24.3.24

Ukraine: cuộc chiến mười năm của chúng ta

UKRAINE: CUỘC CHIẾN MƯỜI NĂM CỦA CHÚNG TA

Hôm nay chúng ta kỷ niệm điều gì? Có lẽ không phải là ngày bắt đầu cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine - có lẽ là ngày nó đã trở thành cuộc chiến tranh của chính chúng ta.

Một tài liệu học thuyết của Andreï Kourkov[*].

Vào ngày 31 tháng 1 năm 2014, một người biểu tình nghe quốc ca Ukraine. © Vianney Le Caer/Pacific Press/Sipa USA

------------------------------------------------------

Vào ngày 24 tháng 2, chúng tôi tiếp tục loạt ấn phẩm về Ukraine trong chiến tranh, hai năm sau mưu toan xâm lược quy mô lớn của Nga. Bạn có thể tìm thấy tất cả các ấn phẩm của chúng tôi về cuộc chiến này tại đây và đăng ký để nhận bản đồ và phân tích mới nhất của chúng tôi tại đây.

------------------------------------------------------

Ý nghĩa của ngày 24 tháng 2

Tại sao khắp nơi trên thế giới chúng ta không kỷ niệm 10 năm ngày Nga xâm lược? Tại sao lại thích nói về lễ kỷ niệm thứ hai của giai đoạn cuối cùng quy mô lớn của một cuộc chiến tranh lâu dài? Bởi vì cuộc chiến này thực sự đã bắt đầu vào ngày 20 tháng 2 năm 2014, sau vụ ám sát những người biểu tình ở quảng trường Maidan, với việc sáp nhập Crimée và sự xuất hiện của hai vùng ly khai trên lãnh thổ Ukraine: “cộng hòa” Lugansk và Donetsk. Đáng ngạc nhiên là ngay cả các nhà báo Ukraine cũng không thắc mắc tại sao không ai nói về cuộc chiến mười năm của chúng ta. Tuy nhiên, câu trả lời ít nhiều đã rõ ràng. Đối với Châu Âu, Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới, các sự kiện năm 2014-2015 được coi là chuyện “nội bộ”. Câu chuyện giữa Nga và Ukraine. Một cái gì đó giống như cuộc xâm lược của Nga chống lại Georgia năm 2008 - điều mà thế giới Phương Tây rất ít quan tâm. Cho đến gần đây, nhiều chính trị gia Châu Âu vẫn coi các quốc gia trước đây là một phần của Liên Xô là “một gia đình”, ngoại trừ Lituanie, Estonie và Lettonie. Trong gia đình nào cũng có những hiểu lầm và tai tiếng. Đôi khi những tranh chấp này trở nên bạo lực.

Chỉ hai năm trước - đặc biệt là sau các vụ thảm sát thường dân ở Boutcha, Vorzel, Irpin và Borodyanka - thế giới mới quyết định không còn coi cuộc chiến này là một “xung đột nội bộ” và cuối cùng đứng về phía nạn nhân của cuộc xâm lược của Nga: Ukraine.

Đây là lý do tại sao tôi không coi ngày kỷ niệm này là ngày kỷ niệm lần thứ hai hay lần thứ mười cuộc xâm lược của Nga, mà là ngày kỷ niệm lần thứ hai thời điểm thế giới dân chủ cuối cùng đã nhìn thấy ánh sáng. Kể từ thời điểm Châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác ý thức rằng chúng ta đang trên bờ vực của Thế chiến thứ ba và thảm họa này chỉ có thể tránh được bằng cách ngăn chặn Putin và cuộc xâm lược của Nga. Bởi vì cuộc xâm lược này không chỉ nhắm vào Ukraine: nó tấn công toàn bộ các giá trị dân chủ và các quốc gia bảo vệ những giá trị này.

Cuộc xâm lược này không chỉ nhắm vào Ukraine: nó tấn công toàn bộ các giá trị dân chủ và các quốc gia bảo vệ những giá trị này.

ANDREÏ KOURKOV

Về phần mình, người Ukraine không còn dừng lại ở các thời điểm nữa. Tại Kiev vào Chủ nhật tuần trước, ngày 18 tháng 2, trên quảng trường Maidan, chúng tôi nhớ đến những người biểu tình bị lính bắn tỉa giết chết mười năm trước. Chúng tôi cũng đã nói về việc sáp nhập Crimea... Nhưng chủ đề chính của cuộc trò chuyện là Avdiivka. Quân đội Nga đã thực hiện mệnh lệnh của Putin để đạt được chiến thắng kiểu Pyrrhus (một chiến thắng gây tổn hại cho chính kẻ chiến thắng – theo huyền thoại Hy Lạp cổ - ND), đúng lúc cho “cuộc bầu cử tổng thống” vào tháng 3. Việc chiếm được Avdiivka là kết quả trực tiếp của việc thiếu đạn pháo và hệ thống phòng không hiệu quả trong khu vực chiến đấu. Thị trấn Avdiivka, vốn đã bị phá hủy bởi hàng nghìn quả bom nặng nửa tấn của Nga thả từ máy bay và hàng trăm nghìn quả đạn pháo của Nga, đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội của Putin.

Vào ngày 4 tháng 2 năm 2014, một người biểu tình gần các chướng ngại vật. © Vianney Le Caer/Pacific Press/Sipa USA

Thành phố đã chống chọi được với phe ly khai và quân đội Nga trong gần mười năm, sự sụp đổ của nó không được Putin coi là một chiến thắng đủ. Quân đội Nga sẽ cố gắng tiến tới các khu vực khác của mặt trận để tìm kiếm những nơi có thể chọc thủng tuyến phòng thủ của chúng ta và phủ đầy trên truyền thông Nga những bức ảnh về những “người lính Nga anh hùng” ra trận và hy sinh “vì Tổ quốc, vì Putin.” Putin cần tất cả những thông điệp này cho người tiêu dùng Nga trong nước, những người cần được nuôi dưỡng với nhng lý do để tự hào một cách đều đặn.

Hiệu ứng Navalny

Châu Âu và Hoa Kỳ cần những thông điệp khác. Và một trong số đó đã được chuyển đến họ vào ngày đầu tiên của hội nghị an ninh Munich: tin tức về cái chết của Navalny.

Quân đội Nga sẽ cố gắng tiến tới các khu vực khác của mặt trận để tìm kiếm những nơi có thể chọc thủng tuyến phòng thủ của ta và phủ đầy trên truyền thông Nga những bức ảnh về những “người lính Nga anh hùng” ra trận và hy sinh “vì Tổ quốc, vì Putin”.

ANDREÏ KOURKOV

Không còn “Navalny” ở Nga nữa. Navalny là người có một không hai, vô song và anh đã bị giữ lại trong ngục tù. Những người biết nước Nga của Putin đều hiểu rằng Navalny sẽ không bao giờ sống sót ra khỏi tù. Ở Nga, việc tù nhân chết khi bị giam giữ là chuyện khá phổ biến. Thông thường thi thể của họ chỉ được vận chuyển đến nghĩa trang. Nhưng nếu một cái chết có thể biến thành một thông điệp thì nó phải được sử dụng với hiệu quả tối đa.

Cứ như thể ai đó ở Điện Kremlin đã khéo léo lên kế hoạch để thay đổi chương trình nghị sự của hội nghị an ninh Munich nhằm buộc những người tham gia nói ít về Ukraine và nhiều hơn về Nga. Kế hoạch này đòi hỏi một sự kiện có tầm quan trọng lớn trong mắt cộng đồng dân chủ toàn cầu - nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì ở Nga. Và kế hoạch đã thành công. Nga - một con yêu tinh đáng sợ - và Navalny - rất dễ bị giết hại - đã trở thành trung tâm của sự quan tâm tại hội nghị Munich.

Nhưng cú sốc do tin Navalny qua đời tại một nhà tù của Nga đã khiến những người tham gia rút ra kết luận hợp lý duy nhất: đối mặt với loại hàng xóm này, cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Ukraine.

Ngày nào Navalny còn sống thì số phận của anh ta còn là con át chủ bài mà Nga có thể sử dụng cho mọi cuộc đàm phán, trao đổi. Phương Tây có lẽ sẽ sẵn sàng từ bỏ một số lượng lớn điệp viên và sát thủ người Nga đang mòn mỏi trong các nhà tù Châu Âu và Mỹ để đổi lấy việc trả tự do cho anh. Gần đây, nhật báo Bild của Đức đưa tin rằng Navalny sắp được đổi lấy đặc vụ Nga Vadim Krasikov, kẻ đã giết một người di cư chính trị từ Tchétchène ở Berlin. Nhưng việc thả Navalny ra khỏi tù và để anh ra nước ngoài sẽ củng cố đáng kể phong trào đối lập chống Putin trong những người di cư. Và điều đó không nằm trong danh sách các ước muốn của Điện Kremlin.

Ngày nào Navalny còn sống thì số phận của ông ta còn là con át chủ bài mà Nga có thể sử dụng cho mọi cuộc đàm phán, trao đổi.

ANDREÏ KOURKOV

Giờ đây, Nga sẽ trao đổi các điệp viên và kẻ giết người của mình để đổi lấy phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal hoặc những công dân nước ngoài khác đã thiếu thận trọng khi đến đất nước nguy hiểm này vào thời điểm tồi tệ đối với toàn bộ nền trật tự thế giới.

Chẳng bao lâu nữa, các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đến Ukraine để đưa tin về “hai năm chiến tranh” sẽ trở về nhà với ý thức đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục, và không gì khác ngoài tình trạng của tiền tuyến có thể cho chúng ta biết liệu viện trợ quân sự mà Liên Minh Châu Âu và Hoa Kỳ hứa hẹn cuối cùng đã đến hay chưa. Bởi vì nếu không có viện trợ quân sự, chiến tuyến sẽ dần bị đẩy lùi, kích hoạt các cơ chế sơ tán bắt buộc dân thường ra khỏi các thị trấn và làng mạc mà pháo binh Nga có thể với tới.

Cụm từ “sơ tán bắt buộc” có vẻ rất khắc nghiệt. Nhưng trên thực tế, chính quyền Ukraine chưa học được cách sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm bằng vũ lực. Cùng lắm là họ chuyển trẻ em đến nơi an toàn, đôi khi trái với ý muốn của cha mẹ hoặc người thân. Đôi khi gần như không thể làm được điều đó. Cảnh sát và tình nguyện viên Ukraine đã phải mất nhiều tuần để tìm kiếm những đứa trẻ được cha mẹ giấu trong đống đổ nát ở Bakhmout và Avdiivka. Chỉ khi tìm thấy những đứa trẻ, cha mẹ của chúng, những người không muốn bị bỏ lại một mình trong đống đổ nát, mới đồng ý di tản cùng với chúng.

Vào ngày 2 tháng 2 năm 2014, một người biểu tình hát quốc ca Ukraine trong một cuộc biểu tình trên Quảng trường Maidan. © Ảnh Vianney Le Caer/Pacific Press/Sipa USA

Hình xăm Chúa Giêsu trên cánh tay

Ở Avdiivka, khoảng 900 dân thị trấn vẫn đang ẩn náu trong các tầng hầm và đống đổ nát. Đây là những người lớn đã hàng chục lần được đề nghị sơ tán nhưng đều từ chối rời đi. Khi quân Nga chiếm được nửa thành phố, chiếc xe cuối cùng chở hai người phụ nữ đang khóc và một con chó phóng tốc độ cao về phía các vị trí của Ukraine.

Ở Avdiivka, khoảng 900 cư dân thị trấn vẫn đang ẩn náu trong các tầng hầm và đống đổ nát.

ANDREÏ KOURKOV

Trong số những người còn ở lại trong đống đổ nát đã bị người Nga chiếm giữ, chỉ có một người dân đồng ý trả lời phỏng vấn các nhà báo Nga. Anh ta nói với họ: “Cảm ơn rất nhiều vì đã giải phóng !”. Người quay phim và phóng viên truyền hình Nga không tìm thấy ai khác sẵn lòng cảm ơn quân đội Nga. Có thể sau này họ sẽ tìm được ai đó. Có thể họ sẽ đổi lấy một ổ bánh mì và một hộp thịt hầm để mua một lời “cảm ơn” khác. Trong nhiều tháng, người dân còn lại trong vùng chiến sự đã nhận được thức ăn và nước uống từ binh lính và tình nguyện viên Ukraine, những người liên tục liều mạng để giúp họ không bị chết đói.

Lính Ukraine sẽ làm gì nếu Phương Tây tiếp tục trì hoãn viện trợ quân sự? Họ hy vọng điều gì? Liệu họ có phó thác vào sự giúp đỡ của Chúa không?

Sự ủng hộ tinh thần – niềm tin vào chiến thắng – đã trở thành nhân tố quan trọng đối với những người lính ở mặt trận. Mỗi đơn vị có một sĩ quan được đào tạo để quản lý các vấn đề sức khỏe tâm thần nhẹ - căng thẳng, trầm cảm hoặc hung hăng. Họ làm công việc này với hết khả năng của mình, nhưng những người lính đặt niềm tin nhiều hơn vào các tuyên úy, những người đại diện trực tiếp của Giáo hội, những người không phải là sĩ quan và chiến đấu bên cạnh họ nếu cần thiết.

Các tuyên úy chỉ xuất hiện trong toàn quân đội Ukraine vào tháng 10 năm 2022. Họ được đưa vào danh sách nhân sự của các đơn vị quân đội. Họ nhận lương và sống trong doanh trại cùng với những người lính khác. Trong một năm rưỡi qua, nhiều tuyên úy đã bị thương; một số người đã chết. Hiện tại, có khoảng 750 tuyên úy phục vụ ở tiền tuyến và các đơn vị hậu phương.

Sự ủng hộ tinh thần — niềm tin vào chiến thắng — đã trở thành nhân tố quan trọng đối với những người lính ở mặt trận.

ANDREÏ KOURKOV

Đối với các tuyên úy, những người, nếu không có chiến tranh, sẽ rao giảng hòa bình và tình yêu thương cho cộng đồng, nghĩa vụ quân sự ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và trạng thái tinh thần. Sự tàn khốc của chiến tranh đôi khi khiến họ đưa ra những quyết định khác thường, có thể dẫn đến sự chỉ trích từ các linh mục khác.

Năm ngoái, tuyên úy Serhiy Budovy cho biết ông đã xăm hình Chúa Giêsu Kitô trên cánh tay, giải thích cử chỉ của ông là “ngay cả cơ thể tôi cũng tôn vinh Chúa”. Tin này đã gây ra một cuộc tranh luận về việc liệu các giáo sĩ có nên xăm mình hay không. Người ta còn nhớ đến những người theo đạo Thiên Chúa Coopte cổ đại, những người đã bí mật xăm hình lên cổ tay để nhận biết nhau, cũng như một loạt văn bản thiêng liêng đề cập đến chủ đề này. Nhưng cuộc thảo luận thần học đã lắng xuống khi tuyên úy Budovy giải thích rằng ông đã bắt đầu xăm hình tại một nơi trú ẩn, ở tiền tuyến, ở vùng Donetsk. Hình xăm vẫn chưa hoàn thành trong một thời gian dài vì người lính xăm hình, người cũng phục vụ trong hầm trú ẩn, bị chấn động nặng. Cuối cùng, một thợ xăm ở tiền tuyến đã hoàn thành công việc, cho phép Budovy khoe những bức ảnh về Chúa Giêsu “của mình” trên mạng xã hội.

Vào ngày 6 tháng 2 năm 2014, một bà lão tò mò quan sát hàng cảnh sát từ chướng ngại vật. © Ảnh Vianney Le Caer/Pacific Press/Sipa USA

Những hình xăm thể hiện lòng yêu nước hoặc quan điểm chính trị của chủ nhân các hình này từ lâu đã được coi là dấu hiệu của lòng dũng cảm. Hàng chục binh sĩ và tình nguyện viên Ukraine bị cầm tù đã bị người Nga giết hại chỉ vì những hình xăm thân Ukraine của họ. Các quân nhân Ukraine trở về nhà sau kỳ nghỉ phép đôi khi ghé thăm các tiệm xăm mình để tạo ra cho mình một hình ảnh phản ánh suy nghĩ và niềm tin của họ, những điều vốn càng trở nên sâu sắc hơn với chiến tranh.

Năm ngoái, tuyên úy Serhiy Budovy cho biết ông đã xăm hình Chúa Giêsu Kitô trên cánh tay, giải thích cử chỉ của ông là “ngay cả cơ thể tôi cũng tôn vinh Chúa”.

ANDREÏ KOURKOV

Ở Nga, chỉ có một linh mục, Cha Grigory Mikhnov-Voitenko đến từ St. Petersburg, bày tỏ mong muốn tổ chức lễ tưởng niệm Alexei Navalny. Ông công bố điều này trên mạng xã hội và nhanh chóng bị cảnh sát bắt giữ khi vừa rời khỏi nhà. Ông được đưa đến bệnh viện sau khi bị đột quỵ. Một linh mục khác, Cha Andreï, đã tiếp tục và chủ trì một buổi lễ ngắn gọn tại đài tưởng niệm các nạn nhân của trại cải tạo (goulag). Vài chục người tham dự, hầu hết đều bị bắt ngay lập tức. Tại thành phố Düsseldorf của Đức, một buổi lễ tưởng niệm Alexei Navalny bị sát hại đã được tổ chức tại nhà thờ Chính thống. Những người theo đạo Cơ đốc Chính thống Nga và những người vô thần Nga hiện có thể theo dõi buổi lễ này từ Đức trên YouTube.

Ở Ukraine, cái chết của Alexeï Navalny không gây ra nhiều phản ứng. Người Ukraine không tin vào khả năng có một “nước Nga tốt đẹp”. Navalny bị coi là người chống Ukraine vì lập trường của ông về Crimée bị sáp nhập, khi nói rằng Crimée sẽ không được trả lại cho Ukraine. Người Ukraine không tha thứ cho ẩn dụ đáng ngờ của ông về Crimée. Ông tuyên bố vào tháng 10 năm 2014, tức là 8 tháng sau sự sáp nhập Crimée: “Crimée là gì, một chiếc bánh kẹp xúc xích mà chúng ta chuyền từ người này sang người khác”. Ông cũng chậm thừa nhận tội ác chiến tranh của Nga đối với Ukraine. Trong những phát biểu sau đó, ông thừa nhận Nga cần phải thua trong cuộc chiến này để Ukraine quay trở lại đường biên giới năm 1991. Ông đã hiểu rằng nếu không có tổn thất cho Nga thì cũng sẽ không có tương lai cho đất nước Nga. Chỉ còn có nước Nga của quá khứ - nước Nga làm cho cả thế giới ngày nay phải lùi bước, nước Nga đã giết chết Alexei Navalny, Anna Politkovskaya, Boris Nemtsov và nhiều, rất nhiều người khác.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Ukraine: notre guerre de dix ans, Le Grand continent, 24.02.2024.




Chú thích:

[*] Andrei Yuryevich Kurkov (tiếng Nga Андрей Юрьевич Курков, tiếng Ukraina Андрій Юрійович Курков) là một nhà văn Ukraina nói tiếng Nga sinh ngày 23 tháng 4 năm 1961 tại Boudougochtch, tỉnh Leningrad, RSFSR, Liên Xô.

Kourkov đã từng làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau như biên tập viên, cai ngục và quay phim. Từ năm 1988, ông là thành viên của câu lạc bộ PEN ở London. Từ năm 1996, ông sống một phần ở London. Ông đã viết 18 kịch bản phim và phim tài liệu.

Tiểu thuyết của ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiểu thuyết của ông có đặc điểm là cái nhìn sắc sảo và mỉa mai về cuộc sống ở các xã hội hậu Xô Viết (ND).

Print Friendly and PDF