PTKT: Đầu năm 2022, chúng tôi đã bước đầu giới thiệu cuốn Dictionnaire international Bourdieu tại đường dẫn này. PTKT sẽ dần dần đăng tiếp bản dịch nội dung công trình quan trọng này.
MỘT TỪ ĐIỂN QUỐC TẾ VỀ BOURDIEU ĐỂ LÀM GÌ?
![]() |
Liên ngành và quốc tế, cả về cách tiếp cận và các tác giả (nam và nữ) của nó, từ điển này theo đuổi cách tiếp cận kép, mang tính sư phạm và phản tư. Là một dẫn nhập vào xã hội học của Pierre Bourdieu, từ điển cũng nhằm mục đích đóng góp cho khoa học luận và lịch sử của khoa học nhân văn và xã hội. Thay vì cố định một diễn giải về một sự nghiệp phong phú mà các ấn phẩm còn tiếp tục xuất hiện, từ điển vẽ ra hiện trạng các tri thức, mở ra những con đường nghiên cứu cả về sự hình thành sự nghiệp của Bourdieu lẫn sự tiếp nhận nó, các trào lưu trí thức và các nhà nghiên cứu mà ông đã tương tác, các định chế mà ông đã tiếp xúc.
Thật vậy các mục liên quan đến các khái niệm, đối tượng nghiên cứu, phương pháp, nguyên tắc và trào lưu tư tưởng, hệ hình và lý thuyết mà Bourdieu phải đối mặt, các tác giả yêu thích của ông và các mối quan hệ của ông với những người đương thời, các tác phẩm của ông, các định chế mà ông đã gia nhập, các tạp chí, các ấn bản, các hiệp hội do ông thành lập, các sự kiện quan trọng như chiến tranh Algérie, biến cố tháng 5 năm 1968, các cuộc đình công năm 1995, cũng như các quốc gia chính tiếp nhận tác phẩm của ông (từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc và Nhật Bản thông qua Châu Mỹ Latin, thế giới Ả Rập và tất nhiên là các nước Châu Âu).
Các ghi chú kết hợp cách tiếp cận khái niệm với mục đích sư phạm, dành cho sinh viên và nhà nghiên cứu thuộc mọi ngành mong muốn khám phá môn xã hội học trên hoặc đào sâu kiến thức của họ về sự nghiệp và các cuộc thảo luận phê phán mà xã hội học này gây nên, với các yếu tố về tiểu sử, chẳng hạn như niềm đam mê của Bourdieu đối với bóng bầu dục hay khát vọng trở thành nhạc trưởng dàn nhạc thời trẻ của ông, mối quan hệ của ông với các giáo sư, các tập thể mà ông đã thành lập hoặc thậm chí cả những cam kết chính trị của ông.
![]() |
![]() |
Thông qua cách tiếp cận mang tính lịch sử xã hội của mình, tiếp nối cuộc điều tra (enquête) mà Bourdieu đã cống hiến cho lĩnh vực học thuật [Homo Academicus] và các công trình cá nhân và tập thể được thực hiện tại Trung tâm Xã hội học và Khoa học Chính trị Châu Âu theo cùng xu hướng [Heilbron, Lenoir và Sapiro 2004; Pinto, Sapiro và Champagne 2004], cuốn sách này khác vơi cuốn Dictionnaire Bourdieu (2010) xuất sắc của Stéphane Chevallier và Christiane Chauviré, một tác phẩm ngắn gọn hơn, tập trung vào các khái niệm chính và với công trình xuất sắc của Vocabulário Bourdieu (2017) ở Brazil. Việc xuất bản các bài giảng tại Collège de France, từ năm 2012, Sur l’État (Về Nhà nước), Manet. Une révolution symbolique. Une révolution symbolique (Manet. Một cuộc cách mạng mang tính biểu tượng), Sociologie générale (Xã hội học đại cương) 1 và 2 và Anthropologie économique (Nhân học kinh tế), trong đó Bourdieu thảo luận chi tiết hơn về các tác giả tham khảo và vạch rõ quan điểm trí tuệ của mình, cung cấp tài liệu cho các cập nhật và nghiên cứu chuyên sâu. Ngoài sự sinh thành xã hội của các khái niệm và nguồn gốc của chúng, những tác giả đóng góp cho từ điển còn được mời báo cáo, trong chừng mực có thể, sự phát triển của chúng trong sự nghiệp của ông, những lời phê bình, cũng như sự chiếm đoạt và sử dụng thực nghiệm các khái niệm, bởi chính Bourdieu cũng như bởi các nhà nghiên cứu trong nhóm của ông và xa hơn nữa, ở Pháp và trên toàn thế giới. Do hướng đến sự toàn diện là bất khả và chắc chắn là còn có thể tìm thấy những thiếu sót nhưng cách tiếp cận này ít nhất cũng có giá trị mở ra những câu hỏi và quan điểm cho nghiên cứu trong tương lai dựa trên hiện trạng của kiến thức. Được soạn thảo bởi các chuyên gia, các ghi chú cũng cung cấp, trong một số trường hợp nhất định, dữ liệu chưa được công bố, được lấy từ các kho lưu trữ hoặc các cuộc phỏng vấn.
Là một công cụ làm việc, từ điển bao gồm một thư mục đầy đủ về các ấn phẩm của Bourdieu và danh sách các công trình chính của người vẫn là nhà nghiên cúu khoa học xã hội được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, cũng như danh mục các tên riêng.
Các mục
Từ điển bao gồm 646 mục, trong đó có 48 mục trống, dẫn đến các mục khác. Danh sách đầy đủ ở cuối tập. Để có một cái nhìn khái quát về các mục đầu vào, chúng tôi sẽ phân loại chúng theo hạng mục: “khái niệm”, “con người”, “đối tượng và chủ đề”, “tác phẩm”, “địa điểm, định chế và tạp chí”, “trào lưu trí tuệ và hệ hình”, “quốc gia, khu vực và thành phố”, “phương pháp và cách tiếp cận”, “các ngành và các tiểu ngành”, “các sự kiện, thời điểm và thời kỳ”. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng những phạm trù này chỉ có giá trị biểu thị: một phong trào trí tuệ có thể được cấu thành như một ngành, một khái niệm thuộc về một cách tiếp cận; thường các định chế mà Bourdieu đã từng tham gia đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu; văn hóa và nghề nghiệp vừa là đối tượng vừa là lĩnh vực chuyên môn (xã hội học văn hóa và nghiên cứu văn hóa/cultural studies, xã hội học nghề nghiệp, v.v.). Việc bao phủ như vậy đương nhiên đã được tính đến trong các ghi chú.
Các khái niệm
Các “khái niệm” chiếm hơn một phần ba số ghi chú (213). Chúng bao gồm các khái niệm cơ bản của lý thuyết và các biến thể khác nhau của chúng: vốn (văn hóa, kinh tế, xã hội, biểu tượng, chính trị), tập tính (và tập tính tách biệt), trường (hàn lâm, quan liêu, sản xuất văn hóa, quyền lực, trí tuệ, báo chí, pháp lý, chính trị, tôn giáo, khoa học), illusio, nomos, chiến lược, bạo lực biểu tượng; nhưng cũng có những khái niệm ít đặc thù hơn mà Bourdieu đã định nghĩa lại (chẳng hạn như tác nhân, quyền tự chủ, chuẩn, phạm trù, giai tầng xã hội, sự công nhận, niềm tin, sự giáng cấp, sự phủ nhận, sự không vụ lợi, sự khác biệt hóa, sự thống trị, sự tương đồng, hiện tượng trễ hay quán tính, lợi ích, sự thừa nhận, khúc xạ, đào ngũ, sự hóa thể, v.v…); những khái niệm khác mà ông thỉnh thoảng mượn từ các tác giả cổ điển (hàng hóa cứu rỗi, conatus, sự thuần hóa của kẻ bị thống trị, sự hòa hợp được thiết lập sẵn, thứ bậc, v.v.), và cuối cùng là những khái niệm khác mà ông phải đối đầu để, ngược lại, tránh xa chúng (ví dụ: những phản ánh, chuẩn mực, dư luận, quy tắc, sự lừa phỉnh). Phần này cũng bao gồm các quy luật (quy luật bảo toàn năng lượng xã hội) hoặc các hiệu ứng mà nhà xã hội học đã khái niệm hóa: hiệu ứng đoàn thể, hiệu ứng Don Quichotte, hiệu ứng Gerschenkron, hiệu ứng Montesquieu, hay thậm chí là việc sử dụng thuật ngữ con quỷ Maxwell.
Con người
Những “con người”, những tác giả để lại dấu ấn trong tư duy của Bourdieu hay những nhà nghiên cứu là đồng tác giả cùng ông của một số tác phẩm, được đề cập trong 115 ghi chú:
36 triết gia: các tác giả kinh điển (Hegel, Hume, Kant, Leibniz, Nietzsche, Pascal, Platon, Rousseau, Spinoza), các nhà hiện tượng học (Husserl, Heidegger, Sartre), các triết gia về khoa học (Bachelard, Kuhn, Popper, Quine) và về ngôn ngữ (Austin, Cassirer, Goodman, Kripke, Searle, Wittgenstein), những bậc thầy của ông (Canguilhem, Gueroult, Merleau-Ponty, Vuillemin), và những người cùng thời với ông (Althusser, Bouveresse, Deleuze, Derrida, Foucault, Matheron) có quan hệ với ông, những người mà ông đã phải xác định lập trường đối với họ (Habermas, Rawls), hoặc những người đã xác định lập trường phê phán đối với ông (Rancière) hoặc những người đã phát triển một số khía cạnh của suy nghĩ của ông (Shusterman).
21 nhà xã hội học: ngoài các tác giả kinh điển, Durkheim, Schütz, Weber, còn có những người đương thời mà ông đã đối thoại hoặc ông đã định vị quan điểm đối với họ: Aron, Becker, Cicourel, Coleman, Crozier, Elias, Elster, Garfinkel, Goffman, Halbwachs, Lazarsfeld, Merton, Parsons, Stoetzel, cũng như các đồng tác giả với ông trong một số tác phẩm: Boltanski, Chamboredon, Sayad, Passeron (đặc biệt là những cộng tác viên thân thiết khác có trong ghi chú dành riêng cho Trung tâm Xã hội học Châu Âu).
15 nhà văn: bên cạnh những người nổi tiếng nhất như Baudelaire, Flaubert, Faulkner, Mallarmé, Woolf, những người mà ông đã từng nghiên cứu, còn có những tác giả mà ông thích trích dẫn như Bernhard, Dostoyevsky, Kafka, Kraus, Proust, và những người đã có trao đổi với ông, như Grass và Mammeri, hoặc những người mà sự nghiệp của ông đã có một ý nghĩa quyết định như Ernaux và Feraoun (những người khác được đề cập trong ghi chú Văn học).
6 nhà ngôn ngữ học (Benveniste, Bernstein, Chomsky, Encrevé, Labov, Saussure); 6 họa sĩ (Calder, Courbet, Duchamp, Manet, Le Douanier Rousseau, cũng như nghệ sĩ đương đại Haacke mà ông đã có cuộc “trao đổi tự do”); 4 nhà sử học (Anderson, Braudel, Duby, Skinner); 4 nhà sử học nghệ thuật (Baxandall, Francastel, Panofsky, Schücking); 4 đại diện Cultural Studies (Hoggart, E. P. Thompson, Williams, Willis); 4 nhà nhân học (Dumont, Lévi-Strauss, Mauss, Maget); 3 nhà tâm lý học và phân tâm học (Freud, Lewin, Piaget); 3 nhà kinh tế học (Gary Becker, Hirschman, Simiand); 2 nhà thống kê (Benzécri, Darbel); 2 nhà lý luận văn học (Barthes, Goldmann); 2 chính trị gia (diễn viên hài Coluche, Rocard); một nhà nghiên cứu lịch sử các văn bản (Bollack); một nhà làm phim (Godard) và một nhà soạn nhạc (Beethoven).
Danh sách trên rõ ràng không thể được coi là đầy đủ và có nhiều tác giả hoặc cộng tác viên khác được tìm thấy trong các ghi chú liên quan đến các trào lưu, bộ môn hoặc định chế. Có thể tìm tên họ bằng cách sử dụng mục lục ở cuối cuốn sách.
Đối tượng và chủ đề
Có 85 ghi chú liên quan đến “đối tượng và chủ đề nghiên cứu”. Giống như đối với các khái niệm, sẽ rất nhàm chán khi liệt kê đầy đủ. Chúng bao trùm các lĩnh vực hoạt động khác nhau của thế giới xã hội: giáo dục, văn hóa (nghệ thuật, văn học, âm nhạc, thời trang cao cấp, nhiếp ảnh, thể thao), kinh tế, chính trị, luật pháp, khoa học, cũng như các tổ chức của chúng (các Grandes Écoles [Trường Lớn], trường đại học, bảo tàng, sân khấu, ngành nghề, nghiệp đoàn) và các tác nhân xã hội thành viên (giới chủ nhân, công chức, giáo sư, bác sĩ, giám mục, linh mục, nhà tiên tri, nhà phê bình). Chúng ta cũng sẽ tìm thấy các mục liên quan đến các nhóm xã hội mà Bourdieu đã dành thời gian phân tích (giai cấp tư sản, tầng lớp trung lưu, giai cấp bình dân, nông dân, tiểu tư sản, vô sản, bần cố nông, trí thức, những kẻ sống phóng khoáng), các thể chế xã hội mà ông đã nghiên cứu như Nhà nước, thị trường, căn nhà, gia đình, quyền thừa kế và các hiện tượng như chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, cùng với một số chủ đề mà ông đôi khi đã nghiên cứu như tình yêu, hạnh phúc và tình dục.
Các tác phẩm
Các “tác phẩm” của Bourdieu được trình bày trong 41 ghi chú. Phần lớn trong số này là sách do Bourdieu xuất bản khi ông còn sống. Các ghi chú trình bày lại sự hình thành, bố cục (đặc biệt đối với các tuyển tập bài báo, hội nghị và phỏng vấn), cấu trúc và lập luận chính của những cuốn sách, các cuộc điều tra thực nghiệm được trình bày ở đó nếu có. Trong chừng mực có thể, các yếu tố liên quan đến việc tiếp nhận chúng ở Pháp và ở nước ngoài đều được trình bày (các phần bổ sung liên quan đến việc tiếp nhận quốc tế xuất hiện trong các ghi chú dành cho các quốc gia và việc chiếm hữu cũng được đề cập trong các phần dành riêng cho các khái niệm). Các tác phẩm được xuất bản sau khi ông qua đời dựa trên các bài giảng của ông tại Collège de France cũng là chủ đề của các mục.
Địa điểm, định chế, tạp chí
Hạng mục “địa điểm, định chế, tạp chí” (33 ghi chú) bao gồm các định chế mà ông đã từng tham gia như Lycée Louis-le-Grand, École des hautes études en sciences sociales, Maison des Sciences de l'homme và Collège de France và cả các định chế ông đã nghiên cứu. Bourdieu thường lấy những định chế đầu làm chủ đề (ví dụ các lớp chuẩn bị thi tuyển khoa văn (khâgne) vào École Normale Supérieure (ENS) [Trường Sư Phạm Cao Cấp], các ghi chú đề cập đến cả hai khía cạnh. Mục này cũng bao gồm các định chế khác mà Bourdieu đã từng hợp tác, chẳng hạn như Institut national de la Statistique et des études économiques (INSEE) [Viện Thống kê Quốc gia và Nghiên cứu Kinh tế (INSEE)] và École nationale de la statistique et de l’administration économique (ENSAE) [Trường Quốc gia Thống kê và Quản lý Kinh tế (ENSAE)]
Các ghi chú cũng đề cập đến các tạp chí do ông thành lập và chỉ đạo: các tạp chí Actes de la recherche en Sciences Sociales và Liber, các tủ sách “Le sens commun” và “Liber”, nhà xuất bản Raisons d’agir; đến các trung tâm nghiên cứu do ông lãnh đạo (Centre de sociologie européenne [Trung tâm Xã hội học Châu Âu (CSE)] và Centre de sociologie de l’éducation et de la culture [Trung tâm Xã hội học Giáo dục và Văn hóa (CSEC)]); và các tổ chức hoạt động mà ông đồng sáng lập hoặc tham gia: Association de réflexion sur les enseignements supérieurs et la recherche (ARESER) [Hiệp hội Phản ánh về Giáo dục Đại học và Nghiên cứu (ARESER)], Comité international de soutien aux intellectuels algériens (CISIA) [Ủy ban Quốc tế Hỗ trợ Trí thức Algérie (CISIA)], Nghị viện Nhà văn Quốc tế, Raisons d’agir [(Hiệp hội)].
Chúng ta cũng sẽ tìm thấy các mục về các nhà xuất bản mà ông làm việc thường xuyên (Éditions de Minuit và Le Seuil), về các tạp chí khác nơi ông từng xuất bản (L'Année sociologique, Études rurales, Revue française de sociologie, Les Temps Modernes, Theory and Society), hoặc đã đóng một vai trò nào đó trong hành trình của ông (Critique, Esprit), cũng như trên các tạp chí định kỳ mà ông trả lời phỏng vấn và đã liệt kê các tác phẩm của ông (Les Inrockuptibles, Libération, Le Monde, Le Monde diplomatique, Le Nouvel Observateur).
Các trào lưu trí tuệ và các hệ hình
“Các trào lưu trí tuệ và các hệ hình” đã truyền cảm hứng cho Bourdieu hoặc đã khiến Bourdieu phải đối phó được phân tích trong 30 ghi chú. Chúng bao gồm từ chủ nghĩa kinh viện đến chủ nghĩa Mác và cấu trúc luận, và cả hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa phản nhân văn, lý thuyết phê phán. Sự định vị về mặt khoa học luận của ông cũng được đề cập, trong nỗ lực vượt qua sự đối lập giữa chủ nghĩa kiến tạo và chủ nghĩa hiện thực, đồng thời bảo vệ chủ nghĩa duy lý đối lập với tính tương đối và phê phán của chủ nghĩa thực chứng. Tuy không phải là duy tâm, lý thuyết của ông không thể bị quy giản thành chủ nghĩa duy vật. Cấu trúc luận phát sinh được xem là gắn với lý thuyết của ông dựa trên cách tiếp cận mang tính quan hệ nhằm khắc phục sự đối lập giữa chủ nghĩa khách quan và chủ nghĩa chủ quan; định hướng này đối lập nó với hành vi luận, chức năng luận, tương tác luận, phương pháp luận dân dã, chủ nghĩa thực dụng, cũng như lý thuyết lựa chọn duy lý. Đóng góp của ông cho nghiên cứu về giới và những cuộc tranh luận mà đóng góp này gây ra cũng là chủ đề của một ghi chú. Mang tính phê phán, xã hội học của ông cũng mang tính phản tư.
Các quốc gia, vùng và thành phố
Hạng mục “quốc gia, vùng và thành phố” (28 ghi chú) bao gồm cả các quốc gia và vùng mà Bourdieu đã nghiên cứu như Algérie, Kabylie, hoặc những nơi ông quan tâm như Afghanistan, cũng như những nơi mà tác phẩm của ông được đón nhận và chiếm hữu, và những nơi mà ông đã có thể đưa ra những phân tích độc đáo: Đức, Anh (Vương quốc Anh), Argentine, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Hungary, Israel, Ý, Nhật Bản, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Nga, Thụy Điển, Tiệp Khắc, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như toàn bộ thế giới Ả Rập.
Phương pháp và cách tiếp cận
“Các phương pháp và cách tiếp cận” (27 ghi chú) liên quan đến những phương pháp và cách tiếp cận được Bourdieu ưa thích – phỏng vấn, quan sát, bảng câu hỏi, quỹ đạo, nghiên cứu thông tin tiểu sử phân tích các tương ứng, sinh thành xã hội, quan hệ giữa tính lịch đại và tính đồng đại, cách tiếp cận tôpô, quy chế của các chuyên khảo – và cả sự định vị của ông liên quan đến các phương pháp như sự hồi quy hoặc phân tích mạng. Chúng bao gồm quan niệm của ông về quyết định luận, so sánh luận, sự lịch sử hóa, thống kê và phương pháp luận, cũng như các bước để tạo ra sự đoạn tuyệt mang tính khoa học luận, để xây dựng đối tượng, cuộc điều tra, tiến trình khách quan hóa, cách ông sử dụng các mô hình và loại hình lý tưởng, cũng như các sai sót và lệch lạc mà ông đã xác định (sự lệch hướng kinh viện, chủ nghĩa vị chủng, sự cố chấp pháp lý.
Các ngành và các tiểu ngành
Mối quan hệ của Bourdieu với “các ngành và các tiểu ngành” của khoa học nhân văn và sự đóng góp của ông cho từng ngành được thảo luận trong các ghi chú dành cho các lĩnh vực này (19 ghi chú): xã hội học, triết học, nhân học, ngôn ngữ học, sử học, lịch sử nghệ thuật, khoa học chính trị, địa lý học, tâm lý học, phân tâm học. Một số liên quan đến các tiểu ngành như xã hội học lịch sử hoặc khoa học luận, các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học/sciences studies, các xu hướng như nghiên cứu văn hóa/cultural studies đã được định chế hóa (những lĩnh vực khác sẽ được tìm thấy trong các ghi chú về giáo dục, nghề nghiệp, văn học và trí thức).
Lịch sử xã hội ở đây được đề cập như là một cách tiếp cận được Bourdieu chủ trương, trong khi lịch sử xã hội của các ngành khoa học xã hội là một chuyên ngành mà ông đã giúp phát triển. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn được coi như là một tổng thể cũng là đối tượng của một ghi chú. Một ghi chú khác được dành cho các nhà sử học, những người mà ông đã đối thoại nhiều ở Pháp và nước ngoài, do chiều kích lịch sử vốn có trong cách tiếp cận của ông.
Sự kiện, khoảnh khắc và thời kỳ
Hang mục “các sự kiện, khoảnh khắc và thời kỳ” (7) một mặt liên quan đến các tình tiết tiểu sử quan trọng, chẳng hạn như kinh nghiệm của ông về cuộc chiến tranh Algérie, đã dẫn đến việc ông chuyển đổi từ triết học sang dân tộc học, các cuộc biểu tình tháng 5 năm 68, sự tham gia của ông trong cuộc đình công năm 1995, một phân tích về cách truyền thông đưa tin về cái chết của ông; mặt khác, việc xử lý các thời kỳ như Thời Cổ đại, Trung cổ và Phục hưng trong một sự nghiệp xã hội học tập trung vào thời kỳ đương đại.
Một dự án tập thể và quốc tế
Tập sách này tập hợp sự đóng góp của các chuyên gia về Bourdieu giỏi nhất trên thế giới. 126 tác giả đến từ 20 quốc gia. Họ thuộc về bốn thế hệ nhà nghiên cứu. Một số người trong số họ, cũng là thành viên của ủy ban khoa học, đã làm việc trực tiếp với Bourdieu từ những năm 1960-1970, một số khác là học trò hoặc cộng tác viên của ông trong những năm 1980 và 1990, một số là học trò của học trò của ông, hoặc các nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh tiến sĩ xã hội học quan tâm đến sự nghiệp của Bourdieu, một số khác đến từ các ngành lân cận (nhân học, nghiên cứu văn học, sử học, ngôn ngữ học, triết học, khoa học chính trị), quan tâm đến một số khía cạnh nhất định của sự nghiệp mà không thuộc nhóm cộng tác viên.
Một nửa số ghi chú được soạn thảo bởi các thành viên trong nhóm biên tập, những người cũng đã lập danh sách các ghi chú và bởi một số thành viên của ủy ban khoa học. Đọc lại, thảo luận, bổ sung cho nhau, họ đã tạo thành một “trí thức tập thể” thực sự cho dự án này, theo một công thức mà Bourdieu yêu thích.
Hướng dẫn sử dụng từ điển
Tham chiếu
Từ điển bao gồm hai thư mục:
• danh sách các ấn phẩm của Pierre Bourdieu, các tác phẩm (bao gồm cả các tuyển tập xuất bản bằng tiếng nước ngoài) và các ấn phẩm khác (bài báo, chương sách, phỏng vấn, báo cáo, báo cáo quay rônéô),
• một danh sách (không đầy đủ) các tác phẩm về ông và tác phẩm của ông bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và một số tài liệu tham khảo bằng tiếng Đức và tiếng Ý (chủ yếu được trích dẫn trong cuốn sách).
Trong các ghi chú, các tham chiếu đến tác phẩm của Bourdieu, dẫn đến thư mục các ấn phẩm của ông, thuộc hai loại:
- tác phẩm: tiêu đề chính xuất hiện lần đầu sau đó được viết tắt [Méditations pascaliennes] à [MP],
- bài viết: [PB 1971a].
Các tài liệu tham khảo đặc thù của ghi chú được chỉ rõ ở cuối mỗi ghi chú. Những tài liệu tham khảo không có ở đó có thể tìm thấy trong danh sách các ấn phẩm về Bourdieu ở cuối từ điển.
Lưu ý: Trong phần tài liệu tham khảo, tạp chí Actes de la recherche en Sciences Sociales được đề cập bằng cụm từ viết tắt: ARSS.
Trích dẫn
Các phân trang đề cập đến các ấn bản mới nhất (và do đó là các ấn bản bỏ túi nếu có) và các bản dịch sang tiếng Pháp nếu chúng có.
Trừ khi có chỉ định khác, chính tác giả bài viết nhấn mạnh.
Dấu dẫn
Ở cuối mỗi ghi chú có danh sách các dấu dẫn đến các mục khác được nêu lên trong ghi chú được đề cập.
Mục lục
Từ điển bao gồm danh mục các tên riêng được đề cập trong các ghi chú (ngoài các tài liệu tham khảo thư mục).
Gisèle Sapiro
cùng với ban biên tập: François Denord, Julien Duval, Mathieu Hauchecorne, Johan Heilbron, Franck Poupeau và Hélène Seiler
Thư mục
P. BOURDIEU, (1958), Sociologie de l’Algérie, Paris, PUF, “Que sais-je”, rééd. 1960, 2001
P. BOURDIEU, (1963), Travail et travailleurs en Algérie (avec A. Darbel, J.-P. Rivet et C. Seibel), Paris, La Haye, Mouton.
P. BOURDIEU, (1964), Le Déracinement. La crise de l’agriculture traditionnelle en Algérie (avec A. Sayad), Paris, Minuit.
P. BOURDIEU, (1964), Les Héritiers. Les étudiants et la culture (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.
P. BOURDIEU, (1965), Un art moyen. Essai sur les usages sociaux de la photographie (avec L. Boltanski, R. Castel et J.-C. Chamboredon), Paris, Minuit.
P. BOURDIEU, (1966), L’Amour de l’art. Les musées d’art européens et leur public (avec A. Darbel), Paris, Minuit.
P. BOURDIEU, (1992), Les Règles de l’art. Genèse et structure du champ littéraire, Paris, Seuil, rééd. “Points” 1998, 2015.
P. BOURDIEU, (1970), La Reproduction. Éléments pour une théorie du système d’enseignement (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.
P. BOURDIEU, (1972), Esquisse d’une théorie de la pratique. Précédée de trois études d’ethnologie kabyle, Genève, Droz, rééd. Paris, Seuil, “Points”, 2000.
P. BOURDIEU, (1977), Algérie 60. Structures économiques et structures temporelles, Paris, Minuit.
P. BOURDIEU, (1979), La Distinction. Critique sociale du jugement, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une introduction, 1982.
P. BOURDIEU, (1980), Le Sens pratique, Paris, Minuit, rééd. 1989.
P. BOURDIEU, (1980), Ce que parler veut dire, Paris, Minuit, rééd. 1989.
P. BOURDIEU, (1980), Questions de sociologie, Paris, Minuit, rééd. 2002.
P. BOURDIEU, (1984), Homo academicus, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une postface, 1992.
P. BOURDIEU, (1989), La Noblesse d’État. Grandes Écoles et esprit de corps, Paris, Minuit.
P. BOURDIEU, (1996), Sur la télévision, Paris, Raisons d’agir.
P. BOURDIEU, (1998), Contre-feux 1. Propos pour servir à la résistance contre l’invasion néolibérale, Paris, Raisons d’agir.
P. BOURDIEU, (2000), Les Structures sociales de l’économie, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2014.
P. BOURDIEU, (2001), Science de la science et réflexivité. Cours du Collège de France 2000-2001, Paris, Raisons d’agir.
P. BOURDIEU, (2001), Contre-feux 2. Propos pour servir à la résistance contre l’invasion néolibérale, Paris, Raisons d’agir.
P. BOURDIEU, (2004), Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.
P. BOURDIEU, (2012), Sur l’État. Cours au Collège de France, 1989-1992, Paris, Raisons d’agir/Seuil.
P. BOURDIEU, (2013), Manet. Une révolution symbolique. Cours au Collège de France, 1998-2000, suivis d’un manuscrit inachevé de Pierre et Marie-Claire Bourdieu, éd. établie par P. Casanova, P. Champagne, C. Charle, F. Poupeau et M.-C. Rivière, Paris, Raisons d’agir/Seuil.
P. BOURDIEU, (2015), Sociologie générale, vol. 1, éd. établie par P. Champagne, J. Duval, F. Poupeau et al., Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.
P. BOURDIEU, (2016), Sociologie générale, vol. 2, éd. établie par P. Champagne et J. Duval, avec la collaboration de F. Poupeau et M.-C. Rivière, Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.
P. BOURDIEU, (2017), Anthropologie économique. Cours au Collège de France, 1992-1993, éd. établie par P. Champagne et J. Duval, avec la collaboration de F. Poupeau et M.-C. Rivière; postface de R. Boyer, Paris, Raisons d’agir/Seuil.
CHAUVIRÉ C. et S. CHEVALLIER (dir.), 2010, Dictionnaire Bourdieu, Paris, Ellipses.
J. HEILBRON, R. LENOIR et G. SAPIRO (dir.), Pour une histoire des sciences sociales. Hommage à Pierre Bourdieu, Paris, Fayard
L. PINTO, G. SAPIRO et P. CHAMPAGNE, Pierre Bourdieu, sociologue, Paris, Fayard.
b) Bài viết tiếng Pháp
[1972d] “L’opinion publique n’existe pas”, Les Temps Modernes, no 318, p. 1292-1309.
[1975e] “La spécificité du champ scientifique et les conditions sociales du progrès de la raison”, Sociologie et sociétés, vol. 7, no 1, p. 91-118.
[1976a] “Le sens pratique”, ARSS, no 1, p. 43-86.
[1976c] “Le champ scientifique”, ARSS, no 2-3, p. 88-104.
[1977e] “Sur le pouvoir symbolique”, Annales. Économies, Sociétés, Civilisations, vol. 32, no 3, p. 405-411.
[1980a] “Le capital social. Notes provisoires”, ARSS, no 31, p. 2-3.
[1981a] “La représentation politique. Éléments pour une théorie du champ politique”, ARSS, no 36-37, p. 3-24.
[2013a] “Séminaires sur le concept de champ, 1972-1975”, ARSS, no 200, p. 4-37.
c) Sách tiếng Anh
“An antinomy in the notion of collective protest”, in A. FOXLEY, M. S. MCPHERSON et G. O’DONNELL (éd.), Development, democracy and the art of trespassing: essays in the honor of Albert O. Hirschman, Notre Dame (Indiana), University of Notre Dame Press, p. 301-302. (Traduit en français in P. Bourdieu, Propos sur le champ politique, Lyon, PUL, 2000, p. 89-91.) |
Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, Paris, CNRS Éditions, 2000.
* * *
ACTES DE LA RECHERCHE EN SCIENCES SOCIALES
[KỈ YẾU NGHIÊN CỨU CÁC KHOA HỌC XÃ HỘI]
Năm 1975 Pierre Bourdieu và các thành viên của Trung tâm xã hội học châu Âu (CSE) thành lập tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales lúc ban đầu ra mắt với nhịp độ từ 5 đến 6 số mỗi năm trước khi chuyển sáng nhịp độ một số mỗi ba tháng kể từ năm 1980. Việc sáng lập tạp chí đáp ứng mong ước có một nơi để công bố các công trình, “thoát khỏi những ràng buộc của Nhà nước và thị trường” [PB 1975a: 336] và chắc chắn một phần là do trong nửa đầu những năm 1970, các nhà nghiên cứu tập hợp chung quanh Bourdieu công bố rất nhiều trong các tạp chí hàn lâm (đặc biệt là Revue française de sociologie), đến mức chiếm một chỗ chắc chắn quan trọng hơn vị trí mà những trào lưu xã hội học khác muốn dành cho họ. Tuy nhiên Actes de la recherche en sciences sociales không được quan niệm như “tạp chí của một trường phái”. Nó kết hợp những ý định về một ấn phẩm tiên phong và ở trình độ khoa học cao. Không loại trừ khả năng là Bourdieu, từng trải qua niên khóa 1972-1973 ở Institute for Advanced Study tại Princeton, đã thiết kế tạp chí một phần như một “sự chống trả trước tu từ học của establishment (giới quyền uy – ND) Mĩ” [Wacquant 2014: 9].
Một cách không tách biệt, tạp chí nhắm đến một kiểu ấn phẩm mới về các khoa học xã hội, khác với kiểu mà những tạp chí cạnh tranh với nó là đại diện: ngoài Revue française de sociologie, còn có Archives européennes de sociologie hay L’Homme. Một bài viết ngắn trong số đầu tiên khẳng định quyết tâm đoạn tuyệt này. Tạp chí muốn xuất bản “những văn bản khác một cách sâu sắc về mặt văn phong và chức năng”, từ những bài “hoàn chỉnh” như các nơi khác vẫn làm cho đến những ghi chép ngắn, những “văn bản làm việc” “mở cửa tiếp cận công trường [nghiên cứu]”. Vấn đề cũng là thoát ra khỏi các “chủ nghĩa hình thức”, những “kiểm duyệt, xảo thuật và đồi bại mà nỗi lo tuân thủ các quy ước và giọng điệu phải đạo của trường hàn lâm sản sinh ra”. Né tránh sự khô khan thông thường của các tạp chí khoa học, ấn phẩm khổ A4 chọn mẫu truyện tranh (đặc biệt tạp chí được sự cộng tác của họa sĩ tranh hoạt họa Jean-Claude Mézières) và đi cùng với văn bản các bài viết là nhiều tài liệu. Những hình ảnh, trích dẫn các cuộc đàm thoại, đoạn văn được đóng khung nhằm thể hiện “thực tế” của những đối tượng được các nhà nghiên cứu đề cập chống lại việc không hiển thị thực tại vốn thường đi cùng diễn ngôn của giới đại học cũng như để những độc giả không thuộc giới hàn lâm nhưng quan tâm đến các khoa học xã hội tiếp cận dễ dàng hơn những phân tích và nội dung trong thân bài viết. Tính uyển chuyển mới mà các kĩ thuật sắp chữ có được cho phép một sự trình bày sáng tạo, phù hợp với đòi hỏi của mỗi bài viết. Những chủ đề vốn bình thường có những đối tượng độc giả khác nhau có thể có mặt trong cùng một số tạp chí, như những quan sát về nông dân trên bãi biển và một phân tích về Flaubert [Grignon 1976]. Như vậy Actes de la recherche en sciences sociales tạo được cho mình một chỗ đứng nằm giữa tạp chí khoa học truyền thống, tạp chí trí thức và những ấn phẩm hướng đến công chúng có văn hóa và/có hoạt động, với tới rộng rãi bạn đọc. Trong những năm 1990, nhiều lần số tạp chí bán được đạt đến 20.000 bản [Wacquant 2000].
Thuở ban đầu, tạp chí được làm một cách thủ công bởi chính các nhà nghiên cứu và nhân lực của Maison des sciences de l’homme, và những số đầu tiên là đặc biệt sáng tạo [Boltanski 2008]. Tạp chí từ chối chính sách “những tên tuổi lớn”, cũng như những bài thuần túy lí thuyết hay thuần túy phương pháp luận. Tạp chí không nêu tên đơn vị công tác của các tác giả và chủ yếu công bố bài của những nhà nghiên cứu trẻ, ưu tiên những bài có quan niệm khắt khe về nghiên cứu thực nghiệm và phân tích lí thuyết. Dọc theo những số đấu tiên dần hình thành những loại bài khá mới. Có những bài dài với nhiều tài liệu về những đối tượng thực nghiệm bất ngờ để đặt những vấn đề nhiều tham vọng (phân tích thời trang cao cấp như một sự thử thách lí thuyết nhân học về sức quyến rũ của phép thuật) hay, ngược lại, đề cập những đối tượng đáng kính với những ý đồ không trọng truyền thống (chẳng hạn một bài về Heidegger đi kèm với những tấm ảnh của triết gia đang nghỉ hè hay trong gia đình). Những văn bản ngắn hơn có tính luận chiến hay cương lĩnh hơn cũng được xuất bản, cũng như những bài, ngắn dài khác nhau, đề xuất những phân tích được thiết kế chặt chẽ từ dữ liệu thực nghiệm nhỏ nhưng có chọn lọc (phỏng vấn một người nhập cư, cảnh đám cưới, quan sát nông dân trên bãi biển, v.v.). Nếu các đóng góp của những thành viên CSE là tâm điểm của tạp chí thì đã có một sự đa dạng hóa ngay từ số cuối của năm 1975 mà chủ đề là “phê phán diễn ngôn uyên bác” đã có sự tham gia của những nhà nghiên cứu nằm ngoài CSE, đặc biệt là các thành viên của École des hautes études en sciences sociales (EHESS) hay các đồng môn ngày xưa của Bourdieu ở École normale supérieure (ENS), góp phần làm cho tạp chí thành một ấn phẩm liên ngành, nơi gặp gỡ của các nhà sử học, ngôn ngữ học và thỉnh thoảng của những nhà nhân học, triết học hay kinh tế học. Năm 1976, việc công bố một bài của Jack Goody đánh dấu sự khởi đầu của chính sách dịch thuật những nhà bác học nước ngoài còn chưa được biết nhiều ở Pháp (đặc biệt sau đó là những bản dịch Elias, Thompson, Goffman, Schorske, Baxandall, Cicourel, v.v.). Tạp chí cũng đôi lúc xuất bản những cuộc phỏng vấn hay những ghi chép nghiên cứu.
Từ năm 1975 đến năm 2002, Actes de la recherche en sciences sociales, cũng giống như khuôn mẫu và hình thức bề ngoài của nó, biến hóa. Tạp chí loại bỏ một phần tính chất thủ công và những vay mượn từ truyện tranh. Ngay từ năm 1977, tạp chí do NXB Minuit phân phối, rồi chuyển sang hoạt động theo chủ đề: mỗi số được xây dựng chung quanh một vấn đề mà các bài viết góp phần soi sáng bằng những góc độ khác nhau và bổ sung cho nhau: “các giai tầng-thách thức”, “ảo tưởng tiểu sử”, “quyền lực của câu chữ”, “các chiến lược tái sản sinh”, “không gian của thể thao”, “nam/nữ” … Còn có thể nêu những số được thiết lập chung quanh một vấn đề thời sự (“Và nếu ta nói về Afghanistan?”) hay loạt các số những cách đặt vấn đề lịch sử nghệ thuật hay khoa học chính trị. Vào đầu những năm 1990, Bourdieu thay công ty xuất bản và kí hợp đồng với NXB Seuil, mang về cho nhà xuất bản này Actes de la recherche en sciences sociales, và vào năm 1994 tạp chí chọn bìa màu đỏ được giữ cho đến năm 2003. Theo dòng những diễn tiến này, một số đặc điểm ban đầu tạp chí trở nên mờ nhạt hơn. Càng hiếm có những bài viết rất dài, cùng với những ghi chép cực ngắn và có ít các tài liệu, dù cho không bao giờ biến mất. Chắc chắn là tạp chí đã không thoát khỏi một hình thức chuyên môn hóa. Thành công của tạp chí, kết hợp với sự quan tâm của công chúng đối với các công trình của Bourdieu, cũng tạo điều kiện, kể từ cuối những năm 1980, cho sự ra đời của những tạp chí, như Politix hay Genèses, lấy lại một số đặc điểm đổi mới của tạp chí.
Từ khi thành lập cho đến năm 2002, tạp chí tiếp tục phổ biến những nghiên cứu của Bourdieu và của những học giả tập hợp chung quanh ông, thường trước khi các cuốn sách được xuất bản. Tuy nhiên tạp chí ngày càng trở thành nơi công bố những công trình cho một số lớn nhà nghiên cứu Pháp và nước ngoài mà, tuy ở bên ngoài CSE, lấy cảm hứng, ở những cương vị khác nhau, từ xã hội học Bourdieu. Những trách nhiệm do Bourdieu đảm nhận trong các định chế vào những năm 1990 và 2000 cũng góp phần làm tạp chí thành nơi thể hiện của một “học hiệu vô hình” rất rộng lớn bao gồm những nhà bác học rất nổi tiếng (như Carl E. Schorske, Robert Darnton, Jacques Gernet, Eric Hobsbawm hay Amartya Sen trong số 100) và mang đậm nét quốc tế. Song song đó, sự nổi lên của những lĩnh vực nghiên cứu mới cũng như bối cảnh chính trị, dẫn tạp chí đến việc khai phá những chủ đề mới: “Những mưu mẹo của lí tính đế quốc chủ nghĩa”, “Từ nhà nước xã hội đến Nhà nước hình sự”, “Những hình thái thống trị mới trong lao động”, “Về tính dục”, v.v.. Bourdieu lãnh đạo tạp chí cho đến khi mất vào tháng giêng năm 2002, và thay thế ông là một ê-kíp ban biên tập, với giám đốc là Maurice Aymard.
Julien Duval
Giám đốc nghiên cứu CNRS (CESSP)
📖 BOLTANSKI L., 2008, Rendre la réalité inacceptable, Paris, Demopolis. – GRIGNON C., 1976, “Une revue expérimentale française: Actes de la recherche en sciences sociales”, Revue internationale des sciences sociales, vol. 28, no 1, p. 223-228. – WACQUANT L., 2000, “A sociological workshop in action: Actes de la recherche en sciences sociales”, in L. D. KRITZMAN (dir.), The Columbia History of twentieth-century French thought, New York, Columbia University Press, p. 683-685. – WACQUANT L., 2014, “À la porte de l’atelier sociologique”, in P. BOURDIEU et L. WACQUANT, Invitation à la sociologie réflexive, Paris, Seuil, p. 7-19.
☛ ACADÉMISME, AFGHANISTAN, BANDE DESSINÉE, BAXANDALL, CENSURE, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CHAMP ACADÉMIQUE, CICOUREL, CLASSE(S) SOCIALE(S), DÉCÈS, DISCOURS, DOMINATION, ÉCOLE DES HAUTES ÉTUDES EN SCIENCES SOCIALES, ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, ELIAS, ÉTAT, FLAUBERT, GENRE, GOFFMAN, HAUTE COUTURE, HEIDEGGER, HISTOIRE DE L’ART, LIBER, MAISON DES SCIENCES DE L’HOMME, MÉTHODOLOGIE, MINUIT, REVUE FRANÇAISE DE SOCIOLOGIE, RUSE DE LA RAISON, SCIENCE POLITIQUE, SCIENCES HUMAINES ET SOCIALES, SEUIL, SPORT(S), STRATÉGIE(S), THOMPSON, TRADUCTION, TRAVAIL
Thư mục:
[PB 1975a] [présentation du numéro, sans titre], ARSS, no 1, p. 2-3.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, CNRS Éditions, Paris, 2020.
