2.3.24

Một con đường, một thung lũng

Cập nhật ngày 18/6/2023, khi Chính phủ Pháp quyết định đưa Manouchian và vợ (cũng là một người kháng chiến) vào điện Panthéon, nơi vinh danh những vĩ nhân (“grands hommes”) của nước Pháp. Bài này thay thế bài đã đăng ngày 9/9/2006.

MỘT CON ĐƯỜNG, MỘT THUNG LŨNG

Cao Huy Thuần

 

Đó là một người, một nhóm người ngoại quốc, đến từ nhiều nơi.
Một người, một nhóm người, không có tên trong quê hương mình khi sống,
nhưng khi chết lại để tên cho quê hương người.

 

Con đường mang tên là “Nhóm Manouchian”. Thung lũng thì không có tên. Con đường, vì có tên, cho nên có khai sinh, có hộ khẩu. Thung lũng, không có tên, cho nên cũng không có tuổi, không biết nằm ở đâu, nằm đâu cũng được. Có tên hay không tên, cả hai đều nói lên một chuyện: chuyện chiến tranh.

Con đường “Nhóm Manouchian” nằm ở quận 20, thành phố Paris. Được khánh thành năm 1955, nó ghi lại một sự kiện lịch sử của thế chiến thứ hai, tuyên dương một người, một nhóm người, đã hy sinh trong kháng chiến giải phóng nước Pháp khỏi đô hộ của Đức quốc xã. Đó là một người, một nhóm người ngoại quốc, đến từ nhiều nơi. Một người, một nhóm người, không có tên trong quê hương mình khi sống, nhưng khi chết lại để tên cho quê hương người.

Missak Manouchian là người Arménie, sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mồ côi từ bé, cha anh bị lính giết, mẹ anh chết trong một trận đói. Cùng với dân tộc Armenia, anh mang trong đầu từ khi chín tuổi dấu ấn của kỳ thị diệt chủng mà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng đối với dân tộc của anh. Năm 19 tuổi, Manouchian qua Pháp, làm thợ, tự học, làm thơ, làm báo. Anh gia nhập đảng Cộng sản Pháp năm 1934, lúc 28 tuổi, sinh hoạt trong tổ công nhân ngụ cư. Năm 1940, khi Pháp thua trận, tổ ấy tham gia kháng chiến bí mật, anh chỉ huy một mạng lưới du kích 23 người trong đó có một phụ nữ, phá hoại những cơ sở của Đức trong thành phố, đặt bom, giật mìn, phá đường sắt, phục kích quân đội Đức, gây bất an cho chính quyền cộng tác với địch. Ngày 16-11-1943, Manouchian bí mật đến nơi hẹn với cấp chỉ huy trên bờ sông Seine, anh không ngờ có kẻ phản bội ngầm báo với mật vụ, cả anh và tổ 23 người sa tuốt vào lưới.

Nhà cầm quyền Đức tổ chức ba ngày xử án rầm rộ, với báo chí, phim ảnh rôm rả, cốt làm dân chúng Pháp thù ghét bọn khủng bố ngoại quốc đang đe dọa an ninh của họ. Sự thật rành rành ra đấy: trong 23 người của nhóm, 8 là Ba Lan, 5 là Ý, 3 là Hung, 2 là Armenia, 1 Tây Ban Nha, 1 Rumani, chỉ 3 người là Pháp. Tệ hơn nữa, 9 người trong bọn họ là máu Do Thái và tất cả đều là cộng sản hoặc thân cộng.

Tường thành phố khắp nước Pháp tràn ngập bích chương đỏ in ảnh và tên những người ngoại quốc dã man đó. Bộ máy tuyên truyền của Đức nghiên cứu bích chương rất kỹ: phải là màu đỏ như máu đã chảy từ bàn tay thảm sát của bọn họ; phải ghi rõ “sát nhân thường phạm”, không phải quân giải phóng; phải in toàn ảnh râu tóc xồm xoàm, và dưới mỗi tấm ảnh dữ tợn đó ghi một tên ngoại quốc; không in ảnh và tên của ba người Pháp; ghi thành tích sát hại và số nạn nhân dưới tên mỗi người... Bích chương dán tường được hỗ trợ thêm bằng truyền đơn, mặt sau viết: “nếu người Pháp ăn cắp, phá hoại, giết người, đó là vì bị ngoại quốc điều khiển; chính người thất nghiệp và kẻ sát nhân chuyên nghiệp đã thừa hành lệnh của chúng; chính bọn Do Thái xúi họ”. Qua bích chương, bộ máy tuyên truyền nhắm triệt hạ uy tín của kháng chiến, biến kháng chiến thành tổ chức khủng bố chống lại nước Pháp và dân Pháp, khai thác triệt để khuynh hướng bài ngoại, bài Do Thái, bài bôn-sê-vích tiềm tàng trong đầu một phần dân chúng.

Ngày 21-2-1944, Manouchian và 21 đồng đội bị xử bắn; người đồng chí phụ nữ duy nhất bị chặt đầu tại Đức. Trước khi chết, Manouchian để lại một bức thư cho vợ. Mấy ai trước khi bị bắn mà viết được một thư như thế này, bình thản, trong sáng, hồn nhiên tin ở tương lai, ở hạnh phúc của những người ở lại:

“Mélinée yêu dấu, em mồ côi yêu dấu của anh,

Trong vài giờ nữa, anh sẽ không còn ở trên cõi đời này. Các bạn và anh sẽ bị bắn vào chiều nay lúc 3 giờ. Chuyện này đến với anh như một biến cố trong đời, anh không tin nhưng anh biết rằng không bao giờ anh nhìn thấy em nữa.

Anh viết gì cho em đây? Trong anh, cái gì cũng mập mờ, nhưng đồng thời cái gì cũng rất sáng tỏ.

Anh gia nhập Giải phóng quân như lính tự nguyện và anh chết sát kề ngày Chiến Thắng và đích cuối cùng. Hạnh phúc cho ai còn sống sau anh và hưởng được êm ả của Tự Do và Hòa Bình ngày mai sắp đến. Anh tin chắc dân tộc Pháp và tất cả chiến sĩ của Tự Do sẽ biết tưởng nhớ đến anh và bạn bè của anh trong vinh dự cao quý. Trước khi chết, anh nói to rằng anh không nuôi một hận thù nào đối với dân tộc Đức và đối với bất cứ ai, mỗi người sẽ nhận lãnh thưởng phạt xứng đáng với hành động mình làm. Dân tộc Đức và tất cả mọi dân tộc khác sẽ sống trong hòa bình và tình huynh đệ sau chiến tranh sẽ chấm dứt nay mai. Hạnh phúc cho tất cả... Anh chỉ ngậm ngùi tiếc vô cùng đã không làm cho em sung sướng, anh muốn có một đứa con với em, cũng như em đã từng mong muốn như thế. Bởi vậy, anh mong em sẽ lấy chồng sau chiến tranh, em nhé, và có một đứa con để anh vui, và để thực hiện ý muốn cuối cùng của anh, em hãy cưới người nào có thể làm em sung sướng. Tất cả gia tài, tất cả của cải của anh, anh để lại cho em và chị của em và các cháu của anh. Sau chiến tranh, em sẽ hưởng quyền trợ cấp chiến tranh như là vợ của anh, vì anh chết như lính chính quy của quân đội giải phóng Pháp.

Với trợ giúp của bạn bè còn nhớ đến anh, em in thơ và những bài viết của anh, đáng đọc. Nếu được, em mang những kỷ niệm của anh về trao lại cho thân nhân của anh ở Armenia. Chốc nữa đây, anh sẽ chết với 23 đồng chí, chết trong can đảm và thanh thản của một người có lương tâm yên ổn, bởi vì bản thân anh chưa hề làm hại ai, và nếu anh có làm hại ai, anh đã làm không hận thù. Hôm nay, mặt trời đang sáng. Anh nhìn mặt trời và thiên nhiên đẹp đẽ mà anh đã yêu quý hết mình để nói lời từ giã với cuộc đời và với em, vợ yêu dấu của anh, và với bạn bè thân yêu của anh. Anh tha thứ cho bất cứ ai đã làm hại anh hoặc muốn làm hại anh, trừ người đã phản bội chúng ta để cứu mạng và những người đã bán đứng chúng ta. Anh ôm em chặt trong lòng, và cùng với em, ôm chị của em và tất cả bạn bè đã biết anh từ gần, từ xa, anh siết chặt tất cả trong tim anh. Vĩnh biệt. Bạn của em, đồng chí của em, chồng của em”.

Mười một năm sau khi Manouchian bị bắn, thành phố Paris hiến tặng nhóm của ông một con đường: đường “Groupe Manouchian”. Trừ những danh nhân trong lịch sử, có bao nhiêu khách bộ hành đọc tên đường mà thắc mắc tự hỏi đó là ai. Manouchian may mắn hơn nhiều vì tên anh bất tử nhờ một bài thơ. Năm 1955, khi khánh thành con đường, Aragon viết bài thơ bất hủ “Bích chương đỏ” đã nổi tiếng trong văn học lại càng nổi tiếng hơn nữa khi bài thơ được Léo Ferré phổ nhạc và hát. Đoạn cảm động nhất trong bài thơ là đoạn Aragon thi hóa bức thư của Manouchian. Nhưng, đối với tai và tim người Pháp, rung động sâu hơn nữa đến từ những đoạn gợi lên tình tự quốc gia, khi nhà thơ vinh danh các người ngoại quốc đã chết cho nước Pháp. Aragon đã Pháp hóa cái chết của Manouchian? Đã chính trị hóa một lời trăn trối?

Câu hỏi có lẽ đã không được đặt ra nếu Aragon chỉ là thi sĩ. Nhưng Aragon, thi sĩ quá lớn, lại là đảng viên cao cấp của đảng cộng sản. Có người đọc thơ chỉ thấy Aragon. Cũng có người đọc thơ chỉ thấy đảng cộng sản. Được vinh danh, chắc Manouchian cũng ngậm cười nơi chín suối. Nhưng nghe tranh cãi, không biết anh cười nụ hay cười thầm.

Aragon là nhà thơ lớn trung thành với đảng cộng sản Pháp suốt đời, khác với nhiều văn thi sĩ và trí thức khác nửa đường đứt gánh với đảng, hoặc vì thất vọng trước kinh nghiệm xương máu của Liên Xô, hoặc vì bất đồng quan điểm với lãnh đạo. Dù sao, khi bài thơ được phổ biến - 11 năm sau ngày giải phóng và 2 năm sau khi Stalin chết - nhà độc tài vẫn chưa bị hạ bệ và dân tộc Pháp vẫn còn chưa quên nhục nhã đầu hàng. Một phần cánh hữu đã hợp tác với kẻ thù để dựng lên chế độ lệ thuộc; cánh tả, mà oanh liệt nhất là đảng cộng sản, đã tham gia kháng chiến trong lòng địch, hy sinh lớn nhất, chết vì nước nhiều nhất, tổn thất nặng nề nhất, đến độ đảng cộng sản được gọi là “đảng của những người bị địch bắn”.

Nguyên thủy, đảng cộng sản Pháp, cũng giống như các đảng cộng sản khác ở Âu châu, đã được dựng và lớn lên với lý tưởng vô sản quốc tế, không tương hợp với chủ nghĩa quốc gia. Lý tưởng quốc tế đó bị đổ vỡ trước khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, lúc hai đảng lớn nhất ở Âu châu, Pháp và Đức, không ngăn nổi thủy triều dân tộc chủ nghĩa ào ào tràn ngập lòng người, kể cả lòng đảng viên. Hàng triệu người đã chết trong chiến tranh 1914-18 “tưởng là chết cho tổ quốc, hóa ra là chết cho bọn kỹ nghệ gia”. Đó là câu nói của văn hào Anatole France. Mỉa mai hơn, và cay đắng hơn, câu kết luận của Marx dưới “Tuyên ngôn cộng sản” được người đời sửa lại để giễu cợt thực tế: “Vô sản toàn thế giới, hãy tàn sát chém giết nhau!”

Aragon, y sĩ giữa trận tuyến, đã nhìn chiến tranh với mắt của một người tỉnh táo, chỉ thấy chết chóc vô nghĩa cho một thứ quốc gia chủ nghĩa rỗng tuếch. Kinh nghiệm chiến trường của ông chắc không xa lạ gì với dấn thân chính trị, khi ông chọn đảng cộng sản, như rất nhiều trí thức khác lúc đó, để định hướng cho lý tưởng của mình.

Nhưng chiến tranh 14-18 không giống chiến tranh 40-45. Chiến tranh thứ nhất là chiến tranh trong lòng chủ nghĩa tư bản, giữa các nước tư bản kỹ nghệ, để thống trị đế quốc. Chiến tranh thứ hai nhắm vào một kẻ địch chủ trương một lý thuyết phi nhân. Đối với Pháp, đó còn là chiến tranh giải phóng đất nước. Lý thuyết phi nhân giết chết tự do con người. Chiến tranh xâm lược giết chết tự do tập thể. Đối với người Pháp yêu nước, kháng chiến là chính nghĩa vì mục đích là giành lại độc lập quốc gia. Đối với người yêu tự do, chiến tranh chống phát xít là chính nghĩa vì để bảo vệ nhân phẩm. Lý tưởng quốc tế và lý tưởng quốc gia trùng hợp với nhau trong chiến đấu như cá với nước, khiến đảng cộng sản Pháp thoải mái với mình, với người, với lý thuyết, với hành động, trong một cuộc kháng chiến oai vang. Và Aragon thoải mái với thi tứ, thành thật với mình, thành thật với thơ, để ca tụng cái chết cho nước Pháp, chết vẫn gọi tên nước Pháp trên môi. Chiến tranh có ý nghĩa, cái chết có ý nghĩa, quốc gia có ý nghĩa, bảng đồng bia đá có ý nghĩa. Đảng cộng sản Pháp tiêu biểu xứng đáng cho tất cả những giá trị đó. Và bài thơ “Bích chương đỏ” toát ra sức mạnh của một bài hịch yêu nước.

Thế nhưng hơi thở quốc gia đó của bài thơ không làm một số người bằng lòng. Họ hỏi: Aragon có đi hơi xa không khi gọi những người ngoại quốc đó là những người “đã thành người Pháp vì chọn lựa”? Họ nêu một nghi vấn: trên một bích chương, ai đó trong đêm đã viết một chữ thật to bằng than: “Tuẫn Tiết”, chi tiết đó đã được tường thuật giữa chiến tranh trong một tờ báo đảng, tại sao “tuẫn tiết” biến thành “chết vì nước Pháp” trong bài thơ? Những người ngoại quốc đó chết cho nước Pháp hay chết cho tự do? Lý luận đó không phải thiếu căn cứ. Trong nhóm Manouchian, các người Do Thái chống lại cái gì mãnh liệt nhất nếu không phải là chính sách Đức quốc xã tận diệt dân tộc họ, tận diệt chất người trong con người? Nhiều người trong nhóm trước đó đã từng tự nguyện gia nhập “Quốc tế quân” qua Tây Ban Nha chiến đấu chống độc tài Franco, bảo vệ nền Cộng Hòa vừa bú mớm; họ gia nhập kháng chiến Pháp phải chăng cũng để tiếp nối bản trường ca quốc tế chủ nghĩa? Chẳng lẽ những người Hung, Ba Lan, Rumani trong nhóm không nghĩ rằng nước của họ cũng là nạn nhân của Hitler? Và Manouchian, nạn nhân của áp bức trong chính quê hương của anh, anh tranh đấu vì ai trước hết? Chỉ cần đọc lại bức thư cuối cùng của anh, tình nghĩa anh em quốc tế nồng nàn trong đó: “dân tộc Đức và tất cả các dân tộc khác sẽ sống trong hòa bình và tình huynh đệ sau chiến tranh sẽ chấm dứt nay mai. Hạnh phúc cho tất cả...”. Mở đầu bức thư, hai lần liên tiếp kề nhau, chữ Tự Do viết hoa nở như hai đóa hoa thắm. Tình cảm gì thân thiết nhất tỏa ra ngọt ngào trong bức thư nếu không phải là tình cảm hiến cho? Cho vợ, cho bạn, cho tự do, cho hòa bình, cho công lý, cho cả đất trời, cho cả mọi người: phải chăng Manouchian chết cho cả nhân loại, cái chết đó còn đẹp hơn cái chết cho một nước?

Thật khó làm vừa lòng tất cả mọi người, dù là một bài thơ rất hay, khi có chút chính trị vướng vào một câu, một chữ. Riêng tôi, tôi đem lòng yêu nước của tôi để đọc Aragon, và thú thật, rất chủ quan, tôi không thấy vướng víu mây chính trị trong bài thơ xanh ngát ấy. Tình yêu nước trong sáng nơi tôi dễ cảm thông với tình yêu nước trong sáng nơi nhà thơ. Nhưng cũng thú thật, rất chủ quan, tôi xúc động nhất khi Aragon thi hóa bức thư cuối cùng của người ngã xuống. “Hạnh phúc cho tất cả...” Cho người yêu, cho cả kẻ thù. Trong công tác phá hoại, tay của người ngã xuống đã bao nhiêu lần vấy máu, nhưng anh không có cảm tưởng đã làm hại ai vì lòng anh không thù hận, anh chết thanh thản. Lòng anh, cũng như cả ngày hôm ấy, mặt trời chiếu sáng. Anh làm chiến tranh nhưng lòng anh thanh bình. Cuộc đời đáng lẽ cũng thanh bình như thế, như thôn xóm Erevan yên lành trong ký ức hoài hương của anh. Thơ của Aragon có hay bao nhiêu đi nữa chưa chắc đã gây rung cảm sâu như bức thư từ giã người yêu.

Dịch thơ, nhất là thơ hay, lại là thơ vần, là việc làm tuyệt vọng. Nhưng không dịch thơ ra thơ thì không kể được chuyện con đường. Cho nên, dù bất lực, vẫn phải cố theo sát nghĩa.

Bích chương đỏ

Mười một năm, mười một năm rồi nhỉ

Đất vùi thây nào ai biết các anh

Sống không cần danh, chết không cầu nguyện

Mắt mở tròn, tay khí giới đấu tranh.

 

Địch phơi mặt anh trên tường thành phố

Bích chương đỏ ngầu, râu tóc hôi tanh

Tên các anh lạ như man rợ

Như quỷ từ đâu tàn sát dân lành.

 

Có ai trên đường biết anh chọn Pháp?

Người đi qua tránh mặt không nhìn

Nhưng trong đêm ngón tay nào lạc lối

Viết dưới tên anh “Chết Vì Nước” quang vinh.

 

Trời đất trắng tinh một màu tuyết trắng

Vĩnh biệt các anh tuyết trắng sáng ngời

Bỗng một người trong các anh lên tiếng:

“Hạnh phúc cho ai còn sống nơi nơi!

Dân Đức ơi, ta không hận các người!”

 

Vĩnh biệt khổ, vĩnh biệt vui, vĩnh biệt hoa hồng

Vĩnh biệt cuộc đời, vĩnh biệt mặt trời và gió

Em yêu, hãy lấy chồng và nhớ đến anh

Hạnh phúc nhé em trong sắc màu rạng rỡ

 

Khi Erevan đã hết chiến tranh

Mặt trời mùa đông sáng rực trên cành

Ôi đẹp quá thiên nhiên, tim anh tung vỡ

Chân ta bước và Công Bằng rộ nở

Ôi Mélinée, em yêu dấu mồ côi

Sống nhé em và tặng con nhỏ cho đời.

 

Các anh hăm ba người khi súng nổ

Hăm ba người hiến tuổi thanh xuân

Hăm ba kẻ nước ngoài nhưng anh em ta đấy

Hăm ba tình nhân yêu đến chết ngàn lần

Hăm ba người gọi nước Pháp thiết thân.

Thế hệ chúng tôi, khi sinh ra, nước vẫn còn nô lệ. Nếu độc lập là thiêng liêng, chiến tranh giành độc lập hẳn là tất yếu. Lớn lên từ người dân nô lệ, chúng tôi không thể, mà cũng không có quyền, kết án chiến tranh một cách trừu tượng, dù chiến tranh là chết chóc, dù chiến tranh luôn luôn có những mặt tiêu cực, kể cả chiến tranh chính nghĩa. Chiến tranh làm nên lịch sử, và không dân tộc nào không có lịch sử, không lịch sử nào không viết bằng máu. Nếu có ai hỏi tôi: chiến tranh có nghĩa lý gì không?, tôi nói: có. Có!

Nhưng đâu có phải chiến tranh nào cũng là chiến tranh giải phóng, chiến tranh tự vệ, chiến tranh chống áp bức? Đâu có phải chiến tranh nào cũng trong sáng để nhận lãnh xứng đáng cái chết của con người? Lịch sử thế giới và lịch sử mọi quốc gia cũng được viết bằng những chiến tranh danh nghĩa nhá nhem, đêm chẳng ra đêm, ngày chẳng ra ngày, đêm không ở hẳn bên đó, ngày không ở hẳn bên này. Trong những trường hợp đó, lấy gì biện minh cho cái chết? Tôi chết cho ai và để làm gì? Tại sao tôi phải giết người, tại sao người phải giết tôi? Ai có chút suy nghĩ không khỏi đặt thêm câu hỏi cao hơn về kiếp người: tại sao con người chém giết nhau? Đó là luật rừng hay luật người? Luật của sinh tồn hay luật của lòng tham? Có cái gì quý hơn mạng sống? Ai có quyền cắt đứt mạng sống của một người vô tội, bình thường? Ai có quyền đưa góa bụa vào má hồng, mồ côi vào tuổi thơ?

Tôi không cần phải đọc cả trăm pho sách để trả lời những câu hỏi không nguôi đó. Bao nhiêu triết gia, bao nhiêu văn hào đã nói lên cái vô lý của bao nhiêu chiến tranh, cái vô lý của chính chiến tranh. Nhưng nói cái vô lý, đâu cần lắm lời? Đâu cần tranh cãi như chuyện bích chương? Sau con đường có tên và có bao nhiêu cái lý của chiến tranh, đây là thung lũng không tên, không lời, im hơi bặt tiếng vì đang ôm một cảnh tượng phi lý trong lòng. Chuyện của con đường quá nhiều xôn xao. Chuyện của thung lũng là im lặng. Im lặng như một người đang ngủ. Người đang ngủ trong bài thơ của Rimbaud.

 

Người ngủ trong thung lũng

 

Đây lũng xanh có con sông hát

Bọt sóng tung giăng lưới trắng cỏ bờ

Ngạo nghễ núi cao mặt trời chói sáng

Thung lũng nằm nắng trải rêu tơ.

 

Chú lính ngủ, đầu trần, miệng mở,

Cổ vờn chơi với đám cỏ tranh.

Mây trôi trên trời và lá tươi lót nệm,

Nắng chan hòa soi mặt nhạt xanh.

 

Chân duỗi dài trong hoa huệ tím

Anh ngủ. Như bé đau cười ngủ trong nôi.

Đất trời ơi hãy ru thêm nắng ấm:

Giấc ngủ kia đã thấm lạnh rồi.

 

Hoa lá thơm không làm rung mũi,

Giữa mặt trời anh ngủ. Ngực dưới tay

Lặng yên. Và lặng yên hai hố sâu

Đổ máu. Trên sườn bên phải. Ngủ say.

 

Chiến tranh chỉ nằm trong một câu, chưa hết một câu, chỉ vài chữ. Toàn bài thơ là thiên nhiên thanh bình màu sắc. Giọng thơ dửng dưng, như không có gì. Có gì đâu, hai lỗ máu giữa lũng xanh. Mà sao có hai lỗ máu như vậy giữa cuộc đời êm ả này?

Nếu cái thung lũng hỏi tôi: chiến tranh có nghĩa lý gì không, tôi sẽ trả lời với nó gì đây?

Cao Huy Thuần

Chú thích

Nguyên văn hai bài thơ:

L’Affiche rouge (Louis Aragon)

Vous n’avez réclamé la gloire ni les larmes
Ni l’orgue, ni la prière aux agonisants
Onze ans déjà, que cela passe vite onze ans
Vous vous étiez servi simplement de vos armes
La mort n’éblouit pas les yeux des partisans.
Vous aviez vos portraits sur les murs de nos villes
Noirs de barbe et de nuit, hirsutes, menaçants
L’affiche qui semblait une tache de sang
Parce qu’à prononcer vos noms sont difficiles
Y cherchait un effet de peur sur les passants.
Nul ne semblait vous voir Français de préférence
Les gens allaient sans yeux pour vous le jour durant
Mais à l’heure du couvre-feu des doigts errants
Avaient écrit sous vos photos “Morts pour la France”
Et les mornes matins en étaient différents.
Tout avait la couleur uniforme du givre
À la fin février pour vos derniers moments
Et c’est alors que l’un de vous dit calmement:
“Bonheur à tous, bonheur à ceux qui vont survivre
Je meurs sans haine en moi pour le peuple allemand.”
Adieu la peine et le plaisir. Adieu les roses
Adieu la vie. Adieu la lumière et le vent
Marie-toi, sois heureuse et pense à moi souvent
Toi qui vas demeurer dans la beauté des choses
Quand tout sera fini plus tard en Erevan.
Un grand soleil d’hiver éclaire la colline
Que la nature est belle et que le coeur me fend
La justice viendra sur nos pas triomphants
Ma Mélinée, ô mon amour, mon orpheline
Et je te dis de vivre et d’avoir un enfant.
Ils étaient vingt et trois quand les fusils fleurirent
Vingt et trois qui donnaient le coeur avant le temps
Vingt et trois étrangers et nos frères pourtant
Vingt et trois amoureux de vivre à en mourir
Vingt et trois qui criaient la France en s’abattant.

bài hát của Léo Ferré

 

Le dormeur du val (Arthur Rimbaud)

 

C'est un trou de verdure où chante une rivière,
Accrochant follement aux herbes des haillons
D'argent; où le soleil, de la montagne fière,
Luit: c'est un petit val qui mousse de rayons.

Un soldat jeune, bouche ouverte, tête nue,
Et la nuque baignant dans le frais cresson bleu,
Dort; il est étendu dans l'herbe, sous la nue,
Pâle dans son lit vert où la lumière pleut.

Les pieds dans les glaïeuls, il dort. Souriant comme
Sourirait un enfant malade, il fait un somme:
Nature, berce-le chaudement: il a froid.

Les parfums ne font pas frissonner sa narine;
Il dort dans le soleil, la main sur sa poitrine,
Tranquille. Il a deux trous rouges au côté droit.

Nguồn: Một con đường, một thung lũng, DienDan.Org, 19/06/2023

Print Friendly and PDF