12.3.24

Về bí ẩn của ý thức: tại sao một lý thuyết chủ đạo lại bị gắn nhãn ‘ngụy khoa học’

VỀ BÍ ẨN CỦA Ý THỨC: TẠI SAO MỘT LÝ THUYẾT CHỦ ĐẠO LẠI BỊ GẮN NHÃN ‘NGỤY KHOA HỌC’

Hubis/Shutterstocl

Trong lĩnh vực nghiên cứu về ý thức, nội chiến đã nổ ra. Hơn 100 nhà nghiên cứu về ý thức đã ký vào một lá thư tố cáo một trong những lý thuyết khoa học thịnh hành nhất về ý thức – lý thuyết thông tin tích hợp – là ngụy khoa học.

Ngay lập tức, một vài nhân vật khác trong lĩnh vực này đã phản ứng bằng cách phê phán bức thư là lý luận kémkhông tương xứng.

Cả hai phe đều được thúc đẩy bởi mối quan tâm đến sức khỏe lâu dài và sự tôn trọng đối với khoa học về ý thức. Một phe (bao gồm cả những người ký thư) lo ngại rằng sự nối kết giữa khoa học về ý thức với thứ mà họ cho là lý thuyết ngụy khoa học sẽ làm suy yếu độ tin cậy của lĩnh vực này.

Giulio Tononi

Còn phe kia đang nhấn mạnh rằng những gì họ cho là những cáo buộc không có cơ sở ngụy khoa học cuối cùng sẽ dẫn đến việc toàn bộ khoa học về ý thức bị nhìn nhận là ngụy khoa học.

Lý thuyết thông tin tích hợp (integrated information theory) – thường được gọi tắt là IIT – là một lý thuyết rất tham vọng về ý thức do nhà thần kinh học Giulio Tononi đề xuất. Cuối cùng, nó nhằm mục đích đưa ra các điều kiện toán học chính xác cho bất kỳ hệ thống nào – não bộ hay tập hợp thành phần hay vấn đề – là có ý thức hay không.

Lý thuyết này xoay quanh một thước đo toán học về sự tích hợp thông tin hoặc những mối tương kết với nhau, được gắn nhãn bằng chữ cái Hy Lạp ϕ. Ý tưởng cơ bn là mt h thng tr nên có ý thc vào thi đim chính xác khi có nhiu hàm ϕ trong h thng nói chung hơn bt k thành phn nào ca nó.

Thuyết IIT ám chỉ rằng có nhiều thứ có ý thức hơn chúng ta thường nghĩ. Điều này có nghĩa là nó tiến gần đến một loại “thuyết toàn tâm luận” – vốn cho rằng ý thức lan rộng khắp cõi vũ trụ vật lý. Chúng ta phải nói rằng, có những khác biệt lớn giữa thuyết IIT và làn sóng mới của thuyết toàn tâm luận lấy cảm hứng từ triết gia Bertrand Russell, mà gần đây thuyết này đã tạo nên làn sóng trong triết học hàn lâm và cũng là trọng tâm trong phần lớn công trình nghiên cứu của tôi.

Scott Aaronson (1981-)

Thuyết IIT thậm chí còn ngụ ý, giống như nhà khoa học máy tính Scott Aaronson đã chỉ ra, rằng một lưới không hoạt động của các cổng logic được kết nối sẽ có ý thức.

Những người ký tên trong bức thư lo ngại rằng, mặc dù một số khía cạnh của thuyết IIT có thể đã được kiểm nghiệm nhưng toàn bộ lý thuyết thì chưa. Vì vậy, họ cho rằng có rất ít bằng chứng thực nghiệm ủng hộ cho các hệ luận táo bạo và phản trực giác này. Những người phản đối bức thư nói rằng điều này đúng với tất cả các lý thuyết hiện tại về ý thức và phản ánh những thách thức đối với các kỹ thuật chụp hình ảnh thần kinh hiện nay.

Hợp tác đối nghịch

Tất cả những điều này diễn ra sau thông báo vào mùa hè về những kết quả đầu tiên của một “sự hợp tác đối nghịch” giữa thuyết IIT và một lý thuyết thịnh hành khác về ý thức, được gọi là lý thuyết không gian công việc toàn cục (global workspace theory).

Theo lý thuyết này, thông tin trong não bộ trở nên có ý thức khi nó ở trong một “không gian công việc toàn cục”, có nghĩa là nó có sẵn để được nhiều hệ thống đa dạng trong toàn bộ não sử dụng – các vùng tri nhận, trí nhớ dài hạn và điều khiển vận động – cho một loạt các nhiệm vụ. Ngược lại, nếu một số thông tin nhất định chỉ được cung cấp cho một hệ thống duy nhất trong não bộ để thực hiện một nhiệm vụ rất cụ thể, như điều hòa nhịp thở chẳng hạn, thì thông tin đó không có ý thức.

Ý tưởng về sự hợp tác đối nghịch là những người đề xuất mỗi lý thuyết đối nghịch cùng nhau thiết kế các thí nghiệm và đồng ý trước về những kết quả nào sẽ có lợi cho mỗi lý thuyết.

Người ta hy vọng rằng việc đồng ý trước về ý nghĩa của các kết quả sẽ ngăn chặn các nhà lý thuyết diễn giải bất kỳ kết quả nào đưa ra là phù hợp với lý thuyết ưa thích của họ. Vòng kết quả thực nghiệm đầu tiên này hóa ra lại gây bối rối. Một số xác nhận một vài phần nhất định của thuyết IIT và một số ủng hộ các khía cạnh cụ thể của lý thuyết không gian công việc toàn cục. Một cách cân nhắc, chúng ta có thể cho rằng thuyết IIT có một chút lợi thế.

Việc công bố những kết quả mơ hồ này đi cùng với việc nhà thần kinh học Christof Koch – một người ủng hộ nổi bật thuyết IIT – công khai thừa nhận thất bại trong vụ đánh cược cách đây 25 năm giữa ông với triết gia David Chalmers, rằng khoa học về ý thức từ nay sẽ bao trùm mọi thứ.

Christof Koch thuyết trình ở TED. CC BY-NC-ND

Một nhân tố có thể đóng một vai trò quan trọng, mặc dù chưa được đề cập rõ ràng trong bất kỳ cuộc giao tranh trực tuyến nào, đó là thuyết IIT không chỉ tự biện minh thông qua thực nghiệm khoa học. Mà nó còn liên quan đến sự suy tư triết học.

Thuyết IIT bắt đầu với 5 “tiên đề” mà những người đề xuất nó khẳng định rằng mỗi chúng ta có thể biết được thông qua việc chú ý đến trải nghiệm về ý thức của chính mình. Chúng bao gồm cả việc trải nghiệm ý thức được thống nhất – việc này có nghĩa rằng chúng ta không ý thức, chẳng hạn, các màu sắc và hình dạng một cách riêng biệt mà trải nghiệm các khía cạnh của một ý thức duy nhất, không gián đoạn.

Sau đó, lý thuyết này chuyển dịch những tiên đề này thành 5 “định đề” tương ứng – những đặc tính mà nó cho là cần thiết để một hệ vật lý trình hiện ý thức. Ví dụ, thuyết IIT giải thích sự thống nhất của trải nghiệm về ý thức của chúng ta dưới dạng tích hợp của hệ vật lý.

Những người phản đối thuyết IIT phần nào được thúc đẩy bởi một khát khao phân biệt rõ ràng khoa học với triết học về ý thức, vì thế việc này đảm bảo rằng khoa học được nhìn nhận – nhất là bởi các nhà tài trợ – như một doanh nghiệp khoa học (scientific enterprise) nghiêm túc.

Vượt khỏi khoa học

Vấn đề là: ý thức không chỉ đơn thuần là một vấn đề khoa học. Nhiệm vụ của khoa học là giải thích những hiện tượng có thể quan sát được một cách công khai. Nhưng ý thức không phải là một hiện tượng có thể quan sát được một cách công khai: bạn không thể nhìn vào bên trong não bộ của ai đó và nhìn thấy cảm xúc cũng như trải nghiệm của họ. Dĩ nhiên, khoa học đưa ra các lý thuyết về những hiện tượng không thể quan sát được, như các hạt cơ bản chẳng hạn, nhưng nó chỉ làm điều này để giải thích những hiện tượng được quan sát. Trong trường hợp duy nhất về ý thức, hiện tượng mà chúng tôi đang cố gắng giải thích là hiện tượng không thể quan sát được một cách công khai.

Thay vào đó, mỗi người trong chúng ta chỉ biết về ý thức một cách riêng biệt, thông qua khả năng nhận thức tức thời trong mỗi người về những cảm giác và trải nghiệm của bản thân. Nhược điểm của điều này là rất khó để chứng minh bằng thực nghiệm rằng lý thuyết nào về ý thức là đúng. Ưu điểm là, trái ngược với các hiện tượng khoa học khác, chúng ta có khả năng tiếp cận trực tiếp với hiện tượng này và khả năng này có thể mang lại cho chúng ta những am hiểu về bản chất của nó.

Điều quan trọng là khi chấp nhận rằng sự hiểu biết của chúng ta về ý thức không bị giới hạn ở những gì có thể thu thập được từ các cuộc thực nghiệm, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng chúng ta cần cả khoa học lẫn triết học để làm sáng tỏ [bí ẩn của] ý thức. Trong cuốn sách mới xuất bản của mình Why? The Purpose of the Universe [Tại sao? Mục đích của Vũ trụ], tôi khám phá cách có thể đạt được mối quan hệ hợp tác như vậy.

Thuyết IIT không hoàn hảo, về các khía cạnh cả khoa học lẫn triết học. Nhưng nó đang đi tiên phong trong việc chấp nhận nhu cầu khoa học và triết học phải chung tay giải quyết bí ẩn của ý thức.

🏷 Triết học, Khoa học Thần kinh, Ý thức, Thuyết toàn tâm luận, Theo kịp xu hướng

Philip Goff (1964-)

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ

Philip Goff

Giáo sư Dự khuyết về Triết học, Đại học Durham

Tuyên bố công khai

Philip Goff đã nhận được tài trợ từ Quỹ Templeton.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: Consciousness: why a leading theory has been branded ‘pseudoscience’, The Conversation, Sep 29, 2023.

Print Friendly and PDF