29.5.24

Jürgen Habermas là một nhà trí thức lớn của công chúng. Những ý tưởng chính của ông ấy là gì?

JÜRGEN HABERMAS LÀ MỘT NHÀ TRÍ THỨC LỚN CỦA CÔNG CHÚNG. NHỮNG Ý TƯỞNG CHÍNH CỦA ÔNG ẤY LÀ GÌ?

Đã xuất bản: ngày 11 tháng 3 năm 2024 7:13 tối theo giờ GMT

Bức ảnh về Jürgen Habermas được chụp vào năm 1981. Ảnh của Liên đoàn ảnh Roland Witschel qua Getty Images.

Vào ngày 13 tháng 11 năm 2023, sau cuộc tấn công khủng khiếp của lực lượng Hamas vào Israel, Jürgen Habermas và ba học giả người Đức nổi tiếng khác đã đưa ra một phát biểu lên án sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái ở Đức. Họ cũng phê phán cách dùng thuật ngữ “diệt chủng” để mô tả sự phản ứng của Israel.

Họ cho rằng hoạt động trả đũa quân sự của Israel là “chính đáng về mặt nguyên tắc”, và mặc dù

toàn bộ sự quan ngại về số phận của người dân Palestine […], những tiêu chuẩn xét đoán hoàn toàn mất quân bình khi các ý định diệt chủng được cho là do những hành động của Israel.

Phát biểu đã gây ra phản ứng dữ dội, với một lá thư ngỏ có chữ ký của nhiều học giả xuất chúng, nhiều người trong số họ đã từng làm việc cùng hoặc chịu ảnh hưởng bởi Habermas. Họ cho rằng “sự quan ngại về phẩm giá con người trong phát biểu không được mở rộng thỏa đáng tới thường dân Palestine ở dải Gaza, những người đang phải đối mặt với cái chết và sự hủy diệt”. Thay vào đó, họ viết tiếp,

liên đới |solidarity| có nghĩa là nguyên tắc về phẩm giá con người phải được áp dụng cho tất cả mọi người. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhận ra và giải quyết nỗi đau khổ của tất cả những người bị tác động bởi cuộc xung đột vũ trang.

Ở tuổi 94, Habermas một lần nữa lại dấn mình vào một trong những vấn đề lớn của ngày nay. Tranh chấp về quyền tự vệ của Israel và quyền có tổ quốc của Palestine, minh họa cho một vài căng thẳng ở trung tâm cuộc hành trình triết học đáng kinh ngạc của ông.

Vậy Jürgen Habermas là ai? Và tại sao ông lại là một nhà trí thức lớn như vậy của công chúng, không chỉ ở Đức, mà còn ở trên toàn cầu?

Các tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Gaza, ngày 5 tháng 11 năm 2023. Mohammed Saber/AAP

Chiến tranh và triết học

Habermas sinh ra ở Düsseldorf vào năm 1929, trưởng thành trong thời thế chiến thứ hai. Ông tham gia phong trào Thanh niên Hitler và được gọi nhập ngũ. Nhưng ngay sau cuộc chiến, và với sự tiết lộ về tội ác khủng khiếp của Đức Quốc xã, ông nhanh chóng nắm bắt được thảm họa luân lý và thực tiễn của chế độ Hitler.

Cuối cùng, ông bắt đầu nghiên cứu về triết học. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành trợ lý nghiên cứu cho Theodor Adorno tại Institute for Social Research [Viện Nghiên cứu Xã hội] ở Frankfurt, nơi Adorno làm việc cùng với nhà xã hội học Max Horkheimer. Adorno và Horkheimer là những nhà trí thức người Đức có sức ảnh hưởng lớn, họ đã phát triển cái được gọi là “Trường phái Frankfurt” về lý thuyết phê phán.

Habermas vào năm 2014. Wikimedia Commons

Với lập trường phê phán không chỉ đối với xã hội Đức và lịch sử nước Đức (Adorno đã viết câu nói nổi tiếng rằng “không còn thơ ca sau [trại tập trung] Auschwitz nữa”), mà còn đối với bản chất của tính duy lý và phong trào Khai sáng nói chung, họ đã khởi động một chương trình nghiên cứu vẫn còn gây tiếng vang lớn cho đến tận ngày nay.

Mặc dù rời viện sau một khoảng thời gian ngắn, song cuối cùng Habermas lại quay trở lại Đại học Frankfurt, lần này với tư cách là giáo sư triết học, nơi ông ở lại làm việc cho đến khi “nghỉ hưu” vào năm 1994. Trong khoảng thời gian này và sau đó, ông đã sản sinh ra một loạt các công trình đáng chú ý, nhiều tác phẩm trong số này đã định hình các cuộc tranh biện không chỉ trong triết học, mà còn trong xã hội học, khoa học chính trị, lịch sử, luật pháp, nghiên cứu văn hóa, và không kém phần quan trọng, trong nền văn hóa đại chúng rộng lớn hơn của châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.

Triết gia thế kỷ XVIII Immanuel Kant từng mô tả dự phóng triết học của bản thân được thúc đẩy bởi ba câu hỏi: Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Và tôi có thể hy vọng gì? Đó cũng là một bản tóm lược khá hay về dự phóng của Habermas.

Theodor Adorno (1903-1969)
Max Horkheimer (1895-1973)

Tuy nhiên, không giống như Adorno và Horkheimer, những người hoài nghi sự hứa hẹn của nền chính trị cấp tiến khi tính đến những bệnh lý “phi lý tính” hiện đại, Habermas lại quan tâm đến mức độ nào tính hiện đại là một “dự phóng chưa hoàn thành” |unfinished project|.

Ý thức về sự hứa hẹn chưa được hoàn thành của phong trào Khai sáng đã hình thành nên một số ý tưởng quan trọng nhất của ông. Tôi muốn khám phá hai trong số chúng ở bài báo này.

‘Tác lực không thể cưỡng lại của luận cứ tốt hơn’

Trước tiên là điều mà Habermas gọi là “đạo đức học diễn ngôn” |discourse ethics|. Ý tưởng cơ bản là các điều kiện cần thiết để tương giao thành công giữa con người với nhau định hình trước một dạng lý luận công khai giúp chúng ta hiểu được những nền tảng chuẩn tắc của nền dân chủ tự do.

“Diễn ngôn” là một hình thức đặc biệt của sự tương giao được cai quản theo quy tắc |rule-governed communication|. Nó hướng tới việc mưu cầu chân lý và đưa ra những lý do cho người khác mà về nguyên tắc họ có thể chấp nhận. “Tác lực không thể cưỡng lại của luận cứ tốt hơn”, như Habermas nói, phải mang sức nặng lập luận trong diễn ngôn chứ không phải sức mạnh kinh tế hay quyền lực chính trị.

Thoạt nhìn, trong một thế giới truyền thông xã hội ăn mòn và “tin giả” |fake news| kiểu Trump, điều này có vẻ phi lý. Nhưng Habermas không đòi hỏi chúng ta biến chính trị thành một cuộc xê-mi-na triết học. Đúng hơn, ông ấy muốn chúng ta chú ý đến (điều gì mà đối với ông ấy là) những tiền giả định luân lý phổ quát và không thay đổi của quá trình tương giao đích thực.

Nếu loài người về cơ bản là tự do và bình đẳng thì sẽ có những quy tắc nhất định về cách chúng ta phải đối xử với nhau. Habermas lấy ý tưởng của Kant về “mệnh lệnh nhất quyết” |categorical imperative| - về bản chất, chỉ hành động theo những cách mà bạn muốn mọi người khác hành động một cách duy lý - và chuyển nó thành một mệnh lệnh diễn ngôn |discursive imperative|.

Điều đó có nghĩa là gì? Ông gắn kết sự suy luận luân lý chặt chẽ hơn Kant với việc mọi người cùng nhau suy luận. Và do đó, mệnh lệnh trở thành: chỉ hành động theo những cách có thể được biện minh từ bên trong “tình huống phát ngôn lý tưởng” |ideal speech situation| - một cuộc thử nghiệm tư duy mà trong đó sự tương giao được tưởng tượng là không bị quyền lực và sự bất bình đẳng làm méo mó.

Hãy lưu ý đến hai điều về sự tập trung của Habermas vào “diễn ngôn” ở đây.

Điều thứ nhất là ông đang sử dụng cuộc thử nghiệm tư duy về một tình huống phát ngôn lý tưởng như một cách khiến chúng ta tập trung vào những tiêu chuẩn mà chúng ta nên hướng tới, trái ngược với việc cho rằng những cách tương giao và cách hành xử hiện tại của chúng ta là thỏa đáng về mặt luân lý và chính trị.

[Dự phóng] của Habermas là một cuộc thử nghiệm tư duy trong đó sự tương giao được tưởng tượng là không bị quyền lực và sự bất bình đẳng làm méo mó. Fizkes/Shutterstock

Và điều thứ hai là ông đang liên kết những tiêu chuẩn này với sự đối thoại |dialogue|sự đồng thuận |consensus| giữa người với người. Điều đúng nên làm, trong cuộc sống cũng như trong chính trị, đại khái là những gì mà người khác bị tác động nhiều nhất bởi những hành động của bạn có thể đồng ý.

Rõ ràng là nền chính trị của chúng ta còn khoảng cách rất xa so với những điều kiện lý tưởng như vậy. Song chúng ta chỉ có thể hiểu nó bị bóp méo đến mức nào, Habermas lập luận, bằng cách phản tư về những tiền giả định cố hữu trong chính ý tưởng của sự tương giao.

Luận cứ của Habermas đưa ra những tiêu chuẩn để làm cơ sở cho mục đích và tính chính danh |legitimacy| của các thể chế dân chủ tự do. Điều này dẫn đến ý tưởng lớn thứ hai mà tôi muốn làm rõ.

Nền dân chủ tranh luận

John Rawls (1921-2002)

Giống như triết gia chính trị người Mỹ John Rawls, người mà Habermas đã trò chuyện triết học không ngừng trong nhiều năm trời, Habermas nghĩ rằng sự tự do và tính bình đẳng cần phải được dung hòa thông qua các thể chế dân chủ của chúng ta.

Và càng phản tư về tính đa nguyên của các xã hội hiện đại bao nhiêu, ông càng thấy chức năng của các thể chế chính trị và pháp lý là giúp gắn nối chúng lại với nhau bấy nhiêu.

Sự đồng thuận về các chuẩn mực luân lý có giá trị là một điều kiện cần nhưng chưa đủ cho tính chính danh. Sự đồng quy về cách biện minh của các thể chế chính trị chính cũng được yêu cầu. Điều này dẫn tới sự phát triển lý thuyết có sức ảnh hưởng lớn của ông về nền dân chủ “tranh luận” |deliberative|, lý thuyết này được trình bày trong cuốn sách quan trọng của ông, Between Facts and Norms: Contributions to a Discourse Theory of Law and Democracy [Giữa Sự thật và Chuẩn mực: Những đóng góp cho một lý thuyết diễn ngôn về luật pháp và nền dân chủ] (1992).

Một lần nữa, thoạt nhìn, chúng ta dường như không thấy ý tưởng về sự đồng quy này có tính hứa hẹn. Há chẳng phải những bất đồng về sự tự do và tính bình đẳng là trung tâm của một vài tranh chấp có tính phân cực nhất hiện nay hay sao?

Có thể là như vậy, nhưng Habermas lại cho rằng có một sự tương thuộc sâu đậm giữa loại quyền tự do gắn liền với “quyền tự chủ cá nhân” |private autonomy| của chúng ta, được bảo vệ bởi các quyền tự do, và “quyền tự chủ công cộng” |public autonomy| của chúng ta với tư cách là những công dân tự trị. Nhưng bản chất của sự tương thuộc này là gì?

Đầu tiên, đối với Habermas, nền dân chủ có một cấu trúc kép. Trong xã hội công dân |civil society|, (khu vực phi chính quy), các công dân tranh biện về các ý tưởng và thể hiện bản thân theo vô số cách. Trong khu vực chính quy hơn của quốc hội, tòa án và bộ máy quan liêu, các chính khách, thẩm phán và công chức làm công tác lập pháp, quyết sách và thi hành các chính sách.

Tòa nhà Quốc hội Úc ở Canberra. Sam Mooy/AAP

Tuy nhiên, điều quan trọng là khu vực chính quy phải đủ rộng rãi đối với khu vực phi chính quy. Các thể chế chính trị và pháp lý phải luôn nhạy cảm trước những đòi hỏi đến từ xã hội công dân đòi phải thực hiện những sự thay đổi. Tính chính danh của nền dân chủ dựa trên việc đạt được sự cân bằng thích đáng giữa các khu vực khác nhau này.

Điều đó không có nghĩa là xã hội công dân không có khuynh hướng tham nhũng hay chi phối: ví dụ, Habermas quan ngại sâu sắc về tác động của các phương tiện truyền thông xã hội lên các cuộc tranh biện công khai. Nhưng cấu trúc chính trị kép này là một đặc điểm hệ trọng trong quan niệm của ông về nền dân chủ tranh luận.

Thứ hai, không giống như nhiều lý thuyết gia chính trị đương thời, Habermas bác bỏ bất cứ sự phân biệt rạch ròi nào giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng hòa công dân.

Về cốt lõi, chủ nghĩa cộng hòa công dân có ý tưởng cho rằng chúng ta chỉ tự do thực sự khi tự trị; nghĩa là khi chúng ta chủ động tham gia vào việc định hình các sắc luật và chính sách có tác động lên những lợi ích quan trọng nhất của chúng ta. Mặt khác, chủ nghĩa tự do lại nhập nhằng hơn về phương diện giá trị của sự tham gia vào chính trị. Điều quan trọng hơn là các quyền cơ bản của chúng ta được bảo vệ – bao gồm cả quyền tự do không tham gia vào chính trị!

Habermas nghĩ rằng trên thực tế, có một sự nối kết sâu sắc giữa truyền thống cộng hòa với truyền thống tự do. Ông nói, quyền tự chủ cá nhân và quyền tự chủ công cộng là “đồng nguyên” |co-original|. Các quyền cơ bản của chúng ta – như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội và quyền tự do tôn giáo – được những người theo chủ nghĩa tự do đánh giá cao – được bảo vệ tốt nhất thông qua quyền tự trị có tham gia |participatory self-government|.

Nhưng nội dung cụ thể về các quyền của chúng ta sẽ cần được xác định thông qua một quá trình tranh luận [cân nhắc] kỹ lưỡng. Và với tính đa dạng sâu sắc của các xã hội hiện đại, việc bảo vệ quyền tự chủ cá nhân của các cá nhân là một điều kiện cần thiết để thực thi quyền tự trị một cách hợp pháp. Bạn không thể tham gia vào một cuộc đối thoại chân thành với những người khác nếu bạn quá ngại nói ra tâm tư của mình hoặc nếu một số tiếng nói nhất định được ưu tiên hơn những tiếng nói khác.

Habermas không phủ nhận rằng những khía cạnh khác nhau của nền dân chủ này có thể tách biệt với nhau. Tuy nhiên, đối với ông, một trong những chức năng của luật pháp dân chủ là giúp hòa giải những căng thẳng này.

Những phê phán

Raymond Geuss (1946-)

Những phê phán đối với Habermas thường bắt đầu bằng phát biểu của ông rằng có một logic cố hữu trong cấu trúc diễn ngôn soi sáng một con đường hướng tới tự do thoát khỏi sự thống trị. Và nhiều sự phê phán trong số này đã gây ra sự khó chịu.

Ví dụ, triết gia Raymond Geuss hỏi, “liệu ‘sự thảo luận’ có thực sự tuyệt vời đến vậy hay không?” Đối với ông và các nhà phê phán khác, “diễn ngôn” trên thực tế không có một cấu trúc bất biến cho phép chúng ta nhận ra các quy tắc phổ quát mà chúng ta có thể tuân theo. Đây là sự khẳng quyết hoàn toàn đối với dự phóng của Habermas, hay đây chỉ là điều mà Geuss gọi là “làn gió hoài niệm dịu êm của chủ nghĩa tự do muộn”.

Tác lực của luận cứ tốt hơn dường như mãi mãi bị trì hoãn, nếu không muốn nói là bị nhấn chìm, trong tạp âm của khu vực công bất thường của chúng ta. Các luận cứ đòi công lý - từ Alexei Navalny ở Nga cho đến chiến dịch tranh cử Voice to Parliament [Tiếng nói trước Quốc hội] ở Úc - dường như thậm chí còn ít có khả năng thuyết phục hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, để kêu gọi một lý tưởng nhấn mạnh bản tính đối thoại của con người, Habermas đưa ra một luận cứ đặc biệt về cơ sở luân lý của các thể chế dân chủ. Giá trị cuối cùng của các chuẩn mực cơ bản của nền dân chủ tự do phụ thuộc vào những người tham gia vào diễn ngôn – bạn và tôi.

Bạn có thể không đồng ý với ông ấy. Nhưng khi làm như vậy, bạn đang cam kết với chính bản thân về một cái nhìn không giúp được gì nhưng lại dựa trên những ý tưởng mà ông ấy đã nỗ lực rất nhiều để đưa vào ý thức cộng đồng của chúng ta.

·         Triết học, Người giải thích, Dải Gaza, Triết học Chính trị, Trường phái Frankfurt, Jürgen Habermas

Duncan Ivison

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ BÀI BÁO

Duncan Ivison

Ông hiện đang là giáo sư Triết học Chính trị tại Đại học Sydney (Úc).

Phát biểu công khai

Duncan Ivison đã nhận được khoản tài trợ từ Australian Research Council [Hội đồng Nghiên cứu Úc] cho nghiên cứu của mình.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: Jürgen Habermas is a major public intellectual. What are his key ideas?, The Conversation, Mar 11, 2024.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF