15.5.24

POPPER KARL, 1902-1994

POPPER Karl, 1902-1994

Karl Popper (1902-1994)

Popper luôn tự xem mình là nhà khoa học luận các khoa học tự nhiên. Những lần ông xen vào lĩnh vực các khoa học xã hội là phân tán và phân mảnh. Nhưng không vì thế mà không phác thảo một mặt, phê phán một số lí thuyết thuộc về các khoa học nhân văn (chủ nghĩa Marx, phân tâm học, chủ nghĩa hành vi) và mặt khác, “một chương trình siêu hình học” thực chứng cho các khoa học xã hội.

Khoa học là một vấn đề táo bạo: trước tiên là táo bạo tư biện, xa cách mọi sự cẩn trọng thực chứng ngây thơ (“chỉ điều tra không thôi, không có lí thuyết!”), sau đó là táo bạo thực chứng: các phỏng đoán mà ta hình dung để giải quyết một vấn đề có thể buộc phải qua tòa của thí nghiệm, phiên tòa này chủ yếu có một vai trò phê phán. Không thể biện minh cho một lí thuyết nếu không muốn rơi vào thế không thể dựa vào một quan sát nhất định để tự hào là lí thuyết đã được “xác thực”: khi một hành vi khác trái ngược với hành vi được quan sát cũng tương thích với lí thuyết thì lí thuyết này đã không giải thích gì cả (“tiêu chí kiểm sai”). Popper khuyến khích các chuyên gia của các khoa học xã hội tránh chiếc bẫy của chủ nghĩa thực chứng (“Đừng bao giờ qua mặt dữ liệu thực chứng!”) đồng thời tránh mọi ngôn ngữ bí hiểm hay duy khoa học. Phải sẵn sàng từ bỏ một giả thuyết và để làm được điều này cần tiến hành những kiểm định chặt chẽ nhất có thể. Chỉ khi giả thuyết “kháng cự” nổi những nỗ lực của chúng ta trục xuất nó khỏi lĩnh vực của những phát biểu “có khả năng đúng”, chúng ta mới có thể xem, vẫn là một cách tạm thời, rằng nó được “chứng thực”.

Khả năng làm cho những tiên đoán marxist là không thể bác bỏ không phải là phê phán duy nhất của Popper đối với học thuyết của Marx trong The Open Society and its Enemies (1945), một tác phẩm trong đó ông tỏ lòng kính trọng nhiều đóng góp của Marx. Vả lại ông tán đồng khi Marx từ chối “chủ nghĩa tâm lí”. Giống E. Durkheim, ông ủng hộ luận điểm “tính tự chủ của các khoa học xã hội” đối với tâm lí học: đúng hơn, tâm lí học mới là một “khoa học xã hội đặc biệt trong số những khoa học khác”. Nhưng Popper phê phán triệt để tất định luật lịch sử của Marx, được ông gọi là “chủ nghĩa duy lịch sử” (chớ nên lẫn lộn với quan điểm sử học tương đối) và đặt cơ sở trên niềm tin sai lầm về sự tồn tại của những “qui luật lịch sử” mà việc nhận thức chúng sẽ cho phép dự đoán tương lai của nhân loại. Tác giả của Misère de l’historicisme (1944) đặc biệt nhấn mạnh rằng do tiến bộ trong dài hạn là không thể dự báo sự tiến bộ, nên tiến bộ kĩ thuật cũng thế nên kiểu quan hệ với tự nhiên mà nhân loại sẽ thiết lập trong tương lai và những quan hệ xã hội mà quan hệ này kéo theo cũng không thể dự đoán được. Một trong những lập luận khác của ông có sự can dự của điều ông gọi là những “hiệu ứng Oedipe”, tương ứng với điều được R. K. Merton cùng thời kì đó đặt tên là những “tiên tri tự thực hiện”. Có thể thay đổi thế giới xã hội bằng những lí thuyết được phát biểu về thế giới này, thông qua những niềm tin của các cá nhân. Điều này hội nhập tốt vào lí thuyết học tập do Popper đề xuất, dựa trên những ý niệm dự kiến hay chờ đợi và nhất là trên những “chờ đợi gây thất vọng”: chúng ta học được từ những sai lầm của bản thân.

Chẳng hạn, ông ủng hộ một phiên bản tinh vi của “phương pháp luận cá thể”: đối lập với “phương pháp luận tổng thể”, lén lút gán những khẳng định tâm lí học cho những thực thể tập thể, phương pháp luận cá thể tóm lại là thừa nhận rằng chỉ các cá nhân đặc biệt mới có mục đích và niềm tin, lợi ích và lí tính, cho dù cần phải xem xét những “kiểu cá nhân” nếu không muốn quy sử học và xã hội học về một dãy những tiểu sử. Do đó thách thức Popper thử đặt ra là ủng hộ ý tưởng về một phương pháp vừa có tính cá thể vừa không có tính tâm lí. Tht vậy, theo ông hoàn toàn không có vấn đề suy những qui luật xã hội học từ giả định về một “bản chất con người”, vì con người tự nhiên đã có bản chất xã hội và vì các cá nhân bao giờ cũng đã tham gia vào nhiều quan hệ xã hội: phương pháp luận cá thể tất yếu có tính “tương tác” (theo thuật ngữ của R. Boudon), “định chế” và “tình huống” theo chính thuật ngữ của Popper. Các khoa học xã hội theo một nghĩa nào đó là những “hệ sinh thái xã hội” vì chúng luôn giả định những con người hành động (những tác nhân) trong những môi trường tự nhiên, chiến lược và thể chế đặc biệt tạo thành những “chân trời chờ đợi” và “tình huống các vấn đề” của họ. Mọi hành động hiểu được là một “đáp trả” thích hợp với tình thế của tác nhân như được tác nhân cảm nhận, có thể là một cách lệch lạc và sai lầm.

Nguyên lí thích nghi của hành vi với tình thế được cảm nhận có tính tổng hợp, thực nghiệm và chỉ đúng một cách xấp xỉ: sự đam mê hay bệnh hoạn có thể khiến tác nhân có hành vi không phù hợp. Nhưng Popper khuyến cáo đừng vội từ bỏ “nguyên lí duy lí” này vì nó có một giá trị phát hiện lớn và cho phép tận dụng hết tầm quan trọng của những lập luận và cân nhắc có thể của các tác nhân vốn hiếm khi bị các hệ tư tưởng và cấu trúc thể chế thao túng. Do đó điều này kéo theo là tình thế không quyết định hoàn toàn hành động, vì luôn có một phần sáng tạo và đổi mới của các cá nhân vốn không phải là những cỗ máy tính toán thuần túy và họ bị những năng lực nhận thức giới hạn (có thể sai lầm). Nhưng những hành động và kết quả đan chéo của chúng với nhau tất yếu đưa đến những “hệ quả không do chủ ý”, thậm chí là bất ngờ, đặc biệt do sự nhân bội những hiệu ứng của những “vi quyết định” cá nhân. Từ đó mục đích trung tâm của các khoa học xã hội không gì khác hơn là thử mô tả và giải thích những cơ chế sản xuất ra các hiệu ứng bất ngờ, có lợi hay quỷ quái (những “hiệu ứng tai ác”). Popper luôn nhấn mạnh đến nguồn gốc thực tiễn của các khoa học xã hội và tầm quan trọng chính trị của chúng: các khoa học này phải thông báo cho người “kĩ thuật viên xã hội” những sự “kháng cự và bền va” của “vật liệu xã hội trước những toan tính của chúng ta để làm thay đổi nó”.

Popper chống đối nói chung điều khoản “mọi việc khác không thay đổi” (ceterus paribus) vì ngại là qua đó người ta biến các mô hình này thành không thể kiểm sai. Tốt hơn là xác định chính xác toàn bộ các biến nhân quả xác đáng. Dù sao đi nữa, ý niệm cơ chế sản sinh những hiệu ứng không do chủ ý cho phép đặt nền tảng cho tính “tự chủ của xã hội học” (Popper, [1945] 1979), vì các hiệu ứng này không quy giản về những ý đồ chủ quan, cho dù chúng là sản phẩm phức tạp của các ý đồ này, và phê phán tất cả các lí thuyết “âm mưu” của xã hội, vốn luôn tìm những “thủ phạm” mà không quan tâm đến những hiệu ứng của hệ thống.

Không nên lẫn lộn thể chế với truyền thống mà Popper nghĩ rằng là những trung gian giữa các truyền thống và cá nhân. Sự khác biệt giữa thể chế và truyền thống chưa bao giờ được tác giả của Pour une théorie rationnelle de la tradition/Vì một lí thuyết duy lí về truyền thống (Popper [1962], 1985) làm rõ, ông chỉ nhận xét rằng trái với thể chế, một truyền thống là không được ban hành. Vả lại Popper đã sáng chế thuật ngữ “thuyết bản chất” để trỏ sự tin tưởng vào khả năng của khoa học mô tả những “bản chất” tột cùng và bất biến của những thực thể được khoa học nghiên cứu: vật chất, sự sống, Nhà nước. Ông đối lập thuật ngữ này với “thuyết duy danh phương pháp luận” vốn từ chối đặt những câu hỏi kiểu “bản chất (của Nhà nước) là gì?” và chuộng quan tấm đến những cấu trúc động của những yếu tố tương tác với nhau và những cơ chế sản sinh những hiệu ứng tổng thể. Nhưng thuyết duy danh này không có tính bản thể luận và Popper thừa nhận rằng “tổng thể là nhiều hơn tổng hòa các yếu tố” gần như là một điều tầm thường. Tương tự, ông cho rằng một thể chế là một hệ thống những vai trò có một sự vững chắc riêng, và có những qui tắc cấu thành nó xem như đóng khung hành vi của các cá nhân, những hành vi này đã nằm trong những mạng thể chế. Theo nghĩa này, tầm nhìn của ông về phương pháp luận cá thể tương thích với một “phương pháp luận tổng thể phi tập thể” nhất định, như một số tác giả ngày nay đặc trưng quan điểm của mình, một quan điểm không có tính tâm lí lẫn cấu trúc.

Alain BOYER

Đại học Paris-Sorbonne (Paris IV)

The Open Society and its Enemies, London, Routledge, 1945, (1944-1945), Misère de l’historicisme, Paris, Plon, 1954; (1948), Conjectures et réfutations, Payot, 1985; “La rationalité et le principe de rationalité” trong Hommage à Rueff, Paris, Payot, 1967; “La logique des sciences sociales” trong Th. ADORNO, K. POPPER, De Vienne à Francfort. La querelle allemande des sciences sociales, Paris, Complexe, 1979.

BOYER A., L’explication en histoire, Lille, 1995; Introduction à la lecture de Karl Popper, Paris, Presses de l’École normale supérieure, 1994; “Le tout et ses parties”, Revue philosophique, 2000, janv. – O’NEIL (ed.), Modes of collection and individualism, HEB, 1973.

Chủ nghĩa duy khoa học, Khoa học luận của các khoa học xã hội, Phương pháp luận cá thể/tổng thể.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade (chủ biên), 2005, Paris, PUF.

Print Friendly and PDF