BIỂN LÀ VÔ TẬN, LÀM ĐIÊN ĐẢO VÀ GÂY CHẤN ĐỘNG CHO CHÚNG TA
Tác giả: Laurence Devillairs
Giảng viên triết học tại Viện Công giáo Paris
AN SINH. Không phải là một sự an sinh dễ chịu về biển, nữ triết gia chủ trương bơi Laurence Devillairs cho chúng ta biết triết lý về biển của bà. Hãy coi chừng ý kiến gây bão!
Julie Malaure ghi lại
Descartes, Spinoza, Kant, Pascal? Tất cả đều trên cùng một chiếc thuyền! Triết gia Laurence Devillairs đã thu thập từ nhiều năm nay những khoảnh khắc mấu chốt khi các triết gia, trong những bài viết quan trọng nhất, chuẩn bị trả lời câu hỏi cơ bản về thân phận con người và ý nghĩa của cuộc sống, và bà đã phải xác nhận rằng, “thật lạ lùng, họ không làm công việc của một triết gia”… Nghĩa là thay vì cho chúng ta những định nghĩa, những khái niệm, những lập luận, họ lại cho chúng ta những “ẩn dụ về biển”.
Tại sao triết học, một lĩnh vực không dùng phép ẩn dụ, thậm chí chối bỏ nó, lại dùng ẩn dụ về biển vào những thời điểm mấu chốt này?” Đó là điều làm cho nữ triết gia chìm đắm trong một đại dương của sự hoang mang.
Laurence Devillairs (1969-) |
Đối với bà, một người tốt nghiệp thạc sĩ sư phạm và tiến sĩ triết học, có vai trò của một điều gì “rất sâu” ở đó. “Ta suy nghĩ cùng với biển”, bà nêu tiếp, để mô tả điều đã trở thành định hướng của quyển sách của bà, Petite philosophie de la mer (Một triết lý nhỏ về biển), do nhà xuất bản La Martinière phát hành. Chính bà là đồ đệ của bơi tự do trên biển, nhạy cảm với trải nghiệm thẩm mỹ với biển – “cho dù ta sợ biển, ta vẫn có thể ngắm biển hàng giờ!” –, âm nhạc cá nhân nhẹ nhàng dựa trên nhịp điệu của nước đã phiêu lưu trong cõi bao la của tư tưởng “cùng với” biển, để từ đó rút ra cách mà biển giúp chính chúng ta nghĩ về chúng ta. Bà cho chúng ta vài chìa khóa, như những cái “phao”, để luồn vào trong hành lý của bà hầu khỏi phải cạn kiệt nguồn lực trên bãi biển mùa hè này.
Le Point: Tại sao biển lại mê hoặc chúng ta đến thế?
Laurence Devillairs: Biển là biên giới cuối cùng, là miền hoang dã cuối cùng, nơi xa lạ. Và tôi bênh vực cho nó mãi được như vậy. Chúng ta cần có bên mình một sự tuyệt đối khác là biển, một tuyệt đối lớn nhất, chưa được thuần hóa. Tôi nghĩ đó là một nhu cầu cốt tử.
“Hoang dã” nghĩa là gì, vào năm 2023?
Là cái mà tôi không có quyền sử dụng. Ta đã cố gắng, và còn là cảm động vì ý chí này của con người, thuần dưỡng cái hoang dã bằng cách quy hoạch các bãi biển. Thật cảm động, sự ngây thơ này, sự thiếu khiêm tốn này của con người. Bởi vì biển, khi nó muốn, có khi chỉ cần một con sóng có thể xóa sạch không còn gì nữa của chúng ta.
“Biển không phải là một nền trang trí đẹp, không phải là giấy hoa”
Biển có thể giúp chúng ta như thế nào?
Ngày nay người ta nói nhiều về “gặp lại chính mình”, “thích nghi với chính mình”, là “sống với hiện tại”. Nhưng hướng đến điều lớn hơn chính mình, đó là một xu hướng cơ bản của con người. Con người mang thêm trong mình một xu hướng khác với chính mình. Thế thì về phần tôi, tôi rất muốn trốn khỏi tôi để tìm điều lớn hơn tôi, hơn là “gặp lại chính mình”… Tôi thấy xu hướng của con người hướng đến điều lớn hơn mình dường như quan trọng hơn mọi đòi hỏi về thích nghi với chính mình.
Bà giải thích “trải nghiệm thẩm mỹ” của biển như thế nào?
Biển mê hoặc ngay cả trong sự sợ hãi. Và sự sợ hãi này, sự mê hoặc này, theo tôi, đang tham gia vào điều lớn hơn chính mình. Và sự mê hoặc vì điều lớn hơn chính mình, chắc hẳn là một trong những định nghĩa tốt nhất của trải nghiệm thẩm mỹ. Trải nghiệm thẩm mỹ, điều đó không đẹp, nó không đến để làm điều tốt lành cho tôi hay để an ủi tôi. Biển không phải là một nền trang trí đẹp, không phải là giấy hoa. Đó là một điều gì đến gây bối rối, gây mất ổn định, và ở một mức độ nào đó nó còn gây lo lắng. Ta không ra biển mà không khỏi rùng mình. Cường độ của trải nghiệm thẩm mỹ, vốn có thể được trông thấy, sờ mó, cảm nhận và cuối cùng, trong chiều hướng cảm nhận, nó đem lại một điều gì đó bí ẩn, trí tuệ. Nhưng không phải là trí tuệ được chế tạo, mà chính là vẻ đẹp thu hút bạn.
Những triết gia chủ trương đi luôn luôn xuất hiện nhiều, còn các triết gia chủ trương bơi thì sao?
Tôi rất tôn trọng những người chủ trương đi, nhưng tôi thuộc về những người chủ trương bơi. Bởi vì đó là giải pháp duy nhất tôi có được, không cần máy móc công nghệ để thay đổi trạng thái. Đi là sải bước trên mặt đất, đi từ một nơi đến nơi khác. Khi ta bơi, ta không đi đến đâu cả. Trước hết, ta nằm ngang, ta lướt đi, là gần với bay hơn là đi nhiều. Ta hoàn toàn quên ta là những người đi trong biển. Trải nghiệm thay đổi trạng thái này tham gia vào sự khiêm nhường. Khi bạn nằm ngang giữa cái mặt phẳng vô tận này, bạn biết rằng bạn không chủ động được. Ta cảm nhận mối nguy của cái vô tận.
Bơi trong nước và dưới nước, đâu là sự khác biệt?
Dưới nước, là một thế giới khác. Điều đó thay đổi ngay chính thực trạng là con người. Trong biển, tôi hiểu rằng thiên nhiên chính là tôi. Đi, chính là “đi đến”, chinh phục, là động vật hai chân muốn thống trị trên đất liền. Trong khi đó bơi không phải là thống trị trên biển, mà là thích nghi với vận động của biển. Nếu ta đi ngược lại nó, ta kiệt sức. Bạn đã hiểu điều đó, biển, là vật lý, nếu không nói là siêu hình, và điều đó giải thích tại sao có nhiều triết gia đến thế đã viện dẫn đến ẩn dụ biển để nói rằng còn có cái cơ bản hơn trong thân phận con người.
Đã có trường hợp người đi biển là triết gia, nhưng ta không tìm thấy những triết gia đi biển. Bà giải thích điều này như thế nào?
Charles Baudelaire (1821-1867) |
Đúng vậy, nhưng là giảm nhẹ cho các triết gia, đi biển mà không tự bảo là ta sẽ chết là điều rất mới. Tôi cho bạn một ví dụ: Tại đảo Corse, thế hệ các người bà của tôi không muốn ở gần bờ biển. Giá không đắt – đó là cái người ta để lại cho con gái! Hơn nữa, tôi có một quan niệm rất rộng về triết học – triết học hay, không hiện hữu ở đại học – và Baudelaire đã giúp tôi rất nhiều để viết quyển sách này. Baudelaire, chính là xu hướng mà chúng ta, những người có thể làm điều tệ hại nhất, lại thắng thế. Đúng đó, Spleen et Idéal (tạm dịch “Chán đời và lý tưởng”). Và đối với tôi Baudelaire là một triết gia lớn về biển.
“Những chiếc thuyền máy biến biển thành cái không phải nó: nhựa đường”
Nhưng một câu hỏi thực tế, có phải người ta không “ra bãi biển”, mà là “ra biển”, như quyển sách của bà mời gọi?
Rủi ro khi đi ra bãi biển – lưu ý rằng bãi biển luôn luôn được “quy hoạch”, nghĩa là đã có bàn tay của con người tham gia vào – là quên rằng chúng ta chỉ là những khách mời trước biển. Người ta có thể sống qua một ngày hay cả mùa hè trên bãi biển mà không thấy biển. Ta nhìn con cái bơi lội, nhưng ta không thấy biển. Thấy biển, có nghĩa là im lặng. Bởi vì luôn luôn có điều gì đó diễn ra trong im lặng. Tôi không nói là suy tưởng, vì suy tưởng vẫn còn là làm một điều gì đó.
Tìm được sự im lặng ở biển, thật là phức tạp vào tháng bảy, tháng tám…
Vâng, thật khó vì có một sự ô nhiễm tiếng ồn trên các bãi biển mà người ta chưa nêu ra đủ. Khắp nơi ta tới đều có râm ran tiếng ồn, và đối với tôi, đó như là những mảnh giấy dơ hay tàn thuốc trong cát. Không kể đến các thuyền máy, chúng vốn biến đổi biển thành cái không phải nó: nhựa đường. Nếu bạn cần lái xe, hãy lấy xe và đi lên cao tốc. Để thấy biển, phải dừng mọi hoạt động, “một sự đua nhau hành động”, hãy dừng lại, hãy lắng nghe, và hãy thấy!
Nhìn thấy biển, điều đó đem lại sự tốt lành?
Và đó là bài học lớn của các triết gia Hy Lạp. Cái gì đẹp là hay, là tốt. Và sự thật nữa!
Bà còn tìm được cả sự thật ở biển?
Vâng, vì đời sống của chúng ta ngổn ngang những điều trái với sự thật, những ảo tưởng, những định kiến và những ý tưởng không phải của chúng ta. Chúng ta sống với những thông tin liên tục trong trí não, một loại đài bán dẫn thường trực. Với biển, ta loại bỏ được tất cả những gì không thật, tất cả những đồ giả và không bền. Tất cả những gì sẽ không cứu chúng ta một khi ở biển. Bạn biết đấy, hành trình trên biển là một bài học đẹp vì phải mang theo ít đồ đạc nhất. Ta không mang theo cái gì dư thừa hoặc chúng trở nên cồng kềnh. Cũng như vậy khi ta bơi. Thế thì cũng nên làm như vậy trong cuộc sống.
“Phần tôi, tôi ủng hộ sự chống lại năng suất toàn diện, sự tuyệt đối mất thì giờ”
Trừ khi trong cuộc sống, ta không thể luôn luôn dứt bỏ những gì gây phiền toái cho chúng ta!
Ta có thể bơi trong cuộc sống đồng thời chấp nhận đau khổ, phiền não. Bởi vì đó chính là cuộc sống. Không phải là điều tích cực bằng mọi giá, cũng có điều tiêu cực. Và về việc này, tôi thấy biển là một bài học đau đớn và vĩ đại, trong ý nghĩa là điều tiêu cực là cuộc sống. Không phải vì ta sẽ chuyển đổi hay chấm dứt sự tiêu cực, mà vì ta mang trong mình những sự chết chóc và muộn phiền và mặc dù vậy ta vẫn bơi cùng với chúng.
Có nên nhìn thấy ở biển một phương tiện “phát triển cá nhân”, để nói về một thể loại đang là thời thượng?
Đối với tôi, không phải là vấn đề “phát triển cá nhân” bởi vì tôi không có gì phải hoàn thiện cả, nhưng là một sự chấp nhận bản thân. Tôi thấy rất nguy hiểm khi nói tuyệt đối phải vươn lên mãi, cái quyết tâm biến đổi thường trực, phải sơn màu đen thành màu hồng. Bởi vì màu đen ở dưới vẫn còn đó! Tôi nghĩ điều đó gây thiệt hại cho danh dự con người. Tôi tin rằng chúng ta có khả năng xử lý những muộn phiền của chúng ta, xử lý những gì xảy đến cho chúng ta, cho dù chúng thường là tiêu cực.
Nghĩ gì về sự kết hợp biển và an sinh?
Đó là những mệnh lệnh thường trực về vệ sinh gọi là tâm thần, và theo tôi, đó là một dạng thanh giáo. Người ta nói với tôi điều tôi cần làm để được trong sạch, để hoàn thiện mình, để tìm lại mình. Mà tôi không cần tự hoàn thiện, cũng không tìm lại mình, không phát triển lên. Để làm gì? Tôi muốn được ngạc nhiên, được nổi nóng, bị bối rối, bị dằn vặt. Vì ta có cảm tưởng bị đối xử như một doanh nghiệp nhỏ mà ta dứt khoát không được làm phá sản, mà phải đem lại lợi nhuận, làm cho sinh lợi. Vậy có cần làm cho những kỳ nghỉ của chúng ta sinh lợi không? Luôn luôn làm quá tải hoạt động giải trí cũng như thời khóa biểu của chúng ta. Phần tôi, tôi ủng hộ sự chống lại năng suất toàn diện, sự tuyệt đối mất thì giờ. Duy chỉ có một điều quan trọng: sự an nhàn. Không làm gì cả. Trước biển, điều đó là khả dĩ.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “La mer, cet insondable qui nous secoue et nous bouleverse”, Le Point, 2.7.2023.