25.8.23

Cái giá thực sự của rào cản ngôn ngữ đối với những nhà khoa học mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ

CÁI GIÁ THỰC SỰ CỦA RÀO CẢN NGÔN NGỮ ĐỐI VỚI NHỮNG NHÀ KHOA HỌC MÀ TIẾNG ANH KHÔNG PHẢI LÀ TIẾNG MẸ ĐẺ

Khảo sát định lượng thời gian bổ sung mà các nhà nghiên cứu có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh cần để đọc, viết và trình bày dữ liệu.

Mariana Lenharo

Một số người dùng thẻ ghi ký hiệu ngữ âm để hỗ trợ học tiếng Anh. Ảnh: Peng Song/Getty

Các nhà nghiên cứu có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh có thể tốn gấp đôi thời gian để đọc một bài báo khoa học bằng tiếng Anh so với người bản xứ. Đối với một nghiên cứu sinh đang làm luận án, điều này có thể đồng nghĩa với tốn thêm đến 19 ngày làm việc mỗi năm chỉ để đọc các bài báo.

Những thống kê này, được công bố trên PLoS Biology[1] hôm nay, có thể không gây sốc, nhưng điều quan trọng là phải đo lường tác động của rào cản ngôn ngữ đối với sự nghiệp của các học giả không thông thạo tiếng Anh. Tatsuya Amano, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học tại Đại học Queensland ở Brisbane, Úc, đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Đây là bước đầu tiên để cộng đồng khoa học nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề này.”

Tatsuya Amano

Amano và các cộng sự đã thăm dò ý kiến ​​của 908 nhà khoa học môi trường từ 8 quốc gia, mỗi người trong số họ đã là tác giả của ít nhất một bài báo được bình duyệt bằng tiếng Anh. Một số người tham gia đến từ các quốc gia có tỷ lệ người dân thông thạo tiếng Anh vừa phải (Bolivia, Tây Ban Nha và Ukraine), trong khi số còn lại đến từ các quốc gia hiếm ai thông thạo tiếng Anh (Bangladesh, Nhật Bản và Nepal). Câu trả lời của họ được so sánh với câu trả lời từ những người ở các quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức (Nigeria và Vương quốc Anh).

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số các nhà khoa học chỉ xuất bản một bài báo bằng tiếng Anh, những người đến từ các quốc gia có trình độ tiếng Anh thấp nói chung đã tốn nhiều hơn trung bình 29,8% thời gian để viết bài báo đó so với người bản xứ; những người đến từ các quốc gia có trình độ tiếng Anh tầm trung đã tốn nhiều hơn trung bình 50,6%. Tương tự, cả nhóm cũng thấy rằng những người đến từ các quốc gia có trình độ tiếng Anh thấp nói chung tốn nhiều hơn trung bình 90,8% thời gian để đọc các bài báo khoa học so với người bản xứ. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những người phi bản xứ mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị thuyết trình trực tiếp tại các hội nghị quốc tế, và nhiều người tránh kiểu dấn thân này do rào cản ngôn ngữ.

Amano, người Nhật, cho biết anh luôn gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Sau nhiều năm làm việc tại Vương quốc Anh và Úc, tiếng Anh của anh ngày càng tiến bộ, và mọi người có lẽ thấy các bài báo của Amano tương tự những bài viết bởi người nói tiếng Anh bản xứ. “Nhưng tôi đã phải âm thầm dành rất nhiều thời gian để đạt đến trình độ đó,” anh nói. Nỗ lực bổ sung đó chính xác là những gì Amano muốn định lượng trong nghiên cứu này.

Mức từ chối cao bất thường

Amano và các cộng sự cũng kiểm tra quá trình bình duyệt. Những người không có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ báo cáo rằng bài của họ bị từ chối rõ ràng vì vấn đề viết lách nhiều gấp 2,5 lần so với người bản xứ. Lina C. Pérez-Angel, nhà cổ sinh vật học người Colombia tại Đại học Brown ở Providence, Rhode Island, chẳng xa lạ gì với chuyện này. “Tôi đã gặp những người đánh giá nói thẳng rằng tiếng Anh của tôi khiến chất lượng nghiên cứu bị nghi ngờ hoặc phần lớn thì cho phản hồi gay gắt về trình độ tiếng Anh của tôi khiến tôi nghĩ đó là do họ của tôi nghe như người gốc Mỹ La-tinh/Tây Ban Nha,” cô nói.

Paula Iturralde-Pólit, một nhà sinh thái học người Ecuador tại Đại học Costa Rica ở San José, cho biết những thách thức không chỉ giới hạn ở các bài báo và bài thuyết trình. Cô nói: “Mà ở mỗi bước trong tiến trình trở thành một học giả.” Theo kinh nghiệm của Paula, chẳng hạn, việc xin trợ cấp để tài trợ cho các dự án nghiên cứu sẽ mất nhiều thời gian hơn đối với ai không thông thạo tiếng Anh. “Cố vấn của bạn cũng cần nhiều thời gian hơn để xem xét, vì bạn sẽ mắc nhiều lỗi hơn.”

Germana Barata

Tại các hội nghị, ngay cả những người vượt qua được rào cản trình bày nghiên cứu bằng tiếng Anh cũng gặp khó khăn. Germana Barata, một nhà nghiên cứu chuyên về giao tiếp khoa học tại Đại học Bang Campinas ở Brazil, cho biết mặc dù thông thạo tiếng Anh nhưng đôi khi cô vẫn cảm thấy không thoải mái. “Chúng ta có cùng thời lượng trình bày, nhưng những gì ta có thể nói trong 10 phút thì khác với những gì người bản xứ có thể,” cô chỉ ra.

Nghiên cứu có lẽ đã đánh giá thấp tác động của rào cản ngôn ngữ, bởi vì nó không tính đến những người bỏ cuộc do những thách thức được mô tả bên trên, Amano lưu ý. Barata nói, nhiều người còn ở lại cảm thấy rằng ngôn ngữ cản trở việc chia sẻ nghiên cứu và thăng tiến trong sự nghiệp. Cô cho biết: “Hành trình thể hiện bản thân và mang công trình nghiên cứu của mình ra nước ngoài của chúng tôi dài và chậm hơn nhiều.”

Amano cho rằng việc giải quyết vấn đề không nên là trách nhiệm của riêng những người gặp phải rào cản ngôn ngữ. Ví dụ, các tạp chí có thể cung cấp quyền truy cập vào các công cụ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các nhà nghiên cứu viết bài hoặc có thể kết nối các tác giả với những người nói tiếng Anh thành thạo để giúp đánh giá các bài báo của họ. Các hội nghị có thể xem xét cho phép các nhà nghiên cứu trình bày bằng tiếng mẹ đẻ, dùng phiên dịch viên và có thể xuất bản các phần tóm tắt bằng nhiều ngôn ngữ. “Những người không có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ chiếm gần 95% dân số thế giới,” Amano nói. “Nếu chúng ta không hỗ trợ 95% đó, tôi chắc rằng chúng ta không thể giải quyết nhiều thách thức toàn cầu.”

Nature 619, 678-679 (2023)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-023-02320-2

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: The true cost of science’s language barrier for non-native English speakersNature Jul 23, 2023.


Tham khảo

[1] Amano, T. et al. PLoS Biol. 21, e3002184 (2023).

Article Google Scholar

Print Friendly and PDF