6.3.24

Châu Âu và phương Nam: điểm hội tụ mới? Cuộc trò chuyện với Josep Borell, Gabriella Ramos, Rémy Rioux, Ghassan Salamé, Nathalie Tocci và Laurence Tubiana

CHÂU ÂU VÀ PHƯƠNG NAM: ĐIỂM HỘI TỤ MỚI? CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI JOSEP BORRELL, GABRIELA RAMOS, RÉMY RIOUX, GHASSAN SALAMÉ, NATHALIE TOCCI VÀ LAURENCE TUBIANA

Trong một đám cháy lớn trải dài từ Ukraine đến Biển Đỏ, các cuộc chiến tranh năm 2023 đã tái triển khai mối quan hệ giữa các khối mà chúng ta cho rằng đã được thiết lập một cách chắc chắn. Bên bờ vực của một thế giới bị xáo trộn, nơi các liên minh truyền thống nổ tung và các liên minh mới đang vất vả xuất hiện, làm sao chúng ta thể hội tụ mà không hề có ý muốn chuyển hóa? Một đoạn trích mới các cuộc thảo luận cấp cao của phiên bản đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh của tạp chí Le Grand Continent.

Các tác giả: Josep Borrell[1], Gabriela Ramos[2], Rémy Rioux[3], Ghassan Salamé[4], Nathalie Tocci[5]Laurence Tubiana[6]

Cuộc trò chuyện này là bản ghi lại của bàn tròn “Châu Âu và Phương Nam: Xây dựng một sự hội tụ mới”, do Laurence Tubiana điều hành, quy tụ Josep Borrell, Gabriela Ramos, Rémy Rioux, Ghassan Salamé và Nathalie Tocci trong phiên bản đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh của tạp chí Le Grand Continent, ở Thung lũng Aosta, từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 12 năm 2023. Tuần này, chúng tôi công bố kỷ yếu của Hội nghị thượng đỉnh cũng như video về các phiên họp công khai.

Hội nghị thượng đỉnh của tạp chí Le Grand Continent - Châu Âu và Phương Nam Toàn Cầu (vào đây để xem video)

LAURENCE TUBIANA

Có nhiều cuộc thảo luận xung quanh sự tồn tại của “Phương Nam Toàn Cầu”. Có một nhóm đồng nhất không? Có một Phương Tây hay một châu Âu không? Có một Phương Nam không? Thuật ngữ Phương Nam Toàn Cầu đang bị tranh cãi, nhưng có vẻ như nó bị tranh cãi ở phía chúng ta hơn là về phía họ - bất chấp tất nhiên sự thiếu thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh BRICS và sự đa dạng về quan điểm, đặc biệt là về việc từ bỏ sự chuyển dịch dần dần khỏi nhiên liệu hóa thạch, mà chúng ta đã quan sát thấy ở Dubai… Làm thế nào chúng ta có thể tiếp thu thực tế mới này?

JOSEP BORRELL

Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Và điều này tất nhiên tác động trở lại trên cái được gọi là “Phương Nam Toàn Cầu”. Sự xâm lược của Nga đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Vấn đề không phải là liệu Nga có thắng cuộc chiến hay không; vấn đề mấu chốt là liệu bạn có muốn Nga giành chiến thắng hay không. Ở Trung Đông, cuộc chiến ở Gaza đang khiến lưu lượng hàng hải từ khu vực này giảm 80%. Tất cả những sự kiện này đều được kết nối với Phương Nam Toàn Cầu. Nhất thiết phải thiết lập một lệnh tạm dừng nhân đạo lâu dài và khả thi. Chúng ta phải ngăn chặn sự sụp đổ của nền thương mại quốc tế.

Cá nhân tôi không thực sự thích thuật ngữ “Phương Nam Toàn Cầu” vì nó bao gồm một nhóm đa dạng các quốc gia có cơ cấu và lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã chấp nhận nó. Ví dụ, Ả Rập Saudi tự coi mình là một bộ phận của nó. Sự đa dạng này ở Phương Nam Toàn Cầu nổi lên để đáp lại những gì chúng ta, Liên Minh Châu Âu, biểu thị. Khảo sát các con số, chúng ta thấy rằng vào năm 1960, chúng ta chiếm 12% dân số thế giới, trong khi ngày nay chúng ta chỉ chiếm 5,5%. Tỷ trọng của chúng ta trong GDP toàn cầu cũng đã giảm, từ 28% xuống còn 17%. Mặc dù vậy, tính theo đầu người, chúng ta vẫn giàu hơn mức trung bình của thế giới.

Tiếc rằng, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại mặc dù số lượng người nghèo đã giảm. Chính trong bối cảnh này mà Phương Nam Toàn Cầu tự nhận mình là một quyền lực chính trị. Mối quan hệ của chúng ta với Phương Nam Toàn Cầu đã căng thẳng từ trước ngày 7 tháng 10, nhưng kể từ đó, chúng càng trở nên xấu đi. Một tiêu chuẩn kép đã trở thành nổi bật, khẳng định rằng phản ứng đối với Ukraine khác với phản ứng đối với tình hình ở Gaza. Việc Nga xâm lược Ukraine đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc vì Nga tấn công một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, trong khi mọi người đều đồng ý rằng việc xâm lược một nước láng giềng là không thể chấp nhận được, thì sự không nhất quán được nhận thấy trong các phản ứng đã làm dấy lên nỗi lo ngại.

Tuy nhiên, khi nói đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, việc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc chỉ dừng lại ở cấp độ hình thức. Phương Nam Toàn Cầu khẳng định rằng chiến tranh phải kết thúc càng nhanh càng tốt vì chi phí quá mức và biện hộ cho việc chấm dứt nó. Nhưng thật khó để kết thúc một cuộc chiến một cách đột ngột. Một giải pháp có thể chấm dứt được chiến tranh ở Ukraine là rút lại sự hỗ trợ của chúng ta - điều này sẽ khiến Ukraine không thể tiếp tục chiến đấu. Chúng ta có muốn chiến tranh kết thúc theo cách này không? Không, chúng ta không muốn điều đó.

Một giải pháp có thể chấm dứt được chiến tranh ở Ukraine là rút lại sự hỗ trợ của chúng ta - điều này sẽ khiến Ukraine không thể tiếp tục chiến đấu. Chúng ta có muốn chiến tranh kết thúc theo cách này không? Không, chúng ta không muốn điều đó.

JOSEP BORRELL

Bất chấp lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh từ Phương Nam Toàn Cầu, sự phức tạp trong mối quan hệ của chúng ta với Phương Nam Toàn Cầu vẫn tồn tại vì nhiều lý do. Hai điều đặc biệt rõ ràng trong sự tương tác hàng ngày của chúng ta. Đầu tiên là sự quản lý đại dịch Covid-19 và sự phân phối vắc xin. Mặc dù phản ứng nội bộ của chúng ta là tích cực nhưng nhận thức chung về sự phân phối vắc xin của chúng ta lại không mấy thuận lợi. Có cảm giác rằng chúng ta chưa giúp đỡ đủ các nước ở Phương Nam khi họ cần vắc xin. Mặc dù Châu Âu đã xuất khẩu một lượng vắc xin đáng kể nhưng có nhận thức cho rằng Trung Quốc và Nga đã làm được nhiều hơn. Nhận thức này dựa trên một số số liệu thống kê cho thấy chúng ta đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 100%, trong khi nhiều nước Phương Nam còn tụt lại sau. Và tình hình vẫn không thay đổi.

Thứ hai, biến đổi khí hậu là một vấn đề gây tranh cãi khác. Các nước ở Phương Nam cho biết họ không góp phần đáng kể vào vấn đề này, trong đó Châu Phi chỉ chiếm 3% lượng khí thải toàn cầu và Châu Mỹ Latinh cũng chiếm một tỷ lệ nhỏ. Ngược lại, chúng ta chịu trách nhiệm về 20 đến 25% lượng khí thải. Các nước Phương Nam cũng cảm thấy gánh nặng của chi phí cao hơn do không có khả năng tự bảo vệ mình trước biến đổi khí hậu.

Di dân là một lĩnh vực đáng quan tâm khác - những người thường di chuyển từ Nam ra Bắc. Chính sách di dân của chúng ta, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, được coi là quá hạn chế. Ngoài ra, các chính sách khai thác của chúng ta, thể hiện rõ trong nền kinh tế kỹ thuật số thông qua các khoáng sản như lithium, gây lo ngại. Các chính sách khai thác này làm nổi bật sự cần thiết phải tránh lặp lại những sai lầm mà chúng ta đã mắc phải với những kim loại hiếm trong việc quản lý tài nguyên. Hiện tượng giảm rủi ro/derisking và tách rời/decoupling có tác động đáng kể đến nhiều nền kinh tế.

Các logic chống chủ nghĩa thực dân và chống đế quốc cũ vẫn còn rất mạnh, đặc biệt là ở châu Mỹ Latinh, nơi chủ nghĩa chống chủ nghĩa đế quốc vẫn còn rất sâu sắc/phổ biến. Một số quốc gia tránh đứng về phía chúng ta trong cuộc xung đột Ukraine vì họ sợ bị coi là liên kết với Hoa Kỳ và đứng về phía chúng ta có nghĩa là chống lại Nga. Nhiều quốc gia từ chối tuân theo logic này. Ở Châu Phi, sự trở lại của chủ nghĩa chống thực dân cũng ảnh hưởng đến quan điểm của một số quốc gia mà, do lịch sử, sẽ không bao giờ bỏ phiếu chống lại Nga, bất luận bối cảnh nào. Ai đã hỗ trợ họ trong cuộc chiến giành độc lập? Ai đã giúp họ đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc? Liên Xô.

Diễn biến mới của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine - cuộc tấn công của Hamas và phản ứng của Israel - đã củng cố cảm giác rằng các phản ứng không được xử lí một cách công bằng. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc, nơi 156 quốc gia đã kêu gọi ngừng bắn ở Gaza nhưng Liên Minh Châu Âu lại đã thất bại, hoặc không mong muốn áp dụng một quan điểm chung ủng hộ lệnh ngừng bắn.

Hiện nay, Liên Minh đang kêu gọi Israel tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ mạng sống của dân thường, nhưng những yêu cầu này dường như chỉ là sự đáp lại mang tính phản ứng hơn là lập trường phòng ngừa.

Diễn biến mới của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine - cuộc tấn công của Hamas và phản ứng của Israel - đã củng cố cảm giác rằng các phản ứng không được xử lí một cách công bằng.

JOSEP BORRELL

Cuối tuần qua [16-17 tháng 12 năm 2023], ngoại trưởng Anh, Đức và Pháp bày tỏ sự quan ngại về số thương vong cao ở Gaza. Điều mấu chốt là phải đặt câu hỏi về lý do gây ra những tổn thất nhân mạng quá lớn này. Ý nghĩa chính xác của cái “quá nhiều” cần phải được xác định và cần thiết lập một tiêu chuẩn quy chiếu.

Câu hỏi này làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi, đặc biệt từ góc độ của cái gọi là “Phương Nam Toàn Cầu”, nơi các lập trường không cố định và thay đổi tùy theo lợi ích ở từng thời điểm. Các liên minh luôn biến động và việc đưa ra các lập trường rõ ràng là không triệt để: do đó, thực tế có vẻ mang nhiều sắc thái và phức tạp hơn so với sự phân đôi đơn giản giữa việc ủng hộ hay chống lại chúng ta, tùy thuộc vào hoàn cảnh thay đổi.

Gabriela Ramos, khi quan sát một tổ chức đa phương như UNESCO, bà giải thích sự đối kháng này như thế nào? Đây có phải là một động năng có cấu tc hay đúng hơn là tùy cơ ứng biến? Bà sẽ phản ứng thế nào trước tình huống này, cuộc khủng hoảng này?

GABRIELA RAMOS

Tôi thực sự vui mừng được chia sẻ cuộc thảo luận này với các bạn. Josep Borrell đã trình bày một phân tích đặc biệt chính xác về thực tế mà chúng tôi trải qua tại UNESCO. Chủ đề trung tâm của nhóm hội thảo này liên quan đến sự hội tụ giữa Phương Nam và Châu Âu. Tuy nhiên, điều đang xảy ra là mặc dù Châu Âu là vùng đóng góp chính cho các tổ chức như UNESCO, đồng thời là vùng cung cấp hợp tác phát triển chính trong nhiều lĩnh vực, nhưng đóng góp này không phải lúc nào cũng được cảm nhận là như vậy. Những diễn biến gần đây, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine, đã khiến Châu Âu ngày càng rời xa Phương Nam Toàn Cầu. Bạn đã chỉ ra điều này và tôi chia sẻ nhận xét này: điều này thường tạo ra những cáo buộc về “tiêu chuẩn kép”.

Đối mặt với lập trường mà chúng ta bảo vệ một cách mạnh mẽ và thống nhất liên quan đến Ukraine – đó là quan điểm duy nhất thể có – có những nước khác có thể lập luận rằng điều này không thể áp dụng theo cách tương tự đối với Trung Đông. Vấn đề chủ nghĩa thực dân đã tạo nên một sắc thái trong nhận thức. Theo tôi, lập luận “không phải là điều giống nhau” phải được trình bày lại trong các cuộc thảo luận với các nước Phương Nam. Bạn đã nêu lên vấn đề về các yếu tố tương phản với Phương Nam Toàn Cầu. Là một người Mexico, tôi tự hỏi mình phải tự định vị ở đâu trong cuộc thảo luận này. Không thể phủ nhận rằng một số hình ảnh đã gây sốc cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển: chẳng hạn, những hình ảnh về người Ukraine di cư tương phản với những hình ảnh của những người đến từ Châu Phi bị bắt, minh họa cho lòng quảng đại dường như chỉ áp dụng cho người Ukraine. Điều này gây ra nỗi đau thực sự.

Nguồn tài chính khổng lồ cho chiến tranh cũng gây ra nhiều lo ngại. Việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là 100 tỷ USD cho khí hậu, luôn mang ý nghĩa biểu tượng. Tôi biết điều này vì đã cộng tác với Rémy Rioux để chứng minh rằng tiền luôn sẵn có. Tuy nhiên, cảm giác vẫn tồn tại rằng không có một cam kết mạnh mẽ nào. Hơn nữa, Phương Nam Toàn Cầu che giấu những tình huống trái nhau: vả lại, nếu chúng ta đặt câu hỏi về các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Ấn Độ, chúng ta có thể hỏi họ tại sao họ không hợp tác chặt chẽ hơn. Suy cho cùng, họ cũng triển khai các nỗ lực phát triển trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam của chính mình. Do đó, vấn đề đặt ra là tại sao họ không hợp tác nhiều hơn với Châu Âu. Một số nước cho rằng thế giới về cơ bản đã thay đổi và Châu Âu không đóng góp hiệu quả vào việc cải cách sự cai quản các thể chế đa phương. Tôi đã làm việc ở G20 cách đây mười năm với tư cách là một cố vấn/Sherpa, và mặc dù G20 đã đưa ra quyết định thay đổi quyền biểu quyết của một số thành viên trong các tổ chức tài chính quốc tế nhưng quyết định này đã không được thực hiện. Đây là một vấn đề đáng để xem xét.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, theo quan điểm của tôi, cam kết của Châu Âu - của cả các quốc gia thành viên khác nhau của Liên Minh và của Ủy Ban Châu Âu - đối với việc thúc đẩy các mục tiêu và phương pháp của UNESCO mang lại cơ hội cải thiện sự trao đổi với các nước này. Điều chủ yếu là tạo ra cảm tưởng đối thoại giữa những người bình đẳng hơn là kéo dài một cuộc đối thoại trong đó một bên tự đặt mình ở một vị trí cao hơn. Hiện tại, Châu Âu có lẽ vẫn là khu vực trên thế giới dựa nhiều nhất vào các giá trị, đặc biệt là về hợp tác phát triển, trong khi các nước khác hài lòng với hợp tác phát triển không được kèm theo với một giá trị gia tăng. Do đó, Châu Âu sẽ có lợi nếu hướng tới sự thiết lập mối quan hệ công bằng hơn và sự tham gia đàm phán trên cơ sở bình đẳng.

Điều chủ yếu là tạo ra cảm tưởng đối thoại giữa những người bình đẳng hơn là kéo dài một cuộc đối thoại trong đó một bên tự đặt mình ở một vị trí cao hơn.

GABRIELA RAMOS

Tôi nghĩ điều này sẽ thúc đẩy những sự tiến bộ đáng kể. Như bà đã chỉ ra, Laurence, ý tưởng xác định những lĩnh vực đặc thù cho các khu vực khác nhau là xác đáng. Các nền kinh tế mới nổi có bản chất khác biệt và sự hợp tác của chúng ta với G20 Brazil minh họa rõ ràng sự nổi lên của nước này như một điểm đến không thể bỏ qua. Nhất thiết phải rời xa những người cựu trào và nhận ra rằng chúng ta, những nền kinh tế mới nổi, đang định hình câu chuyện mới về nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Điều này thể hiện rõ ở Ấn Độ - nơi tôi đã đến thăm vào tuần trước. Điều đáng chú ý là các cuộc thảo luận của họ đều hướng nội, tới những hành động mà Ấn Độ và Trung Quốc nên thực hiện, thay vì tập trung vào Châu Âu hay Liên Minh.

Một nhận xét cuối cùng: tôi cảm thấy lo ngại rằng, nhìn chung, hợp tác phát triển và tác động của nó đối với sự phát triển hầu như không thay đổi. Tình trạng hiện tại của Châu Phi, như tờ Financial Times chỉ ra, rất ấn tượng vì sự thiếu tăng trưởng ở lục địa này gây ra một vấn đề lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Và vấn đề này vẫn tiếp diễn. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu đối với Châu Âu trong việc phát triển một phương thức tăng trưởng và phát triển kinh tế mới bằng cách hướng nỗ lực của mình vào các lĩnh vực sáng tạo hơn. Sự hợp tác của chúng ta với tờ Grand Continent trong khuôn khổ chương trình của UNESCO, mang tên “MOST”, chủ yếu nhằm mục đích suy nghĩ lại các mô hình tăng trưởng. Đối với tôi, thật vậy điều thực sự cần thiết là phải đánh giá lại các mô hình tăng trưởng này và xác định xem có thể thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nước đang phát triển ở mức độ nào, đồng thời tiếp cận các nền kinh tế mới nổi thông qua một cuộc đối thoại đặc thù. Trong khi thừa nhận sự hợp tác hiện tại với Châu Âu, tôi cho rằng Châu Âu thường đánh giá thấp những lợi thế mà cuộc đối thoại đặc thù này mang lại.

Nathalie Tocci, bà đã mô tả rất hay về cuộc khủng hoảng chính trị này và cách rất đáng tiếc mà chúng ta phản ứng. Bà nghĩ gì về kiểu tiếp cận được phân đoạn do Josep Borrell đề xuất và cũng được Gabriela Ramos đề cập? Cuối cùng, liệu chúng ta có thể có một cách tiếp cận và thái độ khác để đẩy mạnh lên lại sự hợp tác và giành lại một ít niềm tin?

NATHALIE TOCCI

Tôi xin phép được bắt đầu từ điểm mà Gabriela cũng đã đặt cuộc thảo luận. Hiểu theo một nghĩa nào đó, tiêu đề của hội thảo này là cực kỳ lạc quan - tập trung vào việc xây dựng một sự hội tụ mới. Tôi nghĩ tiêu đề này có lẽ là thích đáng nếu chúng ta có cuộc trò chuyện này sáu tháng trước. Lúc đó chúng ta đã ở đâu? Chúng ta đang ở thời điểm mà, với sự kiện ngày 24 tháng 2 gần hai năm trước, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng mình đang phải đối mặt với một vấn đề. Đây là một vấn đề mà chúng ta đã không thực sự hiểu được lúc ban đầu. Trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chúng ta vô cùng hài lòng khi dẫn đầu với một đa số hơn 140 quốc gia. Sau đó, tất nhiên, chúng ta bắt đầu xem xét kỹ hơn và chúng ta thấy rằng những người bỏ phiếu trắng - và đặc biệt là những người bỏ phiếu trắng, chứ không phải những người bỏ phiếu chống - đại diện cho đa số dân số trên thế giới.

Sau đó, chúng ta bắt đầu kêu gọi một số người nhất định như Josep, người đã dành nhiều thời gian của mình để xây dựng cách tiếp cận ngoại giao chú ý hơn đến cảm xúc và các mối quan tâm, đồng thời cố gắng tưởng tượng ra cách xây dựng lại mối quan hệ của chúng ta trên một cơ sở khác. Một số nước Châu Âu đã bổ nhiệm các đại sứ có nhiệm vụ đặc biệt là nâng cao sự quan tâm của các quốc gia Phương Nam. Đồng thời, cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc với các bộ và thủ đô để phát triển các ưu đãi hấp dẫn hơn cho các vùng khác nhau này. Chúng ta hiểu rằng điều cốt yếu là phải đề xuất nhiều thỏa thuận giao dịch hơn, hiểu rõ nhu cầu của các quốc gia này mà không ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản của chúng ta.

Vấn đề là phải tìm ra cách dung hòa các nguyên tắc và chủ nghĩa thực dụng. Cho đến vài tháng trước, chúng ta đã đi đúng hướng. Nhưng cuộc trò chuyện này đang diễn ra ngày hôm nay và hoàn toàn khác với cuộc trò chuyện mà chúng ta đã có thể cách đây một thời gian. Và điều đó tất nhiên là do cuộc chiến ở Trung Đông. Điều mấu chốt là phải hiểu đầy đủ những gì cuộc chiến này bao hàm và nó liên quan như thế nào đến nhiều vấn đề mang tính quyết định đối với sự hội tụ mới này với Phương Nam.

Vấn đề là phải tìm ra cách dung hòa các nguyên tắc và chủ nghĩa thực dụng. Cho đến vài tháng trước, chúng tôi đã đi đúng hướng.

NATHALIE TOCCI

Cuộc chiến hiện nay đã bộc lộ những khía cạnh mà chúng ta nghĩ rằng đã xử lý tốt trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Ngày nay chúng ta thấy một sự chia rẽ mới, ngay cả khi chúng ta đã y dựng thành công sự thống nhất xung quanh vấn đề Ukraine. Một số người dự đoán sẽ có sự chia tách ở Châu Âu giữa một phe ủng hộ hòa bình và một phe khác ủng hộ công lý vài tháng sau khi cuộc xung đột bắt đầu, nhưng sự chia rẽ này vẫn chưa hình thành.

Do đó, chúng ta đã hài lòng với hành động của mình. Ở Trung Đông, vấn đề lịch sử trong chính sách đối ngoại Châu Âu, cụ thể là sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên, đã bị tái khẳng định một cách đáng tiếc. Hơn nữa, sự cam kết của chúng ta trong khu vực còn hạn chế. Chúng ta không trực tiếp tham gia vào các sự kiện ở Trung Đông. Thành thật mà nói, Châu Âu luôn có vai trò thứ yếu so với Hoa Kỳ trong khu vực này. Điều này không mới. Đã có lúc Hoa Kỳ đóng vai trò quyết định ở Trung Đông, hành động một cách nhất quán và chúng ta đã điều chỉnh chính sách của mình để hỗ trợ các sáng kiến ​​của Hoa Kỳ. Hiện nay, Mỹ vẫn là cường quốc thiết yếu nhưng dường như không có khả năng thực hiện các cam kết của mình. Như vậy, chúng ta bằng lòng đi theo một cường quốc thế giới khác không còn khả năng giữ lời hứa nữa.

Cùng Ghassan Salamé, một tuần trước, chúng tôi đã ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Điều đáng ngạc nhiên đối với cả hai chúng tôi là các cuộc thảo luận ngay lập tức xoay quanh Hoa Kỳ, ngay cả trước khi có ai đó đề cập đến Châu Âu. UAE đã đề cập đến Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng như đến các nước khác trong khu vực, nhưng chúng tôi dường như hoàn toàn vắng bóng trong mối quan ngại của họ.

Thứ ba, và điều này có liên quan chặt chẽ với các quan điểm mà Josep và Gabriela nêu ra, giờ đây vấn đề về sự tin cậy được đặt ra. Nó chắc chắn sẽ dẫn đến vấn đề “tiêu chuẩn kép không công bằng”. Tôi nghĩ những gì chúng ta đã nhận thức được trong nhiều bối cảnh khác được phản ánh rõ ràng trong tình hình ở Trung Đông.

Nếu tình hình chỉ giới hạn ở Palestine, điều này rõ ràng sẽ gây ra nhiều vấn đề, mặc dù ít nghiêm trọng hơn. Điều làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn chính là tiêu chuẩn kép này và cách tiếp cận của chúng ta - được coi là vô cùng bất công - chủ yếu đã trở thành sự biện minh cho tất cả các hình thức bất công khác, cho dù là việc tích trữ vắc xin, dự trữ khí đốt, bất công về khí hậu hay chủ nghĩa thực dân. Cách vấn đề này tượng trưng cho những bất công mà chúng ta được cho là đã phạm phải trong nhiều thập kỷ khiến nó trở thành một vấn đề không thể tránh khỏi. Cho đến khi chúng ta chưa đề cập nó và bắt đầu làm điều này, vấn đề này sẽ vẫn tồn tại khắp nơi.

Tôi xin nói thêm rằng việc thiếu cân nhắc đến vấn đề này thậm chí còn cản trở khả năng của chúng ta trong việc tái lập cuộc trò chuyện mà lẽ ra chúng ta đã có cách đây vài tháng về cách xây dựng một sự hội tụ mới với Phương Nam Toàn Cầu.

Giờ đây vấn đề về sự tin cậy được đặt ra. Nó chắc chắn sẽ dẫn đến vấn đề “tiêu chuẩn kép không công bằng”.

NATHALIE TOCCI

Rémy Rioux, ở ngay trung tâm của hoạt động tại Cơ Quan Phát triển Pháp/AFD, Anh chắc chắn ở trung tâm của sự động năng này. Anh cảm thấy thế nào về điều này và đâu là phương tiện hoặc con đường để khởi xướng cuộc đối thoại?

RÉMY RIOUX

Trước hết xin chào mọi người. Tôi rất vui được có mặt ở đây và muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tạp chí Le Grand Continent: thật may mắn khi chúng ta đề cập vấn đề Phương Nam Toàn Cầu nhân dịp một hội nghị thượng đỉnh dành cho các vấn đề của Châu Âu. Đúng vậy: sáu tháng trước có lẽ chúng ta đã không có một cuộc thảo luận như vậy. Nhưng đó là một sự phát triển tích cực.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một sự lệch lạc về nhận thức mà tôi đã trải qua kể từ khi trở thành tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp/AFD vào năm 2016, và thậm chí kể từ Thỏa thuận Paris mà một số người trong chúng ta có mặt hôm nay đã tham gia: liên quan đến mối quan hệ với Phương Nam Toàn Cầu, tôi hoàn toàn không có trải nghiệm giống như trải nghiệm của các bạn. Với tư cách là giám đốc của AFD, một cơ quan hoạt động tại 150 quốc gia trên thế giới, tôi có thể nói với các bạn rằng chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với các quốc gia này. Nhận xét này không chỉ áp dụng cho AFD mà còn cho tất cả các cơ quan phát triển của Châu Âu. Về phần mình, tôi tin tưởng vào khả năng của Châu Âu trong việc đặt mình bên cạnh các nước khác, tích hợp khoa học xã hội và nhân học vào cách tiếp cận của chúng ta, cũng như tìm cách hiểu người khác. Ở Sahel, AFD không gặp phải bất kỳ vấn đề lớn nào. Với tư cách là một ngân hàng phát triển công, chúng tôi đã khởi xướng một loại hình ngân hàng phát triển công quốc tế cách đây bốn năm và thậm chí hơn mười năm trước.

Sáng kiến ​​này không chỉ bao gồm các cơ quan phát triển mà còn bao gồm các tổ chức như KfW ở Đức, ICO ở Tây Ban Nha, Cassa Depositi e Prestiti ở Ý, Caisse des Dépôts ở Pháp, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, BNDES ở Brazil và nhiều cơ quan khác. Tổng cộng, có 530 tổ chức tài chính công đại diện cho 2,5 nghìn tỷ USD, tương đương 15% đầu tư công toàn cầu. Mặc dù một số người sử dụng cụm từ “từ nghìn tỷ đến triệu tỷ” nhưng cá nhân tôi không thích nó, bởi vì chúng ta cần hàng nghìn tỷ cho những người dễ bị tổn thương nhất, nhưng cũng cần hàng triệu tỷ để chuyển đổi hệ thống tài chính.

Các thực thể này có thể ngay lập tức hướng khoản đầu tư của họ vào các hoạt động bền vững hơn nếu các cổ đông quyết định làm như vậy. Trong tám năm qua, tôi đã có cơ hội gặp gỡ CEO của các ngân hàng này và tôi chưa bao giờ gặp một người nào mà tôi không đồng tình. Không ai trong số họ phản đối cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tất cả đều thừa nhận các vấn đề bất bình đẳng toàn cầu, đặc biệt là ở chính quốc gia của họ. Tất cả đều ủng hộ hành động quốc tế. Tóm lại, tôi chưa bao giờ gặp một nhà lãnh đạo nào của các tổ chức này không chia sẻ những mối quan tâm này.

Cuối cùng, tôi muốn nói thêm rằng kinh nghiệm sâu rộng về chính sách khí hậu đã được tích lũy trong nội bộ các tổ chức này. Trên thực tế, chúng tôi từng là trong số những tổ chức đầu tiên tài trợ cho các dự án nhằm tìm hiểu cách giảm lượng khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Gần đây tôi đã trở về từ Dubai - nơi mà tôi đã đến, tôi phải nói rằng ban đầu không có chút nhiệt tình thực sự nào. Vậy mà, cuối cùng thì mọi việc cũng diễn ra tốt đẹp: có gần 100.000 người, nhiều hơn cả một cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các cuộc thảo luận tập trung vào y tế, giao thông, tài chính và thậm chí cả trao đổi con tin, nếu tôi hiểu chính xác, giữa Armenia và Azerbaijan. Dubai (COP 28) có lẽ đã trở thành diễn đàn tham khảo đa phương chính, ít nhất là quan trọng nhất. Và nhất là, chúng ta đạt được những quyết định. Chúng ta có thể cho rằng chúng chưa đủ hiệu quả, nhưng ít nhất chúng cũng tồn tại.

Trong tất cả các diễn đàn mà tôi tham gia, hoặc Châu Âu chiếm thế chủ động nhờ các thể chế của mình, hoặc Châu Âu mạnh mẽ và được tôn trọng.

RÉMY RIOUX

Kể từ năm 2015, các diễn đàn này đã ghi nhận hàng loạt thành công, với thỏa thuận Montréal về đa dạng sinh học và bảo vệ đại dương. Về mặt tài chính, tất cả các quỹ quốc tế lớn đến gặp các chính phủ đều tăng từ 20 đến 30% tại mỗi cuộc họp kể từ năm 2015. Tôi thách thức các bạn tìm ra một ngoại lệ duy nhất trong số các quỹ quốc tế chưa được tái thiết với nhiều tham vọng.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, trong tất cả các diễn đàn mà tôi tham gia, hoặc Châu Âu chiếm thế chủ động nhờ các thể chế của mình, hoặc Châu Âu mạnh mẽ và được tôn trọng. Ở Dubai, Châu Âu được tôn trọng và đóng vai trò mấu chốt trong các cuộc đàm phán. Đây là lý do tại sao có điều gì đó trong cuộc tranh luận này khiến tôi khó hiểu. Tất nhiên, tôi nói từ kinh nghiệm của mình và tôi không ngây thơ, tôi biết rằng có những quan điểm khác. Nhưng tôi thực sự tin rằng còn có tiềm năng có thể được khai thác tích cực hơn nữa. Không phải bằng cách được sử dụng cho các mục đích khác, mà bằng cách huy động khả năng này mà tôi đang cố gắng mô tả cho các bạn. Có lẽ điều này sẽ giúp tạo ra một không gian nơi sự hội tụ được tiến hành nhiều hơn. Cá nhân tôi không nhận thấy bất kỳ sự bất đồng nào, nhưng tôi hiểu rằng có thể có sự bất đồng trong các cộng đồng khác tham gia vào hành động quốc tế. Ở AFD, chúng tôi cố gắng trở thành một lực lượng hội tụ, một động lực cho sự thỏa thuận, một thực thể hành động và cung cấp bằng chứng cụ thể rằng quá trình chuyển đổi là có thể thực hiện được và hợp tác quốc tế phải được tăng cường.

Kể từ khi tôi đứng đầu AFD, quy mô của AFD đã tăng gấp đôi. Sự biến đổi này đã tạo ra một khối lượng công việc đáng kể, đến mức nhân viên AFD phàn nàn rằng họ có quá nhiều việc. Nếu mọi điều chúng ta vừa nói là đúng thì lẽ ra tôi đang không phải trải qua thực tế này. Vì vậy những gì đang xảy ra? Tôi có thể có một số câu trả lời, nhưng tôi sẽ dừng ở đây. Tôi chỉ muốn chia sẻ sự bối rối của tôi với các bạn.

Các quan điểm khác nhau tùy thuộc vào môi trường, đặc biệt là trong giới chính trị, nơi din ngôn này không được lắng nghe cũng như không được bày tỏ. Chúng ta có thể liều đưa ra một cách diễn giải khác: điều khơi dậy nỗi sợ hãi ở khu vực này là bạo lực và chiến tranh - và chiến tranh có nguồn gốc từ Châu Âu. Ghassan Salamé, phải ở đây có một nền báo chí mà chúng ta không thể kiềm chế được nữa?

GHASSAN SALAMÉ

Cảm ơn bà rất nhiều, Laurence. Tôi không muốn thảo luận về khái niệm Phương Nam Toàn Cầu - đó là một cuộc tranh luận lớn - nhưng tôi sẽ sử dụng nó cho thuận tiện. Tôi nghĩ rằng trong mối quan hệ với Phương Nam, Châu Âu có một số thế đôi ngã cần phải được xét lại.

Thế đôi ngã đầu tiên liên quan đến cấp độ mà chúng ta tự định vị bản thân. Tôi không còn có thể chấp nhận ý tưởng ​​​​cho rằng người Châu Âu có một giọng điệu dựa trên sự kiện khi nói về chính trị, về những lựa chọn hoặc chiến lược của họ, nhưng lại gợi lên những cảm xúc, tình cảm khi họ nói về người khác, đặc biệt là đến từ Phương Nam Toàn Cầu. Các tác nhân khác cũng duy lý như bạn! Nhất thiết cần phải hiểu rõ điều này. Người Iran đã tạo ra trò chơi cờ vua cách đây vài thiên niên kỷ, trong khi người Trung Quốc đã xây dựng hệ thống quan lại hơn 2000 năm trước. Điều mấu chốt là phải nhận ra rằng có tính thuần lý ở phía bên kia. Nếu chúng ta không hiểu tính thuần lý này, không có nghĩa là nó không tồn tại.

Thế đôi ngã thứ hai liên quan đến chương trình nghị sự - và tôi đặc biệt vui mừng được phát biểu sau tham luận của Rémy - bởi vì trên thực tế, có một chương trình đa phương và linh hoạt trong đó Châu Âu gần như nắm quyền lãnh đạo tự nhiên, đặc biệt là về các vấn đề như viện trợ phát triển, khí hậu, sự điều tiết kỹ thuật số, vân vân. Tuy nhiên, có những lĩnh vực khác mà Châu Âu, như Nathalie đã chỉ ra, không thể nghe thấy, là vô hình và không được coi trọng. Vì vậy, vấn đề nan giải nằm ở mức độ và phương hướng mà Liên Minh Châu Âu có thể tc đẩy lịch trình của mình. Đôi khi những người khác tỏ ra ngần ngại về lịch trình này. Ví dụ, khi Châu Âu muốn đề cập vấn đề bình đẳng giới ở các nước Hồi giáo, họ gặp phải sự ngần ngại. Tương tự như vậy, khi Liên Minh muốn thảo luận về vấn đề lao động trẻ em ở Pakistan, nước này bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ...

Điều mấu chốt là phải nhận ra rằng có tính thuần lý ở phía bên kia. Nếu chúng ta không hiểu tính thuần lý này, không có nghĩa là nó không tồn tại.

GHASSAN SALAMÉ

Bây giờ chúng ta hãy bàn về vấn đề tiêu chuẩn kép. Điều chủ yếu là không nên xem xét điều này về mặt đạo đức, như một sự lên án về mặt đạo đức đối với những gì có thể được mô tả là đạo đức giả của Phương Tây, và đặc biệt hơn là của Châu Âu. Đây không phải là một vấn đề đạo lý, mà là một thực tế phức tạp. Nếu chúng ta chấp nhận một cuộc đảo chính ở Tchad, việc thiết lập quyền lực quân sự hoặc thậm chí một triều đại, đồng thời chỉ trích chính sách dân tộc chủ nghĩa của Erdogan trong khi vẫn áp dụng cách tiếp cận hòa giải hơn đối với chính sách của Modi do lợi ích liên quan đến Ấn Độ, điều này tạo ra một sự mâu thuẫn trong thực tế. Do đó, ở đây không phải là vấn đề về sự lên án các tiêu chuẩn kép về mặt đạo đức, bởi vì chúng tồn tại.

Châu Âu có tiêu chuẩn kép, thể hiện qua việc bảo vệ quyết liệt luật nhân đạo quốc tế ở Ukraine, trái ngược với thái độ khoan hòa và vô trách nhiệm ở Gaza cho đến nay. Đây là một thực tế mà tôi rất khó hiểu. Tiêu chuẩn kép không phải là vấn đề đối với một chính sách không dựa trên các nguyên tắc. Vấn đề nan giải thực sự là ở chỗ Châu Âu cho rằng chính sách của mình dựa trên các nguyên tắc. Nếu không có tuyên bố về các nguyên tắc này thì sẽ không có cáo buộc là đạo đức giả. Hai yếu tố này có mối liên kết nội tại. Do đó, một thế đôi ngả sâu sắc nảy sinh: liệu nền ngoại giao Châu Âu có nên trở nên thực tế hơn, từ bỏ các diễn ngôn tập trung vào các giá trị và các nguyên tắc, nhằm giảm bớt những cáo buộc đạo đức giả? Hoặc, bằng cách tiếp tục khẳng định các nguyên tắc trong khi thực hiện chính sách tiêu chuẩn kép, liệu Châu Âu sẽ thường xuyên bị chỉ trích vì tính đạo đức giả của mình? Câu hỏi vượt xa một lời cáo buộc đạo đức đơn giản, nó đi sâu hơn nhiều.

Điều này dẫn tôi đến thế đôi ngả cơ bản thứ tư, mà tôi không nhận thấy nơi các đồng nghiệp của tôi, nhưng, đối với tôi, nó là mấu chốt: thế đôi ngả về bản sắc kép. Bản sắc Châu Âu có hai mặt. Châu Âu vừa là lục địa vĩ đại mà chúng ta biết, vừa là một nửa của cái được gọi là Phương Tây. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đại đa số các nước ở Phương Nam mong muốn bản sắc Châu Âu của Châu Âu được khẳng định mạnh mẽ hơn bản sắc Phương Tây của mình. Nói cách khác, họ muốn thấy một vị thế Châu Âu tự chủ hơn đối với siêu cường Mỹ. Yêu cầu này được bày tỏ ở New Delhi, Brasilia và nhiều quốc gia khác. Đây là một thế đôi ngả riêng biệt đối với Châu Âu, bởi vì trong các vấn đề như Ukraine, Châu Âu không thể hành động nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Ngược lại, trong các vấn đề như Gaza, châu Âu bị Mỹ lôi kéo vào một tư thế nguyên khối, và có khả năng gây nguy hiểm cho lợi ích của chính mình.

Sau đó, thế đôi ngả thứ năm nổi lên, đó là sự bình đẳng và sự chênh lệch. Trong các cuộc đàm phán với Phương Nam, Châu Âu bị đặt trong đòi hỏi tế nhị là phải dung hòa sự tôn trọng sự ngang nhau, như quy định tại Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, với sự chênh lệch thực tế không thể phủ nhận. Hiện tại, GNP bình quân đầu người của người Châu Âu cao gấp 10 đến 12 lần so với Châu Phi cận Sahara. Và nhà ngoại giao Châu Âu hàng ngày thấy mình bị kẹt giữa sự cần thiết tôn trọng sự ngang nhau hình thức và sự cần thiết tính đến sự chênh lệch thực tế. Đây là một vấn đề nan giải hàng ngày đối với các nhà ngoại giao Châu Âu, một thực tế xác thực mà tôi đã tận mắt chứng kiến. Tôi đã thấy điều đó ở Iraq, Libya, Lebanon, cũng như ở các nước khác ở Châu Phi và Châu Á. Và đó là một thế đôi ngả phức tạp, bởi vì nghiêng quá về sự ngang nhau có thể bị coi là đạo đức giả, trong khi nghiêng quá xa về sự chênh lệch có nguy cơ bị hiểu là kiêu ngạo. Tìm sự cân bằng để vượt qua thế đôi ngả này không phải là một việc dễ dàng. Ở đây tôi dựa vào những sự kiện cụ thể chứ không phải vào lý thuyết.

Châu Âu có tiêu chuẩn kép, thể hiện qua việc bảo vệ quyết liệt luật nhân đạo quốc tế ở Ukraine, trái ngược với thái độ khoan hòa và vô trách nhiệm ở Gaza cho đến nay.

GHASSAN SALAMÉ

Cuối cùng, còn có một thế đôi ngả khác - và ở đây tôi muốn chia sẻ một nhận xét cá nhân. Tôi đến Châu Âu cách đây đúng 50 năm, vào năm 1973. Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ ngừng coi trọng quyền tự do quan điểm và tự do ngôn luận, vốn là một trong những tài sản quý giá nhất của Châu Âu. Tuy nhiên, trong hai ba tháng vừa qua, lần đầu tiên tôi cảm thấy có một hình thức tha hóa trong lĩnh vực này.

Tôi phải thừa nhận một điều khó chịu, đó là hiện nay đang có một nỗ lực, chủ yếu thông qua các phương tiện lập pháp và hành chính, nhằm áp đặt một quan điểm duy nhất về tình hình ở Trung Đông. Khi bạn tham gia một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, trước tiên bạn phải được giảng về những gì bạn nên nghĩ về ngày 7 tháng 10, ngay cả trước khi bạn có cơ hội phát biểu. Nếu quan điểm của bạn khác với quan điểm của người đặt câu hỏi thì ý kiến ​​của bạn đơn giản bị xem là không cần thiết. Trong năm mươi năm, tôi chưa bao giờ cảm thấy có một sự chệch đường hướng tới lối suy nghĩ độc nhất rõ rệt như vậy. Điều cần thiết là phải duy trì cảnh giác. Nếu không, ông Borrell, nếu Châu Âu đi theo con đường này, rừng rậm sẽ lấn át khu vườn. Cảm ơn các bạn rất nhiều.

Josep Borrell: phản ứng với những can thiệp này và với nhận xét cuối cùng này?

JOSEP BORRELL

Xin cảm ơn tất cả. Chúng ta đã nghe thấy một số can thiệp rất thú vị và sâu sắc, và nếu các bạn cho phép, tôi muốn khơi lại cuộc thảo luận.

Chúng ta không thể chấp nhận tuyên bố rằng người ta sợ Châu Âu vì bạo lực và chiến tranh bắt nguồn từ lục địa này. Điều này không đúng. Xung đột vũ trang xảy ra trên khắp thế giới, chẳng hạn như ở Châu Phi với các ví dụ như Ethiopia, Sudan, Somalia hoặc Congo. Việc quy nguồn gốc của tất cả các cuộc chiến tranh là do Châu Âu là không đúng. Người ta không sợ chúng ta vì chúng ta là cái nôi của chiến tranh.

Ghassan thân mến, tôi chia sẻ quan điểm của bạn và tôi hoàn toàn đồng ý với phân tích của bạn về những thế đôi ngả mà chúng ta phải đối mặt. Tiêu chuẩn kép dường như phổ biến ở khắp mọi nơi và mọi người đều thực hành chúng. Chúng ta bày tỏ sự quan ngại, chỉ trích và lo sợ về vụ giội bom Gaza, nhưng khi Aleppo bị phá hủy, phản ứng rất giới hạn. Sự tàn phá ở Alep cũng dữ dội như ở Gaza hay Mossoul, nhưng kỳ lạ là nó không gây ra nhiều sự phẫn nộ. Có lẽ là phần lớn hoạt động ngoại giao là nhằm giải quyết những tiêu chuẩn kép này.

Mọi người phải có khả năng đối mặt với những tình huống mà, vì lợi ích, các giá trị và nguyên tắc phải thích ứng. Chúng ta đang sống trong một thế giới chính trị thực dụng, nhưng cách tiếp cận này có những giới hạn của nó. Rõ ràng là trong hai trường hợp, phản ứng của chúng ta trước các vấn đề có sự khác biệt rõ ràng. Cách chúng ta chào đón những người Ukraine chạy trốn chiến tranh khác biệt đáng kể so với cách chúng ta chào đón những người khác.

Tôi nghĩ Châu Âu đang phải đối mặt với một vấn đề tiếp thị.

Chúng ta là những nước đóng góp chính cho viện trợ phát triển. Chúng ta là phần của hành tinh chia sẻ năng lực kinh tế nhiều nhất với phần còn lại của thế giới. Vượt xa Trung Quốc và Nga. Đây có lẽ là lý do tại sao các cơ quan phát triển, Rémy Rioux thân mến, được chào đón nồng nhiệt. Các cơ quan phát triển là bàn tay rộng mở, khuôn mặt nhân hậu, chiều kích hợp tác của Châu Âu. Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, sự đón nhận không mấy thuận lợi. Tất nhiên, các cơ quan phát triển được đón nhận nồng nhiệt, nhưng ở Sahel, chúng tôi được yêu cầu rời đi. Viện trợ phát triển được hoan nghênh nhưng sự hiện diện quân sự thì không. Tại sao? Tại sao cách đây vài năm chính phủ đã yêu cầu sự giúp đỡ của Châu Âu? Bạo lực trong các xã hội Châu Âu không rõ rệt như vậy. Theo như tôi biết, các xã hội Châu Âu không bạo lực hơn các xã hội Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, mặc dù thật không may, đây là điều ngày càng phổ biến. Nhưng phải có một cách giải thích khác, phức tạp và khó khăn, có nguồn gốc lịch sử không thể bỏ qua.

Chúng ta là phần của hành tinh chia sẻ năng lực kinh tế nhiều nhất với phần còn lại của thế giới. Vượt xa Trung Quốc và Nga.

JOSEP BORRELL

Một số gốc rễ này có lẽ đã bị lãng quên, không còn sống động nữa. Nhưng các sự kiện ở Ukraine và Trung Đông đã làm lộ diện một hệ thống cũ: tiến trình thuộc địa hóa và chủ nghĩa chống đế quốc. Khi chúng ta khẳng định với các quốc gia Mỹ Latinh cam kết của chúng ta đối với các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc và đối với nền dân chủ, câu trả lời của họ thường là “đúng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy”. Ví dụ, ở Chile, nói về việc bảo vệ nền dân chủ có thể gợi lên việc nhắc lại đến Pinochet, phải không? Tương tự như vậy, tôi có thể đề cập đến Franco. Các dân tộc đều có ký ức. Đôi khi ký ức có thể mê ngủ, tắt lịm hoặc bị lãng quên, nhưng cũng có trường hợp ký ức lại được hồi sinh.

Trong số những người Châu Âu, chúng ta quan sát thấy những sự nhạy cảm rất khác nhau, được giải thích bởi những lý do lịch sử và văn hóa. Một số quốc gia sẽ luôn có xu hướng ủng hộ Israel do mặc cảm tội lỗi liên quan đến Holocaust (kế hoạch diệt chủng người Do Thái của Hitler - ND). Tuy nhiên, cảm giác này không phải ai cũng chia sẻ, vì không phải ai cũng đã tham gia vào những khoảnh khắc kinh hoàng này trong lịch sử Châu Âu. Điều mấu chốt là phải tính đến những sắc thái này.

Ngày nay, đối với tôi, điều hiển nhiên là chúng ta đang dần đánh mất nền tảng đạo đức của mình đối với một phần ngày càng tăng của thế giới, không chỉ ở thế giới Ả Rập. Quan sát phản ứng của các quốc gia như Colombia, Chile và Brazil, những quốc gia hoàn toàn không phải là Ả Rập và có thể gắn bó với thế giới Phương Tây hơn là thế giới đang phát triển, tôi thấy rằng họ bày tỏ sự khó thấu hiểu của họ. Họ nói rõ rằng lần tới khi họ được yêu cầu giúp đỡ Ukraine, họ không chắc mình sẽ phản ứng thuận lợi. Thực tế chính trị này phải được xem xét một cách nghiêm túc, mặc dù tất nhiên các cơ quan phát triển vẫn được hoan nghênh.

Đối với tôi, điều hiển nhiên là chúng ta đang dần đánh mất nền tảng đạo đức của mình đối với một khu vực càng tăng trên thế giới, không chỉ ở thế giới Ả Rập.

JOSEP BORRELL

Có những cái bẫy chính trị mà Châu Âu đã rơi vào từ ngày 7 tháng 10. Từ quan điểm này, Iran đã chơi bài của mình rất tốt.

GABRIELA RAMOS

Điều mấu chốt là phải xem xét những mối quan ngại của các vùng này. Mặc dù chúng ta đã thảo luận rộng rãi về Châu Âu và nhận thức của nó, nhưng thực tế là các Phương Nam Toàn Cầu đang ở trong một tình huống phức tạp. Theo nhiều cuộc khảo sát khác nhau, đặc biệt là ở Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, khi người dân được hỏi về lựa chọn của họ giữa một tình hình kinh tế ổn định và nền dân chủ, đa số sẽ chọn sự ổn định kinh tế. Sự bất bình đẳng, cả trong mô hình kinh tế được đề cập cũng như trong sự chênh lệch giữa sự giàu có của các nước Châu Âu và Châu Mỹ tiên tiến cũng như tình trạng bấp bênh dai dẳng ở phần còn lại của thế giới, là nguồn gốc quan trọng của sự lo ngại.

Tôi tin rằng chúng ta phải nỗ lực thiết lập một cuộc đối thoại thực sự công bằng, như tôi đã nhấn mạnh lúc đầu. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống tế nhị được đánh dấu bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự bác bỏ lý tưởng dân chủ trên diện rộng. Phản ứng này xuất phát từ việc chúng ta không đáp ứng được kỳ vọng của người dân mong muốn có được một cuộc sống ổn định. Đây là một vấn đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm và chúng ta phải xem xét cẩn thận.

Dường như có nhận thức rằng cuộc chiến ở Ukraine có ảnh hưởng đáng kể đến lịch trình quốc tế. Ngân sách quốc phòng và tài trợ cho chiến tranh rất lớn, khiến có vẻ như cuộc chiến đặc thù này, vì những tác động của nó, sẽ cản trở sự tiến bộ trên các mặt trận khác. Tuy nhiên, điều này không tương ứng với thực tế, vì tôi đã thấy quy mô đầu tư của chương trình Global Gateway chẳng hạn.

Để kết luận, tôi nhận thấy, đặc biệt là ở UNESCO và OECD, rằng trước đây tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi về vấn đề này. Tại UNESCO, nổi lên vấn đề tư tưởng thực dân, cho thấy sự cần thiết phải xem xét lại lịch sử. Ví dụ, chúng ta có cuốn Lịch Sử Tổng Quát của Châu Phi/General History of Africa, cố gắng viết lịch sử Châu Phi cho người Châu Phi. Nhưng chủ đề này có vẻ không được đón nhận tốt. Điều cần thiết là phải tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở để phát triển các lịch trình phát triển.

Tầm quan trọng của ký ức và việc khảo sát nó thực sự rất quan trọng…

GHASSAN SALAMÉ

Có thể hữu ích nên quay lại vấn đề về sự hội tụ được nêu ra trước đó một cách ngắn gọn. Một vấn đề phổ biến gắn với sự hội tụ là nó thường được người Châu Âu coi là một nỗ lực chuyển hóa. Mục tiêu không phải là chuyển hóa các xã hội khác mà là tìm ra những điểm chung với các xã hội này. Điều chủ yếu là phải thực hiện việc sự tự vấn sâu lương tâm ở Châu Âu.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải nhận ra rằng những gì các xã hội khác nói hoặc làm đôi khi chỉ đơn giản là sự phản ánh những gì đang xảy ra ở đây. Ví dụ, khi Ấn Độ đề cập đến sự đa liên kết, đó là phản ứng của họ đối với “liên minh của ý chí/coalition of the willing” nhằm phản ứng với chính sách của Emmanuel Macron. Đó là một cách nói: bạn đã chọn chế độ đa thê, à, chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi cũng đã chọn sự đa liên kết theo quan điểm của riêng mình. Do đó, khó có thể lên án sự đa liên kết trong khi vẫn chấp nhận quan điểm cho rằng các liên minh tự nguyện hoặc các quan điểm trái ngược nhau có thể cùng tồn tại.

Rất thường xuyên, quan điểm của Phương Nam theo một cách nào đó phản ánh những gì đang xảy ra ở Châu Âu nhưng được thể hiện bằng một ngôn ngữ khác. Điều chủ yếu là Châu Âu phải thực hiện một sự nội quan thực sự để tìm kiếm sự hội tụ hơn là sự chuyển hóa.

 Một vấn đề phổ biến với sự hội tụ là nó thường được người Châu Âu coi là một nỗ lực chuyển hóa.

GHASSAN SALAMÉ

Tuy nhiên, các giá trị Châu Âu của chúng ta phải được bảo tồn mà không làm mất đi bản sắc của chúng ta trong cuộc thảo luận với các đối tác. Điều chủ yếu là phải nói về con người của chúng ta mà không có ý định áp đặt một lịch trình và vẫn giữ được bản chất của mình. Điều này đòi hỏi sự tự tin vững chắc về trọng tâm của chúng ta, thay vì dựa vào kẻ khác: đây là một thông điệp có tầm quan trọng chủ yếu.

NATHALIE TOCCI

Đúng, và bên cạnh đó, tôi không nghĩ rằng việc ngăn chia - nghĩa là tỏ ra không liên quan và đạo đức giả ở một số lĩnh vực nhất định trong khi lại đáng tin cậy và có ảnh hưởng ở những lĩnh vực khác - vẫn có thể thực hiện được. Trên thực tế, tôi tin rằng khoảnh khắc đó đã qua. Thật thú vị khi ghi nhận rằng điều này có thể khác với nhận thức của bạn, nhưng tôi thấy mối liên kết ngày càng tăng của các lĩnh vực này là một thực tế không thể tránh khỏi trong tương lai.

Về mặt lịch sử, chúng ta luôn mang dấu ấn của một thói đạo đức giả nhất định, mặc dù ngày nay nó đã đạt đến một mức độ cao hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải có cuộc trò chuyện này ngay bây giờ vì nó mang một tầm quan trọng mấu chốt.

Thật bi thảm, cuộc thảo luận này là về quyền lực. Trước đây, khi chúng ta có thể ngăn chia và khi thói đạo đức giả của chúng ta ít gây ra hậu quả, chúng ta có thể xử lý nó trên phương diện đạo đức trước khi nó mang tính chính trị.

Hiện nay, đây là một vấn đề cơ bản. Nó không chỉ đơn giản liên quan đến Châu Âu và Phương Nam Toàn Cầu, mà là sự tương tác giữa Châu Âu và các cường quốc ở Phương Nam. Trong bối cảnh này, có lẽ có một tia hy vọng về sự ngang bằng hơn và cuộc trò chuyện trung thực hơn giữa chúng ta.

Rémy Rioux, một nhận xét cuối cùng?

RÉMY RIOUX

Để đáp lại những gì đã nói trước đây: tôi không hề đề cập đến bạo lực của Liên Minh Châu Âu. Nhận xét của tôi tập trung vào ký ức về bạo lực của Châu Âu và những hậu quả mà nó để lại trên thế giới, cũng như tác động của nó đối với một số logic về danh dự của chúng ta, ngay cả trong chính đất nước chúng ta. Tôi chỉ muốn gợi ý đến điều đó. Tôi tin rằng những dấu vết này tồn tại và gây ảnh hưởng mà tôi không cần phải ngăn chia bất cứ điều gì. Tôi chỉ đơn giản gợi ý một sự lựa chọn mà chúng ta đã nghe suốt ngày hôm nay. Dường như có một sự do dự nhất định, một sự không chắc chắn nào đó về hướng đi mà Châu Âu nên đi.

Liệu Châu Âu có nên tìm cách giống với Hoa Kỳ, về cơ bản chấp nhận diễn ngôn về an ninh quốc gia như một ưu tiên mà từ đó tất cả các cân nhắc khác sẽ xuất phát? Đây là câu chuyện của người Mỹ, mặc dù rất nhiều điều không xuất phát từ ưu tiên trên - thật không may, đặc biệt là khi nói đến khí hậu.

Hay ngược lại, như tôi khẳng định - nhưng tôi nhận ra rằng đây là một luận điểm bị tranh cãi - nên tận dụng sức mạnh của chúng ta và đáp lại những kỳ vọng bằng cách thay đổi thực tế, bằng cách đặc biệt chú ý đến các dân tộc và người dân? Có lẽ chúng ta nên đặt câu hỏi về quyền và dân chủ theo cách ít mang tính chỉ đạo hơn, những câu hỏi từ dưới lên nhiều hơn. Quyền phát sinh như thế nào? Nền dân chủ nổi lên như thế nào? Cách tiếp cận này, ít mang tính tiến công hơn, có thể được nhận thức tốt hơn và có lẽ là một cách giải quyết các thế đôi ngã do Ghassan Salamé nêu ra.

Có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ các sáng kiến ​​như Global Gateway và Team Europe đang được cấu trúc và chúng khác biệt đáng kể so với Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Trung Quốc, với thế mạnh của mình, đã hướng tới Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu/Global Development Initiative, một cách tiếp cận đa phương hơn nhiều. Vì vậy, điều chủ yếu là phải chú ý, vì nếu là mục tiêu, nó sẽ di chuyển rất nhanh.

Cuối cùng, tôi tin rằng việc kiểm soát lại chương trình tài chính là đòi hỏi cấp bách. Tổng thống Macron đã có trực giác này khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 năm ngoái tại Paris về một hiệp ước tài chính mới. Chúng ta thực sự có thứ gì đó để đề nghị, chắc chắn sẽ vượt lên trên sự hỗ trợ phát triển công. Với tư cách là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển công lớn nhất, chúng ta có vị trí lý tưởng để sáng tạo lại câu chuyện này có từ những năm 1960. Nếu không phải Liên Minh Châu Âu đề xuất điều gì đó thì ai sẽ làm? Gabriela nói đúng, đây cũng là lúc phải hành động đối với các tổ chức tài chính quốc tế. Tại sao chúng ta lại không làm điều này? Thành thật mà nói, và đây là ý kiến ​​​​cá nhân của tôi, vấn đề tái cân bằng sự ngang bằng về vốn của Ngân hàng Thế giới là gì? Đối với IMF, đó có thể là một vấn đề khác, nhưng đối với Ngân hàng Thế giới, điều đó có vẻ khá khả thi. Đây sẽ là một tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ cho toàn xã hội.

Đến mức một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - tôi phải nói rõ rằng, không phải người Mỹ cũng không phải người Châu Âu - gần đây đã gợi ý với tôi rằng chúng ta nên thành lập một ngân hàng đa phương nơi người Mỹ sẽ không có quyền phủ quyết. Vả lại còn đề xuất đặt trụ sở chính ở Châu Âu…

Tổng thống của tôi đã đề cập đến nó và điều này có thể có tác động đáng kể. Chúng ta có hai năm cho việc này, vì các thời hạn chính sắp đến vào năm 2025, đánh dấu 10 năm hội nghị thượng đỉnh Addis Abeba, 10 năm Thỏa thuận Paris và 10 năm kể từ thời điểm đa phương quan trọng cuối cùng của chúng ta vào năm 2015 - một năm mang tính cách mạng. Chúng ta có một năm để thực hiện công việc kỹ thuật vào năm tới [vào năm 2024], khi một nửa dân số sẽ tham gia bầu cử, để sẵn sàng vào năm 2025, dưới sự chủ trì COP của Brazil.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:L’Europe et le Sud: une nouvelle convergence? une conversation avec Josep Borrell, Gabriela Ramos, Rémy Rioux, Ghassan Salamé et Nathalie Tocci“, Le Grand Continent, 17.01.2024.

----

Bài có liên quan: Phương Nam toàn cầu (Global South) là gì?




Chú thích:

[1] Josep Borrell là Đại diện cấp cao của Liên Minh Châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Ông là Chủ tịch Nghị viện Châu Âu từ năm 2004 đến năm 2007.

[2] Gabriela Ramos là Phó Tổng Giám đốc về Khoa học Xã hội và Con người tại UNESCO, nơi bà giám sát những đóng góp của tổ chức này trong việc xây dựng các xã hội hòa nhập và hòa bình.

[3] Rémy Rioux, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), tổ chức tài chính công thực hiện chính sách phát triển của Pháp, hành động nhằm chống đói nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững.

[4] Ghassan Salamé, giáo sư danh dự về quan hệ quốc tế tại Sciences Po Paris và cựu Bộ trưởng Lebanon.

[5] Nathalie Tocci là giám đốc của Istituto Affari Internazionali ở Rome, giáo sư bán thời gian tại Trường Chính phủ xuyên quốc gia, Viện Đại học Châu Âu, Florence và Nghiên cứu sinh Tương lai Châu Âu tại Viện Khoa học Con người, Vienna.

[6] Laurence Tubiana là Giám đốc Quỹ Khí hậu Châu Âu, giáo sư tại Sciences Po Paris và Đại học Columbia.

Print Friendly and PDF