20.3.24

Evergrande thanh lý: lo ngại hiệu ứng domino đối với ngành bất động sản Trung Quốc

EVERGRANDE THANH LÝ: LO NGẠI HIỆU ỨNG DOMINO ĐỐI VỚI NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN TRUNG QUỐC

Pierre-Antoine Donnet[*]

Bị một tòa án Hồng Kông quyết định thanh lý, gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande (Hằng Đại) đang nợ khoảng 328 tỷ USD. (Nguồn: Thông tin Tahiti)

Vào ngày 29 tháng 1, một tòa án Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý gã khổng lồ ngành bất động sản Trung Quốc Evergrande. Thông báo này khiến hàng nghìn chủ nợ rơi vào tình trạng không chắc chắn về việc liệu họ có thể lấy lại được tiền hay không. Thông báo này tượng trưng cho sự sụp đổ của ngành bất động sản ở một nước Trung Quốc vốn đang trong thời kỳ trì trệ kinh tế đáng lo ngại.

---------------------------------------------------------------

Được thành lập vào năm 1996, Evergrande/Hằng Đại (恒大集, Hengda trong tiếng Trung Quốc) đã tận dụng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của đất nước để chiếm ưu thế. Biểu tượng của cuộc khủng hoảng ngành bất động sản Trung Quốc, tập đoàn bất động sản này đang nợ khoảng 328 tỷ USD. Nó đã không đưa ra được một kế hoạch tái cơ cấu thuyết phục. Điều này là quá đáng đối với các chủ nợ quốc tế, vốn, năm ngoái, đã đệ đơn yêu cầu thanh lý tập đoàn lên tòa án Hồng Kông. Quá trình tố tụng kéo dài khi các bên cố gắng thương lượng để đạt đến một thỏa thuận.

“[Xét] sự thiếu tiến bộ rõ ràng của công ty trong việc trình bày một kế hoạch tái cơ cấu khả thi […], tôi cho rằng việc tòa án đưa ra phán quyết thanh lý công ty là thích đáng và đó là điều tôi ra lệnh,” Thẩm phán Linda Chan cho biết. “Quyết định của tòa án hôm nay trái ngược với ý định ban đầu của chúng tôi […]. Điều này cực kỳ đáng tiếc”, Shawn Siu, CEO của Evergrande phản ứng trên tờ báo kinh tế Trung Quốc/21st Century Business Herald.

Sau khi phiên họp buổi sáng bị hoãn lại, Fergus Saurin, luật sư đại diện cho một nhóm chủ nợ, nói với các phóng viên rằng Evergrande đã không “khởi sự đối thoại” với họ. Ông khẳng định: “Đã có những ý định đối thoại xuất hiện vào phút cuối nhưng không dẫn đến kết quả gì. Công ty chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình khi bị thanh lý.

Nếu hậu quả hành chính vẫn chưa rõ ràng thì hậu quả kinh tế ngay từ bây giờ đã thấy rõ. Sau thông báo thanh lý, cổ phiếu của Evergrande đã giảm hơn 20% trên Sàn chứng khoán Hồng Kông, khiến cổ phiếu này bị đình chỉ giao dịch. Sau đó việc niêm yết công ty con xe điện của tập đoàn, Evergrande NEV, cũng bị đình chỉ. Cổ phiếu của tập đoàn lần đầu tiên bị đình chỉ hoạt động vào tháng 9 trên Sàn chứng khoán Hồng Kông, một ngày sau khi báo chí đưa tin rằng ông chủ của tập đoàn này đang bị quản thúc tại gia sau khi bị bắt vào đầu tháng.

VỠ NỢ VÀ PHÁ SẢN Ở MỸ

Sự suy sụp của Evergrande, bị vỡ nợ thanh toán lần đầu tiên vào năm 2021 và bị tuyên bố phá sản tại Hoa Kỳ, đã được chính quyền Trung Quốc giám sát chặt chẽ, tập đoàn này là trụ cột của nền kinh tế nước này. Lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm hơn 1/4 GDP của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, nhà ở mới ở Trung Quốc đã được các chủ sở hữu trả tiền ngay cả trước khi xây dựng và các tập đoàn này đã tài trợ cho các dự án mới của họ bằng tín dụng. Tuy nhiên, khoản nợ khổng lồ trong lĩnh vực này trong những năm gần đây đã bị chính quyền coi là rủi ro lớn đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của đất nước.

Bắc Kinh đã dần thắt chặt các điều kiện tiếp cận tín dụng đối với các tập đoàn bất động sản từ năm 2020. Hậu quả: nguồn tài trợ cho các tập đoàn có nợ nần đã cạn kiệt. Chính phủ đã nhiều lần công bố các biện pháp nhằm cố gắng cứu lĩnh vực bất động sản nhưng đều vô ích. Vào tháng 12, theo số liệu chính thức, 60 thành phố lớn của Trung Quốc lại ghi nhận giá bất động sản giảm so với tháng trước. Evergrande, với 200.000 nhân viên, là tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc và cai trị một lĩnh vực bùng nổ khi bất động sản trở thành nền tảng cho sự giàu có ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu đang vươn lên.

Tuy nhiên, các khó khăn tài chính của Evergrande đã khiến các công trường xây dựng phải tạm dừng, trong khi các chủ sở hữu bị tước đoạt lại phải gánh chịu những ngôi nhà chưa hoàn thiện trong bối cảnh kinh tế suy thoái và giá cả giảm. Không thể trả lãi cho các khoản vay của mình, Evergrande đã vỡ nợ cho những vụ thanh toán vào tháng 12 năm 2021. Vào tháng 8, tập đoàn này tuyên bố phá sản tại Hoa Kỳ, một biện pháp nhằm bảo vệ tài sản của mình ở Mỹ.

Một chủ nợ, Top Shine Global, đã đệ đơn yêu cầu thanh lý Tập đoàn Evergrande Trung Quốc tại Hồng Kông vào năm 2022 và vụ việc sau đó kéo dài trong khi các bên cố gắng đàm phán để đạt đến một thỏa thuận. Tại phiên điều trần hồi tháng 10, tỷ lệ thu hồi nợ của các chủ nợ của Evergrande ước tính dưới 3%. Thẩm phán phải chỉ định người thanh lý tài sản của Evergrande, có trụ sở chính tại Hồng Kông. Bà cho biết động thái này có nghĩa là ông chủ tập đoàn Xu Jiayin/Hứa Gia Ấn (còn được biết đến với tên tiếng Quảng Đông là Hui Ka Yan) không còn kiểm soát công ty nữa.

KHÔNG CÓ KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH “KIỂU LEHMAN BROTHERS”?

Theo số liệu gần đây nhất của công ty, tập đoàn này có khối nợ khổng lồ ước tính trị giá 328 tỷ USD vào cuối tháng 6. Tập đoàn có i sản trị giá 236,6 tỷ USD ở Trung Quốc đại lục và các nơi khác. Theo truyền thông Trung Quốc, một số trong những tài sản này đã được bán trong những tháng gần đây để có được thanh khoản, trị giá khoảng 7 tỷ USD vào cuối tháng 11. Nhưng vẫn chưa rõ tài sản của công ty có thể được các chủ nợ ở nước ngoài thu hồi ở mức độ nào.

Vì phán quyết thanh lý được đưa ra ở Hồng Kông nên bất kỳ hành động tịch thu tài sản nào của công ty ở đại lục đều có thể phải có lệnh tòa án riêng ở quốc gia này. Jonathan Leitch của công ty luật Hogan Lovells cho biết: “Tòa án [Đại lục] có thể từ chối công nhận hoặc hỗ trợ những người thanh lý Hồng Kông. Vì phần lớn tài sản đều nằm [ở Trung Quốc đại lục], nên những người thanh lý sẽ cần xem xét liệu những tài sản này có giá trị gì sau khi các chủ nợ ưu tiên được thanh toán.” Đối với Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng tại Creditsights Singapore, được hãng Bloomberg trích dẫn, có lý do để “nghi ngờ liệu các chủ nợ ở nước ngoài có nhận được số tiền thu hồi đáng kể nhờ phán quyết thanh lý hay không”.

Trung Quốc đã tiến hành nhiều đợt giải cứu lĩnh vực bất động sản đang gặp cơn nguy. Tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố rằng các ngân hàng của họ đã cung cấp khoản vay gần 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) cho lĩnh vực này vào năm ngoái. Tuy nhiên, chính quyền đã thất bại trong việc ngăn chặn tình trạng bán bất động sản và giá bất động sản tiếp tục giảm ở nhiều thành phố.

Các nhà phân tích cho rằng, Nhà nước Trung Quốc cần phải đảm bảo rằng quyết định này sẽ không dẫn đến hiệu ứng quả cầu tuyết (tác động dây chuyền – ND). Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính AMP, dự đoán: “Nhà nước Trung Quốc có thể sẽ quản lý việc thanh lý này theo cách không gây ra tác động lan truyền lớn đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế”. “Đối với những ai đang lo âu khi đọc các tiêu đề lớn ngày hôm nay […]: sự sụp đổ của Evergrande vào năm 2021 đã không dẫn đến thời điểm nào ở Trung Quốc tương tự với [cuộc khủng hoảng tài chính do] Lehman Brothers gây ra và sự tan rã của lớp vỏ vốn đã chết của nó vào năm 2024 sẽ cũng không dẫn đến điều đó,” bình luận của công ty phân tích China Beige Book tiết chế hơn trong một tin nhắn trên X, trước đây là Twitter.

Sự suy sụp của công ty bất động sản Trung Quốc kể từ năm 2021 minh họa cho mặt tối của sự đầu cơ không kiềm chế được chia sẻ bởi cả các nhà đầu tư công và hàng nghìn người Trung Quốc, trong đó có nhiều người lớn tuổi hy vọng chuẩn bị cho việc nghỉ hưu của mình và ngày nay lại bị lừa gạt và cảm thấy tuyệt vọng.

Vấn đề lớn hiện được đặt ra là khả năng lây lan sang các tập đoàn bất động sản khác. Một số trong các tập đoàn bất động sản này cũng đang gặp khó khăn lớn về tài chính và gần như phá sản. John Lam, người đứng đầu Công ty China and Hong Kong Property Research/Công ty Nghiên cứu Bất động sản Trung Quốc và Hồng Kông, nhấn mạnh: “Việc thanh lý Evergrande có thể đẩy nhanh quá trình đàm phán của các chủ các tập đoàn bất động sản khác nhằm tái cơ cấu khoản nợ của họ”. Leland Miller, giám đốc điều hành của công ty phân tích tài chính China Beige Book, được Reuters trích dẫn, nhắc lại: “Các giấy nợ được phân phối theo hàng triệu cách khác nhau trên toàn bộ thị trường tài chính Trung Quốc. Trung Quốc có hệ thống tài chính phi thương mại, điều đó có nghĩa là sẽ không có cuộc khủng hoảng kiểu Lehman.”

HẬU QUẢ GÌ ĐỐI VỚI CÁC TÀI SẢN Ở TRUNG QUỐC?

Tuy vậy niềm tin vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc từ nay bị lung lay một cách lâu dài. Thiệt hại mà các nhà đầu tư phải gánh chịu thực sự là rất lớn. Thomas Rupf, nhà kinh tế trưởng về đầu tư ở châu Á tại VP Bank, được hãng thống tấn Anh trích dẫn, cảnh báo: “Vấn đề lớn [mà] các nhà đầu tư đang đặt ra là họ không biết điều gì sẽ xảy ra với những ngôi nhà chưa bán được”.

Hơn nữa, những tài sản nào sẽ được bán như thế nào? Tòa án Hồng Kông ngày 29/1 đã chỉ định công ty tư vấn Alvarez & Marsal (A&M) làm đơn vị thanh lý chính thức của Evergrande. Nhiệm vụ đầu tiên của công ty này sẽ là nghiên cứu với ban quản lý của tập đoàn bất động sản xem “những đề xuất tái cơ cấu khả thi” có thể là gì, Tiffany Wong, một trong những nhà quản lý của A&M, được Nikkei Asia trích dẫn vào ngày 30 tháng 1, giải thích. “Ưu tiên của chúng tôi là xem có bao nhiêu hoạt động có thể được giữ lại, cơ cấu lại và tiếp tục hoạt động.”

Vào ngày công bố tại Hồng Kông, tổng giám đốc Evergrande, Xiao En, còn được gọi là Shawn Siu, nói với truyền thông Trung Quốc Caijing rằng việc thanh lý này sẽ không ngăn cản việc tập đoàn tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc và nước ngoài, đồng thời đảm bảo rằng các nhà ở đang được xây dựng sẽ được hoàn thành đúng quy định. Nhưng quy mô và độ phức tạp của Evergrande lớn đến mức việc thanh lý nó có thể mất nhiều năm. Karl Choi, người đứng đầu China Property Research/bộ phận Nghiên Cứu Tài Sản Trung Quốc tại Bank of America Securities, cảnh báo, chỉ riêng việc giải quyết vấn đề nợ của tập đoàn sẽ là “một quá trình rất lâu dài và gay go”.

Một vấn đề khác sẽ là sự thanh lý được công bố ở Hồng Kông sẽ được chính quyền Bắc Kinh thực hiện như thế nào. Thật vậy, phần lớn tài sản của Evergrande nằm ở lục địa Trung Quốc, nơi hệ thống pháp luật rất khác so với Hồng Kông. Tác động trong tương lai của việc thanh lý gã khổng lồ bất động sản đối với các tập đoàn khác sẽ là gì? Brock Silvers, tổng giám đốc của Kaiyuan Capital, công ty môi giới tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Việc Evergrande nay bị đưa vào tình trạng thanh lý đã tạo tiền lệ cho các tập đoàn nước ngoài đang tìm kiếm lệnh của tòa án để thanh lý các tập đoàn Trung Quốc có khoản nợ lũy kế vượt quá 100 tỷ USD đến hạn trong năm nay”.

Nhưng sự phức tạp của các vấn đề của Evergrande làm dấy lên nghi ngờ về giai đoạn tiếp theo. Kher Sheng Lee, một luật sư Hồng Kông, tổng giám đốc công ty Asia Pacific và là người đứng đầu Alternative Investment Management Association/Hiệp hội Quản lý Đầu tư Thay thế, được truyền thông Nhật Bản trích dẫn: “Với việc thanh lý Evergrande, chúng ta đang bước vào vùng biển chưa ai biết. Người thanh lý có thể nắm quyền kiểm soát một phần số tài sản ở nước ngoài, nhưng hậu quả [ở Trung Quốc] vẫn chưa rõ ràng. Đây sẽ là một quá trình phức tạp kéo dài nhiều năm và để lại nhiều câu hỏi không được giải đáp”.

Tuy nhiên sự sụp đổ của gã khổng lồ bất động sản này, vốn tuyên bố muốn tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc, có thể gây ra hậu quả nặng nề cho nền kinh tế nước này. Liệu quyết định này của tòa án, được đưa ra tại khu vực Hồng Kông bán tự trị của Trung Quốc, có thể thành hiện thực ở Trung Quốc đại lục, nơi tập đoàn có trụ sở không? Ban lãnh đạo của gã khổng lồ bất động sản đảm bảo là không. Shawn Siu khẳng định: do công ty con ở Hồng Kông độc lập với các hoạt động của tập đoàn tại Trung Quốc, do đó, tập đoàn này sẽ “làm mọi thứ để có thể bảo vệ sự ổn định của các hoạt động và nghiệp vụ toàn quốc của mình (ở lục địa)”. Nhưng không có gì là chắc chắn cả. Đối với Lance Jiang, đối tác tái cơ cấu tại công ty luật Ashurst, được Bloomberg trích dẫn, “thị trường sẽ rất chú ý đến những gì các nhà thanh lý được chỉ định có thể làm và đặc biệt là vấn đề liệu họ có được một trong ba tòa án tối cao của Trung Quốc công nhận hay không”.

Và lý do là: Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã ký một thỏa thuận vào năm 2021, cho phép tính hỗ tương của các quyết định pháp lý được đưa ra trên lãnh thổ, đặc biệt liên quan đến các vấn đề thương mại. Lance Jiang nhấn mạnh: “Nếu không có sự công nhận này, những người thanh lý sẽ có rất ít quyền lực đối với các tài sản [do Evergrande] nắm giữ ở Trung Quốc đại lục”.

90% số tài sản này nằm ở Trung Quốc. Tờ New York Times giải thích, để cố gắng khởi động lại các công trường trong khi hàng trăm cá nhân vẫn đang chờ căn hộ họ đã mua được hoàn thành, chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực lên các công ty xây dựng. Dan Anderson, thuộc công ty Freshfields Bruckhaus Deringer, nói với Financial Times: “Mọi người sẽ theo dõi xem quyền của các chủ nợ có được tôn trọng hay không”. Ông nói thêm: “Điều này sẽ có tác động lâu dài đối đến hoạt động đầu tư vào Trung Quốc”, trong khi Bắc Kinh vẫn cần đầu tư nước ngoài, vốn đã bị suy yếu do căng thẳng ngoại giao với Washington.

Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng tại Creditsights Singapore, được hãng Bloomberg trích dẫn: “Tôi nghi ngờ rằng các chủ nợ nước ngoài sẽ nhận được một khoản thu hồi đáng kể” từ việc thanh lý này. Gary Ng, chuyên gia kinh tế tại Natixis SA, cũng được Bloomberg phỏng vấn, cảnh báo nếu “tác động kinh tế vĩ mô có thể được ngăn chặn”, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang chứng kiến ​​hiệu ứng quả cầu tuyết” có khả năng làm suy giảm niềm tin của họ đối với Bắc Kinh về lâu dài.

ẨN SỐ CỦA NỀN TƯ PHÁP TRUNG QUỐC

Việc thanh lý Evergrande được công bố diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc đã rất căng thẳng trong những tháng gần đây. Một gã khổng lồ địa phương khác, Country Garden, cũng vỡ nợ vào cuối tháng 10, trong khi một tập đoàn lớn thứ ba, Sunac, đã phải tìm kiếm một thỏa thuận để cơ cấu lại khoản nợ của mình.

Theo Shane Oliver, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính AMP, được AFP trích dẫn, phán quyết của tòa án Hong Kong là “một giai đoạn mới” trong cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Trong một lĩnh vực chưa thể cất đầu lên trên mặt nước kể từ năm 2021, một chuyên gia khác, Andrew Collier thuộc công ty Orient Capital, được CNN trích dẫn, phân tích: “việc thanh lý Evergrande là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các biện pháp triệt để để chọc thủng bong bóng bất động sản. Đây là điều tốt cho nền kinh tế về lâu dài. Nhưng trong ngắn hạn, việc chọc thủng bong bóng bất động sản sẽ rất khó khăn.

Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, được tờ Washington Post trích dẫn, cảnh báo: “Không ai tin rằng tình hình kinh tế sẽ được cải thiện” sau đợt thanh lý này. “Evergrande chứng minh cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy mức độ rủi ro khi đầu tư vào các thực thể Trung Quốc ở Hồng Kông. Điều này đã rõ ràng trước đây, nhưng với việc thanh lý không cho phép bất kỳ quyền truy cập vào tài sản nào, bây giờ nó sẽ càng rõ ràng hơn.

Theo số liệu chính thức, vào tháng 12, các thành phố chính của Trung Quốc một lần nữa ghi nhận giá bất động sản giảm so với tháng trước, bất chấp nhiều kế hoạch từ chính quyền nhằm hỗ trợ lĩnh vực này. Trong số 70 thành phố tạo nên chỉ số tham chiếu chính thức, 62 thành phố bị ảnh hưởng, so với 33 thành phố vào tháng 1 năm 2023, một dấu hiệu cho thấy tình hình đang xấu đi. Tổng cộng, các ngân hàng Trung Quốc đã cho lĩnh vực bất động sản vay gần 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,186 tỷ USD) vào năm ngoái, theo dữ liệu gần đây do chính quyền nước này cung cấp.

Vụ phá sản ngoạn mục của Evergrande đã làm hàng ngàn người tiết kiệm nhỏ bị sạt nghiệp. Nhưng đồng thời nó báo hiệu sự kết thúc của việc kiếm tiền dễ dàng ở Trung Quốc. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy một thời kỳ thịnh vượng ở đất nước này đang chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy trong hơn 40 năm qua. Việc thanh lý này diễn ra trong bối cảnh của sự kết thúc của kỳ tích kinh tế Trung Quốc và của tốc độ tăng trưởng siêu tốc mà Trung Quốc đã trải qua gần 40 năm nay. Bất động sản ở Trung Quốc đã tạo ra khoản nợ công và tư khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD. Một bong bóng từ lâu đã có nguy cơ vỡ tung.

Sự thật vẫn là việc thanh lý Evergrande là một trong những hậu quả của hoạt động đầu cơ do sự gia tăng đáng kể của giá đất đã tạo ra làn sóng xây dựng quá mức. Ngày nay, có rất nhiều ngôi nhà trống trên khắp đất nước đến mức có thể chứa hàng trăm triệu người, một quan chức Trung Quốc trong lĩnh vực này gần đây đã cho biết.

Hơn 90% tài sản của gã khổng lồ nằm ở lục địa. Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật ở Trung Quốc, việc thanh lý có thể bị cản trở lâu dài miễn là chính quyền Bắc Kinh muốn. Vì các tòa án Trung Quốc đều do Đảng Cộng sản kiểm soát nên Đảng Cộng sản sẽ là tổ chức duy nhất quyết định chương trình nghị sự. Tuy nhiên, thời điểm đưa ra quyết định vẫn chưa đến vì Trung Quốc kỷ niệm Tết Nguyên đán từ ngày 10 tháng 2, ngày lễ mà hàng trăm triệu người Trung Quốc trở về các thị trấn và làng quê hương của họ.

Tác động của thảm kịch này sẽ đặc biệt khắc nghiệt đối với người lao động nhập cư vì lĩnh vực xây dựng đã tuyển dụng khoảng 50 triệu người Trung Quốc, nhiều người trong số họ hiện đang thất nghiệp. James Palmer, phó tổng biên tập tờ Foreign Policy, cho biết hôm thứ Ba: “Việc chính phủ kiểm soát lĩnh vực xây dựng có thể làm tăng thêm sự nghi ngờ và làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng vì không ai có thể tin vào những con số. Dù số phận của Evergrande thế nào đi chăng nữa, các nhà đầu tư vẫn có thể nghe thấy tiếng chuông báo hiệu là cuộc chơi đã kết thúc.”

Với sự suy sụp của Evergrande, hình ảnh và uy tín của Trung Quốc trên thế giới ngày càng tan rã. Một Trung Quốc, với quyền lực toàn năng lâu nay không bị tranh chấp, ngày nay đang bị đặt thành vấn đề trong giới kinh tế và tài chính ở Phương Tây, vào thời điểm nhiều nhà đầu tư đang cuốn gói ra đi hướng tới các quốc gia khác an toàn hơn như Việt Nam, Malaysia hay đặc biệt là Ấn Độ.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Evergrande en liquidation: la peur d'un effet domino pour l'immobilier en Chine”, Asialyst, 03.02.2024




Chú thích:

[*] Cựu phóng viên AFP, Pierre-Antoine Donnet là tác giả của 15 cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản “Sự lãnh đạo toàn cầu đang bị nghi ngờ, Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ/Le leadership mondial en question, L'affrontement entre la Chine et les États-Unis” tại NXB l'Aube. Ông cũng là tác giả của cuốn “Tibet chết hay sống/Tibet mort ou vif”, được NXB Gallimard xuất bản vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một phiên bản cập nhật và bổ sung. Sau “Trung Quốc, kẻ săn mồi vĩ đại/Chine, le grand prédateur”, xuất bản năm 2021 bởi NXB L'Aube, ông đã chỉ đạo tác phẩm tập thể “Hồ sơ Trung Quốc/Le Dossier chinois” (NXB Cherche Midi) vào cuối năm 2022, rồi đầu năm 2023 cuốn “Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát/Confucius aujourd'hui, un héritage universaliste” (NXB L’Aube).

Print Friendly and PDF