25.6.23

Nghiên cứu về 2.400 ngôn ngữ cho thấy gần một nửa sự đa dạng ngôn ngữ của thế giới đang bị đe dọa

NGHIÊN CỨU VỀ 2.400 NGÔN NGỮ CHO THẤY GẦN MỘT NỬA SỰ ĐA DẠNG NGÔN NGỮ CỦA THẾ GIỚI ĐANG BỊ ĐE DỌA

Nguồn: Shutterstock

Có hơn 7.000 ngôn ngữ trên thế giới và ngữ pháp của chúng có thể khác nhau rất nhiều. Những khác biệt này là điều mà các nhà ngôn ngữ học quan tâm vì chúng cho ta biết về lịch sử, khả năng nhận thức của chúng ta và ý nghĩa của việc làm người.

Nhưng sự đa dạng tuyệt vời này đang bị đe dọa khi ngày càng có nhiều ngôn ngữ không được dạy cho trẻ em và dần chìm vào giấc ngủ nghìn thu.

Trong bài báo mới đăng trên tạp chí Science Advances, chúng tôi đã ra mắt một cơ sở dữ liệu phong phú về ngữ pháp ngôn ngữ tên là Grambank. Với tài nguyên này, chúng ta có thể trả lời nhiều câu hỏi nghiên cứu về ngôn ngữ và xem liệu ta còn mất thêm bao nhiêu sự đa dạng về ngữ pháp nếu cuộc khủng hoảng không dừng lại.

Những phát hiện của chúng tôi thật đáng báo động: ta đang đánh mất nhiều ngôn ngữ, ta đang đánh mất sự đa dạng ngôn ngữ, và trừ phi chúng ta làm gì đó, nếu không những cửa sổ nhìn vào lịch sử tập thể sẽ đóng lại.

Ngữ pháp là gì?

Ngữ pháp của một ngôn ngữ là tập hợp các quy tắc nhằm xác định thế nào là một câu trong ngôn ngữ đó và thế nào là lời vô nghĩa. Ví dụ, tiếng Anh bắt buộc phải chia thì. Để kết hợp “Sarah”, “viết” và “giấy” thành một câu hợp lệ, tôi phải chỉ ra một thời điểm. Nếu bạn không chia thì trong một câu tiếng Anh, thì đó không phải là một câu đúng ngữ pháp.

Dù thế, điều này không đúng với tất cả các ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ bản địa của Hokkaido Ainu ở Nhật Bản, người nói không cần chỉ định thời gian. Họ có thể thêm các từ như “đã” hoặc “ngày mai” – nhưng câu không có các từ này vẫn được người nói xem là đúng.

Như nhà nhân chủng học vĩ đại Franz Boas đã từng nói:

ngữ pháp […] xác định những khía cạnh cần phải được diễn đạt của từng trải nghiệm.

Các nhà ngôn ngữ học không quan tâm đến ngữ pháp “đúng”. Chúng tôi biết ngữ pháp thay đổi theo thời gian và từ nơi này sang nơi khác – với chúng tôi thì thay đổi đó không hề tệ, thật tuyệt thì hơn!

Bằng cách nghiên cứu các quy tắc này trong các ngôn ngữ, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về cách tư duy hoạt động cũng như cách ta truyền tải ý nghĩa từ bản thân sang người khác. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu về lịch sử, xem chúng ta đến từ đâu và đã đến đây bằng cách nào. Điều này thực sự phi thường.


Đọc thêm: Gặp gỡ cộng đồng bản địa xa xôi, nơi có vài nghìn người sử dụng 15 ngôn ngữ khác nhau


Một cơ sở dữ liệu ngôn ngữ khổng lồ về ngữ pháp

Chúng tôi sướng rơn khi được giới thiệu Grambank ra thế giới. Nhóm các đồng nghiệp quốc tế của chúng tôi đã xây dựng bộ dữ liệu trong suốt nhiều năm bằng cách đọc hàng tá sách về các quy tắc ngôn ngữ, trò chuyện với các chuyên gia và thành viên trong cộng đồng về các ngôn ngữ cụ thể.

Một nhiệm vụ đầy khó khăn. Ngữ pháp của các ngôn ngữ khác nhau có thể rất khác nhau. Hơn nữa, mỗi người lại mô tả cách vận hành của các quy tắc một kiểu. Các nhà ngôn ngữ học yêu thích biệt ngữ, vậy nên đôi khi việc hiểu rõ chúng là cả một thách thức đặc biệt.

Ở Grambank, chúng tôi đã dùng 195 câu hỏi để so sánh hơn 2.400 ngôn ngữ – bao gồm cả hai ngôn ngữ ký hiệu. Bản đồ dưới đây cung cấp một cái nhìn tổng quan về những gì chúng tôi đã nắm bắt được.

Mỗi dấu chấm đại diện cho một ngôn ngữ và màu càng giống nhau thì ngôn ngữ càng tương tự nhau. Để tạo bản đồ này, chúng tôi đã sử dụng một kỹ thuật gọi là "phân tích thành phần chính" [principal component analysis] – nhằm giảm từ 195 câu hỏi về ba chiều, sau đó chúng tôi ánh xạ mỗi chiều này lên màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương.

Độ biến thiên màu sắc lớn cho thấy tất cả các ngôn ngữ này khác nhau như thế nào. Ở những vùng có màu sắc tương tự nhau, chẳng hạn như Thái Bình Dương, có thể là do các ngôn ngữ có liên quan với nhau hoặc chúng đã vay mượn lẫn nhau rất nhiều.

Bản đồ thế giới về các ngôn ngữ có trong bộ dữ liệu Grambank. Màu sắc thể hiện sự tương đồng về ngữ pháp – màu sắc càng giống nhau thì ngữ pháp càng tương tự nhau. Skirgard et al. (2023), CC BY-SA

Ngôn ngữ rất đặc biệt với loài người; đó là một phần của những gì tạo nên chúng ta.

Tiếc thay, các ngôn ngữ bản địa trên thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguy cấp do thực dân hóa và toàn cầu hóa. Chúng tôi biết rằng mỗi ngôn ngữ bị mất đi đều ảnh hưởng nặng nề đến sức sống của các cá nhân và cộng đồng bản địa vì cắt đứt mối quan hệ với tổ tiên và kiến ​​thức truyền thống của họ.


Đọc thêm: Người dân trên đảo Malekula của Vanuatu nói hơn 30 ngôn ngữ bản địa. Đây là lý do tại sao chúng ta phải ghi lại chúng


Gần một nửa sự đa dạng về ngôn ngữ của thế giới đang bị đe dọa

Ngoài việc mất các ngôn ngữ riêng lẻ, nhóm chúng tôi muốn hiểu được những gì chúng ta có thể mất đi về mặt đa dạng ngữ pháp.

Cơ sở dữ liệu của Grambank hé lộ sự phong phú đến sững sờ của các ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới – một minh chứng cho khả năng thay đổi, biến tấu và sự khéo léo của con người.

Bằng một thước đo sinh thái về tính đa dạng, chúng tôi đã đánh giá loại tổn thất mà chúng ta có thể gặp phải nếu các ngôn ngữ hiện đang bị đe dọa biến mất. Chúng tôi nhận thấy một số khu vực nhất định sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn những khu vực khác.

Điều đáng sợ là, một số khu vực trên thế giới như Nam Mỹ và Úc được cho là sẽ mất đi toàn bộ sự đa dạng về ngôn ngữ bản địa, bởi vì tất cả các ngôn ngữ bản địa ở đó đều đang bị đe dọa. Ngay cả những khu vực khác nơi ngôn ngữ tương đối được an toàn, chẳng hạn như Thái Bình Dương, Đông Nam Á và châu Âu, vẫn cho thấy mức giảm đáng kể, vào khoảng 25%.

Biểu đồ về sự đa dạng ngữ pháp (sự phong phú về chức năng) giữa các vùng. Màu xanh lá nhạt thể hiện sự đa dạng hiện tại, màu xanh lá đậm thể hiện sự đa dạng còn lại sau khi các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng bị loại bỏ. Nguồn: tác giả cung cấp

Sau đó thì?

Nếu không có sự hỗ trợ bền vững cho việc phục hồi ngôn ngữ, nhiều người sẽ chịu thiệt hại và cửa sổ ngôn ngữ chung của chúng ta về lịch sử, nhận thức và văn hóa loài người sẽ bị chia cắt nghiêm trọng.

Liên Hợp Quốc tuyên bố 2022-2032 là Thập kỷ của Ngôn ngữ Bản địa. Trên khắp thế giới, các tổ chức cấp cơ sở bao gồm Trung tâm Ngôn ngữ NgukurrTrung tâm Ngôn ngữ Noongar Boodjar và Trung tâm Giáo dục Văn hóa Heiltsuk của Canada đang nỗ lực hướng tới việc duy trì và phục hồi ngôn ngữ. Để có cảm nhận cụ thể hơn về điều này, bạn hãy xem hoạt họa tương tác của Angelina Joshua.

Tác giả:

Hedvig Skirgård

Simon Greenhill
Hedvig Skirgård

Nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, Đại học Quốc gia Úc

Simon Greenhill

Phó Giáo sư, Đại học Auckland


Tuyên bố công khai

Các tác giả không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Research on 2,400 languages shows nearly half the world’s language diversity is at risk, The Conversation, Apr 20, 2023.

Print Friendly and PDF