13.5.24

Sự tái định vị quan trọng của phe trung dung

SỰ TÁI ĐỊNH VỊ QUAN TRỌNG CỦA PHE TRUNG DUNG

© Jeanne Accorsini/SIPA

Để hiểu được sự đột phá của phe cực hữu ở Châu Âu và sự chệch hướng của phe trung dung, chúng ta phải đo lường những tác động sâu sắc của một đột biến nhân học đang diễn ra ở Phương Tây: sự tách rời giữa các giá trị và văn hóa. Một tài liệu học thuyết của Olivier Roy.

Olivier Roy[*]

Le Grand Continent

Làm thế nào hiểu được sự đột phá của phe cực hữu ở Châu Âu? Làm thế nào hiểu được những sự đột biến trong phe trung dung tự do và phe hữu bình dân? Sau các tài liệu học thuyết của Giovanni Orsina, Klaus Welle, Hans Kundnani và một loạt nghiên cứu định lượng về sự năng động bầu cử của phe hữu Châu Âu và về sự chia rẽ sinh thái, chúng tôi tiếp tục làm phong phú thêm hồ sơ của mình với các bài viết khảo sát sự chuyển đổi lớn đang diễn ra. Để theo dõi loạt bài này và ủng hộ công việc của chúng tôi, hãy đăng ký mua báo.

Từ Châu Âu Cơ đốc giáo đến Châu Âu Khai sáng

Châu Âu đã mang tính văn hóa trước khi mang tính chính trị. Vào thời Trung Cổ, từ thế kỷ 11, chính Giáo hội của cuộc Cải cách Grégorien[**] đã mang lại sự thống nhất về mặt tinh thần và học thuật cho Châu Âu. Giáo hội tập hợp các giáo sĩ có chung ngôn ngữ viết, gần như độc quyền giảng dạy trong các trường đại học, di chuyển từ quốc gia hoặc định chế này sang quốc gia hoặc định chế khác. Nhưng Giáo hội đã thất bại trong nỗ lực áp đặt chính mình về phương diện chính trị lên các vị vua có quyền lực và cuộc Cải cách Tin lành sau đó đã phá vỡ sự thống nhất tôn giáo này. Nhà nước Westphalie[***] nổi lên từ cuộc khủng hoảng của các cuộc chiến tranh tôn giáo đã dần dần quốc hữu hóa các định chế giáo dục và văn hóa. Cuối cùng, Châu Âu của các quốc gia đã thắng thế. Nhưng một không gian văn hóa Châu Âu mới sau đó đã được củng cố, tương đối tự chủ trong mối quan hệ với lịch sử xác lập các lãnh thổ và các biên giới. Triết lý của Thời kỳ Khai sáng đã tiếp nối Kitô giáo: sau thời đại Phục hưng, Thời kỳ Khai sáng đã phục hồi nền văn hóa Hy Lạp-La Mã, sáng tạo ra một chủ nghĩa cổ điển mới và trên hết là một tính phổ quát mới, tính phổ quát của lý trí và triết học; trí thức và nghệ sĩ di chuyển nhiều, nhưng trong một không gian thuần châu Âu; Sự suy tàn của tiếng Latinh đã khiến tiếng Pháp và ở một mức độ thấp hơn là tiếng Đức trở thành ngôn ngữ giao tiếp thống trị giữa giới tinh hoa. Đó là chiến thắng của các tiểu thuyết gia, được đọc và dịch sang tất cả thứ tiếng. Nhưng chủ nghĩa phổ quát dừng lại ở biên giới thuộc địa: biên giới này giúp hình thành và củng cố bản sắc Châu Âu – hãy nghĩ đến Algérie thuộc Pháp, nơi đã đối lập “người châu Âu” với “người Hồi giáo”.

Sự hăng say lãng mạn vào đầu thế kỷ 19 chắc chắn đã mang vào khái niệm “dân tộc” (Volk) hơi thở tình cảm và cảm xúc chống lại lý trí quá trừu tượng này, do đó mang lại cho các chủ nghĩa dân tộc của thế kỷ 19 nền văn hóa mà họ thiếu. Nhưng nền văn hóa vĩ đại của Châu Âu phát triển rực rỡ trong Châu Âu của các tiểu thuyết thực sự là một nền văn hóa nhân văn, thậm chí là nền văn hóa nhân văn tiêu biểu nhất. Trên hết đó là một nền văn hóa cao đẹp, một nền văn hóa của giới tinh hoa mà giáo dục bắt buộc đã giúp phổ biến đến mọi tầng lớp xã hội.

Châu Âu sẽ được xây dựng bên ngoài nền văn hóa của chính mình: nó sẽ mang tính kỹ thuật, quan liêu và pháp lý.

OLIVIER ROY

Tuy nhiên, nền văn hóa nhân văn này không những không ngăn cản được sự man rợ thống trị, từ cuộc Đại chiến đến Chủ nghĩa Quốc xã, mà thậm chí nó còn đi kèm với sự man rợ này và chiến thắng của Chủ nghĩa Quốc xã cuối cùng sẽ khẳng định điều đó. Walter Benjamin và Stefan Zweig tự sát, Bernanos phải sống lưu vong, Paul Valéry tuyên bố nền văn minh là khả tử. Và Hannah Arendt có thể tự vấn về cuộc khủng hoảng này của nền văn hóa Châu Âu, vốn không những không ngăn chặn được chủ nghĩa Quốc xã mà đôi khi còn say mê nó: đại học Đức đã không phải là pháo đài chống lại chủ nghĩa Quốc xã, trái lại nó cung cấp cho chủ nghĩa Quốc xã những cán bộ và nhà tư tưởng. Ở Ý, Tây Ban Nha và Pháp, chủ nghĩa phát xít đã quyến rũ nhiều trí thức. Do đó, sau Thế chiến thứ hai, sự nghiệp xây dựng Châu Âu dường như là phương thuốc khả thi duy nhất chống sự man rợ, nhưng không phải những trí thức và nghệ sĩ sẽ làm điều đó. Châu Âu sẽ được xây dựng bên ngoài nền văn hóa của chính mình: nó sẽ mang tính kỹ thuật, quan liêu và pháp lý.

Châu Âu của nhân quyền và chuẩn mực pháp lý

Khi Châu Âu chuyển từ một liên minh kinh tế đơn giản sang một cộng đồng chính trị vào những năm 1950, về cơ bản nó đã tự xác định mình là một cộng đồng các giá trị: nhân quyền, Nhà nước pháp quyền, dân chủ. Lúc đó, Châu Âu dựa trên một liên minh trên thực tế giữa Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Đảng Dân chủ Xã hội, vốn có điểm chung là bảo vệ nền dân chủ và thúc đẩy một Nhà nước phúc lợi. Các văn bản rất rõ ràng. Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên Minh Châu Âu nêu rõ trong lời mở đầu:

Nhận thức về di sản tinh thần và đạo đức của mình, Liên Minh được xây dựng trên các giá trị không thể chia cắt và phổ quát về phẩm giá con người, tự do, bình đẳng và đoàn kết; Liên Minh dựa trên nguyên tắc của nền dân chủ và nguyên tắc của Nhà nước Pháp quyền. Liên Minh đặt con người vào trung tâm của hành động bằng cách thiết lập quyền công dân của Liên Minh và tạo ra một khu vực tự do, an ninh và công lý.

Liên Minh góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị chung này đồng thời tôn trọng sự đa dạng về văn hóa và truyền thống của các dân tộc Châu Âu.”

Các văn bản xây dựng nền tảng của Châu Âu thiết lập sự tách biệt rõ ràng giữa các giá trị và văn hóa: các giá trị mang tính phổ quát, các nền văn hóa mang tính dân tộc.

OLIVIER ROY

Lời mở đầu của dự thảo Hiến pháp Châu Âu lấy lại chủ đề này:

LẤY CẢM HỨNG từ di sản văn hóa, tôn giáo và nhân văn của Châu Âu, từ đó các giá trị phổ quát phát triển bao gồm các quyền bất khả xâm phạm và không thể tước bỏ của con người, cũng như quyền tự do, nền dân chủ, sự bình đẳng và Nhà nước Pháp quyền; NHẮC LẠI tầm quan trọng lịch sử của việc chấm dứt sự chia rẽ lục địa Châu Âu và sự cần thiết phải thiết lập nền tảng vững chắc cho cấu trúc của Châu Âu trong tương lai, XÁC NHẬN sự gắn bó (của họ) với các nguyên tắc tự do, dân chủ và tôn trọng quyền con người cũng như các quyền tự do cơ bản và Nhà nước Pháp quyền…”

Những văn bản này thiết lập sự tách biệt rõ ràng giữa các giá trị và văn hóa: các giá trị mang tính phổ quát, các nền văn hóa mang tính dân tộc. Do đó, những nền văn hóa này không thể tạo ra những giá trị thay thế cho những giá trị đã tạo nền tảng cho Châu Âu. Nhưng các giá trị của Châu Âu dựa trên nền tảng nào? Nếu các giá trị mang tính phổ quát thì Châu Âu không có biên giới và có thể mở rộng vô tận. Cách duy nhất để tư duy về một nền văn hóa chung là sự quy chiếu đến một di sản hỗn tạp kết hợp Kitô giáo và chủ nghĩa nhân văn. Nhưng chủ nghĩa nhân văn đã được xây dựng để chống lại quyền bá chủ của tôn giáo. Nếu là di sản thì đó là vì đã có cái chết: cái chết của Cơ đốc giáo. Thế tục hóa, tức là ở đây là quyền tự trị của lý tính, đúng là nằm ở trung tâm của hình tượng mà Châu Âu có về chính mình. Tất nhiên, chúng ta có thể biến chủ nghĩa nhân văn thành hóa thân của Cơ đốc giáo, cũng như chúng ta có thể biến Cơ đốc giáo thành sự hóa thân của Do Thái giáo, nhưng sự khác biệt mang tính nền tảng hơn là sự phả hệ đơn giản. Khoảng cách này giữa văn hóa và các giá trị này phần lớn giải thích sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa quyền tối thượng.

Khoảng cách giữa văn hóa và các giá trị phần lớn giải thích sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa quyền tối thượng.

OLIVIER ROY

Cho đến nay, “các giá trị của Châu Âu” được thể hiện như một điều tuyệt đối độc lập với các nền văn hóa. Chúng được cho là được chia sẻ bởi tất cả các Quốc gia Thành viên và là hiển nhiên, bởi vì chúng là cách duy nhất để thoát khỏi các cuộc chiến tranh đã đưa Châu Âu đến bờ vực: do đó sẽ là “phải lẽ” khi xây dựng Châu Âu dựa trên những giá trị mới để tránh rơi vào những tai họa trong quá khứ. Nó thực sự là một khế ước xã hội, không dựa trên sự im lặng của những đam mê – như đối với Rousseau – mà dựa trên một niềm đam mê tiêu cực: nỗi sợ hãi. Trên thực tế, một Châu Âu mang tính Hobbes hơn tính Locke sẽ được xây dựng bất chấp những quy chiếu rõ ràng đến chủ thuyết tự do chính trị. Mọi thứ diễn ra như thể Châu Âu, vốn được thành lập dựa trên nỗi sợ hãi - từ các cuộc chiến tranh giữa các nước Châu Âu rồi dưới mối đe dọa từ Liên Xô - giờ đây đã tự tạo cho mình một tính chính đáng tự do chủ nghĩa: đó là quyền con người và tự do. Điều này có hiệu quả miễn là kẻ thù (nằm) ở bên ngoài (chủ nghĩa toàn trị) hoặc khóa áo của quỷ ám và không thể tưởng tượng được (chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa phát xít). Nhưng ký ức về thời kháng chiến đang phai nhạt.

Vậy giờ nếu các giá trị không dựa trên trí tưởng tượng được chia sẻ, trên một nền văn hóa chung, theo nghĩa rất rộng của từ văn hóa – theo nghĩa của Gramsci cũng như theo nghĩa văn hóa cao siêu – thì làm thế nào chúng ta có thể thực hiện chúng? Do đó, cách duy nhất để bảo đảm sự tồn tại của những giá trị này là ghi nhận chúng dưới dạng các chuẩn mực chính trị và pháp lý: hiến pháp, hiến chương, tuyên bố, hiệp ước, tòa án, v.v.. Tính chuẩn mực về mặt giá trị này đi đôi với tính chuẩn mực mang tính kỹ trị: Các thể chế Châu Âu đang phát triển như một bộ máy quan liêu mang tính chuẩn tắc.

Tất nhiên, tiến trình cấu trúc hóa mang tính quan liêu này được biện minh bởi nhu cầu tạo ra một không gian chung Châu Âu bằng cách đồng nhất hóa các thực tiễn và các quy định. Vấn đề là ở chỗ, nền chính trị vẫn mang tính dân tộc, Châu Âu được xây dựng thông qua sự ủy quyền xung quanh một bộ máy chắc chắn có năng lực, hành động trong dài hạn vốn giúp nó được giải phóng khỏi sự bất cập của các biến cố chính trị - bầu cử, thay đổi đa số, các phong trào xã hội, v.v. - nhưng dường như bộ máy này lại lơ lửng ở trên không gian chính trị. Trong bối cảnh này, tính kỹ thuật và việc sử dụng luật được biện minh bằng việc tuân theo các giá trị nền tảng: chúng không cần phải tìm kiếm tính chính đáng dân chủ.

Vậy nếu các giá trị chỉ tồn tại thông qua chuẩn mực, không gian Châu Âu chỉ tốt đẹp trong chừng mực các đảng chính trị thống trị không gian quốc gia tán thành các giá trị này. Bởi vì nếu quá trình chính trị hóa Châu Âu ngày càng rõ ràng, một không gian chính trị Châu Âu đích thực lại không có - một sự thiếu hụt được giới tinh hoa Brussels nhận thấy trước hết. Tuy nhiên, các quốc gia rõ ràng là miễn cưỡng trao quyền tự chủ chính trị của mình; sự phát triển về vai trò và tính chính đáng của Nghị viện Châu Âu - được bầu từ năm 1979 chứ không còn được tuyển lựa - diễn ra song song với sự phát triển của một bộ máy quan liêu mà Nghị viện này ít kiểm soát vì bản thân bộ máy trên chỉ phản ánh sự tương quan giữa các quyền lực chính trị ở các quốc gia. Thế mà, kể từ khi phe Dân chủ Cơ đốc giáo và Dân chủ xã hội hầu như biến mất, các đảng phái chính trị ngày nay hoặc lơ là với các giá trị hoặc không còn kết hợp những giá trị mà chúng từ nay phải bảo vệ với Châu Âu.

Hậu quả của phong trào phi văn hóa và chuẩn mực kép này là việc xây dựng Châu Âu diễn ra bên ngoài bất kỳ “tưởng tượng” chính trị hoặc văn hóa nào - hay chính xác hơn là không có trí tưởng tượng văn hóa để thúc đẩy một dự án chính trị Châu Âu.

Những nỗ lực của Ủy Ban Châu Âu nhằm tạo ra một nền văn hóa như vậy thực sự nhấn mạnh đến sự giải văn hóa của không gian chính trị và xã hội. Việc thành lập một ban của Ủy Ban Châu Âu về “lối sống Châu Âu” đã bỏ qua nền văn hóa cao cấp và giản lược văn hóa con người thành một loạt các đặc điểm và thực tiễn biệt lập, không tạo ra sự đồng thuận cũng như hệ thống. Các hướng dẫn liên quan đến việc sử dụng các ngôn ngữ trong các tổ chức Châu Âu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tóm gọn chúng thành một sự mã hóa đơn nghĩa bằng cách bác bỏ bất kỳ giả định nào về một kiến ​​​​thức có trước đây về văn hóa của một nhóm ngôn ngữ - bác bỏ tính hài hước, hàm nghĩa kép, quy chiếu văn học, ám chỉ và chơi chữ. Chủ nghĩa tự do được khẳng định trong thực tiễn pháp lý – đặc biệt là Công Ước Bảo Vệ Nhân Quyền và các Quyền Tự Do Cơ Bản/Convention de sauvegarde des droits de l'homme et des libertés fondamentales của Strasbourg – nhấn mạnh đến các quyền của cá nhân.

Không có trí tưởng tượng văn hóa nào để thúc đẩy một dự án chính trị Châu Âu.

OLIVIER ROY

Việc nhấn mạnh đến sự hòa nhập và đa dạng không nhằm vào quyền tự do của một cộng đồng mà là vào việc công nhận quyền của mỗi người để xác định bản sắc giới tính hoặc chủng tộc của riêng mình: sự nhấn mạnh vào “sự khác biệt nhỏ” này sẽ phá hủy mọi tinh thần cộng đồng. Ở đây chúng ta không được nhầm lẫn về chủ nghĩa cộng đồng giả hiệu mà tư tưởng bảo thủ gắn liền với cái gọi là “chủ nghĩa wok” Châu Âu: chủ nghĩa đa văn hóa trên thực tế là một dự án rộng lớn nhằm giải thể văn hóa và sự hòa tan mối liên kết xã hội (thật ra cũng đã bị tổn hại nhiều) có lợi cho một loạt hạn chế các dấu hiệu về bản sắc được các doanh nhân văn hóa xã hội quản lý: tấm màn che là ví dụ điển hình nhất về việc quy giản bản sắc này, hoạt động theo cả hai hướng, hội nhập cho những người cấp tiến, loại trừ cho những người bảo thủ và những người theo xu hướng thế tục cực đoan. Cả hai bên đều cho rằng tấm màn che, do bản chất của nó, là sự khẳng định bản sắc của một nhóm, trong khi nó luôn là một thực tiễn cá nhân. Những người che mặt không nhầm, họ luôn nói về quyền cá nhân: đó là sự lựa chọn của tôi, đó là cơ thể của tôi, đó là quyền của tôi, đó là bản sắc của tôi.

Về cơ bản, nền “văn hóa” quy chuẩn trừu tượng này dựa trên việc chuẩn hóa hành vi đã bị áp đặt lên chính các xã hội. Chúng ta tìm thấy nó ở bên cánh tả nhưng cũng ở bên cánh hữu nơi khái niệm bản sắc đã thay thế khái niệm văn hóa, bị thu gọn thành những dấu hiệu trừu tượng hoặc thậm chí mang tính dân gian.

Cuộc chiến về các dấu hiệu bản sắc – cảnh Chúa giáng sinh, màng che mặt, áo abaya, điều hợp pháp (đối với tôn giáo), đấu bò, lễ Giáng sinh –, xa vời với việc đối lập các cộng đồng bảo vệ nền văn hóa của họ, góp phần vào sự suy thoái văn hóa nói chung, hay đúng hơn là đi kèm với sự suy thoái này. Những bản sắc tưởng tượng, bị đe dọa và cần được bảo vệ, hiện đang là trọng tâm của các cuộc vận động chính trị.

Ở đây chúng ta tìm thấy nỗi sợ hãi dựa trên đó các phong trào dân túy đang chiêu mộ. Nhập cư, sự giáng cấp, sự xuống cấp của các dịch vụ công cộng, nỗi sợ hãi về đạo Hồi hiện là cơ sở của một cuộc vận động mới.

Vậy chúng ta nên nghĩ thế nào về sự biến đổi chính trị hiện nay của Châu Âu? Nó sẽ vỡ tung dưới các chủ nghĩa dân túy mang tính tối thượng hay chúng ta sẽ chứng kiến ​​​​sự xuất hiện của một liên minh mới gồm các giá trị bảo thủ khả năng xây dựng lại một Châu Âu với một bản sắc “da trắng” và Cơ đốc giáo? Vậy thì sẽ có những hậu quả nào đối với việc tái tổ chức chính trị?

Một Châu Âu của những giá trị phi tự do và bảo thủ?

Một vài tuần trước cuộc bầu cử ở Châu Âu, người ta đã thảo luận nhiều về việc xu hướng ngã về cánh hữu của các xã hội báo trước một sự thay đổi đa số chính trị ở Liên Minh Châu Âu, có lợi cho những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu.

Geert Wilders (1963-)
Marine Le Pen (1968-)

Nếu chúng ta dựa trên các cuộc bầu cử, điều này có thể đúng. Nhưng nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề giá trị thì nó phức tạp hơn nhiều. Chủ nghĩa dân túy không nhất thiết là sự quay trở lại các giá trị truyền thống, cũng như chủ nghĩa tự do không nhất thiết phải là sự bảo đảm cho luật pháp. Vậy những người theo chủ nghĩa dân túy bảo vệ bản sắc nào? Đối lập với Hồi giáo có phải chúng ta dựa vào Cơ đốc giáo - thậm chí là thuần túy văn hóa, theo kiểu Maurras - hay ngược lại vào quyền tự do về mặt phong tục? Ba Lan của PiS hay Hà Lan của Geert Wilders, Marine Le Pen hay Marion Maréchal[****]?

Bởi vì các phong trào dân túy có mối quan hệ tâm thần phân liệt với các giá trị, hay đúng hơn, điểm chung của chúng hoàn toàn không phải là một hệ thống giá trị, mà là sự từ chối của người di cư/Hồi giáo và nỗi sợ hãi về “sự thay thế lớn”. Những người theo chủ nghĩa dân túy gộp Hồi giáo và người di cư lại với nhau; Họ đối lập với chúng bằng “các giá trị Châu Âu”, nhưng những giá trị này được diễn giải theo hai cách trái ngược nhau. Một cách dựa trên truyền thống Cơ đốc giáo - và do đó giả định trước sự chống đối quyền tự do tình dục và hôn nhân đối với tất cả mọi người - cách kia, ngược lại, nêu bật sự tự do về mặt phong tục của Châu Âu đối lập với sự không khoan dung được cho là của người Hồi giáo: chúng ta bảo vệ chủ nghĩa nữ quyền chống lại tấm màn che và quyền LGBT chống lại sự kỳ thị đồng tính của tôn giáo.

Trong trường hợp đầu tiên, nghịch lý là Hồi giáo gần với các giá trị Cơ đốc giáo truyền thống hơn là các giá trị này gần với các giá trị của xã hội tự do đương đại. Patrick Buisson, một nhà tư tưởng không thể phản động hơn, đã nhìn thấy rõ điều này: “Không phải người Hồi giáo đã khiến cho các nhà thờ bị bỏ trống”; “Tôi tôn trọng một người phụ nữ che mặt hơn là một cô gái mặc quần lọt khe.” Tuy nhiên, trong số những người Công giáo theo chủ nghĩa truyền thống không ngừng phỉ báng chủ nghĩa thế tục và Hội Tam điểm Tự do, thì chủ nghĩa bài Hồi giáo chiếm ưu thế: Charles Martel và Trận chiến Lepante 1571[*****] là những chủ đề chung thống trị thể hiện một Châu Âu theo đạo Cơ đốc đang đẩy lùi cuộc xâm lược của người Hồi giáo.

Trong trường hợp thứ hai, ranh giới giữa những người theo chủ nghĩa dân túy và những người theo chủ nghĩa tự do thuộc mọi loại biến mất. Ví dụ, ở Pháp, việc bảo vệ chủ nghĩa thế tục vốn chủ yếu tấn công Hồi giáo đã đoàn kết một cánh tả thế tục giáo điều, một cánh hữu trung dung và Phong Trào Tập Hợp Dân Tộc/Rassemblement National (một đảng cực hữu chính ở Pháp - ND).

Giới Cơ đốc giáo truyền thống đang cố gắng thâm nhập và gây ảnh hưởng đến các đảng dân túy. Nhưng ước muốn “tái chinh phục” này vấp phải một hiện tượng cơ bản: không hề suy giảm, việc giải Cơ đốc giáo đang lan rộng ở Châu Âu. Ví dụ mới nhất là Ba Lan, nơi mà trong 8 năm dưới sự cai trị của chủ nghĩa dân túy Cơ đốc giáo, tỷ lệ tham dự thánh lễ Chúa nhật thường xuyên đã giảm từ hơn 60% người Ba Lan xuống dưới 30% - một con số thậm chí còn thấp hơn ở những người dưới 25 tuổi. Sự trở lại của tôn giáo không phải là sự trở lại của thánh lễtrước hết là tiến trình dân gian hóa của chính tôn giáo này, thông qua các máng cỏ Noel và màn biểu diễn ở Puy du Fou. Từ Houellebecq (trong cuốn Soumission/Sự phục tùng - ND), chúng ta biết rằng khả năng tối đa của những người theo tư tưởng của Maurras (một nhà văn cực hữu Ki tô giáo ở Pháp - ND) mới có thể thường xuyên lui tới một địa điểm thiêng liêng của Cơ đốc giáo là ba ngày. Kết quả là, tu viện chính thống Lagrasse đã phát minh ra việc hẹn hò tốc độ của Cơ đốc giáo, hay đúng hơn là sự cầu nguyện tốc độ: nó yêu cầu các nhà văn nổi tiếng viết một cuốn sách dựa trên một cuộc tĩnh tâm tâm linh trong... ba ngày - tương đương với ba phút trong tính thời gian thế tục.

Sự trở lại của tôn giáo không phải là sự trở lại của thánh lễ mà trước hết là tiến trình dân gian hóa của chính tôn giáo này, thông qua các các máng cỏ Noel và màn biểu diễn ở Puy du Fou.

OLIVIER ROY

Những người Công giáo theo chủ nghĩa truyền thống bị đặt trong gọng kìm giữa sự trỗi dậy của các giá trị thế tục tự do mà họ căm ghét và một Giáo hoàng – người mà họ cũng căm ghét – là người theo chủ nghĩa phổ quát, theo chủ nghĩa thế giới thứ ba và là người không quan tâm đến Châu Âu cũng như đến bản sắc, mà quan tâm đến toàn thế giới và đến niềm tin. Cuộc tái chinh phục của Công giáo kết thúc ở nơi nó bắt đầu: một sự quay trở lại với chính mình và gần như một cuộc chia ly trong Công giáo.

Nếu các xã hội Châu Âu ngày càng bỏ phiếu cho cánh hữu thì họ cũng ngày càng khoan dung hơn về mặt phong tục, và trên hết là “thực hành” quyền tự do ngày càng cởi mở hơn: hôn nhân cho tất cả mọi người, hỗ trợ sinh sản, gia đình được tái lập, chủ nghĩa tự do tình dục cởi mở. Các quyền mới – phá thai, hôn nhân cho tất cả mọi người – được quy định trong luật pháp, được cả cánh hữu và cánh tả biểu quyết. Sau ba mươi năm tiến bộ, ngày nay dường như không có bất kỳ sự thoái lui nào: các đảng dân túy đưa ra chương trình quay trở lại các chuẩn mực tôn giáo đã thất bại trong các cuộc bầu cử. Ở Ba Lan, PiS bị thất bại vào năm 2023, đặc biệt là về vấn đề phá thai. Ở Tây Ban Nha, cùng năm, đảng dân túy Vox từng vận động chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính và chống việc siết chặt luật chống các vụ việc giết vợ, trong bối cảnh sự lớn mạnh của cánh hữu, đã mất 2,7% phiếu bầu, trong khi đảng PP, đồng minh cánh hữu của nó - vốn đã bỏ phiếu cho quyền kết hôn đồng giới - đã giành thêm 13%.

Marion Maréchal (1989-)

Chủ nghĩa dân túy chiến thắng là một chủ nghĩa dân túy theo chủ nghĩa tự do vô chính phủ tán thành các giá trị xã hội mới nhưng không ghi nhận chúng vào hệ thống dân chủ nghị viện. Marine Le Pen hiểu rõ điều này, người đã xác định bản sắc của nước Pháp thông qua chủ nghĩa thế tục chứ không phải thông qua Cơ đốc giáo trong chương trình tranh cử tổng thống năm 2017. không đặt lại vấn đề về quyền phá thai hay hôn nhân cho tất cả mọi người. Bà ấy đang nổi lên trong các cuộc thăm dò trong khi Marion Maréchal không thành công. Geert Wilders, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Hà Lan vào tháng 12 năm 2023, có một chương trình dứt khoát tự do về mặt phong tục - ngay cả khi các giám mục Công giáo Hà Lan phản đối quyết định của Giáo hoàng về việc cho phép chúc phúc cho các cặp đồng tính. Về phần mình, Giorgia Meloni đã hiểu rõ năng động này và bằng lòng, trong một xã hội già nua và bảo thủ, việc hình sự hóa sự hỗ trợ sinh sản, điều trong mọi trường hợp đều không đạt được sự đồng thuận, kể cả ở phe cánh tả, trong khi anh rể của bà là Lollobrigida, bộ trưởng của “chủ quyền ẩm thực” – một chức danh nói lên nhiều điều về sự thu hẹp chủ quyền – bảo vệ pizza, tức là văn hóa dân gian.

Chủ nghĩa dân túy chiến thắng là một chủ nghĩa dân túy tự do vô chính phủ tán thành các giá trị xã hội mới nhưng không ghi nhận chúng vào hệ thống dân chủ nghị viện.

OLIVIER ROY

Cuối cùng, chúng ta hãy lưu ý rằng ở hầu hết mọi nơi, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy thể hiện các giá trị của phái Cơ đốc giáo trong đời sống riêng tư của họ ít hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo cộng sản Châu Âu vào nửa sau thế kỷ 19 chẳng hạn.

Các xã hội Châu Âu, được cho là đang hướng theo cánh hữu, trên thực tế dường như ngày càng tự do hơn về vấn đề phong tục, trong khi ngày càng bỏ phiếu ủng hộ cánh hữu về vấn đề bản sắc. Trước cuộc bầu cử Châu Âu vào tháng 6, việc khám phá nghịch lý này chắc chắn là điểm khởi đầu hữu ích.

Vì vậy, chúng ta hãy đề xuất một cách tiếp cận khác: chủ nghĩa phi tự do chính trị đang phát triển ngày nay tương ứng với sự mở rộng của chủ nghĩa tự do xã hội vốn chính đáng hóa sự thù địch của nó đối với người di cư/người Hồi giáo chính xác thông qua chủ nghĩa tự do này. Nói tóm lại, những tác nhân bảo vệ bản sắc tốt nhất là những người theo chủ nghĩa tự do, bởi vì các giá trị “Châu Âu” đối lập với người Hồi giáo/người di cư chính xác là những giá trị tự do về mặt đạo đức và phong tục. Nhưng tất nhiên điều này giả định trước một sự biến đổi độc tài của chủ nghĩa tự do chính trị vốn không liên quan gì đến việc quay trở lại trật tự đạo đức.

Chính trị Châu Âu quả thực đã tìm thấy một trí tưởng tượng, nhưng không tìm thấy một văn hóa: bước ngoặt độc tài vẫn xuất phát từ việc mở rộng đế chế của các chuẩn mực và của sự mã hóa các hành vi.

OLIVIER ROY

Trường hợp điển hình nhất của phong trào này được thấy ở Đan Mạch, nơi Đảng Dân chủ Xã hội đã triển khai chính sách khắt khe nhất về sự loại trừ và sự đồng hóa cưỡng bức trên toàn Châu Âu, nhân danh chính mô hình xã hội và các giá trị tự do. Ở Pháp, việc phá thai được đưa vào hiến pháp cùng thời điểm với việc luật nhập cư nghiêm ngặt nhất được thông qua. Hẳn là phong trào kép này có thể được ẩn giấu đằng sau một diễn ngôn cánh hữu: phục hồi uy quyền, gia đình, tỷ lệ sinh, một diễn ngôn mà cho đến nay chủ yếu được tìm thấy ở những thành phần cực đoan nhất của đạo Công giáo trong các phong trào dân túy. Nhưng lối hùng biện này không có tác động gì đến sự tiến hóa của các phong tục và không báo trước sự quay trở lại trật tự đạo đức. Điều đó trước hết có nghĩa là chủ nghĩa tự do chính trị đã chuyển sang quan điểm độc tài nhưng vẫn bảo vệ một “lối sống” tự do, miễn là chúng ta ở bên phía thắng thế.

Do đó, chúng ta không nên phẫn nộ trước sự “trôi dạt” của phe trung dung sang chủ nghĩa dân túy. Phe trung dung này đang tái định vị vào giữa và biết rất rõ mình đang làm gì. Trên thực tế, đó là một cách để tìm kiếm sự đồng thuận về “các giá trị Châu Âu” tự do, lần này bằng cách neo chúng trong sự sợ hãi người khác, cách duy nhất để tạo ra một “chúng ta”. Chính trị Châu Âu quả thực đã tìm thấy một trí tưởng tượng, nhưng không tìm thấy một văn hóa: bước ngoặt độc tài luôn/vẫn xuất phát từ việc mở rộng đế chế của các chuẩn mực và của sự mã hóa hành vi.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Le grand recentrement, Le Grand Continent, 29.3.2024.




Chú thích:

[*] Olivier Roy là giám đốc nghiên cứu tại CNRS/Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học và giám đốc nghiên cứu tại EHESS/Học Viên Khoa Học xã Hội Cao Cấp. Là nhà khoa học chính trị và chuyên gia về Hồi giáo, ông là tác giả của nhiều công trình về chủ đề này: L’Échec de l’islam politique (1992), Les Illusions du 11 septembre (2002), L’Islam mondialisé (2002), En quête de l’Orient perdu (livre d’entretiens avec Jean-Louis Schlegel, 2014), và Le Djihad et la mort (2016).

[**] Cải cách Gregorien là cuộc cải cách Giáo Hội Công Giáo kéo dài suốt thế kỉ 11 và cả sau đó chủ yếu dưới thời Giáo Hoàng Gregoire VII (1073-1085) mà nhưng nét chính vẫn còn có thể tìm thấy trong Giáo Hội Công Giáo hiện nay cả về mặt cơ cấu và về mặt giáo lí: các thể chế quyền lực trong Giáo Hội, vai trò của Đức Giáo Hoàng, sự độc thân của các giáo sĩ, v.v. (ND).

[***] Hiệp ước Wesphalie chứng kiến sự ra đời của một trật tự quốc tế mới dựa trên sự đối đầu giữa các quốc gia có chủ quyền và bình đẳng về pháp luật, và do đó tham gia vào việc ổn định trật tự quốc tế sau thời kỳ nội chiến vào thế kỷ 17 giữa các thế lực phong kiến và tôn giáo (ND).

[****] Geert Wilders (Hà Lan), Marine Le Pen (Pháp) hay Marion Maréchal (Pháp) là thủ lãnh của các đảng phái cực hữu (ND).

[*****] Trận Lepanto diễn ra ngày 7 tháng 10 năm 1571 giữa hạm đội Ottoman của Selim II và hạm đội của Liên Minh Thần Thánh, một Liên minh Kitô giáo được thành lập dưới sự bảo trợ của Giáo hoàng Pie V. Chiến thắng của Liên Minh Thần Thánh mang tính biểu tượng vì nó được xem như là sự chặn đứng chủ nghĩa bành trướng của đế chế Ottoman (ND).

Print Friendly and PDF