứu hay các chuyên gia. Điều này không có nghĩa là người ra quyết định có thể không biết đến họ.

Các thuyết âm mưu, được gom lại trong thuật ngữ “chủ thuyết âm mưu” (complotisme), có một điểm chung là không có một cơ sở khoa học nào cả. Phải chăng giả định về sự gia tăng mạnh mẽ các thuyết âm mưu là bằng chứng của sự nghi ngại khoa học?

Quả thực ta có thể cảm nhận một vài lo lắng, Ví dụ, phim tài liệu Hold up, với hàng triệu lượt xem, trộn lẫn những câu hỏi về virus với những suy đoán về thực tế của đại dịch, với dự án toàn cầu về một sự “Khởi động lại hệ thống” to lớn, để không nói đến công nghệ 5G, và điều đó có thể có những hiệu ứng về y tế. Có thể các mạng xã hội cho thấy hiện tượng này rõ hơn. Nhưng, ngay cả khi một thuyết âm mưu xuất hiện đối với một chủ đề đã được một nghiên cứu khoa học xử lý, đó cũng chỉ là một phần của hiện tượng: có cả một bộ phận cử tri của Donald Trump vẫn còn tin rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua xuất phát từ một âm mưu của phe dân chủ.

“Cho dù có một sự gia tăng mạnh các thuyết âm mưu… thì chúng không nhắm, hay nhắm ít thôi, việc nghiên cứu như tự thân nó là.”

Tôi thấy dường như thuyết âm mưu cuối cùng này có những hậu quả nặng nề, và nó không bao hàm một khẳng định nào về khoa học. Nếu ta dùng ngôn ngữ của sự nghi ngại, thì một thái độ như vậy biểu thị một sự nghi ngại đối với các thể chế với tư cách là thể chế, chúng bị nghi ngờ phải tuân thủ một chương trình bí mật, và chắc hẳn các thuyết âm mưu về các chủ đề khoa học chỉ là một phần của thái độ chung này, nhắm đến cái thể chế đặc biệt là khoa học. Trường hợp sau cùng này, có lẽ là nổi bật hơn, vì ý tưởng cho rằng một tuyên bố khoa học thực ra có thể là kết quả một một ý đồ được che giấu xung khắc với những giá trị của tính phổ quát, của tính chân thực và liêm chính được giả định trước bởi khoa học. Nhưng theo hiểu biết của tôi, khi ta nhìn vào chi tiết, các thuyết âm mưu hiện hữu chú trọng nhiều hơn hình ảnh thứ nhì và thứ ba của khoa học đã được nêu ở trên. Tôi ít thấy các thuyết âm mưu về vật chất tối hay về lý thuyết dây…

Điều này khuyến khích ta nghĩ rằng, ngay cả khi giả định rằng có một sự gia tăng mạnh các thuyết âm mưu, cho dù ta có thể có lý do chính đáng để lo ngại về một số các biểu hiện của chúng, mà ta phải đáp trả khi một kiến thức bị đe dọa, thì chúng cũng không, hay ít nhắm đến nghiên cứu với tư cách là nghiên cứu, và chúng không nhất thiết biểu thị một sự nghi ngại đối với những khía cạnh căn bản của khoa học, và cụ thể là hoạt động nghiên cứu.

Clément Boulle

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: “La cacophonie des experts de plateau a fait beaucoup de mal”, Polytechnique Insights, 23.06.2021.

----

Bài có liên quan:

·         Tại sao khoa học coi thường ý kiến của bạn về sự thật?

·         Ta có thể học để trở thành duy lí hơn không?

·         Sự ngờ vực khoa học chỉ là một biểu hiện của nền dân chủ

·         Làm sao phân biệt hoài nghi đúng và hoài nghi sai

·         Khoa học bị thiệt hại vì thiếu tính tái lập các kết quả nghiên cứu

Print Friendly and PDF