27.8.23

Những ý tưởng rộng rãi của Daniel Cohen

NHỮNG Ý TƯỞNG RỘNG RÃI CỦA DANIEL COHEN

Là một nhân vật cởi mở và khoan dung, nhà kinh tế Daniel Cohen đã đề cập những vấn đề lớn của thời đại bằng sự uyên bác và sư phạm có một không hai.

Nhà kinh tế Daniel Cohen trong một cuộc tranh luận tại Paris, ngày 31 tháng tám 2022. PHOTO: Bruno LEVY/CHALLENGES-REA

Christian Chavagneux

Tôi gặp Daniel Cohen lần đầu tiên vào giữa những năm 1990, khi đang công tác tại Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Ba điều nơi ông ấy làm tôi ấn tượng: một trí tuệ nổi bật, một năng lực thể hiện bằng ngôn từ rõ ràng những kết quả mới nhất trong các nghiên cứu chính sách kinh tế và một nhân cách khoan dung.

Do đó, khi trở thành nhà báo, tôi không phải mất nhiều thời gian để khẩn khoản mời ông cộng tác. Lúc bấy giờ ông đang nghiên cứu vấn đề nợ của những nước phương Nam – và sẽ làm việc cho ngân hàng Lazard trên vấn đề này, điều khiến ông lãnh đủ nhiều lời phê phán – và bài báo đầu tiên ông công bố trên tạp chí chúng tôi là về những giải thích khác nhau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1998. Vào lúc mà mạng Internet vừa mới khởi đầu, Daniel Cohen đã đọc các nghiên cứu sẵn có ở Hoa Kì, biết đến những dự báo kinh tế vĩ mô mới nhất của IMF, v.v..

Nhiều nghiên cứu của ông mang dấu ấn của sự rộng mở đối với công trình của những nhà kinh tế khác mà ông trích dẫn rất nhiều: ông cung cấp một tổng hợp những cuộc tranh luận trong nghề nghiệp ông về những vấn đề kinh tế lớn đương thời. Và không quên suy nghĩ về những hậu quả của các diễn biến của chủ nghĩa tư bản trên các nước phương Nam.

Và không phải là điều ngạc nhiên khi mối quan tâm này sẽ dẫn ông đến việc nghiên cứu toàn cầu hoá, cũng vẫn bằng sự hiểu biết tinh tế những cuộc tranh luận đang diễn ra trong thế giới các nhà kinh tế tây phương, đặc biệt là về những hiệu ứng của thương mại quốc tế trên việc làm.

Ông bổ sung kĩ năng sư phạm này bằng việc nghiên cứu những cách điều tiết tốt nhất cuộc toàn cầu hoá này. Trong mắt ông, toàn cầu hoá là một sự kiện xã hội tổng thể mà các nhà kinh tế không biết giải thích nhiều. Năm 2002, ông viết: “Có một tương quan chắc chắn giữa toàn cầu hoá, các định chế tư bản chủ nghĩa và tăng trưởng kinh tế - một điều không gây ngạc nhiên” nhưng “còn phải xác định các cơ chế và quan hệ nhân quả”.

Tăng trưởng và đình đốn kinh niên

Trong kinh tế chính trị học của Daniel Cohen, quả thật là có các tương quan lực lượng, điều mà các nhà kinh tế thống trị ít khi nói tới. Trong tạp chí Sciences Humaines năm 2007 ông tuyên bố: “các nước giàu đặt ra một vấn đề hiện sinh cho các quốc gia khác”. Và châu Âu cũng gặp phải vấn đề này:

Đối với các nước phương Nam, và cũng đối với châu Âu trong một chừng mực nhất định, thì bị Hoa kì tước đi sự sáng tạo những kiến thức mới, những công nghệ mới, tương ứng với việc bị loại ra khỏi lịch sử.

Robert J. Gordon (1940-)

Kể từ những năm 2010, khi các công trình của nhà kinh tế Mĩ Robert Gordon về những biến cố không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế nằm ở trung tâm của các cuộc tranh luận, Daniel Cohen đứng về phía những tác giả cho rằng một sự đình đốn kinh niên, tức là một thời kì dài không có tăng trưởng là điều có thể xảy ra. Điều này dẫn ông đến việc phát triển nhiều suy nghĩ lớn. Một trong số đó là sự tăng trưởng, vật tổ của các nhà kinh tế, bị ông đặt thành vấn đề ngay từ năm 2013: “phải chữa lành cơn nghiện tăng trưởng của chúng ta và thành công trong việc xây dựng một xã hội hài hoà mà không cần đến sự hỗ trợ của tăng trưởng”, ông viết như thế trên mặt báo này.

Sự thịnh vượng của các dân tộc nằm ở chỗ khác: “phải chăng về cơ bản gia tăng của các chi tiêu cho y tế, giáo dục và nghiên cứu là chính đáng?” và do câu trả lời là ‘vâng, đúng vậy’ nên “xã hội của chúng ta cần phải minh bạch về những nhu cầu xã hội của nó ngày nay, để kháng cự lại áp lực và doạ dẫm của những ai chỉ nhìn thấy ở các lĩnh vực phi hàng hoá này nguồn gốc của chi phí hay một sự lạm tiêu của cải”.

Daniel Cohen sẽ không là người ủng hộ Macron. Gia tăng của cải là công khai, trong khi chủ nghĩa tư bản chỉ quan niệm của cải dưới chế độ của sở hữu tư nhân là một mâu thuẫn không thể vượt qua. Nhà kinh tế nhấn mạnh rằng điều này đã được minh hoạ qua cơn đại dịch, thời điểm vinh quang của một chủ nghĩa tư bản kĩ thuật số vốn đã siết chặt sự thống trị của nó.

Mô hình khô khan

Các cuộc tranh luận cũng nuôi dưỡng việc ông đặt lại vấn đề homo economicus. Sự sung túc đáng lí phải làm cho con người kinh tế được hạnh phúc, điều đó hoàn toàn không xảy ra. Hơn nữa, trong tác phẩm Homo economicus, prophète (égaré) des temps nouveaux (Albin Michel, 2012) [tạm dịch: Homo economicus, nhà tiên tri (lạc lối) trong thời đại mới], Daniel Cohen viết: “Người đạo đức rời phòng khi homo economicus bước vào. Chắc chắn cả hai đều có vai trò của mình, nhưng ta không thể để họ ngồi chung bàn”. Một tầm nhìn quá kinh tế về con người nêu bật sự cần thiết của cạnh tranh trong khi cần phải quảng bá cho sự hợp tác.

Năm 2018, trong một cuộc phỏng vấn dài được công bố trên tạp chí Le Débat, ông quay trở lại với một khoa học kinh tế “bị giam hãm từ bên trong bởi một mô hình khô khan, bởi một mô hình khéo léo về mặt toán học nhưng nghèo nàn về mặt hệ chuẩn, mô hình của con người kinh tế hành động theo một tính duy lí thuần khiết”.

Và ông thông báo là, ngược với kì vọng, điều này chỉ có thể là bất lợi: “Kinh tế học sẽ rơi vào một thời kì có thể gọi là ngu dân. Mọi phát biểu “không có những cơ sở vi mô” đơn giản là bị trục xuất, không được công bố”. Nhưng, “do chính những điều thái quá, bạo lực trí thức của nó, cuộc cách mạng bảo thủ trong nội bộ lí thuyết cuối cùng bùng nổ và cho phép bộ môn kinh tế đổi mới”.

Daniel Kahneman (1934-)
Douglass North (1920-2015)

Sự đổi mới này diễn ra thông qua ba ngả: kinh tế học hành vi theo kiểu Daniel Kahneman hướng về tâm lí học, kinh tế học thể chế theo kiểu Douglass North mở ra về hướng sử học và khoa học chính trị tuy vẫn nằm trong cách tiếp cận thống trị, và cuối cùng là sự nở rộ của những cách tiếp cận thường nghiệm. Trích dẫn nhà kinh tế Mĩ Paul Romer, Daniel Cohen giải thích vì sao các nhà kinh tế nghĩ là có thể không cần đến lí thuyết.

Romer “giải thích rằng công nghiệp dược phẩm đã không cần đến lí thuyết do thực nghiệm là rẻ. Người ta thử mọi sự kết hợp có thể và thấy những kết hợp nào cho được kết quả. Điều tương tự cũng xảy ra với các nhà kinh tế”.

Dấn thân vào tranh luận công khai

Tuy phê phán kinh tế học thống trị, nhưng Daniel Cohen không vì thế mà tự nhận mình thuộc nhóm các chuyên gia phi chính thống. Ông thuộc nhóm các nhà kinh tế mà với tư cách công dân, con tim nghiêng về phiá tả, còn về mặt nghiệp vụ tuy được đào tạo trong trào lưu mainstream (dòng chủ đạo) họ vẫn phê phán nhưng cũng thoả hiệp với trào lưu này.

Christian Chavagneux

Ông không tin vào ảnh hưởng chính trị của các nhà kinh tế và theo ông họ chỉ được sử dụng một cách hậu nghiệm để hợp lí hoá và biện minh cho các quyết định chính trị. Những quyết định này khiến có người thắng kẻ thua, có phần được và không. Theo ông, “vai trò của các nhà kinh tế trong cộng đồng là phải làm rõ các cuộc tranh luận này, tính hai mặt của chúng để cho tranh luận công khai được soi sáng nhất, hơn là để công chúng tin là có một khoa học bên trên có thể giải quyết vấn đề”.

Đó là điều ông đã làm suốt sự nghiệp của mình, bận tâm đến việc dấn thân vào cuộc tranh luận công cộng với tính sư phạm. Daniel Cohen qua đời ngày 20.8.2023, thọ 70 tuổi.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: “Les idées larges de Daniel Cohen”, Alternatives économiques, 22.8.2023.

----

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF