BÀN LUẬN VỀ MAX WEBER[*]
Lê Minh Tiến[**] (dịch)
![]() |
Max Weber (1864-1920) |
Vì sao Max Weber lại trở thành một qui chiếu kinh điển trong lĩnh vực khoa học xã hội trong khi bản thân ông dành toàn bộ thời gian để rao giảng về sự ngờ vực và cẩn trọng đối với việc ứng dụng các công trình nghiên cứu của mình? Theo sự nhìn nhận ở Đức thì việc không đón nhận Weber là một trong những đặc trưng nổi bậc nhất của nền xã hội học Pháp. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tạp chí Journal de la République des Lettres (RL) với Dirk Kaesler, Giáo sư trường đại học Marbourg tại Đức. Ông đồng thời cũng là một nhà chính luận, nhà báo và nhà xã hội học, là tác giả của hai bộ sách về các nhà xã hội học cổ điển trong đó có quyển “Max Weber. Sa vie, son oeuvre, son influence” (Max Weber. Cuộc đời, tác phẩm và ảnh hưởng) xuất bản năm 1995.
RL: Trong tiếp cận của Weber, điều gì đã làm cho các khoa học xã hội bị xáo động trong thời đại của ông ta? Đâu là những điều kiện lịch sử, xã hội, quốc gia, tiểu sử, nền giáo dục đại học hoặc điều kiện của các chuyên ngành trong sự đóng góp của Weber cho khoa học xã hội?
![]() |
Dirk Kaesler (1944-) |
![]() |
Những nghiên cứu đầu tiên của Weber chẳng có gì đặc biệt cả. Trên thực tế, ông đã bắt đầu bằng những câu hỏi then chốt trong thời đại của ông đó là cuộc tranh luận về các nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản và sự phát triển của nó... Vấn đề này liên quan đến mọi lĩnh vực nghiên cứu từ kinh tế học, sử học, những ngành khoa học đang định hình vào thời kỳ đó. Phần lớn các nhà xã hội học và sử học đều không nhận ra thực tế đó, chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi hình ảnh một Weber siêu nhân (surhumain) và thiên tài được dựng lên và luôn được bảo quản trong khi có những học giả như Treitschke, Schmoller, Sombart, Troeltsch hay Theodor Mommsen cũng đã nghiên cứu cùng những chủ đề đó. Tầm quan trọng của Weber là đã mở rộng vần đề chủ nghĩa tư bản thành quá trình duy lý hóa để chuyển sang một xã hội học có chiều kích quốc tế: theo Weber người ta không còn có thể tách định mệnh của quá trình duy lý hóa với định mệnh của thế giới. Sự kiện chủ nghĩa tư bản là một trong những khuynh hướng nghiên cứu chính trong thời đó chỉ là một điểm khởi đầu, nhưng Weber lại đặt nó trong nhãn quan tổng quát của quá trình duy lý hóa như là thời khắc quyết định trong lịch sử loài người.
Cần phải nói rằng cho đến cuộc Thế chiến lần I, Weber là con đẻ của thời kỳ đó và thuộc về bối cảnh của một nước Đức đã hoàn thành việc chuyển đổi từ một quốc gia của nền văn minh quân chủ sang xã hội công nghiệp hiện đại, một nước Đức vẫn còn ở thời kỳ nặng tính quí tộc, nông nghiệp và bị chi phối bởi xã hội cũ. Chắc chắn ông là một người có tư tưởng quốc gia và yêu nước, vì thế ông hy vọng nước Đức có một vị trí trong lịch sử toàn cầu. Về nguyên tắc, ông là người gắn bó với các giá trị quân chủ mặc dù ông đã phê phán chế độ Hohenzollern và đặc biệt là chế độ Guillaume II. Weber trong giai đoạn đầu thuần túy là sản phẩm của triều đại Wilhelm... Nhìn dưới góc độ đại học, Weber là một người rất truyền thống, vả lại ông cũng được thôi thúc bởi nguồn gốc gia đình của mình do đó ông muốn và phải trở thành giáo sư đại học từ khi còn rất trẻ. Ông là người nằm trong một mạng lưới rất hẹp của những giáo sư đại học, được đắm chìm trong nền văn hóa và những lễ nghĩa của tầng lớp tư sản. Cần chấm dứt truyền thuyết trên là có một Michel Ange ở cuối thế kỷ XIX. Dưới cú sốc của cuộc Thế chiến thứ I, Weber đã từ bỏ chủ nghĩa yêu nước của mình để tự đặt mình vào một viễn cảnh toàn cầu và đưa lịch sử và văn hóa thế giới của nhân loại vào viễn cảnh ấy, một dự án nghiên cứu khá đồ sộ.
RL: Ông nghĩ thế nào về cách người Pháp đọc và sử dụng tri thức xã hội học Đức và của Weber?
![]() |
Émile Durkheim (1858-1917) |
![]() |
Raymond Aron (1905-1983) |
Đây là một trớ trêu của lịch sử! Có hai nhà xã học mà ngày nay rất được tôn trọng đã làm việc cùng thời với nhau ở hai quốc gia lân cận nhưng chưa thật sự gặp được nhau đó là Max Weber (Đức) và Émile Durkheim (Pháp). Michael Pollak đã viết một bài rất sắc sảo về sự không chấp nhận nhau giữa hai nền nghiên cứu xã hội học này. Đây là vấn đề có rất nhiều chuyện để bàn. Đây là một vấn đề lịch sử: trong nền xã hội học đương đại của Đức, vẫn chưa có sự đón nhận Durkheim một cách thật sự, cũng như không có sự đón nhận liên tục và có tính hệ thống Weber trong giới xã hội học Pháp. Tình trạng này vẫn kéo dài cho đến hôm nay. Tôi cũng đã viết một bài về việc đón nhận Weber tại Đức nhưng hoàn toàn không đơn giản bởi nền xã hội học Đức cũng từ lâu không biết đến Weber. Tuy nhiên kể từ năm 1964, việc đón nhận Weber tại Đức đã tăng lên. Tại Pháp lại không như thế: người ta vấp phải tình trạng thảm hại trong việc không dịch các tác phẩm của Weber! Mọi chuyện vẫn không thật sự thay đổi kể từ năm 1920, năm Weber qua đời, mặc dù hai nhà xã hội học có trọng lượng của Pháp – vả chăng điều này gây bối rối – là Raymond Aron và gần đây là Pierre Bourdieu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Weber.
Có rất nhiều lý do để lý giải chuyện này: người trung gian đầu tiên, Julien Freund, cũng là một người “ngoài lề” bởi ông ta là người vùng Alsace và cũng không phải giáo sư của đại học Sorbonne. Nhưng xét về nền tảng, tức là việc cấu tạo của ngành, trường phái Durkheim chẳng có lợi ích gì trước sự du nhập của một khung mẫu lý thuyết cạnh tranh với mình. Điều này là rõ ràng hơn nếu ta biết rằng cả Durkheim và Weber đều theo đuổi hai dự án nghiên cứu gần như đối lập nhau trong cùng một lĩnh vực đó là xã hội học tôn giáo. Xã hội học của Durkheim có một trọng tâm trong xã hội học tôn giáo, và tôi khẳng định rằng với Weber sau này, vị trí nền tảng của xã hội học về các tôn giáo thể hiện rõ ràng toàn bộ nghiên cứu xã hội học của ông ta. Vì thế có hai dự án nghiên cứu đối nghịch nhau trong cùng một lĩnh vực mà ở đó, các lợi ích quốc gia cũng đóng một vai trò có tính quyết định. Toàn bộ những điều trên được thể hiện qua sự mâu thuẫn kéo dài giữa hai quốc gia trong thế kỷ hai mươi. Chính vì thế việc nước Pháp không đón nhận Weber là không có gì đáng ngạc nhiên, và có thể hiện nay chúng ta đang ở một khúc quanh là Weber đã trở nên cần thiết. Mặt khác, xung đột giữa Pháp và Đức không còn tính thời sự như xưa nữa và cuối cùng mang những hình thái khác nơi ba ông tổ-đáng kính của xã hội học là Marx, Durkheim và Weber. Weber là người ít mờ nhạt nhất, cần kiểm tra xem Marx còn xác đáng không cho xã hội học trên trường quốc tế. Có thể đúng là nay chỉ còn hai vị thượng đế là Durkheim và Weber. Và điều này càng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đón nhận Weber, vốn vẫn luôn tự mình phát triển trong bóng của Marx, với tư cách là một “đối dự án” của một Weber, nhà “tư sản chống Marx”. Điều này dẫn đến, ví dụ như ở Pháp, một đối chọn: hoặc là Marx, hoặc là biến thể tư sản hay xã hội-dân chủ là Durkheim. Khi ngôi vị Marx sụp đổ, và dưới tác động của sự thất vọng đối với Durkheim, người ta có thể một lần nữa sẽ “giải cứu” Weber…
RL: Chúng ta cùng từ từ đi vào tác phẩm của Weber và tính thời sự của ông ta với một câu hỏi nằm ở trung tâm của vấn đề tiếp nhận Weber và của xã hội học như một khoa học xã hội đã được thiết lập với những phòng thí nghiệm, những thiết chế, quan điểm và bộ môn của nó. Trong tác phẩm “Réponses” (Những câu trả lời) của mình, Pierre Bourdieu gần đây vẫn tiếp tục chỉ trích những sản phẩm trí tuệ xuất phát từ việc giảng dạy “chính thống” các tác giả lớn trong lĩnh vực xã hội học bằng những sự đối lập có tính quy tắc và tưởng tượng giữa các tác giả này (Weber chống Durkheim, Weber chống Marx, …), giữa các phương pháp (vi mô/vĩ mô…), hay khái niệm (cấu trúc, lịch sử …). Cách tiếp cận này thống lĩnh “việc đào tạo thông thường của xã hội học” và “nền sư phạm thông thường của các giáo sư”. Đây chính là một “chướng ngại cho sự phát triển của khoa học xã hội”, một sản phẩm thuần túy của những ràng buộc do việc tái sản sinh nền giáo dục học đường. Ông đánh giá thế nào về kiểu phê bình này và đâu là đóng góp ở cấp độ đại học của ông vào việc nghiên cứu Weber?
![]() |
Pierre Bourdieu (1930-2002) |
![]() |
Jürgen Habermas (1929-) |
Đây là nỗ lực chính của tôi... Tôi đã đóng góp những phê bình của mình trong lần xuất bản mới nhất tác phẩm của tôi: tôi đã giải thích điều mà tôi gọi là “một ngành công nghiệp diễn giải lại Weber” (une industrie de la réinterprétation de Weber). Tôi muốn nói rằng trong nền nghiên cứu xã hội học Đức và Mỹ có vô số sách vở, bài viết, những công trình nghiên cứu nghèo nàn mà ta có thể lấp đầy các thư viện và chúng không có gì khác hơn là muốn viết lại hoặc những gì Weber sẽ có thể viết, tất cả điều đó đều nhân danh Max Weber! Những tranh luận vô bổ đã đưa đến việc sản xuất ra hàng loạt các công trình như những câu kinh đã thần thánh hóa Weber. Đó chẳng có gì khác hơn là một hệ thống khép kín sản xuất tự động các lập luận cả. Weber đã chết. Đúng ra cần phải hiểu chúng ta nợ những bước đầu của xã hội học điều gì trong việc tiếp nối những gì Weber từng đề cập vào thời của ông, có tính đến rằng Weber là người của thế kỷ XIX và đang chuyển sang thế kỉ mới trong khi chúng ta là những người sống ở cuối thế kỷ XX! Vậy thì làm sao chúng ta lại biến Weber thành một nhà tiên tri (!) ở cuối thế kỷ của chúng ta? Theo tôi, có ba người đã thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội học là Jurgen Habermas, Anthony Giddens và Pierre Bourdieu. Chính Weber là người đã đúng đắn chỉ ra rằng sự đan xen của những chiều kích đặt nền tảng cho xã hội học hiện đại: ông hợp nhất những cấu trúc cho đến lúc bấy giờ được xem là không đồng nhất, điều mà Bourdieu sẽ làm với khái niệm habitus (tập tính): Bourdieu đã thử đưa vào đó (habitus) các chiều kích cá nhân - xã hội hóa/nội tâm hóa các mối quan hệ - trong các cơ cấu vĩ mô chẳng hạn như là quá trình tái sản xuất tầng lớp ưu tuyển trong xã hội Pháp.
![]() |
Anthony Giddens (1938-) |
Nền xã hội học Mỹ là một khó khăn logic cho dự án xã hội học: những “lựa chọn duy lý”, việc thiết lập chương trình cho một xã hội học theo phương thức hình thức hóa, những đối kháng nhị nguyên xã hội/cá nhân, v.v.. Chỉ tại Châu Âu mới vẫn còn lưu giữ những yếu tố của nghiên cứu xã hội học đúng nghĩa - trong đó Weber vẫn còn có vị trí - dưới sự thúc đẩy của những công trình xã hội học thường được tiến hành, xin bạn nhớ cho, bởi những tác giả như Bourdieu hay Habermas mà các công trình nhằm chống lại sự kháng cự của chủ nghĩa truyền thống hàn lâm và cả chủ nghĩa này mà chúng ta vừa mô tả! Trong thực tế – để nhắc lại chủ ý của Bourdieu – nếu có một phê phán như thế, đó cũng có thể vì xã hội học, như các khoa học nhân văn nói chung – không tránh khỏi được các nhà xã hội học, tôi muốn nói là các nhà sáng lập xã hội học. Tương tự như vậy và với những liều lượng khác nhau, một trào lưu phân tâm học đã có thể nhấn mạnh rằng không có Freud thì không có phân tâm học do đó không có việc gặp không né tránh được với “dục vọng của Freud”. Paul Veyne còn nghĩ đến mức là không có xã hội học – ở đây cần được hiểu như là một “khoa học nhân văn” – nhưng chỉ có những “học thuyết” không biết đến nhau và nói chung tự hướng về ba ngã chính: xã hội học có lẽ không biết nó là một triết học chính trị, một sử học những nền văn minh đương đại, hay một loại văn chương gần với học thuyết đạo đức của các thế kỷ XVIII và XIX. Bạn sẽ nói lại thêm một sự tấn công mạnh mẽ nữa, ngoại trừ đây là Veyne viết nhân để đánh giá chính xác hơn rằng “Sự nghiệp sử học mẫu mực nhất của thế kỷ chúng ta: sự nghiệp của Max Weber” (trong Comment on écrit l’histoire).
RL: Có hai câu hỏi cho ông: liệu có một nền xã hội học xứng đáng với tên gọi của nó không, tức như một khoa học xã hội trong ý nghĩa đầy đủ nhất; đâu là những tiêu chí để xác định “xã hội học” hơn là “xã hội học Weber”, “xã hội học Durkheim” hoặc “xã hội học Mác-xít”? Đâu là mối quan hệ giữa xã hội học và sử học: liệu có một thời điểm nào đó mà việc nghiên cứu lịch sử lại là khởi nguồn của xã hội học, hoặc xã hội học cũng chỉ là một cách viết sử khác mà thôi? Nói cách khác, liệu Weber có đưa vào một cách viết sử một sự gián đoạn khoa học luận hay là việc viết sử đã tạo ra một thứ khác đó là xã hội học?
Auguste Comte (1798-1857) |
Tôi đặt câu hỏi đầu tiên bằng những ngôn từ triệt để nhất: phải chăng xã hội học là một dự án của thế kỷ XIX vẫn còn có khả năng sống sót trong thế kỷ XX? Tôi không có ý nói là xã hội học, với tư cách là một khoa học, có thể đã chết ... Hiện nay cuộc phiêu lưu của xã hội học đang đi vào một giai đoạn mang tính quyết định. Chúng ta nợ Auguste Comte từ “xã hội học”, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là phải có một dự án xã hội học, một ý tưởng đặc biệt khởi đi từ khoa học ở cuối thế kỷ XIX. Cũng như cách con người chế ngự thế giới tự nhiên bằng tiến bộ trong lĩnh vực tự nhiên thì cũng vậy, trong lĩnh vực xã hội, chúng ta phải có khả năng chế ngự con người: “Nhìn để hình dung, để đoán trước” đó từng là chương trình của nữ hoàng các khoa học, thông qua dự án lớn chế ngự xã hội. Sử học ở khá xa với mối bận tâm này. Nhưng ngày nay còn ai nói như thế về xã hội học đâu? Đó chính là chương trình của “nữ hoàng của các khoa học xã hội”. Khoa học lịch sử đang ở khá xa so với nhiệm vụ đó... Nhưng liệu chúng ta có thể nói xã hội học ngày nay cũng như thế?! Vần đề trở nên phức tạp nếu chúng ta tính đến rất nhiều những dự án nghiên cứu xã hội học rất khác nhau trong thời kỳ đầu của xã hội học. Ở đây chúng ta chỉ nói về Weber, nhưng còn hàng loạt tác giả khác nữa!
Vấn đề là thế này: liệu có một học thuyết chung chăng? Liệu khái niệm “xã hội học” và mô hình khoa học luận Comte-Durkheim có còn tồn tại? Tôi đã trở nên hoài nghi. Dự án này bao giờ cũng là một chị em bất chính của chủ nghĩa xã hội (le socialisme). Chủ nghĩa xã hội như một dự án cạnh tranh và như một hình thái được hoàn thiện của nền dân chủ xã hội không có viễn tượng. Điều gì sẽ xảy ra cho xã hội học? Có hai giả thuyết: nó sẽ tan vỡ thành vô số mảnh “xã hội học”, đây chính là sự tan rã của xã hội học; hoặc nó sẽ gắn kết rất chặt chẽ với chủ nghĩa xã hội... Tôi đồ rằng nếu ta gắn xã hội học với cách hiểu của Weber như cách Habermas, Giddens và Bourdieu đã làm, khi đó xã hội học sẽ là một cái gì đó khác hơn chứ không chỉ là “một cách nói và viết”. Xin nói rõ hơn: đâu là chân lý xã hội học nếu như nó bị xem như chỉ là cách diễn đạt các sự kiện bằng một ngôn ngữ đặc biệt? chẳng có ích lợi gì cả... Xã hội học cung cấp các biểu trưng trừu tượng về các hiện tượng mà không có loại nghiên cứu nào khác có thể cung cấp được và tôi nghĩ rằng nếu được như thế thì xã hội học “theo kiểu Weber” có thể mang lại nhiều điều hơn là xã hội học “theo kiểu Marx”.
Câu hỏi thứ hai là mối quan hệ giữa sử học và xã hội học. Quả thật mối quan hệ giữa hai lĩnh vực này là rất kỳ lạ. Tại Đức thì mối quan hệ giữa hai ngành này là đối tượng của những cuộc tranh luận xoay quanh các ý định của các sử gia xuất thân từ trường phái phê phán của trường đại học Bielefeld. Wehler hay Kocka đã kết luận rằng Weber là người đứng đầu của nền sử học xã hội hiện đại, rằng ông ta là một nhà sử học hơn là một nhà xã hội học và rằng các sử gia có lẽ hiểu Weber hơn các nhà xã hội học. Tuy nhiên cũng tại Đức, Weber lại là một công cụ kháng cự lại một số loại hình – đôi lúc mâu thuẫn nhau – của khoa học lịch sử: chống lại “sử học qua trải nghiệm hàng ngày” (Alltagsgesechichte), “sử học qua sử liệu truyền khẩu” (oral history), “sử học nhìn từ bên dưới” (histoires vues d'en bas), hoặc chống lại các nhà sử học về tư tưởng vốn không muốn hòa lẫn với sử học xã hội hoặc với sử học kinh tế, v.v.. Weber là người nghiên cứu rất nhiều dự án đối lập nhau hoàn toàn mà ở đó, ông chỉ đạt được các mục tiêu hợp thức mà thôi. Gần đây, chính lĩnh vực triết học chính trị cũng đã muốn biến Weber thành một nhà luật học. Những điều trên là hoàn toàn vô bổ, ngày nay rất nhiều khoa học về tinh thần đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Rõ nhất đó là trường hợp của khoa chính trị học mà tôi không nắm rõ tính xác đáng: tôi luôn tự hỏi không biết nó sẽ đi về đâu và đâu là đối tượng nghiên cứu của nó. Còn chăng một thiết kế lí thuyết đằng sau hay đây chỉ gián tiếp là một lí thuyết xã hội học? Dường như cuộc khủng hoảng này càng nghiêm trọng hơn khi những thách thức của các vấn đề trên chưa bao giờ được làm rõ – chúng sẽ làm phá sản các “sự nghiệp”! – và ta không còn những cuộc cạnh tranh khoa học mà chỉ có những tranh cãi về sở hữu. Nếu chúng ta chỉ cần tự vấn mình trong vòng một giờ đồng thôi về điều chúng ta đang tự làm, có lẽ chúng ta sẽ thấy rằng trong những lĩnh vực riêng của chúng ta: sử học, xã hội học, triết học chính trị chúng ta đang đẩy lùi ngày xa hơn cái khả năng thiết lập được một nền xã hội học thật sự. Có một khái niệm của Weber rất phù hợp để diễn tả những gì đang diễn ra hiện nay đó là khái niệm “Ressortpatriotismus”. Weber không phải là nhà luật học, kinh tế học, sử gia về nông nghiệp, triết gia hay tư tưởng gia về chính trị, ông ta chẳng bận tâm về những điều lặt vặt đó: cái khoa học về tinh thần này, khoa học về con người và xã hội mà Weber gọi là Kulturwissenschaft (khoa học về văn hóa) hiện nay đang ở trong tình trạng thỏa hiệp... bởi chính bản thân nó. Và tôi còn không nói đến những cách sử dụng có tính xã hội của nó.
RL: Sự đóng góp to lớn của Weber cho các khoa học nhân văn có liên quan rất chặt với truyền thống duy sử luận (historicisme) Đức, mà một trong những câu hỏi then chốt của truyền thống này là “Đâu là cái đáng được gọi là sử? Đâu là những sự kiện xứng đáng được lựa chọn? Tại sao lại chọn những sự kiện này mà không phải là những sự kiện khác? Đó chính là vấn đề then chốt của mối quan hệ giữa “lý do tồn tại” (raison d'être) của sự kiện hoặc giai đoạn được nghiên cứu với “lý do để biết” (raison de connaitre) của nhà nghiên cứu; câu hỏi này, tức câu hỏi về mối quan hệ giữa các giá trị, cũng chính là trọng tâm trong nghiên cứu xã hội học của Weber. Chính vì lý do này mà Weber là người đã hoàn thành và khép lại một phần của truyền thống duy sử luận Đức: sử học gắn liền với các giá trị mà bản thân các giá trị cũng mang tính lịch sử và là đối tượng nghiên cứu của sử gia-nhà xã hội học, vì vậy cùng một lúc, sử học lại bị bứng ra khỏi tính không-thời gian do mọi thứ đều có tính lịch sử. Toàn bộ “lý thuyết” về các “loại hình lý tưởng” (idéal-types) là ở đây, sản phẩm của sự đối sánh giữa những thời điểm với các cấu tạo lịch sử: chẳng hạn như sự khớp nối giữa cuộc Cách mạng Pháp hoặc thời Cải cách (tức các thời điểm) với các cấu trúc “xuyên lịch sử” (transhistoriques) như là Chủ nghĩa Tư bản hoặc Chế độ hành chánh (Bureaucratie). Từ đó ta có thể nói, chẳng hạn, lý thuyết kinh tế có lẽ không phải là một khoa học suy diễn mà chỉ là một loại hình lý tưởng của chủ nghĩa tư bản tự do... Đó là điều hoàn toàn mang tính lịch sử và xuyên lịch sử, đây là một sự đảo lộn cách nhìn rất triệt để.
Rất đúng. Đó là trọng tâm nghiên cứu của Weber. Ở đây bạn nói đến lịch sử nhân loại, một chủ đề rất lớn mà bạn chỉ đề cập đến một giai đoạn - sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong lịch sử Phương Tây. Weber cho rằng lịch sử là hỗn độn, những mâu thuẫn được khẳng định trong sự chặt chẽ của lịch sử. “Chẳng có qui luật trong lịch sử, nhưng tôi, Weber, sẽ không đầu hàng trước sự hỗn độn của các sự kiện! Tôi chỉ đơn giản là tìm lại cái ý nghĩa [của chúng] thông qua một mô hình giúp thể hiện điều đó bằng các diễn ngôn khoa học”. Đó là điều tạo nên sự khác biệt giữa các khoa học nhân văn với các khoa học chính xác. Tất nhiên tôi có thể nói rằng tôi nhìn thấy ở sự phát triển tuần tự và liên tục của lịch sử nhân loại mà khi vào giai đoạn cuối cùng, các bạn sẽ nhìn thấy sự thống trị giai cấp bị cáo chung. Weber đã nói thế này: tôi nhìn thấy một quá trình phát triển của lịch sử toàn cầu được đặc trưng bởi quá trình duy lý hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hai câu hỏi mà bạn đặt ra bên trên đều có thể được khảo cứu, thế nhưng nếu chúng ta có thể xem một trong hai câu hỏi trên là thích đáng thì điều này là không khoa học. Đó chính là lịch sử hoặc đúng hơn theo quan niệm của Weber là những cách diễn giải lịch sử; chẳng có qui luật trong lịch sử, nhưng có một mô hình trong sự phát triển của lịch sử trải ra trên nhiều thời kì dài. Weber tin vào sự trường tồn phổ quát và bất định của mọi lĩnh vực thể theo mô hình duy lý (modèle rationnel). Điều này hiển nhiên đối với Weber, cho dù chúng ta không ý thức rằng mình là một phần tham gia vào quá trình phát triển ấy: vì thế bạn có thể tiếp tục nghĩ rằng chính Thượng Đế làm nên lịch sử, hoặc là lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả, đồng thời vẫn tiếp tục theo đuổi sự chuyển động lịch sử vĩ đại được Weber đưa ra ánh sáng. Vì thế bạn có thể nghĩ rằng chính Thượng Đế là người làm nên lịch sử, hoặc là lịch sử chẳng có ý nghĩa gì cả. Điểm cuối cùng, Weber là người luôn “phản tư” các công trình của mình. Đây chính là chìa khóa của “mối quan hệ giá trị” (Wertbeziehung) giữa tôi với tư cách là nhà nghiên cứu với nhãn quan của tôi về sự thật lịch sử.
RL: Đây là một chủ đề có hơi hướng từ triết gia Nietzsche mà Bourdieu luôn luôn chỉ ra khi ông vạch ra những đường hướng nghiên cứu chính của “nhân học phản tư” (anthropologie réflexive)...
Weber là người tự phản tỉnh đủ để không rơi vào sự tự mãn. Quả vậy, nếu tôi muốn tìm thấy điều mà tôi đang tìm kiếm - sự suy tàn của Phương Tây - tôi sẽ tìm thấy (qua Spengler); cũng vậy với Hégel tôi sẽ tìm được sự hoàn thành của Tinh thần trong Lịch sử phổ quát... Ngày nay chúng ta đã quên một điều là Weber có thể làm cho những điều hiểu nhiên bị lung lay không phải bằng tư cách nhà tương đối luận nhưng với tư cách nhà “liên hệ luận” của mình. Ông gắn kết những điều hiển nhiên này với nhau: nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu; ý tưởng về sự chia tách rạch ròi giữa chủ thể và đối tượng của nghiên cứu dứt khoát bị đặt thành vấn đề. Ý tưởng cuối, mà một lần nữa chúng ta lại quên tầm quan trọng, là ông viết như trên vào một thời kì khi các khoa học tự nhiên tin tưởng chắc chắn và ngây thơ vào sự không đồng nhất của chủ thể và đối tượng nghiên cứu, khi nhà quan sát hoàn toàn không can dự vào nghiên cứu, ngày nay ta biết rằng điều đó là không đúng như vậy. Vào thời Weber, chưa hề có ý tưởng về sự khác biệt giữa nhà nghiên cứu, việc nghiên cứu và quan sát. Điều này đưa chúng ta quay lại với những gì chúng tôi đã trao đổi lúc đầu: xã hội học đã khởi đầu với chương trình sai lầm này của các khoa học tự nhiên vốn, để nói một cách đại khái, không nghi ngờ gì cả. Những người như Comte hay Durkheim đã không nhận ra điều đó. Karl Marx cũng nghĩ điều ông đề xuất là một phác thảo về sự hoàn thành của quá trình lịch sử, hướng đến một chân lý … Weber về cơ bản là một người hoài nghi, công trình của ông về quan hệ giữa đạo Tin lành và chủ nghĩa tư bản hoàn toàn không mang dấu ấn của một chân lý tuyệt đối và dứt khoát…
RL: Đúng vậy. Trong sự ứng dụng rất khác biệt và mâu thuẫn này, có một nhà tiên tri bị vỡ mộng về định mệnh của các xã hội hậu công nghiệp, đã nghĩ đến công nghệ, sự vỡ mộng của thế giới, tính duy lý hành chánh, sự hoàn thành và suy sụp của Phương Tây... nghiên cứu sâu những chủ đề chung cho những trào lưu rất khác nhau như cuộc cách mạng bảo thủ hay trường phái Franckfurt. Ông nghĩ gì về Weber?
![]() |
Sự phức tạp và những mâu thuẫn nội tại trong các công trình của ông ta đã là cơ sở cho một di sản không đồng nhất được nhiều người mạnh mẽ đòi hỏi phải đọc theo những cách đối lập nhau và đôi khi tất cả họ đều có lý! Tôi không phải là người sử dụng Weber như một cỗ máy chiến tranh chống lại Marx. Biến Weber thành một sứ giả của chủ nghĩa tư bản cũng là điều sai lầm. Xu hướng những kiến giải khác nhau giữa những ai cho rằng chủ nghĩa tư bản vẫn còn quan liêu với những ai sáng tạo ra một Weber vô cùng bi quan ý thức rằng chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến bi kịch của sự tiêu vong của nền tự do tư sản. Chính trường phái Frankfurt đã nhìn vấn đề dưới một góc độ ý thức hệ sai lầm vì những lý do hệt như trường phái Durkheim đã mắc phải. Gần một thế kỷ sau sự ra đời của tác phẩm Nền đạo đức Tin Lành và Tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1904) không còn có thể đề cập tính hiện đại theo cách Weber đã từng mô tả nó. Weber sẽ chẳng giúp chúng ta giải quyết những vấn đề của chúng ta ở cuối thế kỷ XX. Cho dù những phân tích của Weber có được xác nhận là đúng đắn hay không. Những cuộc tranh luận về “lịch sử các tư tưởng” là rất thú vị, nhưng cuối cùng có đẩy được xã hội học tiến lên? Tôi không quan tâm đến việc Weber có chấp nhận được đối xử theo kiểu của Carl Schnitt hay theo kiểu của Marx, hoặc liệu ông ta nghĩ tốt hay nghĩ xấu về chủ nghĩa tư bản... Chúng ta đang sống ở thời kỳ phát triển toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, đây là một trong những sự kiện lớn, mới mẽ trong lịch sử nhân loại mà Weber đã vẽ ra những nét đầu tiên một cách rất đặc biệt. Nhưng đúng hơn chúng ta cũng cần xem xét lại Weber và chủ nghĩa tư bản của chúng ta khi bối cảnh đã có nhiều thay đổi dần dần nhưng sâu rộng sau công trình nghiên cứu của ông.
RL: Cách đây vài tháng, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với RL, Cornelius Castoriadis lưu ý rằng “những kiểu của Weber” (types wéberiens) như “người viên chức liêm chính” chẳng hạn đang dần biến mất trong thời đại ngày hôm nay. Vậy đâu là mối liên quan có thể có giữa một sự khủng hoảng của tính hiện đại với điều mà Weber phát hiện, các loại hình lý tưởng giúp xác định tính hiện đại nhưng đồng thời cũng đang biến mất?
Tôi cũng đặt vấn đề y như vậy. Chúng ta hãy dùng lại kiểu hình lý tưởng “người công chức liêm chính”, một kiểu đặc trưng của nền hành chính hiện đại, một hình thái duy lý của quản lý công: nó phi cá nhân, có hiệu năng, như tất cả những hình thái khác, tận tụy nhưng không đam mê luật pháp. Và theo Weber thì đây là hình thái tối ưu nhất của sức mạnh hành chánh mà các tầng lớp trung lưu là những người được hưởng lợi chính. Bourdieu cũng đặt ra cùng một câu hỏi như thế khi phân tích quá trình nội tâm hóa và tích lũy vốn kinh tế, vốn học đường, vốn biểu tượng giúp cho thể chế được trường tồn. Qua thực tế, chúng ta có thể nói rằng nền hành chánh ngày nay đã mất đi cái chức năng và ý nghĩa đó. Liệu có ai còn nói đến nền hành chính như là một mô hình tối ưu của sức mạnh công? Hãy nhìn và xem coi xung quanh chúng ta hiện nay cái mô hình này đang đi tới đâu. Có thể nói là thảm hại nhưng chúng ta chưa nhìn thấy cái mô hình nào sẽ thay thế nó! Đâu là mô hình thay thế? Đây chính là vấn đề đang được tranh luận tại nước Đức: sự phình to quá lớn và khiếm khuyết của Nhà nước đưa chúng ta đến sự sụp đổ của những tư tưởng lỗi thời của chủ nghĩa cộng sản và sự không chấp nhận quyền lực tuyệt đối của nhà nước./.
Thực hiện: Olivier Morel
Nguồn: “Max Weber - Entretien avec Dirk Kaesler”, Journal de la République des Lettres, 15.04.1996.
Chú
thích của người dịch: [*] “Max Weber - Entretien avec Dirk
Kaesler”. Journal de la République des
Lettres, 15-4-1996. http://www.republique-des-lettres.fr/211-max-weber.php [**] Giảng viên xã hội học, Đại học Mở TP.HCM
