28.3.24

Ngành công nghệ châu Âu đang tụt hậu so với Mỹ – nhưng điều đó mang lại cho lục địa này cơ hội viết ra luật chơi

NGÀNH CÔNG NGHỆ CHÂU ÂU ĐANG TỤT HẬU SO VỚI MỸ – NHƯNG ĐIỀU ĐÓ MANG LẠI CHO LỤC ĐỊA NÀY CƠ HỘI VIẾT RA LUẬT CHƠI

Renaud Foucart

Châu Âu đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu, xuất bản và cấp bằng sáng chế cho nhiều ý tưởng. Nhưng Châu Âu không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi thất bại trong việc chuyển giao các nỗ lực đổi mới sáng tạo cho các công ty công nghệ lớn, toàn cầu. Bảy công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ, Alphabet (Google), Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla, lớn hơn gấp 20 lần so với bảy công ty lớn nhất của Liên minh Châu Âu [EU], và tạo ra doanh thu cao hơn gấp 10 lần.

Điều đó không có nghĩa là châu Âu không có những câu chuyện thành công về công nghệ. Công ty dẫn đầu thế giới về phát nhạc trực tuyến là Spotify, một công ty Thụy Điển. Công ty ASML của Hà Lan sản xuất chip máy tính tiên tiến nhất thế giới, và nhà sản xuất dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk là công ty đang dẫn đầu thị trường thuốc giảm cân cực kỳ sinh lời.

Các công ty khởi nghiệp châu Âu cũng thực sự là một thương vụ kinh doanh tốt hơn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm so với các công ty khởi nghiệp Mỹ. Nhưng họ hiếm khi phát triển thành những công ty lớn toàn cầu. Lý do chính cho điều này là châu Âu có những quy định điều tiết nhiều hơn.

Nghiên cứu đã cho thấy người châu Âu kém lạc quan hơn người Mỹ về tính cơ động xã hội, muốn phân phối lại thu nhập nhiều hơn so với ở Hoa Kỳ, và có mối quan hệ thận trọng hơn trong việc sở hữu tài sản rủi ro. Điều này dẫn đến một số kết quả rất dễ đoán trước. Các chỉ số về môi trường, bất bình đẳng và tuổi thọ đều tốt hơn ở châu Âu, trong khi Hoa Kỳ chỉ tốt hơn về các chỉ số kinh tế thuần túy.

Đây không hẳn là tin xấu. Trong cuộc cạnh tranh để xác định các quy tắc của trò chơi công nghệ, việc kết hợp hệ sinh thái công nghệ khổng lồ của Hoa Kỳ với nỗi ám ảnh về các quy định điều tiết của châu Âu có thể là cơ hội tốt nhất để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền tự do ngôn luận, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trên toàn thế giới.

Châu Âu có cơ hội viết ra các quy tắc toàn cầu cho ngành công nghệ theo các giá trị riêng của họ. symbiot/Shutterstock

Dẫn đầu thế giới về sự điều tiết

Quá trình phê chuẩn các loại dược phẩm mới của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhanh hơn nhiều so với Cơ quan Y tế Châu Âu. Các công ty dược phẩm cũng được phép thu lợi nhuận nhiều hơn: giá dược phẩm ở Hoa Kỳ trung bình đắt hơn gấp ba lần so với các nước còn lại trong OECD.

Thế nên, việc các công ty dược phẩm phát triển sản phẩm của họ trước tiên ở Hoa Kỳ là điều hợp lý. Điều này cũng đúng nếu bạn muốn phát triển một loại thịt tổng hợp mới, một loại cây trồng biến đổi, hoặc một sản phẩm liên kết với Trí tuệ nhân tạo (AI).

Châu Âu có thể tăng trưởng nhanh hơn bằng cách thay đổi mô hình. Nhưng khi hỏi các nhà lãnh đạo châu Âu đã sẵn lòng nới lỏng chính xác một quy định nào, thì họ hoàn toàn im lặng hoặc không có phản ứng.

Nước Anh có lẽ là ví dụ minh họa hay nhất. Phần lớn dự án Brexit là nhằm đơn giản hóa các quy định của châu Âu vốn bị cho là quá mức. Tuy nhiên, Vương quốc Anh vẫn chưa thực hiện bất kỳ một thay đổi quy định lớn nào trong tám năm sau cuộc trưng cầu dân ý [về Brexit], và chính phủ cũng cho thấy họ không quan tâm đến việc thay đổi chính sách.

Ở Hoa Kỳ, đổi mới sáng tạo đi đôi với sự tập trung thị trường và thế mạnh thị trường. Khi các công ty có mức độ cao về thế mạnh thị trường, thì họ có thể sẽ có ít động lực để đổi mới hơn. Thế là họ cũng bắt đầu tìm cách đạt được thế mạnh chính trị.

Hoa Kỳ là quê hương của những gã công nghệ khổng lồ, trong đó có Alphabet, Amazon, Apple và Meta. Tada Images/Shutterstock

Đây là thời điểm rất quan trọng để Châu Âu thể hiện vai trò là một định chế điều tiết độc lập. Các công ty lớn nhất có xu hướng tuân thủ luật pháp EU, vì mong muốn duy trì sự tiếp cận với EU. Họ cũng có xu hướng cung cấp các sản phẩm giống nhau trên toàn thế giới, có nghĩa là các quy định của Châu Âu được áp dụng cho tất cả mọi người.

Các quy định của châu Âu có mục tiêu rõ ràng. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU, có hiệu lực vào tháng 3 năm 2024, thiết lập các quyền và quy tắc cho các nền tảng trực tuyến lớn – được gọi là “người gác cổng” như Google, Amazon hoặc Meta – để ngăn họ lạm dụng thế mạnh thị trường.

Châu Âu cũng đáng tin trong việc bảo vệ người tiêu dùng, công dân và tính minh bạch. Không ai có thể nghi ngờ sự thiên vị đối với các nhà quán quân công nghệ châu Âu, bởi vì chẳng có nhà quán quân nào cả. Ví dụ, châu Âu có thể đánh giá Tiktok dựa trên việc liệu nền tảng này có vi phạm các quy tắc về bảo vệ trẻ em hay không, chứ không dựa trên những lo ngại việc một công ty Trung Quốc đang chiếm lấy thị phần từ một công ty châu Âu.

Công nghệ và dân chủ

Có lẽ ví dụ điển hình nhất về lợi ích của cách điều tiết cũ của Châu Âu và của một nước Mỹ không bị ràng buộc là cuộc chạy đua hiện tại về AI. Hoa Kỳ được định vị là quốc gia dẫn đầu thị trường về công nghệ AI, vốn có thế mạnh về các sản phẩm và ứng dụng, như máy tạo hình ảnh, thiết bị hỗ trợ giọng nói và công cụ tìm kiếm. Khoảng một nửa số tiền đầu tư vào AI của thế giới hiện đang tập trung ở Hoa Kỳ.

Cùng lúc đó, châu Âu đã thực hiện nhiều bước đi để điều tiết. Ví dụ, Đạo luật về trí tuệ nhân tạo của EU xác định nhiều mức độ minh bạch khác nhau và sự kiểm tra các thuật toán tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm có thể tạo ra.

Châu Âu chắc chắn sẽ không giành được chiến thắng trong cuộc đua đổi mới sáng tạo toàn cầu về AI. Nhưng nó có cơ hội viết ra các quy tắc toàn cầu theo những giá trị riêng của nó. Điều này có nghĩa là nó có thể khiến các công ty phải chịu trách nhiệm về hành động của các công cụ AI của nó và mức độ minh bạch về các dữ liệu được sử dụng để tạo ra chúng. Điều đó cũng có nghĩa là nó có thể yêu cầu kiểm tra các thuật toán AI của một công ty.

Dịch vụ lưu trữ video ngắn TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance. Ascannio/Shutterstock

Nhưng để EU có thể viết ra các quy tắc mới về AI, các công ty phương Tây phải giành chiến thắng trong cuộc đua đổi mới sáng tạo. Đối thủ cạnh tranh chính là Trung Quốc, nơi các công ty được cấp quyền truy cập lớn vào các dữ liệu của chính phủ, bao gồm cả việc nhận dạng khuôn mặt. Chính phủ Trung Quốc có thể lựa chọn phần lớn các quán quân công nghệ, bằng cách quyết định công ty nào có quyền truy cập vào dữ liệu của họ.

Những lo ngại ở Trung Quốc đối với sự điều tiết có thể không khác xa hơn những lo ngại ở châu Âu. Trung Quốc không quan tâm đến việc cải thiện tính minh bạch và cạnh tranh chính trị công bằng – họ muốn sử dụng dữ liệu để thúc đẩy các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời đưa vào nề nếp và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.

Khác xa với cuộc cạnh tranh giữa châu Âu với Hoa Kỳ để giành ưu thế về công nghệ, các nền dân chủ phương Tây nên xem xét các cách tiếp cận khác nhau như là cơ hội duy nhất để phát huy các giá trị chung. Trong bối cảnh đó, việc thiếu các nhà lãnh đạo công ty công nghệ lớn toàn cầu châu Âu thực sự có thể là một điều may mắn.

Tác giả

Renaud Foucart

Giảng viên cao cấp về Kinh tế, Trường Quản trị Đại học Lancaster, Đại học Lancaster

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Europe’s tech industry is lagging behind the US – but it gives the continent a chance to write the rules of the game, The Conversation, ngày 5 tháng 3 năm 2024.

----

Bài có liên quan: Cuộc chiến của các đế chế kỹ thuật số, trò chuyện với Anu Bradford

Print Friendly and PDF